Vai trò của các tổ chức xã hội trong Hiệp định VPA/FLEGT
29/05/2017 - 00:00
TĐKT - Ngày 27/5, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong Hiệp định VPA/FLEGT: tiến trình đàm phán và định hướng kế hoạch tiếp theo”.

Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) (gọi tắt là VPA/FLEGT) do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất. Đây là Hiệp định thương mại song phương ký giữa EU với quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Mục đích của đàm phán Hiệp định VPA là hai bên đạt được một thỏa thuận hợp tác, tăng cường gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU có nguồn gốc hợp pháp, thông qua quy trình cấp giấy phép FLEGT của Việt Nam; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU.

Active Image

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trương Minh Hoàng phát biểu tại Hội thảo

Liên minh Châu Âu coi trọng vai trò và sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các cộng đồng người dân địa phương sống phụ thuộc vào rừng và tài nguyên rừng và đòi hỏi vai trò và quyền lợi của các đối tượng này cần phải được tăng cường. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đều thừa nhận trong tiến trình đàm phán, vai trò của các tổ chức xã hội rất quan trọng để tạo sự đồng thuận trong xã hội, dự báo được tác động tiêu cực, đề xuất các biện pháp giảm thiểu. 

Để làm tốt vai trò của mình trong tiến trình đàm phán, theo một số chuyên gia, các tổ chức Việt Nam cần có đủ năng lực, thông tin và nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó các tổ chức này cũng phải phối hợp chặt chẽ với nhau để tăng tính hiệp lực và hiệu quả, nên xây dựng cơ chế điều phối giữa các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực FLEGT.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trương Minh Hoàng cho biết: phải có cơ chế giám sát minh bạch và sự tham gia của các bên liên quan. Hiện nay có 61 thành viên thuộc mạng lưới VNGO-FLEGT. Trong những năm qua, các thành viên đã được tập huấn, nâng cao hiểu biết về lâm nghiệp, luật thương mại quốc tế, khuôn khổ hợp tác đa phương… 

Hồng Thiết