Kinh tế

Vissan kỷ niệm 50 năm thành lập công ty

TĐKT - Ngày 18/11, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập công ty (20/11/1970 - 20/11/2020) với chủ đề “Vissan 50 năm sáng mãi thương hiệu Việt”.   Ông Nguyễn Văn An, Tổng Giám đốc công ty Vissan phát biểu khai mạc Ngày 20/11/1970, hành trình của Vissan khởi đầu từ lò sát sinh Tân Tiến Đô Thành với khát vọng dẫn lối tiên phong, đặt nền móng đầu tiên cho ngành công nghiệp giết mổ gia súc, chế biến thịt hiện đại nhất tại Việt Nam. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, từ năng lực tài chính, đến cơ sở vật chất và sức ép cạnh tranh của thị trường nhưng Vissan đã vượt qua từng bước để khẳng định thương hiệu và vị thế của mình, góp phần vào sự thành công và phát triển của công ty. Chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, công ty Vissan đã trải qua các cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi cơ bản về cơ chế hoạt động, nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển kinh tế của đất nước cùng sự đồng thuận của toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty, vượt qua mọi khó khăn đưa công ty ngày càng phát triển. Trong suốt hành trình 50 năm, Vissan không ngừng theo đuổi sứ mệnh của mình để cung ứng cho thị trường những sản phẩm thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến an toàn, chất lượng, dinh dưỡng; không ngừng nâng cao, cải tiến kỹ thuật để có được những sản phẩm tốt nhất, mang đến sự hài lòng cho cộng đồng và xã hội.   Chủ tịch HĐQT và Ban Điều hành công ty Vissan Cho đến nay, Vissan tự hào là một trong những thương hiệu thực phẩm hàng đầu Việt Nam, là một điểm sáng trong việc triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu kinh tế -  xã hội của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Công ty đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý. Với tầm nhìn chiến lược trở thành thương hiệu thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam và vươn tầm quốc tế, trong thời gian tới, công ty Vissan xác định những chiến lược trọng tâm tiếp theo với các tiêu chí, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, vững vàng trước mọi thử thách, vun đắp thương hiệu Việt, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Để làm được điều này, công ty sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm với quy mô lớn tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, tiếp tục phát triển kênh phân phối, xây dựng vùng chăn nuôi gia súc chất lượng cao, có thể truy xuất nguồn gốc để tăng cường kiểm soát được vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm cho toàn bộ sản phẩm của công ty. Xuân Phúc  

PEGA triển khai chương trình tri ân khách hàng nhân kỷ niệm 8 năm thành lập

TĐKT - Công ty CP xe điện PEGA vừa triển khai chương trình ưu đãi “8 năm đồng hành và gắn kết - trao ngàn quà tặng” dành cho khách hàng yêu quý và ủng hộ PEGA trong những năm vừa qua. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động và ưu đãi tri ân khách hàng nhân kỷ niệm 8 năm thành lập Công ty CP xe điện PEGA (12/12/2012 - 12/12/2020). Tổng giá trị ưu đãi lên tới 240 tỷ đồng Theo đó, khách hàng mua xe ga điện PEGA-S sẽ được giảm trực tiếp 8 triệu đồng trên giá bán lẻ niêm yết 38,9 triệu đồng, chỉ còn 30,9 triệu đồng, bao gồm đầy đủ VAT, bình điện. Chương trình được áp dụng trên toàn quốc, từ ngày 22/11/2020 đến ngày 11/02/2021. Số lượng khuyến mãi: 30.000 xe. Tổng giá trị ưu đãi: 240 tỷ đồng. “Qua 8 năm hình thành và phát triển, chúng tôi không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm xe điện về cả kiểu dáng và chất lượng để khách hàng được trải nghiệm những chiếc xe điện đẹp nhất, tiết kiệm nhất, hoàn hảo nhất. Với chương trình ưu đãi nhân dịp 8 năm PEGA ra đời, chúng tôi mong muốn khách hàng được sở hữu siêu phẩm xe ga điện số 1 - PEGA-S với mức giá ưu đãi. Một chiếc xe sang cùng những thông số chất lượng, mức giá hời chắc chắn sẽ món quà tri ân mà PEGA muốn dành tặng khách hàng thân yêu.” - Đại diện của PEGA cho biết. PEGA-S là sản phẩm xe điện cao cấp nhất của hãng PEGA, xe có kiểu dáng sang trọng, bắt mắt cùng kích thước to lớn tương tự các dòng xe ga xăng phân khúc 70 - 80 triệu đồng. PEGA-S được trang bị động cơ PMSM cho công suất cực đại 4.000W và mô-men xoắn 140 Nm. Động cơ PMSM được trang bị nam châm vĩnh cửu tiết kiệm năng lượng đến 10% và chống nước đạt tiêu chuẩn IP67 có thể kháng nước ở độ sâu 0,5m trong thời gian 30 phút. Xe sử dụng ắc quy khô, dung lượng 32Ah, điện áp tiêu chuẩn 72v, tuổi thọ ắc quy từ 4 - 5 năm, tầm hoạt động của xe đạt 120km sau mỗi lần sạc đầy 8 tiếng. Xe có thể tăng tốc trong 3 giây để đạt được vận tốc tối đa 65 km/h. PT

124 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020

TĐKT - Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức họp báo giới thiệu Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam dự và phát biểu tại họp báo. Họp báo giới thiệu Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia (THQG) Việt Nam năm 2020. Đây là những doanh nghiệp đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam, là những doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam. Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam (THQG) là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất/ kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của chương trình, đó là “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”. Qua gần 17 năm hình thành và phát triển, Chương trình THQG Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho THQG Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Việt Nam đang tham gia tích cực và sâu rộng vào tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu và trong tiến trình đó việc khẳng định vị thế của quốc gia trong nhận thức của cộng đồng quốc tế là một yêu cầu tất yếu, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, để thành công, chúng ta cần xây dựng những thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, kỳ xét chọn THQG lần thứ 7 năm 2020 vẫn thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp trên cả nước. Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 29 tháng 9 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2534/QĐ-BCT công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020. Như vậy, so với năm 2018, năm nay cả nước đã có thêm 27 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa. Lễ công bố sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020 sẽ được tổ chức vào 20h00 ngày 25 tháng 11 năm 2020 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Phương Thanh

Ra mắt nền tảng bản đồ số 4D thuần Việt, đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam

TĐKT - Ngày 6/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ ra mắt nền tảng Bản đồ số Map4D của Công ty IOTLink. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tham gia sự kiện có đại diện nhiều cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, học viện, tập đoàn và các doanh nghiệp lớn. Ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị IOT Link giới thiệu nền tảng Bản đồ số Map4D Map4D là bản đồ số 2D, 3D, 4D thuần Việt, đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Có khả năng hiển thị, tương tác với các đối tượng 3D và thể hiện chiều thời gian 4D (cho phép người dùng có thể đánh giá được sự thay đổi hiện trạng ở quá khứ/hiện tại/tương lai của các đối tượng 3D trên bản đồ), sẵn sàng tích hợp các công nghệ tiên tiến VR, AI, IoT, Machine Learning... Nền tảng Map4D đã sẵng sàng cho quá trình chuyển đổi số và số hóa hạ tầng đô thị thông minh. Nền tảng Bản đồ số Map4D đã đạt giải nhì cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia năm 2020 - Viet Solutions 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Map4D có một số ưu điểm vượt trội: Đây là bản đồ số do người Việt Nam phát triển và làm chủ, có dữ liệu đặt tại Việt Nam nên tính bảo mật, an ninh quốc gia cao. Map4D là bản đồ số đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam thể hiện các đối tượng trên nền bản đồ bằng không gian 3 chiều và công nghệ chiều thời gian 4D. Map4D có khả năng tích hợp số hóa, quản lý cơ sở dữ liệu và ứng dụng cũng như tích hợp các giải pháp công nghệ tiên tiến trên cả nền tảng web và app. Map4D chứa công cụ APIs/bộ SDK phong phú, dễ dàng thao tác sử dụng, không giới hạn ngôn ngữ phát triển ứng dụng tích hợp. Các dữ liệu trên Map4D được cập nhật nhanh chóng và chính xác so với sự thay đổi thực tế. Định hướng xây dựng mở ra một thời đại công nghệ mới ứng dụng 3D marketing cho tất tả các ngành nghề. Bản đồ này có chi phí cạnh tranh, phù hợp nhưng vẫn đảm bảo được tính năng của một bản đồ số. IOTLink xây dựng mức giá rất cạnh tranh so với các nền tảng khác, đặc biệt là các nền tảng nước ngoài. Đặc biệt cùng chương trình ưu đãi cho 100 doanh nghiệp đầu tiên sẽ bắt đầu áp dụng trong tháng 11 (liên hệ để biết thêm chi tiết cụ thể). Map4D có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, du lịch, xây dựng, tài nguyên và môi trường, đô thị, nông nghiệp, giao thông; cung cấp nền tảng số phục vụ chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh và dịch vụ logistics nhằm tối ưu hóa các hoạt động quy hoạch, quản lý của cơ quan nhà nước và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. IOTLink đã và đang triển khai mở rộng hợp tác với nhiều đơn vị trên toàn quốc như Viettel, VNPost, Ahamove, TOT, HCMGIS, QTSC... với mong muốn phục vụ rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, người dùng và Chính phủ góp phần cho công cuộc đổi mới, hiện đại hóa của đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0. Phương Thanh

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công thương

TĐKT - Ngày 6/11, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công thương. Tại Hội nghị, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đã thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết thực phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ. Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị Cũng tại Hội nghị, gần 100 đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đến từ khắp các vùng miền và các đơn vị phân phối lớn như: Liên hiệp các hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Sài gòn Co.op), Công ty TNHH MM Mega Market, Tập đoàn Central Retail, Công ty TNHH Bán lẻ BRG, Công ty Cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA), Trạm dịch vụ V52 Hải Dương, Công ty cổ phần Bữa ăn an toàn (BAAT group)...  đã cùng tìm hiểu nhu cầu, thông tin sản phẩm, đi đến các thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm cũng như định hướng thị trường. Các doanh nghiệp chia sẻ thông tin về việc sản xuất an toàn và đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Bên cạnh việc ban hành các chính sách về quản lý an toàn thực phẩm ngành Công thương, thời gian qua, Bộ Công thương cũng đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm phát triển hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn và quản lý chợ an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn; tổ chức nhiều hoạt động nhằm kích cầu tiêu dùng, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia; phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những hoạt động kết nối này đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, một mặt hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn, mặt khác giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm này. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định, những ý kiến của các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế sẽ được Bộ Công thương tổng kết nhằm xác định, nắm bắt nhu cầu kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công thương; từ đó đề xuất kế hoạch, nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn trong nước nói chung. Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công thương năm 2020, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, TP Hà Nội, trong các ngày 7 - 9/11/2020 cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn như: Tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực phẩm an toàn; các hoạt động trải nghiệm thực phẩm an toàn và nhiều hoạt động truyền thông hấp dẫn nhằm tuyên truyền thông điệp Chung tay kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn. Phương Thanh

Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam

TĐKT - Sáng 5/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 - 2030”. Toàn cảnh diễn đàn Diễn đàn nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững cho các ngành hàng tại Việt Nam, phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp, hoạch định những chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Tại diễn đàn, các đại biểu nhận định, trong những năm tới, nền kinh tế Việt Nam và cả thế giới sẽ chịu tác động của các xu thế chính trị, xu hướng già hóa dân số, cách mạng công nghệ 4.0, xu thế hình thành và gia tăng tính kết nối khu vực... Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã và đang bùng phát trên hơn 200 quốc gia, đã để lại tác động nặng nề lên nền kinh tế và xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch Covid-19 đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp; gây ra tổn thất nặng nề đối với ngành du lịch và thậm chí có thể kéo đến cuộc khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), khẳng định Việt Nam rất có tiềm năng phát triển kinh tế số. Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đứng hàng đầu Đông Nam Á và chỉ đứng sau Indonesia. Thương mại điện tử đang là cấu phần quan trọng của kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng trên 25%, tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới. Du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến… đang là xu hướng tiêu dùng công nghệ. Đây là cơ hội cho phát triển kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 thì đây là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp đó là nguồn nhân lực có kỹ năng số, theo dự đoán năm 2020 Việt Nam thiếu khoảng 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu. Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ. Trước đây, các doanh nghiệp nhỏ chưa quan tâm đến tầm nhìn chiến lược, bởi họ còn phải "chạy ăn từng bữa", tuy nhiên 3 - 5 năm nay tư duy này đã thay đổi. Theo ông Vũ Xuân Trường doanh nghiệp phải coi thương hiệu là vũ khí cạnh tranh và đổi mới tư duy về lĩnh vực này. Cùng với đó là thay đổi cách nhìn từ các lãnh đạo trong quản trị doanh nghiệp và coi mỗi nhân viên là một điểm tiếp xúc thương hiệu. Diễn đàn đã thảo luận về những chiến lược thương hiệu cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường mở, đặc biệt là sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh COVID-19. Theo đó, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được đánh giá sẽ chiếm ưu thế trong tương lai. Phương Thanh

Ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI

TĐKT - Ngày 30/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud phát biểu tại Lễ ra mắt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Là một trong những tập đoàn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, FPT đã phát triển hệ sinh thái sản phẩm “Make in Vietnam” đa dạng và tổng thể, ứng dụng những công nghệ 4.0 tiên tiến nhất như AI, Blockchain, RPA… giúp các tổ chức, doanh nghiệp tối ưu hoạt động vận hành, nâng cao năng suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển bứt phá. Trong đó AI là một công nghệ mũi nhọn. Nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI được phát triển bởi đội ngũ các kỹ sư, chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo tại FPT – cung cấp các sản phẩm giúp tự động hóa các tác vụ lặp, nâng cao hiệu quả vận hành và chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp. Điểm vượt trội của nền tảng FPT.AI là giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian tích hợp giải pháp trí tuệ nhân tạo vào quy trình vận hành và thấy được hiệu quả rõ rệt: Không mất chi phí đầu tư ban đầu (được cung cấp theo hướng dịch vụ - SaaS); thời gian triển khai nhanh chóng (chỉ từ 1 – 3 tuần); đảm bảo hoạt động vận hành diễn ra liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Vừa qua, nền tảng đã vinh dự đạt giải thưởng Top 10 Sao Khuê 2020. Hệ sinh thái nền tảng FPT.AI bao gồm đa dạng các sản phẩm và dịch vụ như nền tảng Hội thoại tự động – Chatbot (FPT.AI Conversation), trợ lý ảo tổng đài (FPT.AI Virtual Agent for Call Center), giải pháp trích xuất thông tin hình ảnh và định danh khách hàng trực tuyến (FPT.AI Vision và FPT.AI eKYC), giải pháp tổng hợp và nhận dạng giọng nói tự động (FPT.AI Speech).  Sau 3 năm ra mắt, nền tảng FPT.AI đã triển khai dịch vụ thành công tới hàng trăm khách hàng doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực như viễn thông, thương mại điện tử, tài chính – ngân hàng, hành chính công. Một số khách hàng tiêu biểu của FPT.AI phải kể đến như TP Bank, SHB Finance, SSI, AIA, Tiki, Honda, Sendo, Vietnam Airlines, Điện lực miền Trung, Bộ Y tế… Tại FPT.Shop, việc ứng dụng chatbot Pika trên trang fanpage đã được triển khai từ 2 năm trước, giúp giải đáp thắc mắc, kiểm tra tình trạng hàng hóa. Pika cũng là chatbot đầu tiên cho phép đặt hàng trực tuyến. Đến nay, chatbot đã trò chuyện với 160.734 người dùng, xử lý 1.340.746 tin nhắn, lượng sản phẩm bán qua chatbot tăng 20%, giảm tải 60% lượng công việc, mở ra mô hình kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Để kích cầu khách hàng doanh nghiệp chuyển đổi số, nền tảng FPT.AI có chính sách cung cấp bản dùng thử miễn phí không giới hạn tính năng dành cho mọi khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud cho biết: Nền tảng FPT.AI là nền tảng Make in Việt Nam thứ hai của Tập đoàn FPT được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn giới thiệu và bảo trợ về truyền thông trong chương trình “Ngày thứ sáu công nghệ”. Là Tập đoàn công nghệ lớn với năng lực sáng tạo vượt trội, Tập đoàn FPT sẽ không ngừng nghiên cứu, phát triển các nền tảng công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng đạt thành mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Phương Thanh

Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh

TĐKT - Sáng 29/10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" (Ban Tổ chức 248) phối hợp với một số bộ, ngành liên quan gặp gỡ báo chí thông tin về Diễn đàn "Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam". Ban Tổ chức thông tin với các cơ quan báo chí về sự kiện Diễn đàn được tổ chức nhằm đem lại một góc nhìn mới về những thách thức và cơ hội từ Covid-19 và hậu Covid-19: Góc nhìn từ văn hóa kinh doanh; góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19; hỗ trợ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thích nghi, tái hoạt động, phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước; tôn vinh doanh nghiệp đã có nỗ lực vượt bậc trong xây dựng, củng cố văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam, từng bước khắc phục tác động bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra. Diễn đàn là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân kỷ niệm 4 năm Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, được tổ chức ngày 8/11/2020 tại Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia và các doanh nhân, doanh nghiệp đến từ các hội, hiệp hội, doanh nghiệp. Ngày 26/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1846 QĐ/TTg về Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 28/2/2018 về việc thành lập Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam". Sau gần 4 năm triển khai, Ban Tổ chức 248 và Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - Cơ quan thường trực của Ban Tổ chức 248 đã rất nỗ lực đưa cuộc vận động vào cuộc sống, đã tổ chức các hội nghị triển khai với 63 tỉnh, thành phố và bước đầu đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu cùng hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm, ký kết triển khai cuộc vận động tại các vùng, miền, địa phương, thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các doanh nghiệp. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi cả tư duy, phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, đặt ra trạng thái mới, bối cảnh mới cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy hoạt động của Chính phủ điện tử, chuyển đổi hành vi ứng xử của người tiêu dùng và doanh nghiệp, thay đổi triết lý kinh doanh, triết lý sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử, phương thức giao tiếp, trách nhiệm với cộng đồng, ứng xử với môi trường... Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội để thay đổi, bứt phá, cần được nhận thức và hành động phù hợp. Theo đó, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp vừa là yếu tố phát triển bền vững, vừa là động lực của sự thay đổi đó. Diễn đàn được tổ chức sẽ góp phần chung tay với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, thúc đẩy việc chuyển đổi triết lý, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, đáp ứng điều kiện mới, phát triển bền vững, động viên, khích lệ các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó. Phương Thanh

Quảng bá những sản phẩm Hàn Quốc lần đầu tiên phân phối tại Việt Nam

TĐKT - Chương trình “Gian hàng quảng bá sản phẩm Hàn Quốc - ONE STOP” diễn ra từ ngày 29/10 - 4/11/2020 tại các cửa hàng K-Market Keangnam, K-Market Golden Palace, K-Market Sapphire, K-Market Gardernia. Cùng với đó, “Gian hàng quảng bá sản phẩm Hàn Quốc - ONE STOP” online cũng được mở bán từ ngày 29/10 - 11/11/2020. Chương trình được tổ chức tại các cửa hàng K-Market ở Hà Nội Chương trình giới thiệu những sản phẩm Hàn Quốc lần đầu tiên được phân phối tại thị trường Việt Nam. Các sản phẩm đều phải đảm bảo chất dinh dưỡng, đúng quy trình và đạt những tiêu chuẩn nghiêm ngặt khi có mặt tại thị trường Việt Nam. Các sản phẩm được giới thiệu đa dạng, phong phú Tại đây, các sản phẩm được bày bán đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu của mọi khách hàng: Sản phẩm dành cho bà nội trợ (dầu mè, dầu tía tô, nước sốt tẩm ướp…); sản phẩm dành cho trẻ em; các loại bánh gạo, nước gạo uống liền, bánh quy hay những sản phẩm ăn liền tiện dụng (mỳ hộp các vị đặc trưng ở Hàn Quốc)… Phương Linh

Thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam

TĐKT - Chiều 27/10, Đại hội thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam tập hợp, thu hút được 117 thành viên là các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trên khắp Việt Nam, nhất là từ các làng nghề sản xuất nước mắm lâu đời và có thương hiệu như nước mắm Cát Hải, nước mắm Nha Trang, nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc... Đại diện Bộ Nội vụ trao quyết định thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam Đại hội đã thông qua điều lệ và đặt mục tiêu, phương hướng xây dựng cộng đồng sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam, phát triển thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh truyền thông cho nước mắm truyền thống... Đại hội đã bầu bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiêp hội Nước mắm Phú Quốc là Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam. Đồng thời, đại hội bầu ba Phó Chủ tịch Hiệp hội đại diện cho ba miền gồm: Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết; ông Trần Văn Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Hải sản Thái Bình (nước mắm Thái Bình); ông Trần Trần Hữu Hiền, Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bảy Hồng Hạnh (nước mắm Hồng Hạnh); một Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí là TS Trần Thị Dung, chuyên gia về nước mắm, người đã đeo đuổi xây dựng thành lập hiệp hội từ ban đầu. Phát biểu tại Đại hội, bà Hồ Kim Liên cho biết: Trong bữa cơm gia đình của người Việt Nam không thể thiếu một chén nước mắm. Mỗi khi nhắc đến nước mắm, là nghĩ ngay đến nước mắm truyền thống. Từng vùng miền khác nhau nước mắm có mùi vị, màu sắc khác nhau nhưng có cùng một tính chất giống nhau là kế thừa của ông cha, là niềm kiêu hãnh của người con đất Việt. Hiệp hội nước mắm Truyền thống Việt Nam được thành lập là dấu mốc quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu nước mắm truyền thống trong làng ẩm thực của Việt Nam. Ban Chấp hành Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam ra mắt tại Đại hội Nghề nước mắm truyền thống đã hình thành và phát triển trong 300 năm qua. Nước mắm truyền thống hiện chỉ chiếm 30% thị phần tại Việt Nam. Nhưng nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước, nhiều nhà sinh học, khoa học sự sống... đều khẳng định giá trị ưu việt của nước mắm truyền thống Việt. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất nước mắm truyền thống hàng đầu thế giới với công suất 170 - 180 triệu lít mỗi năm. Nhiều thành viên trong Hiệp hội đã có những bước tiến mới khi thành công trong việc đưa nước mắm truyền thống của Việt Nam có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon và siêu thị ở nhiều nước quốc gia khác. Công nghệ hiện đại cũng được áp dụng trong nhiều xưởng sản xuất nước mắm là thành viên của Hiệp hội. Việc thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam sẽ là một cột mốc hết sức quan trọng trong việc bảo tồn giá trị văn hóa cũng như tạo ra sức mạnh mới cho các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trong bối cảnh hội nhập mới. Phương Thanh

Trang