Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp
12/05/2023 - 09:00

BTĐKT- Hiện nay, để đáp ứng và mang lại lợi ích cho người lao động và để các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được bao phủ trên diện rộng, BHTN tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Theo đó, việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thể hiện được vai trò là công cụ quản trị thị trường hiệu quả, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp về đào tạo nghề, phòng ngừa thất nghiệp, duy trì việc làm.

Một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình về BHTN, do đó, còn xảy ra tình trạng cố tình hưởng BHTN sai quy định, trốn đóng, nợ đóng BHTN gây ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách BHTN; phần lớn người sử dụng lao động chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định tại Nghị định 28/2015/NĐ-CP nên không cập nhật được số liệu về tình hình lao động tại địa phương.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHTN.

Công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động, do đó, vẫn còn trường hợp người lao động vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc phát hiện người lao động có việc làm chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tự giác của người lao động hoặc do cơ quan BHXH phát hiện. Mặt khác, công tác thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do không kiểm soát được việc người lao động di chuyển nơi ở, nơi làm việc đi địa phương khác.

Kinh phí và vấn đề nhân sự tại các trung tâm dịch vụ việc làm còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là, định suất nhân sự thực hiện BHTN của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ năm 2011 đến nay chưa được bổ sung trong khi số người đề nghị và hưởng BHTN đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2011 dẫn đến khối lượng công việc của nhân sự thực hiện BHTN tại các trung tâm dịch vụ việc làm rất lớn, đặc biệt là các trung tâm có nhiều lao động hưởng BHTN như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội... Trụ sở, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ về BHTN.

Ngoài ra, chưa thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu thu - chi của ngành Bảo hiểm xã hội với dữ liệu tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ BHTN của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Do đó, chưa kịp thời phát hiện các sai phạm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHTN.

Để hoàn thiện chính sách BHTN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHTN và các văn bản có liên quan. Theo đó, cần tổ chức rà soát, phát hiện, sửa đổi và bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện các văn bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHTN. Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, trong đó mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, các chế độ BHTN, cải tiến quy trình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục sự nghiệp công sử dụng Quỹ BHTN là cơ sở để xây dựng đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng BHTN, các địa phương sẽ thuận lợi hơn trong việc xây dựng kinh phí, bố trí nhân sự nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ BHTN.

Tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các quy định hiện hành về BHTN: Rà soát các đối tượng tham gia BHTN; thực hiện việc thông báo biến động lao động của các doanh nghiệp; thực hiện việc thông báo hằng năm cho từng người lao động về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; chốt sổ bảo hiểm xã hội về BHTN; tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”; tăng cường các giải pháp tích cực để tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp ngay từ khi người lao động đến đăng ký thất nghiệp, chú trọng công tác thông tin thị trường lao động để hỗ trợ cho người thất nghiệp, tổ chức có hiệu quả các sàn giao dịch để người thất nghiệp tham gia; đồng thời có các biện pháp để hạn chế việc sa thải lao động của các doanh nghiệp; phát hiện các sai phạm, trục lợi về bảo hiểm thất nghiệp để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Xây dựng các mô hình chuẩn hoạt động về BHTN để thực hiện tốt các nhiệm vụ về BHTN, tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và đào tạo nghề. Không ngừng nâng cao năng lực nhân sự thực hiện BHTN: thông qua đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc để thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề, hỗ trợ học nghề.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHTN: Xây dựng cơ sở dữ liệu về BHTN, thực hiện chia sẻ, kết nối dữ liệu thu, chi bảo hiểm thất nghiệp giữa ngành BHXH với dữ liệu tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ BHTN của ngành LĐTBXH nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp hưởng BHTN sai quy đình.

Gia Linh