Từ thi đua ái quốc đến thi đua Quyết thắng - Lý luận và thực tiễn
18/05/2018 - 13:39

TĐKT - Sáng 18/5, tại Hà Nội, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) phối hợp Tạp chí Quốc phòng toàn dân  tổ chức Hội thảo "Từ thi đua ái quốc đến thi đua Quyết thắng - Lý luận và thực tiễn". Tới dự, có: Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Đại tá Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn điểm lại những nét cơ bản nhất phong trào thi đua yêu nước của toàn quốc nói chung và phong trào thi đua Quyết thắng của Quân đội nói riêng trong 70 năm thực hiện tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách đây 70 năm, ngày 11/6/1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Với tinh thần “người người thi đua, ngành ngành thi đua”, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác như động lực tinh thần, lời hiệu triệu toàn dân, toàn quân ta không quản ngại khó khăn, gian khổ, đứng lên bảo vệ nền độc lập của dân tộc, kiến thiết đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Thấm nhuần lời dạy của Người, hơn 7 thập kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức nhiều phong trào thi đua, nổi bật là phong trào thi đua “Giết giặc lập công” trong kháng chiến chống Pháp, “Cờ Ba nhất”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trong kháng chiến chống Mỹ, và hiện nay là phong trào thi đua Quyết thắng.

Đại tá Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn báo cáo đề dẫn Hội thảo

Tuy mỗi giai đoạn cách mạng có tên gọi và nhiệm vụ khác nhau, song các phong trào thi đua trong quân đội luôn được giữ vững và phát triển ngày càng sâu rộng, tạo ra động lực mạnh mẽ, cổ vũ, động viên toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, dũng cảm chiến đấu, hăng say công tác, lao động, sản xuất, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần to lớn vào thắng lợi trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Từ những phong trào thi đua ấy, đã xuất hiện hàng ngàn, hàng vạn đơn vị anh hùng, đơn vị quyết thắng, các nhân anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng, là những bông hoa đẹp làm rực rỡ thêm “Vườn hoa thi đua Quyết thắng” của quân đội, góp phần đưa chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam phát triển đến đỉnh cao của thời đại.

Những năm qua, phong trào thi đua Quyết thắng của quân đội đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, luôn đồng hành và gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua của toàn quốc.

Các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn đã tạo sự tiến bộ mạnh mẽ, vững chắc trên tất cả các mặt, các lĩnh vực công tác của toàn quân và từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong công tác giáo dục chính trị, củng cố trận địa tư tưởng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, huấn luyện giỏi – sẵn sàng chiến đấu cao, chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, tham luận của các đại biểu đã tập trung làm rõ một số nội dung: Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và tấm gương mẫu mực trong thực hiện thi đua ái quốc của Người; sức lan tỏa của Lời kêu gọi trong đời sống xã hội lúc bấy giờ và trong tình hình hiện nay; vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của thi đua ái quốc nói chung, thi đua Quyết thắng nói riêng trong lịch sử và hiện tại, nhất là trước tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay; thi đua Quyết thắng là sự cụ thể hóa, sáng tạo từ thi đua ái quốc trong quân đội, việc gắn kết hai phong trào thi đua này trong thực tiễn; những tác động cả tích cực và tiêu cực hiện nay đến thi đua ái quốc và thi đua Quyết thắng.

Các đại biểu cũng thảo luận về việc phát huy tinh thần của thi đua ái quốc vào tổ chức thi đua Quyết thắng trong quân đội hiện nay ra sao để phong trào thi đua Quyết thắng khẳng định đúng vị trí, vai trò của nó. Đặc biệt, trao đổi làm rõ kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đảm bảo cho phong trào thi đua Quyết thắng của ngành, đơn vị, địa phương mình như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực…

Các tham luận tại Hội thảo thống nhất cho rằng, tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy các đơn vị trong lực lượng vũ trang về giá trị lịch sử của Lời kêu gọi thi đua ái quốc đối với phát huy nguồn lực sức mạnh chính trị - tinh thần trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, tiếp tục làm rõ vị trí, vai trò của công tác thi đua – khen thưởng, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào.

Hai là, việc tổ chức các phong trào thi đua phải thiết thực, hiệu quả, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Các tham luận đều thống nhất rằng, phong trào thi đua phải bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng và chủ đề thi đua giai đoạn 2016 – 2020 là “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt nhằm động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia các phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động lớn của Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đi đôi với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính; ứng dụng khoa học, kỹ thuật; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các phong trào thi đua của đơn vị, ngành, địa phương cần bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực, chống hình thức, hướng vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Quân đội đã đề ra.

Ba là, cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả của phong trào.

Phương Thanh