Hà Nội: 65 năm đoàn kết, sáng tạo và phát triển không ngừng
10/10/2019 - 13:53

TĐKT - Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự thăng trầm của lịch sử. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, bền bỉ lao động, kiên cường tranh đấu, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong toàn bộ lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 mãi là một mốc son chói lọi, mở ra trang sử mới trong lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước.

Mốc son lịch sử hào hùng

Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, nhân dân Hà Nội cả nước không có nguyện ước gì hơn là được sống trong hòa bình để xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước, nhưng thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, chúng gây hấn tại Nam Bộ và sau đó phát động chiến tranh ra cả nước.

Ngày 19/12/1946, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Hà Nội nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, quân và dân Hà Nội đã chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô.

Ðúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thành phố.

Niềm vui của người dân khi chào đón đoàn quân chiến thắng trên phố Đinh Tiên Hoàng

Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.

Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén sống dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu của kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Trong khí thế, niềm vui giải phóng, nhân dân Hà Nội tiếp tục hăng hái bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phấn đấu làm cho tình hình mọi mặt của Thủ đô sớm đi vào ổn định và phát triển.

Ngày 29/6/1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào Thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tất cả quân và dân Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện đúng chủ trương, chỉ đạo của Trung ương để thi đua xây dựng, sản xuất, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến “miền Nam ruột thịt”. Đồng thời, hàng chục vạn người con của Thủ đô đã tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam thân yêu.

Vừa hăng hái thi đua sản xuất, vừa kiên cường chiến đấu, bảo vệ vùng trời Thủ đô, quân và dân Hà Nội đã tham gia đánh thắng nhiều đợt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” làm nức lòng nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, được nhân loại tiến bộ tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; để từ đó tiếp thêm sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cả dân tộc, góp phần đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Cả nước tiếp tục tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải đương đầu với những khó khăn, thử thách mới rất gay gắt, nhất là vào cuối những năm 70 và những năm 80 của thế kỷ XX. Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, trong khi đó các thế lực thù địch ra sức tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, kể cả việc dùng thủ đoạn bao vây cấm vận, “diễn biến hòa bình”.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội một mặt khẩn trương khôi phục những cơ sở kinh tế, văn hóa bị chiến tranh tàn phá, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; mặt khác cùng cả nước trăn trở tìm tòi, từng bước tháo gỡ khó khăn để cùng nhau đi lên.

Không ngừng đổi mới và phát triển

Những chiến công của quân và dân Thủ đô trong suốt chiều dài lịch sử những năm qua đã tô thắm, hun đúc nên một Thủ đô Anh hùng, một Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình. Đó là niềm tự hào, động lực thúc đẩy quân và dân Thủ đô Hà Nội hôm nay và cả mai sau sẽ tiếp tục phấn đấu, cống hiến, tiếp tục xây dựng và làm rạng danh mảnh đất kinh đô nghìn năm văn hiến.

65 năm sau ngày giải phóng (10/10/1954 – 10/10/2019), từ một thành phố nhỏ, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Hà Nội không ngừng phấn đấu, từng bước khắc phục khó khăn, vươn mình lớn mạnh, trở thành “đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế” của cả nước.

Với quyết tâm xây dựng và phát triển Thủ đô vươn lên một tầm vóc mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực tạo dựng nên nhiều thành tựu, kết quả đáng tự hào trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại

Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân.

Theo đó, kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển theo hướng bền vững. Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh - quốc phòng được giữ vững, ổn định. Hệ thống chính trị ở Thủ đô không ngừng lớn mạnh. Công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển.

Đặc biệt, từ sau khi mở rộng địa giới hành chính lần thứ tư theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội đến nay, Hà Nội đã liên tục gặt hái những thành tựu nổi bật.

Với diện tích 3.344,7 km2, dân số gần 8 triệu người, bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô ngày càng mở rộng và phát triển toàn diện theo cả bề rộng và bề sâu, gắn kết hài hòa. Các nguồn lực của thành phố ngày càng được khai thác và phối hợp hiệu quả. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô. Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, cơ chế quản lý có tiến bộ.

Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được ban hành, thực hiện đồng bộ trong các lĩnh vực: Đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tất cả những yếu tố tổng hợp này đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh chung của kinh tế Thủ đô, từng bước đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

 Giai đoạn 2008 - 2017, kinh tế Thủ đô phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,41%/năm (dự kiến bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,54%). GRDP bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng, tương đương 5.043 USD (gấp 2,5 lần so với 46,95 triệu đồng/người vào năm 2010).

Du lịch được chú trọng phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tốc độ tăng trưởng khá, nhất là về số lượng khách du lịch quốc tế. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới; lượng khách du lịch quốc tế tăng liên tục với tốc độ cao 2 con số, từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên trên 5 triệu lượt năm 2018 (tăng gần 4 lần).

Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được Ủy ban nhân dân TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt trước 2 năm so với mục tiêu đề ra).

Công tác giáo dục - đào tạo tiếp tục được đổi mới, phát triển, dẫn đầu cả nước về các tiêu chí...

Nhìn lại chặng đường đã qua, Hà Nội tự hào luôn hoàn thành tốt vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ dựng xây đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xứng đáng là “Trái tim của cả nước”, xứng đáng với các danh hiệu và phần thưởng của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế trao tặng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, "Thủ đô Anh hùng", "Thành phố Vì hòa bình"…

Những thành tựu, kết quả trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô luôn gắn liền với sức mạnh đoàn kết, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước của nhiều thê hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

Thục Anh