Người lãnh đạo tận tâm, tận lực, cần cù trong công việc
13/09/2016 - 00:00

TĐKT -  Giữ vai trò Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Đà Nẵng, ông Lê Anh Nhân luôn là người tận tâm, tận lực, cần cù chịu khó học hỏi, nghiên cứu sáng tạo trong công việc. Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông hết lòng phục vụ nhân dân và hoàn thành mọi nhiệm vụ, được tập thể, nhân dân yêu mến, tin tưởng.

 Active Image

Phó Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng Lê Anh Nhân báo cáo khái quát kết quả hoạt động của BHXH TP Đà Nẵng

Là Phó Chủ tịch Hội đồng Giám định y khoa thành phố, báo cáo viên pháp luật TP Đà Nẵng, Trưởng ban biên tập Website BHXH TP Đà Nẵng; người phát ngôn BHXH thành phố Đà Nẵng; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự BHXH thành phố; Ủy viên BCH Liên đoàn Lao động TP nhiệm kỳ (2013-2015); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ sở nhiệm kỳ (2012 - 2017)… , ở vai trò, nhiệm vụ nào, ông cũng hoàn thành tốt và phát huy khả năng cũng như năng lực và tâm đức của một người lãnh đạo.

Ông Nhân chia sẻ, là một cán bộ làm công tác chế độ chính sách BHXH trên 30 năm nay, ông luôn tâm huyết và tự hào với nghề nghiệp của mình, luôn xác định người làm chính sách phải có tầm và có tâm. Cái tầm là thực tế, là kinh nghiệm, là sự cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, nắm vững mọi quy định về chế độ chính sách, đặc biệt là những chính sách mới ban hành và mọi quy định về nghiệp vụ, để từ đó chỉ đạo kịp thời, nhạy bén việc tổ chức thực hiện. Đối với ông, cái tâm là đạo đức trong nghề nghiệp, là sự thông cảm, thấu hiểu trong từng hoàn cảnh của đối tượng phục vụ, là sự vận dụng linh hoạt trong thực hiện chính sách làm sao đem lại lợi ích tốt nhất cho người lao động, không làm trái quy định của pháp luật, tạo được niềm tin, sự gắn bó, hỗ trợ, quý trọng và là chỗ dựa tin cậy của mọi đối tượng người dân. Đấy chính là phương hướng thi đua phấn đấu của bản thân ông suốt 30 năm qua. Cũng từ đó, với mọi công việc được giao, ông đều nghiên cứu, sáng tạo, thực hiện chỉ đạo điều hành và đạt kết quả tốt nhất.

Trong công việc, ông luôn tìm tòi nghiên cứu, tìm ra những phương án, giải pháp để áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất. Ông đã chủ trì, biên soạn và thực hiện đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu trên chương trình quản lý đối tượng (BHXH NET) tại BHXH TP Đà Nẵng”. Đề án được thực hiện thử nghiệm hơn 5 tháng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chương trình quản lý đối tượng, được phê duyệt đưa vào sử dụng ổn định tại BHXH TP Đà Nẵng từ năm 2005 đến nay. Thông qua đề tài này, đã có hàng chục ngàn đối tượng được điều chỉnh tiền lương trở về đúng chế độ quy định. Kết quả, có 6.508 đối tượng (chiếm tỷ lệ 41% đối tượng quản lý chi trả), tiền lương trợ cấp BHXH hàng tháng tính theo chương trình BHXH NET nhỏ hơn tiền lương thực tế chi trả… Đề tài của ông chính là bước đột phá quan trọng trong thực hiện chính sách và công tác quản lý của BHXH TP Đà Nẵng. Tiếp theo đó, ông chủ trì, biên soạn và thực hiện đề án “Triển khai thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ theo phương pháp: giá – tầng – hộp có phối hợp quản lý bằng chương trình công nghệ thông tin tại BHXH TP Đà Nẵng”. Công tác lưu trữ hồ sơ tại cơ quan trước khi thực hiện đề án này đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, do đó, công tác quản lý cũng như khai thác, sao lục hồ sơ gặp khó khăn, tình trạng hồ sơ mất, hồ sơ bị thất lạc rất nhiều. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong công tác quản lý lưu trữ hồ sơ tại BHXH TP Đà Nẵng, đảm bảo được tính khoa học trong lưu trữ hồ sơ, phục vụ kịp thời khai thác và thực hiện tốt chế độ đối với đối tượng. Bên cạnh đó ông còn chủ trì xây dựng và thực hiện các đề án như: “Chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản thẻ ATM trên địa bàn TP Đà Nẵng” và “Quy trình tiếp nhận hồ sớm giải quyết các chế độ BHXH, Bảo hiểm Y tế và trả kết quả cho tổ chức, công dân theo cơ chế một cửa tại cơ quan BHXH TP Đà Nẵng”, đề tài này đã được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt cho triển khai thực hiện cuối năm 2008… Ngoài ra, đề tài “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” đã được ông hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả từ năm 2005, được Hội đồng khoa học cơ sở nghiệm thu đưa vào sử dụng và đề nghị Hội đồng khoa học BHXH Việt Nam công nhận.

Bên cạnh đó, ông còn hỗ trợ, giúp đỡ người lao động khi họ gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia, thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Với uy tín của một người làm chính sách trong hơn 30 năm ở địa phương, ông được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người lao động, đối tượng hưởng chính sách tin tưởng, cảm mến, mỗi khi có vướng mắc gì người dân đều tìm đến ông, ông đã tư vấn, giải thích, giải quyết tận tình kể cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Ngoài ra, ông cũng là người tư vấn, trả lời kịp thời, đầy đủ những vướng mắc, khó khăn cho người dân trên chuyên mục trả lời thư bạn đọc.  Là người nhiệt huyết, say mê trong công việc nên ông thường tranh thủ giải quyết, nghiên cứu công việc ngoài giờ, đối với ông việc chưa xong thì chưa thể nghỉ ngơi.

Với sự nỗ lực hết mình trong công việc, sự cống hiến miệt mài, hàng năm, ông Lê Anh Nhân luôn được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua ngành BHXH Việt Nam; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2010; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013.  Năm 2014, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Để có được những kết quả và thành tích xứng đáng, ông đã luôn nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm động lực phấn đấu, lấy kết quả của từng công việc để làm thước đo và lấy niềm vui của nhân dân để động viên bản thân.

Hồng Thiết