Hội nghị trực tuyến Tổng kết 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành Nội vụ
30/12/2020 - 16:32

TĐKT - Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ long trọng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành Nội vụ. Chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân;  Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với trên 450 đại biểu tại điểm cầu Bộ Nội vụ và gần 3.000 đại biểu tại 63 điểm cầu địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Hội nghị đã thông qua báo cáo Tổng kết 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; tập trung thảo luận, thống nhất và làm rõ những kết quả nổi bật, bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai hiệu quả công tác nội vụ trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Ghi nhận những thành quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Nội vụ đã đạt được một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác trong 5 năm vừa qua, cụ thể:

Thứ nhất, công tác xây dựng thể chế được tập trung chỉ đạo quyết liệt, theo đó tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều nghị quyết, văn bản, đề án quan trọng giúp cho Chính phủ tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực nội vụ bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến

Thứ hai, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính và sự nghiệp có nhiều tiến bộ mới, theo đó, tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành và địa phương góp phần thúc đẩy tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan các cấp trong việc quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (đạt 10,01% đối với biên chế công chức, 11,98% biên chế sự nghiệp, 12,49% cán bộ, công chức cấp xã).

Thứ ba, công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố có bước đột phá quan trọng, với kết quả nổi bật: Trong 2 năm 2019 - 2020, toàn ngành Nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền tiến hành sáp nhập cấp huyện, cấp xã ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, giảm được 8 huyện; 557 xã, đồng thời giảm được 38.369 thôn, tổ dân phố so với thời điểm năm 2015. Đây là kết quả có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, là cơ sở để các địa phương tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bên cạnh đó, ngành Nội vụ cũng tham mưu Chính phủ hoàn thành việc giải quyết dứt điểm các vấn đề địa giới hành chính chưa thống nhất giữa các địa phương do lịch sử để lại.

Thứ tư, công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới, đạt kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Công tác tuyển dụng cán bộ, công chức cơ bản phù hợp với vị trí việc làm; có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong cơ quan hành chính. Kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước được chấn chỉnh, các vi phạm được xử lý kịp thời; quan tâm rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo đúng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng.

Thứ năm, công tác cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Đến nay, 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước.

  Phó Thủ tướng nhấn mạnh, một số lĩnh vực, ngành quản lý đã có nhiều chuyển biến quan trọng, thiết thực, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước trong những năm qua. Bộ đã chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ điện tử, tạo hành lang pháp lý cho công tác văn thư, lưu trữ điện tử phát triển, hội nhập và tiến tới Chính phủ điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào công tác văn thư, lưu trữ, qua đó, góp phần đưa hoạt động này vào nền nếp và phát huy tốt giá trị tài liệu lưu trữ được xã hội ghi nhận.

Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được đảm bảo ngày càng tốt hơn, phát huy được nguồn lực của tôn giáo trong đời sống xã hội.

Công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng; việc thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở đã thực sự phát huy và nâng cao quyền làm chủ của nhân dân, củng cố vững chắc mối quan hệ tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Công tác bình đẳng giới đạt nhiều tiến bộ nhất là về nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ. Chính sách phát triển thanh niên Việt Nam từng bước được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Tổ chức hoạt động của hội, quỹ được quan tâm, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hội, quỹ; tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động đúng hướng và hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đề nghị toàn ngành Nội vụ phải thẳng thắn đánh giá và nhìn nhận khách quan về một số hạn chế để khắc phục và đề ra những giải pháp cụ thể, khả thi, bám sát yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, với tinh thần cầu thị, vì mục tiêu xây dựng nền hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ ý kiến chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và phát động phong trào toàn ngành Nội vụ ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2025.

Với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã quyết định tặng Cờ thi đua của Bộ Nội vụ cho 6 đơn vị dẫn đầu, 25 đơn vị và 51 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua ngành Nội vụ năm 2020.

Hồng Thiết