Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thi đua “Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả”
22/01/2019 - 09:21

TĐKT - Với phương châm hành động của ngành là "Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả", năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  đã thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2018, nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, có tiến bộ so với cùng kỳ năm 2017; đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Bộ đã đề ra trong Chương trình công tác.

Trong đó, đã tham mưu ban hành quyết sách quan trọng về bảo hiểm xã hội, tiền lương; hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo chất lượng, tiến độ, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước được nâng lên; giảm nghèo đi vào thực chất hơn; công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, ước đến cuối năm 2018 có 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98,5% xã/phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 18/1

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm về lĩnh vực lao động - người có công và xã hội. Kiên định với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Toàn ngành phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung, kiên trì, quyết liệt thực hiện và đạt được mục tiêu đề ra: “Tiếp tục hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao mức sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội”.

Đồng thời, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo nghèo giảm 4%.

Phát huy thành tích đã đạt được, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tập trung 15 nhiệm vụ và giải pháp chính:

 Thứ nhất, thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng xây dựng các đề án theo Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành, trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp phát triển, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước, khu vực và gắn với thị trường lao động quốc tế.        

Thứ tư, thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động; triển khai các giải pháp đồng bộ để mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo bền vững đến năm 2020; chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách về giảm nghèo. Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thứ bảy, làm tốt công tác trợ giúp xã hội.

Thứ tám, tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Thứ chín, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020.

Thứ mười, đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Thứ mười một, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Thứ mười hai, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ.

Thứ mười ba, tích cực, chủ động mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế.

Thứ mười bốn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước.

Thứ mười lăm, đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền.

Hồng Thiết