Hậu Giang: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo
04/08/2023 - 16:27

BTĐKT - Từ ngày 2/8 - 3/8, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng III và thành viên đoàn đã làm việc với Cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, giám sát việc thực hiện phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Hậu Giang.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng III phát biểu tại buổi làm việc với Cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Hậu Giang

Tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát tại UBND tỉnh, có các đồng chí: Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh; Nguyễn Hoàng Thoại, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Phạm Vương Huyền, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; đại diện các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh Hậu Giang.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng tình của nhân dân. Từ đó, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi rộng khắp trong toàn tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phát động, triển khai phong trào thi đua với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo. Tiêu biểu là: Hội Nông dân tỉnh phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”, phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Hậu Giang đoàn kết, nhân ái, tự tin, năng động” và “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; Hội Cựu chiến binh tỉnh với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tích cực triển khai vận động quỹ “Vì người nghèo”, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”.

Các phong trào thi đua do các cơ quan, đơn vị phát động đều có tiêu chí cụ thể rõ ràng, nội dung thi đua phù hợp, sát thực tiễn đã huy động các tập thể, cá nhân, hộ gia đình, các doanh nghiệp, hợp tác xã có những việc làm thiết thực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, của cải vật chất để hỗ trợ, giúp đỡ địa phương, cơ sở, cộng đồng và các hộ gia đình nghèo giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh việc kêu gọi, huy động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ nghèo đa chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, thông tin truyền thông, về nhà ở, về nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động... Các chính sách được ban hành đồng bộ, kịp thời, có tính thực tiễn cao đã tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện tốt các nguồn lực tại chỗ, phân bổ nguồn kinh phí hợp lý hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch đặt ra.

Đồng chí Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào thi đua đã thực sự tạo khí thế thi đua sôi nổi, lan tỏa trong toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Toàn tỉnh hiện còn 9.736 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,84% và 7.426 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,69%. Ước thực hiện năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1%, đạt 100% so với Nghị quyết đề ra; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số so với tổng số hộ dân tộc thiểu số giảm trên 2% đạt mục tiêu đề ra.

Toàn tỉnh đã cung cấp tín dụng ưu đãi cho 17.100 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, với số tiền cho vay 585.153 triệu đồng; có trên 202.378 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, với kinh phí thực hiện trên 142.551 triệu đồng; đã đào tạo nghề cho 2.780 lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, với kinh phí thực hiện 5.150 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 1.594 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, với số tiền gần 66.194 triệu đồng; hỗ trợ tiền điện cho 28.676 lượt hộ nghèo, kinh phí thực hiện trên 13.998 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 2.248 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công và thân nhân người có công với cách mạng trong vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19, kinh phí thực hiện trên 1.851 triệu đồng…

Phong trào thi đua bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội luôn ổn định, đời sống vật chất và mức thu nhập của nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Nhờ các cơ chế, chính sách được triển khai đồng bộ, kịp thời cùng sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng đã giúp người nghèo từng bước được hỗ trợ, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, từ năm 2021 đến nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen cho 74 tập thể và 83 cá nhân có những đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội; 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Bên cạnh đó, căn cứ thành tích đạt được trong phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện khen thưởng theo thẩm quyền quy định.

Đoàn Giám sát làm việc tại huyện Vị Thủy

Thay mặt Đoàn Giám sát, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng III, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ghi nhận, đánh giá cao Cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của tỉnh đã chủ động tham mưu và phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đồng bộ các văn bản triển khai thực hiện phong trào thi đua vì người nghèo, huy động sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị các cấp. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay được đánh giá, tổng kết, nhân rộng tại địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% theo Nghị quyết của tỉnh đề ra.

Đoàn Giám sát đề nghị thời gian tới, Cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục công tác truyền thông về công tác giảm nghèo, nhằm lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân; tập huấn nâng cao năng lực của các cấp, các ngành, đoàn thể trong quá trình thực hiện; tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình; chăm lo, hỗ trợ về nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Đồng thời, tích cực chuẩn bị sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, hộ gia đình, cá nhân, đặc biệt là nông dân, người lao động trực tiếp.

Đoàn Giám sát và đại diện các cấp, các ngành, đoàn thể tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh Hậu Giang đã cùng nhau trao đổi ý kiến, đề xuất, kiến nghị nêu các vướng mắc và giải pháp thực hiện về công tác thi đua, khen thưởng nói chung và phong trào thi đua vì người nghèo nói riêng…

Đoàn khảo sát mô hình vay vốn chăn nuôi bò xóa nghèo của gia đình bà Võ Thị Lợi, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy

Trong chương trình công tác, Đoàn Giám sát đã khảo sát mô hình vay vốn chăn nuôi bò xóa nghèo của gia đình bà Võ Thị Lợi, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy; mô hình trồng trầu của ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Trầu Vàng, ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy.

Ngọc Lân