Lâm Đồng tiếp tục tổ chức thi đua thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ một cách mạnh mẽ giai đoạn 2023 - 2025
14/11/2023 - 14:08

BTĐKT - Qua 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; được sự quan tâm của trung ương, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt kết quả cao trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục có sự phát triển, quy mô và chất lượng các ngành, lĩnh vực được nâng lên; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,36%; GRDP bình quân đầu người đạt 85,65 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm 2021 - 2023 đạt 38.915 tỷ đồng, tăng bình quân 15,4%/năm. Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 82,87%. Hệ thống y tế được quan tâm đầu tư từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày được nâng cao (đạt 8,3 bác sĩ/vạn dân; 20,8 giường bệnh/vạn dân…). Công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đạt kết quả khá toàn diện, có 109/111 xã (98,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, 5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,94% năm 2022. An ninh, quốc phòng được củng cố và tăng cường, vững chắc.

Trước bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, thành tích, kết quả đạt được trong 3 năm 2021 - 2023 là rất khích lệ nhưng so với yêu cầu cần sự nỗ lực hơn nữa. Tỉnh Lâm Đồng đã xác định tiếp tục tổ chức thi đua thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ một cách mạnh mẽ giai đoạn 2023 - 2025, với những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chủ động, linh hoạt, sát tình hình thực tiễn và quyết tâm hoàn thành đạt và vượt toàn bộ 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả nhiệm kỳ đã đề ra.

Thứ hai, phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của 47 anh em dân tộc; tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh.

Thứ ba, trên lĩnh vực kinh tế, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 21-NQ/TU của Tỉnh ủy, phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất bình quân 260 triệu đồng/ha/năm, chuyển đổi sang canh tác nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ. Siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quy hoạch vùng tỉnh, vùng huyện; trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản; phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức triển khai các thủ tục cần thiết để thu hút đầu tư dự án Tổ hợp nhà máy tuyển Bauxit, sản xuất Alumin và chế biến nhôm, các sản phẩm sau nhôm; thu hút đầu tư Khu công nghiệp Phú Bình.

Một nhà vườn điều khiển hệ thống tưới nước bằng điện thoại thông minh

Triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử, hợp tác với các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; các hoạt động phân phối hàng Việt để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng ngành du lịch Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững; từng bước khai thác mở rộng thị trường khách nội địa; thu hút khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường truyền thống như các nước ASEAN, Đông Bắc Á, Đông Á,... Nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương thành sây bay quốc tế từ tiêu chuẩn cấp 4E, mở thêm các tuyến bay nội địa và quốc tế...

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách địa phương theo dự toán, đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí. Phấn đấu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2023 - 2025 tăng 11 - 12%/năm; đến năm 2025, địa phương cơ bản cân đối nhu cầu chi thường xuyên.

Phát huy cao độ, quyết tâm đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và địa phương; phấn đấu đến cuối năm 2025, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; hoàn thành đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28B, các cầu trên Quốc lộ 20,... Chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, có tính chất kết nối liên vùng.

Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên đối với các dự án đầu tư phát triển các ngành kinh tế động lực như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, đô thị, giao thông… Xây dựng cơ chế, chính sách trợ giúp phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ.

Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có lộ trình và bước đi phù hợp, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Sân vận động Đà Lạt với 20 nghìn chỗ ngồi vừa hoàn thành trong năm nay - sân vận động có vị trí đẹp nhất Tây Nguyên

Thứ tư, về lĩnh vực văn hóa - xã hội, tiếp tục thu hút, xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; sắp xếp hệ thống y tế công, y tế cơ sở, tạo ra mô hình hợp lý và ổn định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế thực hiện các hoạt động y tế chuyên sâu. Nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về vai trò của văn hóa, văn hóa vừa là trụ cột vừa là nền tảng phát triển xã hội; là mục tiêu, động lực phát triển bền vững. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; khai thác hiệu quả lợi thế, giá trị bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ đổi mới công nghệ; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số; xây dựng dữ liệu phục vụ cho hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và liên kết vùng.

Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, an sinh xã hội, người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đối tượng yếu thế. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước.

Thứ năm, lĩnh vực quốc phòng - an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; phát huy hiệu quả các khu kinh tế quốc phòng, góp phần tăng cường thế trận quốc phòng - an ninh và thế trận lòng dân vững chắc ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nắm chắc tình hình, chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đẩy mạnh công tác đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm công nghệ cao, ma túy, tín dụng đen, tội phạm có tổ chức, góp phần làm trong sạch địa bàn. Tăng cường biện pháp phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tập trung xử lý, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo phát sinh ngay tại cơ sở, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, thời hạn theo quy định, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng” về khiếu kiện phức tạp.

Thứ sáu, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị: Thực hiện tốt các chủ trương của trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tổ chức thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung. Chuẩn bị nội dung, điều kiện tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Tỉnh ủy.

Với tinh thần thi đua mạnh mẽ, tin tưởng rằng đến năm 2025, phong trào thi đua của tỉnh Lâm Đồng sẽ về đích và góp phần đạt được những thành tựu phát triển nhanh và bền vững của địa phương.