Lan tỏa các mô hình “Dân vận khéo” ở Quảng Ngãi
25/10/2019 - 14:15

TĐTK - 10 năm qua (2009 - 2019), phong trào thi đua Dân vận khéo (DVK) được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh Quảng Ngãi quan tâm triển khai rộng khắp. Nhiều mô hình DVK phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.

 

Nguồn hỗ trợ của mô hình “Tiếp sức hoàn lương” đã giúp cho nhiều trường hợp dần ổn định cuộc sống

Xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, với phương châm hướng về cơ sở, phong trào thi đua DVK được triển khai trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

10 năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng các mô hình thiết thực, gắn với thực tiễn hoạt động. Đồng thời, đề ra tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá kết quả và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác dân vận, làm cơ sở rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Ở lĩnh vực kinh tế, công tác DVK đã động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chuyển​ đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng.

Phong trào đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư; kết hợp hài hoà giữa vận động với việc chăm lo lợi ích cho nhân dân, ổn định đời sống ở nơi tái định cư; động viên nhân dân tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Nổi bật trong lĩnh vực này có các mô hình: “Tổ nông dân liên kết góp vốn quay vòng giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”; “Vận động nhân dân hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới”; “Dồn điền, đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa, giống mới”; “Chuyển đổi cây trồng vật nuôi”; “10+1”; “Đoàn kết, tương trợ giữa các nghiệp đoàn nghề cá trên biển”...

Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, DVK đã tạo đồng thuận cao trong xây dựng đời sống văn hoá mới; xóa bỏ được nhiều tập tục lạc hậu, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Các hoạt động xã hội từ thiện được quan tâm thực hiện như: Huy động xây nhà, hỗ trợ sản xuất và cải thiện an sinh xã hội cho bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiệt hại do bão lũ…

Thực hiện DVK, mặt trận và các đoàn thể tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, thu hút hàng trăm ngàn lượt hội viên, quần chúng tham gia như: “Điểm sáng khu dân cư 6 không”; “Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “Vận động khắc phục các vấn đề liên quan đến tôn giáo xảy ra ở cơ sở không đúng quy định”; “Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói, giảm nghèo”...

Ở lĩnh vực quốc phòng - an ninh, việc thực hiện thi đua DVK được các địa phương, đơn vị gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt, kịp thời đề xuất xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở; khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân.

Nhiều mô hình DVK đã được triển khai và đạt kết quả tích cực như: “Tiếp sức hoàn lương”, “Tiếng loa an ninh”, “Cổng phòng, chống tội phạm - Tiếng kẻng an ninh” của lực lượng Công an các cấp; mô hình “Điểm sáng vùng biên”, “Câu lạc bộ không có người vi phạm pháp luật”. Đặc biệt mô hình “Tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm chủ quyền vùng biên các nước để khai thác hải sản bất hợp pháp” của Bộ đội Biên phòng đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngoài ra, công tác DVK trong xây dựng hệ thống chính trị gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã vận động quần chúng nhân dân tham gia giám sát, phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri.

Các cơ quan hành chính nhà nước đã xây dựng mô hình DVK gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân...

Tiêu biểu trên lĩnh vực này có các mô hình: “Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách thủ tục hành chính”, “Chính quyền của nhân dân, vì nhân dân, công sở phục vụ nhân dân”; “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm của tỉnh”; “Đăng ký xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, phấn đấu giữ danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa”...

Sau 10 năm triển khai, Quảng Ngãi đã có trên có hơn 5.000 mô hình, điển hình trong phong trào DVK. Phong trào đã được triển khai thực hiện, rộng khắp trên mọi lĩnh vực, các mặt công tác ở địa phương đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Đặc biệt phong trào đã góp phần tạo được sự đồng thuận cao của người dân cùng cả hệ thống chính trị, ra sức thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Tuệ Minh