Ngành giáo dục thi đua đạt nhiều kết quả quan trọng
08/08/2019 - 08:39

TĐKT - Năm học 2018 – 2019, ngành giáo dục đã thi đua đạt kết quả quan trọng, đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm cả nước bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Năm học 2019, toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo.

https://image.giaoducthoidai.vn/uploaded/livecontents/2019-08-06/6768876324756620693350134501738725415321600n-olec.jpg?width=500

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị  trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 ngày 6/8.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên trong cả nước, năm học vừa qua ngành giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực.

Một số thành tích của ngành GD&ĐT trong năm học vừa qua có thể điểm ra như: Đã trình và được Quốc hội thông qua 2 Luật quan trọng, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi); ban hành Chương trình tổng thể chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới và chương trình các môn học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Song song với đó, Bộ GD&ĐT tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong năm học vừa qua, ngành GD&ĐT tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở GD&ĐT thực hiện.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa.

Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ở bậc học phổ thông được nâng cao. Việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tiếp cận chương trình GDPT mới được triển khai hiệu quả. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh có bước chuyển biến.

Chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) ngày càng được nâng cao. Đã có 6 cơ sở GDĐH và 128 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Việt Nam lần đầu tiên có 2 đại học (ĐH) được vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á. Một số trường ĐH đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên.

Cùng với đó, việc hợp tác quốc tế trong giáo dục được đẩy mạnh với nhiều thỏa thuận, bản ghi nhớ đã được ký kết. Nhiều cơ sở GDĐT đã chủ động tích cực hội nhập quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu. Cả nước hiện có gần 550 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài giữa 85 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 258 cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc 34 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Có thể nhận định rằng, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; công tác thanh tra giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học… được triển khai tích cực, hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đang từng bước được nâng lên. Năm học vừa qua, các địa phương đã đầu tư xây dựng bổ sung 14.308 phòng học; xây mới 38.165 công trình nước sạch và 60.000 nhà vệ sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT còn một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ như: Công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn bất cập. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống.

Theo đó, năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục xác định tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.

Trong đó, tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học. Giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ đại học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Hồng Thiết