Nhiều mô hình hay của Hội phụ nữ huyện Hòa Thành
24/08/2016 - 00:00
TĐKT- Với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa Thành (Tây Ninh) đã giúp chị em có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm sống, bí quyết để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bà Dương Thị Tư, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Thành cho biết: Thông qua các phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động, Hội LHPN huyện đã phân loại địa bàn cơ sở, nắm chắc thế mạnh của từng địa phương, từ đó định hướng cho Hội Phụ nữ xã, thị trấn triển khai xây dựng mô hình mới, cách làm hay phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị. Trong năm 2015,  Hội đã cho ra mắt nhiều mô hình: “Nhóm cán bộ hội viên tôn giáo làm công tác từ thiện hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nhóm phụ nữ tuyên truyền mới, sáng tạo”, “Tổ phụ nữ, cán bộ ngành y tế chung tay hỗ trợ chăm lo người nhiễm HIV/AIDS và người bệnh hiểm nghèo”, mô hình “5 không, 3 sạch”...

Hoạt động từ các mô hình này đều mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Điển hình là mô hình “Nhóm cán bộ, hội viên tôn giáo làm công tác từ thiện hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn” được thành lập đầu tiên tại thị trấn Hòa Thành. Với những hoạt động ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, nhóm đã được sự ủng hộ, đồng thuận trong cộng đồng và được nhân rộng ra các xã còn lại trên địa bàn. Mô hình đã thu hút được các mạnh thường quân là doanh nghiệp, các nhà hảo tâm là tín đồ tôn giáo, bác sĩ, cán bộ hưu trí… tham gia, với hình thức hỗ trợ thường xuyên vào ngày 25 âm lịch hàng tháng cho phụ nữ nghèo, đơn thân, tàn tật, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo... Trong năm 2015 nhóm đã trao 2.412 phần quà với tổng số tiền là 393,9 triệu đồng, 1.900 kg gạo, 15 thẻ bảo hiểm y tế, 2 xe đạp; sửa chữa 2 căn nhà cho hội viên nghèo số tiền 2, 65 triệu đồng; khám phụ khoa và tặng quà cho 60 phụ nữ nghèo, khó khăn tổng số tiền 9,5 triệu đồng.

Các thành viên nhóm Phụ nữ tôn giáo từ thiện đến từng nhà tặng quà cho người nghèo

Thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và những việc làm thiết thực, hội đã giúp 484 trường hợp có hoàn cảnh nghèo, khó khăn với 2.375 kg gạo, 334 phần quà, 155 bộ quần áo, 11 bộ sách giáo khoa, 530 quyển tập, 81 suất học bổng Trần Thị Sanh (mỗi suất 200 nghìn đồng) giúp 11 em học sinh khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường, giúp 4 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Hội cũng phối hợp các ngành quản lý, giáo dục 14 đối tượng làm trái pháp luật tại địa phương. Đồng thời, vận động 5.252 hộ đăng ký công ty công trình đô thị thu gom rác, hướng dẫn người dân phân loại và xử lý rác thải gia đình; vận động nâng cấp hơn 800 m đường giao thông nông thôn với số tiền hơn 231 triệu đồng; vận động người dân chật cây ven đường, phát quang bụi rậm 1.450 m. Hội cũng tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi ni lông, tổ chức tặng trên 300 giỏ xách, vận động chị em xách giỏ đi chợ. Bên cạnh đó, hội giới thiệu chị em tiếp cận các nguồn vốn, trang bị các kiến thức mới trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu các chị tham gia các lớp học nghề: nấu ăn, uốn tóc, làm móng, cho mượn máy may gia công... Từ các hoạt động của mô hình “5 không, 3 sạch” đã góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.

Một mô hình nữa cũng mang lại hiệu quả tích cực đó là mô hình “Tổ phụ nữ, cán bộ ngành y tế chung tay hỗ trợ, chăm lo người nhiễm HIV/AIDS và người bệnh hiểm nghèo” tại xã Hiệp Tân được thành lập với 10 thành viên đều là những người có tâm huyết, đồng cảm với người nhiễm HIV/AIDS. Từ khi thành lập đến nay, tổ đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Hiệp Tân. Để có kinh phí chăm lo, giúp đỡ các đối tượng bị nhiễm bệnh, các thành viên trong tổ đã cùng nhau đóng góp tạo quỹ. Tổ phân công các thành viên có kiến thức, am hiểu về chuyên môn trực tiếp đến từng nhà người bệnh để thăm hỏi, động viên và hướng dẫn họ cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân trong ăn uống, sinh hoạt... Ban đầu, khi tiếp cận, người nhiễm e ngại, tự ti, nhưng qua trò chuyện, vài lần giao tiếp, họ hiểu được ý nghĩa hoạt động của tổ, đã tâm sự một cách gần gũi, thoải mái. Hoạt động của mô hình phần nào xóa đi tư tưởng kỳ thị trong cộng đồng, xoa dịu nỗi đau của những hoàn cảnh bất hạnh, chung tay góp sức cùng xã hội hỗ trợ về vật chất, tinh thần để giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS và người bệnh hiểm nghèo, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hạn chế tình hình tội phạm và lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Có thể thấy, thành công của các hoạt động trên đã nói lên tinh thần sáng tạo, khả năng tổ chức, huy động lực lượng của Hội LHPN huyện Hòa Thành. Các phong trào và hoạt động Hội không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ mọi mặt của chị em phụ nữ mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tại địa phương.

Bảo Linh