Ninh Bình: Đẩy mạnh phát triển công dân số
12/10/2023 - 20:17

BTĐKT - Công dân số được xem là yếu tố nền tảng đối với sự phát triển xã hội số, đồng thời quyết định sự thành công của chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Để phát triển công dân số, thời gian qua, Ninh Bình đã triển khai với các nhóm tiện ích nhằm mục tiêu hình thành công dân số, hoàn chỉnh hệ sinh thái số, phát huy nguồn tài nguyên số quý báu về dân cư.

Người dân thao tác đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Nhiều tiện ích, cơ sở hạ tầng đã được tỉnh đầu tư xây dựng, triển khai phục vụ phát triển công dân số, trong đó có ứng dụng công dân số Ninh Bình (My Ninh Bình). Đây là ứng dụng chạy trên thiết bị di động thông minh, được xây dựng với mục tiêu trở thành kênh giao tiếp tổng hợp chính thức và duy nhất cho việc trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp; nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ hiện đại, hiệu quả.

Ứng dụng còn là điểm truy cập kết nối tới các ứng dụng, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ người dân trong cuộc sống; là công cụ hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh Ninh Bình.

Ứng dụng cho phép người dân tra cứu các tiện ích cơ bản như: Thủ tục hành chính, hồ sơ y tế, quan trắc môi trường, đất đai... Ngoài ra, người dân có thể tạo phản ánh trên ứng dụng cho chính quyền xử lý và theo dõi tiến độ cũng như hiệu quả công việc của chính quyền.

Ông Phạm Ngọc Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Me (huyện Gia Viễn) cho biết: Được chọn là đơn vị triển khai thí điểm ứng dụng My Ninh Bình, thị trấn đã phối hợp với VNPT Ninh Bình tổ chức tập huấn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Qua tập huấn, các học viên được hướng dẫn cách cài đặt, sử dụng ứng dụng. Từ những kiến thức tiếp thu được tại buổi tập huấn, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai đến người dân sinh sống tại các tổ dân phố. Với việc đẩy mạnh cài đặt ứng dụng sẽ giúp hình thành nên những công dân số, tiến tới xây dựng xã hội số.

Từ tháng 6/2023 đến nay, thị trấn Me bắt đầu thực hiện hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng công dân số My Ninh Bình. Các Tổ công nghệ số cộng đồng bám sát địa bàn, hướng dẫn nhân dân cài đặt, đặc biệt chú ý đến lớp người có trình độ công nghệ còn có mức độ. Đến nay, thị trấn Me đã thực hiện cài đặt được cho hơn 3.700 người dân ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh, chiếm tỷ lệ trên 80%.

“Khi được tiếp cận và cài đặt ứng dụng My Ninh Bình, người dân có thể chủ động và kịp thời phản ánh, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền những vấn đề phát sinh trong đời sống, tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của địa phương”, ông Hà chia sẻ.

Ông Lã Trường Sinh, một người dân sống tại thị trấn Me, huyện Gia Viễn chia sẻ: Khi sử dụng ứng dụng My Ninh Bình, tôi thấy rất tiện lợi trong cuộc sống. Thứ nhất là sự tương tác giữa công dân với chính quyền địa phương, tôi bày tỏ được ý kiến của mình nhanh nhất đến chính quyền địa phương. Thứ hai là những dịch vụ làm hồ sơ nhanh, thuận tiện. Tất cả chỉ cần thao tác trên điện thoại di động.

Tại huyện Yên Khánh, xác định chuyển đổi số muốn thành công phải bắt nguồn từ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, huyện đã và đang quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh tuyên truyền để hình thành và phát triển công dân số. Đảm bảo mỗi công dân phải là người có kiến thức, kỹ năng cơ bản để tham gia các hoạt động trên môi trường số an toàn, từ đó đón bắt được cơ hội phát triển, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số tại địa phương.

Ông Phan Anh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh cho biết: Tổ công nghệ số cộng đồng của xã thường xuyên hỗ trợ người dân, hộ sản xuất, kinh doanh đưa các sản phẩm, hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử; tạo lập và hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng các ứng dụng My Ninh Bình, dịch vụ công trực tuyến VneID, thanh toán điện tử tại 10/10 thôn, xóm.

Cũng theo ông Châu, hiện nay, tỷ lệ người dân, chủ yếu là người trung tuổi và trẻ tuổi rất ít sử dụng tiền mặt trong giao dịch mua bán hàng hóa. Ngay cả tại các chợ truyền thống, tỷ lệ người dân mua hàng và chuyển bằng tài khoản cũng tăng dần. Với nhiều hộ kinh doanh, đặc biệt là các sản phẩm truyền thống, trước đây sản phẩm chỉ tiêu thụ trên địa bàn xã và huyện, từ khi thực hiện chuyển đổi số, nhiều gia đình đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Phương thức bán hàng mới này đã mở rộng người tiêu dùng ra ngoài huyện và nhiều địa phương trong cả nước.

Là người buôn bán các mặt hàng thực phẩm, bánh trái truyền thống, thời gian qua, chị Lê Khánh Lan, xã Khánh Hòa cho biết: “Nhờ ứng dụng công nghệ số trong quảng bá hình ảnh, có nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn. Ngoài ra, các giao dịch trong thanh toán điện, nước, đóng học phí cho các con… cũng được tôi giải quyết nhanh gọn, tiện lợi thông qua điện thoại di động. Tôi không cần phải đi lại nộp trực tiếp như trước kia nữa”.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai hóa đơn điện tử, chữ ký số, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch, nâng cao chất lượng phục vụ.

Với quan điểm, lấy người dân làm trung tâm, thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, Ninh Bình đang nỗ lực phát triển công dân số, hướng tới mọi công dân Ninh Bình đều sử dụng công nghệ trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tùng Chi