Phụ nữ Ninh Bình với nhiều mô hình hay, sáng tạo trong học tập và làm theo Bác
14/01/2019 - 15:50

TĐKT - Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 Bộ Chính trị về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Ninh Bình đã tích cực gắn việc học tập và làm theo Bác với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá của Hội. Từ đó, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực làm theo Bác trong các cấp Hội Phụ nữ.

Mô hình nghề truyền thống của phụ nữ xã Yên Thái (huyện Yên Mô)

Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, Hội LHPN các cấp đã tích cực tuyên truyền việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân. Hơn 2 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị báo cáo viên cho 100% cán bộ chuyên trách; tổ chức 562 hội nghị tuyên truyền thu hút 32.140 lượt người dự. Có 1.549 bài, phóng sự trên phương tiện thông tin đại chúng.
Song song với đó, các cấp hội đã phát động cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc ”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”… Qua đó, đã khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của phụ nữ trên các lĩnh vực.

Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh quan tâm, thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững. Các cấp Hội thực hiện tốt hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vận động các tổ chức, cá nhân cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất.

Hiện các cấp Hội đang quản lý trên 2.400 tỷ đồng, giúp trên 148.000 lượt người vay, trong đó có 19.896 phụ nữ nghèo. Đến nay, đã có một số mô hình đạt kết quả tốt: Mô hình tư vấn, hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Tiên Phong tại xóm Chùa, xã Yên Từ (Yên Mô)...

Bên cạnh đó, Hội LHPN các huyện, thành phố cũng xây dựng các mô hình tổ liên kết: Tổ liên kết chăn nuôi lợn tại xã Ninh Nhất, tổ liên kết trồng hành tại xã Ninh Phúc (TP Ninh Bình); mô hình liên kết trồng đào xen nghệ, chè ở xã Đông Sơn; mô hình “Tổ liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch văn minh” tại xã Trường Yên (Hoa Lư)... Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bán hàng. Đến nay, đã giúp 171 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, cho thu nhập bình quân 700.000 đồng/tháng.

Hội Phụ nữ cơ sở cũng có nhiều sáng tạo trong xây dựng mô hình làm theo Bác, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia: Mô hình “Tiết kiệm tại chi hội”, “Nhóm phụ nữ tiết kiệm”, “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”... 2 năm qua, các cấp Hội đã vận động 80% số hội viên tham gia tiết kiệm dưới nhiều hình thức, với số tiền gần 80 tỷ đồng.

Nhiều hoạt động trợ giúp phụ nữ nghèo đã được triển khai: Hội viên cho nhau vay không lấy lãi; hỗ trợ ngày công, giống cây con; hướng dẫn kiến thức cho những gia đình khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hàng năm, 100% cơ sở Hội đăng ký nhận giúp từ 1 đến 2 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ thoát nghèo. Nhờ vậy, đã có 567 hộ phụ nữ nghèo đứng chủ được Hội giúp thoát nghèo.

Hội viên phụ nữ huyện Yên Khánh tích cực tham gia công tác vệ sinh, môi trường

Bên cạnh việc hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh đã huy động được sức mạnh và quyết tâm cao của phụ nữ để tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa “Tự tin -Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; huy động được sự quan tâm của xã hội, gia đình trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, trẻ em, nhất là các gia đình có con dưới 16 tuổi.

Một số mô hình tập thể tham gia vệ sinh môi trường đã khơi dậy trách nhiệm, có sức lan tỏa nhanh trong cộng đồng: Phong trào “Ngày thứ 7 sạch”; phong trào “Đường hoa phụ nữ”; mô hình “Thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng”; mô hình câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường” tại các xã vùng cao huyện Nho Quan; CLB “Bóng đá nữ” xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan...

Có thể nói việc học tập và làm theo Bác đã giúp phụ nữ tỉnh Ninh Bình từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuệ Minh