Thái Bình: Doanh nghiệp nỗ lực vì “mục tiêu kép” chống dịch thắng lợi, kinh doanh về đích
30/08/2021 - 09:27

TĐKT - UBND tỉnh Thái Bình phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh bùng phát

Từ đầu năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song kinh tế của tỉnh Thái Bình tiếp tục phục hồi, tăng trưởng cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước và đồng đều ở cả 3 khu vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,92% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu và thu ngân sách trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tốt, đứng trong tốp đầu cả nước.

Tuy nhiên, những hệ lụy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Thái Bình là rất lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa chưa tiêu thụ được vẫn tiếp diễn, kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, lượng hàng hóa tồn kho lớn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh lương thực, hoạt động vận tải, du lịch và dịch vụ bị thu hẹp, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ Thái Bình đã chủ động tham mưu UBND tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 22/7/2021 và phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh”.

UBND tỉnh Thái Bình phát động thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh”

Phong trào thi đua nhằm thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động; nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng doanh nghiệp trong việc phòng, chống dịch Covid -19, đồng thời phát huy và khuyến khích sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021...  

Để thực hiện tốt phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị và địa phương cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tạo điều kiện và môi trường cho doanh nghiệp kinh doanh an toàn để doanh nghiệp có thể sáng tạo, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động thực hiện kế hoạch phòng, chống Covid-19, đảm bảo mục tiêu phát triển sản xuất.

Mặt khác, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả như phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thu nộp ngân sách”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Biến “nguy” thành “cơ”, tăng tốc phát triển

Để triển khai phong trào thi đua “Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh” hiệu quả và sâu rộng, Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ Thái Bình đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền nội dung và hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức phát động Phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong doanh nghiệp.

Tỉnh Thái Bình hiện có hơn 7.900 doanh nghiệp. Hưởng ứng phong trào thi đua do Ủy ban nhân dân tỉnh phát động, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Thi đua đổi mới kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có hình thức khen thưởng phù hợp, kịp thời để động viên người lao động hăng say, tích cực thi đua học tập, phát huy sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Trong triển khai thực hiện phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tiêu biểu, duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh kéo dài như: Công ty Cổ phần sản xuất hàng thể thao Tân Đệ tạo việc làm ổn định cho trên 16.000 lao động, Công ty Sợi dệt Hương Sen Comfor phấn đấu xuất khẩu 95% sản phẩm sản xuất ra, doanh thu tăng 150% so với năm 2020, Tập đoàn ThaiBinh Seed duy trì mức lương bình quân 11 triệu đồng/người/tháng…

Công nhân Công ty Cổ phần sản xuất hàng thể thao Tân Đệ thi đua lao động, sản xuất.

Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 9,1% trở lên so với năm 2020, tổng giá trị sản xuất tăng từ 10,8% trở lên là một thách thức rất lớn. Nhưng với sự chủ động phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của tỉnh và hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh”, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình sẽ tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao dộng, có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội, từ đó đẩy mạnh phục hồi kinh tế của tỉnh.

Tố Như