Phong trào thi đua

Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động thi đua năm 2023

TĐKT - Sáng 27/12, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị công chức, viên chức, người lao động và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Các đồng chí: Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Lê Văn Vũ, Chủ tịch Công đoàn Ban chủ trì Hội nghị. Toàn cảnh Hội nghị Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Phan Văn Hùng, Thường vụ Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo các vụ đơn vị, trưởng các đoàn thể, các công đoàn viên của Ban. Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương báo cáo tại Hội nghị Năm 2022, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã hoàn thành toàn diện tất cả các nhiệm vụ trong Chương trình công tác cũng như các nhiệm vụ đột xuất. Ban đã tập trung hoàn thành công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt là đã trình các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng. Đã chú trọng hoàn thiện các văn bản quản lý, văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác thi đua, khen thưởng, cũng như các đoàn giám sát việc triển khai hai phong trào thi đua, giai đoạn 2021 - 2025. Hoàn thành nhiệm vụ Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; xây dựng, tham mưu trình ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng. Đôn đốc các cụm, khối, bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức đánh giá, tổng kết công tác thi đua năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022; sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022. Các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức thiết thực, hiệu quả; trong đó nòng cốt là các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nội dung kế hoạch, hướng dẫn phong trào thi đua được xây dựng với tiêu chí cụ thể, rõ ràng, dễ kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia đông đảo và hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân. Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho các tập thể, cá nhân Trong năm 2022, Ban đã chuẩn bị chương trình, nội dung, điều kiện để Thủ tướng phát động Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Tổ chức 2 Hội nghị và hoàn thành 100% các đoàn giám sát triển khai Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” theo kế hoạch. Chất lượng công tác khen thưởng dần được nâng cao, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đặc biệt là công tác thẩm định, trình khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, qua đó phát huy tác dụng giáo dục, nêu gương; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ban, ngành, địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường và hoàn thành theo đúng kế hoạch. Đã thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng và trong cơ quan theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Công tác văn phòng, công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được chú trọng, đảm bảo đúng quy định. Đã thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo phục vụ tốt hoạt động của cơ quan. Các vụ, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp. Công chức, viên chức và người lao động luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng, chống dịch Covid - 19… Ghi nhận kết quả đã đạt được, năm 2022, Ban có 1 tập thể được đề nghị công nhận Tập thể Lao động xuất sắc; 1 tập thể, 2 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; 5 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thi đua – Khen thưởng; 12 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 4 tập thể, 28 cá nhân được tặng Giấy khen của Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Đồng chí Phan Văn Hùng, Thường vụ Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động thi đua năm 2023 Tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Hùng, Thường vụ Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động thi đua năm 2023, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả” với các nội dung, chỉ tiêu thi đua cụ thể: 100% công chức, viên chức, nhân viên xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được cụ thể hóa bằng 3 chuẩn mực của cán bộ, đảng viên Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương “Tận tụy, sáng tạo, gương mẫu”. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, tham mưu xây dựng các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn triển khai các phong trào thi đua, đặc biệt là các phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt do Thủ tướng Chính phủ phát động; triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025” và đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ khen thưởng; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực trong thẩm định hồ sơ khen thưởng theo Nghị quyết số 05-NQ/ĐUB ngày 15/11/2021 và Nghị quyết số 08-NQ/ĐUB ngày 12/01/2022 của Đảng ủy Ban. 100% công chức, viên chức, nhân viên thực hiện nghiêm nội quy, quy chế làm việc của Ban và quy chế làm việc của các vụ, đơn vị, đảm bảo cải cách thủ tục hành chính. Hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đúng quy định các nhiệm vụ công tác được giao của vụ, đơn vị trong từng tháng, quý, năm và nhiệm vụ được phân công theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đại diện các vụ, đơn vị thuộc Ban đã ký kết giao ước thi đua năm 2023 100% công chức, viên chức, nhân viên thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện nghiêm nếp sống văn hóa công sở, đạo đức công vụ trong giao tiếp, hội họp và thực thi công vụ; không uống rượu, bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực ở cơ quan; không tham gia cờ bạc dưới mọi hình thức. Người đứng đầu vụ, đơn vị quản lý và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức, viên chức, nhân viên; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của cơ quan. Vận động công chức, viên chức, nhân viên tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh. Đồng chí Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả của các tập thể, cá nhân đã đạt được trong năm qua. Đồng chí đề nghị thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tập trung cho công tác xây dựng thể chế; nghiên cứu sâu, nắm chắc các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022, hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì và phối hợp xây dựng các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng theo đúng kế hoạch; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong nội bộ và với các cơ quan, đơn vị có liên quan; chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác của Ban... Đồng chí tin tưởng và kỳ vọng, tập thể Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tiếp tục phát huy sự đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và Cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Tại Hội nghị, đại diện các vụ, đơn vị thuộc Ban đã ký kết giao ước thi đua năm 2023. Nhân dịp này, Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2023 - 2024 gồm 3 đồng chí. Phương Thanh

Năm 2022: Ngành Y tế Ninh Bình tích cực chuyển đổi số, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

TĐKT - Chuyển đổi số y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số quốc gia được quy định trong Quyết định số 749/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nắm bắt được tinh thần đó, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã chủ động đổi mới lề lối làm việc, tăng cường công tác cải cách hành chính, khẩn trương triển khai các ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, đa dạng hóa hoạt động dịch vụ, góp phần nâng cao công tác bảo vệ - chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ, chuyển đổi số trong ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay là tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngày 01/4/2022, Sở Y tế tinh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 37 về việc phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2022; Kế hoạch số 11a/KH-SYT ngày 10/02/2022 về việc triển khai thí điểm phần mềm chăm sóc sức khoẻ F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Kế hoạch số 42/KH-SYT ngày 08/4/2022 về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022. Một ca phẫu thuật tán sỏi mật qua da bằng laser cho bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa Ninh Bình Thực hiện những kế hoạch đó, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, như: Nâng cấp mạng LAN, nâng cấp dung lượng đường truyền internet. Ngoài ra, các đơn vị còn đầu tư hệ thống phần mềm Quản lý bệnh viện, giúp việc khám, chữa bệnh cho nhân dân được thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã có sự đầu tư về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước số hóa trong hoạt động, đã tạo điều kiện giúp các đơn vị chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác diễn biến phức tạp. Chia sẻ với chúng tôi, đại diện Sở Y tế cho hay: Hiệu quả thấy rõ nhất của việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào khám, chữa bệnh là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt phải kể đến ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tiêm chủng, đã tạo điều kiện giúp người dân thuận lợi theo dõi thông tin tiêm chủng không cần phải mang theo sổ giấy vì toàn bộ thông tin đã được cập nhật trong sổ tiêm chủng điện tử trên hệ thống tiêm chủng quốc gia. Sở Y tế Ninh Bình cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị trực thuộc ngoài việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, các đơn vị còn tăng cường ứng dụng CNTT trong khám bệnh, hướng đến đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ. Tăng cường triển khai các hoạt động y tế từ xa với các bệnh viện tuyến trên… Với những nỗ lực đó, đến nay, ngành Y tế Ninh Bình đã đạt được những thành quả bước đầu. Đến nay, 100% các dịch vụ công trực tuyến do Sở Y tế thực hiện đều được công khai và thực hiện trên cổng dịch vụ công Một cửa điện tử của tỉnh, của Sở. 100% các đơn vị trực thuộc đã triển khai hệ thống mạng chuyên dùng cấp II, vận hành ổn định, an toàn và thông suốt; đồng thời đều triển khai hệ thống phần mềm Quản lý văn bản iOffice và thực hiện ký số khi gửi văn bản điện tử giữa các đơn vị, rất thuận tiện. Tại các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng ngừa COVID-19 trên địa bàn tỉnh đều đã được trang bị chữ ký số, đảm bảo ký xác thực hồ sơ “Hộ chiếu vắc xin” trên hệ thống phần mềm tiêm chủng. 143/143 các trạm y tế tuyến xã cả tỉnh Ninh Bình đến nay đều đã triển khai ứng dụng phần mềm Y tế cơ sở. Phần mềm này cơ bản đáp ứng được nhu cầu quản lý khám chữa bệnh và một số lĩnh vực y tế dự phòng; đồng thời có khả năng kết nối liên thông với các phần mềm khác. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đều đã đầu tư hệ thống phần mềm Quản lý bệnh viện, hệ thống lấy số tự động…, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi khi khám chữa bệnh tại bệnh viện. Thông tin của bệnh nhân được lưu trữ và dễ dàng tra cứu trên hệ thống phần mềm. Người bệnh nhận phiếu, đơn thuốc được in ra rõ ràng tránh nhầm lẫn. Riêng các bệnh viện Đa khoa và bệnh viện Sản nhi của tỉnh Ninh Bình, đến nay đã chính thức đưa hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh không in phim (PACS) vào hoạt động. Quy trình này đã tạo bước tiến quan trọng để các bệnh viện tiến gần hơn tới việc số hóa các thông tin về y khoa theo mô hình Bệnh án điện tử. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi cho người bệnh và nâng cao hiệu quả hội chẩn chuyên gia từ xa, đồng thời góp phần giảm chi phí và bảo vệ môi trường khi không phải in phim. Toàn bộ các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng phương thức mã QR code hoặc phương thức Mobile money và thẻ POS liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị đã tích cực chủ động trong việc cải cách thủ tục hành chính đã triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện nay đã tích hợp được trên 200.000 thẻ BHYT vào căn cước công dân (CCCD) để đi khám chữa bệnh BHYT, công việc này vẫn đang được tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện. Đối với những người chưa được tích hợp thẻ BHYT vào CCCD thì vẫn đi khám chữa bệnh bình thường như cũ và khi đi phải mang theo thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh. Chị Nguyễn Thị Hồng (36 tuổi), thường xuyên sử dụng các dịch vụ y tế tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Càng ngày bệnh viện càng hiện đại. Tôi thấy rất tiện khi đi bệnh viện không cần phải chen lấn, xô đẩy để vào khám mà chỉ cần ấn nút, lấy giấy rồi ngồi chờ thông báo đến lượt, rất văn minh. Lúc thanh toán, tôi cũng không phải mang theo tiền mặt, tất cả đều gói gọn trong chiếc smart phone. Tôi cảm thấy rất hài lòng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Y tế tỉnh, Ninh Bình vốn là một địa bàn đa dạng địa hình với trình độ văn hóa không đồng bộ, thu nhập chưa cao, vì vậy trong quá trình triển khai chuyển đổi số ngành Y tế vẫn gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể như, hiện nay, tỷ lệ người dân, đặc biệt là người bệnh có thẻ để thanh toán còn thấp. Đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người già, trung niên chiếm số lượng lớn nên việc tiếp cận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế tại các đơn vị trực thuộc và các cơ sở khám, chữa bệnh. Mặt khác, do mức phí thu quẹt thẻ qua POS của các ngân hàng trên mỗi giao dịch khá cao, một bệnh nhân có thể phát sinh nhiều hơn một giao dịch, các đơn vị khám chữa bệnh đang phải trả chi phí giao dịch này, trong khi chi phí này chưa được đưa vào chi phí khám chữa bệnh. Vì vậy, vô hình chung, khi thực hiện giao dịch này, các cơ sở y tế thêm phần gánh nặng chi phí. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho rằng, để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, thời gian tới, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương cần có giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi trong triển khai chủ trương đào tạo đặt hàng, cụ thể là có giải pháp, quy định pháp luật trong đặt hàng đào tạo liên thông bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật y theo địa chỉ sử dụng cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã do thực tế các đơn vị này rất khó khăn trong tuyển dụng, thu hút được nhân lực bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật y đại học về công tác. Đối với ngành y tế tuyến tỉnh, cần tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong y tế. Cần tập trung tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về ứng dụng CNTT trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, trong đó có việc ứng dụng CNTT áp dụng cho các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, phát triển nền tảng Chính quyền điện tử; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; phát triển dữ liệu số; tiếp tục đấy mạnh triển khai, ứng dụng các dịch vụ, giải pháp phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ số trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, cần triển khai các hệ thống thu thập phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và bảo đảm an toàn an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số./. Thục Anh    

Cụm thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Liên hiệp tổng kết thi đua năm 2022

TĐKT - Ngày 19/12, tại Hà Nội, Cụm thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức Liên hiệp tổ chức Hội nghị tổng kết thi đua năm 2022. Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Cụm trưởng Cụm thi đua; ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Cụm phó Cụm thi đua. Các đồng chí chủ trì Hội nghị Tham dự Hội nghị có lãnh đạo 9 tổ chức trong Cụm thi đua: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm 2022, các thành viên trong Cụm tiếp tục có sự đổi mới về công tác thi đua, khen thưởng và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua được quan tâm sâu sát, đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Cụ thể hóa các phong trào thi đua gắn với thực hiện các cuộc vận động, chương trình, phong trào thi đua của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQ Việt Nam phát động, các thành viên Cụm đã tổ chức phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Tiêu biểu như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cụ thể hóa bằng phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” và Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid - 19”, nhiều sáng kiến đã mang lại giá trị làm lợi ước tính từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã vận động, kết nối, đăng ký hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng cho gần 17 nghìn trẻ em, trong đó có 2.991 trẻ mồ côi do Covid-19 với tổng số tiền trên 87 tỷ đồng; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Chương trình “Nối vòng tay thương”, đến nay bảo trợ 1.908 em với mức bảo trợ dài hạn cho mỗi em là 2 triệu đồng/tháng cho đến năm 18 tuổi; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tăng cường các mô hình: “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân”, “Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân” đã kết nối tiêu thụ trên 2 triệu tấn nông sản cho nông dân; tuyên truyền, vận động, ủng hộ, hỗ trợ 112.077 tấn hàng hóa, vật tư cho công tác phòng chống dịch... với tổng trị giá hơn 336 tỷ đồng. Các đơn vị trong Cụm thi đua ký kết giao ước thi đua năm 2023 Cùng với đó, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tiếp tục được triển khai có hiệu quả với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức thành viên, tập trung vào những việc khó, trọng tâm, cấp bách, tạo nên động lực góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền vận động hội viên, nông dân hiến 3,7 triệu m2 đất, góp hơn 1,4 triệu ngày công lao động; làm mới và sửa chữa trên 1.023.203 km đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng với tổng kinh phí 2.034 tỷ đồng;  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã xây dựng mới 101 km đường giao thông nông thôn; tu sửa được 411 km; thắp sáng được 322 km đường nông thôn. Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các thành viên triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đóng góp tích cực trong nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam.  Năm 2022, các cấp công đoàn đã tổ chức các hoạt động chăm lo cho hơn 9 triệu đoàn viên, người lao động với tổng số tiền 5.850 tỷ đồng. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, với số đoàn viên được thụ hưởng là hơn 1,3 triệu lượt với số tiền trên 26,4 tỷ đồng. Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khoẻ, cấp thuốc miễn phí cho hơn 1,5 triệu đối tượng với tổng giá trị 20 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 10.000 quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn 15 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hơn 1.350 nhà đồng đội. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã hỗ trợ 6.500 hộ cựu chiến binh thoát nghèo, xóa được 1.761 nhà dột nát phát sinh do thiên tai. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng 8.357 mô hình sản xuất giảm nghèo; hoàn thành 3.623 nhà ở cho hộ nghèo  với tổng trị giá 2.346 tỷ đồng). Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, đã vận động được gần 80 tỷ đồng. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp triển khai Chương trình “Mang Tết về nhà” với tổng trị giá 336 tỷ đồng. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ghi nhận và đánh giá cao những thành tích nổi bật của các thành viên của cụm thi đua; đồng thời khẳng định, 9 tổ chức trong khối thi đua là cầu nối, là chỗ dựa quan trọng để động viên mỗi đoàn viên, hội viên cùng đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Đồng tình với những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 mà Khối thi đua đã đề ra, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, trên cơ sở Quyết định số 1526/QĐ-TTg ngày 9/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025”, các thành viên trong khối cần phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm tạo sức lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ các tập thể, cá nhân học tập điển hình tiên tiến, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhắc tới nội dung Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, các tổ chức trong khối cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; nâng cao năng lực, bản lĩnh, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội và lồng ghép việc triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội vào việc phát động phong trào thi đua của tổ chức mình. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị mỗi thành viên cần tập trung hưởng ứng phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” do Thủ tướng Chính phủ phát động để có nhiều hơn nữa những mô hình, điển hình mới sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương, cơ sở. Đặc biệt, việc tổ chức các phong trào thi đua phải đảm bảo sự thiết thực và hướng tới lợi ích của người dân, qua đó góp phần phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân. “Mỗi tổ chức phải có sự sáng tạo trong cách thức tiếp cận các phong trào thi đua và thực hiện phương châm tự làm mới mình để việc triển khai các phong trào thi đua đến gần với nhân dân hơn và đảm bảo quyền, lợi ích của đoàn viên, hội viên và nhân dân.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh. Hội nghị đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2022 cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đề nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ VN tặng Bằng khen cho 4 đơn vị: Hội CCB Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Dịp này, các đơn vị trong Cụm đã ký giao ước thi đua năm 2023. Hội nghị cũng thống nhất suy tôn Hội Cựu Chiến binh Việt Nam là đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua năm 2023. Mai Thảo

Triển khai phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”

TĐKT – Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được xác định là một trong những phong trào thi đua trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân; gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động trong chỉ đạo điều hành Ngày 28/11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1478/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030 với mục tiêu tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống xã hội. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng đảm bảo đúng hoặc vượt tiến độ, an toàn, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai thực hiện. Thông qua phong trào thi đua, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, biện pháp, giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, phù hợp với chức năng, điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, công chức, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lãng phí trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, xây dựng đất nước giàu mạnh, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân; tự lực tự cường, khai thác tối đa tiềm năng quốc gia, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thủ tướng yêu cầu phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được xác định là một trong những phong trào thi đua trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và Nhân dân; gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Đồng thời, phát động, triển khai phong trào thi đua với nội dung thiết thực, hình thức phong phú, sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở nhằm góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, sức lao động và tài nguyên, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện Phong trào thi đua, định kỳ sơ kết, tổng kết, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong Phong trào thi đua. Thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng Để thực hiện tốt nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương), tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi công dân tập trung thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng với các nội dung: Đổi mới tư duy về thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, ổn định, bình đẳng, công khai, minh bạch, tạo đột phá theo phương châm: Chính sách phải phục vụ sự phát triển, tạo điều kiện cho phát triển. Thi đua huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng trên cơ sở đảm bảo hiệu quả, chất lượng đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể. Thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành đúng tiến độ hoặc vượt kế hoạch, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức ảnh hưởng, hạ tầng số, các công trình an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tạo sự đột phá, các dự án tạo nền tảng tiếp cận và nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, thi đua nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức kinh tế trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực làm công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng. Thi đua nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả lao động, rút ngắn thời gian thực hiện, tiết kiệm tài nguyên và nguồn nhân lực, sử dụng nguyên vật liệu có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường. Thi đua vận động toàn dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng tại cộng đồng dân cư; tích cực tham gia giải phóng mặt bằng, hiến đất, vật liệu; chung sức làm đường giao thông nông thôn, tham gia xây dựng các công trình phúc lợi tại xã, phường, thôn, tổ dân phố. Đặc biệt, chấp hành tốt việc tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng tại địa bàn cư trú. Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Nội dung thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm: Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí nhà nước, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong các lĩnh vực để khôi phục và phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ XIII của Đảng và Quốc hội đề ra. Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, xây dựng, quản lý sử dụng tài sản nhà nước, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, phát triển bền vững quốc gia gắn với bảo vệ môi trường; sử dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong khai thác, chế biến tài nguyên; đảm bảo quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích. Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, sử dụng hiệu quả, đang dạng hóa nguồn vốn với cơ cấu vốn hợp lý, tiết kiệm, đúng mục đích; đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân; thi đua quản lý, sử dụng hiệu quả lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Căn cứ kết quả thực hiện Phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân, các bộ, ban, ngành, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trực thuộc biểu dương, khen thưởng kịp thời theo thẩm quyền các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu. Phương Thanh

Tuyên Quang: Động viên người dân tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo

TĐKT – Ngày 1/12, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương do đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban là Trưởng đoàn đã làm việc với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Tuyên Quang về việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ; Bàng Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên; lãnh đạo và chuyên viên Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Tuyên Quang Tại các buổi làm việc, đoàn ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hưởng ứng của người dân trong triển khai phong trào, đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo. Các địa phương, các cơ quan đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh cũng chủ động phát động và triển khai các phong trào, các cuộc vận động thiết thực, phù hợp với chức năng nhiệm vụ và đặc thù của mình. Điển hình là việc triển khai Đề án 02 giúp cho chính quyền sát với người dân, cán bộ, đảng viên, công chức thấu hiểu và nắm rõ nguyện vọng, hoàn cảnh của người dân, từ đó có giải pháp giám sát việc triển khai các chương trình dự án trên thực tế cũng như giúp nâng cao nhận thức, động viên người dân tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự lực vượt khó, có động lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tương trợ hộ khác thoát nghèo. Cùng với đó là các mô hình hỗ trợ nuôi bò, vay bò trả bê; mô hình giúp hộ nghèo có thành viên là người có công làm nhà mới, sửa nhà ở tạm, dột nát; mô hình ứng dụng trên nền tảng số để kết nối cung cầu lao động trên mạng xã hội… Đoàn Giám sát chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh Tuyên Quang Đồng thời, Đoàn đề nghị Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác hướng dẫn khen thưởng, kịp thời phát hiện, vinh danh, biểu dương các gương điển hình, giúp nhân rộng, lan tỏa các mô hình hay, cách làm sáng tạo bằng các hình thức đa dạng, phù hợp. Đoàn cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện cho đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu tổ chức, theo dõi các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong thời gian tới. Đoàn làm việc với huyện Lâm Bình Trong chương trình công tác, Đoàn đã làm việc với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lâm Bình, khảo sát thực tế một số mô hình khai thác du lịch lòng hồ thủy điện, nuôi thủy sản tại huyện. Đoàn đã đến làm việc tại nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; thăm và khảo sát thực tế hộ gia đình anh Đinh Văn Tiến tại thôn, hộ gia đình tiêu biểu trong tự lực vươn lên thoát nghèo. Đoàn đến thăm mô hình nuôi cá lồng của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tùng Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Tuyên Quang, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào thi đua được các cấp, các ngành quan tâm, tạo được sự ủng hộ của toàn xã hội trong việc huy động nguồn lực giúp đỡ các hộ nghèo. Các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã đề ra các chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện giảm nghèo được triển khai bằng nhiều hình thức. Qua đó, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân trong thực hiện Chương trình giảm nghèo; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Đoàn làm việc tại nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương Các chính sách giảm nghèo được các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Người nghèo, người cận nghèo đều được thụ hưởng đúng chính sách; cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội ngày càng thuận lợi. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả cao: Tổ chức các hoạt động trong “Tháng cao điểm vì người nghèo”; giới thiệu địa chỉ để các tập thể và cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo… Các tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai nhiều phong trào thi đua như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế địa phương”... đã triển khai kịp thời việc hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Đoàn thăm và khảo sát thực tế hộ gia đình anh Đinh Văn Tiến tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, đặc biệt là các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đã được nâng lên, qua đó việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo được đảm bảo thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương. Dự kiến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm từ 23,45% (tương đương 50.033 hộ) đầu năm 2022 xuống còn 19,97% (tương đương 42.947 hộ). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số so với hộ dân tộc thiểu số giảm từ 37,32 % (tương đương 40.703 hộ) đầu năm 2022 xuống còn 31,92% (tương đương 35.103 hộ), trong năm giảm 3,48%. Nguyệt Hà

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khen thưởng sinh viên đạt thành tích cao tại các kỳ thi toàn quốc và khu vực

TĐKT - Sáng 30/11, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ trao giải cho sinh viên đạt thành tích tại kỳ thi toàn quốc và khu vực năm học 2021 - 2022. GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng sinh viên; PGS. TS Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng nhà trường dự buổi lễ. GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường phát biểu tại buổi lễ Năm học 2021 – 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn sinh viên đều học trực tuyến, nhưng các khoa, đơn vị trong trường vẫn cố gắng tổ chức cho sinh viên tham gia nhiều cuộc thi đa dạng, phong phú về hình thức, tính chất và quy mô, đạt được những giải thưởng cao, mang lại vinh dự cho nhà trường. GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường trao giấy khen cho các sinh viên Khoa Kiến trúc Năm học qua, nhà trường có 5 đoàn thi do các khoa và Đoàn Thanh niên tổ chức luyện thi. Kết quả, sinh viên nhà trường đã đạt 2 giải Nhất (trong đó có 1 giải Nhất toàn năng), 2 giải Nhì và 1 giải Ba cuộc thi Festival sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ XIII; 1 giải Nhất năm 2021, 1 giải Nhì năm 2022 cuộc thi Nhà Thiết kế trẻ châu Á, 3 giải khuyến khích tại các cuộc thi mỹ thuật do Bộ Công Thương, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức; 2 giải Nhất năm 2020, 2 giải Nhất năm 2021 và 4 giải Nhất cùng với giải Ba toàn đoàn năm 2022 tại các kỳ thi Olympic tiếng Nga, các cuộc thi tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, phân viện Puskin tại Hà Nội tổ chức; 7 sinh viên đạt giải khuyến khích cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn quốc; đội tuyển cầu lông của trường đạt 1 Huy chương Đồng đồng đội nam tại giải thi đấu Thể thao khu vực Hà Nội năm 2022. PGS. TS Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng nhà trường trao tặng giấy khen và chúc mừng thầy và trò Khoa Mỹ thuật Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng sinh viên nhà trường nhiệt liệt biểu dương các em sinh viên đã tích cực tham gia và đạt giải cao tại các kỳ thi toàn quốc và khu vực; biểu dương, hoan nghênh các thầy cô hướng dẫn, chủ nhiệm các khoa trong nhiều năm qua đã cổ vũ, động viên, hướng dẫn các em tham gia kỳ thi. Kỳ thi không chỉ góp phần phát huy trí sáng tạo, đam mê của các em mà còn tạo cơ hội cho các em học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên ngành. GS. TS Nguyễn Công Nghiệp đề nghị các thầy cô tiếp tục động viên, cổ vũ sinh viên tham gia các cuộc thi quốc gia và khu vực, khơi dậy và phát huy hơn nữa phong trào tích cực học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học trong toàn trường. Mong các em sinh viên được khen thưởng hôm nay sẽ trở thành nòng cốt cho phong trào này, để phong trào ngày càng lan tỏa. Tại buổi lễ, Ban Giám hiệu nhà trường đã trao tặng giấy khen cho 41 sinh viên đạt thành tích tại kỳ thi toàn quốc và khu vực năm học 2021 - 2022. Phương Thanh

Khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để giảm nghèo bền vững

TĐKT – Chiều 29/11, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương do đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban là Trưởng đoàn đã làm việc với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Hà Giang về việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh. Đoàn Giám sát làm việc với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Hà Giang Tiếp và làm việc với Đoàn, có các đồng chí: Nguyễn Cao Cường, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh; Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh; lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên; lãnh đạo và chuyên viên Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh Hà Giang. Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Hà Giang, phát huy tinh thần thi đua yêu nước với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo vì Hà Giang phát triển”, phong trào thi đua“Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện phong trào đã có nhiều đổi mới, góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Kinh tế tăng trưởng ổn định, đồng bộ với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo; công nghiệp, dịch vụ du lịch đã có nhiều khởi sắc; nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả thiết thực, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí được nâng lên. Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh phát biểu tại buổi làm việc Theo kết quả rà soát, cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022 toàn tỉnh giảm 5,16% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,99%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,17%); vượt chỉ tiêu tỉnh giao (3%) và vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (giao tỉnh Hà Giang năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%). Các huyện đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều cao là: Mèo Vạc (8,03%), Vị Xuyên (8%), Bắc Quang (6,14%), Quang Bình (5,28%)... Nhận thức của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác thi đua, khen thưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng gương điển hình được quan tâm. Công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua được thực hiện đầy đủ. Công tác bình xét, suy tôn đề nghị khen thưởng bảo đảm tính công khai, dân chủ, đúng đối tượng, thành tích đã tích cực phát huy hiệu quả, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng. Trong năm 2021, có hơn 100 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, trong đó có tập thể xã, thôn, tổ dân phố, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, nông dân... Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 4 tập thể, 4 cá nhân, 1 hộ gia đình có nhiều thành tích trong công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương và được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Để biểu dương những đóng góp của các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ quan đơn vị, cá nhân nhà hảo tâm, các lực lượng vũ trang, tổ chức hội đoàn thể chính trị xã hội trong Chương trình chung tay xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức khen thưởng cho 241 tập thể và 96 cá nhân. Ngoài ra các cơ quan, đơn vị, địa phương theo thẩm quyền đã có nhiều hình thức biểu dương khen thưởng, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Có thể nói, công tác phát động phong trào thi đua và biểu dương khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiến tiến đã có ảnh hưởng tích cực đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trở thành động lực to lớn góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm. Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Hà Giang Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát ghi nhận và đánh giá cao cơ quan thường trực đã tham mưu Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh lãnh đạo, tổ chức triển khai phong trào thi đua đồng bộ, hiệu quả, phát huy sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt lồng ghép công tác thi đua, khen thưởng trong các chương trình, dự án, trong hoạt động các đoàn kiểm tra giám sát, trong phân công trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân. Hà Giang đã có nhiều mô hình, chương trình sáng tạo, thiết thực, đa dạng do các địa phương, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội của tỉnh phát động, như: Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, chương trình cải tạo vườn tạp… với cơ chế hỗ trợ hiệu quả, phù hợp, có sự chung sức, đồng lòng của người dân, cộng đồng, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đoàn cũng đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, tăng cường biểu dương, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị, đoàn thể nhằm khích lệ, động viên phong trào. Trong đó, tiếp tục chú trọng khen thưởng, vinh danh việc nêu gương trong thay đổi tập quán, nếp sống, cách thức canh tác lạc hậu, vượt khó thoát nghèo và hỗ trợ, tương trợ hộ khác thoát nghèo. Thông qua việc trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, Đoàn đề nghị các cơ quan, đơn vị quan tâm phát hiện, khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng kịp thời đối với người nông dân, các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích đặc biệt xuất sắc theo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Tham quan thực tế làng văn hóa Lô Lô Chải Trong chương trình giám sát, Đoàn đã tới tham quan thực tế làng văn hóa Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn với mô hình du lịch cộng đồng (Home Stay) của người dân tộc Lô Lô. Điểm nổi bật là lãnh đạo thôn đã tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cách thức làm ăn, chuyển đổi mô hình nuôi bò sang du lịch cộng đồng, thay đổi cảnh quan, môi trường, đường nông thôn, thu hút du lịch… Thôn đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá hình ảnh, thu hút khách và các nhà đầu tư đến với địa phương, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, người dân trực tiếp thụ hưởng thành quả của mình. Khảo sát mô hình nuôi bò vỗ béo và nuôi bò sinh sản của hộ gia đình anh Vừ Chá Pó, thôn Pả Vi, xã Pả Vi Đoàn cũng tìm hiểu mô hình hỗ trợ làm nhà cho đối tượng nghèo tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc; khảo sát mô hình nuôi bò vỗ béo và nuôi bò sinh sản của hộ gia đình anh Vừ Chá Pó, thôn Pả Vi, xã Pả Vi. Nhờ triển khai mô hình hiệu quả, hộ gia đình anh Vừ Chá Pó đã chuyển từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo. Phương Thanh

Hiệu quả bước đầu trong thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” tại Thái Bình

TĐKT - Trong hai ngày 28 và 29/11/2022, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ III, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương làm Trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Thái Bình về triển khai phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Ngày 28/11, tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát có các đồng chí trong Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Thái Bình: Phạm Văn Nghiêm, Giám đốc Sở Nội vụ; Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Bùi Xuân Vinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động; Nguyễn Cảnh Toàn, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ III, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu, trao đổi tại buổi làm việc với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Thái Bình Trình bày báo cáo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình,  đồng chí Nguyễn Văn Thạo, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh cho biết: Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thực sự phát triển sôi nổi, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo. Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc Các chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, người nghèo được tiếp cận thuận tiện hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước, các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng như các dịch vụ xã hội, khoa học và kỹ thuật; số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh, xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đoàn Giám sát trao đổi thông tin tại cơ sở sản xuất của Công ty Tân Đệ Các cấp, các ngành đã đề ra những chủ trương, biện pháp thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào thi đua, do đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra. Thực tế sản xuất của các công nhân may Công ty Tân Đệ Kết quả tổng rà soát, toàn tỉnh có 15.739 hộ nghèo, tỷ lệ 2,40%, hộ cận nghèo còn 16.218, tỷ lệ 2,47%; dự kiến đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 14.389 hộ nghèo, tỷ lệ 2,19% (giảm 1.350 hộ, tương đương giảm 0,21%, hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra), 15.147 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,3% (giảm 990 hộ, tương ứng giảm 0,17%). Đến nay, Thái Bình đã cấp 17.092 thẻ BHYT cho người nghèo và 25.173 thẻ BHYT cho người cận nghèo; thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 19.109 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 7.300 triệu đồng. Số trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa: 1.263 lượt trẻ em, với tổng kinh phí trên 925,68 triệu đồng; 934 hộ nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 42.505 triệu đồng; 1.149 hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 53.078 triệu đồng; 6.002 lượt hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 277.536 triệu đồng; 112.000 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí chi trả trên 360 tỷ đồng (trong đó có người nghèo và người cận nghèo). Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được trên 28,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ xây mới 417 nhà, sửa chữa 190 nhà đại đoàn kết, trị giá trên 8 tỷ đồng... Đoàn Giám sát chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, công nhân viên Công ty Tân Đệ Trong khuôn khổ chương trình công tác, ngày 28/11, Đoàn Giám sát đã đến thực tế mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của Công ty Tân Đệ - đơn vị sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu của Việt Nam, đóng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Công ty luôn tạo môi trường làm việc xanh, chuyên nghiệp và thân thiện; luôn đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 18.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8 đến 13 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, tại Công ty Tân Đệ, người lao động được quan tâm, chăm sóc như đang ở trong ngôi nhà thứ hai của mình, được hưởng nhiều chế độ phúc lợi xã hội; được trang bị thêm nhiều thông tin, hiểu biết xã hội thông qua chương trình “hệ thống radio”... Đoàn Giám sát thực tế mô hình của gia đình bà Nguyễn Thị Bảy Ngày 29/11, Đoàn Giám sát cũng đã đến làm việc và thực tế mô hình thoát nghèo bền vững của bà Nguyễn Thị Bảy, ở thôn Khả Đông, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà. Mô hình chăn nuôi trang trại lợn, kết hợp trồng cây, thả cá của gia đình bà Bảy đã cho thu nhập ổn định, bền vững và ngày càng mở rộng, phát triển hơn. Để giám sát mô hình trang trại lợn, bà Nguyễn Thị Bảy đã mạnh dạn đầu tư mô hình camera giám sát Đoàn cũng tới thăm mô hình xưởng may mặc của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, 46 tuổi, ở thôn Kênh, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà. Nhờ sự trợ giúp vốn của Ngân hàng Chính sách, cộng với vốn tích cóp của gia đình, chị đã mạnh dạn đầu tư mua 20 chiếc máy may gia công. Đoàn Giám sát thực tế xưởng may mặc của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền Đến nay, nhờ sự chăm chỉ, năng động và uy tín, gia đình chị thường xuyên nhận được các đơn hàng may mặc ổn định. Mô hình may gia công của gia đình chị đã hỗ trợ được thường xuyên cho 20 lao động ở địa phương với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng. Hiện tại, chị đang đầu tư mở rộng thêm một xưởng may khác ở tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến hỗ trợ thêm cho nhiều chị em phụ nữ khác có công việc và thu nhập ổn định. Nhiều ý kiến được đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, cá nhân thẳng thắn trao đổi, chia sẻ với Đoàn Giám sát Mai Thảo

Phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn

TĐKT - Chiều 29/11, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018 - 2022; ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022 - 2027. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hội trường Bộ Quốc phòng và kết nối trực tuyến tới 18 điểm cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Các đại biểu dự Hội nghị tại Hội trường Bộ Quốc phòng (ảnh: TTXVN) Chủ trì Hội nghị, có các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu cho biết: Ngày 12/12/2017, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022, nhằm tăng cường và đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp hoạt động giữa Hai bên. Trọng tâm là: Tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường đoàn kết quân - dân, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và hậu phương quân đội; phối hợp thực hiện tốt các phong trào thi đua và cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, quân đội, Hội LHPN Việt Nam phát động; xây dựng Hội LHPN các cấp và đơn vị Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hội nghị lần này nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018 - 2022; biểu dương, khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai thực hiện và ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022 - 2027. Để đánh giá khách quan, toàn diện kết quả công tác phối hợp, làm nổi bật những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân; đồng thời đề ra những chủ trương, giải pháp, nội dung Chương trình phối hợp thời gian tới đạt kết quả cao hơn, đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; xây dựng các cơ quan, đơn vị quân đội vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tổ chức Hội Phụ nữ các cấp vững mạnh; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu đề nghị các đại biểu dự Hội nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ thảo luận để làm rõ những nội dung trên. Đại tá Phùng Thị Phú, Trưởng Ban Phụ nữ Quân đội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam báo cáo tại Hội nghị Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác phối hợp hoạt động giữa Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam được triển khai đồng bộ, toàn diện, sát với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, phù hợp với thực tiễn của các cơ quan, đơn vị và địa phương; xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình hoạt động hiệu quả cao, có sức lan tỏa sâu rộng. Các cơ quan, đơn vị trong quân đội, nòng cốt là phụ nữ đã vận dụng linh hoạt, đa dạng hình thức ký kết, kết nghĩa, tổ chức các hoạt động phối hợp với tổ chức Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức Hội các cấp, cán bộ, hội viên, phụ nữ trong cả nước đã có nhiều hoạt động hiệu quả thiết thực, điển hình như: “Phụ nữ Quân đội đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Phụ nữ với sự phát triển bình yên tuyến biển”, “Phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa”, “Tổ phụ nữ tham gia giữ gìn đường biên, mốc giới”, “Tổ phụ nữ tham gia phòng chống vượt biên, xâm nhập trái phép”... Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm Giai đoạn 2018 - 2022, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức tuyên truyền hơn 352 nghìn buổi; tổ chức hàng triệu cuộc thi tìm hiểu, quán triệt nghị quyết, tọa đàm, diễn đàn, nói chuyện chuyên đề; vận động gần 43 nghìn học sinh trở lại trường học; vận động không di cư 13.466 hộ. Hội LHPN các cấp phối hợp với các đơn vị quân đội tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn bán phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới được 97.500 cuộc, với sự tham gia của gần 5 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ và cán bộ, hội viên phụ nữ. Cơ quan, đơn vị quân đội phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Hội LHPN địa phương xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh về chính trị, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tổ chức kết nghĩa với 6.988 đầu mối, trong đó có 3.052 tổ chức cấp ủy, chính quyền, 3.970 tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức 8.561 tổ, đội công tác cơ sở; 20.893 tổ, đội công tác liên ngành trực tiếp tham gia xây dựng, củng cố 21.608 lượt xã, phường, thị trấn và 87.066 lượt tổ chức chính trị xã hội vững mạnh. Toàn quân đã xây dựng 6.936 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, phụng dưỡng hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hội LHPN các cấp đã vận động được hơn 5.000 “Mái ấm tình thương”. Bộ đội Biên phòng đã tổ chức 120 lớp tập huấn cho 2.030 cán bộ hội và 146 lớp xóa mù chữ cho 3.190 phụ nữ các dân tộc... Thông qua Chương trình phối hợp, đã tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, sự gắn bó giữa cơ quan, đơn vị quân đội với cấp ủy chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp; phát huy tốt vai trò thực hiện chức năng đội quân công tác của cơ quan, đơn vị quân đội và những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những kết quả đó đã góp phần thực hiện tốt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới. Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trao tặng Bằng khen cho các tập thể của Hội LHPN Việt Nam (ảnh: TTXVN) Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trao tặng Bằng khen cho tập thể các đơn vị trong quân đội (ảnh: TTXVN) Tổng kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018 - 2022, tại Hội nghị, có 12 tập thể của Hội LHPN Việt Nam và 15 tập thể các đơn vị trong quân đội đã được biểu dương, khen thưởng. Đại diện Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022 - 2027 Tại Hội nghị, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã cùng ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022 - 2027 với 4 nhóm nội dung chính: Phối hợp tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phối hợp tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phối hợp thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quân đội, Hội LHPN Việt Nam và địa phương phát động; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và hậu phương quân đội. Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội, xây dựng đơn vị quân đội vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, Hội LHPN các cấp vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Phương Thanh

Bến Tre: Huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững

TĐKT – Tổng số vốn huy động cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2022 là 1.218,943 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn dưới 3%, với 11.015 hộ và 16.036 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4%. Ngày 24 và 25/11/2022, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương do đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Bến Tre về việc triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng thành tích trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc tại UBND tỉnh Bến Tre Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Thị Ngọc Thi, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội: Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh Bến Tre. Đoàn Giám sát chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự buổi làm việc tại UBND tỉnh Bến Tre Đoàn đã đến làm việc và nghe Báo cáo thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến tre; nghe Hội Cựu chiến binh xã báo cáo trực tiếp kết quả thực hiện phong trào thi đua "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn xã. Đoàn Giám sát làm việc tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre Đoàn cũng đi thực tế đến thăm mô hình tại gia đình ông Lê Quang Nam, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Tân Xuân. Gia đình đã được Hội Cựu chiến binh xã giúp đỡ thông qua mô hình 5+1, đến nay đã vươn lên thoát nghèo. Thăm gia đình ông Lê Quang Nam, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, gia đình hội viên cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình 5+1 Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú ,thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị; phát huy được sáng kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững. Hưởng ứng phong trào thi đua của Trung ương và của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn từng đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thi đua xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu: Ủy ban MTTQ Việt Nam triển khai Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre và phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”. Hội Nông dân có phong trào“Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội Cựu chiến binh tỉnh có 2 mô hình: Mô hình 5+1 (5 hoặc 10 hội viên giúp 1 hội viên về vốn, cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật… để thoát nghèo); mô hình “tổ hợp tác sản xuất”.  Hội Cựu Thanh niên xung phong với phong trào thi đua “Cựu Thanh niên xung phong giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có 2 mô hình hiệu quả:  Mô hình “Tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ hộ” thực hiện các hoạt động giúp 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và phụ nữ trong các hộ nghèo gắn với việc thực hiện đề án đa sinh kế bằng nhiều hình thức, biện pháp, cách làm có hiệu quả; mô hình “Mỗi Chi hội có 1 địa chỉ vì phụ nữ nghèo” đã vận động 12.858 phụ nữ khá giúp 5.640 phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế, số tiền 13,654 tỷ đồng... Cùng với đó, các chính sách đối với người nghèo, người cận nghèo được ban hành và triển khai kịp thời, hiệu quả, đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ giảm hộ nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Công tác huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo được các địa phương, các đoàn thể tích cực thực hiện. Các hộ nghèo, người nghèo đã nỗ lực khắc phục các khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.  Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được kịp thời phát hiện, nêu gương và khen thưởng góp phần quan trọng đẩy mạnh và nhân rộng phong trào thi đua ở từng cấp, từng ngành và toàn tỉnh. Nguyệt Hà

Trang