Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Thi đua, khen thưởng
05/07/2022 - 20:06

TĐKT - Sáng 5/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 5 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó có Luật Thi đua, khen thưởng.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VPCTN

Tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Công bố Lệnh số 03,04,05,06,07/2022/L-CTN Về việc công bố Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh Bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua.

Trong đó, Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15/6/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Luật gồm 8 chương, 96 Điều, các quy định trong Luật đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 4 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Thi đua, khen thưởng

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có nhiều điểm mới: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích” trước đây; đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến).

Bên cạnh đó, Luật chú trọng nội dung về khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ..., quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân.

Luật cũng quy định cụ thể nội dung về khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam; bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

Nguyệt Hà