Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công thương lần thứ III (2020 - 2025)
30/09/2020 - 12:45

TĐKT - Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Công thương long trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công thương lần thứ III (2020 - 2025). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo Đại hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội

Phát biểu khai mạc Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất", các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công thương không quản khó khăn gian khổ, hăng hái tham gia các phong trào thi đua, viết nên những bản anh hùng ca trong những năm chiến tranh ác liệt, nay lại tiếp tục đạt được những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập mạnh mẽ.

Những thành tựu của ngành Công thương đạt được trong gần 70 năm qua và đặc biệt trong những năm gần đây thể hiện sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, tinh thần hăng say lao động của hàng vạn cán bộ, công nhân viên, đồng thời là kết quả của các phong trào thi đua yêu nước được phát động thường xuyên, liên tục trong toàn ngành. Nhờ đó, ngành Công thương cơ bản duy trì được sự phát triển ổn định với các kết quả nổi bật.

Sản xuất công nghiệp được củng cố, tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 30% GDP và cũng là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 duy trì với tốc độ cao, bình quân 8%/năm; cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng ngành khai khoáng, phù hợp với tái cơ cấu ngành.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Bộ Công thương

Thương mại trong nước giữ vững vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm, đóng góp 12 – 13% GDP, thu hút khoảng 12,1% tổng lao động toàn xã hội, hỗ trợ tích cực giải quyết việc làm, nâng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế. Cung cầu, giá cả hàng hóa được giữ ổn định, kể cả trong giai đoạn cả nước gặp khó khăn do COVID-19.

Để đạt được kết quả này, 5 năm qua, ngành Công thương Việt Nam đã đẩy mạnh các phong trào thi đua trong như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô”… Các nội dung thi đua được các cấp triển khai đăng ký thực hiện với nhiều hoạt động, hình thức thiết thực nhằm khơi dậy tính năng động, sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành Công thương trong những năm qua.

Lãnh đạo Bộ Công thương trao Cờ thi đua của Bộ cho các tập thể có thành tích xuất sắc.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương những kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua của ngành Công thương; đồng thời, chúc mừng các đại biểu điển hình tiên tiến về dự Đại hội Thi đua yêu nước - những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua của ngành Công thương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, ngành Công thương cần có sự nhận diện sâu sắc, đánh giá đầy đủ về tình hình, cần có chiến lược và sách lược phù hợp quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, trước mắt là “mục tiêu kép” - đẩy lùi dịch bệnh và không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất.

Đồng chí giao nhiệm vụ trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước của ngành Công thương cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao, cụ thể tập trung vào các nội dung: Xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành, trong đó, đặc biệt lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tác động đến các vấn đề về cạnh tranh, phòng vệ thương mại... Tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững.

Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.

Tập trung phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu, trong đó, cần đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại và phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, đột phá...

Tại Đại hội, Bộ Công thương đã vinh dự nhận Cờ Thi đua của Chính phủ. 5 cá nhân vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Bộ Công thương cũng trao Cờ thi đua của Bộ cho 22 tập thể có thành tích xuất sắc.

Nguyệt Hà