Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Sóc Trăng lần thứ V, giai đoạn 2020 – 2025
03/10/2020 - 18:02

TĐKT - Sáng 2/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025.

Đến dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Văn Mẫn; bà Trần Thị Hà, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; Ủy viên Hội đồng TĐKT Trung ương, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phạm Đức Toàn; Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện.

Cùng dự Đại hội có: Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Dương Sà Kha, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cùng hơn 250 đại biểu là điển hình tiên tiến của tỉnh.

Đồng chí Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh báo cáo tại Đại hội

Báo cáo tại Đại hội, đồng chí Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh cho biết: Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Sóc Trăng lần thứ V, nhằm tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước của tỉnh; biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu xuất sắc nhất trong các phong trào thi đua yêu nước và đề ra phương hướng trọng tâm, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, tạo không khí thi đua mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.      

Trong 5 năm qua, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường. Ước tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là 6,15%/năm, đạt 76,88% chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, khu vực I tăng bình quân 2,6%/năm, khu vực II tăng 10,81%/năm, khu vực III tăng 7,71%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Ước GRDP bình quân đầu người năm 2020 là 2.110 USD/người/năm, đạt 63,55% chỉ tiêu Nghị quyết (năm 2015 là 1.348 USD/người/năm).

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên, đổi mới, sáng tạo; chú trọng gắn kết phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với các cuộc vận động xã hội, các phong trào tại cơ sở như: “Thực hiện hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Dân vận khéo”… Đến nay, đã có 47/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 51/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 63,75%; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.

 Ông Lâm Văn Lẫm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho 1 tập thể, 2 cá nhân

                    Giao lưu các điển hình tiên tiến tại Đại hội

 Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 69.582 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 55%; giải quyết việc làm cho 129.609 lao động. Kết quả hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer là trên 4,5%/năm. Đến nay, số hộ nghèo toàn tỉnh còn lại là 15.890 hộ, tỷ lệ 4,91%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer 7.694 hộ, tỷ lệ 7,67%, giảm 41.927 hộ so với năm 2016 (trong đó hộ Khmer giảm 19.289 hộ).

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người mới, có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá dân tộc về vật thể, phi vật thể, tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được chú trọng; quan tâm tổ chức các lễ hội truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được tiếp tục quan tâm thực hiện, góp phần đưa phong trào thể dục, thể thao tỉnh nhà có chuyển biến tích cực. Từ năm 2015 đến nay, các vận động viên của tỉnh đã tham dự 232 giải thi đấu quốc tế, quốc gia và khu vực, đạt 14 Huy chương Vàng, 228 Huy chương Bạc và 324 Huy chương Đồng.

UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho các tập thể có thành tích xuất sắc. (Ảnh: TTXVN)

Về phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất và mở rộng thị trường. Triển khai thực hiện phong trào thi đua, số lượng doanh nghiệp đã tăng dần theo từng năm; kết quả trong giai đoạn 2015 - 2020 có thêm 2.100 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 33.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh có khoảng 3.300 doanh nghiệp. Từ phong trào thi đu,  nhiều doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả năng suất hoạt động.

Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng thi đua thực hiện văn hóa công sở”  đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng, thường xuyên, liên tục thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày của công chức, viên chức trên mọi lĩnh vực công tác, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, kết hợp chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; đổi mới phong cách, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành giờ làm việc, văn hóa giao tiếp ứng xử, thái độ phục vụ, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đối với tổ chức, công dân, doanh nghiệp; góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Từ kết quả phong trào thi đua của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020, đã có 500 tập thể được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chủ tịch UBND tỉnh, 3.149 tập thể được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, 1.380 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 3.800 tập thể và 16.888 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Về khen thưởng cấp Nhà nước, có 1 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 26 tập thể và 438 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 4 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động các hạng cho 28 tập thể và 176 cá nhân, 393 trường hợp được khen thưởng thành tích kháng chiến; tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 571 Bà mẹ.

Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng TĐKT Trung ương, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương phát biểu tại Đại hội.

 Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng TĐKT Trung ương, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương chúc mừng những kết quả đạt được trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Tỉnh đã tích cực hưởng ứng và triển khai các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đồng thời tỉnh đã chủ động phát động các phong trào thi đua thiết thực, đạt kết quả, hiệu quả cao, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Cụ thể, đã chú trọng phát triển lúa đặc sản, đặc biệt là gạo thơm ST25 là thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đối với giai đoạn 2020 – 2025, đồng chí Phạm Đức Toàn thống nhất với phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp mà báo cáo đã nêu. Đồng thời, đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa một số nội dung:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, 12) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, yêu nước trong tình hình hiện nay, như: Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua, mọi việc đều thi đua. Thi đua phải gắn với nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng. Thi đua phải thường xuyên, liên tục, bền bỉ, lâu dài và rộng khắp...

Hai là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, đặc biệt là Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, nhằm phát huy vai trò của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan đơn vị trong phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng.

Ba là, tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trọng tâm là các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; đồng thời, phát động và tổ chức các phong trào thi đua của tỉnh một cách thiết thực, hiệu quả, rõ mục tiêu, tiêu chí thi đua, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và phù hợp với đặc thù của địa phương, bảo đảm phong trào thi đua không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Bốn là, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, và đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Coi trọng và thực hiện đồng bộ việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; lựa chọn chính xác các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời; tiếp tục quan tâm khen thưởng người lao động, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội; đảm bảo tác dụng giáo dục, nêu gương, và động viên hơn nữa các tầng lớp nhân dân trong phong trào thi đua.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng, công tác tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở; đảm bảo gương điển hình tiên tiến thực sự có tác dụng lan tỏa tốt trong cộng đồng, xã hội. Phát huy vai trò của Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp; quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong thời gian tới.

Nhân dịp này, có 1 tập thể, 2 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; 4 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 2 tập thể và 20 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Ba; 1 tập thể và 8 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 16 tập thể được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chủ tịch UBND tỉnh; 6 tập thể và 20 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

13 đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện, chụp hình cùng đoàn Đại biểu

Đại hội cũng đã thông qua danh sách có 13 đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Tại Đại hội, đồng chí Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh Sóc Trăng đã phát động phong trào thi đua yêu nước của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

                                                                                                                   Xuân Phúc