Thi đua để lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến
31/10/2020 - 07:57

TĐKT - Thi đua không phải là khẩu hiệu mà phải bằng hành động thực tế. Thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm, coi đây là công tác quan trọng, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dành cho báo chí cuộc trả lời phỏng vấn. Tạp chí Thi đua Khen thưởng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời phỏng vấn của báo chí

Phóng viên: Xin Bộ trưởng đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trong các phong trào thi đua yêu nước ngành Tài chính thời gian qua?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…", "Càng khó khăn, càng phải đẩy mạnh thi đua", tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính luôn xác định công tác thi đua, khen thưởng là nội dung quan trọng, là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và mọi cán bộ, công chức, người lao động trong ngành.

Để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của nhiệm kỳ 2016 - 2020, tập thể Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ, lãnh đạo Bộ Tài chính tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành Tài chính đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua yêu nước.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo, tổ chức phát động 5 phong trào thi đua thường xuyên trong toàn ngành và nhiều phong trào thi đua chuyên đề, nước rút. Hưởng ứng phát động của Bộ, hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính phát động hơn 500 phong trào thi đua; đặc biệt, tại hệ thống thuế, hải quan, kho bạc, dự trữ… các phong trào thi đua được triển khai đến tận cơ sở.

Phong trào thi đua đều có kế hoạch, chỉ tiêu gắn với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hằng năm, từng thời kỳ của cơ quan, đơn vị. Các phong trào thi đua đã tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành, qua đó khích lệ, động viên kịp thời toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính nỗ lực thực hiện, hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ đề ra.

Ngành Tài chính đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương, định hướng, giải pháp về cơ cấu lại NSNN, bám sát các mục tiêu của Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội. Nhìn lại giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, dự kiến quy mô thu NSNN bình quân đạt khoảng 24,5% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 23,6% GDP), vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội (23,5% GDP) và Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (20 - 21%GDP); gấp 1,58 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (hơn 3 lần giai đoạn 2006 - 2010). Tỷ lệ thu từ thuế, phí khoảng 20,4% GDP. Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, đến năm 2020 dự kiến đạt trên 84% tổng thu NSNN, đạt kế hoạch là 84 - 85% tại Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội; tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, thu nội địa chiếm tỷ trọng 81,6% tổng thu NSNN (giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015 tương ứng là 59,5% và 68,7%) đã góp phần bù đắp xu hướng giảm thu từ dầu thô và thu từ thuế xuất, nhập khẩu.

Đồng thời, đã cơ cấu lại một bước chi NSNN, ưu tiên dành nguồn lực tăng chi đầu tư, ngay từ khâu dự toán, tỷ trọng chi đầu tư phát triển (ĐTPT) đã được bố trí tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên mức 26,9% năm 2020. Tổng nguồn NSNN bố trí cho chi ĐTPT trong 5 năm đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch 5 năm là 2 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng chi ĐTPT thực hiện đạt 27 - 28% tổng chi NSNN (mục tiêu tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội là 25 - 26%). Đây là kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh quy mô chi NSNN so với GDP giảm.

Chính phủ đã quản lý, điều hành chặt chẽ bội chi NSNN. Bình quân các năm 2016 - 2019, bội chi NSNN ở mức 3,5%GDP, trong đó, các năm 2017 - 2019 bội chi còn 2,95% GDP, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 là 5,4% GDP. Tổng thể bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 319,5 - 358 nghìn tỷ đồng, bằng 4,99 - 5,59% GDP. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,8 - 3,9% GDP (mục tiêu tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 là dưới 3,9% GDP).

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, có sức lan tỏa lớn, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành hăng hái thi đua lao động, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng để ngành Tài chính thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tài chính thời gian qua đã được đổi mới như thế nào? Bộ trưởng có thể đánh giá về những kết quả nổi bật của phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động trong toàn ngành Tài chính?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.

10 năm qua, Bộ Tài chính đã phát động hai phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" (giai đoạn 2011 - 2020) và "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" (giai đoạn 2016 - 2020). Các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới đã đề ra, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trong cả nước. Điều này thể hiện ở cả hệ thống các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời, phù hợp với thực tế, tạo cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ địa phương, hộ nghèo giảm nghèo, thoát nghèo, từng bước ổn định đời sống, phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, NSNN đã ưu tiên bố trí phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các vùng khó khăn theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Hằng năm, ngân sách trung ương bố trí kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ, dự án quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; bố trí kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Ngân sách địa phương ưu tiên bố trí cho phát triển nông nghiệp nông thôn... Tổng mức vốn đã huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn từ 2016 đến 2019 là hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn bố trí cho chương trình cơ bản đã đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2019, ngân sách đã bố trí hơn 14.445 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai chương trình tín dụng chính sách, góp phần hoàn thành mục tiêu của chương trình, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trong triển khai thực hiện phong trào thi đua, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua. Các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính đã phát động phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với cuộc vận động tiếp tục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị với nội dung phong phú, phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, từ đó thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức tham gia. Trong công tác chỉ đạo xã điểm, hỗ trợ, giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới đã có nhiều cách làm hay, linh hoạt với nhiều hình thức phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực, như: Tổ chức các hoạt động, chương trình, huy động các quỹ xây dựng nông thôn mới; phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể trên địa bàn đăng ký “kết nghĩa” với các thôn, xã có điều kiện kinh tế khó khăn.

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hưởng ứng phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã rà soát và đề xuất các phương án đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Kết quả, từ năm 2016 đến nay đã rà soát cắt giảm 296 TTHC và sửa đổi, đơn giản hóa 1.138 TTHC; ban hành quyết định phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 190/370 điều kiện kinh doanh…, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đối với phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019 - 2025, ngày 8/6/2020, Bộ Tài chính đã ban hành kèm theo Quyết định số 828/QĐ-BTC "Quy chế Văn hóa công sở tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính". Quy chế đã quy định cụ thể về ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ làm việc, văn hóa ứng xử trong giao tiếp, trang phục, đạo đức, lối sống của công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính. Mục đích nhằm xây dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, lịch sự, đảm bảo tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong ngành Tài chính; nâng cao trách nhiệm, đạo đức, văn hóa giao tiếp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Phóng viên: Để thực hiện tốt các phong trào thi đua, con người và công tác cán bộ là rất quan trọng. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là đơn vị đi đầu trong triển khai công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Xin Bộ trưởng có thể chia sẻ về cách thức triển khai hiệu quả công tác này của ngành?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Tài chính đã tích cực sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo các chủ trương của Đảng. Với tinh thần quyết liệt vào cuộc, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước đã triển khai hiệu quả công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy. Đến tháng 6/2020, Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp, cắt giảm được trên 5.641 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương; giảm 4.544 vị trí lãnh đạo, quản lý; đã giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập (từ 36 đơn vị xuống còn 27 đơn vị). Năm 2019, biên chế công chức tại các tổ chức hành chính của Bộ Tài chính đã giảm 4.974 chỉ tiêu tương đương 6,7% so với số đã được giao năm 2015 là 74.262 biên chế. Bộ Tài chính đã thực hiện cơ cấu, cân đối lại về biên chế trong toàn ngành để làm căn cứ giao biên chế cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Năm 2020, đã giảm 8,7% được giao chỉ tiêu so với năm 2015, đảm bảo lộ trình đến năm 2021 biên chế hành chính giảm 10% so với năm 2015. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định về giao biên chế sự nghiệp giai đoạn 2018 - 2021 cho tổ chức, đơn vị thuộc Bộ.

Quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính đảm bảo theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ; công khai, minh bạch; trên cơ sở thực tế của từng đơn vị, sự đồng thuận của các cấp quản lý. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành; thay đổi phương thức quản lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Hiệu quả rõ nét nhất chính là đã giảm bớt các nấc trung gian, giảm bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp; qua đó, giảm số vị trí chức vụ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp chi cục và cấp đội; thanh lọc bộ máy, góp phần cơ cấu lại đội ngũ công chức của ngành; góp phần tiết kiệm cho NSNN.

Phóng viên: Trong giai đoạn tới, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, thưa Bộ trưởng, để hướng tới hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - NSNN giai đoạn 2021 - 2025, công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tài chính sẽ được triển khai như thế nào?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong giai đoạn tới, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong khi đó nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn những rủi ro; tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.

Bối cảnh đó đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành Tài chính. Tập thể Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Tài chính tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.

Các phong trào thi đua cần được phát động thường xuyên, thiết thực, hiệu quả; tiêu chí thi đua cần bám sát các nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng tổng kết, phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, những nhân tố mới, mô hình mới… để tiếp tục lan tỏa những gương điển hình tiên tiến trong toàn ngành Tài chính.

Tôi cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Có khen thưởng kịp thời, đúng thành tích cho các tập thể, cá nhân mới góp phần tạo động lực cho người lao động phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thục Anh (thực hiện)