Thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế
01/12/2020 - 15:17

TĐKT - Giai đoạn 2016 – 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế không những đạt mức tăng trưởng cao, mà cơ cấu kinh tế còn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; quốc phòng – an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được củng cố, phát triển. Đời sống của nhân dân được nâng cao. Những kết quả đạt được có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước.

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức tập huấn công tác thi đua, khen thưởng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc

Thi đua hiệu quả là động lực, đòn bẩy cho sự phát triển

Thực hiện chủ đề thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, những năm qua, các phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu rộng ở các cấp, các ngành, các vùng miền, địa phương trên cả nước, với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức.

Nội dung các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước và của bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, các bộ, ngành, địa phương đã phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, thi đua cao điểm, thi đua đặc biệt để giải quyết những khó khăn, cấp bách của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Thông qua các phong trào thi đua, nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc đã được giải quyết, nhiều công trình, mô hình được xây dựng, đời sống nhân dân được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội và phát huy dân chủ ở cơ sở.

Trong phát triển kinh tế, tiêu biểu là các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo”… đã góp phần cùng đất nước ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Sản xuất công nghiệp được củng cố, tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 30% GDP và cũng là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Thương mại trong nước giữ vững vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm, đóng góp 12 – 13% GDP, thu hút khoảng 12,1% tổng lao động toàn xã hội. Cung cầu, giá cả hàng hóa được giữ ổn định, kể cả trong giai đoạn cả nước gặp khó khăn do Covid-19. Lĩnh vực nông nghiệp chuyển biến tích cực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thành công ở nhiều nơi. Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho cả thành thị và nông thôn, miền núi.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phong trào “Dạy tốt, học tốt” tiếp tục được triển khai sâu rộng, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Hàng ngàn học sinh, sinh viên, vận động viên thể thao đã đạt giải cao trong các kỳ thi Quốc gia và Quốc tế. Trong lĩnh vực y tế, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dịch bệnh được kiểm soát, bước đầu sử dụng trang thiết bị y tế và ứng dụng nhiều thành tựu y học tiên tiến của thế giới trong điều trị bệnh và ghép tạng thành công. An sinh xã hội được bảo đảm, thực hiện hiệu quả các chương trình nhân văn, ý nghĩa như "Đền ơn, đáp nghĩa"; "Xóa đói, giảm nghèo", "Mái ấm tình thương", "Vì Trường Sa thân yêu... đã mang lại niềm tin yêu trong nhân dân, phát huy mạnh mẽ truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc... Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" đã đóng góp tích cực trong nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 4% năm 2019.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp và đối ngoại, các phong trào thi đua góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Phong trào “Thi đua Quyết thắng” trong lực lượng Quân đội nhân dân, Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, "Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" trong lực lượng Công an nhân dân tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả. Các cơ quan tư pháp, nội chính đẩy mạnh các phong trào thi đua góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tham mưu nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát; tuyên truyền, vận động nhân dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Trong lĩnh vực đối ngoại, đã hướng thi đua vào việc tập trung nghiên cứu, tham mưu thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, vận động sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước. Nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh tế, thúc đẩy tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời, giúp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đưa cán cân thương mại nghiêng về phía xuất siêu, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu thay đổi theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 10,5%/năm; nhập khẩu được kiểm soát tốt, nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn 2011 – 2020 đã về đích trước kế hoạch. Giai đoạn này, Việt Nam đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế lớn như Chủ tịch ASEAN, Ủy viên Thường trực Hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN (AIPA). Ngành Ngoại giao triển khai tốt ngoại giao trực tuyến với kết quả nổi bật. Chỉ từ tháng 2/2020 đến nay, đã có trên 30 Hội nghị cấp cao trực tuyến của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn.

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp và củng cố hệ thống chính trị, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, Đảng viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cùng các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua có hiệu quả, góp phần khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp nhau trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng. Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được nhiều bộ, ban, ngành, địa phương tích cực hưởng ứng, bước đầu tạo nên những chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động, hướng tới xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt là phong trào thi đua phòng, chống dịch Covid-19 theo Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Thủ tướng Chính phủ, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã chung sức, đồng lòng, tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phát động phong trào “Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19”, đã huy động được sự đóng góp, ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá 2.105 tỷ đồng. Các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đã có nhiều sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực, góp phần phòng, chống dịch bệnh, xuất hiện nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Sau 2 đợt cao điểm của dịch bệnh (tháng 4 và tháng 8 năm 2020), đến nay nước ta đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội được hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, nền kinh tế vượt qua khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn cao nhất trong khu vực và thế giới, an sinh xã hội được thực hiện tốt, các hoạt động đối ngoại được duy trì có hiệu quả...

Thông qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỷ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, tác động lan tỏa trong cả nước.

Cùng với đẩy mạnh các phong trào thi đua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi đua, khen thưởng được tập trung triển khai thực hiện và trở thành nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác khen thưởng nhìn chung đã thực hiện đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chất lượng khen thưởng được nâng lên; đã chú trọng việc phát hiện tập thể, cá nhân lao động trực tiếp có thành tích xuất sắc để khen thưởng kịp thời.

Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm qua cũng còn có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng, nhất là trong tổ chức, phát động, triển khai các phong trào thi đua. Vì vậy, phong trào thi đua chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức; việc kiểm tra, đôn đốc và sơ kết, tổng kết chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy Đảng và chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, chủ yếu vẫn là xem xét đề nghị khen thưởng…

Từ kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 – 2020, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm: Công tác thi đua, khen thưởng sẽ phát huy được sức mạnh to lớn nếu được các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu, quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp. Các phong trào thi đua có nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung thi đua cụ thể, rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc điểm của mỗi cơ quan, đơn vị thì hiệu quả thi đua càng cao. Nơi nào có tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng ổn định, được sự quan tâm đúng mức, có năng lực, trình độ, tâm huyết thì ở nơi đó công tác thi đua, khen thưởng được duy trì thường xuyên, có nền nếp. Cần mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền với nội dung phong phú, thiết thực, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu học tập những cách làm hay, mô hình mới để đem lại hiệu quả, thiết thực. Thực hiện nghiêm túc sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng; khen thưởng phải chính xác, công bằng theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước, trước yêu cầu của hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực và thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người: “Càng khó khăn càng phải thi đua”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, để thi đua thật sự trở thành động lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Để đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua để quần chúng tin tưởng và noi theo. Chú trọng gắn kết giữa thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn, công việc hàng ngày, như Bác Hồ nói: Công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua.

Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “ Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; gắn các phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ba là, khen thưởng đúng, khen trúng, khen kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích. Quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, chiến sĩ các lực lượng vũ trang.

Bốn là, tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Năm là, phát huy vai trò của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách để tham mưu, đổi mới và tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

TS. Phạm Huy Giang

Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương