Đưa Bắc Kạn trở thành điểm đến du lịch lý thú, an toàn, thân thiện
TĐKT - Chiều 1/4, tại Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch với chủ đề “Bắc Kạn điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn”. Đây là một trong những hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh trong năm 2022, qua đó quảng bá nét đặc sắc, hấp dẫn của Bắc Kạn đến với người dân, khách du lịch nội địa, quốc tế tại thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Sự kiện cũng sẽ mở ra các cơ hội thuận lợi, tạo cầu nối để các doanh nghiệp du lịch Bắc Kạn giới thiệu sản phẩm với các doanh nghiệp lữ hành và du khách, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch Bắc Kạn với các doanh nghiệp, công ty lữ hành trên cả nước trong việc xây dựng các tour tuyến du lịch, góp phần thông tin, tuyên truyền về du lịch Bắc Kạn an toàn, hấp dẫn và mến khách với nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng độc đáo, ấn tượng. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình phát biểu khai mạc Hội nghị Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho biết: Bắc Kạn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng, độc đáo. Điển hình như hồ Ba Bể được thế giới công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt, tự nhiên trên núi đá đẹp nhất của thế giới; di tích lịch sử, truyền thống cách mạng ATK Chợ Đồn. Bắc Kạn cũng là địa phương lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như hát Then được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với tiềm năng ấy, Bắc Kạn có nhiều loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá hang động, trải nghiệm nông nghiệp, văn hóa – lịch sử, tâm linh, du lịch cộng đồng và có khả năng kết nối về du lịch với nhiều tỉnh trong khu vực. Trong thời gian tới, Bắc Kạn quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia; mỗi huyện, thành phố có ít nhất một khu, điểm du lịch được công nhận. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm khai thác và phát huy tài nguyên du lịch bao gồm: Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, di tích quốc gia đặc biệt – danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; hoàn thiện đường cao tốc từ Chợ Mới qua TP Bắc Kạn đến hồ Ba Bể để nối thẳng tuyến du lịch cao tốc từ Hà Nội đến hồ Ba Bể; xây dựng nhiều tuyến đường phát triển du lịch nội địa và kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang. Hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Bắc Kạn “Mặc dù Bắc Kạn đang hết sức cố gắng để đẩy mạnh phát triển du lịch nhưng so với các tỉnh, thành khác trong khu vực thì chúng tôi vẫn còn khó khăn. Vì vậy, chúng tôi chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư du lịch trên cả nước cùng đến với Bắc Kạn nghiên cứu, đầu tư, khai thác, phát huy các tiềm năng du lịch.” - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình chia sẻ. “Hiện tại, UBND tỉnh đã chấp thuận cho một số nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát đầu tư các dự án khu đô thị, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn. Mỗi nhà đầu tư đều có định hướng phát triển riêng phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của địa phương. Các đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay đã và đang góp phần hình thành một hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh tại tỉnh Bắc Kạn, đồng thời kết nối chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi rất mong có thêm nhiều nhà đầu tư hơn nữa để cùng phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái đó trong tương lai không xa.” Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình khẳng định: Tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đồng thời cam kết đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện và xây dựng một môi trường đầu tư hợp tác kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng. Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn luôn lắng nghe, trao đổi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.” Hội nghị đã giới thiệu kế hoạch phát triển du lịch 4 cụm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, gồm cụm TP Bắc Kạn và vùng phụ cận; cụm Na Rì và vùng phụ cận; cụm Chợ Đồn và vùng phụ cận; khu du lịch hồ Ba Bể. Nhân dịp này, một số doanh nghiệp đã trình bày kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; giới thiệu về khu nghỉ dưỡng và các điểm tham quan du lịch hồ Ba Bể; giới thiệu về sản phẩm tinh bột nghệ Curcumin Bắc Kạn; các sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn… Một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ hội nghị là chương trình gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp du lịch Bắc Kạn với các các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội và các địa phương, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy du lịch Bắc Kạn phát triển, xây dựng Bắc Kạn ngày càng trở nên hấp dẫn… Phương ThanhVăn hóa - Thể thao
Đắk Lắk định hướng đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững
TĐKT - Ngày 1/4, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm giới thiệu các tiềm năng, sản phẩm, dịch vụ du lịch Đắk Lắk đến thị trường tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước. Là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên nằm ở trung tâm cao nguyên Nam Trung Bộ, Đắk Lắk có điều kiện kết nối thuận lợi với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, đồng thời kết nối dễ dàng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai. Đây là mảnh đất sở hữu đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền với 49 dân tộc anh em. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng..., Đắk Lắk còn là vùng đất của những lễ hội đặc trưng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả… Đặc biệt, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm 1 lần. Cùng với đó, Đắk Lắk còn có hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú với 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, những di tích lịch sử tái hiện những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk qua các thời kỳ… Đây chính là tiềm năng dồi dào để Đắk Lắk phát triển du lịch. Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những năm qua, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tiến hành khảo sát, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh… Trên địa bàn tỉnh hiện có 225 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó, có 33 khách sạn được công nhận hạng từ 1 đến 5 sao, 55 khách sạn chưa xếp hạng, 137 nhà nghỉ, nhà khách; có 27 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch (trong đó 12 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế); 26 khu, điểm tham quan du lịch; 9 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Tại Hội nghị, các doanh nghiệp tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch mới cho Đắk Lắk, thúc đẩy khả năng kết nối, khai thác du lịch giữa doanh nghiệp và địa phương, giữa Đắk Lắk và các tỉnh, thành phố trong vùng. Định hướng đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, tỉnh Đắk Lắk ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp với du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, nhất là chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đặc sản, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ẩm thực; xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà phê của thế giới”… PTTrình diễn vở nhạc kịch giành Huy chương Vàng Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc 2021 “Trại hoa vàng”
TĐKT - Trong khuôn khổ các hoạt động biểu diễn dành cho thanh thiếu nhi năm 2022, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ trình diễn vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” vào 20h ngày 26/3/2022, vở diễn từng giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc năm 2021, nằm trong khuôn khổ dự án nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề” do Thành Đoàn Hà Nội cùng Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp tổ chức nhằm hưởng ứng việc thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 5/2018. Vở kịch “Trại hoa vàng” “Trại hoa vàng” sẽ mở đầu cho một loạt các chương trình biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ góp phần thúc đẩy các hoạt động nghệ thuật sân khấu trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, vở diễn sẽ tiếp tục lan tỏa dự án nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề” với mong muốn sẽ giúp các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh có cái nhìn đầy đủ về việc chọn trường, chọn nghề, từ đó đưa ra những quyết định lựa chọn đúng đắn cho tương lai. Bên cạnh vở nhạc kịch “Trại hoa vàng”, trong thời gian tới Nhà hát Tuổi trẻ cũng sẽ cho ra mắt khán giả vở kịch mới dàn dựng của tác giả Lưu Quang Vũ “Ông không phải là bố tôi” và hài kịch “Cái…ao làng” cùng các vở diễn đặc sắc cho thiếu nhi trong mùa hè 2022. Trích đoạn của vở nhạc kịch Vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã rất quen thuộc với đông đảo độc giả cả nước. Chuyện kịch lấy bối cảnh về trại hoa vàng của Chuẩn – cậu học trò cấp 2 mơ mộng, ham chơi nhưng yêu cái đẹp, có thú chơi hoa và ca hát, trồng riêng cho mình một trại hoa đầy màu sắc. Chuẩn có học lực làng nhàng nhưng bất ngờ thi đậu vào một trường cấp 3 danh tiếng với sự ngạc nhiên, sửng sốt của gia đình. Từ đây, Chuẩn gặp và kết thân với một nhóm bạn nữ nghịch ngợm trong lớp gồm Liên “móm”, Thùy Dương và Cẩm Phô. Trong đó có Cẩm Phô - một cô gái hiền lành, dễ thương, luôn đứng ra bảo vệ cậu khỏi những trò trêu chọc của Liên “móm” và nhóm bạn. Nhờsự “mai mối” của hai người bạn thân học chung từ cấp 2 là Phú “ghẻ” và Cường, Chuẩn và Cẩm Phô trở thành một cặp. Trại hoa của Chuẩn là nơi chứng kiến những rung động e ấp đầu đời, tình cảm học trò khe khẽ, trong sáng vô tư, những cuộc xung đột, mâu thuẫn kịch liệt giữa Chuẩn và người bố cộc cằn nhưng hết mực yêu con, sự trưởng thành của những đứa trẻ lớn dần lên theo hành trình của câu chuyện và khép lại bởi thông điệp “Đam mê là khởi nguồn của mọi ước mơ, những ngày tháng vui buồn, nghịch ngợm, ngây ngô của tuổi học trò là tài sản vô giá của cuộc đời mỗi người, đồng hành cùng chúng ta vượt qua mọi khó khăn để có con đường đi riêng cho mình”. Nguyễn Nhật Ánh được đông đảo độc giả biết đến là một nhà văn giàu nội lực, đặc biệt thành công với các tác phẩm dành cho tuổi trẻ. Những câu chuyện của ông được kể lại với bút pháp trong sáng, dung dị, hóm hỉnh, trình bày dưới góc nhìn của một người trẻ, sinh động và hấp dẫn người đọc như kể về chính tuổi thơ và quãng đời học trò của mình. “Trại hoa vàng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Nhật Ánh, vẫn không ngừng làm say mê nhiều thế hệ độc giả trẻ từ khi ra đời cho đến nay. Hồng ThiếtTĐKT - Lần đầu tiên tại chùa Long Phước Thọ (Long Thành, Đồng Nai) và Không gian Văn hóa Nghệ thuật Phật Giáo Diệu Tướng Am tổ chức lễ cung nghinh và an vị tôn tượng Đức tôn sư Thiện Phước bằng chất liệu đồng tím.
Đến dự có: Hòa thượng Thích Giác Quang - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Quản trị tông phong Tịnh Độ Non Bồng, Trụ trì Tổ đình Quan Âm Tu Viện; Hòa Thượng Thích Thiện Thảo, Phó ban Quản trị tông phong Tịnh Độ Non Bồng, Trưởng ban Tổ chức đại lễ kiêm Trụ trì chùa Long Phước Thọ cùng chư tôn đức tăng, ni tông phong Tịnh Độ Non Bồng.
Lễ cung nghinh
Được biết, Tổ sư Thiện Phước (hiệu Mẫu Trầu) (1924 - 1986) là người khai sáng hệ phái Liên Tông Tịnh độ Non Bồng. Sau khi đắc pháp với Sư ông Thượng Bửu Hạ Đức tại chùa Bửu Quang (Ngọa Long Sơn, An Giang), nơi cầu Pháp và thành tựu pháp của Tổ sư.
Vào năm 1957, tại tổ đình Linh Sơn, Đức Tổ sư đã xiển dương chánh pháp, dung yếu chỉ của Tịnh độ làm tâm tông độ chúng, giáo hóa chúng sanh. Dưới sự khai sáng của Đức Tổ Sư, ánh đạo nhiệm mầu đã nhuần thấm trưởng dưỡng Liên tông, tỏ rạng một góc trời Đông, cùng 30 năm tiếng pháp lành diệu mầu uyển chuyển khắp trời Nam nước Việt.
Bên cạnh việc hoằng pháp, các công tác từ thiện xã hội được Đức Tổ sư Thiện Phước đặc biệt chú trọng với mục đích cứu độ, giúp đỡ những người bơ vơ nghèo khó, phát nguyện lành với chúng sanh. Tấm lòng từ bi của Đức Tổ sư đã thể hiện rõ nét tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam.
Nhớ tới Tôn sư là nhớ những lời dạy sâu sắc từ tận tấm lòng đối với hàng môn đệ, ân giáo hóa của Tôn sư ngoài việc pháp hóa về giới luật, về phương cách tu hành, miên mật trong việc hành trì Phật hiệu, mà còn giúp Người Phật tử ngoài hiểu rõ bổn phận tu hành, còn tu tập để tạo nên thành tựu công đức viên mãn phụng sự cho Phật cho đời.
Tượng tôn sư Thiện Phước
Suốt cuộc đời Tôn Sư đã thể hiện đạo phong của bậc chân sư nghiêm từ và giản dị, với tâm từ bi và hạnh giải thoát thanh cao. Sau chặng đường dài vun vén cho Đạo pháp nở hoa, Đạo nghiệp của Tôn Sư để lại là một di sản đồ sộ được nhắc nhớ trên nhiều phương diện. Riêng nói đến hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, Tôn sư đã khai mở và góp phần làm lớn mạnh sự tồn tại của một quần thể với hàng trăm tự viện và hàng triệu tín đồ ở khắp mọi nơi.
Hòa thượng Thích Giác Quang - Ủy viên HĐTS GHPSVN, Phó Trưởng ban trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Quản trị tông phong Tịnh Độ Non Bồng, Trụ trì Tổ đình Quan Âm Tu Viện cho biết: “Chúng tôi vô cùng hoan hỉ trước công đức lớn lao của Hòa thượng trụ trì chùa Long Phước Thọ, chư tôn đức tăng ni đã phát tâm tạo tượng Đức Tôn sư. Xưa nay chúng ta vẫn tôn thờ nhưng chỉ qua hình ảnh, tranh vẽ, tượng đá, tượng xi măng,.. nhưng chưa đạt chuẩn. Nhưng hôm nay, khi đứng trước tôn tượng đức tôn sư, tôi thấy rất hoan hỉ và tin rằng tôn tượng cũng phần nào đó thể hiện tinh thần giáo pháp sẽ bền vững mãi với thời gian.”
Tượng tôn sư Thiện Phước
Tượng tôn sư Thiện Phước là tác phẩm được phát hành có giới hạn bởi Không gian Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo Diệu Tướng Am. Tác phẩm đã được đăng ký Bản quyền sở hữu tác giả và Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Sau buổi lễ, 9 tôn tượng cao 88cm và 29 tôn tượng cao 30cm sẽ được tôn trí tại Tổ đình Quan Âm Tu Viện, Tu viện Thắng Liên Hoa, Chùa An Hòa, Bửu Hoa Ni Viện, Chùa Pháp An… các chốn già lam, tổ đình, tự viện trong môn phong cũng như tại tư gia của môn đệ Phật tử.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết (pháp danh An Vân) - Phó Tổng Giám đốc Diệu Tướng Am phát biểu tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Thảo, Phó ban Quản trị tông phong Tịnh Độ Non Bồng, Trưởng ban Tổ chức đại lễ kiêm Trụ trì chùa Long Phước Thọ cho biết: “Đã hơn 36 năm kể từ ngày Đức Tôn Sư Thiện Phước viên tịch, một số chùa, tổ đường đã tạo tượng Tôn Sư để kính ngưỡng nhưng chưa tái hiện được thần thái của Ngài. Từ đó Hòa thượng đã phát tâm cùng Không gian Nghệ thuật Phật giáo Diệu Tướng Am khởi tạo sự án tạo pho tượng Tôn sư bằng chất liệu đồng bền bỉ để phụng thờ tại tổ đình và các tự viện trong môn phong”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết (pháp danh An Vân), Phó Tổng giám đốc Diệu Tướng Am cho biết dự án chế tác Tôn tượng Đức Tôn sư Thiện Phước khởi nguồn ý tưởng từ tháng 10/2019 và là dự án tâm huyết của công ty trong lĩnh vực tạo tượng cũng như mong muốn được góp phần tiếp nối giáo pháp mà chư Phật, chư tổ sư đã trao truyền.
Để đạt được mức độ hoàn thiện đến từng chi tiết nhỏ, độ sâu, sự chuyển màu mềm mại, những nghệ nhân của Diệu Tướng Am đã sử dụng chất liệu đồng tím với hàm lượng đồng nguyên chất lên tới 92% (là chất liệu có đặc tính không bị oxy hóa bởi thời tiết và xỉn màu theo thời gian) và áp dụng công nghệ xử lý vật liệu đặc biệt trong quá trình tạo tượng.
Thông qua những hình ảnh, tư liệu lịch sử cũng như rất nhiều những buổi gặp gỡ, trao đổi, với sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu và kỹ lưỡng… những bức tượng Đức Tổ sư Thiện Phước đã hoàn thiện với đầy đủ oai nghi, sự từ bi và nhiệm màu.
Hồng Thiết
Triển lãm “Tháng Ba” – Khát khao sáng tạo của những người phụ nữ Tràng An
TĐKT – Với mong muốn truyền đi năng lượng tích cực đến cộng đồng xã hội sau những năm tháng dịch bệnh Covid -19 kéo dài, chiều 19/3, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, số 16, Ngô Quyền (Hà Nội), hai nữ họa sĩ ngoài 70 tuổi - Lê Thiếu Ngân và Trần Thị Trường đã chính thức cắt băng khai mạc, mở cửa triển lãm tranh “Tháng Ba”, giới thiệu đến công chúng hơn 70 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. 70 tác phẩm nghệ thuật là 70 bức tranh, vẽ đa dạng chủ đề khác nhau, khi thì phong cảnh, tĩnh vật, khi thì vẽ chân dung những nhân vật nổi tiếng mà hai nữ họa sĩ từng gặp. Với bút pháp hiện thực, vẽ trực họa, hình khối màu sắc, biểu cảm chân thực, những bức tranh của hai nữ họa sĩ đã làm đắm say những người đến thưởng lãm. Triển lãm Tháng Ba thu hút đông đảo khách tham quan, thưởng lãm “Mỗi bức tranh được hoàn thiện, lồng khung, đặt tên gọi và treo trang trọng tại căn phòng triển lãm, cho thấy một quá trình lao động miệt mài, hăng say của những nữ nghệ sĩ ngoài thất thập. Đặc biệt, những gam màu tươi sáng, những đường nét tinh tế, dịu dàng trong từng bức tranh, khiến bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận rất rõ về sự an vui và tình yêu cuộc sống tha thiết.” – nhà văn Phạm Thu Yến chia sẻ những cảm nhận của mình khi ngắm nhìn những bức tranh. Họa sĩ Lê Thiếu Ngân cho biết: Đây là những tác phẩm chín muồi bởi được cả hai chúng tôi thực hiện sau khi đã đi qua một chặng đường dài của cuộc đời. Nên các bức tranh đều có điểm chung là rất nhẹ nhàng, nhu hòa, chỉn chu và đậm chất hiện thực. Đa phần các bức tranh trong triển lãm này đều được chúng tôi âm thầm sáng tác, một mình trước tấm toan và cây bút suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19. Nữ họa sĩ Trần Thị Trường đang giới thiệu với khách thưởng lãm những bức tranh của mình Còn nữ họa sĩ Trần Thị Trường thì cho rằng: “Tháng Ba” chính là cú lội ngược dòng của hai người đàn bà tri thức Thủ đô. Bởi dù có năng khiếu hội hoạ từ nhỏ nhưng thực tế cuộc sống đã đưa cả hai bà rẽ theo những ngành nghề khác nhau. Chỉ những năm tháng về hưu, sự đam mê ấy mới có cơ hội trỗi dậy và họa sĩ Hải Kiên – một người thầy tâm huyết, đã giúp họ biết cách để truyền đi những thông điệp tích cực trong cuộc sống. Một tác phẩm hết sức tinh tế, nhẹ nhàng của họa sĩ Lê Thiếu Ngân Họa sĩ Lê Thiếu Ngân là con gái của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lê Vượng, bà từng học khoa tiếng Nga, trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội. Chồng bà là nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Nguyễn Phú Bình, từng có các nhiệm kỳ Đại sứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong vai trò phu nhân Đại sứ, bà đã tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam, các hoạt động ngoại giao và các hoạt động của Phu nhân Ngoại giao tại nước sở tại. Dạy tiếng Việt cho Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc; tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; tổ chức cuộc Gặp gỡ mùa thu (Vietnam Autumn Cutural Meeting) cho Hội Phụ nữ Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại sứ quán. Còn tác giả Trần Thị Trường đã có một cuộc đời hoạt động nghệ thuật sôi nổi, với hàng loạt tác phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực văn chương như Lời cuối cho em, Kẻ mắc chứng điên, Tình câm... Bà được coi là nhà văn tiêu biểu khi viết về thân phận phụ nữ, đi vào nội tâm nhân vật nữ, những góc buồn khổ, khó nói. Chân dung Phạm Trần Mỹ Phương do nữ họa sĩ Trần Thị Trường khắc họa một cách trân trọng được trưng bày tại triển lãm Tháng Ba Từng học Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp khóa 1973 - 1978 nhưng không tốt nghiệp do hoàn cảnh gia đình, ở tuổi gần 70, nhà văn Trần Thị Trường mới quay trở lại với niềm đam mê hội họa. Năm 2019, bà gặp họa sĩ Hải Kiên và theo học từ đó tới nay. Chỉ sau 8 tháng, Trần Thị Trường đã có triển lãm lần I bày 48 bức tranh tại Ngô Quyền, một triển lãm để lại nhiều ấn tượng cho người thưởng thức và giới chuyên môn. Trong 3 năm cầm bút trở lại, Trần Thị Trường mỗi ngày một "chín" thêm trong nghề. Rất nhiều chân dung văn nghệ sĩ, nhà chính trị, ngoại giao, bác sĩ, luật sư… đã được Trần Thị Trường thể hiện thành công như: Nhà thơ Xuân Quỳnh, Đoàn Ngọc Thu, Trần Kim Hoa, ca sĩ Ngọc Tân, Cellist Ngô Hoàng Quân, nhạc trưởng Lê Phi Phi… Mai ThảoTĐKT- Chiều ngày 22/2, tai Khách sạn Rex, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 45 - Hội ngộ cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Kỷ lục lần thứ nhất – 2022 với chủ đề “Cộng đồng Kỷ lục - Khát vọng Việt Nam hùng cường” do Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) tổ chức.
Sự kiện có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Trung ương và địa phương, Lãnh đạo Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Lãnh đạo hơn 20 Trung ương Hội và Hiệp hội trong cả nước cùng cộng đồng 500 Kỷ lục gia Doanh nhân, Doanh nghiệp hữu Kỷ lục và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí về tham dự.
TS. AHLĐ Nguyễn Quang Mâu, thành viên Liên đoàn các Nhà sáng tạo Thế giới, chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm Đất Việt nhận kỷ niệm chương “Tinh hoa Kỷ lục” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng.
Cũng trong chương trình này Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt vinh dự được đón nhận kỷ niệm chương “Tinh hoa Kỷ lục” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng, qua đó Gốm Đất Việt cùng với Tập đoàn Vingroup là 02 đơn vị duy nhất của Miền Bắc được nhận kỷ niệm chương “Tinh hoa Kỷ lục” trong dịp hội ngộ lần này.
Gốm Đất Việt là thương hiệu gạch ngói đất sét nung số 1 Việt Nam được sáng lập và lãnh đạo bởi AHLĐ. TS. Nguyễn Quang Mâu, thành viên Liên đoàn các Nhà sáng tạo Thế giới, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt và ông Trần Duy Hưng, cố vấn HĐQT, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt đón nhận Kỷ lục Việt Nam.
Với phương châm: “ Sự hài lòng của khách hàng là thành công của chúng tôi”, Gốm Đất Việt luôn không ngừng cải tiến, sáng tạo nhằm cho ra những sản phẩm mới, chất lượng, với tính năng ưu việt nhằm đáp ứng mọi thị hiếu của khách hàng, mang lại vẻ đẹp sang trọng, ấm áp cho mỗi công trình, với giá thành hợp lý nhất, trở thành sự lựa chọn hàng đầu của mọi khách hàng.
Toàn cảnh Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt.
Ngoài ra, cũng trong dịp Hội ngộ Kỷ lục lần này Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt cũng đón nhận thêm 05 Kỷ lục Việt Nam đó là: Đơn vị đạt nhiều giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2020 (2 giải nhất, 1 giải nhì). Đơn vị có tổng diện tích tranh bích họa đa chủ đề được trang trí trong khuôn viên nhà máy lớn nhất Việt Nam ( 3.075,72m2). Doanh nghiệp sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng phương pháp nghiền khô siêu mịn có dây chuyền lò nung tuynel sản xuất gạch ngói cao cấp có tốc độ nung nhanh nhất Việt Nam (50 xe Goòng/24h/ lò nung). Đơn vị sản xuất loại ngói đất sét nung lớn nhất (500x 300mm) bằng công nghệ nghiền khô siêu mịn. Doanh nghiệp có trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm trong lĩnh vực gạch ngói đất sét nung đồng bộ và có diện tích lớn nhất.
Hồng Thiết
TĐKT - Ngày 16/2, tại đền Lưu Phái (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) diễn ra Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với nghi lễ hầu đồng do Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa thực hiện, với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần đầu tư Laicity.
Chương trình có sự tham dự của đại diện UNESCO tại Việt Nam. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016 không chỉ nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của đạo Mẫu, mà giúp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc
Trong không khí những ngày đầu năm mới 2022, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với nghi lễ hầu đồng là hình thức diễn xướng tâm linh thường diễn ra ở các điện, đền, phủ. Trong đó, hầu đồng là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh vào thân xác thanh đồng để cầu mong những nhu cầu của cuộc sống hiện thực như sức khỏe, tiền tài, hạnh phúc… Qua nghi lễ hầu đồng, chúng ta sẽ hiểu biết được trang phục, cách sinh hoạt của cha ông xưa, được chiêm ngưỡng sự hiện thân của các thần linh đã được “lịch sử hóa” với những chiến công, phong cách rất riêng của từng nhân vật. Đây là một bộ sưu tập lịch sử và văn hóa vô cùng phong phú và sinh động, một “bảo tàng sống” của văn hóa Việt Nam.
Một trong những yếu tố sân khấu dễ thấy trong nghi lễ hầu đồng là sự xuất hiện những nhân vật mang điệu múa khác nhau với những tính cách khác nhau như: múa mồi, múa kiếm, múa chèo đò… Những nhân vật, những tính cách khác nhau ấy, múa và hát văn cũng có những làn điệu thích hợp. Điều đó cho thấy sự phong phú và đa dạng của nghệ thuật múa dân gian, của nghệ thuật hát văn trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa - thủ nhang đền Lưu Phái - thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Là một trong những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hơn 30 năm qua, nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa - thủ nhang đền Lưu Phái cho biết, tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Trong văn hóa truyền thống của Việt Nam thường có lễ Tết thượng nguyên đầu năm để cầu mong cho mọi người một năm mới có nhiều sức khỏe, đất nước Việt Nam bình an, thịnh vượng, thế giới được hòa bình.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa của Tổ chức UNESCO tại Việt Nam
Chia sẻ về nét đẹp của di sản văn hóa này, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa của Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho biết, với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh đặc sắc, hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” đã đáp ứng 5 tiêu chí để đăng ký vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vì thế, ngày 1/12/2016, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại Ethiopia, di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Kể từ đó đến nay, di sản này đã khẳng định sức sống bền vững, có sức lan tỏa mạnh thông qua nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của cộng đồng. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được vinh danh trong danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ tồn tại ở nghi thức chính hầu đồng mà đó là cả hệ thống thực hành tín ngưỡng bao gồm rất nhiều yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, vũ đạo (múa thiêng), hát văn, lễ hội dân gian, các nghi thức trong việc thờ mẫu” – bà Hường chia sẻ.
Hạn chế những biến tướng, thương mại hóa
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có hơn 2.000 địa điểm, di tích thờ Mẫu, trong đó có 4 phủ, 210 đền, 892 điện, 33 miếu và số còn lại là điện tư nhân. Đáng nói, số lượng thuộc sở hữu tư nhân tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, nhất là khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong quá trình phát triển thời gian qua cho thấy, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt không tránh khỏi những bất cập khi một số thanh đồng, cung văn đang tận dụng tín ngưỡng để thực hiện mục đích tư lợi cá nhân. Điều này đang đặt ra vấn đề nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và những người tham gia thực hành di sản nhằm bảo tồn ý nghĩa, giá trị tốt đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người muốn trở thành đồng thầy phải trải qua 12 năm tu dưỡng mới được "đẻ đồng", nhưng không ít người mới "thử đồng" được 3 năm, thậm chí 1 năm đã tự phong cho mình là đồng thầy. Cũng từ đó, nhiều đồng thầy coi việc Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt như một nghề, lợi dụng vào lòng tin của mọi người để thu lợi cá nhân.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa cho rằng, thời gian qua Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được thực hành rất hiệu quả khi di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các chuyên gia văn hóa… Thế nhưng không thể phủ nhận bên cạnh đó vẫn còn một số hiện tượng biến tướng của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu mà dư luận xã hội đã phản ánh, lên án, cần sớm loại bỏ để chung tay gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Hường cho rằng, được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào, khẳng định giá trị, đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại. Cùng với niềm vinh dự đó là trách nhiệm phải bảo tồn, phải phát huy di sản tốt hơn. “Tất cả các bên liên quan cần thực hiện thật tốt chương trình hành động quốc gia, nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản, cần để Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được thực hiện, trao truyền đúng với ý nghĩa bản sắc tốt đẹp vốn có, không bị làm sai lệch, biến tướng, làm tầm thường hóa, thương mại hóa" – bà Hường chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, điểm đặc biệt trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ là thực hành văn hóa duy nhất đến nay của người Việt mà trong đó có sự kết hợp của thần đạo, Phật giáo và thánh bản địa. “Trong thời gian qua chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc hạn chế những hành vi tiêu cực, thương mại hóa khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cùng với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia văn hóa cũng như các địa phương để phát huy các giá trị nhân văn cao đẹp của di sản này, ca ngợi hình tượng Mẫu như biểu tượng của lòng từ bi và khoan dung, tôn trọng và thúc đẩy đa dạng văn hóa và đối thoại văn hóa tộc người, tăng cường sợi dây tinh thần gắn kết cộng đồng, đồng thời vừa góp phần hạn chế những tiêu cực” – bà Hường nhấn mạnh.
Nghệ sĩ hát chầu văn Nguyễn Xuân Chinh
Là một nghệ sĩ hát chầu văn nhiều năm, anh Nguyễn Xuân Chinh chia sẻ: “Sau nhiều năm tham gia hát chầu văn phục vụ nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa hầu đồng tôi đã hiểu được rất nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống qua nghi lễ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Là một nghệ sĩ trẻ, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại này, đặc biệt là góp phần chung tay loại bỏ những hành vi phản cảm về văn hóa trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu này”.
Bà Nguyễn Thị Kim Đức và ông Nguyễn Tài Tuệ đại diện Công ty CP Đầu tư Buta Technology đến tham dự chương trình
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản văn hóa đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại. Đồng thời, sự vinh danh này đã làm cho cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc thêm về di sản của mình để họ tự hào và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Để phát huy giá trị văn hóa của di sản, bên cạnh việc xử lý nghiêm những biểu hiện lệch lạc, chưa hay và chưa đẹp, lợi dụng tín ngưỡng này để trục lợi thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu được giá trị tích cực của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những hạn chế, để từ đó có ý thức đấu tranh, đẩy lùi hạn chế, phát huy cái tốt... Có như vậy, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu mới trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt.
Phùng Thị Ngọc Loan
Triển lãm “Gốm nghệ thuật” và lễ ra mắt sách “Tiếng đất gọi bàn tay”
Ngày 11/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức Triển lãm “Gốm nghệ thuật” và lễ ra mắt sách “Tiếng đất gọi bàn tay” của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh). Quang cảnh lễ cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN phát Đây là một hoạt động thiết thực giàu ý nghĩa đối với nhân dân, du khách và đặc biệt là những người yêu thích nghệ thuật gốm sứ phù điêu đến với thành phố Cảng trong dịp đầu Xuân mới 2022. Triển lãm “Gốm nghệ thuật” giới thiệu đến người xem 80 tác phẩm gốm khác nhau điêu khắc, nặn đắp hết sức tinh tế, toàn bộ đa dạng màu men khác nhau của gốm sứ hậu Lê, Mạc, sự quyền quý của hoa văn Lý, Trần. Những bộ chân đèn mang phong cách triều Lê, triều Mạc trang trí họa tiết hoa cúc, hoa sen tiêu biểu thời Lý, Trần; bộ “Cửu Long tranh châu”... đến những bức tượng các danh nhân như: Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Vua Lê Đại Hành, Đức vương Ngô Quyền, Vua Lý Thái Tổ và Quốc Tổ Hùng Vương… tất cả đều toát lên nồng đậm giá trị truyền thống của dân tộc. Nét đặc sắc của những sản phẩm này nằm ở cách chế tác, khắc khuôn âm bản, nặn đắp tinh xảo, công phu, được làm bằng tay theo công thức truyền thống trở thành một phương pháp độc lập, một thương hiệu riêng của nghề gốm cổ truyền được định danh tại Hải Phòng. Mỗi tác phẩm là một kỳ công, một lời tâm tình của đất, của lửa, của nước, của những sẻ chia. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai, trong gần 30 năm nghiên cứu, tìm hiểu về họa tiết phù điêu cổ trong chùa chiền, các di tích công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã nhận thấy họa tiết phù điêu trên các chất liệu gỗ, đá, đồng, đất nung và gốm sứ đều không còn nguyên vẹn bởi sự bào mòn của thời gian. Nét tinh nghệ thủ công của cha ông bao đời đã khơi nguồn cảm hứng tạo thành khát vọng cho Nghệ nhân phục chế những họa tiết phù điêu đã bị mai một, mong bảo tồn, gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt với nhiều loại hình khác nhau: Kiến trúc, điêu khắc, thư pháp, phục chế di tích, tái hiện không gian xưa, chế tác gốm sứ phù điêu, và đã gửi gắm công sức sáng tạo của mình tại những công trình văn hóa, lịch sử và kiến trúc Phật giáo ở Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố. Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN phát Năm 2018, bằng niềm đam mê, kiến thức mỹ học và kỹ năng thủ công tinh nghệ, Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã chế tác và ra mắt bộ “Bách bình” hoàn toàn bằng tay, được Tổ chức Kỷ lục Người Việt toàn cầu trao kỷ lục Người Việt Nam phục dựng và sáng tạo dòng gốm phù điêu nhiều loại nhất năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chính từ những đóng góp này, với tài trí, niềm đam mê và sử dụng công nghệ làm gốm hiện đại, năm 2020, Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên bằng hành động cụ thể đã cùng cộng đồng góp phần thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị vô cùng quý báu sản phẩm làng nghề gốm cổ truyền của dân tộc. Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN phát Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên-một người thợ, một nghệ sỹ hay nói đúng hơn là một "hiện tượng", đó là sự xuất hiện của người thợ gốm nghiệp dư, nghĩa là không có gốc gác gắn bó với một làng nghề, vùng nghề, không kế thừa một truyền thống, một trường phái nào... nhân vật xuất hiện như một hiện tượng khác thường. "Triển lãm “Gốm nghệ thuật” không chỉ để giới thiệu những tác phẩm gốm phù điêu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên, mà còn ghi nhận sự cố gắng không ngừng, không mệt mỏi của tác giả. Là địa chỉ tin cậy cho các nghệ nhân thành phố, là điểm dừng chân lí thú của du khách khi đến thăm thành phố Hoa phượng đỏ thân yêu", bà Trần Thị Hoàng Mai nói. Theo TTXVN“Bão ngầm”: Bộ phim tôn vinh những hy sinh thầm lặng của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam
TĐKT - Bộ phim "Bão ngầm" dài 75 tập, khởi quay ngày 16/6/2019 và hoàn thành sản xuất hậu kỳ tháng 12/2021 dự kiến sẽ phát sóng trên VTV1 vào tháng 2/2022. Buổi ra mắt phim vừa diễn ra chiều 14/1 tại Hà Nội. “Bão ngầm” được chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám hình sự của TS. Đào Trung Hiếu – (Nhà văn, Nhà báo, Chuyên gia tội phạm học, Cục truyền thông CAND, Bộ Công an) với nội dung ngợi ca, tôn vinh những chiến công hào hùng cùng sự hy sinh thầm lặng của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bài trừ ma túy và tội phạm hình sự, bảo vệ bình yên cuộc sống. Tiến sĩ Đào Trung Hiếu chia sẻ tại buổi ra mắt phim "Bão ngầm" "Bão ngầm" được chỉ đạo nội dung bởi Thượng tướng, PGS. TS Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an); chỉ đạo võ thuật cổ truyền: Võ sư Ngô Xuân Nhuần, Chủ tịch Liên chi hội Di sản văn hóa võ cổ truyền Sông Lam - Nghệ An; đạo diễn: Đinh Thái Thụy; cố vấn văn học: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên kỳ cựu: Đại tá CAND, NSND Nguyễn Hải; Đại tá CAND, NSND Trần Nhượng; NSƯT Nguyễn Trọng Hải; diễn viên - người mẫu Hà Việt Dũng; diễn viên Cao Thái Hà; Nguyễn Xuân Hiệp... cùng nhiều diễn viên khác ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt, có sự tham gia hùng hậu của lực lượng công an nhân dân và quân đội nhân dân trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước (gồm tỉnh Yên Bái, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương). Là câu chuyện về hành trình điều tra bóc gỡ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia, vạch trần mặt thật của tên trùm mafia ẩn dưới vỏ bọc chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn, bộ phim bám sát và cổ vũ chủ trương của Đảng và lãnh đạo ngành Công an trong đấu tranh bài trừ tiêu cực để làm trong sạch bộ máy, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. Xuyên suốt bộ phim là tư tưởng nhân văn, nhấn mạnh những gì là giả tạo và lạc hậu sẽ bị nghiền nát trong vòng quay luật đời, mọi tráo trở, lừa lọc và bội phản, sẽ bị quy luật đào thải làm văng ra khỏi quỹ đạo vận động của xã hội. Đồng thời, tôn vinh những giá trị chân - thiện - mỹ, những mầm thiện trồi lên từ thực địa cuộc xung đột chính - tà. Lồng ghép trong những trường đoạn phim xoay quanh câu chuyện phá án, là đời sống thường nhật của cán bộ, chiến sĩ công an, được miêu tả dung dị, mộc mạc, ở những góc khuất ít người biết tới. Qua đó, để người dân thêm tin yêu, ủng hộ những người lính trinh sát trên mặt trận thầm lặng. Bộ phim còn truyền tải, quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người ở nhiều miền quê Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của các địa phương; tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, góp phần vào việc quảng bá, bảo tồn và phát huy những giá trị nhân bản của con người Việt Nam. Phương ThanhRa mắt cuốn sách “Doing Good Better – Làm việc thiện đúng cách”
TĐKT - Cuối tháng 11/2021, Spiderum - mạng xã hội chia sẻ kiến thức đã kết hợp với dịch giả Tăng Xuân Trường đã cho ra mắt cuốn sách “Doing Good Better - Làm việc thiện đúng cách” của tác giả William MacAskill. Đây là cuốn sách tập hợp những ý tưởng độc đáo được xây dựng dựa trên nền tảng kinh tế học và tâm lý học, giúp độc giả phát triển lối tư duy nhân đạo hiệu quả trong một thế giới mà lòng tốt cùng với niềm tin đang dễ dàng bị lợi dụng và xem nhẹ. Bìa cuốn sách “Doing Good Better - Làm việc thiện đúng cách” của tác giả William MacAskill Nhà nghiên cứu William MacAskill của Đại học Oxford đã đem đến vô số điều đặc biệt trong cuốn sách “Doing Good Better - Làm việc thiện đúng cách”. Từ những câu chuyện thực tế, cuốn sách mở ra một tư duy hoàn toàn mới về việc làm từ thiện được truyền tải đến độc giả. Cho tiền chưa chắc đã là một hành động nhân đạo tốt. Thậm chí, làm việc thiện sai cách còn khiến vấn đề tồi tệ hơn. Đồng thời, những lời kêu gọi về lối sống “Xanh”, chung tay bảo vệ môi trường cũng chưa chắc mang lại hiệu quả lớn như chúng ta đã tưởng tượng. Thực tế nhiều hành động sống xanh như “Tắt các thiết bị điện không sử dụng”; “Ngừng sử dụng túi nhựa”.… không tạo ra nhiều thay đổi trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Doing Good Better - Làm việc thiện đúng cách” chính là cẩm nang hướng dẫn độc giả tới một phong cách sống hiệu quả với nhiều tác động tích cực tới mỗi cá nhân và xã hội. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần. Phần 1: “Năm câu hỏi của nhân đạo hiệu quả”: Bao nhiêu người được lợi, và được lợi bao nhiêu? Đây có phải là thứ hiệu quả nhất bạn có thể làm? Lĩnh vực này có bị bỏ quên không? Điều gì có thể xảy ra theo chiều ngược lại? Khả năng thành công như thế nào, và nếu thành công thì tốt như thế nào? Qua năm câu hỏi về chủ đề nhân đạo hiệu quả, tác giả William MacAskill muốn đưa ra câu trả lời cho câu hỏi lớn nhất: “Làm sao tôi có thể làm được điều tốt nhất?”. Đây chính là tư duy giúp độc giả tránh khỏi những sai lầm thường gặp khi nghĩ đến làm việc thiện. Phần 2: “Nhân đạo hiệu quả trong thực tế”, áp dụng năm câu hỏi của nhân đạo hiệu quả vào từng lĩnh vực cụ thể. Với từng trường hợp, cuốn sách lại cung cấp một hệ thống những luận điểm, ví dụ cụ thể và danh sách các câu hỏi kiểm tra để giúp độc giả chắc chắn mình về hành động thiện nguyện đã suy tính thấu đáo. “Doing Good Better - Làm việc thiện đúng cách” hiện đã xuất hiện tại các hiệu sách và các nhà phân phối trên toàn quốc. PTTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- …
- sau ›
- cuối cùng »