TĐKT - Ngày 25/12, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam phối hợp với tiểu ban quản lý di tích phủ Tây Hồ tổ chức chương trình Tọa đàm và hầu bóng “Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn di sản văn hóa”.
Tại chương trình, người tham dự được lắng nghe các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật dân gian trình bày về sự vận dụng khéo léo các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, vũ điệu, kiến trúc sắp đạt, trang phục.... vào trong nghi thức “thực hành tín ngưỡng”. Tham gia tọa đàm còn có các thành viên trong Đoàn Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” trước Hội đồng UNESCO thế giới, tại Ethiopia tháng 12/2016. Đây là cơ hội để cộng đồng được tìm hiểu những tiêu chí của Hội đồng UNESCO thế giới khi xét duyệt hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Quang cảnh cuộc tọa đàm
Phần thực hành nghi lễ hầu bóng được thực hiện bởi các thanh đồng tận tâm với sự nghiệp văn hóa dân tộc, là những người hiểu về vẻ đẹp nghệ thuật hàm chứa trong hoạt động tín ngưỡng của họ. Cùng với đó là sự tham gia thể hiện của những người nắm giữ tinh hoa làng hát Văn Việt Nam, và nhiều khách mời có uy tín trong cộng đồng đến từ Hà Nội và các địa phương lân cận.
Chương trình Tọa đàm và hầu bóng “Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn di sản văn hóa” là hoạt động ý nghĩa thiết thực, để chúc mừng Di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 của Việt Nam được thế giới công nhận. Qua đó góp phần vào việc truyền thông, quảng bá đến đông đảo quần chúng nhân dân về những giá trị truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, các phong tục, tập quán, văn hóa dân tộc có trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại phủ Tây Hồ, Hà Nội chiều 25/12 - Ảnh: Khải Mông
Ngày 1/12/2016, tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên chính phủ UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra tại Adis Abebas, Ethiopia, hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam Phủ của người Việt” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Sau khi thông tin này được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” nhận được sự quan tâm tìm hiểu rất lớn trong nội bộ cộng đồng thực hành tín ngưỡng và người dân Việt Nam thời gian qua.
Mai Thảo
Văn hóa - Thể thao
Hiệu quả từ chương trình quảng bá du lịch quốc gia trên mạng xã hội
TĐKT – #WhyVietnam là chương trình quảng bá du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch phối hợp với Công ty TNHH Vntrip.vn tổ chức, nhằm tận dụng sức mạnh của mạng xã hội và sự bùng nổ của công nghệ thông tin để lan tỏa những vẻ đẹp của Việt Nam từ thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người trên mạng xã hội. Chương trình bắt đầu từ 30/11 và kết thúc vào ngày 20/12/2016. Sau 3 tuần diễn ra chương trình quảng bá du lịch quốc gia trên mạng xã hội, #WhyVietnam đã ghi nhận được những con số ấn tượng của một phong trào yêu Việt Nam được hưởng ứng bởi đông đảo người Việt yêu nước và người nước ngoài yêu Việt Nam. #WhyVietnam tạo nên một phong trào trong giới trẻ, những người Việt yêu nước, những người nước ngoài yêu thích du lịch và Việt Nam cùng chia sẻ những hình ảnh đẹp nhất về Việt Nam để mời gọi bạn bè quốc tế hãy đến và khám phá Việt Nam với vẻ đẹp bất tận. Chỉ cần tìm kiếm trên google với từ khóa #whyvietnam, kết quả sẽ cho ra hơn 17,700 đường link nói về chương trình. Hàng nghìn bức ảnh đẹp về Việt Nam đã được lan truyền trên mạng xã hội từ người trẻ tới những người đã có tuổi. Hàng triệu con người cùng hưởng ứng chiến lược quảng bá vẻ đẹp của Việt Nam trên mạng xã hội. Chương trình đã lay động được sức trẻ, những người Việt Nam đam mê yêu du lịch, yêu vẻ đẹp bình dị của quê hương đến những hình ảnh hùng vĩ của giang sơn, gấm vóc để giới thiệu và lan truyền vẻ đẹp của Việt Nam trên mạng xã hội. Đồng thời, #WhyVietnam đã thực sự chạm đến những trái tim yêu Việt Nam của bạn bè thế giới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia đến Đức, Mỹ, Australia… tất cả cùng hòa chung phong trào lan tỏa #WhyVietnam vẻ đẹp bất tận của Việt Nam trên facebook, instagram, twitter, youtube… 3 tuần diễn ra đã ghi nhận những con số ấn tượng về cả truyền thông cùng số lượng chia sẻ phong trào. Hơn 200 bài báo nói về #WhyVietnam trong đó có hơn 20 báo tiếng Anh, 7 kênh truyền hình chính của Việt Nam. Chương trình quảng bá vẻ đẹp của Việt Nam trên mạng xã hội đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 20 nghệ sĩ nổi tiếng, từ hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Đặng Thu Thảo, Đặng Ngọc Hân, Dương Thùy Linh; đến các dẫn chương trình nổi tiếng: Phan Anh, Hạnh Phúc, Trần Ngọc, Bảo An, Trịnh Quỳnh Anh; nghệ sĩ Chí Trung, Hồng Kỳ, ca sĩ Duy Khoa, ca sĩ Dương Trần Nghĩa, diễn viên Huyền Lizzie, … Một làn sóng yêu nước trên mạng xã hội với hơn hàng triệu lượt chia sẻ hình ảnh đẹp của Việt Nam kèm hashtag #WhyVietnam và lý do vì sao yêu Việt Nam hay vì sao chọn Việt Nam là điểm đến và hơn 500 bài dự thi ảnh chất lượng gửi về ban tổ chức. Được gửi gắm trong mỗi một bức ảnh chia sẻ là những câu chuyện bình dị, là một góc nhìn của cuộc sống muôn màu, gần gũi, là những khung cảnh hùng vĩ của núi rừng hay một nụ cười tỏa nắng sau một ngày làm việc vất vả. Vẻ đẹp của Việt Nam được khắc họa là vẻ đẹp từ Hà Nội tới Hồ Chí Minh, từ miền Bắc, miền Trung tới miền Nam, từ địa đầu tổ quốc Hà Giang, Lũng Cú tới mũi Cà Mau lịch sử… Tất cả đều được truyền tải trọn vẹn thông qua những lăng kính nhạy bén của những người con Việt hay các vị khách nước ngoài. Chương trình #WhyVietnam được Tổng cục Du lịch kỳ vọng tạo cú hích tăng trưởng lượng khách du lịch tới Việt Nam vào cuối năm 2016. Một tin vui đến với chương trình #WhyVietnam, Tổng cục Du lịch và ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu tới Việt Nam vào ngày 25/12/2016 tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Đây cũng chính là một trong những thành tựu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra và #WhyVietnam đã góp một phần không nhỏ vào sự thành công chung của ngành, khép lại năm 2016 nhiều dấu ấn đáng tự hào. Một số hình ảnh đẹp của Việt Nam được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ nhiều trong chương trình. Mai ThảoTĐKT - Sáng 15/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn (1/1/1997 - 1/1/2017). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng; Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì họp báo.
Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh là sự kiện chính trị quan trọng, sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức nhiều hoạt động chào mừng.
Ban Tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí
Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất sẽ diễn ra vào 19h ngày 29/12/2016 tại Nhà Văn hóa tỉnh. Hội thảo khoa học cấp tỉnh "Bắc Kạn - 20 năm chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển" sẽ khai mạc sáng 29/12/2016 tại Hội trường lớn, trụ sở các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy Bắc Kạn. Triển lãm ảnh "Bắc Kạn - 20 năm xây dựng và phát triển" diễn ra từ ngày 26/12 - 30/12/2016 tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Kạn. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" diễn ra từ ngày 29/12/2016 - 2/1/2017 tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động: đêm nhạc Nông Văn Nhủng ngày 15/12/2016 tại Rạp Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh; Giải bóng đá Thanh niên tỉnh Bắc Kạn từ ngày 16/12 - 22/12/2016 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bắc Kạn; Giải bóng chuyền hơi Trung - Cao tuổi tỉnh Bắc Kạn từ ngày 23/12 - 26/12/2016 tại Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh.
Trước đó, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng sự kiện này: phát động đợt thi đua cao điểm "200 ngày đêm lao động sáng tạo, thiết thực lập thành tích chào mừng 20 năm Ngày tái lập tỉnh", Hội chợ "Công nghiệp - Thương mại vùng Đông Bắc năm 2016", Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Bắc Kạn lần thứ X, năm 2016; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh...
Các hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực thi đua lao động, sản xuất, công tác và học tập, góp phần xây dựng quê hương Bắc Kạn ngày càng phát triển.
Sau 20 năm tái lập, từ một tỉnh khó khăn, kinh tế chậm phát triển, Bắc Kạn đã có sự đổi thay, chuyển mình vươn lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm qua tăng 11,5%/năm, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 1.280 USD, tăng gần 15 lần so với năm 1997. Thu ngân sách hàng năm tăng bình quân 19,8%/năm; năm 2016, số thu tăng gấp 31 lần so với năm 2017. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông, các hoạt động văn nghệ, thể thao và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển. Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm trung bình giảm trên 4%. Đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, nâng cao. Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh.
Phương Thanh
TĐKT - Ngày 2/12, tại Hà Nội đã diễn ra họp báo chính thức chương trình Duyên dáng Việt Nam lần thứ 28 với chủ đề "Xuân". Chương trình nghệ thuật - ca múa nhạc - thời trang đẳng cấp lần này sẽ được tổ chức tại hai thành phố lớn: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Họp báo giới thiệu chương trình
Duyên dáng Việt Nam lần thứ 28 được tổ chức với nhiều nội dung xoay quanh chủ đề "Xuân", bao gồm 4 phần: "Xuân đất Bắc", "Xuân phương Nam", "Những mùa xuân không thể nào quên" và "Xuân đoàn viên".
Ông Đinh Anh Dũng, Tổng đạo diễn chương trình cho biết: chương trình được dàn dựng công phu và hoành tráng nhất từ trước đến nay. Khác với Duyên dáng Việt Nam những lần trước với sự quy tụ nhiều ngôi sao giải trí tên tuổi trong nước và hải ngoại, chương trình lần này sẽ có sự góp mặt nhiều ca sĩ nổi tiếng khác lần đầu tiên tham gia biểu diễn cùng các ca sĩ trẻ nhằm mang đến cho khán giả thật nhiều dư vị cảm xúc và đa dạng về màu sắc.
Duyên dáng Việt Nam 28 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với 2 suất diễn vào lúc 14h và 20h ngày 11/12/2016 và tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 14/1/2017. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ tên tuổi trong và ngoài nước: Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh, Thu Minh, Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn... Chương trình còn có sự góp mặt của hơn 20 hoa hậu, người mẫu hàng đầu Việt Nam và các khách mời: NSND Lê Khanh, nhạc sĩ Phú Quang...
Duyên dáng Việt Nam là chương trình được tổ chức hàng năm nhằm gây Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình và Quỹ Đào tạo Nhân tài nước Việt để giúp đỡ, tạo điều kiện học tập cho các sinh viên, học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước. Tính đến nay, đã có hàng chục ngàn sinh viên, học sinh nghèo hiếu học nhận được học bổng từ chương trình, góp phần giúp các em thực hiện được những ước mơ và khát vọng của bản thân, gia đình và xã hội.
Phương Thanh
Phát động cuộc thi toàn quốc “Cùng Đức Việt thắp sáng những ngôi sao buổi sớm”
TĐKT – Sáng 12/12, tại Trường Tiểu học Thành Công A, quận Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động cuộc thi toàn quốc “Cùng Đức Việt thắp sáng những ngôi sao buổi sớm” lần thứ 3 năm học 2016 – 2017. Cuộc thi do Nhà xuất bản Dân trí, Phòng Ca nhạc thiếu nhi - Đài Tiếng nói Việt Nam và Công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh cả nước chăm chỉ học tập, đồng thời sôi nổi tham gia luyện tập và biểu diễn nghệ thuật, tạo thêm sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em. Cuộc thi này sẽ góp phần tích cực vào phong trào xây dựng những ngôi trường thân thiện, học sinh tích cực chăm ngoan. Theo thể lệ, mỗi trường thành lập các đội nghệ thuật, mỗi đội gồm 10 em, có năng khiếu hát, múa, độc tấu nhạc cụ, khiêu vũ thể thao… để biểu diễn một chương trình không quá 20 phút. Đối tượng dự thi là các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở (từ 7 đến 15 tuổi). Ban tổ chức sẽ trao giải nhất, nhì, ba cho các đội và huy chương vàng, bạc, đồng cho các tiết mục xuất sắc tại các trường tổ chức vòng thi sơ khảo. Các tiết mục có chất lượng cao của các trường sẽ được tham gia vòng chung kết toàn quốc vào cuối năm học 2016 – 2017. Sau Lễ phát động, vòng sơ khảo cuộc thi sẽ tiếp tục được tổ chức tại các trường học thuộc nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các trường còn có thể tham gia vòng sơ khảo bằng cách gửi đĩa thu hình chương trình về ban tổ chức trong thời gian từ nay đến tháng 4/2017. Thục AnhTrao giải và triển lãm cuộc thi vẽ tranh “Sải cánh vươn cao”
TĐKT- Ngày 10/12, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội tổ chức trao giải và triển lãm cuộc thi vẽ tranh “Sải cánh vươn cao”. Đây là cuộc thi về mỹ thuật dành cho trẻ em được đánh giá cao không chỉ ở chất lượng chuyên môn mà còn mang nhiều ý nghĩa tích cực về mặt xã hội. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội và ông Đặng Anh Tuấn, Giám đốc chi nhánh Vietnam Airlines khu vực miền Bắc trao giải cho 5 bức tranh đạt giải đặc biệt Sau hơn 2 tháng phát động tới hơn 700 trường tiểu học tại 30 quận, huyện trên TP Hà Nội, cuộc thi vẽ tranh “Sải cánh vươn cao” với chủ đề “Nâng cánh ước mơ – Vietnam Airlines đồng hành cùng chúng em thực hiện ước mơ” đã chọn ra được 100 bức tranh xuất sắc nhất để trao giải thưởng. Ban Tổ chức và nhà tài trợ Vietnam Airlines đã trao giải tới 100 em học sinh, khen ngợi và động viên các em trên con đường học tập và rèn luyện, trở thành con ngoan trò giỏi và luôn mang trong mình những ước mơ, hoài bão. Bên cạnh 5 giải thưởng đặc biệt cho 5 bức vẽ xuất sắc nhất, những tác phẩm còn lại cũng được đánh giá cao ở kỹ thuật tạo hình, dựng khối và ý nghĩa mà bức tranh truyền tải – ước mơ, hoài bão về tương lai. Bằng chính những nét vẽ đơn giản, mộc mạc của mình, các em giúp cho chúng ta phần nào hé mở được thế giới lung linh của con trẻ đầy mộng mơ nhưng cũng vô cùng đáng yêu nhiều màu sắc. Các em thể hiện mong ước được trở thành chú phi công, cô tiếp viên hàng không, thậm chí là nhà nghiên cứu khoa học, có bạn còn muốn trở thành chú lính chì dũng cảm. Về chất liệu sử dụng, bên cạnh các hình thức đơn thuần là bút màu, bút sáp, bút chì…, các bạn nhỏ còn sử dụng chất liệu tự tìm kiếm, tái sử dụng trong các sinh hoạt hàng ngày. Ban tổ chức đã trao 100 giải thưởng cho các bức tranh xuất sắc nhất: 5 giải đặc biệt, mỗi giải 2 vé máy bay khứ hồi chặng nội địa hoặc châu Á, do Vietnam Airlines trực tiếp khai thác; 10 giải A, với phần thưởng là 1 vé máy bay nội địa, do Vietnam Airlines trực tiếp khai thác; 35 giải B ; 50 giải C. Ngoài ra, Ban tổ chức trao 5 giải tập thể cho phòng GD – ĐT và 10 giải tập thể dành cho trường tiểu học xuất sắc nhất. Hồng Thiết – Mai ThảoTĐKT - Chiều 9/12, tại Hà Nội, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức họp báo về Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 2 năm 2016.
Đây là một hoạt động nghệ thuật có ý nghĩa nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, đồng thời là một sự kiện văn hoá, nghệ thuật của giới sân khấu trên địa bàn Thủ đô.
Ban tổ chức giới thiệu thông tin về Liên hoan
Theo đó, sẽ có 13 đơn vị, nhà hát, câu lạc bộ tham gia Liên hoan với 13 vở diễn: “Khát vọng” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Lời nói dối cuối cùng” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Người Hà Nội”(Nhà hát Kịch Quân đội), “Giông tố” (Đoàn kịch Công an nhân dân), “Dâu bể một kiếp tằm” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Gươm thiêng trao trả hồ thần” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Chuyện tình thời sinh viên” (Nhà hát chèo Hà Nội), “Trinh phụ hai chồng”(Nhà hát chèo Việt Nam), “Ba ngày làm vua” (Nhà hát chèo Quân đội), “Linh khí trời Nam” (Câu lạc bộ Sân khấu Đoàn thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), “Quẫn”(Đại học Sân khấu Điện ảnh), “Vua lợn” (Hội Nghệ thuật Nhân đạo TP Hà Nội), “Sự sắp đặt của số phận” (Nhà hát kịch Hà Nội).
Tiêu chí của các vở diễn tham gia Liên hoan là có nội dung gắn với Hà Nội, chưa tham gia bất kỳ cuộc thi hay liên hoan nào trước đó do các bộ, ban, ngành và địa phương tổ chức…
Đêm khai mạc và bế mạc sẽ diễn ra tại Rạp Công Nhân, số 42 Tràng Tiền, Hà Nội, vào 20 giờ ngày 17/12 và 20 giờ ngày 24/12. Sau đêm khai mạc, các đơn vị sẽ diễn các vở dự thi vào hai buổi sáng và tối, tại sân khấu riêng của mỗi đơn vị (các nhà hát, rạp đã có sân khấu), hoặc tại địa điểm theo lịch của ban tổ chức sắp xếp (đối với các đơn vị không có sân khấu cố định). Lịch diễn cụ thể ban tổ chức sẽ cung cấp trong tuần tới.
Vé xem các vở diễn được phát miễn phí. Ban tổ chức Liên hoan sân khấu Thủ đô đón chào khán giả tới xem. Trong trường hợp không nhận kịp vé mời, Phó Giám đốc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Lê Chức cho biết, vẫn có người của ban tổ chức chào đón khán giả tại các điểm diễn.
Mai Thảo
TĐKT – Tối 8/12, tại Hà Nội, vở kịch tâm lý “Sau lưng là cả bầu trời” của đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, tác giả Lê Thu Hạnh, nhạc sĩ Giáng Son, biên đạo múa Kiều Lê, do các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn, chính thức ra mắt khán giả.
Vở kịch kể về câu chuyện của một gia đình có bốn người phụ nữ thuộc ba thế hệ: bà ngoại Tuyền, người mẹ Cầm và hai cô con gái là Miêu và Hoài. Họ sống gần như khép kín trong căn nhà nhỏ với khung cửa sổ luôn luôn đóng kín không biết từ bao giờ.
Một cảnh trong vở kịch
Những câu hỏi hồn nhiên và thẳng thắn của hai nhân vật Hoài và Miên như để thỏa mãn cái quyền được biết, được hiểu sự thật của cái đang, đã và sẽ xảy ra liên quan đến cuộc sống quanh mình. Từ những câu hỏi đó đã hé lộ sự thật. Những sự thật phũ phàng cùng những quyết định táo bạo, bất ngờ của tuổi trẻ trong vở kịch cho ta nhận ra ngay những vấn đề của thời đại, liên quan đến lòng tin, đạo đức, tình yêu và sự thù hận, vấn đề giữa thế hệ già và trẻ, quá khứ và tương lai, đặc biệt là sự cô đơn ngay giữa những người thân.
Vở diễn là một trải nghiệm sâu sắc, mở ra cho mỗi người những quan niệm mới về cuộc sống. Ai cũng có gánh nặng của quá khứ. Đừng để nó đánh cắp cuộc đời của mình bởi bầu trời bao giờ cũng cao rộng, khoáng đạt và tự do.
Vở kịch được dàn dựng độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố nghệ thuật như biểu diễn, hình ảnh, âm nhạc, ánh sáng, hình thể rất hiện đại. Đặc biệt, là nghệ thuật xử lý trang trí với một thiết kế sân khấu tối giản, mang tính ước lệ cao.
Những hình ảnh ô cửa sổ, góc phố, con đường Hà Nội, những khoảnh khắc ký ức nhân vật… tất cả cùng hòa vào giai điệu nhẹ nhàng của nhạc sĩ Giáng Son qua ca khúc chủ đạo “Em vẫn mơ về” đã mang đến cho khán giả một trải nghiệm mới về thể loại kịch tâm lý.
Mai Thảo
Tiếp nhận tài liệu, hiện vật của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức
TĐKT - Ngày 4/12, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu, hiện vật của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân (GS, NGND) Hà Minh Đức. Buổi lễ là dịp tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của GS, NGND Hà Minh Đức trong sự nghiệp nghiên cứu văn học, trong lĩnh vực báo chí, công tác đào tạo, giảng dạy và quản lý. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu, hiện vật từ GS, NGND Hà Minh Đức Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu nghiên cứu, sưu tầm tư liệu của Giáo sư Hà Minh Đức từ năm 2009. Qua hơn 10 buổi làm việc với hàng nghìn phút ghi âm, ông đã chia sẻ về cuộc đời hoạt động khoa học không ngừng nghỉ của mình. Đặc biệt, ông đã dành tặng cho Trung tâm một sưu tập cá nhân đồ sộ với gần 10.000 tài liệu hiện vật, đa dạng về loại hình, trong đó có hơn 4000 bản ghi chép, bản thảo nghiên cứu về các tác gia văn học, góp phần phản ánh sự nghiệp nghiên cứu của GS Hà Minh Đức. Đó là một quá trình kéo dài đến mấy chục năm sưu tầm tư liệu, gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn hay nhà nghiên cứu và ghi chép những vấn đề văn học mà ông quan tâm. Tất cả được GS Hà Minh Đức đưa thành các vấn đề cụ thể, theo thời gian. Một số tài liệu, hiện vật của GS, NGND Hà Minh Đức được trao tặng cho Trung tâm GS, NGND Hà Minh Đức sinh năm 1935 trong một gia đình khá giả tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm năm 1957 và trở thành cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Tổng hợp mới thành lập. Tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, giảng viên Hà Minh Đức đã đảm nhiệm nhiều trọng trách: Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ văn (1987 - 1988), Chủ nhiệm khoa Báo chí (1990 - 2000). Năm 1995, ông được giao thêm nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học (1995 - 2003). Suốt cuộc đời, thầy giáo Hà Minh Đức miệt mài, tâm huyết với hai công việc giảng dạy và nghiên cứu. Ông được phong học hàm Giáo sư Văn học năm 1991, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2000. Với sức viết dẻo dai, sức lao động bền bỉ và sáng tạo ở nhiều thể loại: chuyên luận, nghiên cứu, lý luận phê bình về văn chương và báo chí, bút ký văn học…, dấu ấn Hà Minh Đức thể hiện rõ qua khối lượng “đồ sộ” các tác phẩm: Nhà văn và tác phẩm (1971); Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại (1974); C. Mác, Ph. Ănghen, V. I. Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ (1982); Thời gian và trang sách (1987); Nam Cao - Đời văn và tác phẩm (1997); Nguyễn Bính - thi sĩ của đồng quê (1994); Tô Hoài - sức sáng tạo của một đời văn (2010); Tế Hanh - Mãi mãi hoa niên (2012)… Đặc biệt, cụm công trình “Văn học Việt Nam hiện đại và lý luận văn học” đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001), cũng như cụm công trình “Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam” (2012), cùng nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý khác, đã khẳng định đóng góp quan trọng của Giáo sư Hà Minh Đức trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật của nước nhà. Phương Thanh - Mai Thảo