Cả nước đã có 68,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới
07/01/2022 - 20:38

TĐKT – Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành vượt tất cả các mục tiêu phấn đấu năm 2021 được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2021, cả nước có 5.615/8.233 xã (68,2%) đạt chuẩn NTM (tăng 5,8% so với năm 2020), trong đó, có 503 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 43 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,0 tiêu chí/xã (tăng 0,6 tiêu chí so với năm 2020). Có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 40 đơn vị so với năm 2020).

Mô hình “Ngày thứ bảy cùng dân” xây dựng NTM tại tỉnh Yên Bái

14 tỉnh có 100% số đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 tỉnh đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có 3 tỉnh, thành phố đã có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương), hiện nay, đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, công nhận 5.401 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (vượt 1.401 sản phẩm so với kế hoạch đề ra), trong đó 62,6% sản phẩm 3 sao, 35,8% sản phẩm 4 sao và 1,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hơn 2.944 chủ thể tham gia, trong đó có 38,8% là hợp tac xã, 27,4% là doanh nghiệp, 31,5% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác.

Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người dân tín nhiệm. Đến nay, có 20 sản phẩm OCOP 5 sao (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận năm 2020). Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài.

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, đến hết tháng 11/2021, cả nước huy động được khoảng 449.157 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình (bằng 97,6% so với năm 2020), trong đó: Ngân sách Trung ương (chi thường xuyên): 1.000 tỷ đồng (chiếm 0,2%); vốn ngân sách địa phương: 43.601 tỷ đồng (9,7%); lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác: 30.308 tỷ đồng (6,7%); tín dụng: 316.520 tỷ đồng (70,5%); doanh nghiệp: 39.463 tỷ đồng (8,8%); cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp: 18,265 tỷ đồng (4,1%).

Bước sang năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tính bền vững, ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn. Phấn đấu năm 2022, cả nước có khoảng 73% xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 15% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 235 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng trên 20 đơn vị cấp huyện so với năm 2021), 7 - 8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; khoảng 6.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng khoảng 1.100 sản phẩm so với năm 2021).

Phương Thanh