Diện mạo nông thôn Hòa Bình ngày càng khởi sắc
16/10/2019 - 10:57

TĐKT - Sau gần 10 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về NTM được tăng cường, kết quả đạt chuẩn NTM tăng mạnh. Đặc biệt trong giai đoạn 2, từ năm 2016 đến nay, nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM sớm hoàn thành ngay trong năm 2019.

Hệ thống giao thông nông thôn ở Hòa Bình được đầu tư đạt chuẩn ,đáp ứng nhu cầu đi lại và giao lưu hàng hóa của nhân dân

Xuất phát điểm, năm 2011 tỉnh Hòa Bình chỉ có 2 xã đạt 10 tiêu chí, 124 xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 4,4 tiêu chí/xã, nhiều tiêu chí hết sức khó khăn như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, y tế, hộ nghèo… Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, giá trị hàng hoá chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp (mới đạt 8,3 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo cao (31,51%).

Ngay từ đầu năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời đã trực tiếp phát động phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng NTM” được các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị và toàn thể nhân dân trong tỉnh đều tích cực hưởng ứng, tham gia, đặc biệt là phong trào xây dựng NTM ở các xã.

Các huyện, thành phố và các xã trong tỉnh đã cụ thể hóa phong trào bằng việc phát động các phong trào thi đua gắn với điều kiện thực tế địa phương: Phong trào “Phát huy nội lực, hiến đất, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí NTM”, “Xóm làng huy động nhân dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở, cải tạo ao, vườn, cổng, ngõ, tường rào xanh - sạch - đẹp”…

Giai đoạn 2010 – 2020, tổng vốn huy động xây dựng NTM toàn tỉnh đạt trên 21.000 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp được trên 2.468,57 tỷ đồng (Đóng góp bằng tiền mặt: trên 109,72 tỷ đồng; huy động được trên 2.409.094 ngày công lao động; nhân dân đã hiến trên 979.302,9 m2 đất; đóng góp vật tư, vật liệu, máy móc... được quy đổi bằng tiền được trên 2.306,49 tỷ đồng; vốn huy động từ nguồn khác được trên 52,36 tỷ đồng).

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, với quyết tâm chính trị cao và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, sau 10 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, tỉnh Hòa Bình đã đạt được kết quả khả quan, các nội dung trọng tâm của phong trào được triển khai hiệu quả.

Đến nay, tỉnh Hòa Bình có 82/191 xã đạt NTM, chiếm 42,9% tổng số xã của tỉnh, tăng 82 xã đạt chuẩn NTM so với năm 2011 và tăng 51 xã so với năm 2015. Bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 15,01 tiêu chí/xã, tăng bình quân 10,61 tiêu chí/xã so với năm 2011; tăng bình quân 3,51 tiêu chí/xã so với kết quả đến hết năm 2015.

Hiện toàn tỉnh không có xã dưới 10 tiêu chí, có 1 đơn vị thành phố Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Lương Sơn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Theo báo cáo của các huyện, thành phố, cho đến thời điểm hiện tại, các công trình nguồn vốn phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Hòa Bình đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện phong trào, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Do đó, kết quả xây dựng NTM còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách giữa các huyện trong tỉnh. Nhu cầu xây dựng NTM của các xã đặc biệt là những xã khó khăn là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, kinh tế phát triển chưa bền vững, một số lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp quy mô còn nhỏ, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít, nhất là doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất; hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác nhìn chung còn thấp, chưa thể hiện rõ nét vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế hộ.

Để khắc phục những hạn chế đó, thời gian tới Hòa Bình sẽ tiếp tục phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên toàn diện các mặt văn hóa – xã hội, quan tâm phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững trật tự xã hội, quốc phòng…

Tuệ Minh