Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai): Xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”
22/11/2020 - 08:49

TĐKT - Từ một huyện thuần nông, có xuất phát điểm thấp, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tinh thần tự chủ tự cường và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đến nay, Vĩnh Cửu đã trở thành điểm sáng của tỉnh Đồng Nai với nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng chuyên canh, tập trung, hiện đại, gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững. Đây cũng là một trong những huyện đầu tiên trên cả nước được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuyến đường hoa giấy của huyện Vĩnh Cửu

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, nông thôn Vĩnh Cửu đã thay đổi toàn diện: Kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến vượt bậc; các giá trị văn hóa được phát huy; cảnh quan môi trường được cải thiện; an ninh - quốc phòng được đảm bảo. Kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng.

Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết: Do có xuất phát điểm rất thấp, nên ngay từ những ngày đầu xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Cửu đã ban hành nghị quyết và chọn lựa những nơi có điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện trước, những nơi khó khăn triển khai thực hiện sau, theo phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”. Cùng với đó, công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh nhằm tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo cùng huyện triển khai xây dựng nông thôn mới.

Ngay khi bước vào thực hiện chương trình, huyện Vĩnh Cửu đã xác định rõ những nội dung trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng về công tác quy hoạch; chọn bước đi, giải pháp, thứ tự ưu tiên thực hiện. Đó là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, coi sản xuất là khâu đột phá, là cái gốc để xây dựng nông thôn mới bền vững. Gắn xây dựng nông thôn mới với việc sử dụng hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp hiện có, tổ chức quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, nhằm góp phần quan trọng trong việc giữ vững và cân bằng hệ sinh thái trên địa bàn toàn tỉnh....

Huyện đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đất lúa kém hiệu quả, đất trồng mì, các loại cây mang lại hiệu quả thấp sang chuyên canh trồng bưởi, cam, quýt, chăn nuôi hươu, nai, những mô hình có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập, ổn đời sống lao động nông thôn tại địa phương. Trong đó, một số mô hình sản xuất tiêu biểu như mô hình trồng cam cho thu nhập 1 tỷ đồng/héc ta (lợi nhuận đạt 600 triệu đồng/héc ta). Đặc biệt, huyện có thương hiệu bưởi Biên Hòa - đặc sản Tân Triều đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện để sản phẩm tiếp cận thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp gắn với việc triển khai chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp điểm, tăng cường cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và xử lý hoa trái vụ, rải vụ trên các cây trồng để nâng cao giá trị cho hàng nông sản.

Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi về các điều kiện tự nhiên phong phú, sông nước hữu tình, 10 năm xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu đã đặc biệt quan tâm tới việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn gắn với hồ Trị An, rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Trung ương Cục miền Nam, Chiến khu D… Việc phát triển du lịch nông thôn vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ gìn được cảnh quan sinh thái, bảo vệ rừng và phát huy được giá trị truyền thống, văn hóa của địa phương. Hiện nay, huyện đã bước đầu hình thành các điểm du lịch có sức hấp dẫn, gắn kết với các tuyến du lịch từ Biên Hòa, thành phố Hồ Chí Minh…, từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

Những giải pháp trên đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ cấu nền kinh tế của huyện và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Năm 2019, tốc độ phát triển nền kinh tế ước đạt 8,12%; thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 64,6 triệu đồng/người/năm (tăng 3,15 lần so với năm 2011); số hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn 0,3% (giảm 7,3% so với năm 2011).

Điểm nổi bật khác trong 10 năm xây dựng nông thôn mới tại huyện Vĩnh Cửu là việc tập trung phát triển các tiêu chí cứng: Hạ tầng kinh tế phát triển khá đồng bộ, 100% đường nông thôn theo quy hoạch được nhựa hóa và bê tông hóa. Hệ thống trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn theo quy định. Hệ thống thủy lợi, điện cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt của dân cư. Hoạt động văn hóa được mở rộng, chất lượng dạy và học, chăm sóc sức khỏe người dân ngày được nâng cao. Công tác quản lý môi trường có nhiều tiến bộ...

Cuối tháng 8/2017, trên địa bàn huyện có 100% số xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện cũng đã thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Ngày 22/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 326 công nhận huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

Xác định “xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, không tự mãn với kết quả đã đạt được, huyện Vĩnh Cửu vẫn thường xuyên nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí, phấn đấu “Là một trong những huyện đầu tiên đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao của tỉnh”.

Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện không hề đi xuống sau khi về đích, mà ngược lại, người dân và chính quyền vẫn nỗ lực để thực hiện Chương trình với sự tham gia ngày càng tích cực hơn. Có được điều đó, là do xây dựng nông thôn mới đi vào trọng tâm cốt lõi nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người dân thực sự thấy được giá trị của xây dựng nông thôn mới và quyết tâm tiếp tục thực hiện chương trình.

Nguyệt Hà