Phát triển sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh gắn với xây dựng nông thôn mới
23/04/2021 - 14:05

TĐKT – Ngày 23/4, tại Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, CLB Đổi mới và Sáng tạo ngành Rau Hoa Quả tổ chức Hội thảo “Phát triển hoa, cây cảnh - ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng 46 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021); kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 và hướng tới kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021).

Tới dự có đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hiệp hội chuyên ngành, các cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và Hà Nội cùng hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ hoa, cây cảnh đến từ các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung phân tích làm rõ một số nội dung: Thú chơi hoa, cây cảnh xưa và nay; hệ thống các cơ sở chính sách có liên quan phát triển ngành hoa, cây cảnh; vai trò của phát triển hoa, cây cảnh trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và tái cấu trúc ngành nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đánh giá thực trạng phát triển hoa, cây cảnh trong những năm vừa qua; một số tư vấn phản biện chính sách để hoa, cây cảnh thực sự và ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng đô thị sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; tăng cường liên kết “5 nhà” (nhà quản lý – nhà khoa học – nhà đầu tư – nhà sản xuất – nhà truyền thông) để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu…

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 35.000 ha tập trung chuyên canh hoa, cây cảnh. Trong vòng 15 năm qua, diện tích hoa, cây cảnh đã tăng hơn 2,3 lần; giá trị sản lượng tăng trên 7,2 lần. Nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh tại các tỉnh, thành phố cho giá trị vượt trội từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm…

Riêng tại Hà Nội, hiện đã phát triển được trên 6.000 ha chuyên canh hoa, cây cảnh và 11 làng nghề truyền thống trong lĩnh vực này. Thành phố cũng đã xác định 4 sản phẩm hoa, cây cảnh là sản phẩm chủ lực để khuyến khích đầu tư gồm: Hoa lan, hoa hồng, hoa lily và hoa đào.

Với các tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng, tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố liên tục được gia tăng. Giá trị sản xuất bình quân đạt 0,5 – 1,5 tỷ đồng/ha/năm; nhiều mô hình đạt đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh còn manh mún, tự phát; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; hoạt động liên kết còn lỏng lẻo; thị trường hoa, cây cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp…

Từ thực tiễn đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, tăng cường liên kết giữa các chủ thể có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, phát triển hoa, cây cảnh được thành phố xác định là lĩnh vực trọng tâm trong phát triển ngành nghề nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Chí cũng nhấn mạnh vai trò của các hội, hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh. Theo đó, các tổ chức hội nghề nghiệp cần phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thẩm định giá sản phẩm, gắn mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ việc quản lý, giám sát… Thời gian tới, các quận, huyện, thị xã cần làm tốt quy hoạch để hoa, cây cảnh trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường. Các hội, chi hội và nghệ nhân tham vấn cho đơn vị quản lý Nhà nước của địa phương trong chiến lược phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh…

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực hoa, cây cảnh, GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất. Trong đó, tập trung vào các khía cạnh tích tụ đất đai, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ vùng sản xuất chuyên canh…

Trong khi đó, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường đổi mới công nghệ chọn tạo giống hoa, cây cảnh và công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm. Trong đó, tập trung vào một số loại hoa cao cấp phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu như: Lan, lily, cẩm chướng…

Ngay tại Hội thảo cũng diễn ra các hoạt động: Ra mắt ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Hoa lan Việt Nam; ký cam kết đồng hành cùng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ gắn với việc học tập và làm theo tinh thần Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động.

Phương Thanh