Phúc Thuận chuyển mình nhờ nông thôn mới
14/09/2018 - 11:18

TĐKT - Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã vùng sâu Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) như khoác trên mình tấm áo mới.  Không còn những con đường cấp phối gồ ghề như xưa, thay vào đó là những con đường nhựa, đường bê tông phẳng lì. Những vườn cây trái xum xuê đua nhau cho quả ngọt.  Người dân trong xã đã biết khai thác tiềm năng về đất đai để trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả... phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình trồng thanh long cho thu nhập cao tại Phúc Thuận

Trước đây, nhắc đến Phúc Thuận, ai cũng nghĩ tới một xã vùng sâu, vùng xa của thị xã Phổ Yên với điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng còn khó khăn. Được sự quan tâm của thị xã, cùng với nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến cuối năm 2017, Phúc Thuận đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Đến nay, 100% các đường liên xã, trục xã, trục xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa; trên 80% kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng/người/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,9%; 28/28 xóm có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tập thể của người dân; 7/7 trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững…

Ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận tự hào nói: Đến Phúc Thuận giờ khó nhìn thấy một vuông đất trống. Người dân trong xã đã biết khai thác tiềm năng về đất đai để trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả... phát triển kinh tế gia đình. Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, chúng tôi thường xuyên phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân; cung ứng giống, phân bón trả chậm thông qua Hội Nông dân; thường xuyên quản lý, kiểm tra và tu sửa các công trình hồ đập, phát huy tốt hệ thống kênh mương phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Cuộc sống của người dân Phúc Thuận từng bước được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần, toàn xã chỉ còn 270/3.553 hộ thuộc diện hộ nghèo (chiếm 7,6%); thu nhập bình quân đầu người đạt 32,14 triệu đồng/người/năm.

Năm nay, sản lượng nhãn của Phúc Thuận ước đạt khoảng 600 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm trước

Khi gánh nặng về nỗi lo cơm, áo đã phần nào vơi nhẹ, bà con dần nâng cao ý thức đóng góp công sức, tiền của cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới. Trong tổng nguồn vốn hơn 151 tỷ đồng huy động thực hiện Chương trình, người dân đã đóng góp trên 18 tỷ đồng, chiếm 11,9%; ngân sách trung ương, tỉnh là 40,8 tỷ đồng, ngân sách thị xã 42,8 tỷ đồng...

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được nhân dân đồng tình ủng hộ, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Quy mô trường lớp tiếp tục được mở rộng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Các chính sách xã hội được quan tâm giải quyết kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong xây dựng NTM ở Phúc Thuận, ông Nguyễn Đức Tấn, Bí thư Đảng ủy xã cho hay: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, phục vụ cho chính đời sống nông thôn mình nên Chương trình đã được các cấp đồng tình ủng hộ. Ở Phúc Thuận có nhiều xóm là đồng bào dân tộc sinh sống. Họ sống quây quần nên đường đi lối lại ở đây rất chật hẹp. Lúc mới tuyên truyền về xây dựng NTM, bà con cũng chưa đồng tình ủng hộ. Nhờ sự chỉ đạo sát, với hướng chỉ đạo trọng tâm, dùng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, người già làng trưởng bản nói cho dân nghe… sau một thời gian bà con đã rất ủng hộ. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, phá tường rào, chặt phá bụi tre có tuổi đời vài chục năm hay những cây lâu năm để mở đường thẳng cho làng xóm.

Phương Thanh