BTĐKT - Với quan điểm “Nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực không ngừng, tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng xã NTM thông minh…
Lễ công bố xã Tức Tranh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và xây dựng mô hình xã NTM thông minh
Xã Tức Tranh nằm ở vị trí trung tâm cụm của huyện Phú Lương, bà con nơi đây chủ yếu phát triển sản xuất theo hướng kinh tế vườn đồi. Năm 2011, xã Tức Tranh bắt đầu thực hiện Đề án xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Đến năm 2015, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tiếp đó, xã Tức Tranh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021.
Trong quá trình xây dựng xã NTM nâng cao, Đảng bộ xã Tức Tranh đã tập trung tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân. Cùng với đó, địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Xã vận động trên 3.000 ngày công lao động để tu sửa các công trình công cộng như đường giao thông, nhà văn hóa… giúp đỡ xây dựng nhà đại đoàn kết, mái ấm tình thương cho hộ nghèo.
Người dân đã chủ động đầu tư xây mới và cải tạo, chỉnh trang nhà kiên cố đảm bảo theo quy định, xây dựng mô hình thu gom rác thải bảo vệ môi trường; tích cực tham gia hiến đất làm đường giao thông, trường học, công trình thủy lợi, trạm điện… với diện tích lên tới 25.537 m2. Kết quả, xã đã huy động được nguồn lực trên 31 tỷ đồng để xây dựng NTM nâng cao.
Nhờ chương trình xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2016 - 2021, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Tức Tranh đã có những thay đổi mạnh mẽ. 100% xóm có đường bê tông trục xóm; trường học được xây dựng đạt chuẩn, hệ thống điện đáp ứng nhu cầu của người dân sử dụng. Trạm y tế, trụ sở xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang.
Hằng năm, người dân đã chuyển đổi cơ cấu sang trồng các giống chè cho năng suất, chất lượng cao với diện tích trung bình 14ha/năm. Hiện nay, xã có 9 hợp tác xã, 15 làng nghề chè, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,29 triệu đồng/người/năm (2021) và không còn hộ nghèo.
Đánh giá về những lợi ích từ chương trình xây dựng NTM mang lại, bà Nguyễn Thị Hiển, xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh cho biết: "Ngay từ khi xây dựng chương trình NTM, bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, người dân trong xóm đã đóng góp tiền để làm đường bê tông rộng 3m. Đến khi tiếp tục có chủ trương mở rộng đường OCOP, ban đầu có một số hộ mặt đường cũng không đồng tình hiến đất. Nhưng qua trao đổi, tuyên truyền, vận động, chỉ sau một thời gian ngắn người dân đã nhận thức được ý nghĩa, vai trò của NTM nên đã tham gia hiến đất để hoàn thành tuyến đường. Từ khi có con đường rộng rãi này, bà con hết sức phấn khởi vì đường sá đi lại thuận tiện".
Năm 2022, xã Tức Tranh tiếp tục được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện nay, xã đang trên lộ trình xây dựng xã NTM thông minh.
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND xã Tức Tranh
Ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Xã đã tích cực triển khai đồng bộ và nỗ lực thực hiện các tiêu chí liên quan, các chương trình như: Tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức xã và cán bộ ở cơ sở; xây dựng mô hình chợ thông minh không dùng tiền mặt; lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời; lắp đặt hệ thống camera an ninh; lắp đặt Wifi miễn phí; xây dựng trang thông tin điện tử xã…
“Xây dựng NTM thông minh là nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai còn nhiều lúng túng, vướng mắc. Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Qua đó, nhận được sự ủng hộ của nhân dân cùng chung tay hoàn thiện các chủ đề, mục tiêu, chỉ tiêu”, ông Lê Minh Thao chia sẻ.
Đến nay, tại xã, trên 99% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến; có 19 tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng địa chỉ số; 100% cán bộ xã, cán bộ xóm sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, sử dụng ứng dụng Zalo, fanpage, Facebook để chia sẻ thông tin, kết nối, tương tác và nhận phản hồi của người dân.
Tại xã, trà là sản phẩm chủ lực được các hộ kinh doanh, hợp tác xã bán trên kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Đặc biệt, xã đã thực hiện mô hình xóm thông minh tại Khe Cốc, người dân tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, triển khai mô hình chợ thông minh (chợ không dùng tiền mặt), các nhà trường thu các khoản đóng góp qua tài khoản… Tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán trực tuyến hiện đạt 50%.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị xã, chính quyền và người dân, đến nay xã đã hoàn thành nhiều tiêu chí, nội dung theo quy định của Bộ tiêu chí về xây dựng xã NTM thông minh. Xã phấn đấu về đích xây dựng xã NTM thông minh vào năm 2024.
Hà Giang