Xây dựng nông thôn mới

Xã Nam Trung khởi sắc từ luồng gió “nông thôn mới”

TĐKT - Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ nhiều năm nay, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đặc biệt, nhờ tinh thần đoàn kết một lòng của chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện phong trào nên bộ mặt Nam Trung ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân nơi đây thay đổi rõ rệt. Bộ mặt mới trên quê hương Nam Trung Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng đã được bê tông hóa nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Nam Trung không giấu nổi niềm hạnh phúc khi quê hương đang ngày một phát triển và thay da đổi thịt. Chủ tịch UBND xã Nam Trung tự hào giới thiệu về công trình trường mầm non xã Từ con đường ấy dẫn đến ngôi trường mầm non rộng chừng 7000 m2 mới được xây dựng trên nền đất ruộng tại trung tâm của xã, anh kể cho chúng tôi rất nhiều chuyện về Nam Trung nhưng tựu chung lại, dưới con mắt của một lãnh đạo đã gắn bó cả đời mình với xã nhà, phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự là một luồng gió mới đem theo sự vui mừng, phấn khởi cho một xã nông nghiệp lâu đời. Theo lời Chủ tịch UBND xã Nam Trung, trong giai đoạn 2013 - 2017, địa phương này đã thực hiện được 3 mục tiêu lớn trong chương trình xây dựng nông thôn mới: Thực hiện thành công việc dồn điền, đổi thửa, phát triển và mở rộng đường giao thông nông thôn và quy hoạch các điểm công trình trong xã với phương châm “Đặt tính cấp thiết và thực tiễn lên hết, tránh đầu tư xây dựng dàn trải gây lãng phí tiền của của nhà nước và nhân dân”. Cụ thể, 10 km đường nội đồng đã được hoàn thành, phục vụ đắc lực cho quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp. Trước thực trạng nhiều điểm trường mầm non nằm rải rác trên địa bàn khiến công tác giáo dục gặp nhiều khó khăn, xã Nam Trung cũng đã chủ trương xây dựng một trường mầm non cùng các sân vận động, nhà tập đa năng, bể bơi được quy hoạch lại tại trung tâm xã, tạo nên diện mạo mới cho Nam Trung và lan tỏa sự phát triển xuống tận các thôn. Trường mầm non xã Nam Trung đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của số lượng lớn học sinh trên địa bàn và những xã lân cận. Bên cạnh đó, với một xã nông nghiệp với hơn 100 ha trồng hành vụ đông cùng nhiều thửa ruộng lúa manh mún gây khó khăn trong sản xuất và thu hoạch, lãnh đạo xã Nam Trung đã chủ trương vận động người dân dồn điền, đổi thừa nhằm tạo điều kiện cho nông dân có cơ hội sử dụng các máy móc hiện đại để giảm bớt sự khó nhọc trong công việc đồng áng, tăng thu nhập cho người dân. Thôn Mạn Đê của Nam Trung từ lâu đã nổi tiếng là nơi có nghề truyền thống sấy nông sản khô xuất khẩu, đem lại thu nhập ổn định cho người dân nhưng việc sử dụng phương pháp thủ công đã gây mất an toàn vệ sinh chung. Được sự vận động của lãnh đạo địa phương, các hộ kinh doanh trong thôn đã chủ động ứng dụng các thiết bị hiện đại để cải thiện chất lượng sản phẩm, tránh gây ô nhiễm môi trường. Cũng tại đây, hệ thống tưới tiêu đã được hoàn thiện, khắc phục được tình trạng hạn hán nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương trong triển khai thi công, nạo vét, tu bổ, mở rộng khẩu độ 3 cống chính và 25 cống xương cá toàn tuyến kênh Quán Sẻ, tổng chiều dài 1.050 m, với nguồn kinh phí gần 3 tỷ đồng cùng 10 nghìn m2 đất hai bên tuyến kênh do nhân dân hai thôn Thụy Trà và Mạn Đê tự nguyện bàn giao xây dựng. Đến hết năm 2017, Nam Trung đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, một số tiêu chí được đánh giá vượt so với yêu cầu đề ra. Tổng mức kinh phí đầu tư là 137,7 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 28,3 tỷ đồng, hiến hơn 267 nghìn m2 đất làm đường giao thông, các công trình phúc lợi, tương đương 51,1 tỷ đồng. Sự tận tâm của người đứng đầu Sinh ra và lớn lên ở Nam Trung, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Bền có cơ hội chứng kiến và hiểu rõ những khó khăn mà Nam Trung đã và đang gặp phải, cản trở sự phát triển của xã nhà. Vì vậy, năm 2014, sau khi được bầu giữ vị trí Chủ tịch UBND xã, anh dồn hết tâm sức vào phát triển quê hương. Đồng chí Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Nam Trung Anh nhận nhiệm vụ “chèo lái con thuyền” ấy đúng vào dịp Nam Trung bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với bộn bề những ngổn ngang công việc. Lúc đó, vị lãnh đạo xã phải đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng với quyết tâm thay đổi để đưa xã nhà ngày một phát triển, Chủ tịch Nguyễn Văn Bền đã cùng với lãnh đạo xã đến tận từng hộ dân, vận động mọi người hợp tác, chung tay với chính quyền địa phương xây dựng thành công các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2017. Với hơn 6000 nhân khẩu đa số luôn cần cù, chăm chỉ, có tinh thần xây dựng và tin yêu Đảng, chính quyền địa phương, trong đó có khoảng 300 đảng viên, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Bền cho rằng, đó là một trong số những yếu tố quan trọng giúp anh lãnh đạo Nam Trung hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn sắp tới. Năm đầu tiên giữ trọng trách người đứng đầu xã, anh Bền đã quyết tâm vận động người dân dồn điền, đổi thừa nhằm tăng năng suất trong nông nghiệp. Để thuyết phục nông dân, anh đã chủ động lãnh đạo thôn Thị Trà là nơi mình ở tiên phong trong phong trào này. Sau 1 năm, trước sự hiệu quả của mô hình dồn điền, đổi thừa, nhiều thôn khác trong xã đã học tập, đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, với những gia đình còn chưa thực sự đồng thuận với chủ trương dám thay đổi để đem lại sự phát triển, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Bền đã đến tận nơi, tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu những lợi ích khi xây dựng những tuyến đường mới. Tin tưởng sự lãnh đạo của cán bộ xã, có gia đình đã dỡ bỏ cả căn nhà là tài sản sau bao năm làm lụng vất vả nơi xứ người để hiến đất, làm đường mới. Đặc biệt, đích thân anh vận động được nhiều doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn xã cùng tham gia đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tiêu biểu như vận động Công ty CP Đầu tư và phát triển Bến Thành đóng góp nhiều máy biến thế điện có giá trị hàng tỷ đồng; Công ty may Thiên Tân ủng hộ hàng chục triệu đồng/năm để cải tạo vỉa hè, làm đường điện chiếu sáng, ủng hộ các quỹ xây dựng và phúc lợi xã hội; đồng thời tiếp nhận trên 100 lao động là con em trong xã vào làm việc, góp phần giải quyết công ăn, việc làm,  xóa đói giảm nghèo, đảm bảo thu nhập cho người dân ở địa phương. Đây không chỉ là thành công chung của phong trào xây dựng nông thôn mới mà còn cho thấy sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân dành cho những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đem lại cuộc sống ấm no, phát triển cho người dân. Với gần 30 năm tuổi Đảng và hơn nửa đời người gắn bó với mảnh đất Nam Trung, Chủ tịch Nguyễn Văn Bền luôn quyết tâm đưa nơi đây trở thành xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, anh Bền tâm niệm: “Vai trò của người lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của địa phương. Nói đi đôi với làm, dám chịu tránh nhiệm, công khai, minh bạch trước nhân dân chính là những điều mỗi lãnh đạo cần có để dành được sự tin yêu của quần chúng nhân dân”. Chính vì vậy, dù giữ trọng trách là người đứng đầu một xã, anh vẫn gương mẫu trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia các hoạt động tập thể, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, giữ gìn nếp sống văn hóa tốt đẹp lâu đời của dân tộc, nhận được sự tin yêu của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Văn Bền, xã Nam Trung sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới trở thành địa phương nông thôn mới kiểu mẫu, tập trung phát triển các nghề nông nghiệp, thủ công, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại là thế mạnh của địa phương và phấn đấu đến năm 2021 sẽ đạt nông thôn mới nâng cao. Mai Thảo  

Diện mạo nông thôn Hòa Bình ngày càng khởi sắc

TĐKT - Sau gần 10 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về NTM được tăng cường, kết quả đạt chuẩn NTM tăng mạnh. Đặc biệt trong giai đoạn 2, từ năm 2016 đến nay, nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM sớm hoàn thành ngay trong năm 2019. Hệ thống giao thông nông thôn ở Hòa Bình được đầu tư đạt chuẩn ,đáp ứng nhu cầu đi lại và giao lưu hàng hóa của nhân dân Xuất phát điểm, năm 2011 tỉnh Hòa Bình chỉ có 2 xã đạt 10 tiêu chí, 124 xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 4,4 tiêu chí/xã, nhiều tiêu chí hết sức khó khăn như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, y tế, hộ nghèo… Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, giá trị hàng hoá chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp (mới đạt 8,3 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo cao (31,51%). Ngay từ đầu năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời đã trực tiếp phát động phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng NTM” được các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị và toàn thể nhân dân trong tỉnh đều tích cực hưởng ứng, tham gia, đặc biệt là phong trào xây dựng NTM ở các xã. Các huyện, thành phố và các xã trong tỉnh đã cụ thể hóa phong trào bằng việc phát động các phong trào thi đua gắn với điều kiện thực tế địa phương: Phong trào “Phát huy nội lực, hiến đất, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí NTM”, “Xóm làng huy động nhân dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở, cải tạo ao, vườn, cổng, ngõ, tường rào xanh - sạch - đẹp”… Giai đoạn 2010 – 2020, tổng vốn huy động xây dựng NTM toàn tỉnh đạt trên 21.000 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp được trên 2.468,57 tỷ đồng (Đóng góp bằng tiền mặt: trên 109,72 tỷ đồng; huy động được trên 2.409.094 ngày công lao động; nhân dân đã hiến trên 979.302,9 m2 đất; đóng góp vật tư, vật liệu, máy móc... được quy đổi bằng tiền được trên 2.306,49 tỷ đồng; vốn huy động từ nguồn khác được trên 52,36 tỷ đồng). Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, với quyết tâm chính trị cao và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, sau 10 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, tỉnh Hòa Bình đã đạt được kết quả khả quan, các nội dung trọng tâm của phong trào được triển khai hiệu quả. Đến nay, tỉnh Hòa Bình có 82/191 xã đạt NTM, chiếm 42,9% tổng số xã của tỉnh, tăng 82 xã đạt chuẩn NTM so với năm 2011 và tăng 51 xã so với năm 2015. Bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 15,01 tiêu chí/xã, tăng bình quân 10,61 tiêu chí/xã so với năm 2011; tăng bình quân 3,51 tiêu chí/xã so với kết quả đến hết năm 2015. Hiện toàn tỉnh không có xã dưới 10 tiêu chí, có 1 đơn vị thành phố Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Lương Sơn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, cho đến thời điểm hiện tại, các công trình nguồn vốn phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không có nợ đọng xây dựng cơ bản. Hòa Bình đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện phong trào, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Do đó, kết quả xây dựng NTM còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách giữa các huyện trong tỉnh. Nhu cầu xây dựng NTM của các xã đặc biệt là những xã khó khăn là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn còn hạn chế. Bên cạnh đó, kinh tế phát triển chưa bền vững, một số lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp quy mô còn nhỏ, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít, nhất là doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất; hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác nhìn chung còn thấp, chưa thể hiện rõ nét vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế hộ. Để khắc phục những hạn chế đó, thời gian tới Hòa Bình sẽ tiếp tục phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên toàn diện các mặt văn hóa – xã hội, quan tâm phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững trật tự xã hội, quốc phòng… Tuệ Minh

Sau 9 năm, cả nước có 52,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Chiều 11/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan chủ trì họp báo. Ban tổ chức thông tin về Hội nghị Khai mạc vào sáng 19/10 tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định với khoảng 600 đại biểu chính thức tham dự, Hội nghị sẽ đánh giá toàn diện, tổng thể kết quả và tác động của 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Trong đó, tập trung đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình; đề xuất định hướng, mục tiêu, các nhóm giải pháp và hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình giai đoạn sau năm 2020. Bên lề Hội nghị, Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2011 - 2020 được tổ chức vào 19h30 ngày 18/10 tại Trung tâm văn hóa 3/2 tỉnh Nam Định. Chương trình do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Triển lãm thành tựu 10 năm thực hiện xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp diễn ra từ ngày 18 - 19/10 tại Quảng trường Trung tâm văn hóa 3/2. Sáng 18/10, Ban tổ chức sẽ tổ chức 3 đoàn tham quan mô hình NTM tiêu biểu của một số tỉnh: Mô hình NTM tiêu biểu về bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; mô hình NTM tiêu biểu về nông nghiệp hữu cơ và NTM của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; mô hình NTM tiêu biểu về cơ sở hạ tầng, khu sản xuất và khu dân cư kiểu mẫu của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Đến hết tháng 9/2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã (tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2010) và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 93 đơn vị cấp huyện (chiếm 14% tổng số huyện, thị xã, tỉnh của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, cả nước đã có 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và Nam Định đã có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Như vậy, cả nước đã hoàn thành mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) sớm gần 2 năm so với mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao (đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM). Với những kết quả vượt bậc đó, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã quyết định tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chương trình ngay trong năm 2019 để dành thời gian cả năm 2020 tập trung vào xây dựng khung khổ chính sách, cơ chế và định hướng chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 và hướng tới năm 2030. Phương Thanh  

Dấu ấn 10 năm xây dựng nông thôn mới của tuổi trẻ Bắc Ninh

TĐKT - Sau 10 năm triển khai, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của Tỉnh đoàn Bắc Ninh đã lan tỏa mạnh mẽ, từng bước làm thay đổi nhận thức của đa số đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) từ trông chờ, ỷ lại chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. Đồng thời, cổ vũ, động viên, hướng dẫn thanh niên thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản xuất đã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho thanh niên. ĐVTN xã Tân Chi (huyện Tiên Du) tham gia khơi thông dòng chảy kênh mương tại địa phương Với vai trò là lực lượng xung kích đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ được việc xây dựng NTM, thanh niên tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều hình thức để hưởng ứng phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng NTM”. Ban thường vụ Tỉnh Đoàn, Ban thường vụ các huyện, thị, thành đoàn đã tổ chức tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức: Họp tổ, họp nhóm, gặp gỡ trực tiếp từng thành viên trong hội, tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, các buổi sinh hoạt của Đoàn và các chương trình khác. Đồng thời tiến hành treo băng rôn, panô, áp phích, tuyên truyền trên báo, đài phát thanh, bản tin thanh niên về 19 tiêu chí xây dựng NTM để mỗi hộ gia đình, các tầng lớp nhân dân và từng ĐVTN nắm vững chủ trương xây dựng NTM.  Kết quả, đã thực hiện trên 500 buổi tuyên truyền, với gần 50.000 lượt đoàn viên và nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, triển khai cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Ninh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn viên, đội viên tham gia xây dựng, tu bổ đường giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa; xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế trong thanh niên; hỗ trợ thanh niên nông thôn học nghề, giới thiệu việc làm, vốn vay phát triển sản xuất; tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng các mô hình thanh niên bảo vệ môi trường; xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội vững mạnh. 10 năm qua, các cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh đã đảm nhận gần 23.000 công trình, thành lập 136 đội thanh niên tình nguyện xây dựng NTM thu hút trên 4.200 ĐVTN tham gia. Đồng thời hoàn thành công trình thanh niên gắn 17.000 lọ hoa vào phần mộ tại các nghĩa trang anh hùng, liệt sĩ trị giá trên 4 tỷ đồng; xây mới và tu sửa gần 150 km đường giao thông nông thôn trị giá gần 30 tỷ đồng; vớt 500.000 m3 bèo, nạo vét kênh mương, khơi thông trên 1.500 km dòng chảy, thu gom được hàng ngàn chai lọ, thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn. Song song với đó, Tỉnh đoàn cũng tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, trao tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vượt khó vươn lên học giỏi được 350.000 suất, trị giá trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, đã xây dựng mới 40 nhà nhân ái; khánh thành và đưa vào sử dụng 469 km đường điện “Thắp sáng đường quê” trị giá gần 6,9 tỷ đồng; trồng 980.250 cây xanh các loại, đẩy mạnh các hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”; xây dựng 15 mái ấm trị giá 930 triệu đồng hỗ trợ các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có điều kiện ổn định cuộc sống… Đặc biệt, từ năm 2018 tới nay, toàn tỉnh đã khánh thành, bàn giao 14 công trình khu vui chơi thiếu nhi trên địa bàn. Từ năm 2012, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh phát động phong trào “Tuổi trẻ Bắc Ninh làm sạch ruộng đồng, chung tay xây dựng nông thôn mới”, tổ chức xây dựng gần 350 thùng rác bê tông chứa chất thải trên đồng ruộng, với tổng trị giá trên 600 triệu đồng, tổ chức ra quân thu gom vỏ chai lọ thuốc trừ sâu, túi nilon trên đồng; bắt sâu hại, chuột, ốc bươu vàng… Thực hiện xây dựng NTM gắn với phong trào “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, Tỉnh đoàn đã giúp hàng nghìn lượt ĐVNT vay vốn phát triển kinh tế từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm và Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, nguồn vốn thuộc Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm cho ĐVTN tỉnh Bắc Ninh là 3,795 tỷ đồng; nguồn vốn khởi nghiệp cho thanh niên là 40 tỷ đồng; tổng dư nợ vốn ủy thác toàn tỉnh do Đoàn thanh niên quản lý là 113 tỷ đồng với 153 tổ vay vốn, 4.718 hộ vay. Tỉnh đoàn còn đẩy mạnh việc xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn, vận động đoàn viên thực hiện tốt Nghị quyết 20, 22 của HĐND tỉnh. Theo đó, hầu hết các đám cưới thực hiện tốt nếp sống văn minh; các nghi lễ theo phong tục cổ truyền trước và sau khi cưới được giản tiện, lành mạnh hóa. Hiện tượng ăn uống linh đình, phô trương hình thức, mời cỗ tràn lan mang tính vụ lợi giảm nhiều. Tỉnh đoàn tổ chức nhiều các sân chơi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, liên hoan tiếng hát hành khúc thanh niên; tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho thanh thiếu nhi địa phương, tập huấn nghiệp vụ, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khoa học - công nghệ cho thanh niên… Xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn, các cơ sở Đoàn thường xuyên vận động ĐVTN và nhân dân tham gia phòng chống, không tham gia vào các tệ nạn xã hội; xây dựng khu dân cư, xóm thôn không có tội phạm và các tệ nạn xã hội. Vận động ĐVTN có điều kiện tham gia các đội dân phòng, tổ an ninh nhân dân, góp phần vào việc ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và các tệ nạn xã hội. Bảo Linh  

Thanh niên xã Đức Phú (Bình Thuận) bắc cầu cho dân

TĐKT - Với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, thời gian qua, Đoàn thanh niên xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng được 8 cây cầu bắc qua sông và 1 cống bi bắc qua suối, giúp người dân và học sinh trong xã đảm bảo an toàn trong việc đi lại vào mùa mưa, nước lớn. Xã Đức Phú là địa phương đặc thù với nhiều suối nhỏ chảy dọc các tuyến đường liên thôn, vào mùa mưa nước lớn ảnh hướng đến nhu cầu đi lại của người dân, học sinh. Trước thực trạng đó, Ban Chấp hành Đoàn xã xác định, xây cầu dân sinh cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện phong trào thi đua tuổi trẻ Đức Phú tham gia xây dựng nông thôn mới; do đó đã mạnh dạn đứng ra tổ chức xây dựng công trình cầu tình nguyện. Dưới sự định hướng chỉ đạo từ phía cấp ủy và Ban Thường vụ Huyện đoàn, hàng năm, Đoàn thanh niên xã Đức Phú đứng ra tổ chức khởi công xây dựng ít nhất 1 công trình cầu tình nguyện, kết hợp cùng với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương. Đoàn thanh niên trực tiếp đi vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân, nhằm tạo kinh phí xã hội hóa từ nhiều nguồn khác nhau để xây cầu, phục vụ việc đi lại an toàn cho người dân. Đồng thời, Ban chấp hành đoàn xã cũng khéo léo lồng ghép các nội dung của phong trào “Tuổi trẻ Đức Phú tham gia xây dựng nông thôn mới” gắn liền với các phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đảng, Đại hội Đoàn và Đại hội Hội LHTN Việt Nam các cấp từ 2010 - 2020; gắn với các đợt hoạt động, các đợt cao điểm Tháng Thanh niên, Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè hàng năm. Do đó, đã tranh thủ được sự ủng hộ tối đa từ nhiều cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân. Mô hình xây cầu tình nguyện này chính thức triển khai từ năm 2012 nhưng đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình ủng hộ, cùng chung tay góp sức xây dựng cầu từ đông đảo người dân địa phương. Từ cây cầu tình nguyện số 1, rồi cây cầu chung sức, đến nay, sau 10 năm, đoàn thanh niên xã Đức Phú đã xây được thêm 6 cây cầu khác nữa, góp phần làm thay đổi bộ mặt mỹ quan của một vùng quê Bình Thuận. Không chỉ xây cầu mà nhiều đoạn đường, cống bi bắc qua các con suối cũng được đoàn viên, thanh niên xã Đức Phú quan tâm thực hiện. Nhờ những đóng góp đó của tuổi trẻ, đời sống của bà con nhân dân cũng như bộ mặt nông thôn xã có nhiều đổi thay. Năm 2017, xã Đức Phú đã về đích đạt chuẩn nông thôn mới. Với vai trò nòng cốt, tiên phong trong mọi hoạt động tình nguyện, tuổi trẻ xã Đức Phú đã và đang từng ngày nỗ lực góp sức trẻ, nhiệt huyết vào xây dựng nông thôn mới cũng như đưa phong trào công tác Đoàn ngày càng đi lên, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp và văn minh. Thục Anh

Khẳng định vai trò của tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Chiều 5/10, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" tại 63 điểm cầu trên cả nước. 10 năm qua, phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” được triển khai rộng khắp, trở thành phong trào sôi động của tuổi trẻ cả nước, thu hút đông đảo thanh niên và nhân dân tham gia. Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội Thông qua phong trào, nhận thức của đa số đoàn viên, thanh niên và nhân dân đã thay đổi tích cực, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Phong trào đã cổ vũ, động viên, hướng dẫn thanh niên thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản xuất đã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho thanh niên. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của phần lớn thanh niên và cư dân nông thôn được nâng cao. Vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn được phát huy và nâng lên về chất… 10 năm triển khai phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới", tổ chức Đoàn các cấp đã làm mới 10.814 km đường giao thông nông thôn; thắp sáng 94.945 km đường giao thông nông thôn; trồng hoa, cây xanh tại 4.466 tuyến đường; xây mới 2.116 cầu nông thôn; xóa 12.516 nhà tạm, nhà dột nát; trồng được gần 45 triệu cây xanh; xây dựng mới 37.242 nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom hàng triệu tấn rác thải, làm đẹp cảnh quan môi trường nông thôn… Thanh niên Thủ đô làm vệ sinh môi trường Các cấp bộ Đoàn đã có nhiều giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo, mạnh dạn của thanh niên cũng như hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn; triển khai các chương trình như “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), chương trình phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng... Qua đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển 890 hợp tác xã, 2.091 tổ hợp tác thanh niên, 17.128 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế... Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phong trào, đồng thời chỉ ra một số mặt hạn chế của phong trào như: Một số cơ sở Đoàn chưa mạnh dạn đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên xây dựng nông thôn mới; công tác tuyên truyền ở nhiều nơi còn nặng hình thức, chưa tạo được khí thế thi đua; việc hỗ trợ thanh niên tiếp cận thông tin, chính sách, khoa học, công nghệ còn chưa đồng đều... Hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào giai đoạn 2019 - 2020, trong đó chú trọng triển khai các đội trí thức trẻ tình nguyện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác thải thành phân hữu cơ trong các hộ gia đình nông thôn... Để tiếp tục khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, tổ chức đoàn tập trung tuyên truyền các cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo tiền đề cho thanh niên vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tuyên truyền, vận động mỗi đoàn viên, thanh niên có trách nhiệm đóng góp vật chất, công sức xây dựng các công trình hạ tầng, công cộng của thôn, xã. Cùng với đó, phát huy vai trò thanh niên trong xây dựng đường giao thông thôn, xóm; cầu nông thôn; nhà văn hóa thôn bản; thắp sáng đường giao thông nông thôn. Đối với những xã đã đạt nông thôn mới, tập trung thanh niên xây dựng những tiêu chí nâng cao. Đồng thời, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn thôn, xã, tập trung vào xây dựng “Tuyến đường hoa - cây xanh”, “Con đường bích họa”; tái chế lốp xe cũ thành bồn hoa ven đường; triển khai mô hình “Vườn ươm thanh niên” để hỗ trợ các thôn xóm giống hoa - cây xanh trồng ven đường; vận động nhân dân bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định, thực hiện thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng, xây dựng mô hình “Giữ sạch đồng quê”; xây dựng đội tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã. Tổ chức cho thanh niên và người dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác thải trong gia đình thành phân hữu cơ bón cho cây trồng; hỗ trợ người dân xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi và công trình nước sạch. Cùng với đó, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm số lượng hộ nghèo do thanh niên làm chủ. Nâng cao số lượng và chất lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên. Hỗ trợ thanh niên tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hỗ trợ thanh niên xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì, sản phẩm. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, đảm bảo việc làm cho thanh niên nông thôn đã qua đào tạo thông qua các Trung tâm hỗ trợ việc làm thanh niên…. Hưng Vũ

Làm chủ khoa học công nghệ, góp phần xây dựng nông thôn mới

TĐKT – Xác định tham gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, 10 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Tuổi trẻ Thanh Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới”  bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Đặc biệt, với việc triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tuổi trẻ xứ Thanh đã góp phần quan trọng cùng với đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở Đề án: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020” đã được phê duyệt, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Thanh Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2020”, triển khai đến 27/27 huyện, thị, thành đoàn trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức Lễ phát động phong trào thanh niên xung kích, khởi sự doanh nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đoàn viên, thanh niên huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa giúp bà con nhân dân trồng ngô vụ đông Từ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn ký giao ước thực hiện các tiêu chí cụ thể như: Xã không còn hộ thanh niên nghèo; không còn nhà ở tạm bợ, dột nát; không có đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội; đường làng, ngõ, xóm do thanh niên đảm nhận tự quản đều được công nhận là xanh - sạch - đẹp; củng cố và thành lập mới các mô hình, câu lạc bộ thanh niên do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Để thực hiện được các tiêu chí, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo, vận động các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hưởng ứng, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.  BTV Tỉnh đoàn phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tập trung triển khai nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên. Trong đó, khuyến khích, tìm kiếm và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên, tổ chức các cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật”, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”; tổ chức diễn đàn “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 – cơ hội và thách thức của thanh niên trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ các nguồn vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ các mô hình, giải pháp, ý tưởng có giá trị áp dụng thực tiễn cao; tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách đất đai, thuế, vốn... cho thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức tuyên dương các mô hình điển hình tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, ngày hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác... BTV Tỉnh đoàn đã phát động phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp'' trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên, doanh nhân trẻ; triển khai mô hình “Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp'', tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa”, giai đoạn 2017 - 2020. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 758 ý tưởng của đoàn viên, thanh niên tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh, trong đó có các mô hình, ý tưởng tiêu biểu, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ và được áp dụng vào thực tiễn như: Mô hình công ty điện tử quảng cáo led ABC; mô hình sản xuất than tre hoạt tính; mô hình Thiên Phú Smart – chế tạo máy phục vụ tự động hóa nghề nấm... Cuộc thi đã cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo của thanh niên, giúp thanh niên mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào các mô hình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực; ươm mầm cho các ý tưởng kinh doanh với những giải pháp tiềm năng bước ra thị trường. BTV Tỉnh đoàn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cho thanh niên; tập huấn kiến thức mô hình kinh tế tập thể cho thanh niên, hướng dẫn thanh niên xây dựng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay, các chương trình, dự án hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế; nhân rộng các mô hình trang trại, gia trại trong thanh niên, các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho đoàn viên, thanh niên. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng sáng tạo như: Mô hình ứng dụng phương pháp lai hữu tính trong chọn giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao; mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất đá ốp lát, gạch không nung; mô hình sản xuất rau ăn lá, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap bằng phương pháp thủy canh NFT... Đặc biệt, BTV Tỉnh đoàn tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” cho đoàn viên thanh niên toàn tỉnh với tổng kinh phí là 10 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ đạt 9.853 triệu đồng với 118 lượt dự án được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này. Mặt khác, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn 949 tỷ đồng, triển khai tại 26/27 huyện, thị, thành Đoàn cho 26.100 hộ vay vốn. Trong đó, nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn mà Tỉnh đoàn đang quản lý là 2,150 tỷ đồng, cho 26 dự án thanh niên vay mở rộng và phát triển kinh tế.  BTV Tỉnh đoàn đã trình UBND tỉnh phê duyệt, triển khai các đề án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: Mô hình nuôi lợn rừng thương phẩm tại xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh; mô hình nuôi gà ri lai thương phẩm đảm bảo an toàn sinh học trong nông hộ tại huyện Thiệu Hóa, Bá Thước; mô hình nuôi lợn cỏ sinh sản tại huyện Cẩm Thủy; nuôi cá lồng tại huyện Như Thanh. Đến nay, các mô hình được BTV Tỉnh đoàn đầu tư đã bước đầu mang lại hiệu quả cho các hộ gia đình thanh niên được hỗ trợ. Bằng việc làm tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ, các cấp bộ đoàn đã giúp đông đảo thanh niên tham gia phát triển kinh tế, khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, các mô hình hợp tác xã thanh niên, câu lạc bộ thanh niên giúp nhau lập nghiệp, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Cuộc vận động “Tuổi trẻ Thanh Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào cuộc sống của thanh niên, thu được những hiệu quả cụ thể, thiết thực. Hưng Vũ  

Gia Vân: Phát huy nội lực, hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu

TĐKT - Được huyện chọn là một trong những địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, xã Gia Vân (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã và đang huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng bền vững. Khu hành chính xã Gia Vân được xây dựng khang trang Ông Đinh Văn Thỏa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Vân cho biết: Chính quyền xã luôn xác định, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, chứ không có điểm dừng nhất định. Do đó, sau khi cán đích NTM vào cuối năm 2015, xã đã nỗ lực duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM, phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu của huyện vào cuối năm 2020. Cũng theo ông Thỏa, ngay sau khi được huyện chỉ đạo chọn làm xã xây dựng NTM kiểu mẫu, UBND xã đã lên kế hoạch, xây dựng Đề án về xây dựng NTM, đồng thời Ban Chỉ đạo xã kiện toàn lại Ban quản lý xây dựng và các Ban phát triển thôn (xóm). Xác định, muốn trở thành xã NTM kiểu mẫu, vấn đề quan trọng là phải tập trung tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Đồng thời phải tích cực mở rộng dân chủ, phát huy sự chung sức, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bởi vậy, hơn 4 năm qua, các Ban phát triển thôn đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề để lấy ý kiến đóng góp của người dân. Từ đó có những điều chỉnh phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Song song với đó, kết quả phê duyệt quy hoạch, xây dựng được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa các khu dân cư để nhân dân nắm bắt và tổ chức thực hiện. Ban phát triển thôn còn mời những người có kinh nghiệm, tâm huyết để giới thiệu tham gia Ban để tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã tích cực tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư cho xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa thôn xóm... của xã là 1,58 tỷ đồng. Để có nguồn vốn xây dựng đó, có nguồn đóng góp không nhỏ của người dân. Trong 4 năm qua nhân dân xã Gia Viễn đã đóng góp hơn 950 triệu đồng; 2.515 ngày công lao động, giá trị khoảng 330 triệu đồng. Không chỉ vậy, người dân còn tích cực hiến đất làm đường giao thông. Đến nay xã có 27 hộ dân hiến 1.100 m2 đất, trị giá hơn 300 triệu đồng. Hiện tại xã Gia Vân tiếp tục nhận 213 tấn xi măng, hoàn thiện 17 tuyến đường giao thông nông thôn (1,8km). Xã cũng khẩn trương triển khai việc xây dựng vỉa hè khu trung tâm xã, xây dựng hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước, lắp đặt biển báo hiệu, biển chỉ dẫn giao thông... Theo ông Thoải, điển hình việc vận động nhân dân hiến đất và các công trình phục vụ xây dựng NTM kiểu mẫu ở Gia Vân là thôn Tập Ninh và Thanh Uy. Đây cũng là 2 thôn được Gia Vân lựa chọn xây dựng mô hình Khu dân cư NTM kiểu mẫu.  Tại thôn Tập Ninh, Ban phát triển thôn đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu. Có 9 gia đình trong thôn đã tình nguyện hiến một phần diện tích đất của gia đình từ 0,5 - 1,5 m sâu, phá bỏ 350 m2 tường bao, tham gia hiến 170 m2 đất cho Ban phát triển thôn tiến hành mở rộng để xây dựng đường giao thông nội thôn. Hiện tại Ban phát triển thôn đã triển khai 4 mô hình trồng cây xanh, gồm bến xe khu du lịch, trục đường Thống Nhất, ven khu nghỉ dưỡng... Ban cũng đang tiến xây dựng gần 500 m bồn trồng hoa, trồng gần 400 cây muồng Hoàng Yến, xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại hội trường thôn. Mới được bổ sung xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu (tháng 5/2019), nhưng thôn Thanh Uy đã nhanh chóng triển khai mở rộng hai bên đường khoảng 110 m, nâng cấp tuyến đường giáp thôn Tập Ninh đi xã Gia Hòa và tuyến đường đi sang thôn Bích Sơn. Ông Thỏa cho biết: Với cách đi và cách làm sáng tạo, đến nay Gia Vân đã đạt 9/14 tiêu chí NTM kiểu mẫu. Để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2020, nhân dân và cán bộ xã Gia Vân đang ra sức thi đua hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó, tập trung khắc phục nhanh chóng những khâu yếu, điểm còn hạn chế; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý để nâng cao thu nhập... Tùng Chi

Dấu ấn của người trưởng thôn trong “dân vận khéo” ở Phước Lộc

TĐKT - Làm trưởng thôn từ năm 2009 ông Võ Đình Hùng, thôn Phước Lộc (xã Phước Tín, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) luôn sáng tạo, linh hoạt trong công tác dân vận, huy động sức dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông là một trong những điển hình tiên tiến của phong trào dân vận khéo ở địa phương. Phước Lộc có hệ thống đèn đường đẹp như vậy có đóng góp không nhỏ của trưởng thôn Võ Đình Hùng 10 năm làm trưởng thôn, ông Hùng ý thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Ông đã góp công rất lớn cùng địa phương thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, đặc biệt là kế hoạch đưa xã Phước Tín về đích NTM vào năm 2017. Theo ông Hùng, Phước Lộc có có 320 hộ với gần 1.500 nhân khẩu, do vậy trong quá trình triển khai thực hiện phong trào NTM, rào cản lớn nhất chính là nhận thức của người dân về phong trào vẫn chưa rõ ràng. Một số hộ dân cho rằng, xây dựng NTM là việc làm của Nhà nước nên trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực tham gia đóng góp. Trước tình hình đó, Ban điều hành thôn Phước Lộc đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa cũng như giải pháp thực hiện các tiêu chí NTM nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trong đó, Trưởng thôn Võ Đình Hùng luôn chủ động hiến kế. Sau nhiều lần được tuyên truyền, vận động, người dân đã dần hiểu và thông suốt việc xây dựng NTM là trách nhiệm của người dân và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong phong trào xây dựng đường giao thông nông tại thôn, với cơ chế đặc thù trong làm đường, Phước Lộc được Nhà nước hỗ trợ vật tư, còn lại nhân dân bỏ công lao động. Khi đã hiểu rõ về cơ chế này, người dân trong thôn hăng hái tham gia làm 500 m đường bê tông. Một số hộ tích cực hiến đất để làm đường. “Ngày thi công làm đường, mỗi gia đình đều cử một người tham gia. Những dụng cụ như xe rùa, cuốc, xẻng… được người dân huy động cùng cơ giới thi công. Không khí rất vui tươi, phấn khởi”- ông Hùng chia sẻ. Bởi vậy, chỉ trong một vài ngày, tuyến đường bê tông được hoàn thành. Thành công trong xây dựng tuyến đường giao thông này đã tạo sức lan tỏa cho người dân. Các đoạn đường ngắn, đường trong hẻm…đều được các tổ, hộ liên kết đổ bê tông sạch sẽ. Bên cạnh việc vận động người dân tham gia làm đường, ông Hùng cũng tích cực vận động động người dân tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn. Kết quả huy động được 180 triệu đồng từ đóng góp của người dân. Số còn lại Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, ông Hùng là người đã đóng góp không nhỏ trong việc cải tạo hệ thống điện của thôn. Ông cho biết: Từ năm 2013, nhân dân thôn Phước Lộc đã xây dựng hệ thống điện chiếu sáng ở một số tuyến đường chính. Tuy nhiên, hệ thống chưa đồng bộ và đảm bảo an toàn. Do đó cần cải tạo hệ thống này. Một lần nữa, trưởng thôn Hùng lại “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để vận động bà con đóng góp kinh phí cải tạo hệ thống đường điện. Ông cũng tổ chức các cuộc họp để thống nhất ý kiến của bà con. Vậy là chỉ trong khoảng thời gian ngắn, người dân đã thống nhất đóng mỗi hộ 1,5 triệu đồng để cải tạo hệ thống điện chiếu sáng tại 2 tuyến đường Điện Biên Phủ (dài 2,5 km) và Yên Thế (2 km). Ông Hùng còn vận động được doanh nghiệp ủng hộ 10 triệu đồng. Với số tiền đóng góp và huy động được, thôn đã xây dựng 188 trụ đèn cao áp, thay mới và đi âm dây điện đảm bảo mỹ quan, an toàn. Thôn còn thống nhất hàng năm, mỗi hộ đóng 300 ngàn đồng để duy tu, bảo trì hệ thống. “Nhờ có hệ thống đèn này, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn được đảm bảo. Không chỉ vậy, có con đường sáng, người dân có thể đi bộ, tập thể dục, hóng mát thuận lợi, an toàn. Hiện đèn đường tại thôn Phước Lộc sáng, đẹp nhất xã Phước Tín” - ông Hùng chia sẻ. Với sự tham gia tích cực của người dân, cuối năm 2017, Phước Lộc hoàn thành 100% tiêu chí trong xây dựng NTM. Những cống hiến của trưởng thôn Võ Đình Hùng đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2017, ông vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Tỉnh ủy tặng bằng khen vì có thành tích dân vận khéo. Tuệ Minh    

Hồi sinh vùng đất “khát”

TĐKT - Ở vùng cát trắng thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nhiều năm nay, mô hình trồng măng tây xanh theo hướng an toàn đã được triển khai và nhân rộng. Măng tây xanh trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho bà con người Chăm nơi đây. Mô hình trồng măng tây xanh tại thôn Tuấn Tú được nhiều đoàn tới tham quan, học tập Thôn Tuấn Tú hiện có 446 hộ, với trên 2.100 nhân khẩu, phần lớn là người dân tộc Chăm. Bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, Tuấn Tú xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giờ đây, những đồi cát quanh năm trơ trụi trước nắng gió đã được phủ xanh bằng nhiều loại cây màu ngắn ngày và đặc biệt là măng tây xanh - loại cây trồng mới đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững trong tương lai. Cây măng tây xanh là một loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, gồm 83% nước và 17% chất khô. Trong đó, có 2,2% protein, 1,2% glucid, 0,6% celluloze và 21% các chất khoáng như Mg, K, Ca... Ngoài ra, măng tây xanh còn có tác dụng chống lão hóa, chống béo phì, làm giàu sữa mẹ và đặc biệt là giảm lượng cholesteron trong máu, giúp ổn định huyết áp. Vì những lợi ích đó, cây măng tây được giới ẩm thực ưa thích. Năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận đưa cây măng tây xanh vào trồng thí điểm trên vùng đất cát tại thôn Tuấn Tú. Nông dân Hùng Ky tiên phong trồng thử nghiệm bốn sào (1.000 m2/sào). Sau tám tháng, măng tây xanh bắt đầu thu hoạch đều đặn mỗi ngày từ 5 kg/sào. Từ năm thứ hai trở về sau, năng suất liên tục nâng cao, bình quân thu hoạch mỗi ngày từ 8 – 10 kg/sào. Sản phẩm được Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đến thu mua tận vườn với giá từ 55 – 60 nghìn đồng/kg (loại 1) và từ 35 – 40 nghìn đồng/kg (loại 2). Thấy cây măng tây xanh dễ trồng và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, ông Hùng Ky đã mở rộng diện tích lên 2,4 ha và đầu tư khoảng 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống nước tưới nước phun mưa tiết kiệm, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng. Tham quan băng chuyền phân loại măng tây Theo các hộ trồng măng tây xanh, khí hậu khô nóng cộng với đất cát thịt ở Ninh Thuận thích hợp cho cây măng tây xanh phát triển. Măng tây xanh sinh trưởng chủ yếu nhờ phân hữu cơ, nước sạch. Sau một đêm, cây măng có thể dài thêm từ 10 - 15 cm. Cây chủ yếu sinh trưởng trong đêm nên người trồng thường thu hoạch vào khoảng 5 - 6 giờ sáng lúc măng tươi, giòn, chưa lên bông. Trồng măng tây xanh ít tốn công chăm sóc, bón phân, ít phải phun thuốc, khi có sâu bệnh dùng chế phẩm sinh học xịt nên rất an toàn. Để tối ưu hóa chi phí đầu tư, người trồng lắp đặt thêm hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa, tưới nhỏ giọt cho cây. Việc làm này không chỉ tiết kiệm được nước mà còn giảm được 70% công lao động, 50% phân bón, giảm tình trạng cát bay mà năng suất lại gấp đôi. Ông Hùng Ky cho biết: Mỗi ha trồng măng tây xanh, cần đầu tư ban đầu khoảng 30 - 40 triệu đồng để mua cây giống. Cây măng tây xanh cho thu hoạch 3 tháng mỗi vụ, sau mỗi vụ cho cây nghỉ dưỡng một tháng và cứ thế thu hoạch liên tục trong thời gian gần 10 năm. Nông dân thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp ba, bốn lần so với cây rau màu khác trên cùng diện tích. Nhờ loại cây này mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu và cho con cái ăn học bài bản. Sau bốn năm sinh trưởng, 1 sào măng tây xanh của hộ anh Châu Văn Năng ở Tuấn Tú cho thu hoạch bình quân 10 kg/ngày. Anh Năng thu nhập khoảng 600 nghìn đồng/ngày, chất lượng đời sống ngày càng tốt hơn. Vốn là một hộ nghèo trong thôn, chỉ có 500 m2 đất để canh tác, ông Hứa Văn Sắn đã thu mua măng tây xanh đưa ra thị trường tiêu thụ, vươn lên trở thành hộ giàu… Cánh đồng trồng măng tây theo tiêu chuẩn organic tại thôn Tuấn Tú Đặc biệt, trên mỗi sào đất sản xuất, nông dân còn trồng xen cây đậu phộng, cải trắng với măng tây xanh, đây là giải pháp vừa hạn chế cỏ dại phát triển vừa tăng thu nhập cho mỗi mùa vụ. Sau khi thu hoạch các loại mây màu với thời gian xen kẽ, bà con còn tận dụng cả nguồn phế phẩm của các loại cây màu này để tăng độ phì cho đất tốt hơn. Với tinh thần vượt khó, chủ động trong sản xuất, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú đã biến hàng chục ha đất cát thường xuyên bị bỏ hoang vào mùa hạn thành cánh đồng măng tây xanh tốt, có giá trị và năng suất cao. Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, bà con tích cực tham gia các phong trào địa phương, thực hiện nếp sống văn minh, có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường… Phương Thanh    

Trang