Chính trị - Xã hội

Tôn vinh những “người hùng” bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020

TĐKT - Với mong muốn vinh danh các tổ chức, cá nhân, nhân rộng các điển hình có nhiều thành tích cho công tác bảo tồn, đồng thời hướng đến kỷ niệm thập niên về đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chương trình Vinh danh các tổ chức, cá nhân; nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều thành tích đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 – 2020. Sau khi phát động vào tháng 10 năm 2020, đến nay, chương trình đã dần đi đến chặng cuối cùng. Điều đó có nghĩa, những “người hùng” bảo tồn loài hoang dã thập niên đa dạng sinh học 2010-2020 đã dần lộ diện. Hàng nghìn loài động vật, thực vật được gọi tên Suốt 1 thập kỷ từ 2010 - 2020, Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về kinh tế, xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Mặc dù hoạt động trong thầm lặng nhưng những nhà khoa học và các tổ chức bảo tồn đã cùng góp phần tạo nên một thập kỷ đa dạng sinh học rực rỡ với hàng loạt những nghiên cứu, phát hiện loài mới và sáng kiến, giải pháp bảo tồn hiệu quả. Sau khi phát động, chương trình đã nhận được nhiều hồ sơ từ các cá nhân, tổ chức làm việc trong lĩnh vực bảo tồn loài. Nhiều loài động vật, thực vật được nghiên cứu, phát hiện lần đầu cho khoa học và công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục ISI. Bọ cạp Vietbocap quinquemilia được phát hiện năm 2018 Trong hàng nghìn loài động vật, thực vật được phát hiện và được quốc tế công nhận, có nhiều loài côn trùng, bò sát, lưỡng cư… được xếp loại cực kỳ nguy cấp, cần được ưu tiên bảo tồn. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã tìm ra các loài đặc hữu chỉ có tại Việt Nam. Có thể kể đến một số loài như bọ cạp Euscorpiopsis cavernicola (Động Hua Mạ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) và Vietbocap thienduongensis (Động Thiên đường, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình). Ngoài ra, những loài cây quý như Mộc Hương (Aristolochia), chi Arachniodes,... cũng được nghiên cứu về mối quan hệ phát sinh loài và tiến hóa nhằm phục vụ ứng dụng thực tiễn. Thông qua các nghiên cứu, nhiều loài thực vật có giá trị trong y học, sản xuất được định danh và có phương án bảo tồn hợp lý. Loài Arachniodes daklakensis, phát hiện năm 2018 Nhiều mốc son trên hành trình bảo tồn Song hành với nghiên cứu phát hiện loài, chương trình cũng ghi nhận nhiều sáng kiến, giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả những nỗ lực của các cấp, các ngành và cả xã hội trong công tác bảo tồn loài. Đầu tiên phải kể đến nỗ lực sinh sản, nhân nuôi bảo tồn thành công loài gà lôi lam mào trắng - một loài chim đặc hữu quý hiếm của Việt Nam. Ngoài ra, việc ghép đôi sinh sản chim cao cát bụng trắng cũng đã thành công, phục vụ công tác giáo dục môi trường và bảo tồn loài này trong tương lai. Gấu được chăm sóc chu đáo tại các trung tâm cứu hộ Bên cạnh giải pháp nhân nuôi bảo tồn loài nguy cấp, các sáng kiến khác tập trung vào cứu hộ loài động vật hoang dã. Trong đó, có cả các nhóm tình nguyện đã cứu hộ được cả 100 cá thể rùa biển, trong đó 94 con sống được tái thả về biển hay quy trình cứu hộ gấu, nuôi gấu trong môi trường bán hoang dã cũng như những giải pháp tăng cường sức khỏe cho gấu nuôi. Đặc biệt, chương trình đã nhận được câu chuyện từ một người từng là thợ săn nhưng nay lại dẫn dắt nhóm tự nguyện bảo tồn voọc gáy trắng tại Tuyên Hóa, Quảng Bình. Nhóm đã góp phần ngăn cản tác động của chương trình khai thác đá, bảo vệ được môi trường sống cho voọc. Nhờ đó, năm 2018 UBND Quảng Bình đã qui hoạch một phần khu rừng thành rừng đặc dụng để cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và khai thác. Tiếp nối thành công, đến nay, nhóm vẫn miệt mài tuyên truyền cho người dân về bảo tồn voọc cũng như hỗ trợ các đoàn nghiên cứu khi đến khu vực này. Voọc gáy trắng quý hiếm tại Quảng Bình Trong khi đó, có đơn vị lại ghi dấu ấn với sáng kiến dùng bẫy ảnh để điều tra các loài hoang dã tại một số vùng trọng điểm hay ứng dụng các công nghệ trong việc theo dõi, tái thả động vật hoang dã. Vẫn còn rất nhiều câu chuyện khác về những nỗ lực, sáng kiến nhằm giữ gìn những món quà tạo hóa ban tặng cho Việt Nam. Một buổi tập huấn về công tác bảo tồn đa dạng sinh học Ngày 28 tháng 4 vừa qua, Hội đồng xét chọn chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài giai đoạn 2010 - 2020 đã họp đánh giá hồ sơ, tiến hành chọn ra những hồ sơ xuất sắc nhất để đề xuất vinh danh trong sự kiện sắp tới. Hội đồng xét chọn bao gồm các nhà quản lý thuộc Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn loài như GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng đa dạng sinh học của ASEAN. Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cuộc họp Trong quá trình làm việc, hội đồng xét chọn nhận thấy hầu hết các hồ sơ gửi về đều tuân thủ thể lệ, thậm chí còn vượt qua mong đợi khi được chuẩn bị công phu, cho thấy sự tâm huyết đối với chương trình. Các hồ sơ đều được đánh giá trên cơ sở tiêu chí xét chọn tại thể lệ đã ban hành. Mỗi hồ sơ đều được lấy ý kiến tất cả chuyên gia trong hội đồng, đảm bảo sự minh bạch, công bằng. Kết quả làm việc của Hội đồng xét chọn sẽ được trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho ý kiến và quyết định. Dự kiến, Lễ vinh danh các cá nhân, tổ chức tham gia Chương trình sẽ được tổ chức vào ngày 21/5/2021 nhằm hưởng ứng ngày Đa dạng sinh học Quốc tế 22/5. Những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc nhất sẽ được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng hiện vật, tiền thưởng theo quy định. Hy vọng rằng, với tinh thần đam mê nghiên cứu và cống hiến hết mình cho công tác bảo tồn loài, các cá nhân, tổ chức sẽ tiếp tục tạo nên những thập kỷ huy hoàng hơn nữa cho đa dạng sinh học Việt Nam. Lan Anh          

Toàn ngành BHXH quyết liệt đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia

TĐKT - Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai kịp thời nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo tốt nhất quyền lợi BHXH, BHYT cho người tham gia. Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong toàn hệ thống Nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 1098/BHXH-VP, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau: Quán triệt và triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch các cấp, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương về phòng, chống dịch bệnh; tăng cường cảnh giác hơn nữa với nguy cơ dịch bệnh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Chi trả lương hưu tháng 5, 6/2021 vào cùng một kỳ Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các bộ phận có công chức, viên chức, người lao động thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với các tổ chức, cá nhân. Hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trường hợp phát sinh ca lây nhiễm dịch bệnh hoặc nguy cơ lây nhiễm trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị, phải tập trung áp dụng ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, ứng phó với dịch bệnh theo quy định. Đồng thời, chủ động bố trí linh hoạt công chức, viên chức, người lao động làm việc phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia. Công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành nâng cao nhận thức, ý thức hơn nữa về phòng, chống dịch bệnh; hạn chế tham gia các hoạt động đông người; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Trường hợp nào đã đi, đến, trở về từ khu vực có dịch bệnh hoặc có triệu chứng, nguy cơ bị lây nhiễm phải tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế và các biện pháp cách ly; và thông tin ngay đến Thủ trưởng đơn vị để kịp thời có biện pháp xử lý, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị. Đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT Để thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, đặc biệt là thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế, không để dịch lây lan trong cộng đồng, tại Công văn số 1126/BHXH-CSYT ngày 29/4/2021 gửi BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân về việc phối hợp tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp, thống nhất với các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT thực hiện nghiêm Công điện số 97/CĐ-BYT ngày 29/01/2021 của Bộ Y tế và hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại Công văn số 310/BHXH/CSYT ngày 4/02/2021 và Công văn số 346/BHXH-CSYT ngày 8/02/2021. Đồng thời, lưu ý 3 nội dung: Thứ nhất, tổ chức việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối đa 3 tháng). Thứ hai, xét nghiệm SARS-CovV-2 đối với người bệnh theo hướng dẫn tại Công văn số 5268/BYT-KCB ngày 1/10/2020 của Bộ Y tế để phát hiện sớm và ngăn ngừa cách ly triệt để. Thứ ba, hướng dẫn việc chuyển tuyến, hẹn tái khám phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, đảm bảo thuận lợi cho người bệnh BHYT và an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Trước đó, Công văn số 310/BHXH/CSYT ngày 4/02/2021 của BHXH Việt Nam đã đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố nghiên cứu, phối hợp với các cơ sở KCB BHYT tổ chức thực hiện, đồng thời thực hiện chi phí KCB BHYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế vừa đảm bảo công tác KCB BHYT cho người dân, vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở KCB BHYT. Cùng với đó, Công văn số 346/BHXH-CSYT ngày 8/02/2021 đã hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố liên quan đến thanh toán xét nghiệm Covid-19 theo chế độ BHYT. Theo đó, đối với chi phí xét nghiệm Covid-19, BHXH các tỉnh thanh toán theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại Công văn số 2731/BHXH-CSYT ngày 27/8/2020. Trường hợp người bệnh đang điều trị nội trú tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và các khoa, phòng điều trị nội trú khác của cơ sở KCB được chỉ định xét nghiệm Covid-19 theo hướng dẫn tại Khoản 5 Công điện số 97/CĐ-BYT, thì BHXH tỉnh thực hiện thanh toán theo hướng dẫn tại Khoản 2 Công văn số 2731/BHXH-CSYT. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, bên cạnh việc kịp thời thực hiện các biện pháp đảm bảo quyền lợi KCB cho người tham gia BHYT, ngay trong ngày 29/4, BHXH Việt Nam cũng đã kịp thời ban hành Công văn số 1135/BHXH-TCKT gửi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố về việc thực hiện chi trả gộp lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5,6/2021 vào cùng một kỳ chi trả của tháng 5 cho người hưởng (xong trước ngày 20/5/2021). Hiện nay, cả nước có khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH thường xuyên và hơn 200.000 người hưởng trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp/tháng. Nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người hưởng chế độ BHXH, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với bưu điện tỉnh xây dựng phương án chi trả tháng 5, 6/2021 vào cùng một kỳ chi trả phù hợp với từng địa bàn, tránh tập trung đông người đảm bảo an toàn cho người hưởng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thông báo cho người hưởng biết các nội dung thay đổi về phương thức chi trả, thời gian chi trả, địa điểm chi trả để thực hiện. Tại các điểm chi trả, chuẩn bị sẵn sàng khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí; yêu cầu nhân viên chi trả, người hưởng phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, đặc biệt phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định. Đồng thời, vận động khuyến khích người hưởng nhận chế độ BHXH, BHTN qua tài khoản cá nhân, giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và tự đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Hàng loạt các giải pháp linh hoạt, kịp thời nêu trên của BHXH Việt Nam, trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp đã cho thấy quyết tâm chính trị của toàn ngành trong công tác chung tay cùng các cấp, các ngành phòng, chống dịch Covid-19, chủ động đưa ra các giải pháp nhằm đảo bảo tốt hơn nữa quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT. Hồng Thiết      

35 chuyên gia y tế Việt Nam sang hỗ trợ nước bạn Lào phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Chiều 3/5, GS. TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cùng PGS. TS Nguyễn Trường Sơn đã gặp mặt và giao nhiệm vụ cho 35 y bác sĩ, chuyên gia của Việt Nam được cử sang Lào làm nhiệm vụ hỗ trợ nước bạn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ Lào về xét nghiệm, điều trị, xây dựng bệnh viện dã chiến. Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS. TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, tinh thần của chuyến đi công tác lần này là các y, bác sĩ được cử sang Lào vừa hướng dẫn vừa triển khai các công việc cụ thể cho bạn về phòng, chống dịch. GS. TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi gặp mặt Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong công tác phòng, chống dịch, hiện Lào đang cần hỗ trợ về điều trị - thành lập đơn vị hồi sức tích cực, xét nghiệm và triển khai bệnh viện dã chiến. “Việt Nam đã có những bài học quý báu trong phòng, chống dịch như truy vết, cách ly, cách ly tập trung, cách ly tại nhà, phong tỏa, giãn cách xã hội. Về điều trị, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, do đó các y bác sĩ thuộc nhóm điều trị cần trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân cho bạn. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong thiết lập nhanh chóng các đơn vị hồi sưc tích cực song song với triển khai các bệnh viện dã chiến như ở Đà Nẵng; Hải Dương… Do đó, các cán bộ của đoàn công tác cũng chia sẻ, giúp bạn về những nội dung này” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. Về xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, nước bạn Lào có nhu cầu thiết lập hệ thống xét nghiệm, quản lý xét nghiệm hoặc xét nghiệm trên diện rộng, trước mắt Việt Nam hỗ trợ máy thở, khẩu trang và một số trang thiết bị khác. Do đó, các chuyên gia về lĩnh vực này cần chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nâng công suất xét nghiệm với Lào. Về quản lý chất thải, quản lý môi trường trong phòng, chống dịch, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, do đó các chuyên gia về lĩnh vực này cần hướng dẫn cho bạn. Đồng thời, đoàn công tác cũng phải hướng dẫn cho các bạn Lào sử dụng các thiết bị y tế trong điều trị, khám chữa bệnh… “Các cán bộ được cử sang nước bạn Lào cần hỗ trợ bạn trên tinh thần giúp bạn như giúp mình. Nếu chúng ta giúp Lào kiểm soát tốt dịch cũng là hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Lào.”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu. Buổi gặp mặt các y bác sĩ, chuyên gia của Việt Nam được cử sang Lào làm nhiệm vụ Lãnh đạo ngành y cũng lưu ý, khi đoàn công tác của Việt Nam đến hỗ trợ mỗi điểm của nước bạn Lào, cần đề nghị các điểm này kết nối với hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Việt Nam. Ở đây có các chuyên gia của Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa trong công tác phòng, chống dịch. Hành trang mang theo chuyến đi là hướng dẫn chuyên môn, kinh nghiệm chống dịch… Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo đề xuất của Lào sẽ có 2 địa điểm là Savanakhet và Viêng Chăn cần có sự hỗ trợ của các y, bác sĩ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây cũng là lần đầu tiên một đoàn nhân viên y tế Việt Nam lớn như vậy sang nước bạn, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai công việc. Các Vụ/Cục của Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trực tuyến cho các y, bác sĩ, chuyên gia Việt Nam tại Lào. Các cán bộ, chuyên gia được cử sang Lào dịp này sẵn sàng bắt tay ngay vào việc khi đến nước bạn. Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị các Vụ/Cục chức năng của Bộ Y tế theo lĩnh vực được phân công chuẩn bị tài liệu chuyển cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia sang Lào… Cục Quản lý khám chữa bệnh cử 1 lãnh đạo cục liên hệ công tác điều trị, chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến cho bạn. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân công PGS. TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đoàn cán bộ, chuyên gia của ngành y tế Việt Nam sang hỗ trợ nước bạn Lào phòng, chống dịch COVID-19 và bàn giao vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Đoàn lên đường sang nước bạn Lào vào ngày 4/5. Đoàn cán bộ, chuyên gia y tế sang Lào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch gồm 35 người do TS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm trưởng đoàn, BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm phó trưởng đoàn. La Giang        

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2021

TĐKT - Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vừa ban hành Kế hoạch số 1029/KH-BTĐKT ngày 29/4/2021 về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2021. Kế hoạch được ban hành nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát ma túy; tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, Chính phủ về Chương trình, Kế hoạch, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm. Từ đó, đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; phát huy vai trò nòng cốt của các vụ, đơn vị thuộc Ban, vai trò tích cực của công chức, viên chức, người lao động trong việc tham gia phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương xử lý 100% các tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến công chức, viên chức, người lao động của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Để triển khai kế hoạch, Ban đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Một là, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong Nghị quyết 96/2019/QH14 của Quốc hội; Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát ma túy. Xác định công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài. Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tội phạm. Xử lý kịp thời, nghiêm minh công chức, viên chức, người lao động, thuộc Ban vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm. Các vụ, đơn vị thuộc Ban tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 7/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật”. Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm. Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tội phạm. Bốn là, các vụ, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động thuộc Ban chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm. Năm là, tăng cường kiểm tra, quản lý công chức, viên chức, người lao động; phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn nơi có trụ sở của Ban để kịp thời phát hiện những vấn đề có liên quan đến tội phạm, thông báo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Sáu là, kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm, xem xét kỷ luật nghiêm đối với công chức, viên chức, người lao động của Ban liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật. Phương Thanh

Công tác truyền thông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT

TĐKT - Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đảng, Chính phủ giao, những năm qua, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, là phương tiện giúp đưa các chính sách an sinh xã hội thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh vai trò định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, bồi đắp niềm tin của người dân trong việc thực thi chính sách BHXH, BHYT, truyền thông cũng góp phần quan trọng giúp phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách. Chính vì vậy, truyền thông BHXH, BHYT luôn đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2021 Trong năm 2020, toàn ngành đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến hết quý I/2021, số người tham gia BHXH là gần 16 triệu người, đạt 32,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có gần 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt giảm 1,05% và 2,17% so với hết năm 2020); BHTN gần 13,2 triệu người, đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm 1,15% so với hết năm 2020; BHYT gần 87 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,9% dân số, giảm 1,24% so với hết năm 2020. Để đạt được những kết quả trên, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng. Năm 2020, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành, sự phối hợp tích cực của các ngành, các cấp ủy chính quyền địa phương, sự nỗ lực của BHXH các tỉnh, thành phố, cùng vai trò tham mưu chủ động, kịp thời của Trung tâm Truyền thông, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của ngành đã được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất, kịp thời từ Trung ương đến địa phương. Bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH và Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, nội dung, hình thức tuyên truyền về BHXH, BHYT ngày càng đa dạng, phong phú, từng bước được đổi mới phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền, từng giai đoạn phát triển của ngành và từng thời kỳ phát triển của đất nước. Các thông tin được thực hiện đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm theo sát các vấn đề được dư luận và nhân dân quan tâm tại từng thời kỳ và theo chủ đề, chủ điểm truyền thông của ngành đặt ra. Ở trung ương, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức trên 120 hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm, đối thoại, tư vấn... để truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trực tiếp tới 24.000 lượt người tham dự; phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thực hiện được gần 16.000 tin, bài, phóng sự, toạ đàm, chuyên trang, chuyên mục, chương trình,... phản ánh về công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các hoạt động của ngành. Tại địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với các sở ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức trên 26.000 hội nghị tập huấn, tư vấn, đối thoại,... tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN cho khoảng trên 1,4 triệu lượt người tham gia; tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí tại địa phương thực hiện trên 100.000 tin, bài, phóng sự, các cuộc phỏng vấn, các phim tài liệu, chuyên mục, chuyên đề, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, đối thoại tư vấn trực tiếp, show truyền hình về BHXH, BHYT. Sang năm 2021, công tác truyền thông cũng đã được triển khai một cách tích cực, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt công tác truyền thông về ứng dụng VssID- BHXH số đã được cơ quan BHXH các cấp triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng. Theo đó, nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của truyền thông, tính đến ngày 25/4/2021, đã có gần 850 tin, bài, phóng sự, chuyên mục, tọa đàm truyền thông về ứng dụng; qua đó đã có gần 4,5 triệu lượt tải, cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng, với trên 3,72 triệu hồ sơ hợp lệ được duyệt, đạt 14,665 % so với tổng chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch số 818/KH-BHXH của BHXH Việt Nam (mục tiêu đến ngày 31/12/2021 có 25.358.667 người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID). Kết quả công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin cho người dân trong việc thực thi chính sách, pháp luật, từ đó tích cực tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp vào các nhóm đối tượng tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (tăng cường các hình thức tuyên truyền tại cơ sở đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động).... Đồng thời, quyết liệt triển khai, vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tham gia. Hồng Thiết

Đảng ủy Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 384 cán bộ, giáo viên, sinh viên

TĐKT - Thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Đảng ủy năm 2021, từ ngày 23 - 26/4/2021, Đảng ủy Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức lớp “Bồi dưỡng nhận thức về Đảng” cho 384 quần chúng ưu tú là cán bộ, giảng viên và sinh viên của nhà trường. Toàn cảnh lớp học bồi dưỡng nhận thức về Đảng 2021. Phát biểu khai mạc lớp học, đồng Nguyễn Đăng Tân, Phó Bí thư Đảng ủy trường nhấn mạnh, trong thời gian qua, Ban Giám hiệu, Đảng ủy Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi dưỡng và phát triển Đảng. Việc tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác phát triển đảng nói riêng ở Đảng bộ trường, nhằm tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng, xây dựng lực lượng kế thừa có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị của trường. Đồng chí cũng đề nghị các học viên học tập, rèn luyện tốt, kiên định con đường phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhận thức được đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm, nghĩa vụ, vị trí, vai trò của mình để trở thành đảng viên. Tại lớp bồi dưỡng, các quần chúng ưu tú được học tập, nghiên cứu 5 chuyên đề chính: Khái quát lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Cương lĩnh xây dựng đất nước; Nội dung cơ bản của Điều lệ Đảng; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; Phấn đấu trở thành Đảng viên và Những yêu cầu cần thiết cho người vào Đảng và cần phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng gia nhập vào hàng ngũ của Đảng. Trên cơ sở đó, bản thân mỗi học viên sẽ được trang bị những lý luận cơ bản về xây dựng Đảng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt cũng như xác định phương hướng phấn đấu để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đăng Tân - Phó Bí thư Đảng ủy trường phát biểu khai mạc lớp học. Trong gần 25 năm, Đảng bộ Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội luôn là một trong những đơn vị đứng đầu trong khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội về việc bồi dưỡng phát triển Đảng. Đạt được thành tích đó, Đảng bộ nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Hội đồng quản trị và đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng vươn lên của từng đảng viên.    Đảng ủy trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà NỘi cùng 395 quần chúng ưu tú dâng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Thời gian tổ chức lớp học lần này gắn liền với không khí toàn trường đang thực hiện phong trào thi đua lập thành tích hướng tới chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường (1996 - 2021). Vì vậy, việc học tập và xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện nhiệm vụ cần phải được mỗi cá nhân thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả và đạt thành tích cao nhất.” – Đồng chí Nguyễn Đăng Tân nhấn mạnh. Thực hiện kế hoạch của lớp học, ngày 25/4, Đảng ủy Nhà trường tổ chức thăm quan, học tập thực tế tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh cho 384 quần chúng ưu tú, giúp mỗi cá nhân trau dồi thêm nhiều kiến thức về quá trình học tập, làm việc theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Quỳnh

Cần gấp rút thiết lập bệnh viện dã chiến vùng tại Cần Thơ

TĐKT - Việc thiết lập bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ với quy mô 800 giường không chỉ phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP Cần Thơ mà còn cho các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ để sẵn sàng đối phó với tình huống dịch có các ca bệnh nặng. Cần triển khai ngay bệnh viện này, trên tinh thần càng nhanh càng tốt với quy mô tăng dần… Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác Bộ Y tế làm việc Bệnh viện dã chiến – Tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vấn đề trọng tâm và quan ngại hiện nay đối với khu vực Tây Nam Bộ, trong đó có TP Cần Thơ là nếu xuất hiện ca bệnh lây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các địa phương sẽ phản ứng lúng túng hơn trong cách ly, điều trị, bởi lâu nay các ca bệnh ở khu vực này chủ yếu là ca nhập cảnh được phát hiện trong các khu cách ly. Bộ trưởng hoan nghênh các cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ và BVĐK TP Cần Thơ cùng phối hợp để thiết lập bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ với quy mô 800 giường bệnh. Theo đó, việc thành lập bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ không chỉ phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP Cần Thơ, mà còn để điều trị các ca bệnh nặng của cả khu vực. Trước tình hình đó, Bộ cũng yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh, BV Chợ Rẫy phối hợp với BVĐK Trung ương Cần Thơ triển khai ngay việc thiết lập BV dã chiến vùng tại TP Cần Thơ trên tinh thần càng nhanh càng tốt với quy mô tăng dần để chúng ta sẵn sàng ứng phó với tình huống có dịch. Lúc đó sẽ không phải chuyển bệnh nhân nặng lên BV Chợ Rẫy điều trị. Đồng thời giao bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp ngay với các địa phương như An Giang, Đồng Tháp… trao đổi và hỗ trợ về kỹ thuật trong việc thiết lập các BV dã chiến tại địa phương này. Đề nghị chính quyền TP Cần Thơ quan tâm đến việc xây dựng BV dã chiến. Bộ Y tế tặng ngành Y tế Cần Thơ 2 máy thở cao cấp Bennet 640; 61 máy thở VFS410; 20 máy thở Eliciae MV20; 300.000 khẩu trang y tế; 2.000 khẩu trang và 3.000 quần áo chống dịch Phải có đơn vị hồi sức tích cực Việc thiết lập phòng hồi sức tích cực (ICU) trong bệnh viện dã chiến vùng là cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu BV Chợ Rẫy phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập phòng ICU này, có tính toán đến khả năng mở rộng. Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Đây là chỉ đạo hết sức quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Y tế với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn khu vực Tây Nam Bộ. Bộ Y tế đã chỉ đạo BV Chợ Rẫy xây dựng BV dã chiến tại Hà Tiên - Kiên Giang. Hiện nay BV này sắp đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, với đặc thù của khu vực có nguy cơ cao, BV dã chiến vùng tại TP Cần Thơ sẽ là tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 cao nhất, phải xử lý được các ca bệnh nặng, nguy cấp và thực hiện công tác chỉ đạo điều trị cho các địa phương khác. BV dã chiến vùng này sẽ là “cánh tay nối dài” của Bộ Y tế, của BV Chợ Rẫy trong điều trị. Nhiệm vụ số 1 của BV dã chiến vùng là thiết lập khoa cấp cứu có khả năng sử dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), cũng như các kỹ thuật cấp cứu về tim mạch, hô hấp và truyền nhiễm và phối hợp với các chuyên khoa cận lâm sàng khác để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4 Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước. Theo đó, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam bộ rất lớn cộng thêm dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 - 1/5 sắp tới, nhưng hiện có một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc phòng chống lây nhiễm COVID-19, không tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt không đeo khẩu trang, khử khuẩn. Nếu để xảy ra dịch tại khu vực này sẽ ảnh hưởng mọi mặt từ an sinh xã hội đến phát triển kinh tế. TP Cần Thơ đã triển khai đầy đủ các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế. Mặc dù thời gian qua đã liên tục tiếp nhận cách ly nhiều chuyến bay và có ca bệnh nhập cảnh, nhưng Cần Thơ đã làm tốt công tác cách ly, không để ca bệnh lây lan ra ngoài. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ lưu ý thực hiện đúng, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không lơ là mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, thực hiện yêu cầu “5K”, thực hiện khai báo y tế tự nguyện… Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Cần Thơ rà soát lại tất cả các kịch bản phòng, chống dịch. Cần tiến hành khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng nhưng phong tỏa trên diện hẹp. Để làm được điều này thì năng lực chuyên môn và hậu cần phải chuẩn bị sẵn. Cần Thơ phải xác định không chỉ làm tốt chống dịch ở địa phương mình, mà còn phải hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực. Thứ hai, tập trung nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm. Dịch COVID-19 lây nhiễm thầm lặng, khi phát hiện thì đã lan rộng. Do đó, càng phát hiện sớm, càng cách ly khoanh vùng sớm, càng giảm thiểu được thiệt hại của dịch bệnh với kinh tế - xã hội. Cần giám sát, sàng lọc, xét nghiệm và phát hiện sớm ca bệnh nghi nghờ tại các khu vực trọng yếu của các cơ sở y tế, vì ca bệnh hay được phát hiện ở bệnh viện. Thứ ba, phải chuẩn bị kịch bản về cơ sở cách ly. Bài học đắt giá trong phòng, chống dịch là nếu chúng ta cách ly cùng 1 thời điểm nhiều người, trong 1 khu vực thì nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly là không tránh khỏi. Chuẩn bị cách ly tập trung từ tuyến phường, xã nhưng phải đảm bảo đúng quy định. Phải hành động nhanh, quyết liệt và kiểm soát tốt tình hình dịch tại địa phương để kiểm soát tốt lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Cần Thơ và các địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 và coi như đang có dịch; đồng thời coi công tác phòng, chống dịch COVID-19 là một nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm kiểm soát và khống chế nếu dịch xảy ra. Hồng Thiết  

Chuỗi Chương trình “Ngày hội Kết nối Xanh 2021

TĐKT - Chương trình “Ngày hội Kết nối Xanh 2021” với chủ đề Vòng tuần hoàn của Nhựa là sự kiện tổng kết chuỗi dự án Plastic Action Network (PAN) cùng với quỹ Coca-Cola toàn cầu đã diễn ra vào ngày 24 - 25/04/2021 tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Dự án Clean Up 2021 hành động vì một Hạ Long xanh Từ tháng 8/2018, dự án Plastic Action Network (PAN) do quỹ Coca-Cola toàn cầu tài trợ được thành lập với mục đích “Nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub đã kết nối các bên liên quan cùng thực hiện 3R (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế), hình thành lối sống thân thiện với môi trường trên nền tảng khoa học, lợi ích xã hội, và bền vững tại thành phố Hạ Long, và Vịnh Hạ Long, hướng tới nhân rộng áp dụng trên cấp quốc gia. Trong hơn 2 năm hoạt động dự án, GreenHub đã đạt được một số thành tựu như sau: 2,481,548 triệu chai nhựa được thu gom; tương đương với 36,986 kg; 167,7 triệu đồng thu được từ việc bán chai nhựa và kinh doanh các sản phẩm tái chế; 4000 kg nhựa được tái chế, tái sử dụng. Ngoài ra, dự án PAN còn hướng đến thế hệ tương lai qua các sự kiện, chương trình: Cuộc thi Hùng biện Green Talk 2019; 17 sự kiện, hội thảo cho thanh niên được tổ chức; 4 Câu lạc bộ được tổ chức và thúc đẩy hành động; 3 sự kiện thanh niên được tài trợ thực hiện. Đội Bộ Tứ Xanh đạt giải Nhất cuộc thi GreenTalk 2021 Trong khuôn khổ Ngày hội Kết nối Xanh, dự án Clean Up 2021 đã được tổ chức vào ngày 22 tháng 4 với mục đích “Hành động vì một Hạ Long Xanh - hướng đến một Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa.” Chương trình “Ngày hội Kết nối Xanh 2021” diễn ra tại Sun World Hạ Long Complex, thành phố Hạ Long chính là điểm nhấn để tổng kết lại hành trình mà dự án đã thực hiện cũng như hướng tới việc nâng cao nhận thức của người dân Quảng Ninh về môi trường và rác thải nhựa; tạo không gian kết nối, giới thiệu giới thiệu các sản phẩm xanh đặc biệt là công nghệ tái chế, mô hình và ý tưởng tái chế - tái sử dụng rác thải nhựa đến người dân Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; truyền cảm hứng sống xanh, lối sống giảm rác thải nhựa và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; khuyến khích cộng đồng chung tay giữ thành phố Hạ Long sạch và xanh. Chương trình “Ngày hội Kết nối Xanh 2021” tạo nên một không gian kết nối, nâng cao nhận thức về môi trường cũng như truyền tải ý tưởng, thông điệp sống xanh thông qua các công trình nghệ thuật từ rác nhựa, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về rác nhựa Rung Chuông Xanh, cuộc thi hùng biện về môi trường GreenTalk mùa 2 cùng các hoạt động thú vị khác đan xen. Nghệ thuật từ nhựa, mang đậm nét riêng của Hạ Long Ngoài ra, đây còn là một địa điểm đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp, cá nhân giới thiệu các sản phẩm xanh, đặc biệt là công nghệ tái chế, mô hình và ý tưởng tái chế - tái sử dụng rác thải nhựa đến người dân Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Qua đây, Ngày hội Kết nối Xanh là nơi để khuyến khích cộng đồng hướng đến sống xanh, giảm thiểu rác thải nhựa và chung tay gìn giữ thành phố Hạ Long sạch và xanh. Phương Linh  

"Hành trình SV - OK" - nâng cao kiến thức sức khỏe sinh sản cho sinh viên

TĐKT - Ngày 24/4, tại Trường Đại học Y khoa Vinh (tỉnh Nghệ An), Tạp chí Thanh niên phối hợp với Tổ chức DKT tại Việt Nam, Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức Chương trình truyền thông sức khỏe sinh sản cho sinh viên với chủ đề "Hành trình SV - OK". Nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích đã diễn ra trong chương trình như: Tổ chức cuộc thi sân khấu hóa mang thông điệp tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực trong sinh viên góp phần giảm tỷ lệ nạo phá thai và các bệnh lây truyền về tình dục và ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, giới thiệu sản phẩm bao cao su, thuốc phòng, chống nạo phá thai và cách sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai an toàn trong việc phòng, chống nạo phá thai và các bệnh truyền nhiễm qua đường quan hệ tình dục. Ban tổ chức cũng tặng 500 chiếc áo cho sinh viên tham dự chương trình; phát bao cao su và thuốc tránh thai miễn phí cho sinh viên và người dân khu vực địa điểm diễn ra tổ chức. Ngoài ra, dịp này, các chuyên gia về sức khỏe sinh sản đã có những trao đổi và tư vấn cho sinh viên về tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai hiện đại... Trao giải cho các đội thi sân khấu hóa tìm hiểu về sức khỏe sinh sản Theo thống kê ở Việt Nam hiện nay có hơn 2 triệu sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Giới trẻ hiện nay đang ngày càng có suy nghĩ và quan niệm cởi mở hơn trong tình yêu và tình dục. Nhiều người trẻ có quan niệm tình yêu đi liền với tình dục, sẵn sàng trao thân và chấp nhận “giải quyết” khi để lại “hậu quả” ngoài ý muốn. Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20 - 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 - 70% là sinh viên, học sinh. Hoạt động tặng bao cao su và thuốc tránh thai cho sinh viên tham gia chương trình Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh niên – thanhnienviet.vn, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết: Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của thanh niên về sức khỏe sinh sản, phòng, chống HIV/AID, nạo phá thai cần có kế hoạch hành động cụ thể với sự chung tay của nhiều ban, ngành, tổ chức xã hội bởi thách thức lớn nhất trong việc hạn chế tình trạng này là nhận thức, quan niệm của cộng đồng. Chúng ta cần có cách nhìn thực tế về lối sống của giới trẻ và xu thế phát triển của họ để có chương trình cụ thể nhằm tăng cường nhận thức về tình dục an toàn và ngừa thai hợp lý, tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, đại diện Tổ chức DKT International tại Việt Nam chia sẻ: “DKT International đã có mặt tại Việt Nam trong suốt 28 năm qua, chúng tôi đã và đang có những hoạt động hỗ trợ hết sức ý nghĩa đối với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và đặc biệt là các hoạt động nhằm giảm tỉ lệ giảm phá thai lứa tuổi vị thành niên, thanh niên tại Việt Nam. Tổ chức DKT International tại Việt Nam đã tổ chức, đồng hành với các hoạt động tương tự tại một số tỉnh thành phố lớn trên cả nước như Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Sơn La… Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục sứ mệnh của DKT International, được đồng hành cùng các bạn sinh viên trong việc nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản; cung cấp các giải pháp phòng tránh thai và các bệnh lây qua đường tình dục an toàn và hiệu quả. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của các bạn, đúng như thông điệp của chương trình “SV – OK”. Hưng Vũ

Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19, Thủ tướng ra công điện tăng cường phòng, chống

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở một số nước láng giềng. Trong nước, nguy cơ dịch bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới. Nội dung công điện như sau: Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều nước. Đặc biệt ở một số nước láng giềng có chung đường biên giới với nước ta, dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên diện rộng. Trong nước, tuy đã được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép; đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vắc xin phòng bệnh. Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: 1- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên phạm vi quản lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; báo cáo cấp ủy cùng cấp để thống nhất chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn, chủ động tham mưu, đề xuất các vấn đề liên ngành, vượt thẩm quyền; đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các biện pháp: a) Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch. c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe...; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch. d) Chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch. đ) Trường hợp phát hiện ca bệnh, phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải theo phương châm thiết thực, hiệu quả; bảo đảm an toàn nhưng không để sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ở quy mô quá mức cần thiết; hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. e) Tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định. 3- Bộ Y tế: a) Rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch ở quy mô quốc gia, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh. b) Rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình mới, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn trong các sự kiện, hoạt động có tập trung đông người, tại các cơ sở thường xuyên tập trung đông người. c) Khẩn trương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; phân bổ và tổ chức tiêm vắc xin phù hợp với tình hình diễn biến dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để vắc xin bị quá hạn. Tiếp tục chủ động tiếp cận với các nguồn vắc xin khác trên thế giới đồng thời tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. d) Tăng cường tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. 4- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới. Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam. 5- Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, cách ly, theo dõi y tế sau cách ly, đồng thời chuẩn bị các yếu tố cần thiết sẵn sàng mở rộng đối tượng nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh trên tinh thần phát triển nhưng phải bảo đảm an toàn. Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở cách ly người nhập cảnh, phòng ngừa lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. 6- Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về đề cao cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định./. Theo chinhphu.vn

Trang