Chính trị - Xã hội

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Campuchia trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Nhằm cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống COVID-19 với mong muốn hợp tác, hỗ trợ Campuchia cùng thực hiện hiệu quả, đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh, ngày 22/4, GS. TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với ngài Mam Buncheng – Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đánh giá cao nỗ lực, giải pháp chống dịch của Campuchia. Họp trực tuyến tại đầu cầu Bộ Y tế (Việt Nam) Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, một trong những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống dịch là huy động toàn bộ hệ thống chính trị và người dân tham gia phòng, chống dịch. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ phía nước bạn trong công tác phòng, chống dịch. Một trong những kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác điều trị là tất cả các cơ sở tham gia điều trị đều được kết nối với nhau để có thể trao đổi, thảo luận và hội chẩn các ca bệnh khó. Hội chẩn từ xa, là bài học đã rất hiệu quả, thành công đối với Việt Nam trong đợt dịch lần 1 và lần 2. Trong đợt dịch thứ 3 này, mặc dù có nhiều ca bệnh nặng, nhưng Việt Nam đã điều trị thành công, không có trường hợp nào tử vong. Nếu ngài Bộ trưởng Campuchia đồng ý, cơ sở điều trị của Campuchia sẽ được kết nối với Việt Nam và Việt Nam sẽ cử bác sĩ, chuyên gia trao đổi cùng bác sĩ điều trị của Campuchia làm sao để việc điều trị hiệu quả nhất. Việt Nam cũng sẵn sàng cử các chuyên gia, bác sĩ sang hỗ trợ Campuchia nếu có yêu cầu từ nước bạn. Đầu cầu phía nước bạn Campuchia Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch là hết sức cấp bách và cần thiết với Campuchia hiện nay. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã huy động động nguồn lực của nhà nước và nhân dân quyết định hỗ trợ Campuchia 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95 và các trang thiết bị y tế khác. Nếu như Campuchia đồng ý, Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiến hành vận chuyển sang Campuchia sớm nhất, có thể vào thứ 7 này, hãng hàng không của Việt Nam sẽ vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất sang sân bay Phnom Penh của Campuchia. Đây là một trong những hỗ trợ lớn nhất của Việt Nam cho các nước phục vụ công tác phòng,chống dịch COVID-19 từ trước tới nay. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cũng mong ngài Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác chống dịch, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới với Việt Nam do hiện nay tình hình nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Phía Việt Nam cũng tăng cường đẩy mạnh phòng, chống dịch khu vục biên giới. Bộ trưởng cũng cảm ơn nước bạn Campuchia trong thời gian qua đã quan tâm, giúp đỡ người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia trong chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam mong muốn Campuchia nhanh chóng vượt qua những khó khăn và thách thức trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân Campuchia, trong đó có cả người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia. Phát biểu tại buổi làm việc, ngài Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia bày tỏ sự cảm ơn đến những quan tâm của Việt Nam đối với công tác phòng, chống dịch của Campuchia và cho biết sẽ có những trao đổi chính thức về tiếp nhận hỗ trợ của Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao. Hồng Thiết  

Giúp người dân Mường Lát tìm kiếm cơ hội việc làm, xóa đói giảm nghèo

TĐKT - Ngày 19/4/2021, tại Trung tâm Hội nghị huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển công nghệ Nhật Bản 24h – chi nhánh Thanh Hóa (JAPAN24H) đã tổ chức chương trình ra mắt chi nhánh thông qua Lễ tiễn bay cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Qua buổi lễ, người lao động và nhân dân trên địa bàn có thêm nhiều hiểu biết về các hoạt động của các doanh nghiệp và việc làm trong, ngoài nước. Dự chương trình có đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát, đại diện lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, các trưởng khu, thôn bản, đại diện ban giám hiệu các trường THPT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và người dân lao động trên địa bàn, trong đó bao gồm các học viên và phụ huynh học sinh đã từng tham gia học tập tại JAPAN24H. Ông Phạm Văn Toản – Giám đốc chi nhánh JAPAN24H Thanh Hóa phát biểu tại Lễ tiễn bay Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Phạm Văn Toản – Giám đốc JAPAN24H - chi nhánh Thanh Hóa đã thông báo các nội dung hoạt động của chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa được thực hiện theo Nghị định 196/2013/NĐ-CP Ngày 21/11/2013 và Nghị định 52/2014/NĐ-CP ngày 23/05/2014 của Chính phủ về hoạt động dịch vụ việc làm. Ngoài ra, trong thời gian tới, JAPAN24H tại Thanh Hóa sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh để thực hiện các hoạt động tư vấn du học theo hướng dẫn tại Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính chủ quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, Thông tư số 10/2014/TT-BGDĐT ngày 11/04/2014 Quy định về Quản lý công dân Việt Nam đi học tập ở nước ngoài; Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/04/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư trong hoạt động giáo dục và Nghị định 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 46/2017 quy định về đầu tư hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát phát biểu tại buổi lễ Ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát nhấn mạnh đây là lần đầu tiên có một doanh nghiệp tổ chức “Lễ tiễn bay” cho người lao động tại huyện, là nội dung thiết thực, ý nghĩa, gắn kết giữa doanh nghiệp sử dụng lao động, đơn vị dịch vụ việc làm và người lao động, tạo cơ hội để các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có thêm nhiều thông tin thiết thực nhằm tư vấn, định hướng cho người dân trong thời gian tới. Ông Mai Xuân Giang mong muốn doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền, định hướng nhiều hơn nữa, tạo cầu nối kết nối thêm nhiều doanh nghiệp đến với huyện để giúp cho người dân tại địa phương hiểu thêm về các chính sách lao động, việc làm, chương trình lao động trong và ngoài nước, các chương trình du học nước ngoài. Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Biên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển công nghệ Nhật Bản 24h đã khái quát về doanh nghiệp và chức năng hoạt động chính là hỗ trợ giáo dục, trong đó thực hiện chức năng đào tạo ngoại ngữ, tư vấn du học, dịch vụ việc làm. Ông Nguyễn Văn Biên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển công nghệ Nhật Bản 24h phát biểu tại buổi lễ Ông Biên cho biết: Với sứ mệnh kết nối cung cầu lao động, công ty luôn tìm kiếm những doanh nghiệp tốt, có uy tín để kết nối, hỗ trợ người lao động tiếp cận trực tiếp, nhằm tìm kiếm các công việc phù hợp với chế độ đãi ngộ cao, phù hợp với năng lực của người lao động. Hiện nay, công ty có mạng lưới chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm tiếp nhận hồ sơ rộng ở nhiều tỉnh thành và cơ sở trong và ngoài nước, đảm bảo sự kết nối thông suốt theo tiêu chí “24h” để hỗ trợ học viên của mình tốt nhất. Đại diện công ty trao quà lưu niệm cho người lao động dự Lễ tiễn bay Tại buổi lễ, đại diện công ty JAPAN24H đã trao quà lưu niệm để tri ân người lao động trong đợt tiễn bay. Nhân dịp này, công ty trao 10 suất học bổng du học hệ vừa học vừa làm tại Đài Loan cho 10 học sinh khối lớp 12 trường THPT huyện Mường Lát để giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có nghị lực và thành tích tốt trong học tập; đồng thời tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp cho các học sinh, người lao động trên địa bàn. Ông Phạm Văn Toản và ông Mai Xuân Giang tặng học bổng cho học sinh huyện Mường Lát Cuối cùng là phần tọa đàm về các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu lao động, du học, việc làm trong nước, các chính sách hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng địa phương trong công tác hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu nhằm xóa đói giảm nghèo. PT

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm việc với Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương

TĐKT - Chiều ngày 20/4, tại Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có buổi làm việc với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để nắm bắt tình hình và chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho biết, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng; là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng, các quy định của pháp luật có liên quan… Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc Đặc biệt, về biên chế và tình hình sử dụng biên chế, năm 2021, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương được Bộ Nội vụ giao 74 biên chế, công chức đơn vị hành chính và 21 viên chức đơn vị sự nghiệp. Tính đến tháng 3/2021, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có Trưởng ban, 1 Phó Trưởng ban; 5 Vụ trưởng và tương đương; 11 Phó Vụ trưởng và tương đương; tổng số công chức, viên chức, hợp đồng lao động của Ban có 102 người. Trong thời gian qua, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tập trung chỉ đạo các vụ, đơn vị và công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính; tổ chức triển khai thực hiện tốt, toàn diện các nhiệm vụ được giao trong chương trình, kế hoạch công tác và các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. Chủ động tham mưu, đề xuất với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thi đua, khen thưởng: Tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang báo cáo tại buổi làm việc Đồng thời, Ban cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; tham mưu chuẩn bị tốt các nội dung tổ chức phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì. Cùng với đó, Ban triển khai áp dụng các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính theo Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2005 tại cơ quan. Thực hiện sắp xếp kho lưu trữ hồ sơ khen thưởng cấp nhà nước phục vụ nhân dân việc tra cứu, xác nhận khen thưởng. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Quang cảnh buổi làm việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trong thời gian qua đã xây dựng một tập thể đoàn kết, quyết tâm đổi mới. Đặc biệt trong năm 2020, Ban đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện Đại hội Thi đua yêu nước cấp bộ, cấp tỉnh và tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, để lại ấn tượng rất tốt đẹp trong nhân dân và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Đồng thời, thông qua các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, Ban đã thúc đẩy được phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực để toàn dân, toàn quân hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao… Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cần tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi đua, khen thưởng một cách toàn diện, đồng bộ, tạo sự lan tỏa sâu rộng và hiệu quả cho xã hội. Thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc và phát huy tốt hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước. Trong năm 2021 cần rà soát, đánh giá một cách bài bản về tổ chức bộ máy của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương theo hướng đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. La Giang

Cần tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Kiên Giang

TĐKT - Với hơn 56 km đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia trên đường bộ lẫn trên biển cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, Bộ Y tế nhận định Kiên Giang là địa phương có “đường biên dài, vùng biển rộng nhưng khoảng cách nhỏ”, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang đặc biệt là khu vực biên giới tại thị xã Hà Tiên là rất lớn. Công tác phòng, chống dịch cần được triển khai quyết liệt, chặt chẽ toàn diện. Các phương án, kịch bản phòng, chống ngăn ngừa dịch COVID-19 cần được chuẩn bị và xây dựng sẵn sàng cho các tình huống khác nhau của dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với tỉnh Kiên Giang Quyết tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, trong thời gian vừa qua, khi tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Tỉnh đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, bổ sung lực lượng cho các chốt kiểm soát; tăng cường kiểm soát người và hàng hóa nhập cảnh qua cửa khẩu; nâng cao khả năng thu dung cách ly tập trung, kích hoạt các khu cách ly tập trung sẵn sàng cho các tình huống gia tăng số lượng trường hợp cách ly; đẩy mạnh công tác xét nghiệm tầm soát COVID-19 để phát hiện sớm các ca bệnh; đẩy mạnh công tác truyền thông, thực hiện tốt thông điệp 5K…. Để triển khai tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là không để xảy ra các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng từ các đối tượng nhập cảnh trái phép cũng như sẵn sàng các điều kiện cách ly, thu dung, tiếp nhận điều trị ngay tại tuyến đầu khi có các tình huống dịch bệnh xảy ra, tỉnh kiến nghị Bộ Y tế có hỗ trợ cho tỉnh trên nhiều mặt như: Nâng cao năng lực xét nghiệm, hỗ trợ các trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao, đặc biệt là xem xét hỗ trợ 2 máy Real time RTR-PCR để xét nghiệm khẳng định COVID-19… Nâng cao hiệu quả và năng lực điều trị nhất là các trường hợp đòi hỏi kỹ thuật cao như ICU, ECMO. Cùng với đó, ưu tiên phân bổ vắc xin cho tỉnh Kiên Giang trong các chương trình phân bổ vắc xin sắp tới, kiến nghị mở rộng cho các đối tượng tình nguyện viên cũng như đề xuất phương án tiêm vắc xin cho người dân trên đảo Phú Quốc để tạo tiền đề cho công tác du lịch, kích cầu du lịch, phát triển kinh tế… Sẵn sàng hỗ trợ địa phương GS. TS Nguyễn Thanh Long khẳng định: Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ địa phương về các vấn đề chuyên môn và kỹ thuật đồng thời khuyến nghị một số nội dung trọng tâm địa phương cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc Gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ban, ngành và của địa phương; tiếp tục thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch COVID-19 trên đường bộ và trên biển; tuyên truyền, phổ biến để huy động người dân tham gia công tác đấu tranh, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”; tăng cường, chủ động công tác lấy mẫu giám sát tại các địa điểm, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm kiểm soát tốt và giúp phát hiện sớm các trường hợp ca bệnh, tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Kiên Giang cũng cần tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ để phục vụ công tác xét nghiệm, tầm soát diện rộng cũng như sẵn sàng trong các tình huống, kịch bản có thể xảy ra. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khằng định, Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ địa phương về các vấn đề chuyên môn và kỹ thuật, đồng thời khuyến nghị một số nội dung trọng tâm địa phương cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới như sau: Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ban, ngành và của địa phương. Thứ hai, thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ  biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 trên đường bộ và trên biển. Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến để huy động người dân tham gia công tác đấu tranh, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”. Thứ tư, tăng cường, chủ động công tác lấy mẫu giám sát tại các địa điểm, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm kiểm soát tốt và giúp phát hiện sớm các trường hợp ca bệnh tiềm ẩn, tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Thứ năm, tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ để phục vụ công tác xét nghiệm, tầm soát diện rộng cũng như sẵn sàng trong các tình huống, kịch bản có thể xảy ra. Về nội dung này, Bộ trưởng giao viện Pasteur TP Hồ Chí Minh làm việc với địa phương để hỗ trợ địa phương thiết lập các labo xét nghiệm đủ tiêu chuẩn tại Hà Tiên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nâng cao năng suất và năng lực xét nghiệm của địa phương. Thứ sáu, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản cách ly, phong tỏa, phòng, chống dịch trước các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra kể cả các phương án xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, dịch bệnh lây lan trên diện rộng hay trường hợp gia tăng đột biến số ca bệnh nhập cảnh về nước. Kịch bản cần được xây dựng và quán triệt theo từng cấp độ khác nhau, phù hợp với tình hình từng huyện cụ thể nhằm đảm bảo sự chủ động ứng phó khi có tình huống phát sinh thực tế. Thứ bảy, chủ động các phương án, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác điều trị; xây dựng các phương án thiết lập khu vực lưu trú, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng địa phương xây dựng các phương án thành lập các khu vực điều trị có thể tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nặng đến rất nặng, tập huấn, hướng dẫn y tế địa phương có thể làm chủ các tình huống khó, các ca bệnh nặng để thực hiện tốt đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hồng Thiết

Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trở thành bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế

TĐKT - Ngày 20/4, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thanh Hóa và giao nhiệm vụ bệnh viện phấn đấu trở thành bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế. Ngay khi đến bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà, động viên những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực; khu vực Tele ICU của bệnh viện. GS. TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Báo cáo của BSCKII Lê Văn Sĩ - Giám đốc BVĐK tỉnh Thanh Hóa cho biết, bệnh viện có quy mô 1.200 giường bệnh, hệ thống trang thiết bị hiện đại, mỗi ngày tiếp nhận thăm khám khoảng 1.500 - 1.700 bệnh nhân ngoại trú; chạy thận khoảng 200 - 250 bệnh nhân. Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị, ghép thận, phẫu thuật khớp háng, tim mạch... làm được ECMO. Phát biểu tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, GS. TS Nguyễn Thanh Long đánh giá cao và biểu dương những kết quả bệnh viện đã đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, cũng như những thay đổi của bệnh viện trong thời gian qua. “Bệnh viện đã có nhiều thay đổi, những buồng bệnh chúng tôi đến thăm đều thấy sạch sẽ, trang thiết bị hiện đại, đồng thời bệnh viện đã triển khai chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Đặc biệt, bệnh viện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập khu vực Tele ICU cùng các bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 24/24h để chuyên gia tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ bác sĩ tuyến dưới trong điều trị các bệnh nặng. Việc này đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giúp người dân không phải chuyển tuyến”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với BVĐK tỉnh Thanh Hóa Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao nhiệm vụ ngay từ bây giờ bệnh viện phải rà lại tất cả các yếu tố từ đầu tư, cơ sở vật chất, chuyên môn kỹ thuật… trong đó, đặc biệt lưu ý đến yếu tố nhân lực và kỹ thuật để đến năm 2024 phải hoàn thành mục tiêu trở thành bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế. Ngay tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giao cho các đơn vị liên quan của Bộ Y tế hỗ trợ cho BVĐK tỉnh để thực hiện mục tiêu này. Nhân dịp này, Bộ Y tế đã tặng BVĐK tỉnh Thanh Hóa 2 máy thở Bennet 840; 10 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số và 10 bơm tiêm điện. Hồng Thiết  

Nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

TĐKT - Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, gắn kết của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã luôn tạo sự gắn kết của khối doanh nghiệp FDI nói chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ). Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh Đóng góp hiệu quả cho công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT Trong những năm qua, doanh nghiệp FDI ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực kinh tế năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân, ổn định tình hình xã hội. Riêng đối với lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, tính đến hết năm 2019, tổng số doanh nghiệp FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên cả nước là 26.066 đơn vị chiếm 6,8% so với tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN; với tổng số người tham gia BHXH là hơn 4,7 triệu người, bằng 43,1% so với tổng số người tham gia BHXH thuộc khối doanh nghiệp; tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN từ khu vực này bằng 46,5% so với tổng số thu của khối doanh nghiệp; mức lương bình quân tham gia BHXH là hơn 5,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 6,9% so với mức bình quân chung của khối doanh nghiệp. Đến tháng 3/2021, tổng số doanh nghiệp FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 26.987 đơn vị, tăng 3,53% so với năm 2019 với tổng số người tham gia là 4.979.354 người, tăng 5,9% so với năm 2019; mức lương bình quân tham gia BHXH, BHYT, BHTN là hơn 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với năm 2019. Tính riêng khối doanh nghiệp Hàn Quốc, tại Việt Nam đang có 4.559 doanh nghiệp với số lao động tham gia BHXH là 1,31 triệu người (trong đó có 1,29 triệu người Việt Nam và trên 12.000 người nước ngoài) với số thu BHXH chiếm gần 25% tổng thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, khu vực doanh nghiệp FDI đã tạo ra lượng công việc lớn đối với lao động Việt Nam, vì vậy việc đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng. Không những góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ mà còn góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp và NLĐ, công tác này là động lực để doanh nghiệp thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng…, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một cách bền vững. BHXH Việt Nam - Đồng hành vì sự hài lòng của NLĐ và doanh nghiệp Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ cũng như doanh nghiệp, đồng thời thực hiện có hiệu quả công cuộc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp FDI, trong những năm qua, chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Việt Nam đã có những bước hoàn thiện căn bản, hướng tới đảm bảo ngày một tốt hơn quyền lợi an sinh xã hội của người tham gia. Minh chứng rõ nét thể hiện trong những nội dung mới của Luật BHXH sửa đổi; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Luật Việc làm và Luật An toàn vệ sinh lao động. Với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BNTN, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trên tinh thần đó, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động đưa ra các một loạt các giải pháp cụ thể như: Triển khai hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách; triển khai Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam phiên bản tiếng Anh; ban hành quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; tích cực vận động, có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức giao dịch điện tử và dịch vụ bưu điện công ích khi giao dịch với cơ quan BHXH… Đến nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 4 cho các TTHC của ngành; đẩy mạnh tích hợp các dịch vụ công của ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đã có 15 dịch vụ công của ngành và dịch vụ công liên thông với các bộ, ngành được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam được tái cấu trúc theo hướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục nên chất lượng được nâng cao. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã triển khai hiệu quả các giải pháp như: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra; đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ BHTN cho người tham gia… Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử và ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiếtbị di động (ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số) nhằm mục đích thiết lập kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Đây có thể coi là bước đột phá về ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công trong quá trình chuyển đổi số của BHXH Việt Nam theo lộ trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam. Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam có quy định NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đây là mối quan tâm chung của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc. Để tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động, Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa Chính phủ hai nước và trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cũng sẽ ký kết thỏa thuận thực hiện nhằm tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc thực hiện và đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội của NLĐ mỗi nước. BHXH Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội làm việc với các cơ quan đối tác của Hàn Quốc để sớm hiện thực hóa mục tiêu này theo tinh thần thỏa thuận cấp cao của Chính phủ hai nước. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam đã tiến hành khảo sát ý kiến các doanh nghiệp Hàn Quốc. Đặc biệt, BHXH Việt Nam sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận những thông tin về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; sẵn sàng giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thủ tục hành chính theo thẩm quyền của BHXH Việt Nam; đồng thời cùng nhau thảo luận và đưa ra những giải pháp tốt nhất trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cả NLĐ tại doanh nghiệp FDI và NLĐ nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng mong muốn, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ. Có thể khẳng định, đối thoại là một trong những phương thức tăng cường sự gắn bó giữa các doanh nghiệp với cơ quan nhà nước; đồng thời giúp các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với các doanh nghiệp một cách trực diện, hiệu quả nhất. Sự kiện này còn thể hiện quyết tâm của ngành BHXH Việt Nam trong việc đồng hành với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp FDI nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Hồng Thiết

Đoàn công tác của Khối thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương dự Lễ kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa

TĐKT - Ngày 14/4/2021, tại thị trấn Trường Sa thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra Lễ kỷ niệm trọng thể 46 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác của Khối thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương đã tham dự buổi lễ. Từ ngày 08 - 16/4/2021, Đoàn công tác của Khối thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương (gồm đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia Đoàn công tác của Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam do Thượng tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu đã kiểm tra, thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI. Đồng chí Trần Thị Hà, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cùng tham gia Đoàn công tác. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã tới thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI.16; tổ chức Lễ tưởng niệm các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc tại khu vực đảo Len Đao - Gạc Ma.  Đặc biệt, ngày 14/4/2021, tại thị trấn Trường Sa thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Đoàn đã dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sa và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự Lễ kỷ niệm trọng thể 46 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, trồng cây lưu niệm, tặng quà và tham gia đêm giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Tại các buổi trao quà động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Đoàn công tác đã đánh giá cao những đóng góp vô cùng ý nghĩa và lớn lao vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa nói chung và cán bộ, chiến sĩ cũng như nhân dân tại đảo Trường Sa nói riêng. Đồng thời, bày tỏ tinh thần “Trường Sa vì cả nước và cả nước cũng dốc lòng, dốc sức vì Trường Sa thân yêu”. Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Thượng tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Hải quân nhân dân Việt Nam đã trân trọng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo” cho đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Trần Thị Hà - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và đồng chí Phạm Đức Toàn - Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vì những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trước đó, khi chuẩn bị rời cảng Cát Lái, Đoàn công tác đã thắp hương tưởng niệm trước tượng đài và Nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ của Đoàn tàu Không số tại Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. Dưới đây là một số hình ảnh của Đoàn trong khuôn khổ chuyến công tác: Đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Trần Thị Hà - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và đồng chí Phạm Đức Toàn - Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tham gia Đoàn Chủ tịch tại Lễ kỷ niệm trọng thể 46 năm giải phóng quần đảo Trường Sa. Các đại biểu trồng cây lưu niệm tại đảo Trường Sa. Đồng chí Trần Thị Hà và đồng chí Phạm Đức Toàn trao quà tặng động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa Các đại biểu tìm hiểu, trao đổi về công tác thi đua - khen thưởng. Thượng tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Hải quân nhân dân Việt Nam đã trân trọng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo” cho đồng chí Trần Thị Hà - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và đồng chí Phạm Đức Toàn - Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Các chiến sĩ đảo Trường Sa và Đoàn công tác cùng đọc Tạp chí Thi đua Khen thưởng.                                                                                                               Thiên Cầm

Kết nối việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên

TĐKT - Ngày 16/4, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã cùng 82 doanh ngiệp tổ chức Hội nghị kết nối việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Tới dự, có: GS. TS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng; thầy Trần Đức Minh - Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Phạm Văn Đăng – Giám đốc Trung tâm khảo sát thông tin việc làm và đào tạo khởi nghiệp; đại diện lãnh đạo các đơn vị Phòng, Ban, Trung tâm Truyền thông, Đảng ủy, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, đại diện sinh viên của Nhà trường cùng với 82 doanh nghiệp trong nước.  PGS. TS Phạm Văn Đăng – Giám đốc Trung tâm khảo sát thông tin việc làm và đào tạo khởi nghiệp ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Sói biển Trung thực. Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS. TS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội do GS. Trần Phương sáng lập vào năm 1996, đến nay đã có lịch sử 25 năm phát triển và trưởng thành. Với  27 lĩnh vực đào tạo, nhà trường đã cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước. Trong quá trình đào tạo, nhà trường đã được rất nhiều các cơ quan và doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện tìm kiếm việc làm cho rất nhiều thế hệ sinh viên. Tại Hội nghị, đã có 8 doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất máy móc công nghiệp, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, truyền thông, điện tử… thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác đợt 1 với Trung tâm khảo sát thông tin việc làm và đào tạo khởi nghiệp của nhà trường để tuyển dụng sinh viên. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ rất nhiều về khởi nghiệp và điều hành các doanh nghiệp. Trong đó có nhiều đại diện doanh nghiệp là cựu sinh viên của nhà trường bày tỏ niềm vui khi đã thành công trên con đường xây dựng sự nghiệp và có cơ hội quay lại để giúp đỡ các thế hệ sinh viên mới của trường. Đồng thời, các doanh nghiệp đến dự Hội nghị cũng thấy được sự quan tâm của nhà trường với vấn đề tìm việc làm sau tốt nghiệp và vấn đề khởi nghiệp của sinh viên. Các em sinh viên đến dự hội nghị cũng đã được lắng nghe rất nhiều những lời khuyên, lời chia sẻ và những câu chuyện từ các doanh nghiệp từng trải qua trong quá trình xây dựng và điều hành doanh nghiệp; được nghe những yêu cầu và những kỹ năng mà các doanh nghiệp cần sinh viên phải đáp ứng được khi nộp hồ sơ ứng tuyển để có thể chủ động chuẩn bị, trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết.                                                                                  Nguyễn Quỳnh

Bàn về cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường

TĐKT - Chiều 16/4, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành tới dự. Cùng dự có: Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc; đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và hơn 100 đại biểu là đại diện các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất nhựa... Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo Các sản phẩm nhựa, ni-lông ra đời mang lại không ít tiện tích cho cuộc sống. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước đến nay, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng. Khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn, lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia phải gánh chịu nhiều hệ quả từ chất thải nhựa nhất trên thế giới, đặc biệt là chất thải nhựa đại dương. Nhận thức được tác hại của chất thải nhựa gây ra, năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động phong trào giải quyết ô nhiễm nhựa và ni-lông. Năm 2019, nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tập đoàn quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về chống thất thải nhựa tại Diễn đàn kinh tế thế giới. Việt Nam đã tham gia và cam kết với cộng đồng quốc tế về xử lý rác thải nhựa và rác thải nhựa trên biển. Để đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm nhựa. Trong đó, hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh mới, nhất là những mô hình sản xuất vận dụng thân thiện với môi trường, từ sản phẩm tái chế tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, với những chính sách ưu tiên về thuế, đầu tư công nghệ… Quang cảnh Hội thảo Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành, để cụ thể những cam kết đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTG năm 2020 về “Tăng cường, quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa”; đưa ra nhiều tiêu chí và biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, thực hiện tuần hoàn tài nguyên. Mới đây nhất, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã quy định nhiều điểm mới để tăng cường quản lý chất thải nhựa, chất thải nhựa đại dương và quy trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong việc thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì… Ông Nguyễn Thành Nam, đại diện Tổng cục Môi trường Việt Nam chia sẻ: Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành các tiêu chí đánh giá sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường để chứng nhận nhãn dán sinh thái Việt Nam; các tiêu chí dán nhãn xanh Việt Nam; tiêu chí dán nhãn xanh Việt Nam đối với bao bì nhựa tự phân hủy sinh học… Ngoài những chính sách đã ban hành, hiện Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật như: Triển khai các quy định phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường của Luật Bảo vệ môi trường và văn bản dưới luật. Thực tế cho thấy, hiện nay, các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường, trong đó có sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết: Hội đã vận động hội viên và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường thông qua các CLB Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; tổ chức tọa đàm “Rác thải nhựa - Hiểm họa của môi trường và sức khỏe cộng đồng”; trao tặng các sản phẩm thân thiện môi trường cho hội viên phụ nữ… Đoàn viên, thanh niên Công ty An Phú tích cực tuyên truyền phân loại rác thải tại các khuôn viên dự án nhà ở cho thuê Là một trong những đơn vị khá chủ động trong phòng, chống rác thải nhựa, thời gian qua, bên cạnh phát triển hệ thống cây xanh tại khuôn viên sinh sống, tuyên truyền đến khách hàng về bảo vệ môi trường, đặt các thùng rác nhằm phân loại rác thải tại nguồn..., Công ty TNHH MTV An Phú (TP Hồ Chí Minh) còn thực hiện đưa túi vải hoặc thùng các-tông cũ để đựng đồ cho khách, không sử dụng túi ni-lông trong hệ thống Siêu thị An Phú. Cụ thể, năm 2018 - 2019, Siêu thị dự trù túi ni-lông đựng đồ cho khách trung bình 40kg/tháng. Hiện tại, giảm còn 2,5kg/tháng. Với khát khao mãnh liệt sẽ thay thế bao bì ni-lông truyền thống bằng những bao bì ni-lông tự hủy sinh học thân thiện với môi trường, nhiều năm nay, bà Phan Thị Thúy Phượng (Công ty TNHH Thương mại sản xuất tổng hợp II – TP Hồ Chí Minh) đã không quản ngại nắng mưa, cùng với các chị em phụ nữ rong ruổi đi đến từng khu chợ để tuyên truyền tới bà con về tác hại của túi ni-lông; đồng thời phân phối túi ni-lông thân thiện với môi trường đến các tiểu thương trong các chợ trên địa bàn thành phố, góp phần làm chuyển biến thói quen tiêu dùng xanh của nhiều người dân. Tuy nhiên, thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn còn những băn khoăn về các quy định đối với việc cấp phép hoặc trợ cấp chứng nhận nhựa tự phân hủy; chính sách quản lý và cơ chế hỗ trợ đối với các đơn vị sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa tự phân hủy; các giải pháp công nghệ - kỹ thuật hiện đại thân thiện môi trường trong tái chế, tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong cuộc sống... Là người đã có nhiều năm nghiên cứu về các sản phẩm túi sinh học thân thiện với môi trường, bà Phan Thị Thúy Phượng cho rằng để tạo sức lan tỏa, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường thông qua sử dụng các sản phẩm thân thiện, doanh nghiệp và các cơ quan ban, ngành Nhà nước cần tăng cường việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Với những nỗ lực vì môi trường, bà Phan Thị Thúy Phượng (ở giữa) được tặng Bằng khen và kết nạp là thành viên chính thức của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Bà Phượng kiến nghị chính quyền, đoàn thể cần xây dựng và đảm bảo tính khả thi “lộ trình” giảm tỷ lệ sử dụng túi ni-lông truyền thống tại các tổ chức và cộng đồng dân cư; cần có chính sách ưu đãi những doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường; đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống sang sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành các loại thuế thu từ nguồn sử dụng trực tiếp và gián tiếp túi ni-lông truyền thống; đẩy mạnh chất lượng và số lượng các hoạt động tuyên truyền tac hại của túi ni-lông và rác thải nhựa đối với môi trường… Mai Thảo

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng vắc xin COVID-19

TĐKT - Ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin COVID-19 với ngành y tế của 63 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố hoàn thành tiêm chủng vắc xin COVID-19 của COVAX trước ngày 5/5; địa phương nào không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi. Thời gian qua, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã hết sức nỗ lực để có vắc xin phòng COVID-19 phục vụ tiêm chủng. Bộ Y tế đã phân bổ 811.200 liều vắc xin của COVAX về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ, yêu cầu các địa phương phải lập danh sách đối tượng tiêm theo đúng Nghị quyết 21 và cần tổ chức tiêm nhanh chóng. Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị Về vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam tiếp tục tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng kế hoạch. Hiện nay đã tiêm chủng cho hơn 73.000 người. Hệ thống giám sát của Chương trình tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế. Có thể thấy mức độ phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác. Dẫn chứng của Bộ Y tế cho biết đối với vắc xin 5 trong 1 được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng cũng có tỉ lệ phản ứng sau tiêm trên 50%. Theo Bộ Y tế, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến. Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời, diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước. Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng. Hôm qua (ngày 15/4), Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng. Hiện nay, đã có mạng lưới 1.500 điểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu. Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc. Với quan điểm “tiêm đến đâu an toàn đến đó” và đảm bảo an toàn ở mức độ rất cao, thậm chí cao hơn so với yêu cầu, các chuyên gia đã phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo đó, có những trường hợp phản ứng không đến mức nặng nhưng vẫn được xử lý như phản ứng nặng sau tiêm… Theo Bộ Y tế, tuy nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng không vì lý do đó mà triển khai tiêm chủng chậm do thời hạn sử dụng vắc xin COVID-19 của COVAX chỉ đến 31/5/2021. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai tiêm nhanh, không để vắc xin hết hạn mà không tiêm… Bộ Y tế cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin về lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và mô hình tiêm chủng an toàn được triển khai tại Việt Nam để người dân tham gia tiêm chủng. Tại Hội nghị, đại diện WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vắc xin là một trong những biện pháp phòng, chống COVID- 19. Những lợi ích mà vắc xin mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, vị đại diện cũng cho rằng, vắc xin không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện hơn 1 năm nay. Hồng Thiết  

Trang