Chính trị - Xã hội

Bạn bè quốc tế đánh giá cao công tác phòng, chống Covid-19 của Hà Nội

TĐKT - Được xác định là điểm nóng của dịch bệnh Covid-19, là một trong những địa phương có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất nước, trong 3 tháng qua, Hà Nội luôn quyết liệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, cao hơn một mức so với cả nước. Hà Nội luôn chủ động điều tra, khoanh vùng, dựa vào người dân để có thông tin và sự vào cuộc của cả hệ thống từ y tế xã, phường đến thành phố; phối hợp chặt chẽ với cơ quan trung ương để thực hiện giám sát, bao vây, khoanh vùng, xử lý, triển khai các biện pháp cách ly xã hội, cách ly y tế… Do đó, đến nay thành phố cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Chủ động điều tra, khoanh vùng, thực hiện cách ly PGS. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Y tế phân công hỗ trợ Hà Nội cho biết: “Tiếp xúc với bạn bè quốc tế, họ đánh giá rất ngưỡng mộ công tác chống dịch Covid-19 của Hà Nội. Tuy đông dân và phức tạp về mặt dịch tễ nhưng công tác phòng, chống dịch tại Thủ đô được triển khai rất quyết liệt. Với hơn 3 tháng cầm cự mà chúng ta ở mức độ như này là rất tuyệt vời. Gia đình tôi là công dân Thủ đô, cũng rất tự hào về điều đó và cảm thấy cực kỳ yên tâm khi Hà Nội triển khai các biện pháp như vậy, đạt được kết quả như bây giờ”. BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội thường xuyên cung cấp thông tin và chỉ đạo hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Thời gian qua, Hà Nội đã làm quyết liệt việc giám sát, phát hiện, điều tra, khoanh vùng xử lý ổ dịch. Đã phát hiện các trường hợp dương tính và khống chế được. Với ổ dịch lớn nhất tại Bệnh viện Bạch Mai, từ 2 trường hợp dương tính là cán bộ y tế bệnh viện, thành phố đã xác định đây là ổ dịch diễn biến phức tạp và có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ. Trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Bắc đã ghi nhận 48 trường hợp dương tính hoặc có liên quan. Riêng Hà Nội có 13 ca và 11 ổ dịch liên quan trực tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai được bao vây xử lý, không để dịch lây lan. Ngày 12/4, UBND quận Đống Đa đã ra quyết định kết thúc cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai. Đặc biệt, từ công tác khoanh vùng kịp thời ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã phát hiện ra bệnh nhân 243 và các bệnh nhân khác liên quan; từ đó kịp thời khoanh vùng ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh và Bệnh viện Thận Hà Nội. Thành phố đã tiến hành cách ly y tế đối với toàn bộ thôn Hạ Lôi, kể từ ngày 8/4 đến hết ngày 5/5 (28 ngày); thực hiện 127 test nhanh tại Bệnh viện Thận Hà Nội, đến nay đã cho kết quả âm tính với Covid -19. Với sự chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ chuyên môn cũng như vật chất của trung ương, thành phố, các sở ban ngành, đoàn thể, đơn vị cá nhân, những ngày qua, toàn bộ người dân thôn Hạ Lôi được lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành phun khử khuẩn toàn thôn, bà con nhân dân thôn Hạ Lôi yên tâm thực hiện nghiêm quy định… Chủ tịch UBND xã Mê Linh (huyện Mê Linh) Tạ Quang Thái cho biết, đến ngày 13/4, trên địa bàn thôn Hạ Lôi có 10 trường hợp dương tính Covid-19, hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, sức khỏe các bệnh nhân ổn định. Tại xã chuyển cách ly tập trung 396 trường hợp trường hợp tiếp xúc F1, trên địa bàn có hơn 1.000 trường hợp tiếp xúc F2 cách ly tại nhà. Quyết liệt các biện pháp triển khai sát thực tiễn, chặt đứt “chân lây nhiễm” Tuy nhiên, nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng: Hà Nội và cả nước đã chuyển sang giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng. Chiến lược đã có thay đổi từ ngăn chặn ở giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 là bao vây, khoanh vùng cách ly, xử lý kịp thời. Do đó, để dịch bệnh không lây lan ra diện rộng, cần thực hiện nghiêm các giải pháp, đặc biệt là cách ly xã hội nghiêm túc để bảo vệ được thành quả trong thời gian qua thành phố đã nỗ lực chung với cả nước. Đề cập tới ổ dịch thôn Hạ Lôi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ: Nhân dân vùng này trồng khoảng 100 héc-ta hoa cung cấp trong địa bàn thành phố. Trong đó, hoa cúc chủ yếu cung cấp cho các nhà tang lễ, làm vòng hoa để phục vụ cho các đám tang. Nhóm này sẽ trực tiếp tiếp xúc với nhiều người. Bên cạnh đó là những người mua bán hoa (chủ yếu là bán lẻ) ở các chợ sẽ có nguy cơ lây nhiễm Covid -19. Việc vận chuyển hoa cho các tỉnh thực hiện bằng máy bay, ô tô thì chủ yếu đến những người lái xe, bốc vác. Vì vậy, thành phố cần phân tích rõ từ việc cung cấp, nhu cầu của từng loại hoa đặc thù của vùng này để khoanh vùng cụ thể lại. Nếu làm tốt việc xác định rõ và cách ly các đối tượng từ F1 đến F3 tại nhà, thì có thể chặt "chân nguồn lây nhiễm". Lấy mẫu bệnh phẩm từ người dân ở Hạ Lôi - Ảnh: Hải Lý Từ đó, UBND TP Hà Nội đã đề nghị các quận và các huyện, đặc biệt là các huyện có chợ hoa Mê Linh; Đông Anh, quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và quận có nhà tang lễ là: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy cần rà soát, theo dõi kỹ những người thuộc nhóm nguy cơ trên. Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế phải rà soát, thông tin cho tất cả các hiệu thuốc với các trường hợp đến mua thuốc cảm, ho, sốt… phải yêu cầu khai báo y tế; thông tin kịp thời cho trạm y tế phường để lấy mẫu xét nghiệm. Nếu hiệu thuốc nào để sót trường hợp nào sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật, tước giấy phép hoạt động vĩnh viễn. Cùng với sự quyết liệt của chính quyền và nhân dân Thủ đô, Hà Nội cũng đề xuất Bộ Y tế nên công bố sớm các ca nhiễm bệnh Covid-19 nhằm loại bỏ tâm lý chủ quan trong nhân dân; giúp địa phương kịp thời khoanh vùng và ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn. Cùng với đó, Hà Nội đề nghị tổ công tác của Bộ Y tế sớm nghiên cứu, đưa ra đánh giá, cảnh báo về các đối tượng, độ tuổi dễ lây nhiễm Covid-19, giúp các đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Hưng Vũ

8.000 suất ăn mỗi ngày tiếp sức sinh viên, công nhân và người gặp khó khăn đẩy lùi Covid-19

TĐKT - Ngày 13/4, Thành đoàn – Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam TP Hà Nội chính thức triển khai chương trình "Hà Nội nghĩa tình" - 8.000 suất ăn mỗi ngày tiếp sức sinh viên, công nhân và người gặp khó khăn đẩy lùi Covid-19 và chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng chống thất nghiệp mùa dịch. Hội nghị trực tuyến giới thiệu chương trình Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giới thiệu chương trình, đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành đoàn Hà Nội chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, thời gian qua Đoàn Thanh niên - Hội LHTN từ thành phố tới cơ sở đã cùng với cả hệ thống chính trị thành phố có nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, ý nghĩa cùng cộng đồng ngăn chặn và từng bước vượt qua dịch bệnh. Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh đã tác động lên mọi mặt đời sống xã hội của Thủ đô Hà Nội, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh của nhân dân, xuất hiện nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Nhằm phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của tuổi trẻ Thủ đô, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ sinh viên, thanh niên, công nhân, lao động và người nghèo đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn thành phố với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chương trình "Hà Nội nghĩa tình" - 8.000 suất ăn mỗi ngày tiếp sức sinh viên, công nhân và người gặp khó khăn thiết thực hưởng ứng chương trình Triệu bữa cơm do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát động. Đây cũng là một trong 4 nội dung nằm trong phong trào Tôi yêu Hà Nội (Hà Nội xanh, Hà Nội trẻ, Hà Nội văn minh, Hà Nội nghĩa) do Thành đoàn – Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội đang triển khai. Trao bộ nhận diện chương trình "Hà Nội nghĩa tình” cho tình nguyện viên Thủ đô Chương trình 8.000 suất ăn tiếp sức với sự hỗ trợ từ Trung ương Hội LHTN Việt Nam, các đơn vị đồng hành sẽ được triển khai từ ngày 13 - 30/4/2020 (có thể kéo dài hơn tùy tình hình thực tế và căn cứ các quy định của Trung ương, thành phố về phòng chống dịch; nguồn lực dành cho chương trình được cam kết đảm bảo trong khoảng 2 tháng) thông qua việc trao tặng thực phẩm gồm: Gạo, thịt, rau, nước uống, trứng, nhu yếu phẩm… Thực phẩm được chuyển trực tiếp hàng ngày hoặc theo đợt 3 ngày/lần đến các đối tượng gặp khó khăn thông qua 2 hình thức: Trao trực tiếp tại nhà hoặc tại các điểm tập trung tại trụ sở Đoàn Thanh niên; nhà văn hóa phường, xã, khu ký túc xá sinh viên, khu trọ công nhân… Tổ chức Đoàn – Hội LHTN các cấp đảm nhận việc phân phối, đảm bảo nguyên tắc giãn cách xã hội và các quy định của Bộ Y tế. “Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng - Chống thất nghiệp mùa dịch” cung cấp các công việc chủ yếu tập trung vào việc sẵn sàng đi làm ngay sau dịch, công việc thời vụ, công việc tại nhà với mục đích hỗ trợ cộng đồng và thanh niên hồi phục kinh tế trong và sau dịch một cách kịp thời, tự thân và bền vững. Chương trình hoàn toàn phi lợi nhuận, với mong muốn đào tạo, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng nghìn ứng viên thất nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao các hoạt động sáng tạo, nhạy bén phong trào của Đoàn Thanh niên TP Hà Nội. Đồng chí đề nghị, các cơ sở Đoàn, các đồng chí cán bộ Đoàn tiếp tục tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở từng địa phương, đơn vị, không được vượt quá những nguyên tắc an toàn. Đời sống nhân dân, các lĩnh vực trong cuộc sống của thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chúng ta phải chuẩn bị trước một bước cho những hệ lụy. Các cấp bộ Đoàn, Hội phối hợp với các ngành, lực lượng; chuẩn bị các kịch bản mới để tham gia cùng với cấp ủy chính quyền địa phương, để ngăn chặn những tiêu cực, hệ lụy. Trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên thành phố tham gia một cách chủ động vào công tác góp ý văn kiện Đại hội Đảng các cấp, đảm bảo tiến độ, thời gian, các nội dung, không quên nhiệm vụ trọng yếu của năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh; Kết nối các bạn trẻ tham gia cùng tổ chức Đoàn, Hội trong bối cảnh này... Trao quà cho sinh viên các trường trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đang ở lại ký túc xá. Ngay sau chương trình phát động trực tuyến, Thành đoàn Hà Nội trao bộ nhận diện chương trình "Hà Nội nghĩa tình” cho tình nguyện viên Thủ đô. Đoàn công tác của Thành đoàn – Hội LHTN thành phố Hà Nội đến trao tặng các suất ăn cho đại diện 150 gia đình tại xóm chạy thận – Bệnh viện Bạch Mai; 200 sinh viên tại khu ký túc xá Mễ Trì – Đại học Quốc gia Hà Nội; khu nhà trọ công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh; thăm, tặng quà tập thể đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Thận Hà Nội. Phương Linh

Trao niềm tin, kỳ vọng đất nước sẽ sớm chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh

TĐKT – Sáng 13/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục tiếp nhận ủng hộ phòng, chống COVID-19 từ các cơ quan, đơn vị. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ủng hộ 500 triệu đồng; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ủng hộ 205 triệu đồng; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công An ủng hộ 100 triệu đồng và 5 máy khử khuẩn; Công ty TNHH Tập đoàn Công trình Xi măng Nam Kinh C - Hope ủng hộ 10 triệu đồng; Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ 100 triệu đồng; Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an ủng hộ 115 triệu đồng. Chia sẻ tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông vận tải là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm, đời sống, sức khỏe của người lao động ở các lĩnh vực như: Hàng không, đường bộ, dịch vụ, ….đang bị ngừng trệ. Đứng trước thực tế đó, với mục tiêu tất cả vì người lao động, trong quý I/2020, Quỹ Xã hội - Từ thiện của ngành đã thăm hỏi, hỗ trợ, cho cán bộ, công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tìm giải pháp khắc phục khó khăn để phục hồi sản xuất, kinh doanh, xây dựng phương án tài chính cụ thể, chăm lo việc làm, bảo đảm đời sống, thu nhập cho người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ngành giao thông vận tải đã vận động tập thể, cá nhân, người lao động tùy theo điều kiện cụ thể của mình để cùng chung tay ủng hộ phòng, chống dịch. Có những cá nhân ủng hộ thông qua Quỹ Xã hội - Từ thiện của ngành, có những người ủng hộ bằng cách soạn tin nhắn hoặc trực tiếp tìm đến Mặt trận để ủng hộ. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp nhận ủng hộ từ Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể Trân trọng những tấm lòng của các cơ quan, đơn vị và đặc biệt là của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giao thông vận tải, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong những lúc đất nước đang đối mặt với khó khăn của dịch bệnh thì việc người dân bị ảnh hưởng về thu nhập, việc làm là điều không thể tránh khỏi. Vượt lên tất cả, mỗi người Việt Nam với lòng yêu nước đã cùng đoàn kết để vượt qua gian khó. Mỗi tấm lòng, mỗi sự chung tay đến với Mặt trận đều mang theo giá trị nhân văn lớn cùng sự quyết tâm đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến cam go này. Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, qua gần 1 tháng phát động, tổng số tiền, hàng ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua UBTƯ MTTQ Việt Nam lên tới trên 840 tỷ đồng, trong đó số tiền nhắn tin qua Cổng thông tin Nhân đạo Quốc gia đầu số 1407 đạt trên 140 tỷ đồng. Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ số tiền lên tới trên 700 tỷ đồng. “Từ nguồn tiền, hàng ủng hộ và đăng ký ủng hộ, số tiền UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trực tiếp phân bổ cùng các doanh nghiệp trực tiếp chuyển về Bộ Y tế đã lên tới trên 500 tỷ đồng. Nguồn lực này sẽ giúp Bộ Y tế mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu, chẩn đoán, điều trị phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tiếp theo”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp nhận ủng hộ từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Trước tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn thế giới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân và toàn thể nhân dân cùng đồng lòng, quyết tâm khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và những quy định trong phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Mai Thảo

Bệnh viện Bạch Mai chính thức kết thúc cách ly và chuẩn bị những phương án an toàn cao nhất để tiếp đón người bệnh

TĐKT - 0h ngày 12/4/2020, Ủy ban nhân dân Quận Đống Đa thông báo Quyết định số: 1052/QĐ-UBND về việc kết thúc vùng cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với TS. Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về việc kết thúc vùng cách ly và chuẩn bị phương án an toàn cao nhất để tiếp đón người bệnh. 0h ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai chính thức kết thúc vùng cách ly y tế PV: Xin ông cho biết thực tế hoạt động của bệnh viện trong 14 ngày cách ly vừa qua? TS. Dương Đức Hùng: Việc kết thúc vùng cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai là điều kiện để cho các bệnh nhân tiếp cận được trở lại với y tế chuyên sâu của Bệnh viện. Thời gian bị cách ly vừa qua đã làm gián đoạn cơ hội được thăm khám, điều trị của những người bệnh tin yêu bệnh viện và những người bệnh tham gia các chương trình quản lý bệnh mạn tính. Công việc chính của bệnh viện là khám, chữa bệnh. Vừa qua do tình hình dịch, do lệnh cách ly, hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện đã giảm xuống ở mức tối thiểu. Trong suốt quá trình 14 ngày cách ly, song song với việc tiếp tục điều trị các bệnh nhân nặng cũng đang cách ly tại bệnh viện thì Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận trên 40 trường hợp rất nặng, vượt quá khả năng điều trị của các tuyến về điều trị tại Bạch Mai và đã có những trường hợp hết sức nặng. Nhưng bệnh viện vẫn vượt qua tất cả những khó khăn do lệnh phong tỏa để có thể cứu được người bệnh. Như vậy, hoạt động khám, chữa bệnh, điều trị vẫn được tiếp diễn trong thời gian Bệnh viện Bạch Mai bị cách ly. PV: Bệnh viện đã có những giải pháp gì để đảm bảo an toàn sau khi tái hoạt động trở lại? TS. Dương Đức Hùng: Chúng tôi đã có những phương án để tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh như bình thường nhưng với điều kiện an toàn về mặt dịch tễ ở mức cao nhất. Chúng ta biết rằng: Bản chất của dịch là lây lan, mà trong bệnh viện môi trường toàn người bệnh và tập trung đông người. Như vậy, chúng tôi phải lập kế hoạch phân luồng, phân tuyến, sàng lọc về mặt nhiệt độ, về mặt dịch tễ, về mặt xét nghiệm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm. Bộ Y tế đã xác định: dịch lây nhiễm từ cộng đồng. Vì vậy, đứng về góc độ dịch tễ, tất cả những người đến với bệnh viện chúng tôi đều phải coi là F1, tức là tiếp xúc gần với những người dương tính. Trên thực tế thì có rất nhiều người lành mang bệnh, có nghĩa là hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng mà trong người họ có vi rút ở đường hô hấp. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm là thường trực. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh, người thân của người bệnh khi đến khám cũng như đảm bảo sự an toàn cho cán bộ nhân viên y tế khi thăm khám là mục tiêu của giai đoạn tới của bệnh viện. Công tác sàng lọc nhiều cấp độ, nhiều tầng lớp đã được lên phương án để làm sao tất cả những bệnh nhân đến với Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đều có thể phát hiện một cách nhanh nhất, để loại trừ tối đa nguy cơ lại có một trường hợp dương tính trong bệnh viện. Tuy nhiên, đây là một việc khó, cần sự triển khai đồng bộ ở tất cả các khâu, tất cả các tuyến. Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn, vệ sinh ở trong bệnh viện cũng đã được tăng cường ở mức độ cao nhất. Đặc biệt là tập huấn cho các cán bộ y tế tăng cường truyền thông đối với người bệnh và người nhà ra vào bệnh viện để cho tất cả đều hiểu, vì chống dịch là công việc của tất cả mọi người chứ không chỉ của riêng y tế. Chúng tôi tin rằng, với việc triển khai một cách đồng bộ thì khi Bệnh viện Bạch Mai tái khởi động lại, người bệnh và nhân viên y tế sẽ được làm việc trong một môi trường với hệ số an toàn cao nhất. PV: Sau 14 ngày cách ly, điều gì là ấn tượng đọng lại nhất trong cảm xúc của ông: TS. Dương Đức Hùng: Y tế luôn là nơi đương đầu và đặc biệt là trong dịch thì chúng ta vẫn thường hay dùng cụm từ “các chiến sĩ ở mặt trận tuyến đầu”. 14 ngày vừa qua là những thời khắc khó khăn. Bên cạnh những nỗ lực nội tại, để vượt qua được những khó khăn, bệnh viện cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần của các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, mọi tầng lớp nhân dân. Thật là xúc động khi chúng tôi nhận được những món quà không quá lớn về mặt vật chất nhưng có giá trị rất lớn về mặt tinh thần, kèm theo đó là những bức thư khi đọc lên ai cũng thấy cảm động. Đấy chính là sự động viên rất lớn cho nhân viên y tế nói chung cũng như cán bộ y tế Bạch Mai trong giai đoạn vừa qua. Chúng tôi tin rằng, công cuộc chống dịch này với sự tham gia của toàn bộ xã hội, với một sự đồng lòng cao như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng dịch Covid này. Nguyễn Hân

Từ 18h ngày 10/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 3 ca mắc mới COVID-19.

TĐKT – Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, từ 18h ngày 10/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 3 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước ta đến thời điểm này là 258 ca. CA BỆNH 256 (BN256): Bệnh nhân nam, 52 tuổi, Quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ ở Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên. Ngày 27/3 từ Nga về Việt Nam trên chuyến SU290. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được chuyển cách ly tập trung tại Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung.  CA BỆNH 257 (BN257): Bệnh nhân nữ, 15 tuổi ở xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, là học sinh. Bệnh nhân đang nghỉ học ở nhà, không đi đâu. Ngày 20/3, ca bệnh số 243 (bạn bố bệnh nhân) có đến chơi nhà và nói chuyện với bố bệnh nhân. Ngày 8/4 bệnh nhân có sốt, chảy mũi. Ngày 9/4, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 10/4 kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với virus SASR-CoV-2. Bố bệnh nhân cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm, tuy nhiên kết quả âm tính với virus SASR-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. CA BỆNH 258 (BN258): Bệnh nhân nữ, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân là mẹ BN257 đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết luận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 11/4. Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 72.508, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.198; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.519; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 53.791. Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12 ca. Hồng Thiết

Gần 15 tỷ đồng triển khai chương trình “Triệu bữa cơm” cho người dân trong đại dịch Covid-19

TĐKT - Sáng 10/4, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo và Công ty Thực phẩm PepsiCO Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác Chương trình “Triệu bữa cơm” với thông điệp “Trao bữa cơm - Trao niềm tin”. Chương trình “Triệu bữa cơm” là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ “Không bỏ lại ai phía sau”, nhằm quan tâm, chăm lo, hỗ trợ nhân dân, người lao động đang chịu tác động của dịch Covid-19. Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, thực hiện chủ trương chung của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid – 19, trong thời gian qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ về các vật phẩm, trang thiết bị y tế cho các y, bác sĩ, các lực lượng vũ trang và các lực lượng tại tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid – 19. Anh Nguyễn Anh Tuấn cũng đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của Suntory PepsiCo trong việc phối hợp với Trung ương Hội LHTN Việt Nam cung cấp 1 triệu suất ăn cho người dân trong mùa đại dịch Covid-19. “Đây là hành động đẹp, thể hiện trách nhiệm xã hội của Suntory PepsiCo đối với người dân Việt Nam”, anh Tuấn nói. Khởi xướng Chương trình Triệu bữa cơm Để thực hiện tốt chương trình hợp tác này, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn mong muốn các đơn vị tập trung phối hợp và triển khai tốt chương trình để cùng Đảng, Nhà nước phòng, chống dịch Covid-19; chương trình sẽ nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các cơ quan truyền thông để lan tỏa để có nhiều người, các mạnh thường quân biết tới chương trình… Với thông điệp “Trao bữa cơm – Trao niềm tin”, chương trình chung tay trao tặng bữa cơm cho người nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn đang chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 với thời gian triển khai từ ngày 13/4/2020 tại 5 thành phố là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Trong đó, chương trình sẽ tài trợ số tiền là 300 nghìn đô la (tương ứng với 7 tỷ  đồng) và tặng sản phẩm trị giá tương đương với 1,8 tỷ đồng gồm: Pepsi, 7UP, Snack Khoai tây Lay`s. Bên cạnh đó, nhằm góp phần hỗ trợ cho đội ngũ y tế tuyến đầu trong phòng, chống dịch cũng như để nâng cao và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên cả nước, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc trẻ trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân, Tập đoàn PepsiCo đã tài trợ 200 nghìn đô la (bằng tiền mặt – tương ứng với 4,860 tỷ đồng) và Nhãn hàng Sting thuộc Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam đóng góp 2 tỷ đồng cho Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam để mua vật tư, trang thiết bị y tế cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tại một số bệnh viện, trung tâm y tế đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước. Đại diện Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (bên trái) trao biển tượng trưng tài trợ thiết bị y tế cho đại diện lãnh đạo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Bà Wei Wei Yao, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Khu vực châu Á – Thái Bình Dương PepsiCo nhận định: “Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có khả năng ngăn chăn và kiểm soát đại dịch Covid-19 thành công cho đến thời điểm này. Sáng kiến “Triệu bữa ăn” là một ý tưởng tuyệt vời để có thể có được sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Sáng kiến này cũng phù hợp với chương trình 55 triệu bữa ăn đang được Tập đoàn PepsiCo triển khai trên quy mô toàn cầu. PepsiCo hy vọng chương trình có thể tiếp nối ngày càng mạnh hơn bởi cộng đồng để cùng nhau chung tay chiến thắng đại dịch”. Ông Jahanzeb Khan, Tổng Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam chia sẻ “Hiện nay, cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trong cuộc chiến quyết liệt chống lại đại dịch Covid-19. Trong vài tháng qua, Việt Nam đã sử dụng tất cả các nguồn lực để chống lại căn bệnh này và để đảm bảo an toàn cho người dân. Tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt trong cuộc chiến chống Covid-19 này. Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng được cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thực hiện sáng kiến “Triệu bữa cơm”, mang bữa cơm, mang niềm tin cho người nghèo Việt Nam. Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng chương trình này sẽ được lan tỏa rộng hơn, nhiều công ty, cá nhân, tổ chức sẽ quyên góp để có thêm nhiều bữa cơm cho những người đang cần được giúp đỡ”. Mai Thảo

Phân bổ 100 tỷ đồng ủng hộ qua tin nhắn tới Bộ Y tế

TĐKT - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, nhằm kịp thời hỗ trợ việc mua sắm trang thiết bị phục vụ việc phòng, chống dịch, chiều 10/4, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao số tiền phân bổ đợt 1 trị giá 100 tỷ đồng tới Bộ Y tế. Đây là số tiền thu được từ 2,2 triệu tin nhắn trong đợt vận động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” trên Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia đầu số 1407. Cùng dự buổi lễ có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Phùng Khánh Tài; Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng cùng đại diện lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, mỗi người một giọt nước nhỏ sẽ hòa vào thành biển lớn, chỉ trong 20 ngày mà số tiền thu được qua tin nhắn đã đạt trên 133 tỷ đồng. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao số tiền phân bổ đợt 1 trị giá 100 tỷ đồng tới Bộ Y tế. “Đây có lẽ là lần đầu tiên cổng nhắn tin nhân đạo có lượng tiền đóng góp rất lớn từ người dân. Điều đó cho thấy, dân tộc ta mỗi khi khó khăn thì tinh thần yêu nước, tinh thần cộng đồng lại được thể hiện rất mạnh mẽ. Trong số 2,2 triệu tin nhắn có những cô bé, cậu bé lớp 1, hay có những cụ 100 tuổi đều ủng hộ, rất cảm động trước những tấm lòng đó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ. Nhấn mạnh từ số tiền 133 tỷ này sẽ phân bổ trước 100 tỷ tới Bộ Y tế nhằm phục vụ việc mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 và sẽ dùng cho cả những đợt sau khoảng thời gian cao điểm phòng, chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, từ số tiền 133 tỷ giờ sẽ chỉ còn 33 tỷ vì 100 tỷ đã ra khỏi kho lưu trữ, chính vì vậy thời gian tới, mỗi người sẽ tiếp tục nhắn tin để chung tay cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh. “Ai có ít đóng ít, ai có nhiều đóng nhiều, mỗi tấm lòng đều sẽ rất đáng trân quý.” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. Trao số tiền 100 tỷ đồng cho Bộ Y tế, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là đợt ủng hộ rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trước lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông qua việc nhắn tin ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi tin nhắn sẽ tiếp thêm động lực, nguồn lực cho đội ngũ cán bộ đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Chia sẻ về những diễn biến của dịch bệnh trong thời gian qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Việt Nam đang có những hướng đi quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Có được kết quả này là nhờ vào sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, những Chỉ thị sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của MTTQ cùng các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là có sự đồng sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân trong ủng hộ chủ trương phòng, chống dịch. Trân trọng gửi lời cảm ơn tới đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng viên của ngành y tế đã hy sinh những lợi ích cá nhân để quyết tâm cùng Đảng, Nhà nước chữa trị cho người bệnh và theo dõi sức khỏe bệnh nhân tại những khu cách ly, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, với lợi thế là hệ thống y tế được phủ khắp từ trung ương đến địa phương cùng phương châm hết lòng chăm lo cho sức khỏe của nhân dân đã giúp Việt Nam hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. 50% bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chữa khỏi và không có bệnh nhân tử vong. “Hơn 2 tháng qua, chúng ta chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, của những chiến sĩ quân đội, công an và cả đội ngũ phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí. Hình ảnh của những người nơi tuyến đầu chống dịch đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần yêu nước, thôi thúc toàn dân đồng hành cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi đại dịch”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh. Công ty Bảo hiểm AIA ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng cùng gói hỗ trợ quyền lợi bảo hiểm trị giá 23 tỷ đồng Khẳng định việc phát động nhắn tin qua Cổng Thông tin Nhân đạo Quốc gia thu được những kết quả thiết thực, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tiếp tục kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, mạnh thường quân ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay phòng, chống dịch thông qua việc ủng hộ tiền, hiện vật và nhắn tin tới Cổng thông tin Nhân đạo Quốc gia để đóng góp thêm nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi đại dịch. “Tính đến thời điểm này, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt trên 830 tỷ đồng, trong đó số tiền ủng hộ thông qua tin nhắn đạt trên 133 tỷ đồng. Để có thêm nguồn lực hỗ trợ những người đang căng mình ở tuyến đầu chống dịch, rất cần thêm những sự ủng hộ của mỗi người chúng ta để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kỳ vọng. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế và toàn thể cán bộ công chức viên chức của ngành, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cám ơn toàn thể tổ chức, cơ quan, cá nhân, đơn vị đã ủng hộ và chia sẻ với ngành y tế, đóng góp một cách thiết thực cho công cuộc phòng, chống dịch. Theo ông Trương Quốc Cường, từ số tiền được phân bổ từ nhắn tin, Bộ Y tế sẽ kịp thời giao các đơn vị, cơ sở y tế mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Cũng trong chiều 10/4, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tiếp nhận ủng hộ từ Công ty Bảo hiểm AIA số tiền 2 tỷ đồng cùng gói hỗ trợ quyền lợi bảo hiểm trị giá 23 tỷ đồng; Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam số tiền 300 triệu đồng; Công ty TNHH Truyền hình Cáp SaigonTourits (SCTV) ủng hộ 600 triệu đồng; Chi nhánh Truyền hình cáp HanoiSCTV ủng hộ 50 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Viễn ở tại phố Nguyễn Trãi, Hà Đông ủng hộ 2 tấn gạo; hệ thống ZaloPay và khách hàng ủng hộ 1,6 tỷ đồng. Mai Thảo  

Kịp thời hỗ hợ công nhân khu nhà trọ, giáo viên bị ảnh hưởng của dịch COVID-19

TĐKT - Nhằm động viên kịp thời người lao động đang khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chiều 9/4, Thường trực Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đến thăm, tặng quà cho công nhân, lao động (CNLĐ) khu công nghiệp Quang Minh đang ở trọ và giáo viên Trường Mầm non Lê Quý Đôn - Nam Từ Liêm. Tại khu nhà trọ công nhân thị trấn Quang Minh - nơi tập trung nhiều CNLĐ ngoại tỉnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng chia sẻ những khó khăn đặc biệt của người lao động khu nhà trọ trong xu thế khó khăn chung hiện nay. Đồng chí đề nghị Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phối hợp với chủ nhà trọ quan tâm, tuyên truyền và tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch cho CNLĐ khu nhà trọ, vận động CNLĐ chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo các khuyến nghị của ngành y tế, giảm giá thuê phòng cho người lao động. Tiếp tục chung tay, đồng lòng cùng chủ doanh nghiệp lao động sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đại diện Liên đoàn Lao động TP Hà Nội trao quà hỗ trợ cho đại diện Trường mầm non ngoài công lập Lê Quý Đôn Tại đây, Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ 5 công nhân lao động thuộc công ty TNHH Inkel và công ty TNHH BLD bị mất việc do ảnh hưởng của dịch với mức 1.000.000 đồng/người và 2 suất quà nhằm đỡ một phần chi phí của người lao động trong mùa dịch này. Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hỗ trợ mỗi công nhân lao động 500.000 đồng. Xúc động nhận được sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, công nhân quê Tuyên Quang Hứa Thị Mừng, Công ty TNHH Inkel chia sẻ “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đơn hàng bị cắt giảm nên công ty thuộc phải cho giảm lao động. Với số tiền ít ỏi 1 tháng lương cơ bản được công ty hỗ trợ và phải ở lại khu nhà trọ không về được quê do xe khách không chạy, cuộc sống của tôi hiện tại rất khó khăn. Nay được các cấp Công đoàn động viên kịp thời, tôi sẽ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này và tiếp tục gắn với khu công nghiệp”. Đến thăm, động viên người lao động Trường mầm non ngoài công lập Lê Quý Đôn, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội phối hợp với LĐLĐ quận Nam Từ Liêm tặng 1 suất quà cho tập thể Nhà trường trị giá 1 triệu đồng và hỗ trợ 28 triệu đồng tiền mặt (mỗi người 500.000 đồng) cho 56 đoàn viên, người lao động. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã động viên những giáo viên và chia sẻ những vất vả, khó khăn mà trường đang gặp phải trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí cũng tin tưởng với sự yêu nghề, yêu trò, tinh thần trách nhiệm, các cô giáo sẽ tiếp tục gắn bó cùng với nhà trường từng bước vượt qua khó khăn để giữ vững sự ổn định và tiếp tục cho sự nghiệp phát triển giáo dục trong thời gian tới. Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự quyết tâm, cố gắng trong giai đoạn khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cô sẽ chung tay cùng nhà trường, gia đình và xã hội trong để chiến thắng dịch COVID-19, để cuộc sống bình yên trở lại và cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Công Đoàn

Ngày 10/4, cả nước có 16 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh

TĐKT - Thông tin từ Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, hôm nay (10/4), cả nước đã có 16 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này, tại Việt Nam đã có tổng cộng 144 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, cụ thể như sau: Bệnh nhân xuất viện tại Bệnh viện Đà Nẵng  Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 9 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh bao gồm: BN 25 (nữ, 50 tuổi, quốc tịch Anh); BN 86 (nữ, 54 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 94 (nữ, 64 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 148 (nam, 58 tuổi, quốc tịch Pháp); BN 194 (nữ, 42 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 202 (nữ, 57 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 205 (bệnh nhân nam, 37 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 237 (nam, 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển); BN 249 (bệnh nhân nam, 55 tuổi, quốc tịch Việt Nam). 2 bệnh nhân xuất viện tại Bệnh viện Củ Chi Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh có 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, cụ thể: BỆNH NHÂN 74 (bệnh nhân nam, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam, nhập viện ngày 18/3/2020). Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 01/4/2020; lần 2 vào ngày 05/4/2020 và lần 3 vào ngày 8/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.  Tại bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh có 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, cụ thể: BỆNH NHÂN 204: (bệnh nhân nam, 10 tuổi, quốc tịch Việt Nam, nhập viện ngày 18/3/2020). Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và qua 3 lần xét nghiệm bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Tại bệnh viện Đà Nẵng có 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, cụ thể: BN 135 (bệnh nhân nữ, 27 tuổi, quốc tịch Việt Nam, nhập viện ngày 25/3/2020), trong quá trình điều trị bệnh nhân được xét nghiệm và qua 3 lần xét nghiệm bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.  Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, cụ thể: BỆNH NHÂN 36 (bệnh nhân nữ, 64 tuổi, quốc tịch Việt Nam) và BN 44 (bệnh nhân nam, 11 tuổi, quốc tịch Việt Nam). Cả 2 bệnh nhân này đều vào viện ngày 11/3/2020, trong quá trình điều trị các bệnh nhân được xét nghiệm và qua 3 lần xét nghiệm bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.  Tại bệnh viện dã chiến Củ Chi có 0 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, cụ thể: BỆNH NHÂN 157 (bệnh nhân nữ, 31 tuổi, quốc tịch Anh, vào viện ngày 26/3/2020) và BỆNH NHÂN 171 (bệnh nhân nữ, 19 tuổi, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 28/3/2020). Các bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 qua 3 lần xét nghiệm, hiện tại sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. La Giang

Đến 18h ngày 9/4, Việt Nam có thêm 4 ca nhiễm Covid-19

TĐKT - 18h ngày 9/4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc 255 trường hợp, trong đó 158 người nước ngoài chiếm 62,2%; 97 người lây nhiễm thứ phát. CA BỆNH 252 (BN252): Bệnh nhân nam, 6 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường 12, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân sống tại Campuchia cùng gia đình có 5 người, trong đó 2 người đã được xác định mắc COVID-19 và đang được cách ly, điều trị tại Campuchia. Ngày 8/4, bệnh nhân cùng 2 người còn lại trong gia đình trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh bằng xe chuyên dụng. Cùng ngày bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hai người đi cùng bệnh nhân có kết quả âm tính. Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. CA BỆNH 253 (BN253): Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú ở Mê Linh, Hà Nội, là chị dâu, ở gần nhà và có tiếp xúc gần với BN243. Ngày 6/4 được lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm ngày 9/4 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.  CA BỆNH 254 (BN254): Bệnh nhân nam, 51 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú ở Mê Linh, Hà Nội, là hàng xóm có tiếp xúc gần BN243, BN250. Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 9/4, kết quả xét nghiệm ngày 9/4 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân đang điều trị chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội, hiện đang được cách ly, điều trị tại đây. CA BỆNH 255 (BN255): Bệnh nhân nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Bắc Quang, Hà Giang. Ngày 27/3, bệnh nhân từ Nga về sân bay quốc tế Nội Bài trên chuyến bay SU290. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Vĩnh Phúc. Ngày 8/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm ngày 9/4 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Hồng Thiết    

Trang