Chính trị - Xã hội

Dừng vận chuyển hành khách đến Việt Nam

TĐKT - Ngày 31/3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn đã có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc dừng vận chuyển hành khách đến Việt Nam kể từ 00h00 ngày 1/4/2020 đến hết ngày 15/4/2020. Theo đó, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19 (Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 29/3/2020 của Văn phòng Chính phủ), Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thông báo đến tất cả các hãng hàng không dừng vận chuyển hành khách đến Việt Nam. Yêu cầu này không áp dụng đối với trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và các trường hợp đặc biệt mà được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Minh Phương

Tiếp nhận 5 tỷ đồng ủng hộ phòng, chống Covid-19 từ Đại sứ Hàn Quốc và Ngân hàng Shinhan

TĐKT - Ngày 31/3/2020, tại trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã tiếp Ngài Park Noh - Wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam và tiếp nhận số tiền 5 tỷ đồng do đại diện Ngân hàng Shinhan trao tặng để ủng hộ Việt Nam chống dịch Covid-19. Đại sứ Park Noh - Wan cho rằng, trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ hai nước cùng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đang có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực nhằm khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Ngài Đại sứ mong rằng với sự đóng góp ủng hộ của Ngân hàng Shinhan, Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam có thêm nguồn lực để đẩy lùi đại dịch, sớm mang lại cuộc sống bình an cho nhân dân. “Hy vọng sau khi dịch bệnh lắng xuống, MTTQ cùng các cơ quan chức năng sẽ cùng chung tay để giảm thiểu những thiệt hại về sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân; sớm đưa hoạt động trao đổi về thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân quay trở lại như trước kia”, ông Park Noh - Wan bày tỏ. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp nhận 5 tỷ đồng ủng hộ phòng, chống Covid-19 từ Đại sứ Hàn Quốc và Ngân hàng Shinhan Vui mừng nhận thấy mối quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát triển tốt đẹp toàn diện, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, hoạt động trao đổi cấp cao được duy trì thường xuyên, đạt nhiều kết quả thực chất trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư FDI; thứ hai về du lịch và thứ ba về thương mại; Việt Nam là nước nhận ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Giao lưu nhân dân diễn ra nhộn nhịp; có khoảng 170.000 người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam và 250.000 người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Hàn Quốc. Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, góp phần vào thành công trong phát triển mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc phải kể đến vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam với nhiều hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Hiệp hội chính là cầu nối giao lưu về kinh tế, thương mại giữa hai đất nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước giao lưu văn hóa, thương mại, từ đó góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, cùng nhau phát triển giữa hai đất nước Việt Nam - Hàn Quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong những ngày qua, có rất nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cũng đã đến Mặt trận để ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trân trọng cảm ơn tấm lòng của Đại sứ Hàn Quốc và Ngân hàng Sinhan, khẳng định sự ủng hộ này là niềm vui và khích lệ cho lực lượng làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc khi hơn 2 tháng qua đã đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng gửi lời cám ơn tới Chính phủ Hàn Quốc khi đã tạo điều kiện và giúp đỡ cho cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc vượt qua dịch bệnh, trong đó, đã chữa khỏi cho một người Việt Nam tại Hàn Quốc dương tính với Covid-19. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng, với sự chung sức, đồng lòng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẽ sớm ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh, để khi dịch bệnh qua đi, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục phát triển và ngày càng tốt đẹp. Mai Thảo

Chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 4 - 5/2020 vào cùng một kỳ

TĐKT - Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, tiếp theo Công văn số 972/BHXH-TCKT ngày 25/3/2020 của BHXH Việt Nam về việc thực hiện hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp hằng tháng qua hệ thống Bưu điện trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, ngày 30/3, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 1020/BHXH-TCKT bổ sung nội dung thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp tháng 4 và tháng 5/2020 qua hệ thống bưu điện. Đảm bảo trước ngày 31/5, thực hiện chi trả xong lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4 - 5/2020. Theo đó, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4 và tháng 5/2020 sẽ tổ chức vào cùng một kỳ. Cơ quan Bưu điện xây dựng phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp cho người hưởng nhận bằng tiền mặt phải đảm bảo an toàn, không được tập trung đông người theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại Công văn, BHXH Việt Nam giao BHXH các tỉnh, thành phố chủ trì, thống nhất với Bưu điện tỉnh về thời gian chi trả; báo cáo UBND tỉnh về phương án tổ chức, thời gian chi trả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương bảo đảm an toàn cho người hưởng theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo xong trước ngày 31/5/2020. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị chi trả phản ánh kịp thời về BHXH Việt Nam để được hướng dẫn, giải quyết. Hồng Thiết

Xử lý nghiêm các đối tượng không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối, trốn cách ly

TĐKT- Cuộc chiến chống SARS- CoV-2 tại Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn quyết liệt. Để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế tối đa số người ra đường và di chuyển. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, tiếp tục xuất hiện các trường hợp khai báo y tế gian dối sau khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều chuyên gia y tế, pháp luật ủng hộ xử lý nghiêm việc không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối, trốn cách ly nhằm tránh để lại hậu quả xấu. Để ngăn chặn đại dịch Covid-19 đạt hiệu quả là phải biết cách ly và tự cách ly. Nhằm ủng hộ biện pháp này, trong thời điểm hiện nay, rất nhiều câu khẩu hiệu được đưa ra như “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Ai ở chỗ nào ở yên chỗ đó”, “Hãy đứng im khi Tổ quốc cần”… cho thấy việc cấp bách của phòng dịch… Mỗi người dân phải thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế và khai báo trung thực. Bởi, chỉ cần khai báo gian dối, thì con số người nhiễm bệnh sẽ tăng theo cấp số nhân trong ngày và gây tác động rất lớn cho cộng đồng. Tuy vậy, trong thời gian vừa qua, có một số đối tượng như: Bệnh nhân 178, 17, 34, 100... chưa thành thật trong khai báo y tế, gây ra những hậu quả khôn lường. Đại tá Nguyễn Hữu Quý, BTV Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cho rằng phải có hình phạt nghiêm khắc với các bệnh nhân này. “Những ca khai báo y tế gian dối vừa qua chính là những bài học nhãn tiền mà ai nhìn vào đó cũng thấy tác hại vô cùng lớn. Nếu họ khai báo không kịp thời thì bao nhiêu tiền của, công sức toàn đảng, toàn quân và toàn dân bị đổ sông, đổ biển.” – Đại tá Quý nhấn mạnh. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tổ chức khu cách ly đặc biệt phòng dịch Covid-19. (ảnh Hanoimoi) Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, trường hợp không khai báo y tế hoặc không chịu áp dụng các biện pháp cách ly y tế đều là hành vi ích kỷ, chỉ tính tới lợi ích của cá nhân mà không nghĩ tới sức khỏe, tính mạng của cộng đồng thì cần phải lên án mạnh mẽ. Bởi các hành vi này đã vi phạm quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Để ngăn chặn dịch bệnh, việc phát hiện sớm nguồn lây truyền càng nhanh càng tốt. Việc khai báo y tế trung thực, tìm các yếu tố nguy cơ để thực hiện cách ly là hết sức quan trọng. Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, hiện tại Việt Nam mới chỉ xử lý với những đối tượng đưa tin, đe dọa, quấy rối, xúc phạm liên quan đến danh dự, nhân phẩm người khác.... Tuy nhiên với hành vi liên quan đến cưỡng chế cách ly y tế và khai báo y tế chúng ta vẫn chưa xử lý trường hợp nào. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thị Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi trốn cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh gây những hậu quả xấu cho xã hội và đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người nên có đủ dấu hiệu của “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự hiện hành, đó là hành vi của người bị nhiễm bệnh không chịu áp dụng các biện pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc. Mức hình phạt tù đối với tội này lên đến 12 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Khi phát hiện hành vi bỏ trốn và hậu quả xảy ra làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, Luật sư Phạm Thị Thu cũng cho biết, đối với cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ để người bị nhiễm bệnh trốn khỏi nơi cách ly, không kiểm soát được tình hình khu vực cách ly thì cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức đó cần ra quyết định đình chỉ công tác. Sau đó xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người này. Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì có thể bị khởi tố về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự. Theo quan điểm của ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao, hành vi khai báo không đúng, trốn cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh đã có dấu hiệu của tội phạm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Ngay khi phát hiện sự việc và hậu quả xảy ra, cơ quan cảnh sát điều tra có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can để kịp thời răn đe phòng ngừa chung, sau đó áp dụng biện pháp cách ly điều trị trong quá trình điều tra vụ án. Sau đó, tùy diễn biến của người bệnh, cơ quan điều tra sẽ thay đổi biện pháp ngăn chặn và giải quyết vụ án. Đối với các trường hợp bệnh nhân 17, 34, 100, 178…, ông Hùng cho rằng, hành vi phạm tội của các đối tượng này đã rõ ràng, đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can. Việc họ chữa khỏi bệnh thì về phía cá nhân họ được thoát khỏi bệnh, còn hành vi cấu thành tội phạm của họ đã hoàn thành và hậu quả gây cho xã hội rất lớn. Vì vậy, các đối tượng này sẽ bị khởi tố theo khoản 1, điều 240. Theo đó, người nào thực hiện các hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho con người thì phạt từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt từ 1 - 5 năm tù. Cách ly y tế - biện pháp chống dịch Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới nhận định là biện pháp thành công nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới của cuộc chiến chống Covid-19, nếu không có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao của cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt, mạnh tay của cơ quan chức năng thì khó có thể biết đến khi nào dịch được khống chế và dập tắt. Thục Anh

Thành lập cơ sở cách ly cho cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai tại Khách sạn Mường Thanh Grand Xa La

TĐKT - Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1469/QĐ-BYT về việc “Thành lập cơ sở cách ly cho cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai tại Khách sạn Mường Thanh Grand Xa La trong phòng, chống dịch COVID-19”. Quyết định của Bộ Y tế Quyết định nêu rõ, thành lập cơ sở cách ly cho cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai tại Khách sạn Mường Thanh Grand Xa La, địa chỉ số 66 Phúc La, Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Khách sạn Mường Thanh Grand Xa La có trách nhiệm phối hợp và triển khai đầy đủ Quyết định số 1462/QĐ-BYT ngày 30/3/2020 do Bộ Y tế ban hành về việc Hướng dẫn tạm thời cách ly tại khách sạn cho cán bộ y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30/3/2020. La Giang    

Cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc

TĐKT - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm trên 72 vạn người mắc, gần 3,5 vạn người tử vong ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, nhất là Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020, tuân thủ các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách sau: Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động. Bộ Y tế, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh); tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch”; tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các “ổ dịch” này khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm. Yêu cầu Bộ Công an phối hợp với ngành y tế lập danh sách những người liên quan đến các hoạt động của Công ty Trường Sinh có nguy cơ lây nhiễm để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý nhanh triệt để các nguồn lây dịch bệnh. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp chặt chẽ với các Bộ và 2 thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ này. Thực hiện cách ly tại gia đình, khai báo y tế để phân loại, xét nghiệm và cách ly tập trung nếu cần thiết đối với người đã qua lại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3/2020; giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ tại từng gia đình. Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục khẩn trương thực hiện rà soát, kiểm tra y tế, cập nhật tình hình sức khỏe của những người đã nhập cảnh từ ngày 8 tháng 3 năm 2020 nhưng chưa áp dụng cách ly; lập danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần để phân loại sàng lọc, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp (cách ly tập trung, tại nhà, cơ sở lưu trú). Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế: Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để một cá nhân lây nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ bệnh viện. Đề xuất cụ thể cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất trang thiết bị, dụng cụ y tế, đặc biệt là máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy truyền dịch, máy lọc máu, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phương án, kịch bản và khả năng ứng cứu đối với trường hợp khẩn cấp về dịch vào chiều ngày 31 tháng 3 năm 2020. Tổ chức, sắp xếp việc tiếp tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và nhân dân theo đề nghị của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế. Xem xét, xử lý các kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Nội kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Bộ Y tế tổng hợp và định kỳ công bố 2 lần/ngày kết quả xét nghiệm dương tính ở các địa phương, bảo đảm chính xác. Cùng với đó, Chỉ thị nêu rõ, tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại từ 00 giờ ngày 1/4/2020 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên các tuyến biên giới đường bộ; tất cả người nhập cảnh từ Lào, Campuchia đều phải cách ly tập trung 14 ngày. Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức, sắp xếp, mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly, không để lây chéo; tăng cường quản lý đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới. Bộ Công an tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, nhất là đối với vùng nông thôn. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan xử lý các vướng mắc trong xuất khẩu khẩu trang vải; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19. Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe của nhân dân, chấn chỉnh một số báo rút tít gây hoang mang, hiểu nhầm. Người chịu trách nhiệm phòng, chống dịch không phát ngôn gây hoảng loạn trong nhân dân. Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân. Nguyệt Hà

Bệnh viện Bạch Mai quyết tiến, quyết thắng

TĐKT - Nội bất xuất ngoại bất nhập là quyết sách trong 2 ngày qua của Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Bạch Mai (BVBM) cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bác sĩ, bệnh nhân của bệnh viện, chỉ cho phép những người có liên quan vào. Số lượng người có mặt tại Bệnh viện hiện tại khoảng gần 3.500 người. Trong đó có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận. Bệnh viện vẫn tổ chức chạy thận 4 kíp liên tục. BVBM chung tay vượt qua dịch bệnh GS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay tình trạng bên trong bệnh viện vẫn tốt. Người bệnh được nhân viên y tế chăm sóc rất chu đáo. Người nhà bệnh nhân được Bộ Quốc phòng chuyển đi cách ly tập trung tại khu Hòa Lạc và hiện còn hơn 100 người nhà bệnh nhân chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt như bệnh nhi, sản phụ. Tinh thần của nhân viên y tế rất tốt, toàn tâm chăm sóc cho người bệnh. Đội ngũ lãnh đạo, y bác sĩ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bệnh viện mang trong mình quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh mà còn không để xảy ra lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo trong bệnh. GS Tuấn nhấn mạnh, thực tế hiện nay tại bệnh viện khá khó khăn. Bệnh viện đã nhờ Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội và các ban ngành để có các giải pháp cùng hỗ trợ. Như hiện tại, 3.500 con người trong bệnh viện không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp. Nhưng có một bất cập rất lớn là các chuyến hàng do bệnh viện đặt hay do nhân dân cả nước chuyển đến để hỗ trợ cho bệnh viện đều rất khó để có thể qua được chốt kiểm soát của công an. Dù rằng bệnh viện đã bố trí lực lượng tiếp nhận ngay tại cổng viện rồi mới dùng phương tiện trung chuyển đến các khoa. Song song với đó là vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhà ăn của bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm nên bệnh viện đã phong tỏa khu nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây. Để có các suất ăn cho nhân viên tế và người bệnh, bệnh viện đã liên hệ một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho hàng không. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde… Trong khó khăn ấy, các y bác sĩ bệnh viện vẫn luôn hết mình vì công việc. Có nhiều tấm gương y bác sĩ vẫn hết mình vì người bệnh. Trong đó có một bác sĩ trẻ, mặc dù đang mang thai tháng cuối, đang cách ly tại C9 Viện Tim mạch. Người mang thai tháng cuối ấy phải gặp rất nhiều khó khăn về tâm lý nhưng nữ bác sĩ vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh, dù phải hy sinh nhiều từ thể xác lẫn tinh thần. Tuy vậy, nhờ có tinh thần hết lòng vì người bệnh và có anh em đồng nghiệp chung sức đồng lòng nên sức khỏe và thai nhi của nữ bác sĩ vẫn diễn biến tốt. Tuy khó khăn là vậy nhưng cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai vẫn sẵn sàng dấn thân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt nhất người bệnh và chăm sóc lẫn nhau để đi qua đại dịch. GĐ Bệnh viện chia sẻ thêm, mặc dù đã có nhiều kịch bản ứng phó với đại dịch nhưng khi việc xảy đến với như vậy, bệnh viện không tránh khỏi những bất ngờ. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã trợ giúp, cùng bệnh viện có những biện pháp mạnh mẽ và đã có kế hoạch chi tiết từ đầu để ngăn chặn sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà... “Hiện chúng tôi vui mừng được thông báo với bà con, với người bệnh và anh em đồng nghiệp, rằng những nhân viên y tế của chúng tôi đều có kết quả âm tính. Như vậy, rõ ràng các nhân viên y tế, người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm”. Có thể sẽ còn nhiều khó khăn phía trước nhưng Bệnh viện Bạch Mai sẽ luôn quyết chiến, quyết thắng, vững tin với niềm tin chiến thắng trước dịch bệnh. Hồng Thiết    

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch

TĐKT - Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng của dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay, ngày 30/3, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã có hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch. Trong đó, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự. Người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối và hành vi đó gây lây truyền dịch COVID-19 cho người khác bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác. Người chưa bị xác định mắc COVID-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. Nếu hành vi đó gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch COVID-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự. Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19, gây dư luận xấu bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự. Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch COVID-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. Người có hành vi lợi dụng dịch COVID-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch COVID-19 ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thu lợi bất chính bị xử lý về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch COVID-19 bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự. Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, Tòa án nhân dân Tối cao cũng hướng dẫn về áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp. Trong đó, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ 2 người trở lên, làm chết người…). Áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (chưa làm lây lan dịch bệnh). Ngoài việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tòa án nhân dân Tối cao cũng hướng dẫn tổ chức xét xử đối với vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các cấp Tòa án chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp để áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 456 của Bộ luật Tố tụng hình sự; đối với vụ án không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì đưa ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong thời gian có dịch COVID-19, Tòa án phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 ra xét xử nhưng bảo đảm quy định về phòng, chống dịch (phòng xử án bố trí tối đa không quá 10 người; trường hợp phải triệu tập người tham gia phiên tòa vượt quá số lượng này thì phải bố trí cho họ ngồi ở phòng khác và sử dụng các thiết bị điện tử (micro, loa, ti vi, camera…) để họ tham gia phiên tòa hoặc xét xử lần lượt từng bị cáo, người tham gia tố tụng; bố trí khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu là 2 mét. Chỉ cho người được Tòa án triệu tập vào phòng xử án để tham dự phiên tòa. Trong quá trình xét xử, các cấp Tòa án cần có phương án tuyên truyền phù hợp như đưa thông tin, hình ảnh, bài viết, phóng sự… về việc xét xử vụ án trên các phương tiện thông tin đại chúng, để bảo đảm công tác giáo dục, phòng ngừa chung. Phương Thanh

Thêm 10 ca nhiễm mới COVID-19

TĐKT - Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, đến sáng 31/3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 10 ca mắc mới, trong đó 7 người là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh, 1 bệnh nhân tới khám tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai và 2 bệnh nhân từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. CA BỆNH 195 (BN195): Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai. CA BỆNH 196 (BN196): Bệnh nhân nữ, 34 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai. CA BỆNH 197 (BN197): Bệnh nhân nam, 41 tuổi, 41 tuổi, địa chỉ khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Ngày 12/3/2020, bệnh nhân có đến khám tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 29/3/2020 được lấy mẫu xét nghiệm. CA BỆNH 198 (BN198): Bệnh nhân nữ, 53 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai. CA BỆNH 199 (BN199): Bệnh nhân nữ, 57 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai. CA BỆNH 200 (BN200): Bệnh nhân nữ, 61 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai. CA BỆNH 201 (BN201): Bệnh nhân nữ, 23 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai. CA BỆNH 202 (BN202): Bệnh nhân nữ, 57 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai. Hiện cả 8 trường hợp trên được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, tình trạng sức khoẻ ổn định. CA BỆNH 203 (BN203): Bệnh nhân nữ, quốc tịch Việt Nam, 35 tuổi. Bệnh nhân đi từ Hy Lạp về trên chuyến bay TK162, số ghế 21A, có quá cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhập cảnh Việt Nam tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 17/3/2020. Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân không có triệu chứng và được cách tại khu cách ly tập trung - Trung đoàn 10, huyện Nhà Bè. Ngày 27/3/2020, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh tiến hành lấy mẫu gửi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Covid Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). CA BỆNH 204 (BN 204): Nam, quốc tịch Việt Nam, 10 tuổi, có địa chỉ tại phường Cát Lái, quận 2, TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân đi từ Praha (Cộng hòa Czech) tới Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ) trên chuyến bay TK 1770 của Turkish Airlines, số ghế 20B vào ngày 14/03 và từ Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ lên chuyến bay số hiệu TK162, số ghế 16K về tới Việt Nam ngày 15/3/2020 (cùng chuyến bay với BN83). Khi nhập cảnh, BN204 không có biểu hiện triệu chứng, được chuyển cách ly tập trung tại khu cách ly Trường Quân sự Quân khu 7, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 18/03/2020 là âm tính với SARS-CoV-2. Trong suốt thời gian cách ly, bệnh nhân không có sốt, nhưng người ở cùng phòng cho biết bệnh nhân có hắt hơi từ ngày 18/03/2020. Ngày 27/3 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Covid-19 Cần Giờ. Bộ Y tế khuyến cáo: Để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đề nghị người đân thực hiện tốt 5 điểm sau đây: 1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. 2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m. 3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. 4. Vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa; lau rửa thường xuyên các bề mặt, các điểm hay tiếp xúc; sinh hoạt lành mạnh. 5. Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến trên tokhaiyte.vn; cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế. La Giang      

Nâng cao chất lượng y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Ngày 30/3, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức Hội nghị trực tuyến với ngành y tế 63 tỉnh, thành về tập huấn nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19. Quang cảnh Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việc lây truyền dịch bệnh này, phụ thuộc 3 yếu tố: Thứ nhất, người mang dịch từ nước ngoài về. Theo tổng hợp sơ bộ, 70% số ca mắc COVID-19 mang mầm bệnh từ nước ngoài về. Thứ hai là sự phát hiện người bệnh nhiễm virus và thực hiện cách ly. Nếu phát hiện sớm, cách ly kịp thời thì sự lây nhiễm ra cộng đồng hạn chế. Thứ ba là phụ thuộc vào điều trị bệnh nhân nhiễm, điều này liên quan lây nhiễm trong cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện có hai nơi được coi là “ổ dịch lớn” là quán bar Buddha ở TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai có 3 tâm dịch: Ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, khoa Thần kinh và khu vực nhà ăn do Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ ra 5 nhóm lớn, được xác định là nguy cơ cao nhất, gồm: Nhóm thứ 1 là nhóm bệnh nhân đã điều trị ở đây và ra viện. Sau khi xác định đó là ổ dịch, bệnh viện đã rà soát một số đối tượng đã chuyển về các tuyến. Nhóm thứ 2 là cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân. Nhóm 3 là học sinh, sinh viên đến thực tập, học tập. Nhóm 4 là người phục vụ bệnh nhân với 2 nhóm nhỏ là người nhà đến phục vụ và nhóm được người nhà thuê phục vụ bệnh nhân. Nhóm 5 là nhân viên phục vụ tại bệnh viện với 2 phân nhóm chính là phân nhóm phục vụ của Công ty Trường Sinh, phân nhóm 2 là nhân viên lái xe điện, nhân viên bảo vệ, nhân viên vệ sinh môi trường… Từ các nhóm nguy cơ cao này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên xác định nếu không được phát hiện, giám sát chặt chẽ ra cộng đồng, nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn. Thứ trưởng khẳng định, các trường hợp phát sinh từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã giám sát, đưa vào cách ly, giám sát chặt chẽ. Hiện ở nước ta, dịch đã chuyển sang cấp độ 3. Hai nội dung quan trọng cần tập trung hiện nay là phát hiện ca nhiễm (từ nước ngoài nhập cảnh và tại cộng đồng) và thứ 2 là hạn chế sự lây lan của dịch ra cộng đồng. Ông nhấn mạnh, vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng trong ngăn chặn dịch, trong đó có vấn đề phát hiện ca nhiễm ở cộng đồng. Riêng với y tế cơ sở, chúng ta đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để phát hiện từng trường hợp, lập được danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ 8/3/2020 đến nay và bước đầu đã kiểm soát được nhóm đối tượng này. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết theo đánh giá của Ban chỉ đạo Quốc gia, tình hình dịch đã bước sang cấp độ 3, vai trò của y tế cơ sở tiếp tục được phát huy và nâng cao trong việc phát hiện ca bệnh và hạn chế lây lan ra cộng đồng. Muốn làm được điều đó thì y tế cơ sở cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để thành lập các tổ công tác có sự tham gia của lãnh đạo địa phương và các cơ quan đoàn thể có nhiệm vụ đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng để lập danh sách, rà soát tất cả các đối tượng đi từ vùng có dịch về để lập danh sách phân loại đưa vào theo dõi. Bên cạnh đó, tổ công tác phải đến theo dõi sức khỏe của từng đối tượng trong danh sách rà soát các biểu hiện bệnh (sốt, ho, khó thở, theo dõi nhiệt độ 2 lần/ngày); giám sát, theo dõi chặt các trường hợp lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, có bệnh mạn tính để có những tư vấn và khuyến cáo phù hợp. Hồng Thiết  

Trang