Chính trị - Xã hội

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế

TĐKT - Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đã lan rộng ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã bắt đầu lây lan ra cộng đồng, xuất hiện lây nhiễm cho nhân viên y tế. Để ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế dịch Covid-19 lan rộng trong cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế ngành, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ: Thứ nhất, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID-19, không chủ quan, lơ là, phải chủ động trong mọi tình huống, quán triệt toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động với tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo nguyên tắc phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Thứ hai, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế số cổng ra, vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí đo thân nhiệt cho tất cả những người vào cổng bệnh viện. Thực hiện các hình thức đặt hẹn khám bệnh qua phương tiện truyền thông, internet để giảm tối đa số lượng người bệnh tới khám, chờ khám cùng một thời điểm, bảo đảm người bệnh ngồi chờ khám cách xa nhau khoảng cách ≥ 2 mét.   Hạn chế số lượng người bệnh vào điều trị nội trú một cách hợp lý và tăng cường hiệu quả điều trị để rút ngắn thời gian điều trị nội trú cho người bệnh, giữ khoảng cách giữa các giường bệnh bảo đảm cách nhau ≥ 2 mét. Hạn chế tối đa người nhà đến thăm, chăm sóc người bệnh. Người chăm sóc người bệnh phải đăng ký và ghi lại thông tin liên lạc. Hạn chế tổ chức ăn tập trung tại khoa dinh dưỡng và bảo đảm khoảng cách tiếp xúc 2 mét giữa những người tiếp xúc; yêu cầu tất cả mọi người ra vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đeo khẩu trang; đặt dung dịch sát khuẩn rửa tay nhanh tại các vị trí thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế. Hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo tập trung; thay đổi hình thức, số lượng buổi giao ban, hạn chế số người tham dự giao ban bệnh viện, giao ban khoa, phòng. Tăng cường hình thức, phương thức làm việc trực tuyến, telemedicine. Bố trí nhân lực làm việc theo ca và xây dựng phương án nhân sự làm việc trong thời gian tối thiểu 3 tháng dự phòng có tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế đối với một nhóm cán bộ; không cử nhân viên đi công tác trừ trường hợp phục vụ phòng, chống dịch hoặc công tác đặc biệt.  Các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao. Chuẩn bị sẵn phương án cho tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn. Bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế. Có phương án cách ly đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và kiểm soát các đơn vị, cá nhân thực hiện các dịch vụ từ bên ngoài như giặt là, bảo vệ, dọn vệ sinh… các quầy bán hàng trong bệnh viện. Khi phát hiện một trường hợp người bệnh, nhân viên y tế bị nhiễm mà không phải là người bệnh đến khám phát hiện hay nhân viên y tế tại các khoa cách ly điều trị COVID-19, báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền, đồng thời lập tức cách ly tạm thời toàn bộ khoa bao gồm cả người bệnh và người nhà người bệnh cùng nhân viên y tế; lập danh sách toàn bộ người tiếp xúc gần để thực hiện việc cách ly; tạm dừng việc tiếp nhận bệnh nhân. Nếu có xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện lập tức dừng toàn bộ việc tiếp nhận người bệnh trừ trường hợp cấp cứu và thực hiện cách ly toàn bệnh viện. Các khoa có điều trị người bệnh nặng thực hiện cách ly tuyệt đối. Phối hợp với Chính quyền địa phương thực hiện việc cách ly và hỗ trợ cho việc cách ly. Thực hiện việc xét nghiệm đối với nhân viên y tế và xét nghiệm bệnh nhân, người nhà người bệnh khi cách ly, xét nghiệm nhân viên y tế ở những khu vực dễ có nguy cơ lây nhiễm và khu điều trị người bệnh nặng. Tăng cường tập huấn chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19; các kỹ thuật sử dụng máy thở; các biện pháp dự phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế. Sẵn sàng tăng cường, hỗ trợ cho tuyến dưới. Yêu cầu tất cả các nhân viên y tế phải khai báo y tế. Các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định Covid-19 (F1) và tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) phải khai báo trung thực và đầy đủ (mục đích khai bảo chỉ để phục vụ cho điều tra dịch tễ học). Trường hợp khai báo không trung thực hoặc không đầy đủ sẽ bị xử lý kỷ luật, mức cao nhất có thể bị buộc thôi việc. Chấn chỉnh đường dây nóng, cắt cử người để thực hiện nắm bắt thông tin. Thứ ba, đối với các đơn vị y tế dự phòng, các viện nghiên cứu: Tập trung xây dựng các cơ sở xét nghiệm; tăng cường tập huấn cán bộ; tăng cường trang thiết bị, kỹ năng trong khoanh vùng xử lý ổ dịch; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm đường hô hấp, hội chứng cúm, các chùm ca bệnh để xác định tác nhân gây bệnh; triển khai khai báo y tế; hỗ trợ người dân trong khai báo y tế; tập huấn cho cán bộ, cho sinh viên các năm cuối cấp để chuẩn bị nhân sự cho việc chăm sóc và điều trị. Thứ tư, Sở Y tế tham mưu chính quyền địa phương đầu tư, nâng cấp cơ sở thực hiện xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo năng lực thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Tiếp tục rà soát hoàn thiện các phương án cách ly, điều trị, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho việc tiếp nhận điều trị người bệnh thường xuyên cập nhật các phương án phòng chống. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh như: Khai báo y tế không trung thực, không thực hiện nghiêm việc cách ly, đưa thông tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận, lợi dụng dịch bệnh găm hàng đẩy giá vật tư y tế, khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ, trang thiết bị y tế. Đề nghị các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện và có báo cáo về Bộ Y tế. Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm đầu mối đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này. Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nguyễn Hân

Việt Nam có nhiều ca mắc mới trong 2 ngày 29 và 30/3

TĐKT - Theo thông tin mới nhất của Bộ Y tế, từ ngày 29 và 30/3, Việt Nam có thêm 20 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên con số 194 bệnh nhân. Cụ thể: CA BỆNH 175 (BN175): Bệnh nhân nam, 57 tuổi, làm việc tại công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho BV Bạch Mai, tiếp xúc với nhiều người. CA BỆNH 176 (BN176): Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, làm việc tại công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho BV Bạch Mai, tiếp xúc với nhiều người. CA BỆNH 177 (BN177): Bệnh nhân nữ, 49 tuổi, làm việc tại công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho BV Bạch Mai, tiếp xúc với nhiều người. CA BỆNH 178 (BN178): Bệnh nhân nữ, 44 tuổi, làm việc tại công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho BV Bạch Mai, đang ở Thái Nguyên và được xét nghiệm dương tính. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Đại Từ, Thái Nguyên. CA BỆNH 179 (BN179): Bệnh nhân nam, 62 tuổi, có địa chỉ ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Bệnh nhân từ nước ngoài về trên chuyến bay EK394, nhập cảnh ngày 18/03. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đến khu cách ly tập trung của tỉnh Thanh Hóa. Tại đây bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân và những người tiếp xúc gần đang được cách ly riêng tại khu cách ly, tình trạng sức khỏe ổn định. CA BỆNH 180 (BN180): Bệnh nhân nữ, 27 tuổi, người Việt Nam, địa chỉ Hợp Thành, Mỹ Đức, Hà Nội, du học sinh tại Pháp (quá cảnh Thái Lan) về Nội Bài ngày 20/3 trên chuyến bay TG564, được cách ly tập trung tại Lữ đoàn 241 -  Quỳnh Lưu - Nho Quan - Ninh Bình. CA BỆNH 181 (BN181): Bệnh nhân nam, 33 tuổi, người Việt Nam, ở Hà Nội, từ Thái Lan về Việt Nam ngày 20/3 trên chuyến bay TG564, được cách ly tập trung tại Lữ đoàn 241 - Quỳnh Lưu - Nho Quan - Ninh Bình. CA BỆNH 182 (BN182): Bệnh nhân nữ, 19 tuổi, người Việt Nam, ở Hà Nội, du học sinh từ Thuỵ Sỹ (quá cảnh) Thái Lan về Nội Bài ngày 20/3 trên chuyến bay VN618, được cách ly tập trung tại Lữ đoàn 241- Quỳnh Lưu - Nho Quan - Ninh Bình. Hiện cả 3 trường hợp  ở Ninh Bình đều được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình và có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, tình trạng sức khỏe ổn định. CA BỆNH 183 (BN183): Bệnh nhân nữ, 43 tuổi, địa chỉ tại Trung Hòa, Cầu Giấy; là phóng viên có tiếp xúc gần (phỏng vấn) với bệnh nhân số 148 ngày 12/3. CA BỆNH 184 (BN184): Bệnh nhân nữ, 42 tuổi, địa chỉ tại Diễn Vạn, Diễn Châu, Nghệ An, là nhân viên thuộc bộ phận bán hàng và chuyển phát nước sôi của Công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin và các khoa/phòng Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân ở cùng nhà với 2 trường hợp làm cùng công ty dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong 2 tuần trở lại đây, bệnh nhân không đi đâu xa khỏi khuôn viên bệnh viện. Ngày 28/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, cùng ngày, bệnh nhân được chuyển vào cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khỏe ổn định. CA BỆNH 185 (BN185): Bệnh nhân nam, 38 tuổi, địa chỉ tại Đông La, Hoài Đức, Hà Nội. Bệnh nhân vào chăm anh rể điều trị tại Khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai các ngày từ 15 - 16/3 và 18 - 19/3, trong đó có ít nhất 2 lần qua căng tin của bệnh viện để ăn và mua đồ. Ngày 28/3, xét nghiệm sàng lọc của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2, sau đó bệnh nhân được chuyển vào cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Cùng ngày mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định. CA BỆNH 186 (BN186): Bệnh nhân nữ, 52 tuổi, quốc tịch Pháp, là vợ của bệnh nhân số 76, đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/3 trên chuyến bay TK162. Từ ngày 10/3 - 16/3, bệnh nhân đi qua TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An và Huế. Ngày 16/3, bệnh nhân đến Ninh Bình và được lấy mẫu xét nghiệm. CA BỆNH 187 (BN187): Bệnh nhân nam, 30 tuổi, quốc tịch Mỹ, địa chỉ ở Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội. Từ nước ngoài về sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN0054 ngày 13/3. Từ ngày 13/3 đến ngày 19/3, bệnh nhân tự cách ly ở nhà và có tiếp xúc gần với 4 trường hợp người Việt Nam và 5 trường hợp người nước ngoài ở cùng tòa nhà. Ngày 22/3, được lấy mẫu sàng lọc, ngày 25/3 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. CA BỆNH 188 (BN188): Bệnh nhân nữ, 44 tuổi, địa chỉ tại Mỹ Lương, Chương Mỹ, Hà Nội, bệnh nhân là nhân viên của công ty Trường Sinh cung cấp nước sôi cho Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân ở cùng, tiếp xúc gần với bệnh nhân số 169. Ngày 22/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, đau rát họng. Ngày 14/3, bệnh nhân có về quê ăn giỗ, sau đó quay lại làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở Giải Phóng và ngủ nghỉ tại đó, không đi đâu khỏi Bệnh viện Bạch Mai. CA BỆNH 189 (BN189): Bệnh nhân nữ, 46 tuổi, địa chỉ tại Tân Quang, Nông Cống, Thanh Hóa, là nhân viên thuộc bộ phận chuyển phát nước sôi của Công ty TNHH Trường Sinh tại các khoa/phòng Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân ở cùng nhà với 2 trường hợp làm cùng công ty dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong 2 tuần trở lại đây, bệnh nhân không đi đâu xa khỏi khuôn viên bệnh viện. Ngày 25/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, đau họng và sốt. Ngày 28/3, bệnh nhân được chuyển vào cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khỏe ổn định. CA BỆNH 190 (BN190): Bệnh nhân nữ, sinh năm 1971; CA BỆNH 191 (BN191): Bệnh nhân nữ, sinh năm 1984; CA BỆNH 192 (BN192): Bệnh nhân nữ, sinh năm 1997; CA BỆNH 193 (BN193): Bệnh nhân nữ, sinh năm 1999; CA BỆNH 194 (BN194): Bệnh nhân nữ, sinh năm 1978. Bộ Y tế khuyến cáo: Trân trọng đề nghị tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ 12 tới 27/3 thực hiện các biện pháp sau đây: - Gửi tin nhắn thông báo họ tên đầy đủ và địa chỉ nơi ở của mình vào số điện thoại 8889. - Liên lạc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại địa phương để được tư vấn. - Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến tại tokhaiyte.vn, thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe để được tư vấn và trợ giúp. Hồng Thiết

Tuổi trẻ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thiết kế mũ chắn giọt bắn ngừa Covid-19

TĐKT - Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền người bệnh và người nhà bệnh nhân những biện pháp phòng ngừa dịch Covid - 19, đoàn viên, thanh niên Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 đã triển khai làm 3000 mũ chắn giọt bắn ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 cung cấp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong quá trình khám và chữa bệnh. Đoàn viên thanh niên Bệnh viện TWQĐ 108 thực hiện làm 3000 mũ chắn giọt bắn ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 Trước tình hình giá bán mũ chắn giọt bắn cao và khan hiếm, đoàn viên thanh niên Bệnh viện đã sử dụng những nguyên liệu sẵn có và dễ kiếm để tạo thành mũ chắn giọt bắn ngăn ngừa virus SARS-CoV-2. Bác sĩ Nguyễn Hồng Tốt, Trưởng Ban Cán sự Đoàn Thanh niên Bệnh viện TWQĐ 108 chia sẻ, sau khi tham khảo một số đơn vị bạn về cách làm, Ban Cán sự Đoàn Bệnh viện đã triển khai mua nguyên liệu, hướng dẫn đoàn cơ sở trong Bệnh viện làm mũ chắn giọt bắn thông qua video clip. Sau khi đưa vào sử dụng, thông qua nhận xét của các cán bộ, nhân viên y tế trong Bệnh viện, mũ chắn giọt bắn đã nhận được những phản hồi tích cực, giúp cho cán bộ nhân viên yên tâm trong quá trình thăm khám và điều trị người bệnh. Mũ chắn giọt bắn ngăn ngừa được điều dưỡng viên sử dụng trong quá trình chăm sóc người bệnh Với giá thành rẻ hơn nhiều lần so với giá ngoài thị trường, mũ chắn giọt bắn do đoàn viên thanh niên Bệnh viện TWQĐ 108 thực hiện đã trở thành trang bị phòng hộ hữu ích cho cán bộ, nhân viên bệnh viện trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 cùng cả nước. Ngoài ra, những khẩu hiệu nhỏ trên mũ đã truyền tải những thông tin nhắc nhở mọi người về kiểm soát phòng, chống dịch. Nhân viên Ban Công tác xã hội Bệnh viện sử dụng mũ chắn giọt bắn ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 trong quá trình tiếp đón người bệnh Đây là hoạt động thể hiện sự vào cuộc kịp thời của tổ chức Đoàn Thanh niên Bệnh viện trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra khó lường, phức tạp, đã thể hiện vai trò tiên phong, đi đầu của Đoàn Thanh niên Bệnh viện TWQĐ 108 trong tham gia giữ gìn sức khoẻ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Bệnh viện. Mai Thảo

5 thành phố trực thuộc Trung ương tích cực phòng, chống dịch Covid - 19

TĐKT – “Với nhận thức là những địa bàn tập trung dân số đông, mật độ lớn, nhu cầu tiếp xúc tập thể rất cao, ảnh hưởng lớn đến thành công của công tác ngăn chặn dịch bệnh chung của cả nước, gần 3 tháng qua, 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19.” – Đó là ghi nhận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, diễn ra sáng 29/3. Thủ tướng chỉ rõ, 5 thành phố đã chủ động thực hiện các giải pháp tốt như: Họp chống dịch 2 ngày 1 lần; xử lý cương quyết các trường hợp người nước ngoài khi nhập cảnh; tổ chức cách ly, tiếp nhận các chuyến bay về từ nước ngoài tốt… Đặc biệt, sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng về việc không tụ tập đông người, đóng cửa các cơ sở kinh doanh không cần thiết để chống dịch Covid-19, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã làm kiên quyết, đạt kết quả bước đầu quan trọng. Thủ tướng đặc biệt ghi nhận sự đóng góp của ngành y tế và các địa phương đã tập trung điều trị cho người bệnh, nhất là các ca bệnh nặng, hiện chưa có người tử vong. Cuộc họp trực tuyến diễn ra tại điểm cầu TP Hà Nội Thủ tướng cũng ghi nhận sự chủ động của TP Hà Nội trong phát hiện và nhanh chóng đề xuất sớm với Trung ương các biện pháp xử lý ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, chỉ trong 2 ngày vừa qua, TP Hà Nội đã xác minh được toàn bộ nhân thân, lai lịch của 1.592 trường hợp bệnh nhân và đã ra quyết định cách ly; đang triển khai đi mẫu trong hai ngày; rà soát tất cả những người đi cùng những bệnh nhân này vào thăm người thân trong bệnh viện. Thực hiện chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chiều 28/3, Hà Nội đã triển khai rà soát toàn bộ các bệnh nhân chạy thận xung quanh Bệnh viện Bạch Mai; bệnh nhân từ các tỉnh thành đang điều trị nội trú và khoảng gần 358 trường hợp thường xuyên hiến máu cho Bệnh viện Bạch Mai. Thành phố đang lên danh sách và ra quyết định cách ly. Với trường hợp khó khăn, thành phố sẽ có chế độ hỗ trợ... Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp. Thế giới đã có hàng vạn người bị nhiễm Covid-19, số tử vong tăng từng ngày, vì vậy, chúng ta cần quyết tâm cao hơn, có các biện pháp mới, quyết liệt, cụ thể hơn. Cần các biện pháp rõ hơn; các góp ý cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương cần phải sát với thực tế ở cơ sở, địa phương mình, nhất là tại 5 thành phố lớn là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, quyết tâm chính trị của các địa phương cũng góp phần quyết định thành công này. Các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới đội ngũ y tế làm công tác chống dịch; làm tốt công tác cách ly tập trung do quân đội làm chủ công, cách ly tại nhà do công an đảm nhận… Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý việc thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng bởi vẫn có địa phương chưa thực hiện nghiêm, coi thường, vẫn còn đám đông. “Đây là biện pháp quan trọng để phòng, chống lây lan dịch bệnh”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định. Mai Thảo

Giờ Trái đất 2020: Cả nước tiết kiệm hơn 800 triệu đồng tiền điện

TĐKT - Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), qua theo dõi và tổng hợp số liệu sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất 2020 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 28/3), cả nước đã tiết kiệm được 436.000 kWh, tương đương số tiền khoảng 812,9 triệu đồng. Trong năm 2019, hưởng ứng Giờ Trái đất, cả nước đã tiết kiệm sản lượng điện 492.000 kWh, tương đương số tiền 917 triệu đồng. Năm nay lượng điện năng tiết kiệm được trong Giờ Trái đất thấp hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm phụ tải tiêu thụ giảm đi đáng kể. Cụ thể, đến Giờ Trái đất chỉ còn ít thiết bị có thể tắt so với năm 2019. Trong những năm qua, Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và Bộ Công Thương đồng chủ trì đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ngay từ đầu tháng 3/2020, chuỗi các hoạt động đã được WWF tổ chức nhằm kêu gọi người dân và xã hội tham gia và hưởng ứng tắt đèn trong 1 giờ vào tối ngày 28/3. Chiến dịch Giờ Trái đất 2020 có chủ đề "Mất đa dạng sinh học" nhằm báo động về tình trạng suy kiệt các nguồn tài nguyên, thay đổi các môi trường sống trên trái đất, gây ra sự mất đa dạng sinh học trên diện rộng do sự tiêu dùng gia tăng chưa từng có khiến gia tăng đột biến nhu cầu sử dụng năng lượng, đất, nước... Nhiều hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2020 đã được triển khai: Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa và túi ni - lông; không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã…; tăng cường nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống dân sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức trực tuyến để quảng bá, tuyên truyền chủ đề, thông điệp Giờ Trái đất; tăng cường thời lượng, dung lượng đăng phát về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ môi trường; phát triển năng lượng sạch, thân thiện môi trường; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, góp phần hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh có tính chất truyền nhiễm cao. Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đảng và Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Ông cũng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên cả nước tham gia hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 bằng những hành động cụ thể để cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đất nước, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới… Bình Nguyên

Dập “ổ dịch” ở Bệnh viện Bạch Mai là nhiệm vụ rất quan trọng

TĐKT - Chiều 28/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai về các biện pháp dập ổ dịch ở cơ sở y tế này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp khẩn Đến nay đã có 12 ca mắc Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, theo nhận định của các chuyên gia, con số này sẽ tăng trong những ngày tới. Do vậy, Bệnh viện Bạch Mai được xác định là một trong những ổ dịch có nguy cơ cao nhất nước trong thời điểm này. “Chúng ta phải tập trung lực lượng của Bộ Y tế, của TP Hà Nội, của Bệnh viện Bạch Mai và các cơ quan liên quan để dập được ổ dịch này. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong những ngày tới” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay, các chuyên gia dịch tễ học đã theo dõi rất sát và phân tích ngày đêm để tìm ra đường lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai. “Ban đầu chúng tôi tập trung vào hướng lây nhiễm từ nhân viên y tế, nhưng sau khi có kết quả xét nghiệm thì thấy chưa thuyết phục. Đã có dấu hiệu của đường lây nhiễm thứ hai từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, điều tra dịch tễ tiếp, chúng tôi thấy có nguồn lây nguy hiểm hơn nữa là từ nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, hậu cần vào bệnh viện. Cụ thể một công ty cung cấp dịch vụ tại BV Bạch Mai đã có 5 người nhiễm” – PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ. Bên cạnh đó, còn có nguồn lây bệnh từ những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp, những người này di chuyển qua các bệnh viện. “Nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên các công ty cung cấp dịch vụ trong bệnh viện và những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp là rất lớn. Không chỉ BV Bạch Mai mà các bệnh viện khác phải đặc biệt chú ý hai nguồn này” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói. Một công việc vô cùng quan trọng để khoanh vùng và ngăn chặn dịch lây lan là phải lập được danh sách những người đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 12/3 đến nay từ các nguồn: Danh sách bệnh nhân, nhân viên y tế, sinh viên y thực tập, các cán bộ y tế học tập trao đổi kinh nghiệm… do Bệnh viện Bạch Mai lập; những thu nhận truy vết từ hệ thống y tế cơ sở của Hà Nội và các tỉnh, thành; những đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ vào bệnh viện. Sau đó kết hợp với điều tra dịch tễ học để phân loại các nhóm cần cách ly tập trung và xét nghiệm ngay, nhóm cách ly tại gia đình và được theo dõi y tế… PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: “BV Bạch Mai là cơ sở y tế lớn, mỗi ngày có từ 10.000 - 15.000 người qua lại, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm không chỉ từ bệnh nhân, cán bộ y tế, mà còn cả từ người đến thăm, người đến khám bệnh. Đề nghị nhân dân cung cấp thông tin về tất cả những người đã qua lại BV Bạch Mai trong thời gian từ ngày 12/3 để tiến hành khai báo và kiểm soát”. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp một số điện thoại 8889 để những ai đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay nhắn tin thông báo, hoặc bất kể ai biết thông tin về những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian nêu trên có thể nhắn tin phản ánh. Số 8889 đi vào hoạt động từ 7h00 sáng 29/3/2020. Từ sáng 28/3, BV Bạch Mai không tiếp nhận bệnh nhân mới, các cán bộ, nhân viên y tế đang ở trong bệnh viện được cách ly tập trung tại bệnh viện. Các bệnh nhân đang nằm trong bệnh viện sẽ tiếp tục được điều trị, trường hợp được điều trị khỏi phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về dịch tễ mới được xuất viện. Các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo cũng được tiếp tục điều trị. BV Bạch Mai sẽ hướng dẫn và có quy chế đối với các bệnh nhân này để họ tự cách ly tại nơi cư trú trong thời gian có dịch, thực hiện khai báo y tế bắt buộc theo quy định của TP Hà Nội để giám sát việc di chuyển, đảm bảo tránh mọi nguy cơ bị lây nhiễm hoặc để lây nhiễm trong cộng đồng. UBND TP Hà Nội đề nghị tạm dừng các dịch vụ hiện có tại Bệnh viện Bạch Mai, trừ dịch vụ tang lễ. Nếu có bệnh nhân tử vong tại bệnh viện thì thực hiện tang lễ theo đúng quy định trong thời điểm có dịch, mỗi đám tang không nên có quá 20 người tham dự. Các y, bác sĩ đang làm việc tại Bạch Mai cũng đồng thời thực hiện chế độ cách ly tập trung trong bệnh viện. Trong trường hợp cần thiết phải thay, thì những cán bộ, nhân viên y tế vào thay cũng thực hiện cách ly tập trung như vậy. Nếu có cán bộ, nhân viên y tế cần nghỉ ngơi thì họ có thể được ra ngoài, nhưng phải nghỉ ngơi trong cơ sở cách ly tập trung. Ngay sau cuộc họp, Bộ Y tế ra văn bản chỉ đạo toàn bộ hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước tăng cường tất cả các biện pháp, tránh xảy ra tình trạng tương tự như Bạch Mai. Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế và của chính quyền địa phương. Đặc biệt đối với việc tham gia cung cấp thông tin điều tra dịch tễ học trong trường hợp cần thiết phải bảo đảm cung cấp đầy đủ và trung thực, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm nhất, thậm chí cho thôi việc. Phát biểu kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta đều thấy việc dập được các ổ dịch có tính quyết định khi dịch đã lan vào cộng đồng. Chúng ta đã làm tốt với ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), ổ dịch ở Bình Thuận và chuyến bay VN0054, hiện chúng ta có hai ổ dịch cần đặc biệt lưu ý là quán bar Buddah ở TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai. Trong những ngày qua UBND TP Hà Nội đã rất chủ động, tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai thực hiện các biện pháp cần thiết. Tới đây, nhất định chúng ta phải quyết liệt hơn. Các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để dập bằng được ổ dịch này”. La Giang  

Bộ Y tế kêu gọi người dân hợp tác chống dịch COVID-19

TĐKT - Ngày 28/3, ngay sau khi phát hiện ra 4 bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, bao gồm 2 nữ điều dưỡng (BN86, BN87) tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, 2 bệnh nhân (BN) điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm hơn 5.000 nhân viên y tế, bệnh nhân và người lao động trong bệnh viện. Kết quả phát hiện 2 mẫu dương tính với SARS-COV-2. Đó là hai nhân viên đưa nước sôi của Công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp xuất ăn và nước sôi cho bệnh viện (BN168, BN169). Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành cách ly toàn bộ bệnh viện. Hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đang thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hai nhân viên của Công ty TNHH Trường Sinh có kết quả dương tính với SARS-COV-2 đã được cách ly theo dõi sức khỏe. Nhận định nguồn lây tại bệnh viện từ nhiều nguồn (từ người nhà bệnh nhân, người đến khám chữa bệnh viện). Hiện các nhân viên của bệnh viện Bạch Mai đã được xét nghiệm và không có trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2 (ngoại trừ 2 trường hợp Bộ Y tế đã thông báo). Để giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, Bộ Y tế đề nghị tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những ai đã khám, chữa bệnh, thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong thời gian từ ngày 12/3/2020 đến nay thực hiện ngay các biện pháp sau: - Liên lạc với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và trợ giúp; - Khai báo y tế qua ứng dụng NCOVI (tải về điện thoại di động từ ncovi.vn). Những người không có điện thoại di động có thể khai báo trực tuyến trên trang web tokhaiyte.vn. Thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của mình để được trợ giúp. - Tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà riêng hoặc nơi lưu trú trong vòng 14 ngày. Bộ Y tế đề nghị tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước thực hiện nghiêm những quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh COVID-19 theo quy định và thực hiện việc sàng lọc với một số bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện đóng trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Bộ Y tế kêu gọi chính quyền các địa phương và nhân dân thực hiện nghiêm những biện pháp mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 được áp dụng từ 0h ngày 28/03/2020, đặc biệt người dân chỉ đi ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết; khi ra ngoài cần luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m với người gần nhất. Bộ Y tế kêu gọi đồng bào và các bộ, ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay phối hợp với ngành y tế đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Hồng Thiết

Thêm 1 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và tiếp tục được theo dõi y tế theo quy định

TĐKT - Du khách người Anh, 58 tuổi, bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 33, sau 18 ngày điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế, đã hoàn toàn hồi phục và xuất viện trong sáng 28/3. Bệnh nhân được làm thủ tục ra viện sau khi đã cho kết quả 2 lần âm tính Bệnh nhân thứ 33, 58 tuổi, quốc tịch Anh được chuyển đến điều trị tại Khu cách ly Covid-19 cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế vào lúc 22 giờ 00 ngày 10/3. Kết quả xét nghiệm: Sau 2 lần xét nghiệm (cách nhau 24h) cho kết quả âm tính. Tình trạng bệnh nhân hiện tại và tiên lượng: Khỏe mạnh, ổn định, không ho, không sốt, không khó thở, đủ điều kiện xuất viện và tiếp tục được theo dõi y tế 14 ngày theo quy định. Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, ngoài BN 33, hiện tại bệnh viện cũng đang điều trị tại khu cách ly cho 3 bệnh nhân mắc Covid-19. Tình trạng của 3 trường hợp này đang ổn định dần. Nguyễn Hân  

Thêm 5 ca mắc COVID-19, Việt Nam đã có 174 bệnh nhân

TĐKT - 18h20 tối ngày 28/3, Bộ Y tế cho biết đã có thêm 5 bệnh nhân mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước ta đến thời điểm này là 174. CA BỆNH 170 (BN170): Bệnh nhân nam, 27 tuổi, có địa chỉ tại Định Hóa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nghề nghiệp: Lao động tự do (làm thạch cao). Đầu tháng 3/2020, bệnh nhân làm trần thạch cao trong khu đô thị mới của Vingroup ở huyện Gia Lâm. Tại đây bệnh nhân ở cùng 4 người, hàng ngày chủ yếu tiếp xúc với 4 người này và một người giám sát trông công trình. Thời điểm này bệnh nhân khỏe mạnh, không ho, không sốt. Khoảng ngày 14 - 15/3/2020, bệnh nhân biết tin bố ốm nên về quê. Bệnh nhân bắt xe Grab (nhưng không đặt xe trên điện thoại) từ Gia Lâm đến bến xe Giáp Bát, lúc 9h30 bệnh nhân lên xe của nhà xe Đức Long và về đến nhà khoảng 12h cùng ngày. Bệnh nhân ở nhà và không đi đâu trong thời gian khoảng 5 - 6 ngày (không ho, không sốt, không khó thở). Đến sáng ngày 20/3, bệnh nhân cùng hai người chú, thuê xe đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình để chuyển bố lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Khoảng 12h cùng ngày, bố của bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân và bố ở đây khoảng 1,5 – 2 giờ, sau đó bố của bệnh nhân được chuyển đến Khoa Tiêu hóa ở tầng 3. Từ 20 - 22/3, bệnh nhân đến mua và ăn cơm 5 lần ở quầy số 1 căng tin Bệnh viện Bạch Mai. Sáng ngày 22/3/2020, bệnh nhân đi xe ôm từ Bệnh viện Bạch Mai tới bến xe Giáp Bát, 9h30 lên xe Đức Long và về đến quê lúc 12h, vợ ra đón về. Tối cùng ngày, bệnh nhân bị sốt 38,5 độ C, được anh vợ chở vào Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn tối ngày 23/3/2020. Vào 10h30 ngày 25/3/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả ban đầu dương tính với virus SARS-CoV-2. CA BỆNH 171 (BN171): Bệnh nhân nữ, quốc tịch Việt Nam, 19 tuổi, là du học sinh tại Mỹ, có địa chỉ tại phường 11, quận 10, TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân từ Mỹ về, quá cảnh ở Philippines, nhập cảnh Việt Nam ngày 13/3/2020. Khi nhập cảnh, bệnh nhân không có triệu chứng và được yêu cầu cách ly tại nhà. Ngày 24/3/2020, Trung tâm Y tế Quận 10, TP Hồ Chí Minh tiến hành lấy mẫu theo diện điều tra cộng đồng những người từ Mỹ và Đông Nam Á trở về. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh kết luận mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với virus SARS-Cov-2 vào ngày 28/3/2020. Hiện bệnh nhân đã được đưa đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi. CA BỆNH 172 (BN 172): nữ, quốc tịch Việt Nam, là con dâu bệnh nhân số 133, chăm sóc bệnh nhân 23 ngày. Hiện nay bệnh nhân không ho, không sốt, không khó thở. CA BỆNH 173 (BN 173): nữ, quốc tịch Việt Nam, sống và làm việc Matxcơva (Liên bang Nga) về nước ngày 25/3/2020, được chuyển đến khu cách ly tập trung tại trường Đại học FPT ở Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Bệnh nhân xuất hiện sốt khoảng 38 độ C, kèm theo ho nhiều, đau mỏi người, đã được nhập viện. CA BỆNH 174 (BN 174): nữ, quốc tịch Việt Nam. Bệnh nhân làm việc tại nhà ăn Bệnh viện Bạch Mai, có tiếp xúc với nhiều người. Hai ngày nay bệnh nhân xuất hiện sốt từng cơn, sốt nóng 38,6 độ C, ho húng hắng có đờm trắng, không chảy nước mũi, không đau mỏi người, đã được nhập viện. Bộ Y tế khuyến cáo: Từ 0h ngày 28/3/2020 bắt đầu áp dụng việc hạn chế đi lại và các quy định chặt chẽ của Chính phủ nhằm ngăn chặn việc lây lan bệnh COVID-19. Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện tốt 5 điểm sau đây: 1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. 2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m. 3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. 4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh. 5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế. Hồng Thiết  

Lễ ủng hộ đội ngũ y, bác sĩ tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19

TĐKT - Ngày 27/3, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Lễ ủng hộ đội ngũ y, bác sĩ tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Dự buổi lễ có: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Trương Quốc Cường. Phó Chánh án, Chủ tịch Công đoàn Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền trao số tiền 750.000.000 đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đến Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã tiếp nhận số tiền 750.000.000 đồng từ lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và toàn thể cán bộ, công chức và người lao động hệ thống Tòa án nhân dân. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, toàn thể cán bộ, y bác sĩ, thầy thuốc ngành y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường gửi lời cảm ơn đến đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của ngành Tòa án nhân dân đã chia sẻ khó khăn và có sự ủng hộ thiết thực thể hiện tinh thần trách nhiệm tích cực chung tay cùng ngành y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngành Y tế xin cam kết với đồng chí Chánh án Tòa án, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngành Tòa án sẽ cố gắng hết sức, tận tâm, tậm lực thực hiện nhiệm vụ được giao dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia quyết tâm chiến thắng dịch bệnh này, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân, đem lại cuộc sống yên bình cho mọi người”. Phó Chánh án, Chủ tịch Công đoàn Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền cho biết, trong thời gian gần đây, tình hình dịch, bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đang tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đời sống của nhân dân. Do vậy, ngay từ khi dịch bệnh này mới xuất hiện tại Việt Nam, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Tòa án nhân dân cần áp dụng nhiều biện pháp để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã thành lập Đội phản ứng nhanh để tổ chức, kiểm tra, triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại trụ sở cơ quan; phối hợp, tham gia xác minh, điều tra để phân vùng trong trường hợp cán bộ, công chức và người lao động bị nghi ngờ mắc COVID-19; tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cộng đồng khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cùng với rất nhiều hoạt động đã được triển khai, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các Tòa án nhân dân ủng hộ ít nhất 1 ngày lương và tổng số tiền huy động được là 750.000.000 đồng. Để kịp thời động viên đối với đội ngũ y, bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm virus, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã kêu gọi đội ngũ công chức, người lao động của các Tòa án nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, với tinh thần trách nhiệm và tình cảm của mình tích cực chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là hành động thể hiện tinh thần, trách nhiệm của hệ thống Tòa án nhân dân đối với cộng đồng xã hội. Hồng Thiết

Trang