Chính trị - Xã hội

Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn: Kỷ niệm 10 năm “Giữ lửa cho tiếng Nga và nổi lửa cho tiếng Hàn”

BTĐKT - Sáng 24/11, Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ThS. Lê Thanh Vạn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn cho biết: Khoa tiếng Nga (tiền thân của Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn), Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được thành lập cách đây 10 năm theo Quyết định số 232/QĐ-BGH ngày 05/6/2013 do Giáo sư, Hiệu trưởng Trần Phương ký. Khoa tiếng Nga có chức năng là một đơn vị tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga kinh tế - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của xã hội và của các đơn vị trong trường. Từ năm 2013 đến năm 2017, khoa đã giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ cho hàng trăm sinh viên thuộc các khoa khác nhau trong trường. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh, nhưng trong 4 năm đầu thành lập khoa (từ 2013 - 2017), nhờ có những nỗ lực rất lớn của tập thể Ban Chủ nhiệm và giảng viên, khoa vẫn duy trì được một số lượng khoảng từ 100 - 150 sinh viên học tiếng Nga không chuyên, trong đó mỗi năm có khoảng 2 - 3 sinh viên tham gia kỳ thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức và nhận được học bổng toàn phần đi du học tại Liên bang Nga. Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Khoa tiếng Nga của HUBT tuyển sinh hệ cử nhân tiếng Nga. Năm 2019, khoa được lãnh đạo HUBT cho phép mở bộ môn tiếng Hàn không chuyên. Bắt đầu từ đó, Khoa tiếng Nga được đổi tên thành Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn và hoạt động với phương châm “Giữ lửa cho tiếng Nga và nổi lửa cho tiếng Hàn”, phản ánh đúng nhu cầu của xã hội. Hiện nay, khoa có gần 100 sinh viên theo học tiếng Nga, gần 400 sinh viên theo học tiếng Hàn. Trong 10 năm, khoa đã có 30 sinh viên đạt giải trong các kỳ thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức. Riêng năm 2023, có 5 em đạt giải và đầu tháng 10 vừa qua đã sang du học tại Liên bang Nga. Ngoài ra, sinh viên của khoa tham gia nhiều cuộc thi tiếng Nga về các chủ đề đất nước và con người cũng đã đạt giải. ThS. Lê Thanh Vạn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn phát biểu tại lễ kỷ niệm Nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh và những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, khoa đã xây dựng “Chiến lược phát triển của khoa từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, về quy mô đào tạo: Đối với tiếng Nga, khoa duy trì ở mức 1 - 2 lớp cử nhân tiếng Nga, còn đối với tiếng Hàn không chuyên sẽ tiến tới mức 10 - 15 lớp. Nếu trong vòng 2 - 3 năm tới khoa mở được hệ cử nhân tiếng Hàn thì sẽ phấn đấu để có 10 - 20 lớp cử nhân tiếng Hàn và khoảng 10 lớp tiếng Hàn không chuyên. Về mục tiêu chiến lược, giữ vững, củng cố và từng bước phát triển khoa là một khoa đào tạo trực thuộc Ban Giám hiệu như tất cả các khoa ngoại ngữ khác của trường; không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Nga, tiếng Hàn, thu hút ngày càng đông sinh viên theo học ở cả hai hình thức chuyên và không chuyên các thứ tiếng nói trên nhằm góp phần nâng cao uy tín và vị thế của HUBT đối với xã hội. Cần đặc biệt quan tâm tới các lớp cử nhân tiếng Nga, thực hiện mọi biện pháp có thể để sau này các sinh viên tốt nghiệp sẽ tìm được công ăn việc làm ở trong nước, cũng như tiếp tục đi học nâng cao hoặc đi làm việc ở Liên bang Nga, ở Hàn Quốc. Khoa coi đây là yếu tố quan trọng nhất, là cơ sở và là bàn đạp để tiếp tục phát triển khoa trong tương lai. Phương Thanh

Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới

BTĐKT - “Việc ứng dụng và phát triển loại hình sản phẩm cốm vị thuốc vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại Việt Nam sẽ là hướng đi tất yếu trong tương lai”. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo "Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới" do Khoa Dược, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức sáng 24/11. TS. Lê Ngọc Phan, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Dược phát biểu tại hội thảo Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Ngọc Phan, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Dược cho biết: Khoa Dược, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập ngày 15/8/2014. Đến nay, khoa đã quy tụ được đội ngũ giảng viên có trình độ và kinh nghiệm trong giảng dạy, được trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn gồm 18 phòng thí nghiệm với đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tính đến nay, Khoa Dược đã đào tạo được 3 khóa ra trường, các sinh viên tốt nghiệp đều được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản, các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành dược học đảm bảo đạt chuẩn năng lực cơ bản của dược sĩ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thị trường dược phẩm trong nước. Trong thời gian qua, song song với hoạt động đào tạo, khoa đã có nhiều cố gắng trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Các đề tài do khoa triển khai thành công đều có tính thực tiễn và khoa học, phục vụ kịp thời cho hoạt động đào tạo. Hội thảo khoa học "Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới" chia sẻ kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ của dược sĩ chuyên khoa II (DSCKII) Trần Bình Duyên, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm, Dược liệu Trung ương I (Mediplantex), hiện đang là Trưởng Bộ môn Dược liệu - Dược cổ truyền (Khoa Dược, Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội). Đề tài nghiên cứu đã vận dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại để bào chế thành công “cốm vị thuốc”. Không những thế, tác giả đã thành công triển khai ứng dụng nghiên cứu của mình vào sản xuất quy mô công nghiệp, đã sản xuất được gần 200 loại cốm vị thuốc. Đây là một bước ngoặt trong việc hiện đại hóa dược học cổ truyền, góp phần phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.  Dược sĩ CKII Trần Bình Duyên chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội thảo Tại hội thảo, DSCKII Trần Bình Duyên cho biết: Hiện nay rất nhiều nước sử dụng y học cổ truyền (YHCT) trong phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng cũng như nâng cao sức khỏe. Việt Nam có nền YHCT lâu đời, triển vọng sử dụng thuốc YHCT trong nước là rất lớn. Hàng năm, cả nước dùng khoảng 4,5 vạn tấn đến 5 vạn tấn dược liệu. Tuy nhiên, tình hình sử dụng thuốc YHCT hiện nay tại Việt Nam còn nhiều hạn chế: Chất lượng dược liệu dễ bị suy giảm do khó bảo quản; khó kiểm soát chất lượng dược liệu; việc sử dụng thuốc YHCT chưa tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ. Phương pháp sử dụng phổ biến nhất là sắc thuốc, trong khi sắc là một phương pháp kỳ công, tốn kém thời gian, người bệnh không sắc đúng hướng dẫn về kỹ thuật và thời gian có thể làm giảm hiệu quả điều trị… Cuối năm 2018, Hội đồng khoa học Bộ Y tế cho phép thực hiện dự án nghiên cứu "Nâng cấp quy trình điều chế và hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng của một số cao khô dược liệu" và tiến tới bào chế thành dạng cốm vị thuốc, một bước hiện đại hóa YHCT. Dự án được thực hiện trong 3 năm tại Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam, do DSCKII Trần Bình Duyên làm chủ nhiệm dự án. Kết quả, nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng của các cốm vị thuốc y học cổ truyền: Ba kích, bạch chỉ, bạch truật, cam thảo, cát cánh... với khoảng trên 200 loại, tiến tới sẽ chuẩn hóa tất cả các cốm vị thuốc y học cổ truyền. Cốm vị thuốc ra đời, ứng dụng trong thực tiễn điều trị của YHCT sẽ tạo ra bước đột phá trong việc sử dụng thuốc YHCT tại Việt Nam hiện nay với ưu điểm: Thuận lợi sử dụng, chất lượng được đảm bảo, đóng gói theo đơn vị chia liều nên dễ dàng bảo quản, vận chuyển, hấp thu nhanh, có thể điều chỉnh liều lượng dễ dàng, tạo ra nguồn nguyên liệu tiêu chuẩn hóa dưới dạng cao khô để phục vụ sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng... Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh phát biểu tại hội thảo Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh nhận định, hội thảo có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới là một hướng đi tốt. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các bệnh viện. Đặc biệt, cần chú trọng việc kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguồn thuốc, tiến tới xây dựng sàn giao dịch điện tử về thuốc đông y để minh bạch nguồn gốc thuốc… Nguyễn Công Giáp

Chung kết cuộc thi LogiChain 2023: Đấu trường tri thức về Logistics và quản lý chuỗi cung ứng

BTĐKT - Tối 23/11, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Câu lạc bộ Logistics và Chuỗi cung ứng LSC, thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức đêm chung kết cuộc thi LogiChain 2023: The High Clash - cuộc thi giải Case Study về Logistics và Chuỗi cung ứng dành cho sinh viên trên toàn quốc. Ban Tổ chức trao giải cho các đội thi Cuộc thi nhận được sự bảo trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và sự tham dự, cố vấn của Ban Giám khảo, khách mời là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực. LogiChain mùa 3 quay trở lại với chủ đề “Supply Chain Resilience”, tập trung vào việc giải quyết các tình huống thực tế của doanh nghiệp và hướng tới một chiến lược chung giữa các đội thi về lĩnh vực chuỗi cung ứng đàn hồi. Sau hơn 2 tháng khởi tranh, cuộc thi đã thu hút hơn 1340 thí sinh tới từ hơn 60 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. LogiChain 2023: The High Clash đã và đang thể hiện được sức hấp dẫn của một sân chơi học thuật chuyên nghiệp hàng đầu. Phát biểu khai mạc đêm chung kết, đồng chí Lê Minh Chiến, đại diện Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “Tôi tin rằng cuộc thi LogiChain 2023 là sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ, bạn sinh viên thể hiện đam mê cũng như tài năng của mình. Bên cạnh đó, cuộc thi là khởi đầu thuận lợi giúp các bạn có môi trường cọ sát, học hỏi kinh nghiệm từ những câu chuyện của các chuyên gia, bài toán thực tế của doanh nghiệp mà chúng tôi mang lại trong suốt quá trình tham gia cuộc thi. Cuộc thi là nơi ươm mầm những tài năng trẻ cũng như lan tỏa nhiều giá trị giúp các bạn có cái nhìn toàn diện, trang bị thêm các kỹ năng thực tế cần thiết đáp ứng nhu cầu của môi trường Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu”. Trải qua 3 phần thi đầy kịch tính, cuộc thi đã chứng kiến màn thể hiện vô cùng ấn tượng từ các thí sinh. Sau khi đánh giá, Hội đồng Ban Giám khảo đã thống nhất chọn ra đội thi xuất sắc nhất giành ngôi vô địch - Quán quân cuộc thi chính là The Circus với các thành viên đến từ Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở 2; giải thưởng Á quân thuộc về đội LOGCHARM. Đồng thời, 2 Quý quân của cuộc thi là đội The Taga và Shipper 15D5. Phương Thanh

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trao bằng tốt nghiệp cho 276 sinh viên Khối Sức khỏe

BTĐKT - Sáng 22/11, tại Hà Nội, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức “Lễ trao bằng tốt nghiệp bác sĩ y khoa, dược sĩ đại học và cử nhân điều dưỡng”. GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường cho biết: Cách đây 8 năm, các chuyên ngành đào tạo thuộc Khối Sức khỏe được thành lập, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tới nay, toàn khối có trên 2500 sinh viên Việt Nam và sinh viên nước bạn Lào đăng ký nhập học, trong đó gần 600 em đã tốt nghiệp ra trường. Kết quả khảo sát cho thấy 100% các em sau khi tốt nghiệp đều có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, hiện đang công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở nghiên cứu và các phòng khám chuyên khoa trên mọi miền tổ quốc. Các sinh viên Lào, sau khi tốt nghiệp về nước, được nhận vào làm việc ngay tại các cơ sở y tế nhà nước, một số em được vào làm việc tại bệnh viện lớn của thủ đô Viêng Chăn. Tất cả các em đều được các cơ sở chủ quản đánh giá cao về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Riêng năm học 2022 - 2023, cả khối có 336 sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo. Lần này, nhà trường tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đợt 1 cho các tân bác sĩ, dược sĩ đại học và cử nhân điều dưỡng, trong đó nhiều em tốt nghiệp đạt loại giỏi được nhà trường khen thưởng. So với các sinh viên ở khóa khác, đây là một trong những khóa sinh viên phải đối mặt với các điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong quá trình học tập. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, có giai đoạn tất cả các sinh viên của trường chuyển sang học trực tuyến, riêng sinh viên khối sức khỏe, do yêu cầu của ngành học, vẫn phải học trực tiếp và đi thực tập tại các bệnh viện, nhiều em đã cùng các thầy cô tích cực tham gia chống dịch tại các cơ sở y tế phường, quận và bệnh viện. Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường trao bằng tốt nghiệp cho các tân bác sĩ, dược sĩ đại học và cử nhân điều dưỡng GS. TS Nguyễn Công Nghiệp cho biết thêm: Nhà trường đang triển khai kế hoạch tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động đào tạo Khối Sức khỏe thời gian qua, từ đó xây dựng định hướng phát triển trong tương lai về tất cả các mặt: Đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, cân đối tài chính. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc hoàn thiện mô hình tổ chức cho phù hợp với tính chất đặc thù của ngành. Trong tương lai, nhà trường đang yêu cầu Khối Sức khỏe phối hợp với các khoa và các đơn vị chức năng nghiên cứu xây dựng phương án thành lập Viện Đào tạo sức khỏe, tạo tiền đề trong tương lai có thể phát triển thành trường đại học nằm trong Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Đồng thời, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và có bước đi phù hợp để xây dựng bệnh viện thực hành của nhà trường. Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường mong rằng các sinh viên tốt nghiệp lần này sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, không ngừng nâng cao y đức, trình độ chuyên môn, xứng đáng là những cán bộ y tế giỏi, những “lương y như từ mẫu”, góp sức mình vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhà trường sẵn sàng chào đón các em quay trở lại học tập, nâng cao trình độ ở các bậc đào tạo cao hơn. Tại buổi lễ, 113 sinh viên khoa Y, khóa YK22 (2017 - 2023), 151 sinh viên khoa Dược khóa 23 (2018 - 2023) và 12 sinh viên khoa Điều dưỡng khóa 24 (2019 - 2023) đã được trao bằng tốt nghiệp. Phương Thanh  

Tỉnh Yên Bái làm tốt cài đặt và dùng ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số

BTĐKT - Năm 2023, BHXH tỉnh Yên Bái được BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu cài đặt VssID cho trên 38.000 người tham gia BHXH, BHYT.  Tỉnh miền núi Yên Bái hiện có trên 30 dân tộc cùng sinh sống (dân tộc thiểu số chiếm gần 60%), có 09 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh thì có đến 2 huyện (Trạm Tấu và Mù Cang Chải) là huyện vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; trình độ dân trí không đồng đều; cơ sở hạ tầng về mạng Intenet còn yếu kém, có nơi chưa được phủ sóng… Do đó, tỉnh gặp không ít khó khăn trong công tác triển khai, hướng dẫn, cài đặt ứng dụng VssID và khó có thể hoàn thành chỉ tiêu cài đặt VssID giao trong năm 2023. Tuy nhiên, xác định được nhiệm vụ trọng tâm và tầm quan trọng lợi ích của việc chuyển đổi số, ứng dụng VssID trong lĩnh vực ngành BHXH Việt Nam triển khai, để giúp người tham gia BHXH, BHYT, BHTN nắm được quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN của bản thân. Ngay từ đầu năm sau khi nhận được các văn bản giao chỉ tiêu cài đặt của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã giao chỉ tiêu đến các phòng chuyên môn và BHXH các huyện, thị xã để tổ chức thực hiện, tăng cường tuyên truyền ứng dụng VssID đến nhân dân và người tham gia BHXH, BHYT. Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn cài đặt VssID cho người dân trên địa bàn. Cùng với đó, BHXH tỉnh tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông như: Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh cơ sở thực hiện trên 310 chuyên mục, tin, bài, trên 4.730 lượt phát thanh trên loa cơ sở phát đến các xã phường, thị trấn để người dân được biết lợi ích của việc cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID trong việc tra cứu quá trình tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh BHYT, lợi ích của việc khi đi KCB không phải dung thẻ BHYT giấy… Phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động, UBND các xã, phường, thị trấn, Tổ chức dịch vụ thu… tổ chức trên 320 hội nghị truyên tuyền chính sách BHXH, BHYT; trong đó lồng ghép nội dung tuyên truyền, hướng dẫn và cài đặt ứng dụng VssID cho các nhóm người tham gia trên địa bàn. Tính đến 21/11/2023 BHXH tỉnh đã cài đặt cho trên 162.000 người tham gia, đạt 98,9% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Sau khi được cài đặt, hướng dẫn sử dụng các tính năng ứng dụng VssID, đại đa số người đã cài đặt ứng dụng đều sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ BHYT giấy và họ đã tự chủ động tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh BHYT và tra cứu quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trên ứng dụng, …Đồng thời cài đặt ứng dụng VssID còn giúp người sử dụng theo dõi được quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, BHYT. Tra cứu các thông tin như mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; ứng dụng VssID còn giúp cho người dùng có thể thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động của người sử dụng lao động. Điều này sẽ góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Ứng dụng VssID còn là một kênh truyền thông trực tiếp đến người sử dụng; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Với những nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, BHXH tỉnh Yên Bái quyết tâm phấn đấu hết năm 2023 cài đặt cho trên 163.000 người, góp phần cùng toàn ngành BHXH Việt Nam hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu cài đặt VssID trong năm 2023. Gia Linh  

Hiệu quả từ mô hình “Hũ gạo tình thương, tặng thẻ BHYT, trao yêu thương"

BTĐKT - Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Bắc Giang, xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương, tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), trao yêu thương” giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trên địa bàn xã. Mô hình “Hũ gạo tình thương, tặng thẻ BHYT, trao yêu thương” đã được Hội LHPN xã Yên Thắng phát động từ tháng 10/2023 và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các chị em hội viên phụ nữ. Mô hình được triển khai sâu rộng tới các chi hội với mục đích giúp đỡ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa có cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng kinh tế khi không may đau ốm. Theo đó, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ. Ai có gạo thì ủng hộ gạo, ai có tiền thì ủng hộ tiền tùy theo tấm lòng của mỗi người. Đều đặn hằng tháng, các Hội phụ nữ xã gom số gạo từ các gia đình, số tiền nhận được từ các mạnh thường quân rồi mua thẻ BHYT cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn… Hội viên hội Hội phụ nữ, xã Yên Thắng hưởng ứng Cuộc vận động “Hũ gạo tình thương, tặng thẻ BHYT, trao gửi yêu thương”. Tính từ 10/2023 đến nay, Hội phụ nữ xã đã quyên góp trao đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn gần 40 thẻ BHYT (trong đó có 25 hội viên phụ nữ cận nghèo) Chị Mã Lò Mai - Chi hội trưởng phụ nữ thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, cho biết: “Lúc đầu khi thực hiện mô hình, một số hội viên còn nghi ngại về tính hiệu quả. Nhưng nhờ kiên trì tuyên truyền, tích cực vận động nên dần dần nhiều chị em tự nguyện tham gia, ủng hộ một cách nhiệt tình. Mong rằng, mô hình này sẽ được mọi người ủng hộ nhiệt tình để mang lại hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới”. Chị Phùng Lan Hoa, Hội trưởng Phụ nữ xã Yên Thắng chia sẻ thêm, mỗi lần trao tặng tấm thẻ BHYT cùng các phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thấy được nụ cười, niềm vui của họ, chúng tôi như có thêm động lực phấn đấu, cố gắng thực hiện mô hình tốt hơn nữa để có thể giúp được nhiều người hơn. Hiệu quả của phong trào giúp nhau đã tạo điều kiện gắn kết tinh thần tương thân tương ái giữa phụ nữ trong địa phương thêm bền chặt. “Hũ gạo tình thương, tặng thẻ BHYT, trao yêu thương” là một mô hình đầy ý nghĩa của Hội LHPN xã Yên Thắng, huyện Lục Yên. Sự phát triển và lan tỏa của mô hình đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của chị em phụ nữ dành cho những người khó khăn, neo đơn, chung tay thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn xã. Song Linh  

Đảm bảo tốt quyền lợi của người bệnh BHYT

BTĐKT - BHXH Việt Nam thời gian qua đã luôn đồng hành cùng ngành Y tế, các cơ sở KCB tích cực chủ động tìm và triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam đã được giải quyết kịp thời, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB và đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT theo Luật định. Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền để đảm bảo tốt quyền lợi của người bệnh BHYT Vướng mắc giữa cơ quan BHXH với cơ sở KCB chủ yếu liên quan đến chi phí vượt tổng mức thanh toán không được thanh toán theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ (Nghị định số 146). Đây là những vướng mắc thuộc về cơ chế, chính sách và đã được tháo gỡ thông qua việc Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146. Nghị định số 75 có hiệu lực từ ngày 03/12/2023, tuy nhiên, nội dung bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT được áp dụng hiệu lực trở về trước (từ ngày 01/01/2019). Theo đó, phần lớn chi phí vướng mắc thuộc về cơ chế, chính sách liên quan đến tổng mức từ năm 2019 đến năm 2022 sẽ được giải quyết. Nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị định số 75, với quan điểm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở KCB và người tham gia BHYT theo quy định, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ Nghị định số 75 khẩn trương, tập trung rà soát, tổng hợp các phần kinh phí vượt tổng mức trong các năm 2019, 2020, 2022 và đảm bảo hoàn thành thanh quyết toán sớm nhất theo quy định. Có thể thấy, trong điều kiện nguồn quỹ BHYT hữu hạn, việc bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT sẽ đặt ra nhiều yêu cầu mới trong kiểm soát gia tăng chi phí, phòng chống, ngăn chặn lạm dụng trục lợi quỹ BHYT… Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành BHXH Việt Nam mà còn là trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là ngành Y tế và các cơ sở KCB BHYT. Về vấn đề này, tại Nghị định số 75 yêu cầu, đối với bộ Y tế cần tăng cường trách nhiệm trong việc chỉ đạo các cơ sở KCB tuân thủ các quy định của pháp luật về KCB và BHYT, trong mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế… Các cơ sở y tế cần kịp thời có các biện pháp phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT theo thẩm quyền; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát xác minh các chi phí KCB BHYT tăng cao tại cơ sở và thực hiện giải pháp điều chỉnh phù hợp. Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) quy định, tổng mức thanh toán KCB BHYT là công cụ để kiểm soát gia tăng chi phí không hợp lý của phương thức thanh toán theo giá dịch vụ, chống lãng phí. Việc ban hành quy định tổng mức nhằm đảm bảo nguyên tắc nguồn kinh phí của Nhà nước được kiểm soát chi chặt chẽ theo các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là khi nguồn quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của doanh nghiệp, ngân sách, người dân. Thực hiện Nghị định số 146, các chi phí gia tăng bất hợp lý, vượt tổng mức thanh toán trong các năm 2019, 2020, 2022 không được quỹ BHYT thanh toán theo quy định. Riêng với phần vượt của năm 2021, nhằm hỗ trợ tối đa các cơ sở KCB BHYT có điều kiện thuận lợi để đảm bảo tốt quyền lợi cho người có thẻ BHYT trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế kịp thời đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 để tháo gỡ khó khăn, kịp thời đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB. Theo đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện và đã hoàn thành thanh quyết toán chi phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán trong năm 2021 theo Nghị quyết số 144/NQ-CP cho các cơ sở KCB với tổng số tiền là 4.326 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều khó khăn, vướng mắc khác trong thanh toán chi phí KCB thuộc thẩm quyền của mình, BHXH Việt Nam đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí cho hoạt động quý sau nhằm đảm bảo bảo kinh phí cho các cơ sở KCB BHYT hoạt động. Giai đoạn dịch Covid-19, nhiều cơ sở KCB khó khăn về kinh phí, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tạm ứng đầy đủ, nếu khó khăn, báo cáo BHXH Việt Nam để được giải quyết… Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tập trung trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những vướng mắc, bất cập, đồng thời phối hợp triển khai hiệu quả chính sách BHYT hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe và đảm bảo lợi ích cho người tham gia BHYT theo quy định. PV

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng tại tỉnh Bắc Giang

Ngày 15/11, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng tại tỉnh Bắc Giang. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân kiểm tra, giám sát công tác thi đua - khen thưởng tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VPCTN Báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Bắc Giang đã phát động các phong trào thi đua sâu rộng; triển khai nhiều nội dung, chương trình thi đua nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng theo tinh thần đổi mới. Tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động như: Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19; vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau... Địa phương tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua với những nội dung, chủ đề cụ thể, thiết thực. Trong các năm 2021, 2022 và 9 tháng năm 2023, tỉnh đã đề xuất Trung ương khen thưởng cấp Nhà nước đối với 661 tập thể, cá nhân; khen thưởng cấp tỉnh cho 16.149 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, sản xuất, phòng chống COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường đối ngoại trên địa bàn. Bắc Giang đã dành gần 30 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tặng thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... Công tác thi đua khen thưởng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, phong trào thi đua, khen thưởng ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; khen thưởng thành tích đột xuất chưa nhiều. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng mỏng, thiếu ổn định, kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trên các lĩnh vực theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng gắn với thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm (2021 - 2025); vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh trong việc tổ chức các cụm, khối thi đua; triển khai Luật Thi đua Khen thưởng năm 2022; giải pháp khen thưởng trực tiếp cho người lao động. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu. Ảnh: VPCTN Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương những thành tích Bắc Giang đã đạt được; đồng thời, chia sẻ với những tồn tại, khó khăn của tỉnh trong công tác thi đua khen thưởng và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị, Bắc Giang cần phát huy những thành tích đã đạt được; có kế hoạch và phương án cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chính sách pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị; gắn công tác thi đua khen thưởng với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương; trong đó, tập trung nguồn lực vào những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh. Đối với Luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024), Bắc Giang cần tổ chức quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương. Tỉnh tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng bảo đảm thực chất, hiệu quả; tránh phô trương, hình thức, tiêu cực. Đối với các phong trào thi đua của Trung ương, tỉnh nên chọn các phong trào phù hợp với địa phương, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đối với phong trào thi đua ở địa phương mỗi thời điểm cần chọn một hay hai phong trào để đẩy mạnh, tránh sự dàn trải. Địa phương tiếp tục đổi mới, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, khen đúng người, đúng việc, kịp thời và tạo tính lan tỏa cao. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; bố trí cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Về những đề nghị của Bắc Giang, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương tiếp tục tham mưu cho Bộ Nội vụ rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp với các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong các lĩnh vực chuyên ngành; triển khai quán triệt, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng các cấp. Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu. Ảnh: VPCTN Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương tiếp thu những chỉ đạo, gợi mở góp ý của Đoàn công tác. Tỉnh sẽ nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về công tác thi đua khen thưởng; mong muốn trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ nhận được nhiều sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về công tác này. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi đua khen thưởng. Theo vpctn.gov.vn

Khoa Quản lý nhà nước (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) kỷ niệm 10 năm thành lập

BTĐKT - Sáng 15/11, tại Hà Nội, Khoa Quản lý nhà nước, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. GS. TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cùng các thầy trong Ban Giám hiệu nhà trường tặng hoa chúc mừng Khoa Quản lý nhà nước Khoa Quản lý nhà nước được thành lập ngày 22/3/2013 theo Quyết định số 1181/QĐ-BGH của Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, là một trong các đơn vị đầu tiên thuộc các trường đại học ngoài công lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã ngành đào tạo cử nhân quản lý nhà nước và mã ngành đào tạo thạc sĩ ngành quản lý công. Khoa có 11 cán bộ giảng viên cơ hữu và trên 50 giảng viên thỉnh giảng gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ là những cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thực tiễn, nhiệt tình với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. PGS. TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ nhiệm Khoa Quản lý nhà nước phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS. TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ nhiệm Khoa Quản lý nhà nước cho biết: Trong 10 năm qua, Khoa Quản lý nhà nước đã đạt được các kết quả quan trọng trong nghiên cứu và đào tạo, giảng dạy. Khoa đã đào tạo gần 1000 sinh viên, đã có hơn 500 sinh viên bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp, trong đó có 57 sinh viên Lào. Ngoài ra, khoa đã xây dựng chương trình và tham gia giảng dạy các lớp liên thông, tại chức, kết quả đến nay có 3573 sinh viên đã được cấp bằng, còn lại 129 sinh viên đang theo học. Tính từ năm 2017 đến nay, khoa đã thực hiện giảng dạy 5 khóa cao học quản lý công, với tổng số 452 học viên; có 270 học viên đã tốt nghiệp, 122 học viên đang chuẩn bị viết luận văn tốt nghiệp; 60 học viên đang theo học. Đa số các học viên tốt nghiệp đều đạt loại khá, giỏi. Nhiều học viên sau khi nhận bằng thạc sĩ quản lý công đã được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo, trưởng, phó phòng chuyên môn hoặc bổ nhiệm vào ngạch công chức, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp trong bộ máy hành chính nhà nước các cấp. Để nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện chủ trương gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, khoa đã thành lập Hội đồng khoa, hàng năm xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học. Trong 10 năm qua, khoa đã triển khai nghiên cứu thành công 2 đề tài khoa học cấp trường, xây dựng 7 cuốn giáo trình; tổ chức 4 hội thảo khoa học với các chủ đề khác nhau mang tính cấp thiết, thời sự: Thuật ngữ khái niệm hành chính và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu và giảng dạy; xây dựng nền quản trị nhà nước hiện đại; căn cứ khoa học trong phân cấp quản lý hệ thống các cơ quan, tổ chức; những vấn đề trong quản trị tổ chức các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, từ thực tiễn các trường đại học. Các cán bộ, giảng viên của khoa tích cực nghiên cứu, viết và công bố các bài báo khoa học trên tạp chí của trường và các tạp chí chuyên ngành ngoài trường. GS. TS Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích Khoa Quản lý nhà nước đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị khoa cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng chương trình, hiệu quả đào tạo, thu hút số lượng sinh viên chính quy, học viên cao học theo học nhiều hơn nữa. Phương Thanh  

Tác động của chuyển đổi số trong giám định BHYT

BTĐKT - Tác động của chuyển đổi số trong giám định BHYT đã giúp giảm đáng kể thời gian chờ KCB, các thông tin về thẻ BHYT được tra cứu trực tuyến và cập nhật trực tiếp vào phần mềm quản lý KCB của cơ sở y tế. Các trường hợp gia hạn thẻ, đủ điều kiện miễn cùng chi trả được cập nhật ngay giúp người bệnh được đảm bảo đầy đủ quyền lợi KCB ngay khi đang điều trị tại bệnh viện. Người bệnh tự tra cứu được thông tin về chi phí điều trị, các dịch vụ đã sử dụng, minh bạch quyền lợi hưởng BHYT đồng thời tăng cường vai trò tham gia kiểm soát sử dụng quỹ KCB của người tham gia BHYT. Nâng cao công tác chuyển đổi số trong hoạt động giám định BHYT. Đối với cơ sở KCB đã cập nhật thông tin về thẻ BHYT chính xác, kịp thời, hạn chế các sai sót khi lập hồ sơ bệnh án và đề nghị thanh toán BHYT. Theo dõi được lịch sử KCB, thuận lợi cho việc khám bệnh, chẩn đoán. Chia sẻ kết quả cận lâm sàng, kết quả điều trị giữa các cơ sở y tế, giúp giảm các chỉ định lặp lại không cần thiết. Ngăn ngừa tình trạng lạm dụng thẻ BHYT đi KCB tại nhiều cơ sở y tế. Chủ động theo dõi được tình hình sử dụng kinh phí KCB tại đơn vị, chủ động điều chỉnh các nội dung chi chưa hợp lý. Đối với cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý sẽ thay đổi cơ bản phương thức giám định, nâng cao hiệu suất, hiệu quả giám định BHYT, rút ngắn thời gian giám định chi phí KCB BHYT. Phát hiện ngay các yêu cầu thanh toán sai quy định, kịp thời phối hợp với cơ sở y tế kiểm tra, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả kiểm soát sử dụng quỹ BHYT. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT. Kết quả giám định tự động và chủ động năm 2017 đã có 100% hồ sơ điện tử được kiểm soát về thông tin người tham gia BHYT, mức hưởng, quyền lợi hưởng và các quy tắc đã xây dựng về điều kiện, mức thanh toán đối với thuốc, dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế. Có CSDL tập trung toàn quốc, thông tin cụ thể phục vụ công tác quản lý, điều hành quỹ KCB BHYT và kịp thời đánh giá, kiến nghị điều chỉnh, xây dựng chính sách BHYT. Với những kết quả đạt được nêu trên, BHXH Việt Nam đã thực hiện thành công, sớm hơn so với yêu cầu “Trước năm 2018, hoàn thành việc liên thông hệ thống phần mềm CNTT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB nhằm cải tiến TTHC trong KCB, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, quản lý, sử dụng quỹ BHYT” được Quốc hội giao thực hiện tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội và Nghị Quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Để thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 và các chương trình, kế hoạch triển khai chuyển đổi số của BHXH Việt Nam, các đơn vị được giao thực hiện chuyển đổi số cần chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, đề ra các nhiệm vụ, các giải pháp trọng tâm thực hiện như: Tham mưu cho lãnh đạo ngành hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng ứng dụng CNTT. Đẩy nhanh việc số hóa, cập nhật và chuẩn hóa đầy đủ các CSDL dữ liệu liên quan. Đồng thời ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình chuyển đổi số. Phối hợp tốt với đơn vị chuyên môn đảm bảo hạ tầng CNTT, an ninh, an toàn thông tin trong quá trình triển khai.  Đặc biệt đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, trình độ, phát hiện những hạt nhân có năng lực tốt phục vụ chuyển đổi số. Kích thích sự đổi mới, sáng tạo, ứng dụng KHCN của từng CCVC. Gia Linh  

Trang