Chính trị - Xã hội

Tăng thuế thuốc lá: Bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tăng nguồn thu cho ngân sách

TĐKT - Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, việc tăng thuế thuốc lá có hai lợi ích cơ bản: Một là làm giảm sử dụng thuốc lá, qua đó giảm bệnh tật và tử vong và giảm chi phí khám, chữa bệnh do sử dụng thuốc lá; hai là tăng thu thuế của Chính phủ. Chính vì vậy, tăng thuế được gọi là biện pháp có lợi đôi đường: Lợi cho sức khỏe người dân và lợi cho ngân sách của Chính phủ. Đầu tiên, việc tăng thuế thuốc lá làm giảm sử dụng và ngăn ngừa trẻ em bắt đầu hút thuốc. Theo WHO, trung bình nếu giá thuốc lá tăng 10%, tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm 4% ở những nước có thu nhập cao và 5% ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Việc tăng thuế thuốc lá đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm trẻ và vị thành niên. Ước tính khi tăng thuế để giá tăng 10% thì tỷ lệ giảm tiêu dùng ở nhóm này cũng là 10% hoặc cao hơn. Thứ hai, việc tăng thuế thuốc lá làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi thuế tăng 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá của Chính phủ thêm 7%. Theo ước tính của WHO: Chính phủ các nước trên thế giới có thể thu thêm 141 tỷ USD từ thuế thuốc lá nếu tăng thuế với mức trung bình là 0,8 USD mỗi bao. Việc tăng thuế thuốc lá làm tiêu dùng thuốc lá giảm đi nhưng doanh thu thuế vẫn tăng vì thuốc lá là loại hàng hoá có tính gây nghiện nên tốc độ giảm tiêu dùng sẽ chậm hơn tốc độ tăng giá. Hơn nữa, do sự gia tăng dân số nên ngay cả khi tỷ lệ hút thuốc giảm thì tổng số người hút có thể chưa giảm hoặc giảm chậm. So sánh với các nước trong khu vực, có thể thấy việc tăng thuế thuốc lá đã có những tác động tích cực. Tại Thái Lan, từ 1993 - 2012, thuế thuốc lá tăng từ 55% lên 87% giá bán buôn đã có thuế (tương đương mức tăng từ 120% giá xuất xưởng lên thành 670% giá xuất xưởng). Kết quả là thu ngân sách tăng gấp 4 lần, (từ 500 triệu USD năm 1993, lên 2,1tỷ USD năm 2015, tỷ lệ hút thuốc chung giảm từ 32% (năm 1991) xuống còn 19,9% (năm 2015), trong khi sản lượng thuốc lá không thay đổi nhiều, dao động quanh con số 2 tỷ bao mỗi năm. Trong khi đó, năm 2012, Philippines thông qua luật thuế, tăng thuế thuốc lá từ 100% tới 300% (so với mức thuế năm 2012) với các nhóm thuốc lá khác nhau để tiến tới một mức thuế chung vào năm 2017. Kết quả là thu thuế thuốc lá của chính phủ Philippines đã tăng hơn gấp đôi ngay sau năm đầu tiên, từ 680 triệu USD năm 2012 lên thành 1,6 tỷ USD năm 2013, và tiếp tục tăng thành 2,2 tỷ USD năm 2015, hơn gấp 3 lần so với trước khi tăng thuế. Trong cùng thời gian, tỷ lệ hút thuốc ở Philippines đã giảm từ 29,7% năm 2009 xuống còn 23,8% năm 2015, đồng thời tỷ lệ hút thuốc ở giới trẻ (13 - 15 tuổi) đã giảm từ 6,8% xuống còn 5,5%. Các chuyên gia của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế và Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 2000 đồng hoặc tối ưu là 5000 đồng/bao thuốc lá từ 2020. Bên cạnh đó, thuế thuốc lá nên được tăng thường xuyên để theo kịp mức tăng thu nhập và lạm phát. Thuế thuốc lá nên tăng cho tới khi đạt 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ, như khuyến cáo của WHO. Hưng Vũ  

Tọa đàm Giáo dục ngày nay

TĐKT -  Ngày 6/10, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông đã tổ chức buổi Tọa đàm về nội dung “Giáo dục ngày nay”. Ông Ngô Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông Phát biểu tại buổi Tọa đàm Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ngô Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: “Hiện nay Trung tâm đang chuẩn bị việc biên soạn và xuất bản Đặc san Giáo dục Ngày nay, số đầu tiên phát hành trong tháng 10/2018 theo GPXB số 97/GP-XBĐS ngày 23/7/2018 của Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc san Giáo dục Ngày nay có tôn chỉ mục đích đăng tải các nội dung về hoạt động dạy và học, về khoa học giáo dục. Với mục tiêu xây dựng Đặc san Giáo dục Ngày nay thật sự là một ấn phẩm hữu ích trong ngành giáo dục, và là người bạn của thầy cô giáo, sinh viên, học sinh và phụ huynh… Tọa đàm về nội dung “Giáo dục ngày nay”, nhằm khẳng định: Giáo dục ngày nay là giáo dục toàn diện theo tinh thần đổi mới hiện nay là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; chú trọng cả dạy chữ, dạy người và dạy nghề. Giáo dục và đào tạo phải làm sao để tạo ra được những con người có phẩm chất, năng lực cần thiết để phục vụ đất nước, xây dựng xã hội; có đủ hiểu biết và kỹ năng cơ bản để sống tốt và làm việc hiệu quả… Toàn cảnh buổi tọa đàm “Giáo dục ngày nay” Tại tọa đàm đã có 5 tác giả trình bày tham luận: Nhà báo Hoàng Lê tham luận với chủ đề “Cải cách thi cử, được và chưa được”; Đại tá PGS, TS. Hồ Sơn Đài với chủ đề “Từ đổi mới nghiên cứu đến đổi mới giảng dạy môn học lịch sử quân sự hiện nay”; TS. Lê Hồng Minh với chủ đề “Tư vấn học đường, trách nhiệm giáo dục kỹ năng sống”; TS. Nguyễn Thị Hợp với chuyên đề “Giáo dục Việt Nam trong thời kỳ công nghệ 4.0”; ThS. Khánh Toàn với chủ đề “Giáo dục ngày nay”. Cùng với đó là nhiều ý kiến phát biểu thảo luận, góp phần làm sáng tỏ về giáo dục ngày nay là giáo dục toàn diện về năng lực và phẩm chất của người học; chú trọng cả dạy chữ, dạy người và dạy nghề…   Xuân Phúc

Phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ

TĐKT – Sáng 5/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Khoa học, Công nghệ toàn quốc ngành đo đạc và bản đồ năm 2018. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu khai mạc Hội nghị Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh: Lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc, Hội nghị khoa học, công nghệ toàn quốc ngành đo đạc và bản đồ là một sự kiện quan trọng của ngành, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý hoạt động đo đạc, bản đồ, viễn thám trên toàn quốc và các ngành có liên quan trao đổi, báo cáo thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ đo đạc và bản đồ toàn quốc trong giai đoạn vừa qua. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa mong muốn các báo cáo khoa học cùng các nội dung thảo luận tại Hội nghị sẽ làm cơ sở định hướng trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển ngành đo đạc, bản đồ đến năm 2030 và định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của ngành trong thời gian tới. Trong số các báo cáo khoa học được gửi tới Hội nghị, Ban tổ chức cùng với Hội Trắc địa, Bản đồ và Viễn thám Việt Nam cũng đã lựa chọn được hơn 15 bài viết tiêu biểu để đề xuất đăng ký báo cáo tại Hội nghị quốc tế các nhà đo đạc thế giới (FIG Working Week 2019). Hội nghị gồm 2 phần: Phiên toàn thể và 5 nhóm thảo luận chuyên đề (Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; đo đạc cơ bản; bản đồ; đo ảnh và viễn thám; đo đạc ứng dụng). Các báo cáo khoa học, công nghệ được giới thiệu tại Hội nghị là những công trình tiêu biểu về kết quả hoạt động, định hướng phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý. Ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam được ra đời ngày 14/12/1959 theo Quyết định số 44-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được xác định là ngành điều tra cơ bản, phục vụ công tác quản lý, quy hoạch lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, nâng cao dân trí. Đo đạc và bản đồ cũng là ngành khoa học và kỹ thuật, có liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực khác nhau, sự phát triển khoa học và công nghệ đo đạc và bản đồ cũng chịu sự tác động và ảnh hưởng trực tiếp của sự phát triển khoa học và công nghệ nói chung. Trong thập kỷ cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, công nghệ đo đạc và bản đồ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những thay đổi mang tính chất bước ngoặt: Công nghệ truyền thống dựa trên các phương pháp đo góc, đo cạnh, xử lý ảnh chụp mặt đất bằng mô hình quang học đã được thay thế bằng công nghệ số dựa trên nền tảng của công nghệ vệ tinh và công nghệ thông tin. Sự thay đổi công nghệ đo đạc và bản đồ đã tạo nên một vị thế mới cho ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam - là ngành điều tra cơ bản đóng vai trò quan trọng sản xuất thông tin địa lý về trái đất để tạo nên hạ tầng cơ sở thông tin cho xã hội, giúp cho quản lý tốt về lãnh thổ, đủ thông tin phục vụ cho quy hoạch phát triển bền vững, trợ giúp thông tin cho các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường, cung cấp thông tin cho nhu cầu sử dụng của cộng đồng. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành đo đạc và bản đồ đã đóng góp quan trọng trong việc hình thành hệ thống lý luận khoa học phục vụ việc ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ điều tra cơ bản, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh. Ngay từ khi thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, nay là Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới trong công tác đo đạc và bản đồ. Trong giai đoạn này, công nghệ đo GPS, công nghệ ảnh số, công nghệ Lidar và công nghệ GIS đã được nghiên cứu và áp dụng vào thực tế sản xuất tại Việt Nam. Các dự án lớn như: “Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:10.000 kèm mô hình số độ cao phù trùm cả nước và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 cho khu vực đô thị và kinh tế phát triển”, “Xây dựng mô hình số độ cao độ chính xác cao khu vực đồng bằng và ven biển phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, đã được thực hiện trên nền tảng các công nghệ hiện đại. Sản phẩm của các dự án này đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu quản lý nhà nước về lãnh thổ, về các hoạt động chung của xã hội cũng như phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng hệ thống lưới các trạm định vị vệ tinh (Continuously Operating Reference Station - CORS) đã được khởi động và đang triển khai thực hiện, đổi mới công nghệ đo đạc thực địa để xác định chính xác và kịp thời tọa độ, độ cao của các điểm chi tiết trong bối cảnh nhu cầu cần phải xác định nhanh chóng, chính xác và hiệu quả các dữ liệu bản đồ và thông tin địa lý, đáp ứng công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã triển khai công nghệ đo trọng lực tuyệt đối hiện đại để xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia, mạng lưới trắc địa địa động lực phủ trùm cả nước phục vụ việc nghiên cứu biến dạng vỏ trái đất trên lãnh thổ Việt Nam. Ngày 14/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Đo đạc và bản đồ, là một bước tiến rất quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở pháp lý để quản lý thống nhất nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, thúc đẩy ngành đo đạc và bản đồ phát triển trong thời gian tới. Luật Đo đạc và bản đồ đã ưu tiên công tác nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; nghiên cứu cơ bản về trái đất bằng phương pháp đo đạc và bản đồ tiên tiến, hiện đại. Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ thế giới, lĩnh vực đo đạc và bản đồ đã có những thay đổi đáng kể trong việc tạo lập, duy trì hạ tầng kỹ thuật hiện đại và thu nhận, xử lý, cung cấp các sản phẩm, dữ liệu đo đạc và bản đồ với độ chính xác cao. Phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là yêu cầu quan trọng để đảm bảo sự phát triển của lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Đồng thời, khoa học và công nghệ cũng đã được xác định là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện thế giới đang áp dụng những thành tựu to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành đo đạc và bản đồ đứng trước thách thức xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu sản phẩm đo đạc bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí. Phương Thanh

Hội nghị Khoa học kiểm nghiệm thực phẩm 2018

TĐKT - Ngày 4/10, tại Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị khoa học kiểm nghiệm thực phẩm 2018. Hội nghị có sự tham gia báo cáo của các nhà khoa học hàng đầu thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực kiểm nghiệm thực phẩm đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và đơn vị kiểm nghiệm. Hội nghị là sự kiện quan trọng nhằm tập hợp, công bố rộng rãi và chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và các ứng dụng thực tiễn trong kiểm nghiệm thực phẩm của Việt Nam và quốc tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị Hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm. Hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam trong những năm qua đã được chú trọng đầu tư từ tuyến Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, những trang thiết bị hiện đại, chính xác vẫn chủ yếu tập trung tại tuyến Trung ương. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương bằng các hình thức: Cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm nghiệm. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, trong tình hình mới về quản lý an toàn thực phẩm (giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm) cũng như với sự phát triển của khoa học kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trên thế giới ngày càng tiến bộ, Hội nghị sẽ là dịp để ngành kiểm nghiệm thực phẩm Việt Nam bắt nhịp cùng với khoa học kiểm nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới. Hội nghị là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học cung cấp nhiều kết quả quý báu trong việc xây dựng, triển khai các kỹ thuật kiểm nghiệm tiên tiến. Đây cũng là cơ sở tiền đề trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực, cải tạo và nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, bổ sung thiết bị hiện đại, xây dựng các phương pháp thử khó và mang tính chất phức tạp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với các thực phẩm đang lưu thông trên thị trường. Trong khuôn khổ Hội nghị, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã ban hành cuốn sách “Phương pháp kiểm nghiệm chất lượng và an toàn thực phẩm” nhằm từng bước hướng tới thống nhất các phòng kiểm nghiệm và phương pháp kiểm nghiệm thực phẩm trên toàn quốc. Nội dung cuốn sách với gần 100 phương pháp, hướng đến các chỉ tiêu quan trọng của nhóm sản phẩm dinh dưỡng. Để đáp ứng với vấn đề kiểm nghiệm thực phẩm trong thời kỳ mới, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, cần phải đẩy mạnh đào tạo cán bộ kỹ thuật có chuyên môn sâu, thành thạo trong kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh. Đặc biệt, phải sớm sửa đổi, bổ sung và cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công tác kiểm nghiệm thực phẩm theo hướng hội nhập thế giới. Được biết, Hội nghị khoa học kiểm nghiệm thực phẩm 2018 diễn ra trong hai ngày 4 - 5/10/2018. Hồng Thiết

Bệnh viện phổi Trung ương cứu sống bệnh nhân bị suy hô hấp do hẹp khí quản

TĐKT - Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiến hành nội soi phế quản ống cứng đặt stent cứu sống bệnh nhân bị suy hô hấp cấp do hẹp khí quản. Bệnh nhân Trần Văn T (58 tuổi) có tiền sử bệnh suy hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đã được cấp cứu đặt nội khí quản thở máy cách đây 2 tháng. Sau khi ra viện, bệnh nhân vẫn còn khó thở nhẹ. Điều đáng nói, tình trạng khó thở ngày càng tăng, bệnh nhân ho khạc đờm nhiều hơn.    Khí quản bị hẹp gần hoàn toàn        Hình ảnh Stent khí quản Hình ảnh nội soi trước và sau can thiệp Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng khó thở nhiều, có tiếng rít thanh quản. Bệnh nhân đã được chụp CT scanner ngực có hình ảnh hẹp khí quản, được nội soi phế quản cấp cứu phát hiện thấy có tình trạng xơ sẹo gây chít hẹp gần hoàn toàn khẩu kính khí quản đoạn 1/3 trên, ngay dưới thanh môn. Tình trạng hẹp khí quản mức độ nặng này có nguy cơ đe dọa tử vong ngay cho người bệnh. Bệnh nhân đã được hội chẩn cấp cứu để can thiệp cứu sống. Bệnh nhân đã được tiến hành ngay nội soi phế quản ống cứng cấp cứu để nong rộng chỗ hẹp và đặt stent khí quản. Sau can thiệp thành công, bệnh nhân đã hết khó thở, tình trạng lâm sàng cải thiện nhiều và bệnh nhân đã được ra viện vào ngày 2/10/2018. TS. BS Vũ Khắc Đại, Phó Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, sẹo hẹp khí quản do di chứng sau đặt ống nội khí quản thở máy ít gặp nhưng thường hay bị chẩn đoán nhầm là hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc không được chẩn đoán. Vì vậy sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh, có thể gây tử vong cho người bệnh nếu không được chẩn đoán đúng và kịp thời. Bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp người bệnh có tiền sử đặt nội khí quản hoặc mở khí quản thở máy nếu có tình trạng khó thở, khó thở tăng dần không đáp ứng với các thuốc giãn phế quản, chống viêm thì cần được nội soi phế quản ống mềm kiểm tra, để phát hiện sớm, điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm. Hồng Thiết  

Thúc đẩy quyền của trẻ em gái Việt Nam

TĐKT - Vào ngày 7/10, 100 em gái từ nhiều tỉnh, thành trên khắp Việt Nam sẽ tới tham dự Diễn đàn Trẻ em gái 2018 – “Thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển” tại Trụ sở các cơ quan Quốc hội, số 22 Hùng Vương, Hà Nội để giao lưu và đối thoại với các lãnh đạo trung ương và địa phương về quyền được sống và phát triển trong một xã hội an toàn, bình đẳng và tôn trọng các em. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về Diễn đàn Trẻ em gái 2018 do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 2/10. Diễn đàn là hoạt động ý nghĩa, được tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10. Quang cảnh buổi họp báo Ngày 11/10 đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận là ngày Quốc tế Trẻ em gái từ năm 2012. Đây là nỗ lực rất lớn của chính phủ Canada, Liên minh châu Âu, Tổ chức Plan International và một số tổ chức quốc tế khác nhằm mục tiêu công nhận các quyền của trẻ em gái và những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt trên khắp thế giới.  Khởi đầu thành công từ năm 2012 đến nay, ngày Quốc tế Trẻ em gái đã trở thành một sự kiện có tầm ảnh hưởng toàn cầu, là nền tảng cho các hoạt động tuyên truyền, vận động chính sách của nhiều cá nhân, mạng lưới và tổ chức trên thế giới nhằm đem lại một cuộc sống an toàn và công bằng hơn cho trẻ em gái. Từ năm 2012, vào ngày 11/10 hàng năm, Plan International trên khắp thế giới đều cùng đối tác các cấp tổ chức các sự kiện Thúc đẩy quyền Trẻ em gái – Girls Takeover với quy mô khác nhau nhằm tôn vinh trẻ em gái và quyền của trẻ em gái. Đây là cơ hội cho trẻ em gái và nữ thanh niên được đóng vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực có ảnh hưởng tới cuộc sống của các em như chính trị, kinh tế, xã hội.  Thông qua chuỗi hoạt động toàn cầu, Plan International huy động nguồn lực để đảm bảo rằng sự hiện diện của trẻ em gái và phụ nữ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết và truyền cảm hứng cho mọi người cùng tham gia đẩy mạnh quyền của trẻ em gái. Trong 2 năm 2016 và 2017, Plan International đã tổ chức hơn 1.500 hoạt động trao quyền với sự tham gia của trẻ em gái và phụ nữ tại hơn 60 quốc gia trên khắp thế giới. Các em gái tại nhiều quốc gia đã đươc trao quyền đảm nhiệm các vị trí cấp cao trong chính phủ như Thủ tướng Nepal, Thủ tướng Phần Lan, Thủ tướng Canada, Phó Thủ tướng Paraguay, Thị trưởng thủ đô Dublin, Thị trưởng thủ đô Madrid… Tại Việt Nam, Plan International khởi động sự kiện Thúc đẩy quyền Trẻ em gái vào năm 2016, phối hợp cùng các em học sinh trường THPT Minh Khai, Hà Nội tổ chức sự kiện truyền thông về quyền trẻ em gái, thu hút hơn 1.000 học sinh, giáo viên và đại diện phụ huynh tham gia hưởng ứng. Năm 2017, Plan International mở rộng sự kiện tới 7 tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung là địa bàn làm việc của Plan, với hơn 85 em gái đã đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại địa phương của mình như chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã, Chủ tịch UBND huyện. Chuỗi sự kiện đã có sự tham gia hưởng ứng của hơn 15.000 trẻ em và người dân cộng đồng. Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2018, Plan International Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Trẻ em gái 2018 với chủ đề “Thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển.” Từ 5 đến 7/10/2018, Diễn đàn sẽ quy tụ 100 em gái đại diện cho hàng triệu trẻ em gái thành thị và vùng sâu vùng xa tại Việt Nam đến Hà Nội, tham gia hoạt động đối thoại cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội, các vụ, đơn vị chuyên môn của Văn phòng Quốc hội; đại diện các bộ, ngành, tổ chức Trung ương; và đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Văn hóa – Xã hội các địa phương. Tại Diễn đàn, các em gái và các đại diện lãnh đạo sẽ trao đổi về hai chủ đề nội dung “An toàn với trẻ em gái ở nơi công cộng” và “Tảo hôn và các hệ lụy”, cùng lắng nghe chia sẻ của các em gái về thực trạng vấn đề tại cộng đồng, những thách thức mà các em đang phải đối mặt mỗi ngày trên con đường học tập và phát triển của các em. Từ đó, các em gái đề xuất khuyến nghị tới các đại diện lãnh đạo liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các cơ quan ban, ngành, đoàn thể tham dự sự kiện lắng nghe, trả lời các em, cam kết sẽ có những hành động cần thiết để giải quyết vấn đề an toàn của em gái tại nơi công cộng trong thành phố và nạn tảo hôn tại các vùng dân tộc thiểu số.  Chiều cùng ngày, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp cùng đại diện lãnh đạo địa phương để xem xét các ý kiến tiếp thu từ các em gái, phân công trách nhiệm và lên kế hoạch thúc đẩy quyền của trẻ em gái nói riêng và quyền của trẻ em nói chung theo quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị. Diễn đàn Trẻ em gái năm 2018 là một cam kết bằng hành động của Quốc hội, chính phủ, của các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ Quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho các em gái tham gia vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, đảm bảo các nhóm quyền cơ bản của trẻ em. Đây cũng là cơ hội để các em gái được công nhận khả năng và truyền cảm hứng cho cộng đồng, các nhà lãnh đạo, và đặc biệt là những em gái khác cùng chung tay đảm bảo quyền và sự tham gia của trẻ em gái trong các quyết định liên quan tới sự phát triển của các em, giúp xây dựng một thế hệ nữ lãnh đạo trẻ tương lai luôn sẵn sàng tạo nên sự thay đổi. Hưng Vũ

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

TĐKT - Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Công văn nêu rõ, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 25,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội . Rửa tay bằng xà phòng hàng ngày để phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung vào năm học mới và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, cục Y tế Dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tích cực một số nội dung: Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch; tổ chức thực hiện chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống lây nhiễm tay chân miệng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình. Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo. Tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội phòng, chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi, viêm đường hô hấp khác. Chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp để khắc phục các tồn tại của địa phương. Tập trung cao độ các biện pháp phòng, chống để ngăn chặn tình trạng dịch bệnh tay chân miệng lan rộng, kéo dài. La Giang

Trao giải phóng sự truyền hình về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017 – 2018

TĐKT - Ngày 28/9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT)  tổ chức Lễ trao giải cuộc thi phóng sự truyền hình về chủ đề phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017 - 2018. Cuộc thi được phát động vào ngày 15/11/2017 theo Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” và Quyết định số 1671/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi phóng sự truyền hình về chủ đề phòng, chống tác hại của thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên các đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương năm 2017. Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả Sau gần 1 năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 tác phẩm dự thi là phóng sự truyền hình của phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài Trung ương, địa phương, cán bộ truyền thông của các Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe trên phạm vi cả nước. Trong đó, 13/38 tác phẩm vào chung khảo đã được chọn trao giải. Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự thi, Thứ trưởng Bộ TT&TT  Hoàng Vĩnh Bảo, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Các tác phẩm dự thi đều là phóng sự có chất lượng tốt, nội dung tuyên truyền sâu rộng, ý nghĩa giáo dục sâu sắc; thông tin chính xác, kịp thời; xác định các thông điệp truyền thông rõ ràng, ấn tượng. Nhiều tác phẩm dự thi của các tác giả chuyên nghiệp đã thể hiện góc nhìn đa dạng, sắc sảo của người làm báo về các vấn đề của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đó là việc bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật, công tác chống buôn lậu thuốc lá, đến việc đưa ra các nhân chứng, tài liệu chứng minh tác hại của việc hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động. Các giải thưởng được trao là sự ghi nhận, cổ vũ, động viên của Ban tổ chức dành cho các phóng viên, biên tập viên, các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng cho tập thể, cá nhân xuất sắc nhất, trong đó có 1 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 5 giải khuyến khích. Giải nhất được trao cho tác phẩm “Tôi không K nhân” của nhóm tác giả Kim Thoa, Việt Thắng, Tiến Dũng, Hoàng Hải của Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình. Ban Tổ chức cũng trao 3 giải cho các đơn vị có nhiều tác phẩm tham dự gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì. Giải nhất tập thể thuộc về Đài Truyền hình Việt Nam. Thục Anh

Nhiều hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện

TĐKT - Sáng 1/10, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Tỉnh ủy Hà Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 - 13/10/2018). Ban tổ chức thông tin về các hoạt động Nội dung trọng tâm của các hoạt động kỷ niệm: Hội thảo khoa học "Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam" do Tỉnh ủy Hà Nam và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào 8h ngày 9/10 và Lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng 9 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ và Chương trình nghệ thuật "Hà Nam đất mẹ Anh hùng" do Báo Nhân Dân phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức vào hồi 20 giờ ngày 10/10. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Nhân Dân, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nam và một số Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương trên cả nước. Nhân dịp này, Tỉnh ủy Hà Nam sẽ tổ chức khánh thành công trình Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh Đình Tràng, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý. Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, quê ở thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay là tổ phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý), tỉnh Hà Nam. Năm 1923, đồng chí rời quê hương ra TP Hải Phòng học Trường Kỹ nghệ thực hành và được giác ngộ cách mạng. Năm 1925, đồng chí tham gia vận động học sinh bãi khóa, viết đơn đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, đồng chí về Nam Định làm thợ nguội Nhà máy Sợi. Năm 1927, được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định. Đầu năm 1928, đồng chí trở lại Hải Phòng làm việc ở Nhà máy Tơ, bắt mối liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng. Tháng 4/1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hải Phòng. Tháng 8/1929, Tỉnh ủy lâm thời Hải Phòng thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công phụ trách xây dựng cơ sở, tổ chức Đảng ở Nhà máy Chai. Tháng 5/1930, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, giam ở nhà tù Hải Phòng. Ngày 29/1/1931, thực dân Pháp kết án đồng chí tù khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Mùa hè năm 1931, đồng chí bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Tháng 9/1936, đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động tại Hà Nội. Tháng 3/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức thành lập lại, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9/1937) và Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938). Ngày 29/12/1938, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau đó được thả vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 1/1939, đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9/1939. Tháng 9/1939, đồng chí được cử đi chỉ đạo xây dựng căn cứ bí mật của Xứ ủy ở tỉnh Phú Thọ. Tháng 10/1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An) và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ngày 18/1/1941, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt tại Hải Phòng, sau đó, bị đưa về giam giữ tại Hỏa Lò (Hà Nội). Ngày 1/9/1941, đồng chí bị xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng. Cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng thủy chung, sắt son với Đảng, dân tộc, vững niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Ghi nhớ, tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện cho sự nghiệp cách mạng, công trình Đài tưởng niệm Liệt sĩ Lương Khánh Thiện đã được dựng lên tại thị trấn Trường Sơn (An Lão, Hải Phòng), nơi đồng chí hy sinh. Trên quê hương Hà Nam, công trình nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện đã được hoàn thành xây dựng tại khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh phường Lam Hạ, TP Phủ Lý. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương cũng đã lựa chọn một số đơn vị hành chính, công trình công cộng mang tên đồng chí Lương Khánh Thiện. Tại tỉnh Hà Nam có 1 phường và hệ thống trường mầm non, tiểu học THCS mang tên đồng chí Lương Khánh Thiện. Phương Thanh

Học viện Nông nghiệp Việt Nam khai giảng năm học mới 2018 – 2019

TĐKT - Sáng 30/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế. Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao nhiều sản phẩm khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, phục vụ sự phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, thí điểm thực hiện chủ trương tự chủ đại học từ năm 2015, với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhà trường tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đạt trên 90%, phong trào khởi nghiệp sinh viên đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng được tích cực triển khai. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới Học viện Nông nghiệp Việt Nam Riêng trong năm học 2017 - 2018, toàn thể đảng bộ, cán bộ, viên chức và sinh viên Học viện đã ra sức rèn luyện, phấn đấu giữ vững lập trường chính trị, hết lòng, hết sức, chung sức, chung lòng phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển. Đã kết nạp được 110 đảng viên mới; 3 cá nhân được nhận huy hiệu 40 và 30 năm tuổi Đảng; được Đảng bộ khối khen thưởng là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; được Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực và khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong năm học qua, Học viện đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, 6 cá nhân được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 9 tập thể và 32 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen; 87 sinh viên đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, 682 sinh viên giỏi; trong đó có 2 sinh viên là thủ khoa tiêu biểu được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.  Học viện có 4 giống cây trồng được công nhận cấp quốc gia, 2 giống cây trồng được cho sản xuất thử nghiệm; thương mại hóa 4 giống lúa, 2 giống ngô và nhiều giải pháp hữu ích khác; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho 4 sản phẩm khoa học công nghệ; thực hiện tốt 17 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia. Nhiều sản phẩm đã được chuyển vào trung tâm ươm tạo khoa học công nghệ của Học viện để phát triển và thúc đẩy thương mại hóa, nhiều sản phẩm đã được đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ…. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương, chúc mừng những thành tựu mà các thế hệ thầy, cô giáo, cán bộ và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đạt được trong hơn 60 năm qua; khẳng định Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đi tiên phong trong đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với thực tiễn phát triển của sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng tranh Khuê Văn Các cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nhấn mạnh giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học - công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước, Tổng Bí thư yêu cầu Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần tích cực thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo. “Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện… Sinh viên tốt nghiệp đại học phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, cộng đồng và đất nước. Do vậy, ngoài đào tạo chuyên môn, nhà trường cần coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên; gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh", Tổng Bí thư yêu cầu. Trong bối cảnh thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bùng nổ thông tin như hiện nay, nhà trường cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng xác định đúng chuẩn đầu ra và chuyển đổi phương pháp từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo; ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại; gắn đào tạo của nhà trường với thực tiễn sản xuất, nhu cầu của xã hội, đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo; đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học - công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học - công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội, gắn kết chặt chẽ giữa trường đại học với địa phương sở tại.  Tổng Bí thư tin tưởng, trong thời gian tới, Học viện tiếp tục phát huy truyền thống của một trường đại học Anh hùng, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu sáng tạo để đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Học viện, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu "Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi". Thục Anh

Trang