Chính trị - Xã hội

Phát động cuộc thi viết về Bình đẳng giới năm 2018

TĐKT - Chiều 11/9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết về bình đẳng giới năm 2018. Đến dự có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà… Những năm qua, công tác bình đẳng giới ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình được đẩy mạnh với nhiều hình thức cụ thể, thiết thực, hướng vào nhiều đối tượng khác nhau. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đẩy lùi tư tưởng, định kiến giới, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do việc lựa chọn giới tính thai nhi, nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong xã hội... Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Lễ phát động Tuy nhiên, công tác truyền thông về bình đẳng giới cũng còn nhiều thách thức. Việc tuyên truyền về bình đẳng giới còn chưa được thường xuyên, chỉ tập trung vào một số dịp nhất định. Một số tác phẩm truyền thông vẫn còn định kiến giới. Một số vấn đề có tính chất nhạy cảm giới như bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái thường bị lạm dụng để "câu view", gây tác động ngược. Việc phát động cuộc thi viết sẽ góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác truyền thông, thay đổi hành vi về công tác bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng; tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về bình đẳng giới. Đây cũng là dịp ghi nhận, động viên, khen thưởng các phóng viên, cộng tác viên, thông tin viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có các tác phẩm báo chí chất lượng tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Cuộc thi được phát động từ ngày 11/9/2018 đến hết ngày 30/11/2018. Buổi lễ tổng kết, công bố các tác phẩm đoạt giải dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa tháng 12/2018. Về cơ cấu giải thưởng: Giải nhất 15 triệu đồng; giải nhì 10 triệu đồng và giải ba 5 triệu đồng, mỗi giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng. Buổi lễ tổng kết, công bố các tác phẩm đoạt giải dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa tháng 12/2018. Hồng Thiết

Phát động tặng một triệu cuốn vở cho học sinh vùng lũ lụt

TĐKT - Sáng 10/9, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Trung tâm truyền hình Thanh niên và các đơn vị liên quan triển khai chương trình Hội thu và trao tặng "Vở tặng bạn vùng lũ". Chương trình nhằm kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội góp phần chia sẻ với sự khó khăn của các em học sinh khu vực bị ảnh hưởng lũ lụt, giúp các em nhanh chóng ổn định tinh thần, vật chất trong năm học mới. Dự kiến chương trình sẽ phát động tặng một triệu cuốn vở cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở các địa phương chịu thiệt hại của lũ lụt, từ ngày 5/9/2018 - 30/1/2019. Chương trình hội thu và trao tặng sẽ được tổ chức vào các dịp: Khai giảng năm học mới, Đêm hội trăng rằm, Xuân biên giới, Tình nguyện mùa đông, Chào năm mới 2019.... Đại diện thầy và trò trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) tặng vở cho học sinh vùng lũ Chương trình được triển khai với nhiều hình thức quyên góp. Trước hết, chương trình sẽ được phát động rộng rãi trong các trường học, các đơn vị, cơ sở Đoàn, Hội, Đội nhằm kêu gọi sử dụng vở viết của chương trình để ủng hộ cho thiếu nhi vùng lũ với các chính sách đặc biệt là: Giảm giá từ 70% so với giá thị trường, đồng thời áp dụng chính sách mua 2 cuốn tặng 1 cho học sinh vùng lũ. Bên cạnh đó, chương trình cũng vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đặt mua vở viết tặng cho các trường và học sinh tiểu học và THCS tại các địa phương chịu thiệt hại của lũ lụt năm 2018. Các đơn vị có thể đăng ký nguyện vọng địa điểm trao tặng cụ thể (cấp tỉnh). Ngoài ra, chương trình cũng phát động trong các Liên chi Đội tham gia quyên góp và tổ chức hội thu "Tiết kiệm vở viết mới tặng bạn vùng lũ" tại các tỉnh thành phố phạm vi miền Trung và miền Bắc. Tại lễ phát động, chương trình tiến hành trao tặng 122.000 cuốn vở cho các địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình. Tại các tỉnh, thành Đoàn sẽ là đơn vị phối hợp hỗ trợ vận chuyển và tổ chức cấp phát đến học sinh các trường trên địa bàn. Mai Thảo  

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trao bằng tốt nghiệp văn bằng 2 ngành tiếng Anh

TĐKT - Sáng 8/9, tại Hà Nội, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phối hợp cùng trường Trung cấp Quốc tế Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp đại học văn bằng 2 ngành tiếng Anh - khóa 2016 - 2018 cho các học viên lớp VB2.05. Thầy giáo Trần Anh Thơ, Phó Trưởng Khoa Ngôn ngữ Anh, phụ trách lớp VB2.05 phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, thầy giáo Trần Anh Thơ, Phó Trưởng Khoa Ngôn ngữ Anh, phụ trách lớp VB2.05 cho biết: Niên khóa 2016 - 2018, Khoa hướng mục tiêu cao nhất của dạy học vào đổi mới chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, gia tăng luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đọc liên lĩnh vực, cập nhật xu thế hội nhập quốc tế và thực tiễn Việt Nam nhằm mở rộng tầm nhìn cho người học. Cùng với đó, dạy tư duy cho người học, hình thành con đường tự khám phá để người học tiếp tục học tập nói chung và học tiếng Anh suốt đời. Thầy giáo Trần Anh Thơ trao bằng tốt nghiệp cho 8 học viên tiêu biểu nhất Chương trình đào tạo của Khoa mang tính liên ngành, tính thực tiễn cao với phương thức nhất thể hóa giáo trình trong một khung chương trình cử nhân tiếng Anh xuyên suốt 108 tín chỉ. Các môn học có tính chất liên ngành, liên lĩnh vực, liên quan nhiều đến các lĩnh vực kinh tế - kinh doanh, công nghệ và quản lý hiện đại. Nguồn học liệu bổ trợ giúp người học tiếp thụ nhiều nội dung phong phú và đa dạng vì nó liên quan tới nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau rất hữu ích với đời sống. Sau khi tốt nghiệp, học viên có trình độ sử dụng tiếng Anh đạt điểm chuẩn IELTS từ 6.5 đến 7.0 tương đương với trình độ C1 của theo Khung chuẩn năng lực ngoại ngữ châu Âu (CEFR). Thầy và trò lớp VB2.05 chụp ảnh lưu niệm Nhân dịp này, thầy giáo Trần Anh Thơ gửi lời cảm ơn và ghi nhận sự tận tụy của các cán bộ, giáo viên và trợ lý của hai đơn vị liên kết: Trường Trung cấp Quốc tế Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội và Khoa tiếng Anh Cử nhân - HUBT đã quan tâm giúp đỡ để các học viên hoàn thành tốt chương trình học. Ngoài ra, nhà trường cũng mong rằng với những kết quả đã đạt được trong khóa học, các tân cử nhân sẽ sử dụng tốt để công việc sau này ngày càng đạt chất lượng tốt hơn. Tại buổi lễ, nhà trường đã trao bằng tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh văn bằng 2 - hệ chính quy cho 35 học viên. Phương Thanh

Nâng cao chất lượng trạm y tế, xã phường dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía Bắc

TĐKT - Ngày 7/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía Bắc. Đến dự, có Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo thống kê của Bộ Y tế, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh (KCB) ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế (TYT) xã. Tuy đã đạt được nhiều kết quả góp phần vào việc nâng cao sức khoẻ người dân nhưng y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít: TYT xã mới chỉ thực hiện được 50 - 70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến... Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ vai trò quan trọng của y tế cơ sở (bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, quận, huyện, thị xã) được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu của hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế, việc triển khai TYT xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc là: Liên tục – toàn diện – lồng ghép – phối hợp – dự phòng – gia đình – cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả. Lễ ký cam kết tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở Để triển khai đổi mới hoạt động của TYT xã, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Qua khảo sát, Bộ Y tế cho biết, mặc dù đã lựa chọn các TYT có nhà cửa tương đối nhưng việc bố trí các phòng, công năng sử dụng chưa phù hợp, hầu hết các trạm này phải được cải tạo, nâng cấp cho khang trang, sạch sẽ, bổ sung trang thiết bị cho đồng bộ. Dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm 26 TYT điểm. Các tỉnh sẽ xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019 - 2023) hoàn thành  đầu tư, nhân lực và hoạt động của TYT xã theo nguyên lý y học gia đình. Cũng trong sáng nay, tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký cam kết tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở giữa bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối với Sở Y tế và các Trung tâm Y tế quận, huyện có xã điểm; Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố với các Trung tâm Y tế quận, huyện có xã điểm. Hồng Thiết

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khai giảng năm học 2018 – 2019

TĐKT - Sáng 31/8, tại cơ sở Vĩnh Tuy, Hà Nội, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019, chào đón tân sinh viên khóa 23. TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Hiệu trưởng thường trực trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu khai giảng Với số lượng thí sinh đăng ký nhập học lớn nhất từ trước tới nay, mùa tuyển sinh 2018 – 2019 đã khẳng định thêm thương hiệu và uy tín của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tính đến ngày 20/8/2018, trường đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh đại học hệ chính quy năm học 2018 – 2019 (5.200 sinh viên). Đặc biệt, năm học này, trường đã tuyển sinh và khai giảng được khóa đào tạo Bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt đầu tiên. Trong năm học 2018 - 2019, phát huy những thành quả đã đạt được, nhà trường tiếp tục phấn đấu đạt quy mô đào tạo khoảng 25.000 sinh viên; hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; hoàn thành việc xây dựng Chiến lược phát triển trường và Báo cáo kiểm định chất lượng đào tạo; rà soát nhân sự, kiện toàn tổ chức một số đơn vị của Trường; tập trung để khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; triển khai nghiên cứu khoa học… Phát biểu khai giảng năm học mới, TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường cho biết: Đến nay, đã có 19 khóa sinh viên ra trường, số đã tốt nghiệp là trên 70.000 em. Hầu hết các em có việc làm ngay khi ra trường với mức lương khá cao. Nhiều em đã cố gắng rèn luyện tốt, không những trở thành những kỹ thuật viên, cán bộ quản lý tốt, nhiều em đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong các doanh nghiệp như phó giám đốc, giám đốc, phó phòng, trưởng phòng. Có em đã trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc của một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Nhiệt liệt hoan nghênh, chào đón các tân sinh viên khóa 23, TS. Đỗ Quế Lượng tin tưởng rằng noi gương các thế hệ đi trước, các em sẽ học tập, rèn luyện tốt ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường để sau này trở thành những công dân hữu ích, những nhà kỹ thuật, những nhà quản lý, lãnh đạo tốt của đất nước. Tân sinh viên khóa 23 tặng hoa chúc mừng TS Đỗ Quế Lượng Chia sẻ tại Lễ khai giảng, em Trịnh Hồng Ngọc, sinh viên khóa 23 cho biết: Những ngày đầu nhập học, xa nhà, xa quê hương, không tránh khỏi bỡ ngỡ, lo lắng, nhưng qua Tuần sinh hoạt công dân đầu năm, cảm nhận được sự nhiệt tình, quan tâm của các thầy cô giáo, chúng em yên tâm hơn nhiều và hứa sẽ quyết tâm thi đua rèn luyện đạo đức và tài năng, học tập tốt trong những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập tháng 6/1996, do Giáo sư Trần Phương, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm Hiệu trưởng. Đại diện các đơn vị trao học bổng tài trợ cho sinh viên nhà trường trong năm học mới Là cơ sở đào tạo đa ngành (trên 27 ngành), đa cấp (cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ), đa hình thức (chính quy, liên thông, vừa học - vừa làm, trực tuyến), trường xác định sứ mệnh của mình là đào tạo các nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật - công nghệ thực hành các bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng có y đức, tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với quy mô đào tạo 25 - 30 nghìn sinh viên/năm, trường có một đội ngũ cán bộ giảng dạy hùng hậu: 1.116 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 79 giáo sư, phó giáo sư, 105 tiến sĩ và 675 thạc sĩ. Ngoài sinh viên Việt Nam, trường còn đào tạo hàng nghìn sinh viên cho hai nước bạn Lào và Cam - pu - chia. Trường có 3 cơ sở với diện tích 22 ha, có đủ phòng học, phòng thực hành, phòng tập đa năng, thư viện... với đầy đủ phương tiện, thiết bị và đồ dùng dạy học hiện đại. Trường đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, là địa chỉ đào tạo tin cậy, có chất lượng trong hệ thống các trường đại học Việt Nam. Phương Thanh  

Người Việt chi 55 nghìn tỷ đồng mỗi năm vì thuốc lá

TĐKT - Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra rằng, cùng với các tổn thất về sức khoẻ, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các gánh nặng về kinh tế không chỉ cho người sử dụng mà còn cho cả gia đình họ và xã hội. Qua điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2016 cho thấy, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá một năm là 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trong số 25 bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 24 nghìn tỷ đồng/năm. Theo Bộ trưởng, một trong những yêu cầu cấp thiết của y tế công cộng hiện nay là bảo vệ cộng đồng khỏi những nguy cơ về sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra. Tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá tại nước ta là hơn 47%, đứng thứ 15 trên thế giới. Đặc biệt vẫn còn hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, hút thuốc thụ động. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2010, năm 2016 tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị năm giảm 6,5%. Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm khoảng 2%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm rõ rệt như tại nơi làm việc giảm 13,3%; tại nhà giảm 13,2%; trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%; trong trường đại học cao đẳng giảm 16,4%. Song, chế tài xử phạt chưa đạt như mong muốn. Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá gặp nhiều khó khăn bởi thuốc lá là sản phẩm gây nghiện. Nếu người hút thuốc không có nhận thức và không có quyết tâm cao thì việc bỏ thuốc thực sự là vấn đề khó. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số cơ quan đơn vị còn chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định của luật; vẫn còn tình trạng hút thuốc tại nơi có quy định cấm… Hưng Vũ

Giảm hút thuốc lá là bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho tương lai

TĐKT - Nhằm phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhiều năm qua các bộ, ban, ngành đã đồng loạt vào cuộc bằng những chủ trương và hành động cụ thể để giảm thiểu tối đa những tác động của thuốc lá đến cộng đồng.  Nhiều khẩu hiệu và mô hình được triển khai: Ngày Thế giới không thuốc lá, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, Nhà hàng không khói thuốc lá, Cơ sở khám, chữa bệnh không khói thuốc lá, Môi trường công sở không khói thuốc lá… cùng các chế tài xử phạt hút thuốc lá tại nơi công cộng đã có sức ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. Thuốc lá là một loại cây có độc, nhất là những lá già có hàm lượng nicotin cao. Nicotin được sử dụng ở liều thấp sẽ tạo ra sự sảng khoái nhẹ nhàng, làm dịu cơn đói và bớt mệt mỏi, tuy nhiên nếu dùng lâu dài sẽ gây lệ thuộc và độc hại cho cơ thể, liều cao sẽ gây chết người. Khói thuốc thải ra có chứa hơn 4700 chất khác nhau, trong một điếu thuốc có chứa 1-3mg nicotine, 20ml carbon monoxide (C0) làm chậm  sự vận chuyển oxy trong máu. Như vậy, ở một người vốn đã bị suy hô hấp thì khói thuốc sẽ làm cho tình trạng bệnh lý trầm trọng thêm. Ngoài các bệnh lý về hô hấp, thuốc lá còn là tác nhân của các bệnh lý tim mạch, ung thư, suy nhược thần kinh, tổn thương răng miệng và da…  Tại Hội thảo Tác động của tăng thuế thuốc lá đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em diễn ra vào tháng 6/2018, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Phụ nữ, trẻ em là những đối tượng không sử dụng thuốc lá nhưng đang phải gánh chịu hậu quả lớn nhất bởi thuốc lá thụ động, phơi nhiễm ngoài ý muốn. Đó là bệnh tật và tử vong do những người hút thuốc gây ra. Theo các chuyên gia y tế, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp, tăng triệu chứng hô hấp mãn tính, giảm sự phát triển ở phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ xảy thai, trẻ kém thông minh, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Có đến 1/2 số trẻ 13 - 15 tuổi và 2/3 phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động ngay tại gia đình ở Việt Nam. Trên thế giới, 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Đặc biệt, thuốc lá làm mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 nhóm bệnh thuốc lá gây ra. Nếu dừng hút thuốc sau 20 phút, nhịp tim giảm xuống về trạng thái bình thường, huyết áp và tuần hoàn được cải thiện. Sau 12 giờ dừng hút thuốc lá, cơ thể đã tự làm sạch lượng carbon monoxide – chất gây tử vong cao, nồng độ oxy trong cơ thể dần tăng cao. Sau nhiều ngày, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch giảm, các dây thần kinh được khôi phục, cơ thể người bệnh khỏe hơn do nồng độ nicotin giảm. Sau 10 năm, nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư miệng, cổ họng giảm còn một nửa so với người vẫn tiếp tục hút. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng khói thuốc được thải ra môi trường cao gấp 5 lần lượng hút vào. Trong đó, lượng chất độc thải ra từ điếu thuốc đang cháy cao gấp 21 lần lượng khói được thở ra. Thuốc lá không chỉ tàn phá cơ thể con người mà đang có tác động tiêu cực đến môi trường, dừng hút thuốc lá là bảo vệ sức khỏe của bạn, của gia đình và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ sau. Thục Anh

Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021

TĐKT - Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018-2021. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cho đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm nhưng những nỗi đau, vết thương do chất độc hóa học/Dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam đã và đang gây nhiều tác hại đến sức khỏe hàng triệu người dân Việt Nam và di chứng lâu dài cho các thế hệ con, cháu của những quân nhân và người dân bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Hội nghị Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; tiếp tục thực hiện Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, ngày 24/11/2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5305/QĐ-BYT phê duyệt Dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021. Dự án có mục tiêu cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người khuyết tật từng bước hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe và khuyết tật, nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật tại cơ sở y tế và cộng đồng. Dự án được triển khai thực hiện ban đầu ở 10 tỉnh, thành phố là Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre với tổng nguồn vốn là 72,3 tỷ đồng. Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện. Dịp này, Bộ Y tế cũng tổ chức lớp tập huấn cho các địa phương, đơn vị tham gia thực hiện Dự án như hướng dẫn về danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan với chất độc hóa học, phương pháp khám giám định; hướng dẫn về công tác tài chính thực hiện các hoạt động của Dự án… La Giang

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải quyết tốt chế độ BHXH, BHYT, BHTN

TĐKT- Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 8/2018. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị. Trong tháng 8, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã thu được nhiều kết quả nổi bật, đơn cử về BHXH bắt buộc là 13,97 triệu người; BHXH tự nguyện là 241 nghìn người; BHTN là 11,93 triệu người; BHYT là 81,76 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,25% dân số. Bên cạnh đó, số thu trong tháng 8, toàn ngành thu 28.932 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 8/2018 toàn ngành thu 202.917 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch cả năm; trong đó: Thu BHXH là 138.402 tỷ đồng, thu BHTN là 9.881 tỷ đồng, thu BHYT là 54.633 tỷ đồng. Quang cảnh Hội nghị Được biết, BHXH đã giải quyết 9.135 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 69.193 người hưởng trợ cấp 1 lần; 889.200 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Lũy kế 8 tháng đầu năm đã giải quyết 78.092 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 539.527 người hưởng trợ cấp 1 lần; 6.360.226 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Song song với đó, cả nước có khoảng 15,13 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; lũy kế 8 tháng đầu năm có 116 triệu lượt người KCB BHYT. BHXH cũng đã phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết cho 90.200 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 4.313 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Lũy kế 8 tháng đầu năm, giải quyết cho 464.087 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 23.299 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.   Ngoài ra, toàn ngành cũng đã chi trả 27.995 tỷ đồng chế độ BHXH, BHYT, BHTN, lũy kế đến hết tháng 8/2018, số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 201.973 tỷ đồng, đạt 68,61% kế hoạch cả năm. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách 29.920 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 101.822 tỷ đồng, chi quỹ BHTN 5.801 tỷ đồng và ước chi KCB BHYT 64.429 tỷ đồng. Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, phát huy kết quả đạt được, những tháng cuối năm, BHXH tập trung chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ trả sổ BHXH cho người lao động; tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên năm học 2018 - 2019. Đặc biệt, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHTN; tăng cường cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Hồng Thiết

Lễ tổng kết 10 năm hoạt động Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan

TĐKT - Ngày 28/8, huyện Hoằng Hóa đã tổ chức Lễ tổng kết “10 năm hoạt động Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan” (2008 - 2018). Sau 10 năm hoạt động (2008 – 2018), tổng số tiền Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa thu được là hơn 10 tỷ đồng. Quỹ đã chi hơn 5,8 tỷ đồng thưởng cho 7.241 lượt học sinh giỏi các cấp, cấp học bổng cho 1.750 lượt học sinh nghèo, vượt khó học khá, giỏi; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; tài trợ quỹ khuyến học 43 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa…, đóng góp to lớn vào phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của huyện Hoằng Hóa nói riêng và của cả nước nói chung. Các học sinh được nhận học bổng của Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền biểu dương, ghi nhận những đóng góp to lớn, sự cố gắng của anh em, con cháu trong dòng tộc họ Lê Xuân Lan, các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhiều năm qua đã tích cực ủng hộ cho Quỹ, góp phần phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài của quê hương, giúp các học sinh nghèo có điều kiện tốt hơn trong học tập. Gia đình Tiến sĩ Lê Bích Thắng ủng hộ thêm 1 tỷ đồng cho Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan Tại Lễ tổng kết, Quỹ Khuyến học Lê Xuân Lan huyện Hoằng Hóa đã trích hàng trăm triệu đồng bổ sung nguồn quỹ khuyến học cho các địa phương, trao học bổng cho các học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Hoằng Hóa. Đặc biệt vợ chồng Tiến sĩ Lê Xuân Thảo và Tiến sĩ Lê Bích Thắng đã ủng hộ thêm 1 tỷ đồng cho Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan và 100 triệu đồng cho Trường Tiểu học Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương. Các tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nhân dịp này Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã trao Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của huyện Hoằng Hóa. Thục Anh

Trang