Chính trị - Xã hội

USAID hỗ trợ Sáng kiến Chí giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác

TĐKT – Ngày 28/8, tại Hà Nội, chương trình Động vật hoang dã châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã chính thức khởi động Giai đoạn 3 của Sáng kiến Chí với mục đích giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam. Theo Ông Craig Hart, Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam: “Chính phủ Mỹ cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới trong nỗ lực chống lại tội phạm động vật hoang dã cũng như hỗ trợ các hoạt động giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã”. Lễ khởi động chương trình Động vật hoang dã châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn trái phép tê giác tại nhiều quốc gia châu Phi và đẩy nhiều phân loài tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và nỗ lực ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã, điển hình là việc ban hành Bộ Luật Hình sự mới với các quy định tăng nặng mức hình phạt đối với các hành vi sở hữu và buôn bán các loài động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang được xem là thị trường nóng trong việc trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác. Sáng kiến “Chí,” hay “Sức tại Chí” là một sáng kiến truyền thông xã hội giảm cầu tiêu thụ sừng tê giác thông qua các giải pháp truyền thông nhằm thay đổi hành vi sử dụng sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp của các nhóm người sử dụng. Dưới sự hỗ trợ của Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID, Giai đoạn 3 của Sáng kiến Chí sẽ tiếp tục góp phần giảm nhu cầu này thông qua các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi dựa trên các nghiên cứu nhằm truyền thông giúp thay đổi hành vi của nhóm đối tượng mục tiêu. Theo Bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam: “Chúng tôi rất vui mừng được chào đón đại diện của nhiều cơ quan Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo tồn, các doanh nhân và các phóng viên, nhà báo tham gia sự kiện ngày hôm nay. Điều đó cho thấy, toàn xã hội đang thể hiện một sự đồng thuận cao trong việc bảo vệ động vật hoang dã”. Bà cũng cho biết: “Dưới sự hỗ trợ của Chương trình Động vật hoang dã châu Á của USAID và sự cam kết mạnh mẽ của các đối tác Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm những giải pháp truyền thông thay đổi hành vi sáng tạo hơn để tiếp tục giảm thiểu hơn nữa nhu cầu sử dụng động vật hoang dã tại Việt Nam”. Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID hỗ trợ các giải pháp phòng, chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới. Chương trình hoạt động với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng các bộ phận và sản phẩm từ động vật hoang dã; tăng cường năng lực thực thi pháp luật; nâng cao kiến thức luật pháp và các nghiên cứu về luật; cũng như đẩy mạnh hợp tác khu vực nhằm giảm bớt tội phạm buôn bán động vật hoang dã tại Đông Nam Á, cụ thể là tại các quốc gia Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Các hoạt động của Chương trình tập trung vào 4 loài động vật hoang dã bao gồm voi, tê giác, hổ và tê tê. Để biết thêm thông tin, truy cập www.usaidwildlifeasia.org Mai Thảo

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở bán thuốc trên toàn quốc

TĐKT - Ngày 24/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại 775 điểm cầu về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Đến dự, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc hiện nay ở nước ta còn nhiều thách thức. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu, tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng xuất hiện không ít trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc. Trước tình hình này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành dược là thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn; ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối, đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc. Bấm nút triển khai kết nối các nhà thuốc Đến nay, Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc, song song với việc xây dựng các quy định nhằm pháp chế hóa yêu cầu bắt buộc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, đặc biệt triển khai thí điểm ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ… Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Đồng thời đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của Bộ Y tế nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, để Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8/2018 đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết, cụ thể, tuyên truyền thuyết phục. Đây là việc làm mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân và cho ngành y tế, trước hết nhân viên y tế cần ủng hộ chủ trương này. Cùng đó là sự đồng lòng quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng và các đại biểu đã bấm nút triển khai hệ thống kết nối các nhà thuốc trên cả nước. La Giang          

“Thành phố thông minh” tại Israel qua cảm nhận của thanh niên Việt Nam

TĐKT – Trong thời gian 3 tuần từ 25/7 - 28/8/2018, ba bạn gái tài năng đã xuất sắc giành được học bổng “Đồng hành cùng thanh niên Việt Nam khởi nghiệp” do Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty ALMA tổ chức được học tập trải nghiệm tại Đại học Tel Aviv, Israel với khóa học “Smart cities – Thành phố thông minh”.  “Trái với những gì em được biết đến qua truyền thông về khu vực Trung đông đầy bất ổn, Israel hiện ra với một khung cảnh vô cùng thanh bình và xinh đẹp” - Đó là cảm nhận chung của ba bạn thanh niên tiêu biểu (Quỳnh Nga, Tâm Anh và Phương Đông) khi được đặt chân đến đất nước này. Quỳnh Nga trải nghiệm công nghệ “thực tế ảo” (Virtual Reality). Chính quyền Tel Aviv áp dụng công nghệ này trong việc quy hoạch đô thị. Không chỉ có cảnh đẹp, các bạn cũng thấy thật bất ngờ với nền văn hóa đặc sắc nơi đây. Israel là một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc, vì vậy nơi đây sở hữu những nét đặc trưng không nơi nào có được. Con người ở đây vô cùng thân thiện, đặc biệt khi biết các bạn là người Việt Nam, họ tỏ ra rất vui mừng và muốn nói chuyện, trao đổi để biết nhiều hơn về Việt Nam. Trong khóa học về “Thành phố thông minh”, các bạn còn được đến thăm những địa điểm nổi tiếng của Israel: Thánh địa Jerusalem, hay thành cổ Masada cạnh Biển Chết và được giới thiệu về nhiều công nghệ, ứng dụng hiện đại. Họ đã có những giờ phút học tập sôi nổi, tham gia đóng góp ý kiến của mình, trao đổi với bạn học và giảng viên về những giải pháp ý tưởng để xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam. Lớp học Smart Cities với các sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau Quỳnh Nga cho biết: Tôi ấn tượng với các phương tiện giao thông công cộng thuận tiện ở thành phố thông minh này. Sử dụng ứng dụng Moovit là bạn có thể biết hết tuyến xe buýt, tuyến nào là tối ưu. Ngoài ra, khi học, chúng tôi còn được giới thiệu về nhiều thứ khác được số hoá rất hiện đại, tiện dụng cho người dân. Tuy nhiên, những tiện tích đó phải là công dân Tel aviv mới được quyền sử dụng. “Với kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được trong 3 tuần vừa qua, em đã có cái nhìn khác về việc áp dụng công nghệ. Trước đây em đã nghĩ đơn giản hơn về khía cạnh này, nhưng không nghĩ ở Israel họ có thể tạo được những ý tưởng không chỉ phục vụ ý muốn của người dân mà còn đoán trước được nhu cầu của họ, giúp họ thấy Tel Aviv là một nơi đáng sống. Chắc chắn là em sẽ có những thay đổi cho ý tưởng khởi nghiệp của bản thân, và sẽ còn phải hoàn thiện lại nhiều trước khi thực thi ý tưởng này” – Quỳnh Nga chia sẻ. Còn đối với Phương Đông, điều khiến em thích thú nhất trong suốt các hoạt động của khoá học là lần đến thăm Công viên tái chế rác thải Hiriya tại Tel Aviv. “Ban đầu khi nghe tới công viên, em đã tưởng tượng tới các bãi cỏ trải dài xanh mướt, những hàng cây thẳng tắp và thực tế đúng là như vậy. Nhưng thật khó tin khi biết công viên được xây dựng trên một núi rác. Bên cạnh đó, bọn e cũng được dẫn đi tham quan nhà máy xử lý rác thải, nhìn tận mắt quy trình tái chế rác từ lúc xử lý nguyên liệu thô cho tới khi tạo ra thành phẩm. Ở đây, mùi rác thải khá nặng, lúc mới đến chưa quen sẽ cảm thấy rất khó chịu. Chúng em cũng thắc mắc với nhân viên nhà máy là tại sao xây dựng công viên nhưng không xử lý mùi rác thải và họ giải thích rằng: Đây là cách để người dân đối mặt với những gì họ thải ra mỗi ngày. Câu trả lời này giúp em nhận ra giá trị của việc giáo dục ý thức cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là một mô hình mà nước ta nên học hỏi để triển khai trong tương lai.” Sau khi kết thúc khóa học, 3 bạn trẻ của Việt Nam còn có dịp được gặp gỡ doanh nhân Igal Ahouvi, chủ đầu tư công ty ALMA và cũng là nhà tài trợ Học bổng lần này. Ông Igal được biết đến là một doanh nhân và là nhà khởi nghiệp nổi tiếng người Israel. Câu chuyện khởi nghiệp thành công của ông khi có xuất thân chỉ là con của một người lái xe taxi đã cho các bạn nhiều bài học và kinh nghiệm bổ ích. Thục Anh

Hội thảo “Quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo – Mười năm nhìn lại”

TĐKT - Ngày 26/8, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo – Mười năm nhìn lại”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Quý Kiên tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Dự Hội thảo có đại diện các đơn vị trực thuộc bộ, đại diện lãnh đạo Chi cục Biển và Hải đảo 28 tỉnh, thành phố có biển, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác quốc tế. Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo Ngày 27/8/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh dấu việc thành lập và chính thức đi vào hoạt động của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 10 năm qua, Tổng cục Biển và Hải đảo đã từng bước xây dựng tổ chức bộ máy, hệ thống chính sách pháp luật, quản lý tổng hợp tài nguyên, và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, bước đầu hình thành cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn lực phục vụ quản lý. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã xây dựng và trình các cấp ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản hoàn chỉnh: Trình Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; trình ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn… Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước và điều tra TNMT biển và hải đảo được thực hiện đồng bộ ở các cấp từ Trung ương tới địa phương. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên đánh giá cao và ghi nhận những thành tích đã đạt được trong công tác quản lý tổng hợp TNMT biển và hải đảo trong 10 năm qua. Trong năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã giao cho ngành TNMT và trực tiếp là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Năm 2018, Bộ được giao tổng kết Nghị quyết Trung ương về Chiến lược Biển Việt Nam, tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Tổng thể điều tra cơ bản TNMT và hải đảo đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, tại Hội thảo, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung vào một số nội dung chủ yếu: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên cơ sở đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan cũng như nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống và tính khả thi của hệ thống chính sách, pháp luật. Xây dựng và thực hiện Chương trình trọng điểm về điều tra cơ bản TNMT biển và hải đảo; tăng cường các hoạt động điều tra cơ bản, đánh giá TNMT tạo cơ sở dữ liệu đầu vào để hoạch định chính sách, chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đẩy mạnh thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường biển. Đẩy mạnh xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học về TNMT biển để làm rõ luận cứ khoa học, luận cứ thực tiễn trong quá trình thực hiện công tác quản lý. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, nghiên cứu biển và đại dương. Tập trung nguồn lực xây dựng các quy hoạch về TNMT biển và hải đảo. Trong đó, hoàn thiện, trình Quốc hội Quy hoạch không gian biển quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ… Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã thảo luận và đề xuất những ý kiến, kiến nghị thiết thực góp phần xây dựng, hoàn thiện định hướng phát triển trong công tác nghiên cứu, quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Bình Nguyên

Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần thứ 3: Thông điệp về khát vọng hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng

TĐKT - Tối 25/8, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Chương trình Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần thứ 3 năm 2018. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại chương trình giao lưu Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam; đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam; các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần thứ 3 là một trong những sự kiện trọng tâm trong các hoạt động Kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019). Chương trình có sự tham dự của 12 đoàn đến từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ An ninh 6 nước thuộc lưu vực sông Mê Công: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và Mianma. Được tổ chức 2 năm một lần, chương trình đã trở thành một sự kiện hết sức có ý nghĩa trong công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên giới nói riêng của Việt Nam. Đây cũng là dịp để các lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu của các nước chia sẻ kinh nghiệm về những chương trình công tác đang được triển khai; qua đó tạo tiền đề xây dựng, bồi đắp mối quan hệ tốt đẹp, ngày càng gắn bó chặt chẽ, vì hòa bình, ổn định của khu vực biên giới. Đại biểu các nước tham dự chương trình giao lưu Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá cao sáng kiến của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại quốc phòng và hợp tác biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, cũng như trong khu vực. Chủ tịch Quốc hội mong muốn lực lượng bảo vệ biên giới các nước trong tiểu vùng sẽ ngày một gắn bó bền chặt hơn, hợp tác hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực, cùng thực hiện tốt các cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh khu vực: Phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, cứu trợ thiên tai, thảm họa, quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước dòng Mê Kông, cùng nhau xây dựng đường biên giới chung giữa các nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp gắn với dòng sông, bảo tồn sợi dây kết nối bền chặt của tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân các nước nói chung và nhân dân biên giới, lực lượng bảo vệ biên giới nói riêng. Điểm nhấn của chương trình là phần giao lưu với các khách mời là đại diện lãnh đạo lực lượng bảo vệ biên giới 6 nước, chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa về hoạt động đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng giữa Việt Nam và các nước trong tiểu vùng; sự phối hợp hiệu quả trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng biên... với mong muốn vun đắp tiểu vùng sông Mê Kông ngày càng phát triển. Xen kẽ giữa các phần giao lưu là các tiết mục văn nghệ đặc sắc, được dàn dựng công phu, sinh động do các nghệ sĩ đến từ Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, Đoàn Văn công Công an Trung Quốc, Đoàn Văn công Tổng cục Công an Quốc gia Campuchia và Đoàn Văn công QĐND Lào thể hiện, với các ca khúc ca ngợi tình đoàn kết, ca ngợi quê hương đất nước và các làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc. Bên cạnh đó, các phóng sự được phát sóng trong chương trình đã thể hiện chân thực, sống động vẻ đẹp thiên nhiên, con người, sự tương đồng về văn hóa, tập quán, tín ngưỡng của cư dân các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Phương Thanh

Thành công nhờ sân khấu hóa chính sách, pháp luật trong công nhân, lao động

TĐKT - Sân khấu hóa công tác tuyên truyền để chính sách pháp luật đến gần hơn, nhanh hơn với đoàn viên, người lao động là cách làm mới được tổ chức công đoàn các cấp lựa chọn thực hiện trong thời gian qua. Mới đây, Hội thi tìm hiểu chính sách pháp luật trong công nhân, lao động năm 2018 của Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp người lao động, được dư luận xã hội quan tâm, đánh giá cao. Nhỏ nhẹ nhắc nhau thực hiện các quy định, chính sách pháp luật Những câu chuyện cụ thể qua các tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ có tính nghệ thuật cao trên sân khấu do gần 200 diễn viên không chuyên - là đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa thể hiện đã khéo léo lồng ghép các thông điệp ý nghĩa tuyên truyền về chính sách, pháp luật lao động. Qua đó, làm cho đề tài tưởng chừng khô cứng này trở nên hấp dẫn, dễ nhớ, đi sâu vào lòng người. Mượn câu chuyện của một nam công nhân đang háo hức vì vừa mới được lên chức bố, đến gặp lãnh đạo công ty xin nghỉ phép, tiểu phẩm “Quyền lợi và trách nhiệm” của Công đoàn công ty Sakurai đã khéo léo phổ biến những quy định mới trong luật lao động; đồng thời gửi gắm thông điệp đến những doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cần tôn trọng, đảm bảo việc làm, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; lương, thưởng, trợ cấp, an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Tiểu phẩm “Bài học kinh nghiệm” của Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam tại Hội thi Còn thông qua câu chuyện ăn uống “chui” tại nơi sản xuất của nữ công nhân Lò Thị Lở và một số đồng nghiệp, làm mất an toàn, vệ sinh lao động, đe dọa đến tính mạng của công nhân cũng như gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, tiểu phẩm “Bài học kinh nghiệm” của Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu sắc những người lao động phải tôn trọng, chấp hành các kỷ luật lao động, quy định, quy ước của công ty đề ra… Các tiết mục tham gia Hội thi của 5 công đoàn cơ sở mang 5 màu sắc khác nhau, 5 nét đẹp riêng nhưng tất cả đều thể hiện những nội dung truyền tải sắc sảo, làm nổi bật vai trò của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, là tổ chức quan trọng đồng hành cùng với chủ sử dụng lao động đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Ông Ngô Thế Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Hội thi thành công nhờ có sự quan tâm phối hợp của lãnh đạo các doanh nghiệp đã tạo mọi điều kiện về con người, cơ sở vật chất để các cấp công đoàn cơ sở chỉ đạo quyết liệt, hăng hái luyện tập, thường xuyên quan tâm động viên cán bộ, đoàn viên là những thành viên tham gia đội thi. Dù công việc lao động, sản xuất hàng ngày rất vất vả, thời gian tăng ca, đôi lúc có những thành viên nhà ở xa, con nhỏ… song đã khắc phục, vượt lên tất cả, tạo được cho đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động không khí vui tươi lành, thu hút được đông đảo người đến tham gia và cổ vũ. Anh Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Sakurai Việt Nam, đơn vị giành giải nhất Hội thi cho biết: Để có được những tác phẩm chất lượng gửi đến Hội thi, toàn đội chúng tôi đã nỗ lực tập luyện liên tục trong vòng 1,5 tháng qua. Chủ yếu mọi người tranh thủ tập vào các ngày chủ nhật và ngoài giờ tăng ca với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương và cố gắng hết mình. Vất vả nhưng quãng thời gian 1,5 tháng đó đã mang lại cho đoàn viên, công nhân, lao động không khí vui tươi, tinh thần phấn khởi; đồng thời cũng là dịp để tổ chức công đoàn đến gần hơn với người lao động. Bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đánh giá cao kịch bản, sự chuẩn bị nghiêm túc, dàn dựng công phu cũng như phần thể hiện thành công của các tiết mục trong Hội thi. Đây là một mô hình sân khấu hóa tuyên truyền chính sách pháp luật trong công nhân, lao động rất thành công, cần chia sẻ cho các đơn vị công đoàn khác học tập và làm theo. Đa dạng hình thức tuyên truyền Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn là đơn vị lớn với gần 70.000 đoàn viên, công nhân, lao động, có quan hệ lao động khá phức tạp. Trước năm 2012 có nhiều cuộc đình công trái pháp luật của công nhân, lao động đã xảy ra làm ảnh hưởng không tốt tới môi trường đầu tư của tỉnh. Những năm qua, Ban chấp hành Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm và có các giải pháp tổ chức có hiệu quả hoạt động công đoàn, nhằm góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn. Để tổ chức tốt các hoạt động công đoàn, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn xác định khâu tuyên truyền cho công nhân, lao động nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật lao động là việc cần làm đầu tiên. Từ khi thành lập đến nay, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn đã tổ chức 3 Hội thi sân khấu hóa với các nội dung khác nhau: Hội thi tìm hiểu về chính sách bảo hiểm xã hội người lao động, Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với quy mô lớn và Hội thi chính sách pháp luật trong công nhân, lao động. Qua đó đã phát huy hiệu quả, tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động. Ngoài ra, nhằm nâng cao nhận thức cho công nhân, lao động, hàng năm Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức tuyên truyền tập trung cho trên 50 ngàn công nhân, lao động; tư vấn pháp luật cho công nhân tại nhà trọ; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quy mô lớn; tổ chức hoạt động câu lạc bộ nữ công, các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân, lao động, tổ chức sinh nhật tháng …. Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam quan tâm hỗ trợ nhà ở cho đoàn viên công đoàn Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam là một trong những điển hình như thế. Nhờ tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết Đại hội của Đảng của các cấp công đoàn đến người lao động bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, Công đoàn Sakurai vừa trở thành chỗ dựa vững chắc, vì quyền lợi của người lao động; vừa đại diện tham gia quản lý doanh nghiệp, trên cơ sở đó góp phần quan trọng vào việc giữ vững mối quan hệ lao động hài hòa tiến bộ, ổn định trong doanh nghiệp không để xảy ra đình công, lãn công, hay dừng việc tập thể.  Công ty thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quan hệ lao động, không nợ thuế, không nợ bảo hiểm xã hội, chi trả lương và các chế độ phúc lợi đúng quy định cho người lao động. Từ 830 đoàn viên (năm 2009) đến nay số lượng đoàn viên Công đoàn Sakurai đã lên đến 11.248 đoàn viên, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu công đoàn cơ sở vững mạnh. Ông Vũ Tuấn Minh, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Bên cạnh những thuận lợi, Công đoàn vẫn còn gặp một số những khó khăn: Khi tổ chức tuyên truyền những vấn đề chính sách đối với người lao động, vẫn còn nhiều chủ doanh nghiệp chưa đồng tình, hưởng ứng. Một bộ phận công nhân còn thờ ơ, thiếu quan tâm đến những quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình. Vì vậy, định hướng trong thời gian tới, các tổ chức công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, chính sách bảo hiểm xã hội, nâng cao nhận thức đối với công nhân cũng như người sử dụng lao động dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó sẽ ưu tiên hình thức tuyên truyền sân khấu hóa. Mai Thảo  

Khai mạc Hội nghị khoa học và Triển lãm Răng Hàm Mặt quốc tế lần thứ XI

TĐKT - Sáng 22/8, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Hội Răng Hàm Mặt (RHM) Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị khoa học và Triển lãm RHM quốc tế lần thứ XI. Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Liên đoàn Nha khoa thế giới FDI. Các đại biểu chủ trì Lễ khai mạc Phát biểu khai mạc, GS. Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội RHM Việt Nam, Giám đốc bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị cho biết: Hội nghị khoa học và Triển lãm RHM quốc tế được tổ chức hàng năm tại Thủ đô Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu lớn về cập nhật kiến thức, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng điều trị, giảm chuyển tuyến và giữ bệnh nhân điều trị trong nước. Hội nghị năm nay được tổ chức trong 4 ngày (22/8 - 24/8) tại 5 địa điểm: Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, khách sạn Nikko Hà Nội, khách sạn Deawoo Hà Nội, khách sạn Công đoàn Việt Nam, bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội. Triển lãm thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan Hội nghị có 28 phiên khoa học với trên 80 chuyên đề do các nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày về các lĩnh vực chuyên sâu đang được quan tâm: Phẫu thuật hàm mặt và sọ mặt, điều trị ung thư miệng - hàm mặt, cấy ghép implant, nắn chỉnh răng - mặt, phục hình răng và vật liệu nha khoa thông minh 4.0, ghép xương và tái tạo mô quanh răng, chỉnh hình xương mặt - hàm, vi phẫu thuật phục hình khuyết hổng lớn vùng hàm mặt, nha khoa dự phòng, nha khoa thẩm mỹ... Cùng với chương trình khoa học chọn lọc hấp dẫn là triển lãm nha khoa với 350 gian hàng giới thiệu các sản phẩm nha khoa nổi tiếng của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước tiên tiến. Nhờ thường xuyên cập nhật kỹ thuật tiên tiến, ngành RHM Việt Nam đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thành công trong việc giữ người bệnh điều trị trong nước, hàng năm còn thu hút hàng chục ngàn người từ nước ngoài đến Việt Nam điều trị.  Phương Thanh  

Bộ Nội vụ họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí

TĐKT - Chiều 20/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chủ trì họp báo. Cùng dự có Chánh Văn phòng Bộ - người phát ngôn của Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Quang cảnh họp báo Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua đã đồng hành cùng Bộ Nội vụ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Thứ trưởng mong rằng, công tác thông tin, truyền thông về những vấn đề xã hội quan tâm cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa để người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, thực hiện. Cùng với đó, Thứ trưởng cũng mong nhận được những ý kiến trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các phóng viên và đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Nội vụ nhằm đạt mục tiêu của buổi họp báo. Tại buổi họp báo, người phát ngôn của Bộ, Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh đã thông tin tới cơ quan báo chí kết quả một số công tác trọng tâm của Bộ trong thời gian qua và dự kiến nhiệm vụ công tác trọng tâm những thời gian tới. Theo đó, Bộ Nội vụ đã tập trung sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được Bộ Nội vụ thẩm tra từ 2015 đến ngày 6/8/2018 là 39.823 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 7 tháng đầu năm 2018 là 9.462 người). Trong đó, hưởng chính sách về hưu trước tuổi: 34.515 người, chiếm 86,67%; hưởng chính sách thôi việc ngay: 5.234 người, chiếm 13,14%; hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học: 29 người, chiếm 0,07%; hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước: 40 người, chiếm 0,1%. Tính theo cơ quan, đơn vị, các cơ quan Đảng, đoàn thể tinh giản 1.646 người, chiếm 4,13%; các cơ quan hành chính 4.726 người, chiếm 11,87%; các đơn vị sự nghiệp công lập 27.102 người, chiếm 68,06%; cán bộ công chức cấp xã 6.141 người, chiếm 15,42%; doanh nghiệp nhà nước: 192 người, chiếm 0,48%; hội 16 người, chiếm 0,4%. Các bộ, ngành khối Trung ương đã thực hiện việc tách, nhập, điều chỉnh các cục, vụ, viện phù hợp với tổ chức của bộ đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế. Tại địa phương, chính quyền cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành, các trung tâm, các quyết định thành lập mới, giải thể, chia, tách, sáp nhập các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và theo quy định của pháp luật. Song song với đó, Bộ Nội vụ đã thực hiện nghiêm quy định của Trung ương, chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề tinh giản biên chế. Sau 1 năm, Bộ đã có báo cáo sơ kết, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai khảo sát các đối tượng liên quan đánh giá về kết quả cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, các tỉnh với 18.347 phiếu khảo sát; điều tra xã hội học, khảo sát sự hài lòng của hơn 34.000 người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2017. Tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (SIPAS) vào ngày 2/5/2018. Phát huy thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ tham mưu sửa 6 Dự án Luật (Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật Thanh niên năm 2005; Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013) và 26 Nghị định có liên quan đến Nghị quyết Trung ương 6; Trung ương 7 khóa XII. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy BCHTW khóa XII. Đặc biệt, Bộ sẽ trình xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đủ 50% tiêu chí theo Nghị quyết số 1121/2016/UBTVQH13 và Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị từ nay đến năm 2021. Hồng Thiết  

Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện phẫu thuật lồng ngực có sử dụng máy tim phổi nhân tạo

TĐKT - Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp cùng Bệnh viện E thực hiện mổ cắt khối u trung thất, ca khó bằng phương pháp mổ mở ngực có sử dụng máy tim phổi nhân tạo. Đây là kỹ thuật mổ phức tạp cần phải có phẫu thuật viên có kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại ở một cơ sở phẫu thuật lồng ngực lớn mới có thể triển khai được. Phương pháp này được áp dụng phổ biến trong các ca mổ tim mở, nhưng đối với phẫu thuật mở lồng ngực, phẫu thuật phổi thì nó được coi là ca phẫu thuật đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tiên tiến này. Ca phẫu thuật lồng ngực đầu tiên có sử dụng máy tim phổi nhân tạo Bệnh nhân L.A (38 tuổi) vốn có tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng 2 tháng gần đây, chị có dấu hiệu ho, khó thở tăng dần. Khi đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, có cho dùng kháng sinh nhưng không đỡ. Ban đầu, bệnh nhân đến Bệnh viện Phổi Trung ương do tình trạng khó thở ngày càng tăng. Tại Bệnh viện, qua kết quả chụp chiếu cho thấy, bệnh nhân có khối u trung thất chèn ép vào phế khí quản gây hẹp hoàn toàn phế quản gốc trái. TS.BS. Đinh Văn Lượng - Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, khối u trung thất của nữ bệnh nhân được coi là bệnh lý bẩm sinh. Đây là một kén phế quản ở trung thất, theo thời gian, nang - kén phát triển lên và gây ra các triệu chứng điển hình như ho, khó thở… Mặc dù đây không phải bệnh lý đặc biệt nhưng với trường hợp nữ bệnh nhân này, khối u nằm ở vị trí phức tạp về giải phẫu. Khối u của bệnh nhân nằm ở vị trí trung tâm, chèn ép bên trái, sát tâm nhĩ trái, đặc biệt, khối u được bao bọc bởi các động mạch lớn của lồng ngực như động mạch chủ, động mạch phổi và thực quản… nên để mổ được thì bắt buộc phải sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo. ThS.BS. Nguyễn Viết Nghĩa - Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, việc bóc tách khối u buộc dùng hệ thống máy tim - phổi nhân tạo hỗ trợ trong trường hợp bệnh nhân ngừng hô hấp, tim mạch ngừng hoạt động. Hệ thống này tương tự tim, phổi của người bình thường, có vai trò đưa hệ thống tuần hoàn máu ra ngoài cơ thể cũng như hệ thống hô hấp tương tự 2 lá phổi của con người. Với phương pháp này, trong quá trình mổ, các mạch máu lớn ở trong lồng ngực sẽ kiểm soát, chủ động được. Chưa kể, nếu không mổ mở, với vị trí khối u sẽ không có con đường nào để đưa vào cắt bỏ khối u. Đây được coi là ca mổ đặc biệt, kỹ thuật mổ thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, mổ ngực khó bắt buộc phải có tim phổi nhân tạo. Đây cũng là phương pháp tiếp cận với ghép phổi và phẫu thuật lồng ngực khó để Việt Nam có thể hội nhập các nước trên thế giới. GS.TS. Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ, điểm đặc biệt của ca mổ này: Bệnh nhân có một khối u ở phía sau tim (tâm thất giữa) nếu mổ bình thường rất nguy hiểm. Trong quá trình mổ dẫn đến thay đổi nhịp đập của tim có thể gây ra tai biến phức tạp. Với ca khó như thế thì sự hỗ trợ máy tim phổi nhân tạo là rất cần thiết, làm thay chức năng cho tim, tim ngừng đập nhưng phổi vẫn hoạt động bình thường. Máy này đều đã được sử dụng trên cả nước, đặc biệt là các cơ sở điều trị về tim, trong các ca mổ tim mở. Đây là lần đầu áp dụng trong mổ phổi. Phương pháp này sẽ mở ra thời kỳ mới để Bệnh viện Phổi Trung ương chuẩn bị cho ghép phổi sau này.           Hồng Thiết

Chương trình nghệ thuật “Những trái tim đồng cảm”: Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2018), kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (28/8/1945 – 28/8/2018) và Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội, Công ty Truyền thông Thiên Sơn sẽ tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 10. Chương trình Những trái tim đồng cảm đã qua 9 lần tổ chức Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 27/8/2018 với sự tham gia của NSƯT Phương Thảo, ca sĩ Lê Mận, nghệ sĩ Mai Đình Tới, nhạc sĩ Hà Chương, diễn giả Sơn Lâm, thiếu nhi Trung tâm Văn hóa quận Ba Đình. Dẫn chương trình: Á hậu Huyền My và Lê Anh. Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 10 gồm hai phần: “Những mảnh đời bất hạnh”; “Những trái tim đồng cảm”. Thông qua Chương trình, Ban tổ chức sẽ tặng hơn 100 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng) cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, nạn nhân chất độc da cam; tặng 30 suất học bổng (mỗi suất 5 triệu đồng), tặng 5 xe đạp (mỗi xe 2 triệu đồng) cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ kinh phí xây dựng “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” tại xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Sau 10 năm chung tay góp sức vì trẻ em nghèo, Chương trình “Những trái tim đồng cảm” đã mổ tim nhân đạo cho hơn 100 trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh; xây dựng 30 nhà tình thương cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; tặng hơn 1000 sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và nạn nhân chất độc da cam; tặng hơn 8000 suất quà cho trẻ em nghèo… Đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng “Khu tưởng niệm 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và các công trình phụ trợ ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng. Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 10 do Công ty cổ phần Bất động sản Hà Quang, Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup tài trợ chính. Phương Thanh

Trang