Chính trị - Xã hội

Bắt giữ đối tượng vận chuyển 25 kg ma túy đá, 52 bánh hê-rô-in qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo

TĐKT - Vào hồi 10 giờ, ngày 17/7, qua công tác soi chiếu hành lý phương tiện xuất, nhập cảnh tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh, Đội kiểm soát phòng chống ma túy (thuộc Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh) đã phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng có hành vi vận chuyển nghi là ma túy từ Lào về Việt Nam. Tang vật gồm 25 kg ma túy đá và 52 bánh hê-rô-in. Tang vật gồm 25 kg ma túy đá và 52 bánh heroin Các đối tượng bị bắt giữ là Keo viset china, sinh năm 1982, Cang Chay , sinh năm 1993, Keo Phommasane - sinh năm 1967, đều sinh sống tại Thà Khẹt,  tỉnh Khăm Muộn, Lào. Bước đầu các đối tượng khai nhận số trên là ma túy đá và hê-rô-in, các đối tượng mua từ Lào đưa vào Việt Nam để tiêu thụ. Hiện tại, đối tượng và tang vật đã được bàn giao cho các lực lượng chức năng tiếp tục xử lý theo quy định. Hồng Thiết  

Tăng cường quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm ăn muối

TĐKT - Ngày 17/7, tại Hà Nội, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai dự án tăng cường quản lý tăng huyết áp(THA), đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm ăn muối. Theo đó, Quỹ Phòng, chống THA-Resolve, Bộ Y tế Việt Nam và WHO sẽ hỗ trợ ban đầu cho 11 tỉnh, thành phố nâng cao năng lực quản lý 2 bệnh này và truyền thông giảm tiêu thụ muối. TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam TS. Kidong Park cho biết, tiêu thụ nhiều muối là yếu tố nguy cơ rất quan trọng đối với tăng huyết áp. Tại Việt Nam, ước tính tiêu thụ muối trung bình là 9,4g, gần gấp đôi mức khuyến nghị của WHO dưới 5g/người/ngày.           Lượng tiêu thụ muối hàng ngày ở nam là 10,5g/ngày; ở nữ là 8,3g/ngày/người. Điều này dẫn đến bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và THA là 2 nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, chịu trách nhiệm cho 1/3 số ca tử vong ở Việt Nam hằng năm. Để giảm ăn muối, WHO sẽ hỗ trợ để xây dựng các khuyến nghị về lượng muối tối đa trong một số thực phẩm chế biến sẵn và tiến hành một chiến dịch truyền thông về giảm muối để nâng cao nhận thức của người dân. TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, ước tính Việt Nam có 12 triệu ngườiTHA, nhưng mới phát hiện được 43% và chỉ 14% được quản lý điều trị, còn 56,9% không được phát hiện. Với bệnh đái tháo đường, Việt Nam có hơn 3 triệu người mắc, mới phát hiện được 31% và quản lý điều trị khoảng 29%. Còn lại 68,9% không được phát hiện, đồng nghĩa với không được kiểm soát, điều trị. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do thiếu các dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã. Các bệnh không lây nhiễm chủ yếu được chẩn đoán, điều trị tại tuyến trên. Chỉ 12% xã thực hiện quản lý tăng huyết áp, hầu như chưa quản lý đái tháo đường tại xã. Cùng đó là thiếu cơ chế, chính sách về tài chính, bảo hiểm y tế hỗ trợ cho việc quản lý bệnh không lây nhiễm lại trạm y tế xã, tại cộng đồng. Năng lực cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế. Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của y tế dự phòng là tăng cường dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã và tại cộng đồng, trước mắt ưu tiên quản lý điều trị THA, đái tháo đường. Theo đó, mục tiêu đến năm 2018, 100% trạm y tế được đào tạo điều trị quản lý THA và đái tháo đường. Đến năm 2019, ít nhất 70% trạm y tế điều trị quản lý THA và 40% trạm y tế điều trị quản lý đái tháo đường. Năm 2020 cũng sẽ có ít nhất 40% người trưởng thành từ 40 tuổi được đo huyết áp và đánh giá nguy cơ đái tháo đường. Hồng Thiết  

Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông Y Việt Nam trong tình hình mới

TĐKT - Ngày 17/7, tại Hà Nội, Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24 – CT/TW của Ban Bí thư về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Đến dự và chủ trì có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Ủy viên Ban Cán sự, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế; PGS.TS Phạm Vũ Khánh Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 10 năm, việc thực hiện Chỉ thị 24 – CT/TW đã có những tác động nhất định, làm thay đổi nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị về vị trí và vai trò của y, dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối với tự chăm sóc và chữa bệnh tại cộng đồng. Hệ thống pháp luật, chính sách về y dược cổ truyền (YDCT) dần được hoàn thiện đã khẳng định chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực YDCT, vai trò của YDCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và hệ thống y tế. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực xây dựng và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quan trọng để triển khai thực hiện Chỉ thị. Trong 10 năm qua, Bộ Y tế cũng đã ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý công tác YDCT, cơ bản phù hợp với thực tiễn và phát triển YHCT. Cùng với sự nỗ lực của Bộ Y tế, tại các địa phương, đơn vị công tác YDCT cũng từng bước được quan tâm và bước đầu đạt được những kết quả khả quan: Hệ thống mạng lưới về khám, chữa bệnh bằng YHCT từ Trung ương đến địa phương dần được củng cố và phát triển, chất lượng công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT, kết hợp YHCT với y học hiện đại ngày càng được chú trọng. Công tác khám, chữa bệnh YHCT tại tuyến y tế cơ sở từng bước được quan tâm. Công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu trong nước được chú trọng, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng dược liệu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Ở Việt Nam hiện nay, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, tuổi thọ đã tăng hơn so với trước đây, đồng thời các bệnh mạn tính, các bệnh mới nổi và các bệnh khó chữa được phát hiện nhiều hơn nhờ những tiến bộ của y học. Đây là những mặt bệnh  mà YHCT có thế mạnh điều trị bằng các phương pháp đặc sắc. Do đó, dự báo trong giai đoạn tiếp theo, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe YHCT sẽ là một sự lựa chọn ưu tiên của nhiều đối tượng là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mới nổi, bệnh khó chữa. Mặt khác, với quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước về “ưu tiên dùng hàng Việt” hay “Người Việt Nam dùng thuốc Việt”, cần chú trọng công tác phát triển dược liệu với mục tiêu xây dựng ngành công  nghiệp dược bằng nguyên liệu trong nước đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao tới xuất khẩu, thì nhu cầu về nuôi trồng, chế biến và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu ngày càng cao. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các hoạt động phòng bệnh, khám và điều trị bệnh YHCT. Kết hợp YHCT với y học hiện đại; các hoạt động bảo tồn, nuôi trồng và chế biến, cung cấp các nguồn dược liệu trong nước. Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế Phạm Vũ Khánh  cho biết thêm, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, hệ thống chăm sóc sức khỏe YDCT đã được mở rộng và phát triển ở tất cả các tuyến. Đến năm 2018, đã có 58/63 có bệnh viện YHCT. Hệ thống khoa và tổ YHCT trong bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cũng tăng lên (năm 2008 là 77,4%, năm 2013 là 84,44%, năm 2017 là 82,3%). Tại tuyến y tế cơ sở, công tác YDCT dần được củng cố. Đến năm 2017, tỷ lệ các trạm y tế xã triển khai khám, chữa bệnh YHCT tăng 23,99% so với năm 2008. Tỷ lệ các xã đã triển khai khám, chữa bệnh YHCT được thanh toán bảo hiểm y tế đạt 70,18%, các trạm y tế xã có vườn thuốc mẫu đạt 88,87%… Công tác khám, chữa bệnh YHCT kết hợp với y học hiện đại tăng ở tất cả các tuyến. Tuy nhiên, tỷ lệ khám, chữa bệnh YHCT, kết hợp YHTC với y học hiện đại riêng ở tuyến tỉnh giảm (năm 2008 là 10,68%, giảm còn 8,86% năm 2017). Tỷ lệ này ở các tuyến chưa đạt chỉ tiêu đề ra… Số giường bệnh cho YHCT tăng gấp hai lần so với năm 2008, tuy nhiên tỷ lệ giường bệnh cho YHCT so với tổng số giường bệnh chung của tuyến tỉnh có xu hướng giảm đi. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị cần được tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm củng cố nhận thức đúng đắn về vai trò và giá trị của nền y dược cổ truyền Việt Nam trong hệ thống dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn lực cho YDCT chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của YDCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; các quy định hiện hành đã xuất hiện những hạn chế nhất định đối với sự phát triển của YDCT Việt Nam.… Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, sau Hội nghị này, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế sẽ tiếp thu và hoàn thiện báo cáo chính thức gửi Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng hợp trình Ban Bí thư về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW. Hồng Thiết

Họp báo Chiến dịch Hãy làm sạch biển 2018

TĐKT - Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 12/7, tại Hà Nội, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp với Trung tâm Tin tức VTV24, Hãng hàng không Vietjet tổ chức họp báo Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2018 và phát động Cuộc thi thiết kế Poster và sáng kiến “Hãy làm sạch biển”. Họp báo thông tin về Chiến dịch Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung tâm Tin tức VTV24 khởi xướng và tổ chức từ năm 2016 tại 28 tỉnh, thành phố có đường bờ biển. Chiến dịch thu hút đông đảo sự tham gia của đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, được sự ghi nhận, đánh giá cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng và xã hội. Các cấp bộ Đoàn, cấp bộ Hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại địa bàn cụ thể hóa các nội dung triển khai chiến dịch phù hợp với địa phương. Năm 2018, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp cùng các đơn vị triển khai chiến dịch từ nay đến 31/8. Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2018, được Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo triển khai trong toàn quốc. Chiến dịch tập trung nâng cao nhận thức cho người dân, khách du lịch và cộng đồng về vai trò quan trọng của biển đối với đời sống con người; kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường biển bằng các hoạt động thiết thực và phù hợp với địa phương. Đồng thời tổ chức các hoạt động an sinh xã hội nhằm động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh có đường bờ biển tiếp tục ra khơi bám biển, phát triển kinh tế. Chiến dịch năm nay hướng tới có ít nhất 28.000 người tham gia; thành lập và duy trì các đội hình tình nguyện nòng cốt bảo vệ môi trường biển; duy trì thường xuyên hoạt động tối thiểu mỗi tuần 1 lần tại ít nhất 1 điểm ô nhiễm rác thải; giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải tại ít nhất 50% các địa bàn được xác định bị ô nhiễm rác thải sinh hoạt; có ít nhất 50 sáng kiến "Hãy làm sạch biển ” khả thi được đề xuât. Điểm đặc biệt năm nay là bất kể khách du lịch nào cũng cơ hội được tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, thu gom rác thải ở một số bãi tắm du lịch công cộng vào các ngày cuối tuần như tại Kiên Giang, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Quảng Bình,.... Ngày hội “Hãy làm sạch biển” cấp Trung ương sẽ được tổ chức tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào ngày 20/7 với nhiều hoạt động phong phú và thiết thực. 27 tỉnh, thành phố có đường bờ biển khác cũng đồng loạt cùng tổ chức các hoạt động thu gom rác thải. Phát biểu tại họp báo, bà Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia cho rằng việc bảo vệ môi trường biển không phải trách nhiệm của riêng bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Với chủ đề “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải sinh hoạt”, Chiến dịch Hãy làm sạch biển năm 2018 kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ hãy yêu biển bằng các hành động cụ thể và thiết thực, như không xả rác thải sinh hoạt bừa bãi tại các khu vực biển, thu gom rác thải đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa, tham gia vào các hoạt động của Chiến dịch Hãy làm sạch biển tại các địa phương, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến mang tính chất đột phá, sáng tạo, có khả năng triển khai hiệu quả,.... Là đơn vị đồng hành xuyên suốt Chiến dịch Hãy làm sạch biển năm 2018, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Tổng giám đốc Vietjet chia sẻ: “Quan tâm đến các hoạt động từ thiện cộng đồng, bảo vệ môi trường đã là một phần trong đời sổng của cán bộ, nhân viên của Vietjet. Đây cũng là một phần trong kế hoạch Phát triển bền vững được hãng xây dựng và thực hiện đều đặn mỗi năm, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và du khách đổi với môi trường biển, phát triển con người, kiến tạo nên cộng đồng văn minh và ngày càng tốt đẹp hơn. Trong khuôn khổ chương trình họp báo, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp cùng Bộ Công an, Hãng hàng không Vietjet, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phát động Cuộc thi thiết kế Poster và Sáng kiến “Hãy làm sạch biển ” với chủ đề “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải sinh hoạt ” dành cho tất cả đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có trụ sở đặt tại Việt Nam, các câu lạc bộ, đội, nhóm. Các sáng kiến được lựa chọn ngoài các phần thưởng về tiền mặt và hiện vật, các tác giả sẽ được hỗ trợ thêm một phần kinh phí từ Ban Tổ chức và được kết nối với các tổ chức, đơn vị tiềm năng về lĩnh vực môi trường để triển khai sáng kiến trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Hãng hàng không Vietjet - đơn vị đồng hành trong suốt Chiến dịch Hãy làm sạch biển năm 2018 sẽ dành tặng mỗi Giải thưởng cũng như các tác phẩm dự thi có lượt “like” và chia sẻ nhiều nhất trên facebook hàng tuần 1 cặp vé máy bay khứ hồi nội địa. Mai Thảo

Đào tạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các bệnh mạn tính tại tuyến cơ sở

TĐKT - Ngày 9/7, tại Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng (Hà Nội), Bộ Y tế đã khai mạc khoá đào tạo “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các bệnh mạn tính tại tuyến cơ sở theo nguyên lý y học gia đình”. PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ trì buổi lễ. Đến dự có ông Jun Nakagawa, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam; lãnh đạo và chuyên viên Vụ,Văn phòng bộ, cục, bệnh viện, viện, trường, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế và 60 cán bộ các trạm y tế huyện Đan Phượng tham dự khoá học. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc tại khóa đào tạo Khóa học nhằm hướng dẫn cán bộ y tế xã, phường lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân; hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng của Trạm y tế xã; giáo dục truyền thông: Tư vấn cho người bệnh về dinh dưỡng (giảm ăn muối, dinh dưỡng hợp lý), rèn luyện, hoạt động thể lực, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, không hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia, tạo cuộc sống thư giãn; dự phòng, phát hiện sớm, chăm sóc giảm nhẹ một số bệnh ung thư (ung thư vú, ung thư đường tiêu hóa...). Tại khóa học, các chuyên gia cũng hướng dẫn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở phương pháp chẩn đoán bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và các biến chứng hay gặp, xử trí hạ đường huyết cho người bệnh ĐTĐ tại tuyến ban đầu; cập nhật đào tạo liên tục bệnh thông thường chuyên ngành lão khoa: Khám thực thể và khai thác tiền sử người bệnh cao tuổi; chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh sa sút trí tuệ tại tuyến ban đầu. Đặc biệt, hướng dẫn kỹ năng chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp; chẩn đoán và xử trí một số ca cấp cứu tim mạch thường gặp tại tuyến ban đầu; sàng lọc và phát hiện sớm tim bẩm sinh tại cộng đồng; thảo luận một số tình huống chuyển tuyến và một số ca lâm sàng thường gặp bệnh tim mạch… Phát biểu tại buổi khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tăng cường y tế cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là một trong những việc được ưu tiên và quan tâm hàng đầu đối với ngành y tế hiện nay, với mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Để triển khai thực hiện tốt vấn đề này, Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động 1379, Kế hoạch 1383, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng chính sách và triển khai nhiều nhóm giải pháp. Trong đó có nhóm giải pháp về nhân lực, tập trung nâng cao năng lực chuyên môn trong khám, chữa bệnh cho các thầy thuốc, y, bác sĩ làm việc tại trạm y tế tuyến xã nhằm thực hiện tốt sơ cứu, cấp cứu, khám sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán và quản lý điều trị các bệnh thường gặp, nhất là các bệnh mạn tính, các bệnh không lây nhiễm phổ biến, thực hiện quản lý người bệnh theo nguyên lý y học gia đình. Bộ Y tế khuyến khích các địa phương áp dụng mô hình khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu nhằm giảm điều trị nội trú tại bệnh viện huyện, tăng cường KCB, chăm sóc tại nhà. Trong đó, triển khai mạnh mẽ việc thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, coi đây là phương thức quan trọng giúp phát hiện sớm và đưa vào quản lý điều trị các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm phổ biến như tăng huyết áp, ĐTĐ, hen phế quản, COPD, sàng lọc phát hiện sớm ung thư, quản lý bệnh tâm thần tại cộng đồng giúp giảm tải bệnh viện và thuận lợi cho người dân, giảm chi phí KCB và chi từ quỹ BHYT… Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương nghiên cứu chính sách, đề xuất các giải pháp nhằm tăng thu nhập cho các cán bộ công tác tại trạm y tế, thu hút cán bộ có trình độ cao yên tâm công tác.           Hồng Thiết

Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may

TĐKT – Sáng 10/7, tại Hà Nội, Công đoàn Hà Lan (CNV Internationaal), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ Dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may Việt Nam. Mục tiêu của lễ ký kết này là khẳng định cam kết của ba bên trong việc thúc đẩy đối thoại xã hội và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may, hướng tới cải thiện điều kiện làm việc, năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, buổi lễ ký kết còn giới thiệu rộng rãi về mục tiêu và các hoạt động chính của dự án với các đối tác thực hiện và các bên có liên quan. CNV là tổ chức công đoàn lớn thứ hai của Hà Lan, có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động đối thoại xã hội. CNV  đã làm việc cùng các tổ chức công đoàn ở những nước phát triển trong vòng hơn 50 năm, nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động thông qua mô hình tham vấn gắn kết trên cơ sở đối thoại xã hội – một công cụ quan trọng để cải thiện và phát triển bền vững. Đại diện các đơn vị ký kết phối hợp Theo chương trình ký kết, TLĐLĐVN sẽ phối hợp cùng VCCI, CNV triển khai Dự án trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 trong khuôn khổ Chương trình Đối tác chiến lược đổi mới chuỗi cung ứng ngành may, một sáng kiến nhằm cải thiện điều kiện lao động trong ngành dệt may, với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao Hà Lan. Mục tiêu của Dự án là nhằm giúp cho các đối tác đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp cơ sở taị ba tỉnh tham gia thí điểm (Hưng Yên, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh) có kinh nghiệm thực hiện đối thoại xã hội và thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp thực chất, từ đó hy vọng có thể tạo ra một số thay đổi cho cả hệ thống (pháp luật, chính sách thực hiện và thực tiễn). Dự án giải quyết trực tiếp thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt khi khung khổ pháp luật hiện hành về đối thoại xã hội và thương lượng tập thể không được thực thi đầy đủ. Ngành công nghiệp dệt may ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nó không chỉ phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao và phong phú, đa dạng của con người mà còn là ngành giúp nước ta giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho xã hội và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách quốc gia. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành khoảng 13,5%/năm, trong lĩnh vực xuất khẩu tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm và chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tính đến nay cả nước có khoảng gần 6000 doanh nghiệp dệt may, đang thu hút được khoảng 2,7 triệu lao động (chiếm 9,4% lực lượng lao động làm công hưởng lương của cả nước) và khoảng 2 triệu lao động khác làm việc trong các ngành công nghiệp phụ trợ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Một trong những thách thức về vấn đề lao động mà ngành dệt may hiện nay đang phải đối mặt đó là việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động như quyền tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể, thời giờ làm việc hợp lý, lương đủ sống, điều kiện lao động đảm bảo an toàn và sức khoẻ... Cách tốt nhất để giải quyết những thách thức này đó là thực hiện tốt đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả. Mai Thảo

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở

TĐKT - Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở là giải pháp tối ưu và lâu dài trong vấn đề giảm tải bệnh viện, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại địa phương. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa ra được nhiều giải pháp tối ưu để thực hiện nhiệm vụ này. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu về giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT cơ sở Được biết, năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 loại thuốc. Đây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Tuy nhiên, qua khảo sát, các trạm y tế chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này. Tuyến xã mới chỉ quản lý số lượng người bệnh tăng huyết áp hoặc chỉ khám, kê đơn theo các đơn thuốc đã được kê tại tuyến trên, không đánh giá được hiệu quả điều trị… Đặc biệt, người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh và cán bộ y tế, danh mục thuốc, kỹ thuật còn ít. Vì thế bệnh nhân vượt lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện, tăng chi phí, mất thời gian... Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Việc người dân không lựa chọn trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh BHYT ban đầu là do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015, người bệnh BHYT thường lựa chọn khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các trạm y tế xã. Ngoài ra, hệ thống các trạm y tế xã hiện nay chưa đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ và còn nhiều bất cập cả về nhân lực, cơ sở vật chất, tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc, đặc biệt là chất lượng bác sĩ. Hơn hết, cả ngành y tế và ngành BHXH đều chung nhận định, y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế. Nếu làm tốt sẽ đáp ứng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân. Song song với đó, trạm y tế có nhiệm vụ cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng... Mục tiêu đến năm 2025, trên 90% dân số được quản lý sức khỏe, 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Năm 2030, hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe, 100% trạm y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số một số bệnh không lây nhiễm. Để thực hiện mục tiêu trên, trong nhiều năm qua, ngành y tế đã đưa nhiều giải pháp như luân phiên bác sĩ từ tuyến trên về tuyến xã công tác, quy định gói dịch vụ y tế cơ bản,… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Theo bà Nguyễn Thị Minh, để phát triển trạm y tế xã hiện nay, rất cần các địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng nữa là ở trạm y tế xã dù có bác sĩ tuyến trên luân phiên về công tác, nhưng không bền vững và điều lo ngại nhất là chất lượng bác sĩ. Người dân chưa tin tưởng trạm y tế xã là do chưa tin tưởng tay nghề của bác sĩ. Vì vậy, song song với việc đào tạo nhân lực mới, ngành y tế cũng cần tập trung đào tạo lại nhân lực sẵn có tại các trạm y tế xã thì mới có thể đáp ứng nhu cầu người dân. Nếu như cơ sở y tế nào tốt, ngành y tế cần mạnh dạn phân cấp, có các chính sách ưu đãi cho cơ sở đó. Chẳng hạn nếu tuyến xã làm tốt thì BHXH có thể sẽ không thanh toán khám, chữa bệnh BHYT với tuyến huyện nữa và nếu người dân vẫn lên tuyến huyện thì việc đóng tiền khám, chữa bệnh là hết sức bình thường. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang chọn 26 trạm y tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Yên Bái, Hà Tĩnh... để làm mô hình thí điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở. Để nâng cao tính hiệu quả thì trực tiếp Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ quản lý từng trạm này để làm thí điểm và sau đó nhân rộng. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Bộ Y tế sẽ khai giảng khoá học về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý các bệnh không lây nhiễm cho nhân viên y tế tuyến cơ sở, tiến tới xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ gia đình, sau 6 năm học đa khoa sẽ học thêm 3 năm y học gia đình. Bộ Y tế khuyến khích hệ thống tư nhân tham gia vào hệ thống bác sĩ gia đình. Mặt khác, để tăng cường khám, chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế xã thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung vào đổi mới cơ chế chi trả khám, chữa bệnh BHYT như không quy định tỷ lệ quỹ BHYT được sử dụng tại trạm y tế xã như hiện nay, triển khai thanh toán theo định suất, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã, tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mạn tính, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị, đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã theo mô hình chuẩn. Đồng thời xây dựng thống nhất 1 phần mềm áp dụng tại trạm y tế xã đảm bảo quản lý thông tin các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân. Hồng Thiết  

Giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

TĐKT – Sáng 10/7, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam VIETFAIR phối hợp với Công ty Messe Frankfurt New Era Business Media thuộc Tập đoàn Messe Frankfurt tổ chức họp báo giới thiệu “Triển lãm quốc tế về kỹ thuật, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an ninh, an toàn, bảo vệ 2018 - Fire Safety & Rescue Vietnam - Secutech Vietnam 2018”. Họp báo giới thiệu Triển lãm Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 16 - 18/8/2018 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - SECC (TP Hồ Chí Minh) với sự ủng hộ, bảo trợ của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Cục Quản lý Công nghiệp An ninh và Doanh nghiệp – Tổng Cục Hậu cần Kỹ thuật (Bộ Công an) và các bộ, ban, ngành hữu quan. Triển lãm có quy mô 530 gian hàng, 300 đơn vị là các cơ quan, tổ chức, nhà sản xuất, cung cấp chuyên nghiệp hàng đầu đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ: Anh, Ấn Độ, Croatia, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Italia Malaysia, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, UAE, Việt Nam… Triển lãm giới thiệu sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực an ninh, an toàn, PCCC, CNCH, các thiết bị ứng dụng cho khu công nghiệp, giao thông, ngân hàng, hệ thống bán lẻ, tòa nhà, nhà thông minh… Cùng với đó là công nghệ và hàng ngàn thiết bị, sản phẩm trong lĩnh vực an ninh: Hệ thống giám sát HD, 4K, giải pháp nâng cấp cho hệ thống giám sát dựa trên nền tảng cơ bản đã có; kiểm soát vào, ra; sinh trắc học; khóa điện tử & thẻ thông minh; báo động đột nhập và thiết bị ngoại vi; công nghệ - thiết bị chiếu sáng… Triển lãm tạo cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực PCCC và CNCH; giới thiệu, quảng bá hình ảnh lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam trong cộng đồng ASEAN, khu vực và thế giới; tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, hỗ trợ của các nước phát triển và các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu trong lĩnh vực trang bị phương tiện, xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC. Fire Safety & Rescue Vietnam - Secutech Vietnam 2018 tiếp tục quy tụ các nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng đầu về kỹ thuật, thiết bị an ninh, an toàn, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: A Chi Son, An Phát, Astec, Asung, Aventura, BHLĐ, Bình An, Bosch, Dahua, D&C Vina, Dmax, Dong A Fire Tech, Draeger, Firesmart, Funayama, Ger-Vina, Hải Thịnh, Hanwha Techwin, Himax, Hikvision,  Kolling, Korea HD… Đặc biệt, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tại khu gian hàng Hàn Quốc, Singapore và tập đoàn UL.  Triển lãm sẽ là nền tảng không thể thiếu giúp kết nối các nhà cung cấp trong và ngoài nước, phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm bảo mật giám sát, an ninh, an toàn, PCCC, CNCH với công nghệ tiên tiến nhất. Tại triển lãm, khách tham quan sẽ được khám phá nhiều sản phẩm đa dạng, từ đơn giản dễ sử dụng đến cao cấp, giải pháp tổng thể, gặp gỡ nhiều nhà cung cấp nổi tiếng, tiếp cận những công nghệ, tìm kiếm nguồn sản phẩm tiên tiến nhất và cơ hội hợp tác mới. Trong khuôn khổ Triển lãm sẽ diễn ra các buổi hội thảo về công nghệ PCCC, an ninh, an toàn, Diễn đàn Giải pháp thông minh tại Việt Nam – Vietnam Smart Solutions (giới thiệu về các giải pháp thông minh trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, tòa nhà – nhà thông minh, nhà máy, …). Cùng với đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học PCCC, một số trường đại học, cao đẳng, trung học và các cấp học phổ thông trên địa bàn sẽ phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ năng thoát nạn từ trên cao, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu và các kỹ năng chữa cháy, CNCH nói chung và kỹ năng xử lý sự cố trên phương tiện giao thông cơ giới… cho người dân, học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên và khách đến tham quan Triển lãm. Đây là dịp để người dân có thể trải nghiệm thực tế về kỹ năng chữa cháy cũng như kỹ năng thoát nạn, CNCH trong các tình huống. Phương Thanh – Hồng Thiết

Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 – Tầm vóc và bài học lịch sử”

TĐKT - Sáng 9/7, tại Nghệ An, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 - Tầm vóc và bài học lịch sử” nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968. Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội thảo. Dự hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Tư lệnh Quân khu 4. Cùng dự có các đồng chí lão thành cách mạng, tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương; đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Chủ tọa Hội thảo Hội thảo được tổ chức nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh; tinh thần chủ động, sáng tạo của các cơ quan trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch; nêu bật tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí của các lực lượng tham gia chiến dịch. Làm rõ âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, bản chất hiếu chiến, ngoan cố của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn trong việc thiết lập phòng tuyến Đường 9 - Khe Sanh hòng ngăn chặn nguồn chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam qua tuyến vận tải Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, nêu bật tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật quân sự, những nhân tố chủ yếu làm nên Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968; tìm tòi những bài học, kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Cách đây tròn 50 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam; Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh, nhằm nghi binh chiến lược, thu hút, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân Mỹ - Ngụy. Đòn nghi binh chiến lược Đường 9 - Khe Sanh đã giành thắng lợi to lớn, cả về chính trị và quân sự; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, làm thay đổi cục diện chiến trường, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam sang giai đoạn mới. Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt chiến dịch; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hậu phương với tiền tuyến; đồng thời, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua hơn 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, ngày 15/7-1968, Chiến /dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi; ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường 9, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), giữ vững tuyến đường chi viện Bắc - Nam; tạo điều kiện cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh thể hiện ý chí quyết tâm cao của quân và dân Việt Nam trước quân đội nhà nghề của Mỹ được trang bị hiện đại. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta mở chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng, đột phá trực tiếp vào tuyến phòng ngự mạnh của quân Mỹ, đánh bại các sư đoàn thủy quân lục chiến, kỵ binh không vận của quân đội viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi Khe Sanh. Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 mang tầm vóc và ý nghĩa chiến lược quan trọng, gây chấn động nội tình nước Mỹ và thế giới, viết nên “một câu chuyện thần kỳ”, góp phần đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà Trắng, trở thành biểu tượng sức mạnh, ý chí quyết tâm và lòng tự hào của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Năm thập niên đã trôi qua, nhưng Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi, quyết tâm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quan điểm khách quan, khoa học và phương pháp tiếp cận mới, Thượng tướng Lê Chiêm tin tưởng rằng Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp. Kết quả của hội thảo góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước và quân đội trong năm 2018; nâng cao niềm vinh dự và tự hào về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc ta, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nguyệt Hà

Cơ hội học tập tại trường quản lý khách sạn và ẩm thực số 1 thế giới Le Cordon Bleu

TĐKT – Ngày 7/7, tại Hà Nội, Công ty Tư vấn du học và Đào tạo ngoại ngữ Sunrise Vietnam tổ chức Hội thảo Trường quản lý khách sạn và ẩm thực số 1 thế giới Le Cordon Bleu. Đến với Hội thảo, các em học sinh đã có cơ hội trải nghiệm khách sạn 5 sao và gặp gỡ đại diện trường Le Cordon Bleu, ngôi trường đào tạo nên hầu hết các Master Chef (siêu đầu bếp) hàng đầu thế giới, lắng nghe chia sẻ từ người trong ngành và tìm hiểu tiềm năng của ngành quản lý khách sạn và nghệ thuật ẩm thực. Chef Trương Quang Dũng chia sẻ tại Hội thảo Tại sự kiện, bà Jarinthorn Suwanachuen, đại diện truyền thông của Le Cordon Bleu tại Đông Nam Á, chia sẻ: “Trên 90% sinh viên học tập tại Le Cordon Bleu có thể xin việc làm thành công tại các khách sạn 5 sao hay các nhà hàng nổi tiếng. Ngoài việc chất lượng đào tạo của trường chuẩn mực hàng đầu thế giới, nhà trường còn hướng dẫn cho sinh viên cách làm hồ sơ ứng viên, trả lời phỏng vấn xin việc, đàm phán các cơ hội việc làm tốt nhất. Sinh viên Việt Nam tại trường đều rất thành công”. Chef Trương Quang Dũng, diễn giả khách mời, là cựu du học sinh của Sunrise Vietnam tại Anh, đã có phần chia sẻ tâm huyết, thực tiễn, tạo ấn tượng mạnh với người tham dự. Quang Dũng từng theo học về ngành tài chính ngân hàng, nhưng vì đam mê với nghề bếp mà anh đã bỏ công việc phân tích tài chính với mức lương hấp dẫn để sang kinh doanh lĩnh vực nhà hàng. Hiện Dũng đang là chủ và quản lý của 3 nhà hàng theo phong cách Anh – Gastro Pub, đồng sở hữu và quản lý chuỗi Tùng Dining. Quang Dũng cũng là người được Đại sứ ẩm thực Anh Gary Rhodes đánh giá rất cao. Anh từng thiết kế bữa tiệc sinh nhật nữ hoàng Anh do đại sứ quán UK tổ chức tại Hà Nội với hơn 300 thực khách VIP. Đến với Hội thảo, Chef Quang Dũng chia sẻ: “Trong vòng 40 năm nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế hầu hết các công việc của con người, kể cả các công việc như tài chính, ngân hàng. Nhưng những công việc có tính sáng tạo, nghệ thuật cao vẫn sẽ cần nhiều nhân lực. Ẩm thực là một trong số đó. Chưa kể sự phát triển của ngành công việc không khói, và nhu cầu được phục vụ chất lượng cao của con người”. Bên cạnh đó, Quang Dũng cũng chia sẻ những mặt trái của ngành đầu bếp để cho phụ huynh, học sinh thấy để thành công trong nghề này không phải dễ dàng. Với hơn 120 năm hoạt động, Trường quản lý khách sạn Le Cordon Bleu là một trong những ngôi trường dạy quản trị nhà hàng, khách sạn nổi tiếng nhất tại Úc và thế giới. Chương trình học quản lý khách sạn và nghệ thuật ẩm thực của Le Cordon Bleu kéo dài 2 - 3 năm, kết hợp giữa học lý thuyết, thực hành, thực tập hưởng lương. Gần 90% sinh viên đã tích lũy kinh nghiệm thực tế và kiếm được từ 20.000 đến 30.000 AUD trong 2 năm học tại trường. Kết thúc 2 - 3 năm học, sinh viên đã có thể làm việc tại những nhà hàng, khách sạn 5 sao hoặc có thể học tiếp lên chương trình cử nhân, thạc sĩ chuyên ngành quản lý khách sạn/quản trị kinh doanh. Đặc biệt, sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình cử nhân được ở lại Úc thêm 2 năm theo chính sách Post-study visa của chính phủ Úc. Hiện nay Le Cordon Bleu có 35 trường đặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, với hệ thống giảng dạy quốc tế trong ngành quản lý khách sạn và ẩm thực. Năm 2018, trường dành học bổng 15.000 AUD cho khóa Advanced Diploma tại trường Le Cordon Bleu Campus Brisbane, Úc; học bổng 7,410 $NZ cho tất cả sinh viên đăng ký khóa cử nhân và học bổng 15,000 $NZ cho sinh viên Việt Nam học khóa cao đẳng ẩm thực tại Le Cordon Beu Campus Wellington, New Zealand. Phương Mai           

Trang