Chính trị - Xã hội

Tạm đình chỉ một số công chức Hải quan Đình Vũ, Hải Phòng

TĐKT- Liên quan đến thông tin do Báo Lao động đăng tải trong bài viết “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng”, chiều 9/4, Tổng cục Hải quan phát đi thông tin ban đầu. Với tinh thần không bao che cán bộ và xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ có sai phạm, ngay khi có thông tin nêu trên, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng thực hiện quyết định tạm đình chỉ ngay các cán bộ công chức hải quan có liên quan, đồng thời làm rõ, xử lý, kỷ luật tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có). Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng đã cử lãnh đạo Cục, Phòng Thanh tra - Kiểm tra trực tiếp xuống Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng) kiểm tra, xác minh, đồng thời quyết định tạm đình chỉ công tác các công chức có hình ảnh đăng tải trên báo để giải trình, xem xét, xử lý. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cảm ơn các cơ quan báo chí đã đồng hành với cơ quan Hải quan trong việc phản ánh kịp thời về mọi mặt hoạt động của ngành Hải quan. “Chúng tôi luôn mong nhận được sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan báo chí nhằm đưa đến độc giả những thông tin chính xác, vì lợi ích chung của toàn xã hội”- văn bản của Tổng cục Hải quan nêu rõ sự cầu thị và bày tỏ trân trọng với sự phản ánh thông tin khách quan, trung thực, chính xác của cơ quan báo chí. Hồng Thiết  

Chung kết toàn cầu VietChallenge 2018

TĐKT – Vừa qua, tại hội trường Wong của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), TP Boston (Mỹ), vòng chung kết cuộc thi VietChallenge 2018 đã diễn ra. Vòng chung kết của Cuộc thi năm nay thu hút gần 300 khán giả và khách mời, đến chứng kiến 6 đội thi tranh tài với tổng giải thưởng lên đến 50.000 USD. Sự kiện đã thu hút được sự chú ý và của các lãnh đạo và chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực kinh tế, tài chính, kinh doanh và đặc biệt là khởi nghiệp. Khách mời năm nay của VietChallenge bao gồm đại sứ Phạm Quang Vinh, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ; ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Thành đoàn Hà Nội; ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI); ông Trí Trần, đồng sáng lập công cty Munchery; ông Trần Việt Hùng, sáng lập công ty GotIt cùng với nhiều gương mặt tiêu biểu trong cộng đồng doanh nhân và nhà đầu tư ở Việt Nam cũng như ở Mỹ. Đội VIoT đã giành chiến thắng chung cuộc Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã có bài phát biểu khai mạc đêm chung kết, trong đó nhấn mạnh đến thành công lớn nhất của cuộc thi là khuyến khích tinh thần đoàn kết, làm việc nhóm của giới trẻ Việt nam. Tiếp đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn, cũng có bài phát biểu đề cao tầm quan trọng của việc biến giấc mơ của cá nhân thành giấc mở của tập thể để đạt được thành công trong kinh doanh. Đến tham dự với tư cách khách mời và giám khảo cuộc thi VietChallenge năm nay, ông Trí Trần, đồng sáng lập Công ty Munchery, và ông Trần Việt Hùng, đồng sáng lập và giám đốc điều hành công ty GotIt, cũng có các bài chia sẻ với các đội thi và khách mời tại hội trường các câu chuyện và lời khuyên về xây dựng công ty Startup. Trong đêm chung kết, lần lượt sáu đội thi đã trình bày ý tưởng của mình trước ban giám khảo gồm những chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, các doanh nhân thành công, các nhà đầu tư và lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế và Việt Nam.  Sau gần 4 tiếng đồng hồ tranh tài căng thẳng và kịch tính, đội VIoT đã giành chiến thắng chung cuộc trước các đối thủ rất cân tài cân sức Takiu, Elight, FoodAR, Urban Harvest và VDEs. Sản phẩm dự thi của VIoT ứng dụng công nghệ Internet of Things vào các lĩnh vực phát triển đô thị, nông nghiệp và công nghiệp. Những thiết bị này luôn được kết nối với nguồn dữ liệu chủ, giúp giải quyết những vấn đề hy hữu về công nghệ thông tin. Ba chàng trai đến từ đội VIoT sẽ mang về 25.000 USD tiền mặt, tương đương khoảng 570 triệu đồng. Á quân là đội VDEs, cùng với mô hình kết nối người tổ chức sự kiện với trung tâm địa điểm tổ chức sự kiện nhận giải thưởng 5.000 USD. Đồng giải ba với giải thưởng 2.000 USD mỗi đội là nhóm Takiu với sản phẩm đồ chơi thông minh cho trẻ em; nhóm Elight với mô hình giáo dục tiếng Anh trực tuyến; nhóm Urban Harvest với mô hình tận dụng đất đai đô thị để phát triển nông nghiệp xanh; và nhóm FoodAR với ý tưởng ứng dụng công nghệ Augmented Reality để thay đổi cách thức các nhà hàng tiếp thị món ăn và giúp đỡ khách hàng lựa chọn hợp lý. Cuộc thi năm nay đã  thu hút số lượng đơn đăng kí dự thi kỉ lục với 201 hồ sơ dự thi đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. VietChallenge là cuộc thi khởi nghiệp thường niên dành cho người Việt trên toàn thế giới. Cuộc thi được tổ chức bởi Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ. Thục Anh

Lần đầu tiên tổ chức Hội chợ thuốc Nam Việt Nam

TĐKT - Chiều 10/4, tại Hà Nội, Công ty Lửa Việt phối hợp cùng Viện Công nghệ Chống làm giả, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức họp báo giới thiệu về Hội chợ thuốc Nam Việt Nam. Hội chợ này được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, sẽ có ý nghĩa kết nối các nhà sản xuất dược liệu với các lương y hành nghề đông y, để tôn vinh dược liệu quý của Việt Nam. Quang cảnh họp báo Thời gian diễn ra hội chợ từ ngày 10/5 - 16/5 tại đền Bia, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, sẽ quy tụ khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thuốc nam và các lương y hành nghề Đông y. Trong 7 ngày diễn ra hội chợ sẽ có nhiều hoạt động văn hóa như cuộc thi diễn xướng hầu thánh; biểu diễn múa rối nước; hát quan họ… Theo ban tổ chức, hiện tại, khoảng 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia hội chợ, triển lãm. Thuốc nam không chỉ phòng, chữa bệnh cho người Việt mà trở thành ngành xuất khẩu quan trọng trong nền nông nghiệp nước nhà. Theo thầy thuốc Nguyễn Anh Tuấn, tỉnh Hải Dương, hiện nay thuốc nam chưa có quy chuẩn nên để tổ chức hội chợ thuốc nam gặp rất nhiều khó khăn. Thầy thuốc Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dược liệu quý hiếm đang bị tận diệt, các cây dược liệu phổ thông có khả năng trồng đại trà lại không có kế hoạch phát triển nên nếu muốn mở xưởng làm công nghiệp cũng rất khó khăn. Chúng tôi nhận được nhiều đơn hàng lớn nhưng không có đủ tiềm lực để huy động nguồn đất cũng như vốn để đầu tư cho dược liệu. Trước thực trạng dược liệu Việt Nam có tới hơn 90% là nhập ngoại, nhiều dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người dân dễ bị tiền mất, tật mang do dùng nguồn thuốc nam giả… Việc tổ chức hội chợ, triển lãm tiêu chuẩn về thuốc nam sẽ giúp người dân tìm được đến đúng địa chỉ tin cậy. Hồng Thiết  

Bộ Y tế tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong ban hành quy định về bảo hiểm y tế

TĐKT - Chiều 9/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có cuộc làm việc với Bộ Y tế về việc sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), sửa đổi Thông tư liên tịch số 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ y tế, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018 - 2020, công tác tổ chức đấu thầu, đàm phán giá thuốc và đấu thầu thiết bị y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ rất quan tâm tới việc điều chỉnh một số nội dung trong Thông tư 37 cho phù hợp với giá dịch vụ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa triển khai và báo cáo Chính phủ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chậm nhất đến tháng 5 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37. Trong giai đoạn đầu tiên, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn nội dung thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của một số dịch vụ (khám bệnh, ngày giường bệnh, X-Quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi tai, mũi, họng) đối với các đơn vị có số lượng dịch vụ vượt định mức hoặc công suất tính giá. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ như X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai, mũi, họng, y học cổ truyền, xét nghiệm. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo  Trong giai đoạn hai, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay. Theo đó, Bộ đang triển khai giảm từ 18 nghìn dịch vụ y tế xuống còn khoảng 3.000 dịch vụ, đang xây dựng định mức và giá cho 3.000 dịch vụ này. Về vấn đề cơ cấu giá điều chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay giá vẫn bao gồm chi phí trực tiếp, tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao. Bên cạnh đó, cũng chưa tính chi phí ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đang khảo sát công suất khám bệnh thực tế, công suất các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, chi phí của một số xét nghiệm để tính toán và điều chỉnh lại giá cho phù hợp. Lộ trình từ ngày 1/7 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ nêu trên. Trong năm 2018, Bộ xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đ), và chi phí quản lý. Dự kiến mức giá sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5 - 8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000 đồng là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%). Do đó nếu CPI chung 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Theo đó, Bộ trưởng khẳng định việc thay đổi giá không ảnh hưởng tới quỹ BHYT, sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm dự kiến làm tăng chi quỹ BHYT khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều, đồng thời thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giảm khoảng 15%, điều chỉnh lại cách tính ngày giường bệnh, quản lý chặt chẽ việc chỉ định thì Quỹ BHYT tăng chi không nhiều. Số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng, quỹ vẫn có khả năng cân đối đến 2020. Trước đề xuất điều chỉnh giá viện phí của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tính toán lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018 - 2020 phù hợp chi tiêu theo cơ chế thị trường, tính đúng tính đủ nhưng phải hợp lý, bảo đảm kiểm soát mức chi trả, kiểm soát quỹ BHYT. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Y tế cần sớm sửa đổi Thông tư 37 giai đoạn một trước ngày 15-5. Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, cùng với BHXH và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ lộ trình đăng ký kế hoạch tổ chức sửa đổi bổ sung giai đoạn hai của Thông tư 37 gồm các vấn đề: Khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, sắp xếp lại các dịch vụ, ban hành định mức, xây dựng giá… Bộ Y tế cần rà soát lại và hoàn thiện thêm về vấn đề đàm phán giá thuốc quốc gia trước khi quyết định đàm phán giá thí điểm, cũng như cần có sự phối hợp giữa đấu thầu và đàm phán giá thuốc quốc gia. Về việc đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Y tế trước mắt làm thí điểm theo gợi ý của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong phạm vi các bệnh viện trực thuộc Bộ trước. Sau đó, BHXH sẽ cùng tham gia vào sau. Bộ Y tế phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch các vật tư có chất lượng, bảo đảm tính cạnh tranh về giá. Tại cuộc họp, nhiều nội dung cũng được Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo như sửa đổi Nghị định 105, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, quyền phân phối của doanh nghiệp dược có vốn nước ngoài tại thị trường Việt Nam… Hồng Thiết    

Khởi động Chương trình "Thực tập sinh toàn cầu"

TĐKT - Ngày 10/4, tại Hà Nội, Đại học London đã tổ chức Lễ ký kết biên bản hợp tác cùng các đối tác chiến lược là các tập đoàn, tổng công ty lớn tại Việt Nam. Sự kiện quan trọng này nằm trong khuôn khổ chương trình Thực tập sinh toàn cầu dưới sự bảo trợ của Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV). Đại diện các đơn vị ký kết biên bản hợp tác Đại học London, Đại học Anh quốc Việt Nam và các đối tác sẽ cùng hợp tác triển khai Chương trình "Thực tập sinh toàn cầu" - hỗ trợ sinh viên Đại học London trên toàn thế giới, trong đó bao gồm các sinh viên đang học tập tại Việt Nam thông qua chương trình liên kết đào tạo cùng BUV, được học tập và thực tập trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo thỏa thuận hợp tác, cơ hội thực tập sẽ được dành cho tất cả sinh viên của Đại học London trên toàn thế giới đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tuyển chọn. Chương trình "Thực tập sinh toàn cầu" ra đời là cơ hội lớn giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm làm việc trong môi trường thực tế, chuyên nghiệp. Đối với các công ty, chương trình là cầu nối giúp doanh nghiệp cung cấp những kinh nghiệm thực tập giá trị cho thế hệ trẻ, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể đồng thời tìm kiếm, thử thách và tuyển dụng được những tài năng trẻ, tạo nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có chất lượng và kỹ năng cao. Sinh viên Đại học London sẽ nộp đơn và ứng tuyển vào các đối tác có liên kết thông qua sự hỗ trợ về thông tin và huấn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng ứng tuyển từ Đại học London và BUV. Đại học London đã có kế hoạch hỗ trợ sinh viên trong quá trình đăng ký, chuẩn bị các kỹ năng và hồ sơ cần thiết để bước vào vòng phỏng vấn một các tự tin. Sau khi phỏng vấn thành công, BUV sẽ hỗ trợ sinh viên trong quá trình đăng ký thị thực, thích nghi cuộc sống và các vấn đề sinh hoạt trong quá trình thực tập tại Việt Nam. BUV cũng là đơn vị duy nhất được Đại học London ủy quyền quản lý và hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập toàn thời gian kéo dài ba tháng tại Việt Nam. Sinh viên sẽ không phải đóng bất kỳ khoản phí đăng ký nào khi tham dự chương trình. Kết thúc khóa thực tập, sinh viên được nhận chứng chỉ hoàn thành do Đại học London cấp. Chương trình thực tập bắt đầu vào mùa hè hàng năm. Xuyên suốt quá trình thực tập, sinh viên được tham dự các khóa đào tạo kỹ năng mềm, các chương trình networking cùng các tổ chức lớn như Amcham, BBGV và nhận được sự trợ giúp từ BUV để tham gia các chương trình chia sẻ, học hỏi cùng sinh viên BUV. Giáo sư Raymond Gordon, Tổng Giám đốc BUV chia sẻ: Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sinh viên cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một trong những nỗ lực của BUV trong cam kết mang tới những trải nghiệm đích thực cho thế hệ trẻ và đóng góp lâu dài cho giáo dục Việt Nam. Các sinh viên đang học tập tại BUV lấy bằng trực tiếp từ Đại học London cũng là những sinh viên được trực tiếp thụ hưởng nhiều giá trị từ chương trình này. Phương Thanh

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong Công an nhân dân

TĐKT – Ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Công điện số 795/BCA-V11 gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong Công an nhân dân (CAND). Chủ động hơn nữa trong phòng ngừa sai phạm, suy thoái nhằm nâng cao uy tín và tăng cường xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng CAND Nội dung Công điện nêu rõ: Thời gian qua, cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng CAND. Kỷ luật, kỷ cương từng bước được chấn chỉnh; đoàn kết nội bộ được tăng cường; cán bộ, chiến sĩ nỗ lực rèn luyện phấn đấu, xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm chiến đấu, anh dũng hi sinh trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự. Đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật; giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng từ những năm trước, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh những thành tích đạt được, tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật, điều lệnh nội vụ trong CAND thời gian gần đây vẫn còn xảy ra. Trong đó có nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng: Bao che, tiếp tay cho tội phạm, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…; thậm chí có trường hợp là cán bộ lãnh đạo chỉ huy, sĩ quan cao cấp. Đáng chú ý, nhiều vụ việc tiêu cực được báo chí tập trung phản ánh hoặc bị đăng tải, chia sẻ, xuyên tạc, lợi dụng để “giật tít”, “câu view”, “câu like” trên các báo điện tử, mạng xã hội, gây bất lợi về chính trị, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào bản chất Công an cách mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của lực lượng Công an. Để tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chủ động hơn nữa trong phòng ngừa sai phạm, suy thoái nhằm nâng cao uy tín và tăng cường xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng CAND, Bộ Công an yêu cầu cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 2612/BCA-X11, ngày 28/10/2016 của Bộ Công an về siết chặt, kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh công tác cán bộ. Tăng cường công tác nắm tình hình, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, mệnh lệnh chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về công tác xây dựng đảng, xây dựng lực lượng CAND. Chủ động phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân, lợi dụng cương vị công tác, chức quyền làm tổn hại lợi ích chung và lợi ích chính đáng của nhân dân hoặc bị mua chuộc, lôi kéo bởi các phần tử xấu, "lợi ích nhóm"… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp công an. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phương châm “chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, chú trọng các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Khi có các vụ việc phức tạp được dư luận, báo chí phản ánh, cơ quan thanh tra, kiểm tra phải chủ động nắm tình hình, nếu cần thiết phải có kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra để làm rõ thông tin, đề xuất giải quyết dứt điểm, không để phức tạp, kéo dài. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm túc Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước và Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công an. Chủ động cung cấp cho cơ quan báo chí, tuyên truyền những thông tin về kết quả, thành tích công tác, những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, trong đó có kết quả điều tra, khám phá các chuyên án, vụ án lớn về đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý (không được làm lộ các biện pháp nghiệp vụ ngành Công an). Khi có các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng  CAND, nhất là dư luận, thông tin sai trái, thiếu tính xây dựng đối với lực lượng CAND hoặc thông tin xuyên tạc, thù địch liên quan lĩnh vực, địa bàn phụ trách, thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương phải chủ động xác minh, làm rõ, chỉ đạo hoặc đề xuất các biện pháp giải quyết để kịp thời định hướng thông tin, không để phát sinh dư luận phức tạp. Chủ động báo cáo, đề xuất cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về lực lượng CAND làm cho dư luận xã hội và nhân dân hiểu và đánh giá đúng, toàn diện về lực lượng Công an, đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ CAND hoàn thành nhiệm vụ. Chủ động tham mưu, đề xuất, hướng dẫn thực hiện các kế hoạch tuyên truyền định kỳ, thường xuyên và tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền theo chuyên đề, sự kiện. Nghiên cứu đề xuất xây dựng Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Thông tin và truyền thông; rà soát việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Ban Tuyên giáo Trung ương để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí trong cả nước về đấu tranh phòng chống tội phạm, xây dựng lực lượng CAND. Các cơ quan báo chí, tuyên truyền trong Công an nhân dân CAND phải bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương, với các cơ quan báo chí ngoài ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền để phản ánh những khó khăn, phức tạp, hiểm nguy, sự cống hiến, hy sinh to lớn của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Công an trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự; phản ánh, cổ vũ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, kỷ cương, kỷ luật, phong cách ứng xử văn hóa của cán bộ, chiến sĩ Công an; tích cực, chủ động, nhạy bén hơn nữa trong phản bác, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, thù địch và dư luận sai trái, thiếu tính xây dựng đối với lực lượng CAND. Nguyệt Hà

Bộ Tư pháp bước đầu phát hiện 20 văn bản trái pháp luật về nội dung

TĐKT – Chiều 6/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp họp báo Quý I/2018. Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển chủ trì họp báo. Trong Quý I/2018, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thuộc chức năng, nhiệm vụ, đạt được một số kết quả cụ thể. Bộ Tư pháp họp báo Quý I/2018 Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình 2/2 văn bản: Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) kỳ 2014 - 2018 thống nhất trong cả nước. Thẩm định 34 dự án, dự thảo VBQPPL, 7 đề nghị xây dựng VBQPPL; đã kiểm tra 640 văn bản của các bộ, ngành, địa phương; bước đầu phát hiện 20 văn bản trái pháp luật về nội dung. Tính đến hết 28/2/2018 (5 tháng theo kỳ báo cáo), các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong 186.883 việc trong tổng số 409.447 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 45,64%; tăng 10.929 việc (0,74%) so với cùng kỳ năm 2017; với số tiền thi hành xong là hơn 9000 tỷ. Tổ chức theo dõi, đôn đốc thi hành xong 29/85 vụ việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng. Trong quý I năm 2018, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch. Bộ đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2018; hoàn thành việc chấm điểm chỉ số cải cách hành chính năm 2017 gửi Bộ Nội vụ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã rà soát, đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh thuộc 7 ngành, nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đạt tỷ lệ 44%. Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết trong Quý II/2018, công tác tư pháp sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, trọng tâm là Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Bộ sẽ hoàn thiện đảm bảo tiến độ và chất lượng 5 văn bản, đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 25 đề án, văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trong Quý II/2018. Tổ chức Hội nghị sơ kết công tác THADS 6 tháng đầu năm; trên cơ sở đó đề ra và tổ chức thực hiện tốt các giải pháp để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về THADS. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp và hoàn thành các công việc để thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, nhất là thực hiện mở rộng việc sử dụng chữ ký số; rà soát, hoàn thiện Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ để xử lý công việc trên môi trường mạng… Phương Thanh

Hỗ trợ hơn 1,3 nghìn tấn gạo cho Điện Biên và Hòa Bình trong dịp giáp hạt 2018

TĐKT - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 371/QĐ-TTg về việc xuất cấp 1.301,085 tấn gạo gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Điện Biên và Hòa Bình trong thời gian giáp hạt 2018. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.301,085 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân thời gian giáp hạt năm 2018. Trong đó, hỗ trợ tỉnh Điện Biên 1.172,595 tấn gạo và tỉnh Hòa Bình 128,490 tấn gạo. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Điện Biên và Hòa Bình tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, tỉnh báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ theo quy định. Hồng Thiết

Đột phá công nghệ hướng đích trong điều trị bệnh dạ dày, trào ngược

TĐKT- Chiều 5/4, tại Hà Nội, Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Đột phá công nghệ hướng đích trong điều trị bệnh dạ dày, trào ngược. Kết quả mô hình liên kết Viện - Trường - Doanh nghiệp”. Các nhà khoa học giới thiệu về công trình nghiên cứu mới Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã công bố công trình nghiên cứu mang tính đột phá của y dược học Việt Nam. Lần đầu tiên, các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng thành công công nghệ hướng đích vào hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên (curcumin - chiết xuất từ củ nghệ vàng) nhằm phát triển sản phẩm đặc hiệu trong bệnh dạ dày và trào ngược. Curcumin là thành phần tinh túy nhất của củ nghệ vàng. Curcumin có rất nhiều tác dụng quý báu đã được khoa học và thực nghiệm chứng minh, trong đó có tác dụng ngăn ngừa tiết axit, tạo lớp chất nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày, kháng viêm, lành vết loét. TS. Lê Thị Thu Hường, Khoa Y Dược – Trưởng nhóm nghiêm cứu thiết kế và phát triển thuốc mới VSL (ĐHQGHN) cho biết: Công nghệ hướng đích là một phương pháp khoa học để đưa các loại thuốc đến các tế bào bị bệnh, một cách chọn lọc, mà không ảnh hưởng đến tế bào lành. Hiện nay, công nghệ này được ứng dụng vào các thuốc tổng hợp, tạo ra một thế hệ thuốc mới trong điều trị ung thư, để giảm tác dụng phụ của thuốc, giảm liều và tăng hơn nữa hiệu quả điều trị. Sau một thời gian dài phối hợp, triển khai, các nhà khoa học ĐHQGHN, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Dược Hà Nội đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hướng đích vào hoạt chất curcumin. Công nghệ này nhằm đưa các hạt curcumin với kích thước siêu nhỏ đến trúng đích, chỉ tập trung tác dụng tại các vùng bị viêm, loét trong dạ dày để phát huy tác dụng, đồng thời tránh bị lãng phí trong cơ thể. Điều này, giúp giảm liều sử dụng, giảm thời gian sử dụng và tăng hiệu quả tác dụng. ​Việc sản xuất thành công Scurma Fizzy đã đánh dấu mốc sản phẩm này trở thành sản phẩm Sủi Curcumin đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Sản phẩm được bào chế dưới dạng viên sủi bọt giúp hoạt chất thẩm thấu vào máu nhanh chóng, gần như được hấp thu ngay do người dùng hòa tan viên sủi trong nước trước khi dùng, không phải trải qua các quá trình “rã - tan” trong cơ thể như viên nén. Ở dạng bào chế sủi, các hạt curcumin hướng đích sẽ được phân tán đều trong dung dịch và đến được các vị trí khó trên đường tiêu hóa như hang vị, bờ cong… để phát huy tác dụng, hơn nữa còn giảm kích ứng niêm mạc dạ dày. Dạng bào chế sủi cũng là giúp phát huy được ngay các tác dụng trên bệnh lý trào ngược, vì dung dịch curcumin hướng đích sẽ tráng qua thực quản nơi diễn ra hiện tượng trào ngược trước khi xuống các vị trí khác trong dạ dày. Không chỉ vậy, sản phẩm với hương vị dễ chịu thích hợp cho người bệnh khó nuốt, nhất là trẻ em và người cao tuổi. Thành công của việc ứng dụng công nghệ hướng đích vào curcumin được đánh giá là bước đột phá của y dược học Việt Nam – kết quả mô hình hợp tác hiệu quả Viện - Trường - Doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tận dụng nguồn tài nguyên thuốc của Việt Nam. Sản phẩm đã được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Elepharma để sản xuất và đưa ra thị trường đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Phương Thanh  

Kiện toàn hệ thống y tế ở địa phương theo Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII

TĐKT- Bộ Y tế vừa có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiện toàn hệ thống y tế ở địa phương theo Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII. Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho hệ thống y tế ở địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 - NQ/TW, Nghị quyết số 20 - NQ/TW đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 25/10/2017, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và thực hiện đúng, đầy đủ theo nội dung: Kiện toàn hệ thống tổ chức y tế ở địa phương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII nhằm thực hiện chủ trương cải cách hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn – hiệu lực – hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong quản lý nhà nước, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành và lãnh thổ theo quy định của pháp luật. Ngành y tế tăng cường các biện pháp quản lý sức khỏe cho người dân ngay tại tuyến cơ sở Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu tuyến tỉnh cần sớm quyết định phê duyệt theo thẩm quyền việc thực hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở địa phương theo Thông tư số 26/2017/TT-BYT ngày 26/6/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn, tình hình dịch bệnh, các vấn đề sức khỏe của người dân trên địa bàn. Đối với Trung tâm Y tế huyện (TTYT) huyện, trên cơ sở Thông tư số 37/2017/TT-BYT ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTYT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo xây dựng đề án kiện toàn và sớm quyết định phê quyệt theo thẩm quyền mô hình Trung tâm huyện đa chức năng, bao gồm y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dân số và các nhiệm vụ khác của ngành y tế. Thống nhất tên gọi “TTYT huyện” và thực hiện quản lý theo ngành dọc “Trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực (nếu có) là đơn vị y tế thuộc TTYT huyện; TTYT huyện trực thuộc Sở Y tế” để đảm bảo phù hợp với các văn bản hướng dẫn, đảm bảo thống nhất với các địa phương khác, đảm bảo sự đồng bộ trong chuyên môn, sự hỗ trợ phù hợp giữa các tuyến, các địa phương trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nhiệm vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước và đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây là nội dung quan trọng trong việc triển khai thực hiện kiện toàn hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp y tế ở tuyến huyện theo hướng tập trung đầu mối, huy động được các nguồn lực nhằm nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật và quản lý sức khỏe cho người dân ngay tại tuyến cơ sở. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện việc thực hiện các quy định về tổ chức và nhân lực đối với trạm y tế xã, phường, trị trấn theo quy định tại Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ và quan tâm chỉ đạo, đảm bảo các điều kiện để trạm y tế thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế xã, phường, thị trấn theo Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế. Hồng Thiết  

Trang