Chính trị - Xã hội

Tăng cường nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tại Việt Nam

TĐKT - Sáng 8/3, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701). Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì buổi lễ. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 phát biểu tại buổi lễ Văn phòng 701 được thành lập theo Quyết định số 701, ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Nhiệm vụ chính của Văn phòng 701 là tham mưu xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch công tác của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; tuyên truyền, hợp tác, vận động tài trợ trong nước và quốc tế; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; là đầu mối tổng hợp tình hình, xây dựng báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 khẳng định: Khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh đối với con người và môi trường ở Việt Nam là vấn đề cấp bách có tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và sự giúp đỡ về nguồn lực của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu cán bộ, nhân viên Văn phòng 701 cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế tham mưu, xây dựng các văn bản và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của Cơ quan Thường trực và Ban Chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, cần tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện dự án xử lý khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học: Công bố kết thúc dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, khởi công Dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa, khởi công các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, thúc đẩy việc thực hiện chính sách với nạn nhân chất độc da cam/dioxin.... Tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, hợp tác, vận động tài trợ trong nước và quốc tế nhằm tăng cường nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tại Việt Nam. Trang Lê

Khởi động Chiến dịch “Giờ trái đất” năm 2018

TĐKT - Ngày 3/3, tại Hà Nội, Chiến dịch “Giờ trái đất” 2018 tại Việt Nam do Bộ Công thương chủ trì tổ chức đã chính thức khởi động. Khẩu hiệu của Chiến dịch “Giờ trái đất” 2018 là “Go More Green - Hôm nay tôi sống xanh hơn”. Theo đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 60 tỉnh, thành phố khác sẽ đồng loạt tắt đèn từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 24/3. Nghi thức khởi động Giờ trái đất năm 2018 “Giờ trái đất” là sự kiện xã hội có quy mô lớn nhất và có nhiều người tham gia nhất trên thế giới. Đây là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF). Tính đến nay đã có khoảng 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng chiến dịch. Trong gần 1 tháng phát động, nhiều hoạt động trong chiến dịch sẽ được tổ chức trên cả nước: Cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các hộ gia đình, giao lưu với các khối trường học, tổ chức các cuộc thi, trình diễn Flashmob. Các bạn trẻ xếp hình hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2018 Chiến dịch năm nay nhằm kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức tại Việt Nam tham gia các hoạt động tiết kiệm năng lượng, đơn giản nhất là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong 1 giờ diễn ra sự kiện “Giờ trái đất” và sau đó là hành động hưởng ứng xa hơn nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2017, sau 1 giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết hưởng ứng chiến dịch “Giờ trái đất”, hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được 471.000kWh. Mai Thảo

Hà Nội gặp mặt thanh niên tiêu biểu tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 2018

TĐKT – Sáng 28/2, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức Chương trình “Gặp mặt thanh niên tiêu biểu tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 2018; Tuyên dương gương chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự”. Các thanh niên Thủ đô tiêu biểu tình nguyện lên đường nhập ngũ Dự Chương trình có 300 đoàn viên, thanh niên tiêu biểu tình nguyện đăng ký lên đường nhập ngũ, đại diện cho hơn 3450 thanh niên Thủ đô nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2018. Thành đoàn đã trao tặng Giấy chứng nhận Thanh niên tình nguyện đăng ký nhập ngũ và quà tặng lưu niệm cho các tân binh. Năm nay, Hà Nội tiến hành tuyển hơn 3450 thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong đó, gần 2000 thanh niên Thủ đô đã tình nguyện viết đơn đăng ký lên đường nhập ngũ. Trong số đó, có nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu là cử nhân đại học, đảng viên trẻ hay lao động chính trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn… cũng đã hăng hái tự nguyện viết đơn đăng ký lên đường nhập ngũ. Với mong muốn phát huy trách nhiệm của thế hệ trẻ Thủ đô đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, Chương trình Gặp mặt thanh niên tiêu biểu tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 2018 là hoạt động giáo dục truyền thống nhằm cổ vũ, khích lệ đoàn viên, thanh niên Thủ đô cùng giương cao ngọn cờ vinh quang của tổ chức Đoàn, tiếp nối truyền thống của thế hệ cha ông đi trước để rèn đức, luyện tài, phấn đấu xứng danh bộ đội Cụ Hồ: Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Sáng cùng ngày, tại Nhà H67, 130 tân binh tiêu biểu đã làm lễ báo công dâng Bác. Đoàn cũng đến dâng hương tại tượng đài Bắc Son nhằm tưởng nhớ đến công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc. Bên cạnh đó, các tân binh tiêu biểu đã đến và dâng hương tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, đoàn cũng đến và thăm quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật về lịch sử Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm đầy quả cảm của các thế hệ đi trước. Với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, đại diện thanh niên tân binh tiêu biểu đã thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ Thủ đô sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển của đất nước, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiếp nối truyền thống phong trào Ba sẵn sàng của thế hệ thanh niên Thủ đô đi trước. Phương Thanh  

Giảm thiểu các rủi ro và thiệt hại do bão gây ra

TĐKT - Sáng 28/2, tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) Quốc gia phối hợp với Ủy ban Bão quốc tế tổ chức khai mạc Khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế và các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban. Sự kiện diễn ra dưới sự chủ trì của hai tổ chức đồng sáng lập là Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). Tới dự Lễ khai mạc, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế Trong 50 năm qua, Ủy ban Bão với các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng chuyên ngành về bão đã đóng vai trò đặc biệt trong việc giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, giảm thiểu các tác động xã hội, kinh tế và môi trường do các thảm họa liên quan đến bão gây ra. Từ phiên họp đầu tiên được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan năm 1968, có 7 nước và vùng lãnh thổ tham gia, đến nay Ủy ban Bão đã có 14 nước thành viên: Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hongkong, Nhật Bản, Lào, Macao Trung Quốc, Malaysia, Phillippines, Triều Tiên, Singapore, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực hình thành bão lớn nhất thế giới và cũng là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cơn bão nhiệt đới. Từ khi thành lập đến nay, các nước thành viên Ủy viên Bão luôn thực hiện các cam kết tầm quốc gia trong hợp tác đa phương với các nước thành viên để giảm thiểu các rủi ro và thiệt hại chung từ bão. Trong 4 ngày, từ 28/2 - 3/3/2018, các đại biểu cấp cao quản lý lĩnh vực KTTV của quốc tế là thành viên Ủy ban Bão tổng kết, đánh giá mùa bão năm 2017; lắng nghe báo cáo của các nhóm công tác chuyên ngành khí tượng, thủy văn, nghiên cứu đào tạo và tư vấn của Ủy ban Bão. Trao đổi, thảo luận và chia sẻ kiến thức, hỗ trợ xây dựng năng lực và chính sách của các nước thành viên của Ủy ban Bão, để triển khai xây dựng khả năng thích ứng nhằm giảm thiểu rủi ro và nguy cơ đối mặt với những thiên tai do bão gây ra. Trao đổi thống nhất cập nhật Chiến lược hành động của Ủy ban Bão giai đoạn 2017 - 2021, đồng thời thảo luận thông qua các kế hoạch nghiên cứu xác định tính dễ tổn thương của người dân và cộng đồng để có các biện pháp đối phó toàn diện, cảnh báo sớm và tận dụng triệt để công nghệ trong quản lý, khai thác hiệu quả dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ cho xã hội. Nhân dịp này, Ủy ban Bão đã vinh danh các quốc gia, các cơ quan khí tượng và những cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động của Ủy ban Bão quốc tế. Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, trực thuộc Trung tâm KTTV Quốc gia được trao giải thưởng Kintana, giải thưởng cao quý của Ủy ban Bão dành tặng cho những tổ chức, cá nhân tiêu biểu. Phương Thanh

Kiểm tra thông tin và xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân đi lễ trong giờ hành chính

TĐKT - Ngày 28/2, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước khẩn trương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm thông tin một số công chức Kho bạc Nhà nước TP Nam Định - tỉnh Nam Định đi lễ chùa trong giờ hành chính. Công văn nêu rõ, ngày 27/2/2018, Chương trình thời sự truyền hình VTV1 lúc 19h có đưa tin về việc một số công chức Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định - tỉnh Nam Định đi lễ chùa trong giờ hành chính. Về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có ý kiến chỉ đạo như sau: Việc công chức đi lễ trong giờ hành chính là vi phạm nghiêm trọng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 về việc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Văn bản số 173/TB-BTC ngày 22/2/2018 về việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu: Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước khẩn trương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân đã có vi phạm nêu trên theo đúng quy định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính trước 11 giờ ngày 28/2/2018. Phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Nam Định và các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh để xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với các đơn vị, cá nhân có vi phạm. Chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc nhà nước thực hiện nghiêm túc Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 173/TB-BTC ngày 22/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc triển khai các nhiệm vụ được giao sau kỳ nghỉ Tết. La Giang  

"Tăng cường y tế cơ sở - Hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân"

TĐKT - Tối 27/2, tại Hà Nội,  Bộ Y tế tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp với chủ đề: “Tăng cường y tế cơ sở - Hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân” nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đến dự, có các Ủy viên Bộ Chính trị: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Cùng dự, có: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh và lãnh đạo các bộ, ban ngành đoàn thể; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Bộ Y tế đương nhiệm, tiền nhiệm và nhiều thế hệ thầy thuốc. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ, nhân viên, y bác sĩ trong toàn ngành y tế và đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực mà ngành y tế đã đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng, tri ân tới các thế hệ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế - những người không quản ngại khó khăn, gian khổ chăm lo cho sức khỏe của người dân, người bệnh. Ngay trong thời khắc này, biết bao bác sĩ, điều dưỡng viên đang thầm lặng giành giật lại mạng sống cho người bệnh. Và trong số ấy rất có thể có những người đang được người thân mong mỏi có mặt ở nhà, ở bên cạnh nhưng vẫn ở bệnh viện vì người bệnh. Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Bằng khen của Bộ Y tế cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở có thành tích xuất sắc  Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Suốt chặng đường phấn đấu trưởng thành, ngành y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ với hệ thống các cơ sở y tế đều khắp từ trung ương tới cơ sở, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế mới khang trang, hiện đại và đặc biệt là gần nửa triệu thầy thuốc, cán bộ y tế nắm chắc, tinh thông nghiệp vụ và tinh thần hết lòng trị bệnh cứu người. Trong số đó, nhiều thầy thuốc có uy tín được đồng nghiệp khu vực, quốc tế đánh giá rất cao. Có nhiều thầy thuốc là người dân tộc thiểu số mặc dù điều kiện công tác, sinh hoạt hết sức khó khăn nhưng vẫn ngày đêm miệt mài, kiên nhẫn mang từng viên thuốc cùng những lời khuyên, lời thuyết phục tới từng người dân ở những nơi hẻo lánh nhất.  Để triển khai những nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 6 về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý ngành y tế quan tâm, phát triển y tế cơ sở vì đây là thế mạnh của y tế Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám, chữa bệnh ngay từ tuyến cơ sở. Phó Thủ tướng kêu gọi toàn xã hội, từng người dân cùng ủng hộ, chung tay với các thầy thuốc, cán bộ y tế để mỗi người đều ý thức đầy đủ và hành động cụ thể để sức khỏe của mình, vốn quý nhất của mình, của người thân và của cả nước được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao một cách hiệu quả nhất. Hãy thực hiện ngay, thực hiện đúng các khuyến nghị của cơ quan y tế, của các bác sĩ về rèn luyện thân thể, sinh hoạt lành mạnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động, an toàn giao thông, kiểm tra sức khỏe định kỳ, dùng thuốc theo đơn... và cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng là tham gia BHYT. Đó cũng là cách thể hiện sự tri ân có ý nghĩa nhất đối với các thầy thuốc, những người đã, đang và sẽ tiếp tục hết lòng vì người bệnh; vì sự nghiệp chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2018 là năm khởi đầu thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và Nghị quyết số 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới, được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ký ban hành. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng mà toàn thể cán bộ y tế cần phải thấm nhuần là “Lương y phải như từ mẫu”. Do vậy, nhiệm vụ hàng đầu mà trong thời gian qua toàn ngành y tế quyết tâm thực hiện đó là đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Kết quả này được người dân phấn khởi ghi nhận và đánh giá có những chuyển biến tích cực với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp: Giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo bộ tiêu chí chuẩn quốc tế, xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp, thân thiện, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến ngang tầm quốc tế để dự phòng, chẩn đoán và điều trị. Một trong những giải pháp then chốt quan trọng để đạt được những kết quả trên là đổi mới cơ chế tài chính, đưa giá dịch vụ về giá trị thực gắn với lộ trình BHYT toàn dân vận hành theo đúng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước hỗ trợ khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tính ưu việt của các chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, phải thực hiện quyết liệt việc tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết TW 6 sẽ góp phần giải quyết câu hỏi trên. Bao phủ sức khỏe toàn dân là mơ ước không chỉ của Việt Nam mà của các quốc gia trên toàn thế giới. Đó là nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính và thực hiện BHYT toàn dân hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân.   Tại buổi lễ, đã diễn ra Lễ trao tặng Phiên bản Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955. Với những nỗ lực không ngừng, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã được trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 6 đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong công tác y tế dự phòng, 6 bệnh viện và 6 trạm y tế, cùng các cá nhân xuất sắc đã được nhận Bằng khen của Bộ y tế. Hồng Thiết

Bệnh viện ung bướu Hà Nội: Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của người bệnh ung thư

TĐKT- Ngày 27/2, tại Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chính thức khai trương tòa nhà khám, chữa bệnh với quy mô 250 giường bệnh cao cấp, 6 phòng khám theo yêu cầu, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại giảm tải cho hệ thống bệnh viện ung thư tuyến Trung ương. Ngoài ra, tòa nhà còn được đầu tư một phòng hội chẩn trực tuyến từ xa (Telemedicine) để đáp ứng nhu cầu hội chẩn giữa các bác sĩ trong nước với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, giúp người dân giảm thiểu đáng kể chi phí ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ hữu hiệu cho bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh hiệu quả PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, với mong muốn trở thành nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của người bệnh ung thư, ngay từ khi thành lập theo quyết định số 99/2000/QĐ-UB ngày của UBND TP Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến việc tuyển dụng, bồi dưỡng những cán bộ có y đức và giỏi chuyên môn. Đồng thời, bệnh viện luôn chú trọng nâng cao thái độ phục vụ người bệnh, giáo dục cán bộ mang yêu thương đến với những người đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư. Với triết lý, hành động và sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, nhân viên, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tự hào ngày càng được nhiều người lựa chọn, gửi trọn niềm tin trong cuộc chiến cam go với căn bệnh hiểm nghèo. Không chỉ được người bệnh tin yêu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng được Bộ Y tế tin tưởng giao tiếp nhận, khám và điều trị cho người bệnh ung thư có thẻ bảo hiểm y tế từ các tỉnh thành miền Bắc và miền Trung như một bệnh viện tuyến cuối trong điều trị ung thư. Với những nỗ lực không ngừng cùng người bệnh để giành hy vọng sống, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội công nhận là bệnh viện hạng I theo quyết định số 7401/QĐ-UBND ngày 4/12/2013. Trải qua gần hai mươi năm hoạt động và phát triển, đến nay Bệnh viện Ung bướu Hà Nội có một đội ngũ 560 cán bộ, y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết với nghề, luôn luôn học hỏi và trau dồi kiến thức để đáp ứng yêu cầu chuyên môn và sự tin tưởng của người bệnh. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã và đang được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khang trang và thân thiện để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân. Trang thiết bị bệnh viện được đầu tư bài bản và khép kín, bao gồm các thiết bị công nghệ cao đặc biệt: Máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA, máy chụp cắt lớp vi tính CT128, CT64, máy chụp cộng hưởng từ MRI 1,5 Tesla, máy gia tốc tuyến tính Linac 6MV/IMRT, 6/15 M, máy xạ hình SPECT và máy chụp PET/CT. Mặt khác, để giúp bệnh nhân có nhu cầu tiếp cận các chuyên gia nước ngoài mà không phải tốn kém chi phí đi lại và các chi phí đi kèm phát sinh, bệnh viện đang triển khai hệ thống hội chẩn từ xa (Telemedicine), qua đó bệnh nhân được hội chẩn với các giáo sư, chuyên gia hàng đầu tại các bệnh viện ung bướu trong nước và quốc tế, nơi Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã đặt quan hệ hợp tác: Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ… Bệnh viện cũng đang triển khai chương trình khám tầm soát phát hiện sớm ung thư với các gói khám cơ bản, nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân ở các điều kiện kinh tế khác nhau. Chương trình này đang được người dân nhiệt tình đón nhận và góp phần không nhỏ trong việc tạo ra cơ hội sống cho người bệnh ung thư khi còn ở giai đoạn sớm. La Giang

Học viện Quân y kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

TĐKT - Sáng 27/2, tại Hà Nội, Học viện Quân y tổ chức Lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2018). Tới dự, có: Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y; Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Trọng Chính, Chính ủy Học viện Quân y; các đồng chí nguyên là lãnh đạo, chỉ huy của Học viện Quân y qua các thời kỳ cùng toàn thể các đồng chí cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế của Học viện. Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y phát biểu tại buổi lễ Kế thừa, phát huy truyền thống 69 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, thầy thuốc và nhân viên y tế của Học viện Quân y luôn quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào chẩn đoán, cấp cứu và điều trị. Năng lực chuyên môn trong khám và điều trị ngày càng đạt được những tiến bộ mới vững chắc. Luôn giữ vững lòng tin cậy, yêu mến của bộ đội và nhân dân cả nước. Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện đã chúc mừng và gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới toàn thể các thầy thuốc, các bác sĩ, các thầy cô giáo và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong toàn Học viện đã ngày đêm không mệt mỏi, trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của bộ đội và nhân dân. Thiếu tướng Đỗ Quyết nhấn mạnh: Cùng với hệ thống ngành y tế, ngày nay, tổ chức lực lượng ngành quân y đã từng bước được xây dựng, củng cố, hoàn thiện trên tất cả các tuyến, bao gồm bệnh viện, bệnh xá và các cơ sở nghiên cứu có giường bệnh; các viện và trung tâm chuyên ngành, cơ sở đào tạo; các đội vệ sinh phòng dịch... Đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y được đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và phân công công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, đáp ứng với yêu cầu bảo đảm quân y cho bộ đội tác chiến ở mọi loại hình chiến thuật, cứu chữa thương binh, bệnh binh và chăm sóc sức khỏe bộ đội; bảo đảm quân y sẵn sàng chiến đấu và các tình huống đột xuất; thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và điều trị, dự phòng, công tác huấn luyện phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, cấp cứu thảm họa, nâng cao sức cơ động của quân y tuyến trước và công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trang Lê

Họp báo về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

TĐKT - Chiều 26/2, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức họp báo về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ ngày 2/3 - 4/3 theo lời mời của ngài Ram Nath Kovind. Họp báo cung cấp thông tin về sự kiện Đây là lần thứ tư một Chủ tịch nước Việt Nam sang thăm Ấn Độ, trước đó là chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958, Chủ tịch Trần Đức Lương năm 1999 và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2011.  Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ thăm Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) và thủ đô New Delhi. Chương trình của Chủ tịch nước ở New Delhi bao gồm các cuộc hội đàm với Tổng thống Kovind, các cuộc đàm phán với Thủ tướng Narendra Modi và các cuộc tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo Ấn Độ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sushma Swaraj sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tháp tùng Chủ tịch nước là một phái đoàn cấp cao lớn, trong đó có các doanh nhân Việt Nam, sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tại một sự kiện do Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tổ chức. Chủ tịch nước cũng sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Sumitra Mahajan cùng với Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam tại tòa nhà Quốc hội Ấn Độ. Năm 2017 là năm có nhiều cột mốc trong mối quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam và được coi là Năm Hữu nghị, kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhiều hoạt động đã diễn ra tại Ấn Độ và Việt Nam để đánh dấu những cột mốc này. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự kiến sẽ tham dự Lễ khai mạc "Ngày Văn hóa Việt Nam ở Ấn Độ" tại New Delhi để kết thúc Năm Hữu nghị này. Đáng chú ý, trong chuyến thăm cấp Nhà nước này, một số hiệp định quan trọng sẽ được ký kết để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong việc hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, hợp tác nông nghiệp và hợp tác quốc phòng, an ninh. Theo dữ liệu của Ấn Độ, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ đã vượt ngưỡng 10 tỷ đô, cả hai nước đều cam kết cố gắng đạt được mục tiêu đặt ra bởi các nhà lãnh đạo, nâng thương mại song phương lên 15 tỷ đô vào năm 2020. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong các nước ASEAN và Ấn Độ nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự kiến sẽ có một bài phát biểu về chính sách và gặp các học giả Ấn Độ tại Bảo tàng và Thư viện tưởng niệm Nehru ở New Delhi. Sau chuyến thăm thành công và gặt hái nhiều kết quả của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao của Thủ tướng tới Ấn Độ vào tháng 1/2018, chuyến thăm cấp Nhà nước này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mở ra một cơ hội quan trọng để lãnh đạo cấp cao nhất của Ấn Độ và Việt Nam gặp gỡ, thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và đưa ra lộ trình tăng cường hợp tác song phương trong tương lai. Phương Thanh

Bộ Y tế tiếp nhận bản sao Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành y tế

TĐKT - Chiều 26/2, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ tiếp nhận bản sao Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế vì sau bao năm, Thư này được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tìm và công bố. Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Bộ Nội vụ đã trao tư liệu quý cho Bộ Y tế Tại buổi lễ, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Bộ Nội vụ đã trao tư liệu quý này cho Bộ Y tế trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các vụ, cục, tổng cục, văn phòng Bộ, thanh tra Bộ và Công đoàn ngành y tế. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảm ơn Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 đã lưu giữ, bảo quản tốt Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành y tế được đăng ở Báo Nhân dân số ra ngày 27/2/1955. Bức thư đã trở thành mốc lịch sử quan trọng đánh dấu ngày truyền thống ngành y tế - Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Bản sao Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành y tế Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, thư Bác viết ngắn gọn chỉ có 368 từ, nhưng đã thể hiện đậm triết lý sâu xa, dặn dò cán bộ y, bác sĩ cần: Thứ nhất: Phải thật thà, đoàn kết; thứ hai: Thương yêu người bệnh – Lương y phải như từ mẫu; thứ ba: Phấn đấu xây dựng nền y học nước nhà. Trong suốt 63 năm qua, lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và làm kim chỉ nam cho ngành y tế, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Hồng Thiết  

Trang