Chính trị - Xã hội

Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến

TĐKT - Ngày 21/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Lễ công bố "Cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến”. Tính đến thời điểm hiện nay EVN đang cung cấp điện trực tiếp tới trên 25,6 triệu khách hàng trên cả nước. 99,98 % xã/phường/thị trấn có điện và 11 huyện đảo đã được EVN cung cấp điện trực tiếp qua điện lưới Quốc gia hoặc các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời, điện gió. Các đại biểu ấn nút cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến Với mục tiêu đưa các dịch vụ điện năng đến gần hơn, thuận tiện hơn với tất cả khách hàng sử dụng điện trong cả nước theo phương châm “Điện lực đến với khách hàng”, từ ngày 21/12, để tiếp cận các dịch vụ của ngành điện, các khách hàng chỉ cần truy cập vào website Chăm sóc Khách hàng (CSKH) của các Trung tâm CSKH hoặc Chuyên mục “EVN & Khách hàng” tại website Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các khách hàng sử dụng điện còn có thể truy cập vào Cổng giao tiếp điện tử của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước được kết nối với hệ thống CSKH của ngành điện, yêu cầu của khách hàng sẽ ngay lập tức được chuyển đến các Công ty Điện lực để xử lý, giải quyết các bước tiếp theo. Theo Quyết định số 505/QĐ-EVN ngày 15/5/2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 20 dịch vụ điện năng do EVN cung cấp sẽ được thống nhất triển khai cung cấp trực tuyến qua website CSKH của các Trung tâm CSKH và tại Chuyên mục “EVN&Khách hàng” của website Tập đoàn Điện lực Việt Nam: www.evn.com.vn. Thông qua quy định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết sẽ đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp dịch vụ điện hợp pháp của khách hàng, đúng chất lượng công bố, đúng nội dung và thời gian yêu cầu; thực hiện theo “cơ chế 1 cửa” từ khi tiếp nhận đến kết thúc dịch vụ, khách hàng đến địa điểm giao dịch không quá 1 lần; đồng thời đơn giản, thuận tiện, công khai, dễ kiểm tra, giám sát. Trong năm 2017, những nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp điện năng của EVN đã được xã hội và cộng đồng ghi nhận thông qua hàng loạt các chỉ số đều có chuyển biến tích cực: Chỉ số hài lòng của khách hàng, chỉ số tiếp cận điện năng, ngoài ra các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện như SAIDI, SAIFI năm 2017 của toàn tập đoàn đều thực hiện tốt hơn so với kế hoạch đề ra. Kết quả thực hiện đánh giá độc lập cho thấy, mức độ hài lòng của khách hàng bình quân toàn EVN đã tăng dần qua theo thời gian, năm 2013 điểm bình quân là 6,45 điểm, năm 2014 là 6,9 điểm, năm 2015 là 7,27 điểm đến năm 2016 là 7,69/10 điểm. Chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 đứng ở vị trí 64 trong số 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, là năm có thứ bậc tăng cao nhất từ năm 2013 đến nay. Việt Nam là nền kinh tế có Chỉ số Tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực ASEAN. Về mức độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện, Việt Nam được đánh giá 6/8 điểm, tăng 3 điểm theo đánh giá của nhóm tư vấn Doing Business - Ngân hàng Thế giới WB. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ trong giao dịch khách hàng được đẩy mạnh, nhất là trong khâu cấp điện mới. Qua đó rút ngắn thời gian cấp điện mới cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố/thị xã/thị trấn là 2,07 ngày, khu vực nông thôn là 2,71 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,9 ngày. Theo Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An, đây là sự kiện quan trọng trong quá trình chuyển đổi của EVN từ đơn vị cung cấp điện thuần túy sang cung cấp dịch vụ. EVN cam kết lấy khách hàng làm trung tâm đồng thời tiếp tục hoàn thiện hơn nữa công tác dịch vụ khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ điện năng để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện. Hồng Thiết  

Đảm bảo sức khoẻ nhân dân trong dịp Tết

TĐKT - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1882/CĐ-TTg ngày 8/12/2017 về bảo đảm an ninh trật tự và công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân 2018, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện 3 nội dung trọng tâm. Nhân viên y tế cấp cứu bệnh nhân đột quỵ Thứ nhất, chỉ đạo các cơ sở y tế theo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, chuẩn bị đủ số lượng máu, đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân  tai nạn giao thông; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, tại các điểm vui chơi, lễ hội. Thứ hai, bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực 24/24 trong những ngày nghỉ lễ, Tết để giải quyết công việc, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an, lực lượng liên quan trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm và phòng, chống cháy nổ tại đơn vị. Thứ ba, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm tình hình, kịp thời báo cáo về những vấn đề nổi cộm, đột xuất phát sinh xảy ra trong địa bàn quản lý về Văn phòng Bộ Y tế. Hồng Thiết

Chương trình Trao gửi nghĩa tình

TĐKT - Ngày 19/12, trong chuyến công tác Tây Nguyên, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cùng với đoàn công tác của Bộ Công an đã đến thăm và tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Dak Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Đi cùng đoàn có các đồng chí: Điểu K'Ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông; Tôn Thị Ngọc Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.   Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi bà con đồng bào M’Nông Bộ trưởng Tô Lâm ân cần thăm hỏi, động viên bà con đồng bào dân tộc và mong muốn bà con luôn đoàn kết phấn đấu xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp. Bộ trưởng Tô Lâm đã trao tặng 10 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn ở xã Đắk Nia mỗi gia đình một căn nhà trị giá 50 triệu đồng, tặng quà hơn 200 hộ nghèo và 6 già làng uy tín. Bộ trưởng Tô Lâm tặng quà cho các gia đình và già làng xã Đak Nia Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Điểu K'Ré - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã nhấn mạnh ý nghĩa của Chương trình “Trao gửi nghĩa tình” nhằm thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, và chia sẻ những khó khăn với đồng bào nghèo. Đồng chí mong muốn những món quà nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội sẽ là nguồn động viên tích cực cho bà con để vươn lên trong cuộc sống, tiếp túc tham gia đóng góp vào phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" cũng như các phong trào phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Đồng chí Điểu K’ Ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên tặng quà cho đồng bào Nằm trong chương trình hoạt động này Tập đoàn tôn Hoa sen đã trao tặng 2 căn nhà tình nghĩa mỗi căn 50 triệu đồng cho 2 hộ nghèo người dân tộc M’ Nông. Ông Trần Đình Tài, Giám đốc khối Marketing Tập đoàn Hoa Sen trao biểu trưng 2 căn nhà cho hộ nghèo Thay mặt cho đồng bào thiểu số xã Dak Nia, ông K’Won người dân tộc M’Nông, cảm ơn sự quan tâm, gần gũi và động viên của Bộ trưởng bộ Công an cùng các cơ quan ban ngành luôn luôn nhớ và giúp đỡ bà con đồng bào. Ông hứa sẽ cùng toàn thể bà con dân tộc thiểu số, đoàn kết yêu thương và xây dựng buôn làng ngày càng tươi đẹp cuộc sống được cải thiện. Đồng thời ông cũng mong muốn Đảng và nhà nước quan tâm đặc biệt hơn nữa để bà con thoát nghèo.                                                                              Trần Lê

Hướng tới kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X năm 2018.

TĐKT - Ngày 20/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị lần thứ nhất chuẩn bị Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X năm 2018. Thi nghề xây gạch tại Kỳ thi tay nghề quốc gia Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục (GDNN) nghề nghiệp Trương Anh Dũng, kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X được tổ chức với mục đích tôn vinh lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao; tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trẻ có kỹ năng nghề trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Song song với đó là tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ... Kỳ thi cũng là cơ sở để tuyển chọn thí sinh có năng lực tham gia đội tuyển quốc gia để huấn luyện chuẩn bị tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới. Các nghề tổ chức tại Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X năm 2018 dự kiến là các nghề được tổ chức thi tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XII năm 2018 tại Thái Lan. Gồm 26 nghề: Cơ điện tử, thiết kế kỹ thuật cơ khí, công nghệ hàn, tự động hoá công nghiệp, robot di động, điện tử, bảo trì máy CNC, thiết kế và phát triển trang web, giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, lắp cáp mạng thông tin, thiết kế đồ họa, công nghệ thời trang, công nghệ ô tô, lắp đặt điện, điện lạnh, ốp lát tường và sàn, xây gạch, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin, chăm sóc sắc đẹp, thiết kế các kiểu tóc, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn, sơn ô tô, internet vạn vật.  Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, để Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X thành công, là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần lựa chọn chuyên gia tốt cho kỳ thi. Tổng cục cũng cần nghiên cứu bổ sung những nghề mới, chú trọng vấn đề dạy nghề gắn với cơ hội việc làm. Ngoài ra, khu vực thi phải đảm bảo kỷ luật, trật tự. Tăng cường công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt phải đi vào chiều sâu, tuyên truyền các gương sáng về học nghề gắn với việc làm. Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục GDNN đẩy mạnh xã hội hóa kỳ thi và phải gắn kỳ thi với doanh nghiệp, khi chấm thi cần chú trọng đến tác phong làm việc của các thí sinh. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận kế hoạch chuẩn bị và tổ chức kỳ thi; dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức thi tay nghề quốc gia và huấn luyện đội tuyển quốc gia... La Giang

Khai trương 2 đường bay từ Campuchia tới Việt Nam

TĐKT – Ngày 19/12, tại Hà Nội, Lanmei Airlines – hãng hàng không đến từ Campuchia tổ chức thông tin đến báo chí về việc sẽ khai thác đường bay thẳng Phnom Penh – Hà Nội và Siem Reap – TP Hồ Chí Minh vào các ngày thứ 3,4,6 và chủ nhật hàng tuần kể từ ngày 20/12/2017. Những năm gần đây, sự giao thương về kinh tế và du lịch giữa 10 nước khu vực Đông Nam Á càng trở nên thắt chặt hơn, đặc biệt là giữa Campuchia và Việt Nam. Do đó, Lanmei Airlines quyết định khai trương đường bay thẳng duy nhất giữa Thủ đô Phnom Penh và Thủ đô Hà Nội, nhằm đẩy mạnh hoạt động giao lưu kinh tế quốc tế. Siem Reap có kỳ quan Angkor Wat - một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận, nơi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo và nguy nga của nền văn minh Khmer. Siem Reap ngày nay là một điểm đến du lịch nổi tiếng thu hút rất đông du khách quốc tế, cũng như TP Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế trọng điểm đồng thời là một thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Sự kết nối giữa Siem Reap và TP Hồ Chí Minh được mong đợi sẽ là một bước tiến lớn trong việc trao đổi văn hóa và khai thác tài nguyên du lịch của cả 2 nước. Lanmei Airlines công bố về hai đường bay mới từ Campuchia đến Việt Nam Trong khuôn khổ của cơ chế Hợp tác Lancang – Mekong (LMC), Lanmei Airlines phục vụ cho chiến lược “Tứ giác phát triển” của Campuchia. Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville là ba căn cứ chính của hãng, kết hợp với thị trường du lịch hiện nay. Lanmei Airlines đã và đang xây dựng một nền tảng sản phẩm đặc trưng và đa dạng như “On&Off board” và “On&Off line”, tiến tới trở thành một mạng lưới hàng không đại chúng, đáp ứng nhu cầu “kết nối” và hình thành một “đường cao tốc trên không” phục vụ nhu cầu giao thương kinh tế và là cầu nối văn hóa giữa sáu nước trong lưu vực sông Mê - kông. Lấy cảm hứng từ mô hình hàng không giá rẻ, Lanmei Airlines vận hành loại hình máy bay thân hẹp với thiết kế cấu trúc đơn giản nhằm giảm chi phí và tối ưu hóa ước tải nhưng vẫn luôn đảm bảo an toàn và tạo ra mức giá hợp lý nhất với thị trường. Bên cạnh đó, Lanmei Airlines vẫn cung cấp những dịch vụ đặc trưng riêng của hãng, cung cấp danh mục sản phẩm cơ bản để hành khách có những trải nghiệm bay tiện lợi như trong chính ngôi nhà của mình. Lanmei Airlines cam kết tạo ra dịch vụ hàng không đẳng cấp và độc đáo cho việc giao lưu giữa Campuchia và Việt Nam. Hiện tại, lịch bay của hãng như sau: Phnom Penh (PNH) – Hà Nội (HAN) LQ666: PNH 7:00 – 8:45 HAN; LQ667: HAN 9:55 – PNH 11:40 (thứ 3) LQ666: PNH 7:35 – 9:20 HAN; LQ667: HAN 10:30 – 12:10 PNH (thứ 4,6 và chủ nhật) ( Đặc biệt, giá 0 đồng cho 2 chuyến bay đầu tiên vào ngày 20/12 và 22/12). Siem Reap (REP) – Hồ Chí Minh (SGN) LQ660: REP 14:55 – 16:00 SGN; LQ661: SGN 17:00 – 17:50 REP (thứ 3,4 và chủ nhật) LQ660: REP 14:35 – 16:00 SGN; LQ661: SGN 17:00 – 17:50 REP (thứ 6) Mai Thảo

Rạng Đông tích cực sẻ chia với đồng bào vùng lũ

TĐKT – Nhằm chia sẻ khó khăn với bà con nhân dân tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, vừa qua, đại diện cho hơn 2000 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho đồng bào tại 21 tỉnh với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Cụ thể, Rạng Đông đã trao tặng 2.600 suất quà với tổng trị giá 350 triệu đồng cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng do bão số 10 gây ra và các hộ gia đình nghèo tại tỉnh Quảng Bình; tặng 2.000 suất quà với tổng trị giá 315 triệu đồng cho người dân ở Hà Tĩnh; 1000 suất quà với tổng số tiền hỗ trợ 130 triệu đồng tại Nghệ An; 2000 suất quà tại Quảng Nam là; 3000 suất quà tại Phú Yên; 3000 suất quà tại tỉnh Gia Lai; 500 suất quà tại tỉnh Kon Tum và trao tặng 9.000 bóng đèn tiết kiệm điện cho 3.000 hộ dân, công nhân, lao động khó khăn ở Ninh Thuận… Đại diện Rạng Đông tặng 2.000 suất quà với tổng trị giá 315 triệu đồng cho người dân ở Hà Tĩnh Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết: Đã trở thành một nét đẹp truyền thống, ăn sâu vào mỗi CBCNVCLĐ Rạng Đông, nhiều năm qua, bên cạnh nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, việc tham gia các hoạt động nhân đạo, xã hội, từ thiện được tập thể công ty coi trọng và thực hiện hiệu quả, được lãnh đạo các cấp ghi nhận. Đại diện Rạng Đông tặng nhân dân bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ tỉnh Quảng Nam 2.000 suất quà Hàng tháng, CBCNVCLĐ Công ty đều tự nguyện trích 0,5% tổng số tiền lương của mình dành cho Quỹ tương thân, tương ái, ủng hộ những người neo đơn, tật nguyền, ốm đau, bệnh tật, tạo điều kiện cho họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế của từng năm, các việc đột xuất xảy ra như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… Công ty đều tổ chức quyên góp, ủng hộ, được đông đảo CBCNVLĐ hưởng ứng. Rạng Đông hỗ trợ đèn bàn bảo vệ thị lực cho các em học sinh vùng cao Mù Cang Chải Đặc biệt, những năm gần đây, Rạng Đông là một trong những đơn vị tiên phong tổ chức các chương trình “thắp sáng học đường”, đem ánh sáng đến các em học sinh vùng đồng bào dân tộc khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc và triển khai hiệu quả chương trình thắp sáng vùng nông thôn mới, nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân. Đại diện Rạng Đông tặng 200 triệu đồng xây dựng bể chứa nước ngọt và nhà kính trồng rau cho các chiến sĩ Trường Sa Được biết, trước đó công ty đã dành gần 3 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, cộng đồng ý nghĩa: Ủng hộ xây dựng vườn rau xanh cho các chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa, thực hiện chương trình đưa ánh sáng học đường về Mù Cang Chải, ủng hộ học sinh nghèo học giỏi,.... Dự kiến, Công ty Rạng Đông sẽ tiếp tục triển khai chương trình chiếu sáng học đường cho khoảng hơn 200 lớp học cho các trường học nghèo trên cả nước. Hưng Vũ  

Hướng tới cuộc thi Giao thông học đường năm học 2017 - 2018

TĐKT - Chiều 15/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức họp báo về cuộc thi Giao thông học đường năm học 2017 - 2018. Đến dự, có Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng; Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh (Bộ GD&ĐT) Dương Văn Bá. Họp báo cuộc thi “Giao thông học đường năm học 2017-2018” Cuộc thi Giao thông học đường năm học 2017 - 2018 là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông; triển khai kế hoạch của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia về năm an toàn giao thông 2017 với chủ đề Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên với mục tiêu Tính mạng con người là trên hết; Chương trình phối hợp về tăng cường giáo dục an toàn giao thông trường học giai đoạn 2013 - 2018. Cuộc thi là hoạt động thiết thực, góp phần giáo dục kiến thức kỹ năng, văn hóa ứng xử cho học sinh khi tham gia giao thông, giúp các em tiếp cận với các kiến thức về an toàn giao thông một cách gần gũi, tự nhiên theo một hình thức tuyên truyền mới, nhẹ nhàng và hấp dẫn. Đồng thời tạo điều kiện để các em tiếp cận bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe mô tô hạng A1. Đề thi trong cuộc thi Giao thông học đường được chia theo từng cấp học với hình thức thể hiện phong phú. Trong đó có 584 loại câu hỏi về văn hóa giao thông, 1073 câu hỏi về luật giao thông đường bộ và 168 câu hỏi tình huống video 3D. Qua đó, nhiều tình huống giao thông được mô tả sinh động, giúp người thi dễ hình dung. Nội dung câu hỏi bám sát vào các tình huống giao thông thường gặp trong đời sống, trở thành những hướng dẫn, những bài học bổ ích, giúp các em nhận biết các tình huống giao thông nguy hiểm, qua đó có các kỹ năng phòng, tránh tai nạn và có văn hóa tham gia giao thông văn minh. Về cơ cấu giải thưởng, ở vòng thi cấp trường, mỗi tuần, Ban tổ chức sẽ trao 3 giải/khối lớp/toàn quốc trị giá 500 nghìn đồng. Ở vòng thi cấp tỉnh, thành phố, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất (1 triệu đồng); 1 giải nhì (500 nghìn đồng); 1 giải ba (300 nghìn đồng). Ở vòng thi cấp toàn quốc, sẽ có 1 giải đặc biệt (10 triệu đồng); 2 giải nhất (mỗi giải 5 triệu đồng); 3 giải nhì (mỗi giải 3 triệu đồng); 5 giải ba (mỗi giải 2 triệu đồng) được trao. Bên cạnh đó, còn có 20 giải tập thể đồng hạng cho 20 tập thể gồm trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng. Cuộc thi được triển khai trên toàn quốc từ ngày 12/12/2017 đến tháng 5/2018, với 3 vòng thi. Vòng thi cấp trường từ ngày 12/12/2017 đến ngày 18/3/2018. Vòng thi cấp tỉnh/thành phố từ 2/4/2018 đến 15/4/2018. Vòng thi chung kết toàn quốc diễn ra vào tháng 5/2018. Hồng Thiết  

Giảm thời gian chờ đợi, chi phí đi lại khi thực hiện thủ tục hành chính

TĐKT - Sáng 15/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự tại điểm cầu Quảng Bình. Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 45/2016/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 45) ngày 19/10/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 17/2017/TT - BTTTT ngày 26/3/2017 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định 45; Thông tư số 22/2017/TT - BTTTT ngày 29/9/2017 quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận, gửi hồ sơ giải quyết TTHC và dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là khung pháp lý quan trọng để thực hiện việc nhận, gửi hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Một năm qua, dịch vụ này đã giúp người dân và các tổ chức, doanh nghiệp thuận tiện hơn, giảm thời gian chờ đợi và chi phí đi lại trong thực hiện các TTHC tại tất cả các lĩnh vực. Đến nay, 100% bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có TTHC đã rà soát, công bố các TTHC được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. 61/63 tỉnh, thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - doanh nghiệp bưu chính duy nhất tại Việt Nam được giao triển khai các nhiệm vụ bưu chính công ích. Đặc biệt, các sở, ngành, quận, huyện tại các địa phương này cũng ký thỏa thuận hợp tác với bưu điện tỉnh, thành phố để triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua bưu điện. Tất cả các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đã phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về kiểm tra giấy tờ, các điểm cần lưu ý khi nhân viên tiếp nhận hồ sơ của người dân, để đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC được chính xác, nhanh chóng, an toàn. Giai đoạn đầu triển khai, tổng số điểm đăng ký cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích tại 63 bưu điện tỉnh, thành phố là 3899 điểm, bao gồm toàn bộ bưu cục cấp 1, 2, các bưu cục cấp 3 và một số bưu điện - văn hóa xã. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2017, đã có gần 8 triệu lượt hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện. Điển hình là các lĩnh vực: Tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm xã hội (giải quyết chế độ thai sản, đau ốm, thất nghiệp); cấp đổi giấy phép lái xe; cấp lý lịch tư pháp; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp bản sao bằng tốt nghiệp; thủ tục xin nhận con nuôi; cấp và cấp lại các chứng chỉ, chứng nhận về y, dược, bán thuốc bảo vệ thực vật; bản sao giấy khai sinh; đăng ký thành lập doanh nghiệp... Trong năm qua, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC luôn được thực hiện theo đúng quy trình nghiệp vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy định. Đa số các cơ quan hành chính và khách hàng đều đánh giá cao những lợi ích mà dịch vụ mang lại, đồng thời ghi nhận nhân viên tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả có tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhanh nhẹn, nhiệt tình. Phương Thanh

Tăng cường thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về bổ sung vi chất vào thực phẩm

TĐKT - Ngày 14/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Tăng cường thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về bổ sung vi chất vào thực phẩm”. Đến dự, có TS khoa học Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Yoshimi Nishino, quyền Phó Đại diện Văn phòng UNICEF tại Việt Nam. Cùng dự, có 70 đại biểu cấp cao đến từ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ... Hội thảo “Tăng cường thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về bổ sung vi chất vào thực phẩm” Từ tình hình thực tiễn thiếu hụt i-ốt tại Việt Nam, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/9/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Nghị định số 09). Nghị định này được ban hành với mục tiêu phòng ngừa thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ người dân, bảo đảm phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt. Được biết, Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã có quy định về lộ trình (1 năm) để các doanh nghiệp thực hiện các quy định về việc bổ sung i-ốt vào muối ăn và muối dùng để chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, tháng 7/2017, kết quả cuộc khảo sát do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế tại một số cơ sở sản xuất muối và nước mắm cho thấy, chỉ có các doanh nghiệp sản xuất muối là tuân thủ các quy định của Nghị định, không một cơ sở nước mắm nào dùng muối đã bổ sung i-ốt để sản xuất nước mắm. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là vì muối dùng ướp cá để lên men là loại muối được lưu trữ trên 1 năm để loại bỏ các tạp chất: Mg2+, Ca2+, SO42-, CL-. Nếu dùng muối i-ốt để 1 năm thì lượng i-ốt sẽ không còn trong muối. Các doanh nghiệp lo ngại khi sử dụng muối i-ốt để chế biến nước mắm sẽ làm thay đổi màu, mùi vị của sản phẩm và chưa có bằng chứng thử nghiệm dùng muối i-ốt để chế biến nước mắm trong nước để các doanh nghiệp tin tưởng. Hiện tại, đại diện các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vẫn có khiếu nại lên Chính phủ và Bộ Y tế về việc khó thực thi Nghị định 09 vì những quan ngại đối với các thay đổi về chất lượng hay màu sắc của thành phẩm. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định có hiệu lực (15/3/2016) và quy định về lộ trình bổ sung i-ốt có  hiệu lực chưa có doanh nghiệp nào cung cấp bằng chứng cụ thể cho thấy việc sử dụng muối i - ốt trong chế biến thực phảm làm biến tính sản phẩm như họ vẫn khiếu nại. Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy chỉ có 6% người dân sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày (chủ yếu miền núi), phần lớn người dân sử dụng bột canh, hạt nêm, nước mắm và các gia vị mặn khác. Vì vậy, nếu chỉ có muối ăn được trộn i-ốt, lượng i-ốt sẽ không đủ để phòng, chống tình trạng thiếu hụt i-ốt và tình trạng thiếu i-ốt hiện nay sẽ không khắc phục được. Trước tình hình này, VUSTA tổ chức hội thảo với mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của i-ốt và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP và công tác phòng, chống rối loạn i-ốt. Đồng thời, nâng cao nhận thức của công chúng về Nghị định 09, tầm quan trọng của phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt, với vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong thực thi Nghị định 09. Hội thảo đã có nhiều ý kiến và tham luận liên quan đến thiếu hụt i-ốt và hậu quả; quá trình hình thành Nghị định 09/2016/NĐ-CP; tình hình thực hiện và khó khăn gặp phải trong triển khai Nghị định 09/2016/NĐ-CP tại các doanh nghiệp sản xuất muối và nước mắm; kết quả nghiên cứu tình trạng thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai... Đặc biệt kiến nghị của các chuyên gia về vấn đề sử dụng muối bổ sung i-ốt để chế biến thực phẩm sẽ được VUSTA gửi lên Chính phủ và các cơ quan quản lý liên quan. Hồng Thiết    

Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành kế hoạch, chương trình công tác năm 2017

TĐKT - Chiều 12/12, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về kết quả triển khai công tác trong thời gian qua, dự kiến một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Bộ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì buổi họp báo. Cùng dự, có Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại buổi họp báo Phát biểu tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Thời gian qua, Bộ Nội vụ tiếp tục tập trung cao cho việc xây dựng thể chế, chính sách, khẩn trương hoàn thành kế hoạch, chương trình công tác năm 2017 của Bộ; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ đối với các bộ, ngành, địa phương. Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành đã thông báo tới các cơ quan thông tấn, báo chí kết quả một số công tác trọng tâm trong thời gian qua, dự kiến nhiệm vụ công tác trong thời gian tới của Bộ Nội vụ; một số nội dung mới của Thông tư số 05/2017/TT-BNV và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP. Theo đó, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XII thông qua và ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2017/NĐ-CP ngày 03/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên; Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 28/7/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2015/NĐ-CP về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 07/9/2017 về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử… Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã ký ban hành các văn bản: Thông tư số 04/2017/TT-BNV ngày 13/7/2017 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/7/2017 đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng; Thông tư số 05/2017/TT-BNV ngày 15/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức; Thông tư số 06/2017/TT-BNV quy định mã số chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học; Quy chế thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng và tương đương tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ…. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự các văn bản: Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện Nghị quyết số 56 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định quy định việc áp dụng chức danh chuyên gia cao cấp; Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước… Hồng Thiết

Trang