Chính trị - Xã hội

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thi hành án dân sự

TĐKT - Chiều 25/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2018. Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Năm 2017, Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo toàn hệ thống hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính. Nhờ đó, số việc và tiền thụ lý đều tăng (tăng 5,57% về việc và 19,67% về tiền), tăng cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173 nghìn tỷ đồng). Công tác xác minh, phân loại án tiếp tục được chú trọng. Việc giải quyết các vụ việc trọng điểm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế - tham nhũng, thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền (gần 57.000 tỷ đồng, chiếm 34,68% tổng số phải thi hành). Số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp (đạt 76,45%). Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế một số trường hợp chưa chính xác, đầy đủ dẫn đến phát sinh khiếu nại phức tạp, kéo dài. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn còn chậm… Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu năm 2018, công tác THADS, thi hành án hành chính phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ”. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 6/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong hoạt động THADS, thi hành án hành chính. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội. Tập trung hoàn thành, nâng cao chỉ tiêu về việc, tiền, đặc biệt là thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách Nhà nước trong những vụ án tham nhũng, kinh tế và thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng. Tập trung xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án; đối với các tài sản bán đấu giá nhiều lần, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế để các ngân hàng nhận tài sản. Các cơ quan thi hành án cần tiếp tục tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trong toàn hệ thống. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần tập trung tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong thi hành án hành chính; đề xuất các biện pháp cụ thể nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật. Các cơ quan thi hành án phải tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, hạn chế phát sinh những vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài. Chủ động, tích cực đề xuất tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan THADS tập trung, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả của công tác THADS, thi hành án hành chính.  Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển giao bản án, quyết định; nhanh chóng giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định phần sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong tài sản chung của hộ gia đình; giải quyết đúng thời hạn đối với các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự; kịp thời giải thích bản án, quyết định tuyên, bảo đảm tính khả thi.  Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm việc tuân theo pháp luật của các đối tượng là tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án, đồng thời, tăng cường kiểm sát thi hành án hành chính. Đặc biệt, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thực hiện phong tỏa tài sản đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, tránh tẩu tán tài sản. Nguyệt Hà

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến

TĐKT - Chiều ngày 23/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) khai trương và vận hành chính thức Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Đến dự, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng ấn nút khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội có liên quan đến nhiều đối tượng như người dân, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, hoạt động an toàn lao động, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong những năm vừa qua, số lượng dịch vụ công trực tuyến của Bộ được triển khai còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu.  Hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ LĐTBXH (tại địa chỉ dvc.molisa.gov.vn) đã kết nối với 5 dịch vụ công trực tuyến triển khai trong năm 2016 thuộc 3 lĩnh vực: quản lý lao động ngoài nước, an toàn lao động, việc làm. Năm 2017, Bộ LĐTBXH đang triển khai xây dụng 9 dịch vụ công trực tuyến. Qua quá trình triển khai cho thấy, việc xử lý hồ sơ trực tuyến đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, riêng đối với lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước, năm 2017, số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến là trên 30.000, đạt trên 90% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Dịch vụ công trực tuyến Cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đến nay đã tiếp nhận, xử lý hơn 5.000 hồ sơ điện tử và được triển khai đến 40 Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố. Việc đưa vào vận hành chính thức Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp: truy cập một địa chỉ và sử dụng một tài khoản duy nhất để khai báo, theo dõi, quản lý hồ sơ, giúp giảm số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, tiết kiệm thời gian... Bên cạnh đó, việc vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến cũng sẽ giúp Bộ trong việc quản lý thống nhất, tập trung việc giải quyết các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin, kết quả và đảm bảo kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ. Phát biểu tại Lễ khai trương, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao việc vận hành chính thức Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ LĐTBXH. 5 dịch vụ công đã triển khai và 9 dịch vụ công đang triển khai mới chiếm số lượng ít trong 240 dịch vụ công của Bộ. Do đó, Bộ LĐTBXH cần nỗ lực hơn nữa, hướng dẫn các cấp, các địa phương làm tốt các dịch vụ công và kết nối vào Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Dự kiến trong thời gian tới, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ sẽ tiếp tục triển khai kết nối lĩnh vực quan hệ lao động vào cuối năm 2017; kết nối lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vào năm 2018 và kết nối toàn bộ các lĩnh vực còn lại của Bộ, ngành vào năm 2019. Hồng Thiết

Vinh danh cống hiến của người làm y tế thôn, bản

TĐKT - Ngày 23/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Vòng chung kết Cuộc thi “Y tế thôn, bản giỏi lần thứ 2 năm 2017”. Đến dự, có: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Sở Y tế, các cơ sở y tế và cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế cơ sở, nhân viên y tế thôn, bản của 6 tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Gia Lai, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Đây là các đội thi đã giành giải nhất, nhì trong cuộc thi "Y tế thôn, bản giỏi lần thứ 2 năm 2017" ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Vòng chung kết cuộc thi Y tế thôn, bản giỏi lần thứ 2 năm 2017 Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cuộc thi Y tế thôn, bản giỏi do Bộ Y tế tổ chức thực sự đã trở thành ngày hội của các cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt nhân viên y tế thôn, bản. Qua cuộc thi, đội ngũ y tế cơ sở có thể giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, khắc phục khó khăn để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cũng qua cuộc thi, tôn vinh vẻ đẹp tri thức, trí tuệ, tài năng, y đức, phong cách phục vụ người bệnh của những cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là nhân viên y tế thôn, bản; đẩy mạnh phong trào học tập, rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng thực hành, khả năng giao tiếp, chăm sóc người bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao giải nhất cho đội Bắc Kạn Trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là nhân viên y tế thôn, bản được đánh giá là “cánh tay nối dài” của ngành y tế, góp phần vào thành công chung của toàn ngành. Tuy không trực tiếp làm trong các bệnh viện, trạm y tế nhưng nhân viên y tế thôn, bản, khóm ấp luôn bám sát địa bàn tại thôn, xóm, bản để tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế, sơ cứu ban đầu, tham gia thực hiện các chương trình y tế quốc gia... góp phần thay đổi hành vi và ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật của người dân. Tại Vòng chung kết Cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017”, mỗi đội thi đã trải qua 3 phần thi: màn chào hỏi; thi kiến thức và ứng xử; thi năng khiếu. Nội dung thi gồm các câu hỏi tự luận về các quy định pháp luật, chính sách, các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và các cấp chính quyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân xoay quanh các chủ đề: truyền thông, giáo dục sức khỏe; phòng, chống dịch bệnh; vận động cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ; chăm sóc bà mẹ mang thai; kế hoạch hóa gia đình; nhiệm vụ của cô đỡ thôn bản. Ngoài ra, các phần thi năng khiếu của mỗi đội thể hiện các kiến thức, kỹ năng, thực hành trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, xử lý các tình huống giao tiếp, ứng xử, trình bày các sáng kiến trong công tác tư vấn và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở thông qua các tiểu phẩm sân khấu hóa, thuyết trình, đóng vai tư vấn, hùng biện, thơ ca, hò, vè, hát, múa... Các phần thi của mỗi đội đã có hình thức thể hiện sinh động, độc đáo, truyền tải các thông điệp chăm sóc sức khỏe nhân dân (slogan, tranh, ảnh...) rõ ràng, đầy đủ và chính xác. Bên cạnh đó, các đội đã lựa chọn trang phục đặc trưng truyền thống, vùng miền, dân tộc, trang phục ngành y của đơn vị mình. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, các đội thi đã đem đến nhiều màu sắc tươi mới, rộn ràng, tạo không khí sôi nổi cho cuộc thi... Tổng kết chung kết Hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội thi y tế thôn, bản giỏi đến từ tỉnh Bắc Kạn; giải nhì cho đội Đồng Tháp, giải ba cho đội Gia Lai. Các đội thi đến từ Thái Nguyên, Lâm Đồng và Vĩnh Long đạt giải khuyến khích. Ngoài ra Ban tổ chức cũng trao nhiều giải phụ cho các đội thi. Nhân dịp này Bộ Y tế đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các thành viên của các đội tham dự cuộc thi và cờ lưu niệm cho 6 đội thi. Hồng Thiết  

Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ VI – 2017 của Tổng hội Y học Việt Nam

TĐKT- Chiều 21/11, tại Hà Nội, Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ VI – 2017 với chủ đề “Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm” do Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đã kết thúc tốt đẹp. Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cùng 600 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu của 47 hội chuyên khoa và 55 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc bệnh không lây nhiễm và tập trung vào các bệnh: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh tắc nghẽn. Ước tính trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, có gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mãn tính và gần 120 nghìn ca mắc bệnh ung thư mới, chiếm 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật các bệnh không lây nhiễm gây ra, chiếm khoảng 73% các trường hợp tử vong hàng năm (40% tử vong trước 70 tuổi). Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, mặc dù Bộ Y tế đã có rất nhiều cố gắng trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng tình trạng gia tăng bệnh này tại Việt Nam vẫn ở mức báo động. Nguyên nhân tình trạng này là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Bên cạnh đó người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi só với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường được quản lý, điều trị còn thấp. Để khống chế và đẩy lùi các bệnh không lây nhiễm, ngày 20/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia Phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn từ năm 2015 - 2025. Trong quyết định đã đưa ra và các mục tiêu chung là khống chế tốc độ gia tăng và tiến tới làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tàn tật, tử vong do các bệnh do không lây nhiễm: tiêm phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quyết định cũng nêu các mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu các giải pháp thực hiện đồng thời cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Y tế, cho các Bộ, ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 35 báo cáo khoa học tại Hội nghị đã tập trung vào các giải pháp phòng nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm. Các thông điệp chính từ Hội nghị khoa học quan trọng này sẽ được tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ trong cộng đồng thời gian tới, bao gồm các khuyến nghị về dinh dưỡng, lối sống. Bên cạnh đó, việc cập nhật các phác đồ điều trị cũng được đưa ra trong Hội nghị và sẽ tiếp tục được tập huấn và đào tạo cho hệ thống y tế bởi Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam. Hồng Thiết  

Công bố báo cáo Tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam

TĐKT - Sáng 22/11, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ công bố báo cáo của OECD "Tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam". Tới dự có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet; Trưởng đại diện tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam Axel Neubert. Lễ công bố báo cáo "Tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam" Ở Việt Nam, thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 đến 29 hiện đang chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là tỷ trọng thanh thiếu niên trong dân số lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, tạo cơ hội vàng cho đất nước phát triển kinh tế, xã hội. Thanh niên được coi là tài sản cho sự thịnh vượng của quốc gia, chỉ có thể khai thác được nếu giới trẻ được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng, được chăm sóc sức khỏe, có việc làm đàng hoàng và có cuộc sống chính trị - xã hội tích cực. Tuy nhiên, thanh niên Việt Nam phải đối mặt với thách thức trên nhiều mặt. Nghiên cứu tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam sử dụng cách tiếp cận đa ngành để có cái nhìn sâu hơn về tình hình giới trẻ trong 4 lĩnh vực: giáo dục, y tế, việc làm và sự tham gia xã hội. Theo báo cáo, việc làm là thách thức lớn nhất đối với thanh niên Việt Nam. 43,5% thanh niên đang làm công việc không phù hợp với trình độ của họ. Trên thực tế, 92% thanh niên có trình độ đại học mong muốn có được việc làm tay nghề cao, nhưng chỉ 70% thực sự có việc. 75% lao động trẻ không được tham gia bảo hiểm xã hội dưới bất kỳ hình thức nào và gần một nửa trong số họ không được kết giao hợp đồng bằng văn bản. Một khía cạnh quan trọng của phúc lợi thanh niên là quyền công dân và sự tham gia. Khảo sát cho thấy thanh niên Việt Nam ít quan tâm đến chính trị, chưa tới một nửa từng xem hoặc nghe tin tức về các vấn đề quốc gia và chưa đến 15% tham gia vào một số quá trình xây dựng chính sách. Thanh niên có trình độ học vấn cao quan tâm nhiều hơn đến chính trị và có nhiều tham vọng hơn về mặt chính trị, kinh tế. Thanh thiếu niên không được đến trường thường bị bỏ rơi ở phía sau. Việc ban hành Luật Thanh niên năm 2005 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện các quyền của thanh niên Việt Nam. Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 đã được Chính phủ thông qua để hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên và đưa ra nhiều chính sách trong các lĩnh vực quan trọng cho thanh niên. Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 cung cấp một khuôn khổ toàn diện cho các cơ quan Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền của thanh niên. Một số chính sách và cơ chế đã được ban hành và thông qua để cải thiện đầu ra trong y tế, giáo dục, việc làm và sự tham gia của công dân cho tất cả thanh thiếu niên, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất từ các hộ nghèo và các nhóm dân tộc thiểu số. Báo cáo cho rằng, thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm trong chính sách, tuy vậy, cải cách chính sách phúc lợi cho thanh niên cần được thực hiện trên nhiều mặt. Cụ thể, trong y tế, các dịch vụ y tế thân thiện với thanh thiếu niên và các phòng khám đa khoa nhạy cảm giới nên được tiếp cận dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ trẻ sống ở nông thôn và cho thanh niên có trình độ thấp. Trong giáo dục, vấn đề bỏ học từ cấp phổ thông trung học cần được giải quyết. Chính phủ nên tạo điều kiện và khuyến khích thanh thiếu niên còn trong độ tuổi đi học trở lại trường và tăng cường các khoản hỗ trợ tài chính cho các hộ gia dình thuộc diện nghèo để giảm bớt những khó khăn về tài chính trong học tập. Việc tăng cường chất lượng giáo dục phải nhận được quan tâm và ưu tiên đặc biệt. Thanh thiếu niên cần được tư vấn nghề nghiệp từ sớm và được thông tin chính xác về nhu cầu và những thay đổi trên thị trường lao động. Cần mở rộng cơ hội đào tạo cho tất cả thanh thiếu niên và thu hẹp khoảng cách giữa kỹ năng nghề nghiệp và nhu cầu thị trường lao động. Cần đầu tư vào dạy nghề để giải quyết các vấn đề không phù hợp kỹ năng, đặc biệt ở các vùng nông thôn… Chính phủ nên thúc đẩy các hoạt động tình nguyện và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì thanh thiếu niên khu vực nông thôn để giúp họ có được những kỹ năng mềm và tìm hiểu về chính trị, quyền công dân. Cần đảm bảo một môi trường có lợi cho các cuộc tranh luận cởi mở để phát triển sáng kiến của thanh thiếu niên, giúp họ tự do thể hiện ý kiến của mình. Về khía cạnh thể chế, các cơ quan Chính phủ phụ trách thanh niên như Bộ Nội vụ, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Để đảm bảo các chính sách thanh niên quốc gia được lồng ghép vào kế hoạch phát triển chung của đất nước, Chính phủ cần có biện pháp để phân bổ đủ nguồn lực tài chính cho phát triển thanh niên. Nguyệt Hà

Cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an ninh mạng tại Việt Nam

TĐKT - Chiều 21/11, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức Tọa đàm khoa học "Luật An ninh mạng và tác động đến các ngành công nghệ, truyền thông và nội dung số: đánh giá và kiến nghị chính sách". Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chủ trì Tọa đàm. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Tọa đàm Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng chia sẻ và trao đổi về các nội dung: khuôn khổ pháp lý về an ninh mạng của Việt Nam; tác động dự kiến của một số quy định trong Luật đến các doanh nghiệp trong ngành công nghệ, truyền thông, nội dung số; tác động của Luật đến doanh nghiệp trong ngành - ý kiến của doanh nghiệp; các vấn đề về tin giả, phát ngôn thù ghét, bôi xấu và tấn công cá nhân - vai trò của các doanh nghiệp. Từ nhiều thập kỷ nay, vấn đề an toàn môi trường mạng đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ. Chính vì thế, phần đông người sử dụng mạng ở Việt Nam chưa lường trước được các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường mạng. Tháng 7/2017, Liên hiệp Viễn thông quốc tế đã đưa ra Chỉ số an ninh mạng năm 2017. Chỉ số này được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau của mỗi quốc gia liên quan đến an toàn mạng, bao gồm khuôn khổ pháp luật, năng lực tổ chức, năng lực kỹ thuật, khả năng xây dựng năng lực, hợp tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực này. Việt Nam chỉ đứng vị trí 101/193 nước được đánh giá về Chỉ số an ninh mạng, thấp hơn cả Indonesia (vị trí 70), Lào (vị trí 77), Campuchia (vị trí 92) và Myanmar (vị trí 100). An ninh mạng ở Việt Nam chỉ được đánh giá cao hơn một vài nước kém phát triển ở châu Á như Bhutan, Afganistan hay Mông Cổ. Các đại biểu cho rằng một trong những lý do chính là khuôn khổ pháp lý hiện tại của Việt Nam chưa đủ để đảm bảo một môi trường số thực sự an toàn, lành mạnh cho người sử dụng. Các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến an toàn thông tin và an ninh thông tin nằm rải rác ở nhiều văn bản luật và dưới luật khác nhau, dẫn đến vừa thiếu luật vừa chồng chéo. Luật còn nhiều thiếu sót, bất cập. Một mặt chế tài còn chưa đủ nghiêm khắc, mặt khác luật chưa quy định rõ ràng và cụ thể các điều kiện thu thập thông tin, mức độ hay các biện pháp cần phải tiến hành để bảo vệ thông tin, cũng như các giải pháp ứng cứu, khắc phục hay ngăn chặn xâm nhập. Nguy cơ mất an ninh thông tin mạng cũng rất lớn ở Việt Nam. Điển hình nhất, người dùng internet liên tục phải đối mặt với “cơn bão” thông tin trên mạng, trong đó có cả tin giả, phát ngôn thù ghét, cũng như các thông tin kích động bạo lực... Để bảo vệ tốt hơn người dùng internet ở Việt Nam, cần sớm cải thiện chất lượng khung luật Việt Nam trong vấn đề an ninh mạng. Do đó, việc sửa đổi và sớm triển khai Luật An toàn An ninh mạng càng trở nên cấp thiết. Trang Lê  

17 tác phẩm đạt giải thi viết "Việt Nam - Quá trình hội nhập quốc tế"

TĐKT - Chiều 21/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về chủ đề "Việt Nam - Quá trình hội nhập quốc tế". Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo trao thưởng cho đại diện các nhóm tác giả đạt giải nhất Được phát động từ ngày 14/10/2016, cuộc thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đến với cộng đồng trong nước và nước ngoài để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân nước ngoài và các quốc gia trên thế giới thấy được tiềm năng phát triển và cơ hội hợp tác với Việt Nam. Đến ngày 30/5/2017, ban tổ chức đã nhận được tổng số 121 tác phẩm của 88 tác giả, nhóm tác giả và 27 đơn vị tham dự, 94% tác phẩm dự thi đủ tiêu chuẩn theo đúng thể lệ cuộc thi. Theo đánh giá của ban tổ chức, hầu hết các bài dự thi đã nói đúng chủ đề, nội dung cuộc thi, tên các tác phẩm rất nổi bật, phản ánh, bao quát được nội dung. Nhiều tác phẩm có nội dung đặc sắc, có tính thời sự, phản ánh tốt vấn đề, đối tượng và phạm vi ảnh hưởng sâu rộng nên đã đạt được điểm số cao của các giám khảo. Ban tổ chức đã lựa chọn và trao giải cho 17 tác phẩm. Hai giải nhất cuộc thi được trao tặng nhóm tác giả Phạm Công Nhật, Nguyễn Xuân Diệu (Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh) với tác phẩm “Trước AEC, giới trẻ đã chuẩn bị gì?"; nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hà, Trần Ánh Tuyết, Hoàng Vân Anh, Trịnh Bình (Báo Nhân Dân) với tác phẩm “Tăng trưởng xuất khẩu: Mừng ngắn, lo dài". Ngoài ra, ban tổ chức đã trao 2 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc, 3 giải cho các đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi. Bình Nguyên  

Sắp diễn ra Hội nghị Khoa học và Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Tự động hóa và thiết bị công nghiệp - VCCA 2017

TĐKT -  Ngày 21/11, tại Hà Nội, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) phối hợp với Công ty cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) tổ chức họp báo “Hội nghị Khoa học và Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Tự động hóa và thiết bị Công nghiệp - VCCA 2017”. Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 29/11 - 2/12/2017 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Quang cảnh họp báo VCCA 2017 là nơi kết nối ba nhà:  nhà quản lý - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp trong nước và quốc tế với 3 hoạt động chính được tổ chức đồng thời: Hội nghị khoa học - Triển lãm Tự động hóa và thiết bị công nghiệp - Diễn đàn doanh nghiệp. Đây là sự kiện lớn về khoa học công nghệ theo chủ trương của Đảng và Chính phủ nhằm phát triển đất nước hiện đại hóa theo xu hướng hội nhập quốc tế và theo kịp Cách mạng công nghiệp 4.0. Triển lãm Tự động hóa và thiết bị công nghiệp có quy mô gần 500 gian hàng của 310 đơn vị tham dự đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ: Áo, Cộng hòa Séc, CHLB Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… Triển lãm sẽ trưng bày sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực: tự động hoá (VCCA); máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu và sản phẩm công nghiệp (VINAMAC EXPO - IMF); công nghệ hàn cắt, gia công kim loại và công nghiệp ngũ kim vật liệu cố định (METAL&WELD - CHF); thép, luyện kim, ống thép, gang thép (VIMM); công nghiệp hóa chất, sơn và vật liệu phủ (VINACHEM EXPO - VINACOATINGS); dây chuyền thiết bị, công nghệ in thêu dệt may kỹ thuật số (VIETNAM TEXPRINT). TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) cho biết: VCCA 2017 sẽ là hoạt động thiết thực, quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các nhà sản xuất trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa, máy móc thiết bị, linh phụ kiện và sản phẩm công nghiệp, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ giao lưu, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng, hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hồng Thiết – Phương Thanh

Hơn 700 công nhân, lao động được tư vấn về pháp luật và bảo hiểm xã hội

TĐKT - Thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2018 - 2023, ngày 19/11, tại Công ty TNHH giầy RollSport Việt Nam, được sự hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức “Ngày hội tư vấn cùng công nhân lao động”. Tham gia ngày hội tư vấn có 600 công nhân, lao động (CNLĐ) đến từ 6 doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa; gần 140 cán bộ công đoàn cơ sở. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm giúp đoàn viên, CNLĐ nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng sống với phương châm: sống có trách nhiệm với cộng đồng, cống hiến trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại Ngày hội tư vấn được nhận suất quà từ các nhà tài trợ Tại buổi tư vấn, đoàn viên công đoàn, CNLĐ đã được nghe các báo cáo viên cung cấp, phổ biến, giải đáp thông tin liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội; tuyên truyền về an toàn giao thông, về xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần trong CNLĐ; được tư vấn về an toàn thực phẩm, lựa chọn chế biến thức ăn hợp lý; tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản… Ngoài ra, với mỗi câu hỏi của báo cáo viên, công nhân trả lời đúng sẽ được tặng 1 phần quà. Phát biểu tại ngày hội tư vấn, ông Trần Duy Phương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: chúng tôi muốn đưa thông tin đến người lao động một cách vui vẻ hơn, náo nhiệt hơn và có cả quà tặng để họ tiếp nhận thông tin trong trạng thái vui vẻ. Đặc biệt chúng tôi muốn đưa thông tin đến từng người một, nếu họ hỏi và được trả lời trực tiếp câu hỏi đó thì họ sẽ tiếp thu tốt hơn. Ngày hội tư vấn này chúng tôi đã thí điểm ở 3 tỉnh Hải Dương, Phú Thọ và hôm nay ở Thanh Hóa. Sau 3 cuộc như thế này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm. Những tháng tới chúng tôi sẽ triển khai mô hình này ở 1 tỉnh. Nếu mô hình này tốt, chúng tôi sẽ triển khai trên toàn quốc. Chương trình cũng dành gần 2 giờ để cán bộ công đoàn cơ sở, CNLĐ tập trung tại sân khấu chính nghe báo cáo viên tuyên truyền về những điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Việc làm... Tham gia ngày hội tư vấn, CNLĐ còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc do CNLĐ đến từ các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa và một số nghệ sĩ ưu tú đến từ Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn biểu diễn. Tại ngày hội tư vấn, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp đã trao 25 suất quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức bốc thăm trúng thưởng với hơn 40 phần quà có giá trị hàng chục triệu đồng đến từ các đối tác trong chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”.  Cũng trong dịp này, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa thông tin đến cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ về Đại hội XIX Công đoàn tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2018 – 2023. Đây là đại hội điểm ở công đoàn cấp tỉnh được tổ chức đầu tiên trong cả nước. Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 28/11 – 30/11/ 2017 tại Trung tâm Hội nghị 25B (Thanh Hóa), với sự tham gia của 393 đại biểu đại diện cho 235.346 đoàn viên công đoàn của 3.641 công đoàn cơ sở. Với khẩu hiệu “Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Trách nhiệm”, Đại hội XIX Công đoàn tỉnh Thanh Hóa là sự kiện chính trị quan trọng và là ngày hội lớn của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ tỉnh Thanh Hóa . Mai Thảo      

Khánh thành xưởng nghề hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

TĐKT – Ngày 20/11, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành Công trình cải tạo và nâng cấp xưởng thực hành sửa chữa khung, vỏ và xưởng sơn ô tô. Đây là xưởng đào tạo nghề thứ 3 được hỗ trợ trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội giai đoạn 2015 - 2018” tại nhà trường nhằm tạo môi trường đào tạo nghề hiệu quả cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội. Xưởng thực hành sửa chữa khung, vỏ và xưởng sơn ô tô được cải tạo và đầu tư trang thiết bị mới với tổng kinh phí cam kết là 3,3 tỷ đồng (tương đương khoảng 150.000 USD) do công ty Hyundai Motor Company, Hyundai E&C, KOICA và tổ chức Plan International tài trợ. Đây là dự án đầu tiên của tập đoàn Hyundai trực tiếp tài trợ cho Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Nghi thức cắt băng khánh thành xưởng nghề Tính từ thời điểm bắt đầu dự án tháng 5/2015 đến nay, đã có 117 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ theo học khóa trung cấp nghề sửa chữa ô tô, và 36 em bắt đầu khóa học ngắn hạn 6 tháng về sửa chữa thân vỏ và sơn ô tô trong một môi trường học tập hiện đại, giáo trình cập nhật theo nhu cầu của thị trường lao động. Với sự hỗ trợ toàn diện từ dự án, dự kiến mỗi năm xưởng nghề công nghệ ô tô, xưởng an toàn lao động, xưởng thực hành sửa chữa khung, vỏ và xưởng sơn ô tô của nhà trường sẽ tiếp nhận và đào tạo cho 100 đến 120 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đến từ khắp các vùng miền trên cả nước. Các em có thể chỉ mới tốt nghiệp trung học cơ sở và thuộc các hộ nghèo. Tại trường, các em có cơ hội tiếp cận với trang thiết bị, công nghệ mới giúp tăng khả năng cạnh tranh về tay nghề trên thị trường lao động. Dự án cũng hướng tới việc giúp các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đóng góp tích cực cho gia đình sau khi tốt nghiệp và đóng góp cho sự phát triển kinh tế chung của Việt Nam. Học viên của Dự án thực hành tại xưởng nghề Với tổng ngân sách lên đến 20 tỷ đồng dành cho việc cải tạo, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị mới do Hyundai Motor Company, Hyundai E&C, KOICA và Plan International tài trợ, dự án cam kết mỗi năm mang đến cơ hội nghề nghiệp tốt nhất cho hàng trăm thanh niên, đặc biệt là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Dự án “Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội” do KOICA, Hyundai Motor Company, Hyundai E&C và Plan International tài trợ với tổng ngân sách 38,572,115,000 đồng, được thực hiện nhằm tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng ngàn thanh thiếu niên yếu thế. Các em sẽ được đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với hoàn cảnh của mình. Dự án đặt mục tiêu 70% học viên tốt nghiệp tìm được công ăn việc làm ổn định trong vòng 6 tháng và 70% học viên đóng góp thu nhập cho gia đình trong vòng 4 tháng sau tốt nghiệp. Toàn bộ học viên, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ tiếp cận với các cơ hội việc làm ngay sau đào tạo, được giúp đỡ một phần tài chính để vượt qua các khó khăn trong quá trình hoàn thành các khóa học nghề. Ngoài ra, bên cạnh các kiến thức chuyên môn, các em còn được cung cấp các kỹ năng mềm, các kỹ năng sống, giúp nhanh thích ứng với môi trường lao động sau khi tốt nghiệp. Hưng Vũ  

Trang