Chính trị - Xã hội

Bàn bạc về nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0 tại Việt Nam

TĐKT - Ngày 14/11 tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với ManpowerGroup và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức Hội thảo "Nguồn nhân lực và công nghệ cho kỷ nguyên số tại Việt Nam" . Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội và cũng đầy thách thức. Một khảo sát quy mô toàn cầu, với 42.000 doanh nghiệp do ManpowerGroup tiến hành năm 2016 – 2017 cho thấy cách mạng công nghiệp 4.0 có thể "phá vỡ" thị trường lao động, bởi tự động hóa sẽ thay thế lao động chân tay, và nguy cơ hàng triệu lao động có thể mất việc. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới, thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi. Hơn 90% giới chủ dự đoán tổ chức của họ sẽ bị tác động bởi số hóa trong hai năm tới. Mối đe dọa chính là tự động hóa, rô-bốt, trí thông minh nhân tạo và số hóa. Vì vậy, nhu cầu về kỹ năng của lực lượng lao động sẽ tăng cao. Hội thảo được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu và giải quyết những thách thức về nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0 tại Việt Nam. Hội thảo "Nguồn nhân lực và công nghệ cho kỷ nguyên số tại Việt Nam" Tại Hội thảo, các đại biểu chỉ ra rằng tại Việt Nam, nhân sự quản lý cấp cao đang thiếu hụt trầm trọng. Một phần do tình trạng "chảy máu chất xám" với con số người Việt làm việc tại nước ngoài năm 2015 tăng 8% so với 2014. Tại Việt Nam, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật chưa tới 20% trong tổng số lao động. Vì thế Việt Nam sẽ thiếu nguồn lao động có tay nghề…  Theo kết quả khảo sát Thiếu hụt nhân tài 2016 - 2017 của ManpowerGroup đưa ra trong Hội thảo, nguồn nhân lực Việt Nam vẫn chưa phát triển kịp thời với tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 81,4% tổng số lao động. Lực lượng lao động thiếu nhiều kỹ năng cần thiết: làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao; thiếu ý thức trách nhiệm và chậm thích nghi với môi trường làm việc mới; năng lực đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ của lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém… Đây là vấn đề đáng báo động về chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số đã đặt ra nhiều thách thức cho lĩnh vực dịch vụ việc làm. Dịch vụ việc làm sẽ phải được tổ chức tốt hơn, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường lao động, phương thức... để hỗ trợ được doanh nghiệp và người chủ sử dụng lao động. Bản thân người lao động cũng phải tìm cách thích nghi bằng cách luôn nâng cao, làm mới kỹ năng của mình. Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số phải sở hữu những kỹ năng mà máy móc không thể có. Việc ra quyết định vẫn là kỹ năng của con người. Trong nền công nghiệp 4.0, máy móc có thể ra những quy định đơn giản, nhưng chỉ con người mới có thể thực hiện những quyết định khó khăn và phức tạp. Từ đó, con người sẽ nhận thấy nhu cầu nâng cấp kỹ năng và đa dạng hóa trong nhiều lĩnh vực. Các đại biểu cho rằng các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kịp thời về công nghệ và kỹ năng cho người lao động. Cần có các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Mở rộng kênh cung cấp thông tin về cơ hội việc làm cho người tìm việc. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm, ngày hội việc làm kết nối doanh nghiệp cần tuyển dụng với người tìm việc. Chú trọng phát triển kỹ năng ngoại ngữ và xây dựng các dự án đào tạo kỹ năng cho lao động nhằm đảm bảo khả năng tìm việc và phát triển bền vững của người lao động… Mai Thảo  

Phát động Cuộc thi phóng sự truyền hình về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017

TĐKT – Sáng 15/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ phát động Cuộc thi phóng sự truyền hình về chủ đề phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017. Cuộc thi được tổ chức nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá qua các phóng sự truyền hình; ghi nhận, cổ vũ, động viên các phóng viên, biên tập viên, ê kíp sản xuất chương trình truyền hình, các tổ chức hoạt động báo hình đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại buổi lễ Ban Tổ chức mong muốn cuộc thi sẽ là động lực thúc đẩy các phóng viên, biên tập viên cho ra đời các phóng sự truyền hình với tư duy phân tích sâu sắc, hình ảnh chân thực, sinh động, có thông điệp truyền thông cụ thể, rõ ràng; từ đó, tạo nên sức mạnh truyền thông mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của toàn xã hội đối với những tổn thất về sức khỏe, kinh tế do thuốc lá gây nên. Đối tượng dự thi gồm các tổ chức được cấp phép hoạt động báo hình, các phóng viên, biên tập viên, ê kíp sản xuất phóng sự truyền hình. Tác phẩm dự thi là các phóng sự truyền hình được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc có phụ đề tiếng Việt, được phát sóng trên các kênh truyền hình đã được cấp phép từ ngày 1/1 đến hết 31/12/2017. Tác phẩm có nội dung phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề liên quan đến tác hại của thuốc lá, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá thực hiện trong năm 2017. Nội dung các bài dự thi nêu bật ý nghĩa của chính sách về giá, thuế thuốc lá trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá ở Việt Nam; phản ánh chủ đề mà Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn cho Ngày thế giới không khói thuốc lá 31/5/2017: “Thuốc lá – Mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia”; tác hại của hút thuốc, hút thuốc thụ động và quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm cấm hút thuốc theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nâng cao ý thức của người không hút thuốc trong việc lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc không hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm; giới thiệu các phong trào, chiến dịch, tấm gương, mô hình tốt, những hoạt động hiệu quả tạo hiệu ứng lan truyền theo chiều hướng tích cực, nhằm cổ vũ cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá… Về cơ cấu giải thưởng, bao gồm giải cá nhân và tập thể. Giải cá nhân trao cho các tác giả/nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải bao gồm: 1 giải nhất (15.000.000 đồng/giải); 3 giải nhì (13.000.000 đồng/giải); 4 giải ba (10.000.000 đồng/giải); 5 giải khuyến khích (7.000.000 đồng/giải). Giải tập thể trao cho các tổ chức được cấp phép hoạt động báo hình bao gồm: 1 giải nhất (20.000.000 đồng/giải); 2 giải nhì (17.000.000 đồng/giải); 1 giải cho tổ chức được cấp phép hoạt động báo hình có nhiều tác phẩm dự thi nhất (5.000.000 đồng/giải). Ban Tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 16/11/2017 đến hết ngày 31/1/2018 tại địa chỉ: Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, số 8 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thông tin chi tiết về cuộc thi được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông mic.gov.vn; trên facebook: cuocthithuocla2017 và các phương tiện thông tin truyền thông khác. Nguyệt Hà

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

TĐKT - Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 (Techfest Việt Nam 2017), với chủ đề “Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đến dự, có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 - Techfest 2017 Trong năm 2016 – 2017, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị đến 50 triệu USD (Momo - 28 triệu USD, F88 – 10 triệu USD, Got it! – hơn 9 triệu USD, Vntrip.vn – 3 triệu USD, Toong – 1 triệu USD). Mới nhất là doanh nghiệp Foody – mạng xã hội về ẩm thực – đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD, được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 tính đến thời điểm hiện tại. Những dòng tiền lớn đã và đang chảy vào startup Việt. Hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, có 24 cơ sở ươm tạo (BI), 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành: “Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, chương trình “Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam”. Những con số ấn tượng này đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia. Đây là kết quả của sự chủ động, vào cuộc tích cực của Bộ KH&CN và sự tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các hiệp hội trên cả nước sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động Năm Quốc gia khởi nghiệp. Đây cũng là kết quả đáng khích lệ sau một năm triển khai đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 20125 và Thủ tướng giao cho Bộ KH&CN chủ trì. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối triển khai đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025, trong một năm qua Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các hiệp hội trên cả nước để cùng thúc đẩy sự phát triển của phong trào khởi nghiệp ĐMST. Mục tiêu của Techfest 2017 là thu hút từ 4.000 đến 4.500 người tham dự, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 80 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Trong khuôn khổ Lễ khai mạc, Bộ KH&CN cũng ra mắt Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại địa chỉ: startup.gov.vn. Cổng thông tin là nơi cung cấp đầu đủ, chính xác và kịp thời các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là cầu nối hữu ích để các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp, đồng thời chia sẻ các câu chuyện về các tấm gương khởi nghiệp trên khắp cả nước. La Giang  

Họp báo Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017 - 2022

TĐKT - Chiều 13/11, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp báo về việc tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Ban tổ chức chia sẻ thông tin với báo chí Đại hội sẽ chính thức diễn ra từ ngày 21/11 - 22/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, với sự tham dự của 1250 đại biểu gồm Chư tôn đức Hòa thượng thành viên Hội đồng Chứng minh, Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng ni, Cư sĩ thành viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); đại biểu các ban, viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước; đại biểu tăng ni, phật tử Việt Nam ở hải ngoại. Với chủ đề "Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển", Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII là một sự kiện quan trọng nhằm thực hiện các nhiệm vụ: tổng kết công tác phật sự của GHPGVN nhiệm kỳ VII (2012 - 2017); thảo luận chương trình hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022); thông qua sửa đổi Hiến chương lần thứ VI; suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022) và một số phật sự quan trọng khác. Đại hội diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, GHPGVN trải qua 36 năm trưởng thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu phật sự quan trọng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ VII (2012 - 2017). Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, hoàn thành việc thành lập tổ chức Giáo hội tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động phật sự, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác phật sự của các ban, viện trung ương. GHPGVN đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại với nội dung hoằng pháp và hội thảo khoa học, nổi bật là Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (7/5 - 11/5/2014) tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Trong nhiệm kỳ qua, GHPGVN đã thành lập Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Angola, Mozambique...; củng cố Hội Phật tử Việt Nam tại Lào và Campuchia, kết nối và mời về thăm Việt Nam các chư tăng của hệ phái Phật giáo Việt tông đang trụ trì 2 ngôi chùa Việt Nam tại Thái Lan. Công tác từ thiện, xã hội, chăm lo an sinh cho cộng đồng đạt hơn 6000 tỷ đồng là những thành tựu phật sự nổi bật trong nhiệm kỳ qua.  Nguyệt Hà

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam

TĐKT – Sáng 10/11, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm hoạt động của Hội (2014 – 2017). Ngày 11/9/2014, Bộ Nội vụ ra quyết định số 949/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Mục đích hoạt động của Hội là tập hợp, đoàn kết hội viên, kết nối các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, góp phần đảm bảo an toàn và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn Sau 3 năm, Hội luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình và đã đạt được những kết quả tích cực, được lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các địa phương, đối tác trong và ngoài nước tin tưởng, đánh giá cao. Hội đã đẩy mạnh công tác vận động và phát triển tổ chức tại các địa phương ở vùng trọng điểm ô nhiễm bom mìn: Đà Nẵng, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Bình, TP Cần Thơ. Đến nay, Hội đã vận động và kết nạp được gần 1500 hội viên tham gia sinh hoạt tại Hội và 18 chi hội khác nhau trên cả nước. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động với nhiều nội dung, hình thức phong phú: tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân; tuyên truyền vận động các nhà tài trợ trong nước và quốc tế chung tay, góp sức hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam… Trong 3 năm qua, Hội đã tiến hành 16 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn trên địa bàn 16 lượt tỉnh, thành phố từ nguồn Quỹ Hội và tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Theo thống kê, tổng số nạn nhân bom mìn đã được hỗ trợ sinh kế là 462 người. Ngoài ra, Hội cũng kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đột xuất tới các gia đình nạn nhân bị tai nạn bom mìn đột xuất với số tiền hàng trăm triệu đồng, góp phần quan trọng động viên, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình họ vượt qua khó khăn. Bằng những việc làm hiệu quả và thiết thực, Hội đang dần khẳng định được uy tín, niềm tin và từng bước trở thành một địa chỉ tin cậy, là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế với những nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống. Phương Thanh  

Triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017

TĐKT – Sáng 9/11, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 (từ ngày 10/11 - 10/12). Gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 Mục tiêu của tháng hành động trên nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và hướng tới các mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của xét nghiệm HIV sớm nói riêng. Trước đó, Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Cùng với đó, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Đặc biệt mở rộng xét nghiệm HIV sớm để phát hiện người nhiễm mới HIV nhằm đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 tập trung vào chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm – Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Trong các mục tiêu trên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là mục tiêu hết sức quan trọng, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong tháng hành động này, sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú: tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, các gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV… Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2017 sẽ được tổ chức tập trung tại cấp bộ, ngành và tỉnh/thành phố. Minh Phương

Quy định mới liên quan đến Bảo hiểm Y tế

TĐKT - Chiều 8/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về văn bản, quy định mới liên quan đến Bảo hiểm y tế. Đại diện Bộ Y tế cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí Gói dịch vụ y tế cơ bản (DVYTCB) được xây dựng nhằm đảm bảo mọi người dân đều được sử dụng dịch vụ y tế (DVYT) khi có nhu cầu, không phân biệt giữa các nhóm đối tượng, không phụ thuộc vào khả năng chi trả, đáp ứng được khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và ngân sách nhà nước; đảm bảo quyền lợi cho số đông để hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe (CSSK) toàn dân. Gói DVYTCB này cũng sẽ là cơ sở để đầu tư, phân bổ nguồn lực một cách hợp lý nhằm đảm bảo mọi cơ sở y tế đều phải cung cấp được một cách đầy đủ các DVYT cơ bản, có chất lượng cho người dân cũng như đảm bảo tính minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình trong cung ứng dịch vụ và sử dụng quỹ BHYT. Theo Bộ Y tế, gói DVYTCB được xây dựng trên nguyên tắc tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng và được đảm bảo để có thể tiếp cận được các dịch vụ cơ bản này một cách đầy đủ và có chất lượng. Gói DVYTCB bao gồm: “Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả” và “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ CSSK ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe”. Trong đó, “Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” gồm các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được cung ứng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y. “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ CSSK ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe” gồm các dịch vụ thiết yếu được cung ứng tại trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Gói DVYTCB cho các dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho các dịch vụ dự phòng và nâng cao sức khỏe cơ bản thông qua các chương trình y tế quốc gia, một số dịch vụ do ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn chi sự nghiệp y tế, hoặc từ nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn kinh phí hợp pháp khác. Theo số liệu thống kê, 70% người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh ở tuyến huyện và xã. Để gói DVYTCB được cung ứng một cách có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và thực hiện mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân, cần phải ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực cho y tế cơ sở nói chung, và đặc biệt là trạm y tế xã. Việc đầu tư cho y tế cơ sở cần phải toàn diện, bao gồm: đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo đội ngũ nhân lực y tế; phân bổ kinh phí một cách tương xứng, đồng thời với việc áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ y tế phù hợp để khuyến khích trạm y tế xã cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách hiệu quả. Cũng theo Bộ Y tế, việc xây dựng gói DVYTCB trên cơ sở hướng tới tiếp cận cộng đồng, chú trọng cung ứng dịch vụ CSSK ban đầu, trong đó mở rộng các dịch vụ cơ bản cho tuyến xã sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người dân do sẽ được sử dụng các dịch vụ y tế đa dạng hơn và có chất lượng hơn ngay tại cộng đồng. Gói DVYTCB cũng là cơ sở để xác định nhu cầu và thực hiện đầu tư nâng cao năng lực cho cơ sở y tế, đảm bảo tất cả các cơ sở y tế phải có đủ khả năng để cung ứng các DVYTCB một cách có chất lượng. Mọi người dân khi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến xã. Việc xây dựng gói DVYTCB cũng sẽ có tác dụng làm tăng cường trách nhiệm của các bên trong đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Tăng cường năng lực trạm y tế xã sẽ đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh viện, giảm chi phí y tế cho hộ gia đình cũng như toàn xã hội và đảm bảo công bằng trong CSSK toàn dân. Hồng Thiết    

Đào tạo nghề chế biến rang, xay và pha chế cà phê sạch cho sinh viên

TĐKT – Sáng 8/11, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Công thương và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nghề chế biến rang, xay và pha chế cà phê sạch. Ông Trần Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm giới thiệu về chương trình đào tạo Theo đó, từ năm học 2018 – 2019, Trường Cao đẳng Công thương sẽ triển khai chương trình đào tạo nghề chế biến rang, xay và pha chế cà phê sạch cho sinh viên ngành du lịch và ngành quản trị khách sạn. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm sẽ cử chuyên gia sang phối hợp với nhà trường để đào tạo cho sinh viên. Khóa đào tạo sẽ gói gọn trong 8 buổi với các nội dung lý thuyết và thực hành. Ở phần lý thuyết, học viên sẽ được học tổng quan về cà phê, lịch sử ra đời cà phê trên thế giới và vị thế của cà phê Việt Nam, hiểu biết về cà phê tại Việt Nam, chuẩn chất lượng cà phê; công nghệ chế biến sau thu hoạch; cách phân biệt, lựa chọn hạt cà phê… Ở phần thực hành, học viên sẽ được học các phương pháp chế biến, rang, xay cà phê; phương pháp ủ cà phê; phương pháp phối trộn để phát huy tối đa hương vị của cà phê; phương pháp để tạo một ly cà phê ngon; phương pháp bảo quản, đóng gói cà phê. Phía doanh nghiệp sẽ trang bị thiết bị, máy móc hỗ trợ cho học viên thực hành. Đại diện Trường Cao đẳng Công thương và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm ký kết thỏa thuận hợp tác Ông Lê Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương cho biết: trường sẽ sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai chương trình đào tạo nghề. Hi vọng sau này có thể đưa nội dung này thành một học phần trong chương trình đào tạo chính quy của nhà trường. Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Trần Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm nhận định: hiện nay, Việt Nam là nước đứng trong tốp đầu thế giới về sản lượng cà phê, nhưng chất lượng cà phê Việt Nam chỉ đứng thứ 6. Vì chạy theo lợi nhuận, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại “cà phê bẩn” lẫn tạp chất, gây tổn hại đến sức khỏe của con người. Việc chế biến ra một sản phẩm “sạch” là khẳng định tính chuyên nghiệp, đạo đức và trách nhiệm của nhà sản xuất. Chúng tôi mong muốn thông qua khóa đào tạo, có thể giúp cho học viên nắm vững kiến thức, hiểu biết về cách phân loại cà phê, công nghệ chế biến, rang xay, pha chế cà phê sạch, công nghệ, bí quyết bảo quản cà phê của phương Đông và của Việt Nam. Từ đó, học viên có đủ tự tin và nắm vững ngành nghề để có thể sản xuất, chế biến  cà phê sạch, góp phần tôn vinh giá trị của hạt cà phê Việt Nam. Phương Thanh

Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017: "An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới"

TĐKT - Sáng 7/11, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Công nghệ thông tin (Bộ Quốc phòng) tổ chức gặp mặt báo chí Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 2017. Gặp mặt báo chí Ngày ATTT Việt Nam 2017 Hội thảo quốc tế Ngày ATTT Việt Nam 2017 là một trong những sự kiện quan trọng và nổi bật nhất trong lĩnh vực ATTT tại Việt Nam năm 2017, có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), ATTT Việt Nam và nhiều tập đoàn lớn về CNTT hàng đầu trên thế giới. Dự kiến sẽ có khoảng 500 khách mời là các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia về an ninh thông tin, ATTT tham dự Hội thảo. Năm nay, Ngày ATTT Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Nói cách khác, đó là sự bắt đầu của thời kỳ các sản phẩm thông minh, ứng dụng, dịch vụ thông minh và hệ sinh thái dịch vụ thông minh.... Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm ATTT sẽ phải đối mặt với thách thức lớn và phải có sự chuyển đổi để phù hợp với xu thế phát triển trong lĩnh vực CNTT - truyền thông. ATTT cũng phải dựa trên “công nghệ thông minh” mới có thể đáp ứng được những nhu cầu phát triển của xã hội. Đó cũng là chủ đề chính của Ngày ATTT Việt Nam 2017: “An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới’’. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin quốc gia đòi hỏi sự phối hợp thống nhất và vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội. Bởi vậy, giai đoạn hiện nay, sự điều phối của Nhà nước ở tầm quốc gia về an toàn, an ninh, thông tin mạng là hết sức cần thiết. Vấn đề thời sự này sẽ được đề cập tại Hội thảo. Tại Hà Nội, Hội thảo được tổ chức vào ngày 1/12, với các phiên: khai mạc toàn thể; 2 phiên chuyên đề: "Đảm bảo ATTT theo cấp độ" và "ATTT cho thành phố thông minh". Đáng chú ý, tại phiên khai mạc, VNISA sẽ trình bày "Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng ATTT tại Việt Nam năm 2017" và công bố Chỉ số ATTT Việt Nam 2017. Bên cạnh đó, Cục ATTT của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo về những chính sách, quy định quản lý mới của Nhà nước trong lĩnh vực ATTT để tiếp tục đưa Luật ATTT mạng vào cuộc sống. Tại phiên khai mạc, Ban tổ chức sẽ công bố kết quả đánh giá sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu "Sản phẩm ATTT chất lượng cao năm 2017" và "Dịch vụ ATTT tiêu biểu năm 2017". Song hành cùng Hội thảo là khu Triển lãm với hơn 20 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, trình diễn các sản phẩm, công nghệ an toàn thông tin tiên tiến nhất. Điểm đặc biệt, tại khu vực này, nhiều dịch vụ ATTT cũng được giới thiệu một cách trực quan. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động khác được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTT, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về ATTT và khuyến khích quảng bá việc ứng dụng, phát triển CNTT: Cuộc thi quốc gia Sinh viên với ATTT năm 2017; khóa đào tạo nâng cao về ATTT; điều tra về thực trạng ATTT trên phạm vi toàn quốc; bình chọn danh hiệu "Sản phẩm ATTT chất lượng cao năm 2017" và "Dịch vụ ATTT tiêu biểu năm 2017"... Tại TP Hồ Chí Minh, Hội thảo quốc tế Ngày ATTT Việt Nam 2017 sẽ được Chi hội ATTT phía Nam phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 23/11. Phiên buổi sáng diễn ra với Báo cáo thực trạng ATTT khu vực phía Nam do Chi hội VNISA phía Nam trình bày; Tọa đàm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia ATTT với chủ đề "ATTT và thách thức đối với phát triển đô thị thông minh". Phiên buổi chiều diễn ra với 2 chuyên đề: "Thách thức và bảo vệ an ninh mạng" và "ATTT và bảo vệ kết nối thông minh". Phương Thanh

Thêm một địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô

TĐKT - Showroom thứ 6 của thương hiệu thực phẩm hữu cơ ORFARM chính thức khai trương từ ngày 4/11 tại tầng 1, tòa nhà Syrena Tower, 51 Xuân Diệu, quận Tây Hồ, Hà Nội. Showroom ORFARM tại Xuân Diệu Hơn 4 năm qua, ORFARM đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của nhiều gia đình Việt với các sản phẩm hữu cơ EM GREEN đạt chứng nhận chất lượng Nhật Bản. Trong thực trạng thị trường ở nước ta còn tồn tại nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì việc có thêm những điểm kinh doanh thực phẩm chất lượng tốt như của ORFARM hay các thương hiệu uy tín khác sẽ giúp cho người tiêu dùng an tâm trong bữa ăn. Nhân dịp này, ORFARM triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt kéo dài từ 4/11 – 10/11 tại Showroom Xuân Diệu: tặng thẻ thành viên ORFARM member card với mức chiết khấu 3% cho tất cả khách mua hàng. Các hóa đơn  trị giá trên 550.000 VNĐ sẽ được tặng 1 túi thịt heo xay hữu cơ EM GREEN từ 0,2 kg. Các hóa đơn trị giá trên 1.000.000VNĐ sẽ được tặng 1 túi thịt heo xay hữu cơ EM GREEN từ 0,35 kg. Ngoài ra, tặng thịt heo xay hữu cơ EM GREEN theo giá trị hóa đơn (như trên) cho tất cả khách mua hàng tại các cửa hàng khác thuộc hệ thống ORFARM từ 6/11 đến 8/11/2017. PT

Trang