Chính trị - Xã hội

Trao giải cuộc thi viết "Thanh niên với văn hóa giao thông" năm 2016

TĐKT - Chiều 26/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức trao giải cuộc thi viết "Thanh niên với văn hóa giao thông" năm 2016. 11 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc đã được tuyên dương. Cuộc thi viết "Thanh niên với văn hóa giao thông" năm 2016 được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 12/2016, nhằm nhằm phát huy vai trò xung kích của tổ chức Đoàn, Hội và thanh thiếu nhi trong công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự ATGT; biểu dương, tôn vinh các mô hình hay, cách làm sáng tạo của tổ chức Đoàn, Hội và thanh, thiếu nhi trong việc tham gia giữ gìn trật tự ATGT; đề xuất các sáng kiến, cải tiến, biện pháp có hiệu quả cao vào việc giảm tại áp lực phương tiện tham gia giao thông và giữ gìn trật tự ATGT. Qua đó, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tham gia giữ gìn trật tự ATGT; xây dựng nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông trong thanh thiếu nhi... Trao giải nhất cho tác phẩm "Ứng dụng học luật giao thông tại các trường học trên bản đồ trực tuyến Google Maps" của tác giả Nguyễn Quyết Thắng đến từ Kon Tum Sau 3 tháng phát động, đã có 1557 bài viết gửi về tham gia cuộc thi của các tác giả, nhóm tác giả từ 60 tỉnh, thành phố. Nhiều bài viết về hoạt động, mô hình, sáng kiến, cách làm sáng tạo, tấm gương tiêu biểu trong tham gia giữ gìn trật tự ATGT đã thể hiện sự quan tâm của thanh thiếu nhi tới cuộc thi nói riêng và vấn đề ATGT nói chung - một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội. Tiêu biểu: ứng dụng học luật giao thông tại các trường học trên bản đồ trực tuyến Google Maps; một số giải pháp góp phần nâng cao ý thức chấp hành việc đội mũ bảo hiểm của học sinh đi xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông ở trường THPT Bạch Đằng; tăng cường vai trò của tổ chức Đoàn trong tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện Luật Giao thông tại trường THPT Ân Thi.. Ban tổ chức đã trao giải nhất (phần thưởng là xe máy trị giá 20 triệu đồng) cho tác phẩm "Ứng dụng học Luật Giao thông tại các trường học trên bản đồ trực tuyến Google Maps" của tác giả Nguyễn Quyết Thắng đến từ Kon Tum. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn trao 2 giải nhì (mỗi giải trị giá 3 triệu đồng); 3 giải ba (mỗi giải trị giá 2 triệu đồng), 5 giải khuyến khích (mỗi giải 1 triệu đồng) và giải cho đơn vị gửi nhiều bài dự thi nhất. Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long đánh giá cao hiệu quả của cuộc thi. Thông qua quộc thi đã tiếp nhận được nhiều đề xuất, sáng kiến, giải pháp có hiệu quả cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Trung ương Đoàn; từ đó có những hành động cụ thể và thiết thực nhất nhằm giảm tải áp lực phương tiện tham gia giao thông và giữ gìn trật tự ATGT, góp phần giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông. Mai Thảo

Hà Nội giảm rõ rệt điểm ùn tắc giao thông

TĐKT - Sáng 26/12, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ - CP về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2008 - 2016; triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn thành phố. Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình;  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội,  công trình hạ tầng giao thông của Thủ đô (các tuyến cao tốc, đường vành đai, trục chính xuyên tâm, cầu vượt tại các nút giao, cầu vượt sông, các tuyến đường giao thông kết nối trong nội đô, các tuyến đường giao thông khu vực ngoại thành...) đã được đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, qua đó hình thành bộ mặt thành phố khang trang, hiện đại. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Kết quả, số điểm ùn tắc giao thông của thành phố từ 124 điểm năm 2010 giảm xuống còn 41 điểm năm 2016. Tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông được kiềm chế tích cực, giảm về 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong năm 2016, toàn thành phố xảy ra 1.552 vụ tai nạn giao thông, làm 594 người chết, 1.306 người bị thương  (so với cùng kỳ năm 2015: giảm 144 vụ, 8,5%; giảm 8 người chết, 1,3%; giảm 125 người bị thương, 8,7%). Việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng cho Thủ đô và cả nước. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 16 của Chính phủ những năm qua. Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, thời gian tới, Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến quy hoạch hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành giao thông, phát triển giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc tạo hành lang an toàn giao thông thông suốt theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông; gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành địa phương nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền văn hóa giao thông, văn minh đô thị, tạo thói quen tận dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông. Mai Thảo

Hà Nội thông xe cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái

TĐKT - Sáng 26/12, TP Hà Nội tổ chức Lễ thông xe cầu vượt nút giao Ô Đông Mác- Nguyễn Khoái (nằm trên đường vành đai 1 Hà Nội). Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình và các đại biểu cắt băng thông xe cầu vượt nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái Sau gần 7 tháng thi công, cầu vượt nút giao Ô Đông Mác- Nguyễn Khoái đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là cầu vượt được xây bằng kết cấu thép có chiều dài 232,4 m. Phần cầu chính gồm 4 nhịp liên tục bằng dầm hộp thép, rộng 12 m,  tĩnh không thông xe 4,75 m. Tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 135 tỷ đồng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại Lễ thông xe, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái hoàn thành giúp cải thiện tình hình ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm của một trong những nút giao thông phức tạp, có mật độ xe cộ qua lại lớn nhất Hà Nội. Đây là 1 trong 8 công trình giao thông cấp bách của Hà Nội. Công trình này được xây dựng  đồng bộ với quy hoạch chung của Thủ đô, khớp nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 từ Lò Đúc sang Kim Ngưu ở khu vực nút giao thông Ô Đông Mác- Nguyễn Khoái. Theo phương án tổ chức giao thông của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, xe cộ lưu thông 2 chiều (trừ các loại xe tải, xe đạp, người đi bộ) trên cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái. Thục Anh

Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng về dân số

TĐKT - Ngày 23/12, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin đinh hướng truyền thông hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam. Tại hội thảo, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) đã cung cấp các thông tin liên quan đến chính sách dân số và phát triển trong thời kỳ mới theo định hướng của Đảng; đồng thời báo cáo tóm tắt quá trình 55 năm xây dựng và phát triển ngành DS – KHHGĐ Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2016). Trong 55 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định bản chất của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một cuộc vận động lớn với hai giải pháp về chuyên môn là truyền thông và cung cấp dịch vụ. Công tác truyền thông đã được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các kênh truyền thông, tạo được sự đồng thuận của xã hội. Các dịch vụ DS – KHHGĐ được mở rộng về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ từ Trung ương tới cơ sở. Nhờ đó, ngành DS – KHHGĐ đã đạt được những thành tựu nổi bật. Việt Nam đã khống chế được tỷ lệ tăng dân số, đạt và duy trì ổn định mức sinh thay thế. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm, quy mô dân số nước ta hiện nay là khoảng 93 triệu người, dự kiến đạt 100 triệu người vào năm 2026. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuổi thọ người Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73,3 (năm 2015). Kết quả giảm sinh đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục và làm tăng GDP, cải thiện đời sống nhân dân. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015 và được lựa chọn là một trong những nước tham gia xây dựng hoạch định Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015. Mặc dù đã đạt được những thành tựu lớn trong hơn nửa thế kỷ qua nhưng trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước có nhiều thay đổi, công tác dân số cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới phát sinh. Do vậy, công tác dân số trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nội dung: chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội trong công tác dân số. Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển. Nguyệt Hà

Trao giải báo chí toàn quốc về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

TĐKT - Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức Lễ Tổng kết - trao giải Giải báo chí toàn quốc về BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT) năm 2015 - 2016 và trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp BHXH. Tới dự, có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao giải A cho các tác giả đạt giải Đây là lần đầu tiên Giải báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, đồng thời tiếp tục quảng bá, giới thiệu hình ảnh của BHXH Việt Nam. Giải báo chí tôn vinh các tác phẩm tiêu biểu về chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN), góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, giải báo chí đã thu hút được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của nhiều cơ quan báo chí và nhiều tác giả tâm huyết. Các cơ quan báo chí đã gửi các bài dự thi rất chất lượng, được Hội đồng giám khảo đánh giá cao, có sức tác động, lan tỏa mạnh mẽ tới xã hội. Qua vòng sơ khảo và chung khảo, từ hơn 1.200 tác phẩm báo chí, Ban tổ chức, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn trao 4 giải A, 8 giải B, 12 giải C, 20 giải khuyến khích và 4 giải tập thể. Các tác phẩm dự thi và đạt giải đã phản ánh nhiều nội dung trên mọi lĩnh vực của ngành BHXH: công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, công tác tổ chức thực hiện Luật BHXH, BHYT. Đặc biệt, các tác phẩm báo chí đã đưa ra thông tin đa chiều, phản biện từ thực tế, phản ánh thực trạng, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp đối với những hạn chế, bất cập trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, đấu tranh ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Các tác phẩm đã cung cấp thông tin, giúp cơ quan chức năng thấy được những bất cập chính sách, những biểu hiện tiêu cực, sai trái còn xảy ra để có giải pháp điều chỉnh kịp thời, khẳng định vai trò của ngành BHXH với sự nghiệp an sinh xã hội. Cũng nhân dịp này, ngành BHXH đã trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp BHXH cho các cá nhân có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển ngành. Hồng Thiết

Đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm với các doanh nghiệp FDI

TĐKT - Ngày 16/12/2016, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm (BH) thất nghiệp với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tới dự Hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu; Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng... cùng đại diện các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, VCCI và đại diện các DN, Hiệp hội DN FDI tại Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội nghị Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính: tham luận của BHXH Việt Nam, VCCI và một số doanh FDI về thực trạng thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong các doanh nghiệp FDI hiện nay. Đối thoại giữa cơ quan chức năng và DN FDI về giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, sau gần 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, đến nay cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam với những đóng góp to lớn. Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như doanh nghiệp, đồng thời thực hiện công cuộc cải cách thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, trong những năm qua chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Việt Nam đã có những bước hoàn thiện căn bản được thể hiện trong những nội dung mới của Luật BHXH sửa đổi năm 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động. Trong đó, công cuộc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. BHXH Việt Nam đã tiến hành tổng rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ để tạo điều kiện tối đa cho người dân và DN  nói chung, các DN FDI nói riêng. Theo tham luận “Tình hình thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” của BHXH Việt Nam đánh giá về công tác thu và phát triển đối tượng, tính đến 30/9/2016 có 15.679 DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tăng 776 DN (5,2%) so với năm 2015, chiếm 7,6% tổng số DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 3.631.705 người, tăng 153.043 người (4,4%) so với năm 2015. Dự kiến đến 31/12/2016 là 3.732.235 người, tăng 253.273 người (7,3%) so với năm 2015; tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 51.770 tỷ đồng chiếm 49,4% tổng số thu của khối DN. Dự kiến đến 31/12/2016 tổng số là 69.027 tỷ đồng, tăng 11.713 tỷ đồng (20,4%) so với năm 2015. Riêng tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 2.098 tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng số phải thu của khối DN FDI. Nhìn chung, các DN FDI cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam về lập thủ tục hồ sơ hưởng BHXH. Tại hội nghị, đại diện một số DN FDI cũng đã phản ánh những khó khăn của DN khi thực hiện Luật BHXH 2014. Trong đó, đại diện công ty Canon Việt Nam cho rằng: Tại Khoản 2, Điều 2, Luật BHXH 2014 quy định NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ có thể áp dụng quy định này đối với lao động nước ngoài đến từ các nước mà Việt Nam đã ký kết thỏa thuận chung về BHXH để đảm bảo lợi ích cho những lao động nước ngoài này khi họ trở về nước hoặc chuyển sang làm việc tại quốc gia khác. Tuy nhiên, hiện nay lại chưa ký kết được các thỏa thuận này. Ngoài ra, Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH 2014 quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng. Tuy nhiên, theo ý kiến đại diện các DN FDI, đối với các DN có biến động lao động thường xuyên để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh phát sinh, mùa vụ... việc quản lý sổ BHXH sẽ gặp nhiều khó khăn và đồng thời làm gia tăng chi phí và nhân lực của DN để xử lý. Ngoài ra, nếu người lao động (NLĐ) chỉ làm việc chưa được một tháng đã nghỉ thì người sử dụng lao động phải chịu rủi ro rất lớn do không thể báo tăng, giảm số lượng NLĐ trong 1 tháng với cơ quan BHXH. Tại Điểm C, Khoản 2, Điều 12, TT 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định: thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH. Kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng cả chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ sinh con nhưng NLĐ và người sử dụng lao động phải đóng BHXH, BHYT. Theo đại diện DN FDI, trường hợp NLĐ không đi làm sớm thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hết thời hạn nghỉ sinh vẫn được tính thời gian đóng BHXH. Nếu NLĐ đi làm sớm vẫn phải đóng BHXH cho thời gian đi làm trước hạn thì sẽ gây mất công bằng giữa hai đối tượng này... La Giang

Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5 kết thúc thành công

TĐKT - Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5, chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” tại Hà Nội, sau 2 ngày 15 -16/12 đã kết thúc thành công với sự tham gia hơn 500 nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý..., trong đó có hơn 100 học giả quốc tế.   Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần 5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội Hội thảo đã nhận được 800 bài tham luận, trong đó có 100 báo cáo của các học giả quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã công bố những kết quả nghiên cứu mới, tập trung thảo luận, trao đổi về các chủ đề thuộc sáu nhóm lĩnh vực.  Chủ đề đầu tiên là ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế. 5 nội dung cụ thể đã được bàn thảo. Một là Việt Nam và các nước trong trật tự khu vực, ngoại giao văn hóa, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hai là nguồn lực văn hóa như cấu trúc, dạng thức và phương thức phát huy nguồn lực văn hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa, sự phát triển của hệ giá trị Việt Nam, công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhân cách, lối sống người Việt và các xu hướng phát triển. Ba là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực với những nội dung: chính sách và nguồn lực giáo dục, giáo dục sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng xã hội học tập… Bốn là chuyển giao tri thức và công nghệ, trong đó các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý sẽ cùng nhau trao đổi về những chính sách và nguồn lực phát triển thị trường khoa học và công nghệ, các công nghệ chiến lược của Việt Nam, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp.  Ở chủ đề thứ năm là kinh tế và sinh kế, ban tổ chức cho biết những nội dung được các chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm nhất là kinh tế vĩ mô Việt Nam, kinh tế ngành và lĩnh vực ở Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, thu nhập và công bằng xã hội, môi trường, di dân, đô thị hóa, kinh tế xanh và kinh tế bao trùm...  Vấn đề cuối cùng được đưa ra thảo luận tại hội thảo lần này là biến đổi khí hậu. Các đại biểu đã tham gia đánh giá, dự báo khả năng và giải pháp thích ứng, kinh tế và các mô hình sinh kế thích ứng, đánh giá và dự báo phát thải khí nhà kính, các giải pháp, mô hình và kinh tế giảm nhẹ biến đổi khí hậu, ứng phó biến đổi khí hậu và mô hình phát triển bền vững.  Ngoài việc tiếp tục là diễn đàn học thuật lớn nhất về Việt Nam học, kênh giao lưu, trao đổi của các nhà nghiên cứu, Hội thảo Việt Nam học lần này đã góp phần củng cố quan hệ và mạng lưới nhóm chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam học. Theo kế hoạch, các kết quả của hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia, giải quyết những vấn đề thời sự của đất nước. Hồng Thiết

Bản hùng ca Hà Nội mùa Đông năm 1946

TĐKT -  Ngày 16/12, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm chuyên đề “Bản hùng ca Hà Nội mùa đông năm 1946”. Đây là một hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016). Thông qua những câu chuyện, lời kể của các nhân chứng lịch sử: Đại tá Vũ Tâm - Trung đội trưởng Đội Tự vệ Đồng Xuân, người trực tiếp tham gia đánh trận Đồng Xuân tháng 12/1946; bà Lê Minh Thái, Lê Hồng Ngọc - giao liên, tham gia chiến đấu trong nội thành Hà Nội và Liên khu 3; ông Đỗ Văn Đa - pháo thủ chiến đấu tại Pháo đài Láng đêm 19/12/1946, nơi nổ phát súng mở đầu Ngày Toàn quốc kháng chiến… đã góp phần tái hiện lịch sử Hà Nội trong 60 ngày đêm kháng chiến, những khó khăn trong việc củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến. Qua đó, công chúng có cơ hội hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về sự kiện Toàn quốc kháng chiến, một dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Thủ đô. Tọa đàm "Bản hùng ca Hà Nội mùa đông 1946" Bên cạnh đó, tham luận của các nhà khoa học đã phân tích sâu sắc ý nghĩa và giá trị lịch sử, văn hóa của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Đồng thời, làm sáng tỏ thêm nhiều nội dung của sự kiện Toàn quốc kháng chiến; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, khát vọng hòa bình cùng quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc Việt Nam. Tọa đàm là một hoạt động ý nghĩa, tích cực góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lập, tự cường của nhân dân ta, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, cũng là dịp để tôn vinh các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Thủ đô đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sống mãi với Thủ đô” tối 15/12 Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng đến 70 Ngày Toàn quốc kháng chiến, tối 15/12, tại Tượng đài Lý Thái Tổ, TP Hà Nội đã tổ chức thực hiện cầu truyền hình đặc biệt “Sống mãi với Thủ đô”, tái hiện sống động không khí sục sôi của 60 ngày đêm Hà Nội kiên cường chiến đấu giữ chân địch để Trung ương an toàn rút lên chiến khu Việt Bắc, mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Mai Thảo

Hội thảo khoa học "30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng - Thành tựu và kinh nghiệm"

TĐKT – Sáng 16/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng - Thành tựu và kinh nghiệm (1986-2016)”. Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội thảo. Hội thảo đã tập trung phân tích và khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới; vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời làm rõ sự đổi mới quân sự, quốc phòng là cơ sở tạo tiền đề quan trọng để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.  Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo Cách đây tròn 3 thập niên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Cùng với thời gian, chủ trương đổi mới về quân sự, quốc phòng tiếp tục được các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng (từ Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng) nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và trở thành bộ phận cấu thành quan điểm, đường lối đổi mới nhất quán của Đảng ta. Qua 30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng, trên cơ sở điều chỉnh thế bố trí phòng thủ đất nước, Việt Nam đã tiến hành chấn chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng thường trực theo hướng tinh gọn, mạnh, đồng bộ, chính quy. Xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, tăng cường thế trận quốc phòng và an ninh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có những quân binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu, vững vàng chính trị tư tưởng, nỗ lực phấn đấu; thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất. Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: những kết quả đạt được trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng cùng với thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo động lực mới để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập. Hội thảo “30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng - Thành tựu và kinh nghiệm” là hoạt động chính trị quan trọng, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong lực lượng vũ trang và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tin tưởng tuyệt đối vào công cuộc đổi mới đất nước của Đảng, sự nghiệp xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới; quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trang Lê

Hà Nội: Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến

TĐKT – Chiều 13/12, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, trong tháng 12 sẽ có nhiều hoạt động diễn ra nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Theo đó, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016) sẽ diễn ra vào sáng ngày 18/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thông báo về hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến Các hoạt động thông tin, tuyên truyền triển khai với các hình thức phong phú. Đến ngày 12/12, TP Hà Nội đã thực hiện treo 3.500 băng rôn tại thân cột đèn chiếu sáng; 300 giá treo Quốc kỳ và Đảng kỳ... Sở Văn hóa Thể thao cũng có công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã chỉnh trang, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016). UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn có địa điểm, di tích lưu niệm sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn thực hiện các hoạt động chỉnh trang, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Sở Văn hóa Thể thao cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến: biên soạn và phát hành cuốn tài liệu “Thủ đô Hà Nội vang mãi thiên hùng ca Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, sản xuất phim tư liệu “Hà Nội vùng đứng lên”, biểu diễn nghệ thuật, chương trình giao lưu nghệ thuật, gặp gỡ nhân chứng lịch sử… Cùng với hoạt động tuyên truyền là hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa như gặp mặt đại biểu chiến sĩ, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đại biểu gia đình chính sách. Thục Anh

Trang