Chính trị - Xã hội

Đưa ánh sáng đến các ngôi trường nghèo huyện Mù Cang Chải

TĐKT – Nhằm sẻ chia khó khăn, mất mát cùng đồng bào huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) sau trận lũ quét hồi tháng 8/2017, đặc biệt mong muốn các thầy, cô giáo và các em học sinh nơi đây có được nguồn sáng tốt nhất cho việc học tập, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vừa phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái, Công đoàn giáo dục huyện Mù Cang Chải triển khai Chương trình lắp đặt hệ thống chiếu sáng học đường cho các trường học tại thị trấn Mù Cang Chải với tổng kinh phí trị giá 300 triệu đồng. Theo đó, Rạng Đông đã tài trợ và lắp đặt hệ thống chiếu sáng bảng, chiếu sáng lớp học, chiếu sáng đường bằng đèn LED chất lượng cao cho 52 phòng học, tại các trường bị thiệt hại nặng do mưa lũ: Trường Tiểu học và THCS Thị trấn Mù Cang Chải, Trường THPT Mù Cang Chải… Ngoài ra, Rạng Đông còn trao tặng nhiều phần quà cho học sinh và giáo viên. Tổng giá trị tài trợ lên tới 300 triệu đồng.   Đại diện Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trao quà tài trợ cho các trường học huyện Mù Cang Chải Thầy giáo Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Mù Cang Chải cho biết: sau cơn lũ dữ, trường học này và một số trường học khác trên địa bàn rơi vào tình trạng bị hư hỏng nặng. Nhiều vật dụng và trang thiết bị theo dòng nước lũ. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đơn vị, tổ chức từ thiện, hiện nay nhà trường cũng đã khắc phục hậu quả, học sinh đã trở lại trường. Nhận được sự tài trợ từ Rạng Đông về thiết bị chiếu sáng trường học, tôi cho rằng đây là những thiết bị hết sức cần thiết, giúp thầy và trò có được điều kiện ánh sáng tốt hơn trong hoạt động dạy và học của nhà trường. Em Sùng Thanh Tâm, học sinh lớp 8A1 Trường Tiểu học & THCS Mù Cang Chải phấn khởi: đợt lũ vừa rồi đã làm hệ thống đèn điện trong lớp học của em bị hỏng nặng, một số bóng đèn nhấp nháy, ánh sáng yếu nên chúng em không nhìn rõ khi học bài. Hôm nay lớp em được lắp đèn chiếu sáng mới, em mới nhìn rõ chữ cô giáo viết trên bảng rất đẹp. Em Hảng A Tình, Lớp 10A2 trường THPT Mù Cang Chải, người dân tộc H’Mông không giấu được xúc động khi là một trong số các em học sinh được nhận đèn bàn LED bảo vệ thị lực của Rạng Đông: từ bé đến giờ, đây là lần đầu tiên em có được chiếc đèn bàn học. Em thấy rất vui và hạnh phúc. Bây giờ em đã có đèn để học bài rồi, trước kia em không có đủ ánh sáng nên nhìn bài không rõ, làm bài buổi tối nhiều khi em viết sai, sáng ra đọc lại bài thấy viết sai nhiều. Giờ có được chiếc đèn bàn này rồi, em thấy rất tự tin khi học bài.   Công tác lắp đặt hệ thống hiếu sáng cho các trường học được triển khai nhanh chóng  Chương trình đưa ánh sáng đến với các ngôi trường nghèo của huyện Mù Cang Chải là một trong số các hoạt động vì cộng đồng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trong thời gian qua. Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2017, Rạng Đông đã triển khai các hoạt động xã hội cộng đồng với số tiền hơn 1 tỷ đồng: tài trợ cho các hộ ngư dân nghèo tại tỉnh Hải Phòng vươn khơi bám biển; tài trợ cho 78 hộ gia đình bị thiệt hại nặng do hỏa hoạn tại TP Nha Trang; tài trợ học bổng cho 100 học sinh giỏi tại các huyện miền núi của TP Hà Nội; hỗ trợ tiền xây dựng bể mềm chứa nước ngọt và vườn rau xanh cho các chiến sĩ tại Quần đảo Trường Sa; thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ và hộ dân sinh sống trên đảo.... Hưng Vũ

Chung tay bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khu vực nông thôn

TĐKT - Sáng 23/9, tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức các hoạt động quốc gia hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn 2017. Năm 2017, Bộ TNMT đã lựa chọn chủ đề hưởng ứng Chiến dịch là “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải tại các khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng đất nước phát triển kinh tế bền vững, an sinh xã hội và hài hòa với thiên nhiên. Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Lễ phát động Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho rằng: chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay là cơ hội để chúng ta nhìn nhận, xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Đồng thời thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Theo thống kê, hiện nay dân số ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 67% dân số cả nước. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống của người nông dân dần được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó ô nhiễm môi trường nông thôn đã xuất hiện tại nhiều khu vực mà nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động sản xuất mang tính tự phát, đơn lẻ, công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu thấp; mặt bằng sản xuất cùng với nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Các vấn đề bức xúc, nổi cộm về môi trường nông thôn: vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn bỏ ngỏ; chưa kiểm soát được chất thải là bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật; khó khăn trong kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác quản lý môi trường nông thôn còn đan xen, thiếu đơn vị đầu mối quản lý; tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường còn thấp. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: để giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn nói chung, giải quyết những vấn đề môi trường nổi cộm nói riêng cần xây dựng các giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình, kế hoạch để thực thi các giải pháp đó. Trong đó, cần tập trung ưu tiên giải quyết trước và giải quyết từng bước các vấn đề môi trường nóng, gây bức xúc trong xã hội. Các giải pháp chung: hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường các cấp; huy động nguồn lực tài chính, tăng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật. Các đại biểu trồng cây hưởng ứng Chiến dịch Ngay sau Lễ phát động, hơn 1.000 cán bộ, quần chúng nhân dân đã tham gia thu gom rác trên địa bàn huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình và cùng Hoa hậu biển Việt Nam 2016 Phạm Thùy Trang tham dự chạy bộ “Hành trình Việt Nam xanh” góp phần chuyển tải các thông điệp về bảo vệ môi trường: "Giảm thiểu đốt ngoài trời", "Phân loại rác tại nguồn", "Không đốt rác để giữ bầu không khí sạch"… đến đông đảo cộng đồng huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình và Công ty Panasonic Việt Nam trao tặng 3.000 cây cam V2 tương ứng với 10 hecta cho đồng bào di dân khu vực lòng hồ Thủy điện sông Đà, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Bình Nguyên

Nhân rộng mô hình khăn ướt dùng một lần đạt tiêu chuẩn quốc gia

TĐKT – Quản lý hàng hóa tiêu dùng theo tiêu chuẩn quốc gia là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, vừa mang lại sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng hiện nay. Trong những năm gần đây, thị trường khăn ướt Việt Nam nói riêng và ngành hàng tiêu dùng trẻ em nói chung được đánh giá là rất tiềm năng. Vì vậy, có nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước gia nhập thị trường với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Trước đó, do chưa có tiêu chuẩn quốc gia cho mặt hàng này, nhà sản xuất sẽ tự công bố tiêu chuẩn cơ sở và tự chịu trách nhiệm với chất lượng sản phẩm. Thực tế này tất yếu dẫn đến thực trạng thị trường khăn giấy ướt trở nên vàng, thau lẫn lộn và bị thả nổi trong quản lý.   Bà Thái Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Sản phẩm tiêu dùng – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Tình trạng này cũng khiến cho các doanh nghiệp chân chính gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ít nhiều hoang mang trong việc đưa ra quyết định lựa chọn các sản phẩm an toàn cho mình. Thực tế nêu trên dẫn đến những nhận thực thiếu đầy đủ về khăn ướt, vốn là một sản phẩm có tính tiện ích, sản phẩm của thời đại, sản phẩm với những công năng vượt trội về bảo vệ, chăm sóc da so với các phương pháp làm sạch truyền thống khác. Do vậy, hơn ai hết, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính thực sự mong mỏi có được tiêu chuẩn quốc gia để thống nhất áp dụng và khẳng định chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời tạo lập niềm tin từ người tiêu dùng. Đa số ý kiến được hỏi đều cho rằng việc sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho mặt hàng khăn ướt là vô cùng cần thiết. Do tính tiện ích và phù hợp, khăn ướt được sử dụng ngày càng phổ biến. Khăn ướt sử dụng để vệ sinh cho trẻ em hàng ngày, gần như trở thành hàng tiêu dùng thiết yếu, tương đương như bỉm. Là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng đặc biệt là việc trẻ em nên việc quản lý hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc gia không thể lơ là và chậm trễ. Nhận thức rõ thực trạng này, ngày 23/9, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) đã phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức phổ biến Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11528:2016 về Khăn ướt dùng một lần và một số văn bản liên quan. Đây được coi là nỗ lực đáng ghi nhận của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam nói riêng và các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước nói chung trong việc tuyên truyền, phổ biến tiêu chuẩn quốc gia, được xem là công cụ giúp các doanh nghiệp sản xuất cũng như nhập khẩu mặt hàng khăn ướt áp dụng để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng theo đúng quy định. Mặt khác, tiêu chuẩn quốc gia này cũng là cơ sở kỹ thuật trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng đặc biệt là đối tượng trẻ em đối với mặt hàng khăn ướt. Bà Thái Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Sản phẩm tiêu dùng – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết: với mục tiêu bảo vệ quyền lợi cũng như sức khỏe của người tiêu dùng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã tổ chức xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm Khăn ướt theo đúng quy định hiện hành, trong đó trách nhiệm biên soạn thuộc về Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 38 Vật liệu dệt. Tiêu chuẩn quốc gia này sẽ là định hướng khoa học đáng tin cậy để các doanh nghiệp sản xuất cũng như nhập khẩu mặt hàng khăn ướt áp dụng qua đó đưa ra được sản phẩm đạt chất lượng. Tiêu chuẩn cũng giúp cho người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn sản phẩm an toàn. Chúng tôi rất cần sự phối hợp tích cực từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc áp dụng, phổ biến rộng rãi tiêu chuẩn quốc gia này”. Tiêu chuẩn quốc gia về khăn ướt và các văn bản liên quan – TCVN 11528:2016 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 38 Vật liệu dệt biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Trong vòng hơn một năm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam phối hợp cùng Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 38 đã làm việc hết sức nỗ lực, áp dụng phương pháp khoa học và kỹ thuật chuyên môn để xây dựng và trình công bố tiêu chuẩn quốc gia áp dụng cho sản phẩm khăn ướt sử dụng một lần. Trong tiêu chuẩn này đưa ra đầy đủ yêu cầu kỹ thuật cần thiết như các chỉ tiêu cơ lý, hóa sinh cũng như các phương pháp xác định tương ứng. Trong đó, các doanh nghiệp và người tiêu dùng cần lưu ý đặt biệt về quy định đối với chất tăng trắng quang học và độ kích ứng da vì nó giúp ngăn chặn, hạn chế tác động không mong muốn đến sức khỏe người sử dụng. “Mặc dù TCVN 11528:2016 khăn ướt sử dụng một lần đã được công bố và thông tin rộng rãi đến các nhà sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, tiêu chuẩn này chưa thực sự nhận được sự quan tâm thích đáng từ doanh nghiệp. Tính đến thời điểm này, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam mới chỉ ghi nhận được nhãn hàng khăn ướt Mamamy là nhãn hàng đầu tiên đăng ký chứng nhận hợp chuẩn theo TCVN 11528:2016. Chúng tôi hy vọng, thông qua hội nghị phổ biến này sẽ có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp áp dụng và đăng ký chứng nhận hợp chuẩn để khẳng định chất lượng của sản phẩm cũng như tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm sản phẩm khăn ướt”, bà Màn Thùy Giang – Trưởng phòng Dịch vụ Khoa học, Công nghệ - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt nam cho biết. Mai Thảo

Ra mắt ứng dụng đặt xe Nội Bài online

TĐKT – Ngày 25/9, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Nội Bài online – một thành viên của Hợp tác xã Vận tải Nội Bài đã tổ chức ra mắt ứng dụng đặt xe Nội Bài online. Ứng dụng đặt xe Nội Bài online kế thừa thương hiệu Nội Bài taxi đã và đang là một trong những thương hiệu taxi uy tín tại Hà Nội, với gần 20 năm kinh nghiệm phục vụ khách hàng tận tâm. Việc ứng dụng đặt xe theo công nghệ của công ty là cuộc cách mạng nhằm đổi mới toàn diện phương thức kinh doanh của công ty nói riêng và của dịch vụ vận tải nói chung. Lễ ra mắt ứng dụng đặt xe Nội bài online Giám đốc Công ty cổ phần Nội Bài online Nguyễn Quang Hưng cho biết: ứng dụng đặt xe Nội Bài online là một sản phẩm của người Việt phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu và tại Việt Nam. Áp dụng công nghệ đặt xe tiên tiến nhất, Nội Bài online mong muốn đơn giản nhất việc đặt xe của khách hàng và mong muốn khách hàng được sử dụng dịch vụ chất lượng cao với chi phí luôn luôn rẻ. Nền tảng công nghệ của ứng dụng đặt xe Nội Bài online là công nghệ điện toán đám mây, công nghệ bản đồ tìm đường chính xác, công nghệ xử lý dữ liệu lớn – Big Data và công nghệ Mobil APP tiên tiến nhất. Với các công nghệ mới này, giúp hệ thống Nội Bài online có thể đáp ứng được hàng trăm nghìn yêu cầu đặt xe mỗi ngày và giúp Nội Bài online cung cấp đa dạng phương thức đặt xe cho khách  hàng. Do đó, thay vì cách đặt xe ra sân bay truyền thống trước đây, khách hàng có thể chọn lựa nhiều hình thức linh hoạt như đặt xe qua website, đặt xe qua hotline và qua hệ thống tin nhắn miễn phí… Theo đó, với các tiện ích mới, khách hàng ra sân bay không chỉ chủ động về thời gian mà còn được hưởng mức cước phí thấp nhất từ trước tới nay. Cụ thể đối với xe 5 chỗ chiều Hà Nội - Nội Bài, trong khoảng cách 30 km giảm xuống chỉ còn 160.000 đồng/lượt và chiều ngược lại là 260.000 đồng. Xe 8 chỗ, 16 chỗ cũng được vận dụng mức giá linh hoạt, ưu đãi. Ứng dụng đặt xe thông minh chỉ với 3 lần “chạm” - là sản phẩm của một nhóm các bạn trẻ khởi nghiệp trong nước. Hưng Vũ

Hội Phổi Pháp Việt đã hỗ trợ Bệnh viện Phổi trung ương về các lĩnh vực

TĐKT - Từ ngày 18/9 - 22/9, Hội Phổi Pháp – Việt, do GS Azorin Jaques – Trường Đại học Paris XIII, bác sĩ, phẫu thuật viên phẫu thuật lồng ngực và tim mạch làm Trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Hội Phổi Pháp - Việt được thành lập từ năm 1992 với mục đích thúc đẩy các trao đổi về y khoa, cận y khoa và giảng dạy giữa các cơ quan y tế của Pháp và Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau về y học cơ bản và về lâm sàng, nhất là trong lĩnh vực bệnh học phổi và phẫu thuật lồng ngực; giúp đỡ về vật chất cho việc chẩn đoán, điều trị các bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp. Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương  Trong chuyến công tác lần này, đoàn chuyên gia Hội Phổi Pháp - Việt đã tập trung hỗ trợ, nâng cao cho Bệnh viện Phổi Trung ương về 6 lĩnh vực: phẫu thuật lồng ngực; gây mê và hồi sức hô hấp; bệnh học phổi; phục hồi chức năng; giảm đau sau phẫu thuật; giải phẫu bệnh lý. Đội ngũ cán bộ Bệnh viện Phổi Trung ương đã có cơ hội học tập, chuẩn hóa các quy trình, kỹ thuật để đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe phổi của người dân, giúp cho bệnh viện hoàn thành sứ mệnh “Bệnh viện Phổi chất lượng cao ngang tầm quốc tế”. Đoàn chuyên gia Hội Phổi Pháp - Việt đã phối hợp với cán bộ Bệnh viện Phổi Trung ương tiến hành rất thành công 13 ca mổ, và nhận xét Bệnh viện đã có cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại cùng với trình độ đội ngũ cán bộ phẫu thuật tiến bộ. Ngoài ra, đoàn chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến cáo về việc bổ sung trang thiết bị cơ sở vật chất và việc thực hiện các quy trình kỹ thuật một cách chuẩn hóa đối với các lĩnh vực gây mê hồi sức, phẫu thuật và giải phẫu bệnh lý. Hồng Thiết

Hướng tới Diễn đàn phụ nữ và kinh tế APEC

TĐKT - Chiều ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Họp báo thông tin chương trình Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm 2017. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan. Được biết, tuần lễ Diễn đàn phụ nữ với nền kinh tế của APEC và các sự kiện liên quan sẽ diễn ra từ ngày 26/9 – 30/9 năm 2017, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, có các sự kiện Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế; Đối thoại công tư về phụ nữ và kinh tế trong APEC. Với chủ đề chính “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”, sự kiện hội tụ các đại diện cấp cao của nhiều đối tác quan trọng trên thế giới. Chủ đề của Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC 2017 sẽ có ý đóng góp vào nỗ lực chung của APEC, đồng thời, cũng tiếp tục triển khai các khuyến nghị của các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC năm 2016 về hội nhập hiệu quả kinh tế, tài chính và xã hội, nâng cao quyền năng của phụ nữ cũng như tiếp cận bình đẳng của họ nền giáo dục có chất lượng và các nguồn lực kinh tế. Và đặc biệt, đóng góp vào thực hiện các ưu tiên của APEC 2017 vì thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Những nỗ lực này cũng góp phần thúc đẩy trách nhiệm của APEC đối với vấn đề toàn cầu. Quang cảnh họp báo Dự kiến Diễn đàn sẽ thông qua tuyên bố Bộ trưởng về Phụ nữ và Kinh tế. Tuyên bố chung này sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách cho 21 nền kinh tế thành viên APEC về 3 nội dung ưu tiên lớn của năm 2017 với những nội dung trọng tâm: thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ;  thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Bản Tuyên bố này sau đó sẽ được trình lên các Nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. Diễn đàn cũng sẽ mang lại là cơ hội quảng bá, xúc tiến đầu tư quý báu cho Việt Nam. Đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam, góp phần quảng bá về văn hóa, con người và du lịch Việt Nam thông qua thực hiện thành công về dấu ấn tổ chức, văn hóa dân tộc, ẩm thực và du lịch. Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phụ nữ và kinh tế và hội nhập quốc tế đối với bộ, ngành, cơ quan và khu vực tư nhân của Việt Nam tham gia Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và kinh tế trong APEC và các sự kiện liên quan. Những kết quả đó sẽ góp phần tăng cường sự kết nối giữa các doanh nhân nữ APEC; tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa khu vực công và khu vực tư; tạo thêm các cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân nữ tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của khu vực; thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập và quyền năng kinh tế của phụ nữ khu vực APEC theo 5 trụ cột ưu tiên của APEC. Hồng Thiết

Phát động Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô” năm 2017

TĐKT – Chiều 19/9, tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Hà Nội tổ chức phát động Cuộc thi viết “An toàn giao thông Thủ đô năm 2017”. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp vận tải và người dân về ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường trật tự, văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô.   Ban tổ chức thông tin về cuộc thi viết năm 2017 Đối tượng tham gia là công dân Việt Nam cư trú trong nước và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Nội dung bài dự thi là những đề xuất các giải pháp phù hợp, tham gia ý kiến hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt lộ trình của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”; phản ánh thực trạng và đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng ùn tắc, giảm tai nạn, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội. Các bài dự thi có thể đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, các quy định liên quan đến lĩnh vực an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị; phát hiện, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân điển hình có những đóng góp giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, vì an toàn giao thông Thủ đô…; phê phán các hành vi xấu gây ảnh hưởng đến việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị; đề xuất các giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông của người Hà Nội; tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên và thanh, thiếu niên, góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ. Cuộc thi ưu tiên, khuyến khích các bài viết, ý tưởng có thể ứng dụng vào thực tế giao thông tại Hà Nội. Nội dung tác phẩm dự thi phải chân thực, không vi phạm các quy định của pháp luật. Tác giả dự thi phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác, tính pháp lý của nội dung bài viết. Tác phẩm dự thi thuộc các thể loại báo chí: điều tra, phóng sự, ghi chép, bài phản ánh, phóng sự ảnh... Mỗi bài viết không quá 1.500 từ (một tác phẩm báo chí dự thi có thể chia thành nhiều kỳ đăng tải, nhưng mỗi kỳ không quá 1.500 từ và dài tối đa 5 kỳ). Tác phẩm ảnh dự thi có thể là ảnh màu hoặc ảnh đen trắng. Kích thước ảnh tối thiểu 12cm x 18cm bản in, tối thiểu 1.000kb/ảnh bản mềm. Không chấp nhận ảnh đã qua xử lý kỹ thuật photoshop, kỹ thuật xử lý buồng tối -  buồng sáng. Ban Tổ chức sẽ kiểm tra phim gốc hoặc files gốc khi cần thiết. Tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm dự thi của mình. Một phóng sự ảnh từ 5 - 10 ảnh. Điểm mới của Cuộc thi năm 2017 là ngoài hình thức thi viết như truyền thống, Ban Tổ chức quyết định mở thêm hình thức thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật và văn hóa giao thông trên internet nhằm thu hút thêm đối tượng người dự thi trẻ là học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn TP Hà Nội, những chủ nhân tương lai của Thủ đô và đất nước. Đây là điểm nhấn nhằm tạo thêm sức lan tỏa sâu, rộng cho cuộc thi và góp phần nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông, nhất là lớp trẻ. Cuộc thi tìm hiểu pháp luật và văn hóa giao thông trên internet sẽ được chính thức phát động vào cuối tháng 9/2017. Cuộc thi viết "Vì An toàn giao thông Thủ đô" được triển khai từ năm 2012, đến nay, sau 5 năm, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của độc giả cả nước, số lượng bài dự thi gửi về cho Ban tổ chức tăng  theo cấp số nhân, năm sau cao gấp 3, thậm chí có năm tăng gấp 5 lần năm trước. Chỉ tính trong 3 năm đầu tiên, từ 1.000 bài tham dự năm 2012 đã tăng vọt lên hơn 200.000 bài năm 2015. Sau 5  mùa giải, Cuộc thi đã nhận được 343.350 bài viết dự thi, trong đó, riêng năm 2016 là gần 111.500 bài viết của 362 tổ chức, đơn vị và hàng ngàn cá nhân gửi về. Ban Tổ chức bắt đầu nhận bài dự thi từ 20/7/2017 đến hết 20/02/2018 (thời gian nhận bài được tính theo dấu bưu điện hoặc qua email). Ngoài phong bì ghi rõ: Bài tham dự Cuộc thi “Vì An toàn giao thông Thủ đô - 2017”, gửi về địa chỉ Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội. Dự kiến, Ban Tổ chức sẽ 1 giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng; 1 giải A, trị giá 15.000.000 đồng; 2 giải B, trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng; 5 giải C, trị giá mỗi giải 5.000.000 đồng và 20 giải khuyến khích, trị giá mỗi giải 2.000.000 đồng. Thục Anh

Ngày hội tư vấn cùng công nhân lao động Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao

TĐKT - Ngày 20/9, tại Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, tỉnh Phú Phọ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức “Ngày hội tư vấn cùng công nhân lao động” với sự tham gia của 450 đoàn viên, công nhân, lao động (CNLĐ). Ông Trần Duy Phương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN cho biết: đây là lần thứ 2 ngày hội tư vấn được tổ chức, là một trong những mô hình mới trong công tác tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động trực tiếp của Tổng LĐLĐVN, nhằm khắc phục những hình thức tuyên truyền cũ, chưa hiệu quả bằng văn bản, chỉ thị, họp hành, hội thảo…Dự kiến thời gian tới sẽ triển khai mô hình này đến các công đoàn cơ sở. Ông Trần Duy Phương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Ngày hội  “Ngày hội tư vấn cùng CNLĐ” là hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh, thông qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật lao động, luật công đoàn… giúp đoàn viên, CNLĐ thêm hiểu biết pháp luật, trang bị kỹ năng sống và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại cơ quan, doanh nghiệp. Tại ngày hội tư vấn, người lao động được nghe tuyên truyền về nhiều chủ đề: tuyên truyền về pháp luật lao động, luật công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; về an toàn giao thông; phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội trong CNLĐ ; tư vấn về kỹ năng sống, xây dựng đời sống văn hóa trong CNLĐ...Qua đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật lao động, luật công đoàn… giúp đoàn viên, CNLĐ thêm hiểu biết pháp luật, trang bị kỹ năng sống và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại cơ quan, doanh nghiệp.   Bàn tư vấn về an toàn giao thông thu hút đông đảo người lao động Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Tham gia ngày hội tư vấn, đoàn viên, CNLĐ còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ do đồng nghiệp biểu diễn; bốc thăm trúng thưởng, nhận nhiều quà tặng là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của Ban tổ chức và các nhà tài trợ như vé máy bay, điện thoại; sim, thẻ điện thoại, tivi, quạt điện, nồi cơm điện… Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: đây là lần đầu tiên đoàn viên, CNLĐ công ty được tham gia một Ngày hội lớn do Tổng LĐLĐVN tổ chức với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, giúp CNLĐ có thêm kiến thức về pháp luật cũng như kỹ năng trong cuộc sống. Hoạt động này có ý nghĩa thiết thực, góp phần động viên CNLĐ hăng hái làm việc nhất là trong lúc công ty đang đẩy mạnh sản xuất và chuẩn bị cho đại hội công đoàn các cấp, thể hiện rõ phương châm hướng về cơ sở của Tổng LĐLĐVN…Cùng với đó, “Ngày hội tư vấn cùng CNLĐ” sẽ cho công đoàn cơ sở nhiều kinh nghiệm hơn khi tổ chức những cuộc tuyên truyền sắp tới cho đoàn viên, người lao động tại công ty. Ông Nguyễn Văn Chiến tin tưởng rằng, 450 CNLĐ tham dự Ngày hội sẽ là những “tuyên truyền viên” cho gần 3000 CNLĐ đang làm việc tại công ty thông qua những hiểu biết, kiến thức mà họ nhận được từ các chuyên gia tư vấn.   Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao trao quà cho CNLĐ công ty Chị Triệu Thị Kiều Trang, 46 tuổi, công nhân Xí nghiệp NPK3, thuộc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, bày tỏ: “Được công đoàn công ty phổ biến có Ngày hội tư vấn, công nhân chúng tôi phấn khởi lắm. Xí nghiệp tôi có 252 người, được phân bổ 28 người đi dự nên ai cũng háo hức. Tôi đang làm trong môi trường nhiều hóa chất, cũng sắp nghỉ chế độ nên muốn được tư vấn về chính sách nghỉ hưu mới của Luật BHXH; việc hưởng các chế độ phụ cấp độc hại; về danh mục các bệnh nghề nghiệp mà Bộ Y tế quy định… Trước đây, chúng tôi cũng được công đoàn phát tờ gấp, tài liệu về pháp luật, nhưng được tư vấn trực tiếp thì bổ ích hơn. Tham gia Ngày hội lại được nghe văn nghệ với bốc thăm trúng thưởng thì rất vui…” Mai Thảo

Hà Nội triển khai Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề

TĐKT - Chiều 19/9, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thông tin về kế hoạch triển khai Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề, được phân theo 8 loại hình sản xuất: chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ, kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc... Đa số các làng nghề ít đầu tư cho xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý môi trường. Hoạt động sản xuất làng nghề phát sinh ô nhiễm cao, tuy nhiên tại những khu vực làng nghề hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Đối với nước thải khoảng 35,6% hộ gia đình không xử lý, 60% còn lại chỉ có hệ thống xử lý thô sơ. Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp và kém ổn định, các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống.   Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin đến báo chí Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: ngày 11/9/2017, Sở đã có văn bản về việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2017 - 2020 và giai đoạn 2 từ  2020 - 2030. Đề án đưa ra giải pháp về cơ chế chính sách, tập trung xây dựng, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách về quản lý và phát triển làng nghề và bảo vệ môi trường làng nghề. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường.  Đồng thời, quản lý công nghệ sản xuất để hạn chế việc đưa công nghệ cũ, lạc hậu vào làng nghề và khu vực dân cư gây ô nhiễm. Điều tra, phát hiện xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường tại làng nghề. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, phù hợp cho các hộ, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật trong đổi mới công nghệ… Về giải pháp quy hoạch sản xuất, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tùy tình hình thực tế của địa phương, TP Hà Nội sẽ thực hiện quy hoạch theo cụm công nghiệp hoặc quy hoạch phân tán (quy hoạch sản xuất ngay tại hộ gia đình).  Theo ông Lê Tuấn Định, trước mắt, tập trung vào nhóm loại hình tái chế giấy, tái chế nhựa, cơ, kim khí, nhuộm, giết mổ và làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất với lộ trình phù hợp. Các làng nghề và cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư nông thôn cần di dời vào khu, cụm công nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền thuế đất  và phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường đối với khu, cụm công nghiệp tập trung. Hưng Vũ

Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

TĐKT - Ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo Hội nghị của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì họp báo. Ban tổ chức cho biết Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 26/9 - 27/9, tại TP Cần Thơ, dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu từ các Ban Đảng, Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực lân cận, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.   Họp báo Hội nghị của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu Ngày 26/9, ngoài phiên Khai mạc sẽ diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề song song, bàn chuyên sâu về những vấn đề cụ thể: tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển ĐBSCL, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai và sạt lở, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Ngày 27/9 sẽ diễn ra phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị được tổ chức nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến, xem xét một cách tổng thể, toàn diện, có hệ thống, nhận diện đầy đủ các thách thức, định hướng mô hình phát triển, huy động sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động trong toàn xã hội để tìm ra mô hình phát triển bền vững cho ĐBSCL. Tại Họp báo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước. Việc phát triển vùng ĐBSCL luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn. Mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp, chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý thiếu gắn kết, đồng bộ tổng thể, do xu thế không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu, hoạt động sử dụng nguồn nước từ bên ngoài. Điều đó dẫn đến sự phát triển thiếu an toàn, bền vững, làm cho sinh kế của người dân trở nên bấp bênh. Trước những yêu cầu cấp bách nêu trên, tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng ĐBSCL, nơi đang chịu những tác động kép, phức tạp để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hóa trên cơ sở kết hợp khoa học, công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức và cơ hội. Thủ tướng Chính phủ hai nước đã ký bản Ý định thư về hợp tác thúc đẩy và triển khai các dự án chuyển đổi quy mô lớn nhằm mục tiêu phát triển bền vững cho vùng đồng bằng quan trọng này. Bình Nguyên

Trang