Chính trị - Xã hội

Hân hoan trước mùa tuyển quân 2024: Ghi nhận tại phường Mông Dương

BTĐKT - Thời gian qua, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) luôn coi trọng và làm tốt công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đảm bảo "tuyển người nào, chắc người đó", góp phần thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Năm 2024, phường Mông Dương được giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi 20 công dân nhập ngũ (trong đó, có 17 công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và 3 công dân thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân). Cũng như nhiều địa phương khác, công tác tuyển quân của phường gặp không ít những khó khăn do số công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) thường xuyên đi làm ăn xa, vắng mặt dài ngày; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trường nghề ngày càng nhiều... Trong khi đó, cũng còn một bộ phận thanh niên “ngại” nhập ngũ, luôn tìm cách để trốn tránh thực hiện NVQS; những tác động của mặt trái cơ chế thị trường và nhu cầu cuộc sống phần nào ảnh hưởng trực tiếp tới công tác tuyển quân của địa phương. Đồng chí Phạm Đức Hiệp, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Mông Dương cho biết: Ban CHQS phường đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyển quân ngay từ khâu đầu, bước đầu, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản thực hiện Luật NVQS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật để mang tính giáo dục, răn đe các trường hợp cố tình trốn tránh thực hiện NVQS. Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, Đảng ủy, UBND phường đã họp với các ban, ngành, đoàn thể của phường và các khu dân cư để quán triệt, xác định nhiệm vụ chính trị trung tâm, lấy kết quả tuyển quân là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Đảng ủy phường đã yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong việc động viên con em thực hiện tốt NVQS. Ban CHQS phường bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan triển khai có hiệu quả các bước tuyển quân bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả. Đảng ủy, UBND, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự phường đã giao nhiệm vụ cho các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương phụ trách tuyên truyền, vận động công dân trong độ tuổi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Với cách làm này, Mông Dương đã huy động sự vào cuộc tích cực hơn của các tổ chức hội, đoàn thể trong công tác tuyển quân. Trong công tác tuyên truyền, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự phường chú trọng vào việc giúp các công dân trong độ tuổi nhập ngũ và gia đình hiểu rõ về Luật Nghĩa vụ quân sự, các chính sách, quyền lợi của công dân trong và sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự; tuyên truyền, giáo dục, động viên công dân trong độ tuổi nhập ngũ trước tiên phải tự mình quản lý mình, làm chủ bản thân không bị ảnh hưởng, dao động tư tưởng trước những luận điệu tiêu cực, trước những cám dỗ của tệ nạn xã hội. Thông qua công tác tuyên truyền, giúp thanh niên thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác tuyển quân năm 2024 của phường Mông Dương có gia đình anh Triệu Quang Sáng và chị Lý Thị Hoa là gia đình người đồng bào dân tộc Dao ở tổ 5, khu phố 10 có hai con trai là Triệu Đức Kỳ (sinh năm 2001) và Triệu Đức Hay (sinh năm 2004) đều viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Triệu Đức Kỳ và Triệu Đức Hay bày tỏ mong muốn được đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Triệu Đức Kỳ đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông - Lâm Đông Bắc, qua sơ tuyển đủ tiêu chuẩn nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân. Trước đó, anh trai của Kỳ và Hay là Triệu Đức Cầu (sinh năm 1999), nhập ngũ vào Tiểu đoàn Pháo phòng không 105, thuộc Sư đoàn Phòng không 363, Quân chủng Phòng không - Không quân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương năm 2021. Vừa qua, Triệu Đức Cầu được tuyển chọn, cử đi đào tạo sĩ quan dự bị. Hiện nay, Triệu Đức Cầu là Thiếu úy sĩ quan dự bị thuộc LLVT thành phố Cẩm Phả. Khu phố 10, nơi hai anh em Kỳ và Hay sinh sống, toàn khu phố có 7 công dân trúng tuyển NVQS thì có tới 6 lá đơn tình nguyện nhập ngũ... Ông Nguyễn Văn Hùng và con trai Nguyễn Văn Đại (ngoài cùng bên trái) trò chuyện thân mật với đoàn công tác của phường Mông Dương. Còn tại khu phố 5 có chàng trai trẻ Nguyễn Văn Đại, sinh năm 2002, đã tốt nghiệp cao đẳng ông nghệ thông tin. Sau khi kết thúc khóa học, ngay từ tháng 9 năm 2023, Nguyễn Văn Đại đã viết đơn xung phong nhập ngũ. Đại bày tỏ mong muốn được nhập ngũ để được rèn luyện, cùng với lý tưởng thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc như các thế hệ cha anh đi trước... Ông Nguyễn Văn Hùng, bố của Đại tâm sự với đoàn công tác của phường Mông Dương khi đến thăm gia đình: "Hai vợ chồng tôi rất ủng hộ tinh thần xung phong nhập ngũ của cháu. Khi cháu trúng tuyển, gia đình rất phấn khởi, mong muốn cháu rèn luyện, trau dồi bản lĩnh, chững chạc, trưởng thành hơn...". Mặc dù công tác tuyển quân gặp không ít khó khăn, nhất là địa phương có địa bàn rộng, có đông đồng bào dân tộc... tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao, toàn phường đã có 80/80 công dân đi khám tuyển theo lệnh gọi của Hội đồng NVQS thành phố. Trong đó, có 23 công dân đủ tiêu chuẩn về sức khỏe và tiêu chuẩn chính trị. 18/23 công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Cùng với đó, phường cũng đã lựa chọn được 11 công dân tiêu biểu là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, báo cáo cấp trên để đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Hiện nay, Đảng ủy, UBND phường đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt các bước tiếp theo của quy trình tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; tiếp tục làm tốt công tác hậu phương quân đội, giúp cho các công dân yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quân ngũ. Đồng chí Thượng tá Phan Trọng Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy quân sự, Chính trị viên Ban CHQS thành phố Cẩm Phả nhận xét: Phường Mông Dương là địa phương tiêu biểu của thành phố trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương, trong đó có công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Với những kinh nghiệm và kết quả đạt được, Ban CHQS thành phố tin tưởng phường Mông Dương tiếp tục làm tốt công tác quan trọng này, góp phần cùng thành phố hoàn thành tốt công tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2024. Anh Huỳnh    

Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng

Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang đã kết hợp hài hòa các hoạt động xã hội từ thiện trong các hoạt động Phật sự, làm sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang chúc mừng Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN) Ngày 20/12 tại Hội trường lớn Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang tổ chức Đại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (2013-2023). Tham dự buổi lễ có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hà Giang; Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố và đông đảo tăng ni, phật tử trên địa bàn. Đại đức Thích Nguyên Toàn, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang cho biết Giáo hội được thành lập ngày 1/7/2013. Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển Giáo hội, hoạt động Phật giáo trên địa bàn tỉnh Hà Giang luôn ổn định, tuân thủ chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Hoạt động Phật sự đã từng bước kết hợp hài hòa với các hoạt động xã hội từ thiện, mang lại giá trị tốt đẹp của giáo lý nhà Phật trong đời sống, góp phần giữ gìn, phát huy thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, văn hóa truyền thống. Các hoạt động xã hội của các tăng ni, phật tử đã phát huy hiệu quả, đóng góp vào những thành tựu chung của tỉnh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội; đẩy mạnh công tác từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của nhân dân. Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh cùng trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực, chung sức, chung lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh như ngày hôm nay, trong đó có sự đóng góp của Phật giáo tỉnh Hà Giang. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Sơn biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Giáo hội Phật giáo tỉnh đạt được trong 10 năm qua. Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đại đức Thích Nguyên Toàn, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN) Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn mong Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang cùng tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các tôn giáo luôn đoàn kết, tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xây dựng Hà Giang ngày càng phát triển nhanh, bền vững. Tại buổi lễ, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang trao tặng Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang lẵng hoa chúc mừng và bức trướng mang dòng chữ: “Phật giáo Hà Giang 10 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng quê hương.” Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang trao tặng biểu trưng xây dựng các công trình an sinh xã hội cho các địa phương của tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN) Dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Đại đức Thích Nguyên Toàn, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 4 cá nhân của Giáo hội Phật giáo tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng Bằng khen cho 5 cá nhân của Giáo hội Phật giáo tỉnh vì có thành tích trong công tác an sinh xã hội. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang trao tặng các huyện Bắc Mê, Bắc Quang, Xín Mần, Mèo Vạc tổng số tiền trên 2 tỷ đồng để xây dựng cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn, điểm trường, nhà tình nghĩa, xây dựng nhà cho hộ nghèo./. Theo TTXVN/Vietnam+

Ngành Nội vụ năm 2023 đã cải cách mạnh mẽ về công vụ, công chức

Chiều ngày 20/12/2023, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Nội vụ. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Trọng Thừa, Nguyễn Duy Thăng, Triệu Văn Cường, Vũ Chiến Thắng chủ trì Hội nghị. Các đồng chí chủ trì Hội nghị Dự Hội nghị tại trụ sở Bộ Nội vụ có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Cục, Vụ, Ban Tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các tổ chức Đảng, đoàn thể thuộc Bộ; lãnh đạo, công chức, viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu các địa phương có Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các Ban đảng thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc, Phó Giám đốc, người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Sở và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; Trưởng phòng Phòng Nội vụ cấp huyện; đại diện các cơ quan truyền hình, báo chí tại địa phương. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc Hội nghị Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Đối với ngành Nội vụ, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt  thực hiện tốt “3 đột phá, 4 trọng tâm”, tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương, nổi bật là:  Thứ nhất, tập trung cao cho xây dựng và hoàn thiện thể chế: công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm sự liên thông, thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước. Đồng thời đã chủ động, tích cực giải quyết nhiều vấn đề mới, vấn đề khó và những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đặt ra và yêu cầu, nhiệm vụ của xu thế đổi mới và phát triển, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân. Thứ hai, tiếp tục tham mưu Chính phủ đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức hành chính bên trong cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tiếp tục đổi mới sắp xếp tinh gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa đối với các dịch vụ công. Tập trung hướng dẫn, hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thứ ba, cải cách mạnh mẽ về công vụ, công chức: tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác nâng ngạch công chức và xét thăng hạng viên chức; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và tập trung giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm thực thi công vụ; tăng cường thanh tra công vụ, công chức và xử lý nghiêm việc sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; điều chỉnh mức lương cơ sở lên 20,8% từ 01/7/2023; tích cực tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương bảo đảm đồng bộ, thống nhất để thực hiện từ 01/7/2024; hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức, viên chức và kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thẩm định, tham mưu chặt chẽ, đúng quy định công tác cán bộ thuộc thẩm quyền Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thứ tư, tập trung tham mưu triển khai quyết liệt thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Tích cực tham mưu Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành lập 60 đơn vị hành chính đô thị của 12 tỉnh và sắp xếp, mở rộng không gian đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của nhiều địa phương. Đổi mới căn bản, toàn diện đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Thứ năm, chủ động tham mưu nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy và công vụ, công chức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước. Thứ sáu, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: Thi đua - khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng từ ngày 01/01/2024; chủ động, nắm tình hình và kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn, tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của tôn giáo, tín ngưỡng; thực hiện chuyển đổi số trong công tác văn thư – lưu trữ; quản lý tổ chức hội, quỹ đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, phát huy tích cực vai trò các tổ chức Hội trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã chủ động, quyết liệt, quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần thay đổi nhận thức và phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và toàn ngành Nội vụ. Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, khó khăn vướng mắc từ thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ. Nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ: tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm; kỷ luật, kỷ cương và hoạt động công vụ, đạo đức và văn hóa công vụ nhiều nơi chưa nghiêm. Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn  hạn chế. Tham mưu thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền ở Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Trong khi đó yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới của ngành Nội vụ là rất nặng nề. Hội nghị trực tuyến đến các điểm cầu địa phương Để Hội nghị đạt kết quả, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung trọng tâm sau đây: Một là, phân tích, đánh giá làm sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những kết quả đạt được trên từng lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Nội vụ năm 2023, chỉ ra tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học và nguyên nhân để có giải pháp thiết thực, hiệu quả. Hai là, tham gia, đóng góp bổ sung các nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt chương trình công tác năm 2024 của ngành Nội vụ nhằm thể chế hoá kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với ngành Nội vụ. Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Nội vụ, ngay từ đầu năm, Bộ, ngành Nội vụ luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình công tác và các nhiệm vụ phát sinh. Theo đó, các đồng chí Lãnh đạo Bộ luôn thể hiện rõ quyết tâm cao, nỗ lực lớn và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để phát huy mọi nguồn lực kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động toàn ngành Nội vụ. Đã ban hành theo thẩm quyền 22 Thông tư, 07 văn bản hợp nhất Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, nhiệm vụ chính trị quan trọng luôn được Bộ Nội vụ ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện nhằm đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả nền hành chính nhà nước theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; theo đó đã tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách pháp luật bảo đảm tính khả thi, đến nay các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ đã cơ bản đồng bộ, thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới của nền hành chính nhà nước và sự phát triển của đất nước. Trong năm 2023, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng 01 dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV; chủ trì xây dựng 04 văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành 14 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 03 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 Quyết định và 03 Công điện; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 22 Thông tư, 07 văn bản hợp nhất.  Chủ động đổi mới hoạt động quản lý công vụ, công chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; có cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm thực thi công vụ; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan nhà nước và văn hóa công vụ; kịp thời tham mưu điều chỉnh lương cơ sở tăng lên 20,8%; Đồng thời, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền về phương án, lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thông qua tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 để tổ chức thực hiện từ ngày 01/7/2024. Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Bộ Nội vụ Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; mở rộng chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ và hiệu quả hoạt động của tổ chức.  Theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện trong cả nước; đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập; riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị, còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2022 có 46.621 đơn vị); trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là 345 đơn vị (tỷ lệ 0,74%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên là 2.538 đơn vị (tỷ lệ 5,47%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 8.559 đơn vị (tỷ lệ 18,45%), đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 34.943 đơn vị (tỷ lệ 75,34%). Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người (trong đó: Trung ương 146 người; địa phương 7.005 người). Tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước tổ chức thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở.  Công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là các lĩnh vực cơ bản, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đổi mới phương pháp xác định chỉ số cải cách hành chính bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch. Hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực công tác của Bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Bộ, ngành Nội vụ. Công tác thi đua, khen thưởng được các địa phương quan tâm, chủ động, sát sao theo hướng tôn vinh, khen thưởng, biểu dương đối tượng lao động trực tiếp. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được duy trì ổn định, tuân thủ pháp luật, chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh về tín ngưỡng, tôn giáo và thường xuyên hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng đường hướng, phương châm hành đạo. Công tác văn thư, lưu trữ, quản lý hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ, công tác thanh niên, thanh tra, pháp chế, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đào tạo, bồi dưỡng... đã có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của ngành Nội vụ. Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ tham luận về “Giải pháp thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức bảo đảm mục tiêu, yêu cầu trong giai đoạn mới” tại Hội nghị Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các ý kiến tham luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị của đại diện các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tập trung một số vấn đề như: sắp xếp tổ chức bộ máy; xây dựng vị trí việc làm; sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập; giải quyết cán bộ, công chức dôi dư, trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính; kiểm định chất lượng đầu vào công chức; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương; thi đua khen thưởng;… Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Nội vụ đã công bố Quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023. Toàn cảnh Hội nghị Theo moha.gov.vn

Mái ấm gia đình Việt tiếp tục hành trình sẻ chia yêu thương với các em nhỏ mồ côi Quảng Nam

BTĐKT - Thấu hiểu trước nỗi đau, nỗi mất mát người thân của những em nhỏ có số phận kém may mắn, “Mái ấm gia đình Việt” phiên bản truyền hình thực tế đã rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để thực hiện sứ mệnh “mang hạnh phúc sẻ chia cùng cộng đồng”. Lần này, để viết tiếp chuyến hành trình, Mái ấm gia đình Việt sẽ chính thức có mặt tại Quảng Nam để đồng hành và sẻ chia cùng các em nhỏ mồ côi. “Mái ấm gia đình Việt” biết ơn khi luôn nhận được những tình cảm và sự chào đón nồng hậu của bà con tại những nơi mình đặt chân đến Chương trình truyền hình thực tế “Mái ấm gia đình Việt” là dự án được tài trợ bởi Hệ thống Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen Home (Tập đoàn Hoa Sen), với đối tượng hướng đến ban đầu là giúp đỡ cho các em nhỏ mất đi người thân do đại dịch Covid-19, sau đó mở rộng ra là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả hai. Trước khi đặt chân đến vùng đất “địa linh nhân kiệt” - Quảng Nam, Chương trình Mái ấm gia đình Việt đã đi qua hơn 18 tỉnh, thành với 67 chương trình đã sản xuất, hỗ trợ cho 210 hoàn cảnh gia đình cùng các em nhỏ mồ côi cùng sự tham gia của 134 nghệ sĩ với số tiền đã được trao đi lớn hơn 6,5 tỷ đồng. Ống nhựa Hoa Sen - một sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen được ứng dụng rất linh hoạt, trở thành các chướng ngại vật, tạo nên sự gây cấn và hồi hộp hơn trong các thử thách Lần này, ekip “Mái ấm gia đình Việt” sẽ tiếp tục ghé đến tỉnh Quảng Nam với 6 số ghi hình tại Khu văn hóa Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để viết tiếp chuyến hành trình mang yêu thương đến gần hơn với các em nhỏ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn thuộc các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Ngoài sự góp mặt của người dẫn dắt chương trình - MC Quyền Linh, chương trình còn chào đón các khách mời nổi tiếng như: Diva Thanh Lam; ca sĩ Ali Hoàng Dương; ca, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền; diễn viên Thúy Diễm; diễn viên Thanh Thức; diễn viên Đan Lê; nghệ sĩ cải lương Trinh Trinh; diễn viên Hòa Hiệp; ca sĩ Vân Khánh; diễn viên Anh Tài; NSƯT Hữu Quốc và Vũ Ngọc Ánh. Luôn có những khoảnh khắc nghẹn ngào xúc động xen lẫn hạnh phúc vỡ òa Buổi ghi hình trực tiếp sẽ diễn ra tại Khu văn hóa Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam theo các khung thời gian: Ca sáng bắt đầu từ lúc 7h30; ca chiều bắt đầu vào lúc 13h30 vào các ngày 20,21,22/12/2023. Xuân Phúc

Vận dụng phong cách Hồ Chí Minh vào công tác dân vận trong Khối các cơ quan Trung ương

Chiều 6/12, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Tọa đàm khoa học “Vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác dân vận của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương giai đoạn hiện nay”. Các đồng chí chủ trì Tọa đàm Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương chủ trì tọa đàm. Cùng dự có lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Thường trực Đảng ủy Khối; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo một số đảng bộ trực thuộc. Khái quát một số luận điểm cơ bản trong phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và quan điểm của Đảng ta, đồng chí Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận của Đảng càng được khẳng định rõ nét cả về lý luận và thực tiễn. Việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”..., đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, nhất là của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhất là vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh... Quang cảnh buổi Tọa đàm khoa học Đồng chí Nguyễn Văn Thể nêu rõ, nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay, Đảng ủy Khối đã thường xuyên quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Trung ương phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Đảng bộ Khối, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống dân vận, phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Khối các cơ quan Trung ương thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phát biểu khai mạc Tọa đàm Thấm nhuần lời dạy của Bác về công tác dân vận, cán bộ, đảng viên cần kiên quyết, kiên trì tham gia ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, hình thành nét đẹp văn hóa trong Đảng. Việc vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác dân vận là việc rất quan trọng và rất cần thiết, nhất là đối với các tổ chức đảng trong các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương. Kết quả hoạt động của Đảng bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Khối các cơ quan Trung ương không chỉ tác động đến Đảng bộ mà còn tác động đến hoạt động của toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm phát biểu đề dẫn Theo đồng chí Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà là một khoa học, “nghệ thuật” theo phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đưa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với dân, làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin, từ đó hăng hái, tự nguyện, tự giác tham gia. Làm tốt công tác dân vận ở các cơ quan Trung ương chính là đóng góp thiết thực của cán bộ, đảng viên vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tại Tọa đàm, đồng chí Phạm Tất Thắng chia sẻ những đặc điểm đặc thù trong công tác đảng nói chung, trong công tác dân vận của Đảng bộ Khối nói riêng. Việc vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác dân vận ở các cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Khối thể hiện sự nghiêm túc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban chấp hành các đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng chia sẻ kinh nghiệm công tác dân vận của Đảng Để công tác dân vận trong Đảng bộ Khối đạt nhiều kết quả hơn nữa, các cấp ủy trực thuộc cần tiếp tục phối hợp hiệu quả với đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; nêu cao vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động trong các cơ quan để nỗ lực tham mưu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 26 tham luận gửi đến và trình bày tại Tọa đàm là những ý kiến có chất lượng của các đại biểu, nhà khoa học trong và ngoài Đảng bộ Khối, với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, tâm huyết đối với công tác dân vận của Đảng. Các tham luận góp phần làm rõ hơn những vấn đề về lý luận tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận; đồng thời, đánh giá sát, đúng thực trạng công tác dân vận trong Khối các cơ quan Trung ương hiện nay. Các đại biểu chia sẻ bài học kinh nghiệm; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của đảng bộ cơ quan, đơn vị; giới thiệu những mô hình “Dân vận khéo”, từ đó góp phần lan tỏa, nhân rộng sự đổi mới về phương thức, nội dung, cách làm sáng tạo công tác dân vận trong Khối các cơ quan Trung ương. Kết luận Tọa đàm, đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đề nghị, Ban tổ chức tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của các đảng ủy trực thuộc; phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên tập thành cuốn sách về nghiệp vụ công tác dân vận làm tài liệu tham khảo và vận dụng vào điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Theo nhandan.vn  

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8

BTĐKT - Ngày 4/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối với các điểm cầu của Tỉnh ủy,Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc trung ương và đường truyền mở rộng đến cơ sở. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Cùng dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cùng các cán bộ chủ chốt các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn hệ thống chính trị và đông đảo cán bộ, đảng viên. Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Hội nghị được kết nối tới 16.242 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị ở Trung ương và các địa phương trên toàn quốc; có hơn 1.441.200 cán bộ, đảng viên tham dự nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết. Dự hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng  ban; Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban; Phan Văn Hùng, Thường vụ Đảng ủy, Phó Trưởng ban; các Ủy viên BCH Đảng ủy Ban, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Ban, Bí thư, Phó Bí thư, Chi ủy viên các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Ban; Trưởng các đoàn thể thuộc Ban và toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ Ban. Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày (trong đó, 1 ngày nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết; 0,5 ngày dành cho các tỉnh, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Trung ương triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết). Theo chương trình hội nghị, các đại biểu nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng truyền đạt chuyên đề: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Nội dung các chuyên đề tập trung vào những vấn đề cốt lõi, những điểm mới của các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ở địa phương, cơ quan,  đơn vị; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã tham gia nghiêm túc hội nghị. Đây chỉ là bước khởi đầu để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nghiên cứu, học tập toàn diện Nghị quyết, nêu cao trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực để đảm bảo các mục tiêu đạt được kết quả thực chất. Từng địa phương, đơn vị, trên cơ sở đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận cao trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng. Sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng cần rút kinh nghiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc để việc thực hiện Nghị quyết đạt được hiệu quả cao, không để xảy ra tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”. Phải làm sao để Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất. Đồng chí đề nghị các địa phương, đơn vị hoàn thành tổng kết năm trước ngày 10/1/2024, tập trung chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào các vùng thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân, lao động, người bị mất việc làm, để bảo đảm mọi nhà đều có điều kiện vui xuân, đón năm mới... Phương Thanh

Hoàn thành các chỉ tiêu là trách nhiệm với người dân, người lao động

BTĐKT - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm 2023, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, BHXH các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, nhất là việc tăng độ bao phủ BHXH, BHYT; đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là trách nhiệm với người dân, người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì buổi làm việc với BHXH 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, thời gian qua, BHXH 11 tỉnh, thành phố đã cố gắng, trách nhiệm, tâm huyết, vượt qua khó khăn chung cả nước và khó khăn riêng từng vùng miền; bám sát, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và BHXH Việt Nam; theo từng giai đoạn đã có những kết quả tốt, so với cùng kỳ nhiều chỉ tiêu đã tăng cao. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh đều đang gặp không ít khó khăn trong phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN cũng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn. Tỷ lệ sử dụng dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT ở hầu hết các tỉnh đều đã ở mức cao, một số tỉnh đã gần sử dụng hết nguồn của năm 2023. Quang cảnh buổi làm việc Tổng Giám đốc yêu cầu, BHXH các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành. Cụ thể, BHXH các địa phương phải quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu về độ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN; đặc biệt tỷ lệ bao phủ BHYT phải hoàn thành và bền vững, toàn quốc đạt trên 93% dân số, vượt chỉ tiêu của Chính phủ, Quốc hội giao. Về giải pháp, trong công tác thu, phát triển người tham gia, Tổng Giám đốc yêu cầu, BHXH tỉnh bám sát kịch bản của ngành, nhưng cần nghiên cứu, đánh giá, áp dụng linh hoạt với tình hình địa phương; tăng cường vai trò, hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp tại địa phương, nhất là trong những tháng cuối năm, quyết liệt từ cấp tỉnh đến huyện, xã; huy động sự vào cuộc của cán bộ văn hóa xã có chức năng tham mưu về thực hiện chính sách BHYT, BHYT tại cơ sở. BHXH các địa phương cần phân công rõ lãnh đạo, viên chức bám sát cơ sở; tăng cường các giải pháp giảm nợ, để đạt mục tiêu kép vừa đảm bảo quyền lợi tham gia cho người lao động, vừa đảm bảo bền vững các quỹ. Bên cạnh đó, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT. Đẩy mạnh phối hợp giữa bộ phận thu và thanh tra để thực hiện hiệu quả công tác thanh tra đột xuất với các đơn vị nợ; tiếp tục rà soát hiệu quả dữ liệu thuế, phối hợp với cơ quan công an; theo dõi sát tình hình biến động lao động trên địa bàn trong những tháng cuối năm… BHXH tự nguyện, tập trung vào các nhóm tiềm năng, tham mưu, huy động thêm các nguồn hỗ trợ từ xã hội, doanh nghiệp. Trong phát triển BHYT cũng cần bám sát các kịch bản của ngành; rà soát, lập danh sách, triển khai chính sách cho các nhóm được hỗ trợ theo Nghị định số 75/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời huy động thêm các nguồn hỗ trợ khác; bằng mọi biện pháp phải hoàn thành. Về BHYT, BHXH các địa phương cũng cần đặc biệt chú ý trong điều hành sử dụng dự toán và thanh toán theo Nghị định số 75/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành đạt mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống trục lợi. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị Giám đốc, lãnh đạo BHXH các địa phương quyết liệt hơn nữa, tinh thần làm việc không có ngày nghỉ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong những tháng cuối năm, quyết tâm hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Song Linh    

Hơn 1,75 triệu lượt đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản VNeID

BTĐKT - Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam), trong 1 tháng qua, toàn quốc đã có 1.759.402 lượt đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản VneID. Tính năng này được chính thức triển khai từ ngày 19/10/2023 từ việc phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C06), Bộ Công an thực hiện điều chỉnh, nâng cấp ứng dụng VssID đáp ứng yêu cầu kết nối, tích hợp tài khoản VNeID với ứng dụng VssID. Theo đó, người dùng có thể đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản định danh điện tử (VneID). Đây là một bước tiến lớn, kết quả từ việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06); giúp người dùng không phải nhớ nhiều thông tin tài khoản, thuận tiện cho việc lấy lại mật khẩu, tăng tính bảo mật… Để sử dụng tính năng "Đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử" trên ứng dụng VssID, người dùng cần đáp ứng các yêu cầu sau: Một là, đã có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH (tài khoản VssID). Hai là, đã có tài khoản định danh điện tử (tài khoản VNeID) mức 2. Ba là, đã cài đặt ứng dụng VNeID phiên bản 2.1.0 và ứng dụng VssID phiên bản 1.6.7 trở lên. Người tham gia cài đặt phiên bản mới nhất của hai ứng dụng nêu trên tại kho ứng dụng AppStore (dành cho điện thoại sử dụng hệ điều hành IOS), hoặc trên Google Play (đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành Android). Các bước thực hiện như sau: Bước 1: Tại màn hình đăng nhập ứng dụng VssID, người tham gia chọn "Đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử". Ứng dụng VssID sẽ điều hướng sang ứng dụng VNeID. Bước 2: Tại màn hình đăng nhập ứng dụng VNeID, người tham gia đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử mức 2: Sau khi đăng nhập tài khoản định danh điện tử thành công, ứng dụng VNeID sẽ điều hướng về lại ứng dụng VssID và hiển thị như sau: Như vậy, chỉ với vài thao tác đơn giản, người tham gia đã có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp để đăng nhập và sử dụng đầy đủ các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VssID. Song Linh    

Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn: Kỷ niệm 10 năm “Giữ lửa cho tiếng Nga và nổi lửa cho tiếng Hàn”

BTĐKT - Sáng 24/11, Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ThS. Lê Thanh Vạn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn cho biết: Khoa tiếng Nga (tiền thân của Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn), Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được thành lập cách đây 10 năm theo Quyết định số 232/QĐ-BGH ngày 05/6/2013 do Giáo sư, Hiệu trưởng Trần Phương ký. Khoa tiếng Nga có chức năng là một đơn vị tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga kinh tế - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của xã hội và của các đơn vị trong trường. Từ năm 2013 đến năm 2017, khoa đã giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ cho hàng trăm sinh viên thuộc các khoa khác nhau trong trường. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh, nhưng trong 4 năm đầu thành lập khoa (từ 2013 - 2017), nhờ có những nỗ lực rất lớn của tập thể Ban Chủ nhiệm và giảng viên, khoa vẫn duy trì được một số lượng khoảng từ 100 - 150 sinh viên học tiếng Nga không chuyên, trong đó mỗi năm có khoảng 2 - 3 sinh viên tham gia kỳ thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức và nhận được học bổng toàn phần đi du học tại Liên bang Nga. Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Khoa tiếng Nga của HUBT tuyển sinh hệ cử nhân tiếng Nga. Năm 2019, khoa được lãnh đạo HUBT cho phép mở bộ môn tiếng Hàn không chuyên. Bắt đầu từ đó, Khoa tiếng Nga được đổi tên thành Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn và hoạt động với phương châm “Giữ lửa cho tiếng Nga và nổi lửa cho tiếng Hàn”, phản ánh đúng nhu cầu của xã hội. Hiện nay, khoa có gần 100 sinh viên theo học tiếng Nga, gần 400 sinh viên theo học tiếng Hàn. Trong 10 năm, khoa đã có 30 sinh viên đạt giải trong các kỳ thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức. Riêng năm 2023, có 5 em đạt giải và đầu tháng 10 vừa qua đã sang du học tại Liên bang Nga. Ngoài ra, sinh viên của khoa tham gia nhiều cuộc thi tiếng Nga về các chủ đề đất nước và con người cũng đã đạt giải. ThS. Lê Thanh Vạn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn phát biểu tại lễ kỷ niệm Nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh và những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, khoa đã xây dựng “Chiến lược phát triển của khoa từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, về quy mô đào tạo: Đối với tiếng Nga, khoa duy trì ở mức 1 - 2 lớp cử nhân tiếng Nga, còn đối với tiếng Hàn không chuyên sẽ tiến tới mức 10 - 15 lớp. Nếu trong vòng 2 - 3 năm tới khoa mở được hệ cử nhân tiếng Hàn thì sẽ phấn đấu để có 10 - 20 lớp cử nhân tiếng Hàn và khoảng 10 lớp tiếng Hàn không chuyên. Về mục tiêu chiến lược, giữ vững, củng cố và từng bước phát triển khoa là một khoa đào tạo trực thuộc Ban Giám hiệu như tất cả các khoa ngoại ngữ khác của trường; không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Nga, tiếng Hàn, thu hút ngày càng đông sinh viên theo học ở cả hai hình thức chuyên và không chuyên các thứ tiếng nói trên nhằm góp phần nâng cao uy tín và vị thế của HUBT đối với xã hội. Cần đặc biệt quan tâm tới các lớp cử nhân tiếng Nga, thực hiện mọi biện pháp có thể để sau này các sinh viên tốt nghiệp sẽ tìm được công ăn việc làm ở trong nước, cũng như tiếp tục đi học nâng cao hoặc đi làm việc ở Liên bang Nga, ở Hàn Quốc. Khoa coi đây là yếu tố quan trọng nhất, là cơ sở và là bàn đạp để tiếp tục phát triển khoa trong tương lai. Phương Thanh

Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới

BTĐKT - “Việc ứng dụng và phát triển loại hình sản phẩm cốm vị thuốc vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại Việt Nam sẽ là hướng đi tất yếu trong tương lai”. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo "Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới" do Khoa Dược, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức sáng 24/11. TS. Lê Ngọc Phan, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Dược phát biểu tại hội thảo Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Ngọc Phan, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Dược cho biết: Khoa Dược, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập ngày 15/8/2014. Đến nay, khoa đã quy tụ được đội ngũ giảng viên có trình độ và kinh nghiệm trong giảng dạy, được trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn gồm 18 phòng thí nghiệm với đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tính đến nay, Khoa Dược đã đào tạo được 3 khóa ra trường, các sinh viên tốt nghiệp đều được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản, các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành dược học đảm bảo đạt chuẩn năng lực cơ bản của dược sĩ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thị trường dược phẩm trong nước. Trong thời gian qua, song song với hoạt động đào tạo, khoa đã có nhiều cố gắng trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Các đề tài do khoa triển khai thành công đều có tính thực tiễn và khoa học, phục vụ kịp thời cho hoạt động đào tạo. Hội thảo khoa học "Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới" chia sẻ kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ của dược sĩ chuyên khoa II (DSCKII) Trần Bình Duyên, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm, Dược liệu Trung ương I (Mediplantex), hiện đang là Trưởng Bộ môn Dược liệu - Dược cổ truyền (Khoa Dược, Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội). Đề tài nghiên cứu đã vận dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại để bào chế thành công “cốm vị thuốc”. Không những thế, tác giả đã thành công triển khai ứng dụng nghiên cứu của mình vào sản xuất quy mô công nghiệp, đã sản xuất được gần 200 loại cốm vị thuốc. Đây là một bước ngoặt trong việc hiện đại hóa dược học cổ truyền, góp phần phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.  Dược sĩ CKII Trần Bình Duyên chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội thảo Tại hội thảo, DSCKII Trần Bình Duyên cho biết: Hiện nay rất nhiều nước sử dụng y học cổ truyền (YHCT) trong phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng cũng như nâng cao sức khỏe. Việt Nam có nền YHCT lâu đời, triển vọng sử dụng thuốc YHCT trong nước là rất lớn. Hàng năm, cả nước dùng khoảng 4,5 vạn tấn đến 5 vạn tấn dược liệu. Tuy nhiên, tình hình sử dụng thuốc YHCT hiện nay tại Việt Nam còn nhiều hạn chế: Chất lượng dược liệu dễ bị suy giảm do khó bảo quản; khó kiểm soát chất lượng dược liệu; việc sử dụng thuốc YHCT chưa tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ. Phương pháp sử dụng phổ biến nhất là sắc thuốc, trong khi sắc là một phương pháp kỳ công, tốn kém thời gian, người bệnh không sắc đúng hướng dẫn về kỹ thuật và thời gian có thể làm giảm hiệu quả điều trị… Cuối năm 2018, Hội đồng khoa học Bộ Y tế cho phép thực hiện dự án nghiên cứu "Nâng cấp quy trình điều chế và hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng của một số cao khô dược liệu" và tiến tới bào chế thành dạng cốm vị thuốc, một bước hiện đại hóa YHCT. Dự án được thực hiện trong 3 năm tại Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam, do DSCKII Trần Bình Duyên làm chủ nhiệm dự án. Kết quả, nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng của các cốm vị thuốc y học cổ truyền: Ba kích, bạch chỉ, bạch truật, cam thảo, cát cánh... với khoảng trên 200 loại, tiến tới sẽ chuẩn hóa tất cả các cốm vị thuốc y học cổ truyền. Cốm vị thuốc ra đời, ứng dụng trong thực tiễn điều trị của YHCT sẽ tạo ra bước đột phá trong việc sử dụng thuốc YHCT tại Việt Nam hiện nay với ưu điểm: Thuận lợi sử dụng, chất lượng được đảm bảo, đóng gói theo đơn vị chia liều nên dễ dàng bảo quản, vận chuyển, hấp thu nhanh, có thể điều chỉnh liều lượng dễ dàng, tạo ra nguồn nguyên liệu tiêu chuẩn hóa dưới dạng cao khô để phục vụ sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng... Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh phát biểu tại hội thảo Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh nhận định, hội thảo có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới là một hướng đi tốt. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các bệnh viện. Đặc biệt, cần chú trọng việc kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguồn thuốc, tiến tới xây dựng sàn giao dịch điện tử về thuốc đông y để minh bạch nguồn gốc thuốc… Nguyễn Công Giáp

Trang