Chính trị - Xã hội

Lần đầu tiên tổ chức “Ngày không túi nilon” tại Hà Nội

TĐKT - Ngày 5/10, tại siêu thị Tops Market The Garden (Hà Nội), diễn ra sự kiện “Ngày không túi nilon”, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng cùng chung tay bảo vệ môi trường. Người Hà Nội trải nghiệm mua sắm không túi nilon Tham gia “Ngày không túi nilon” tại Tops Market The Garden, người tiêu dùng được tặng 1 túi Lohas (loại túi sử dụng nhiều lần) cho hóa đơn mua sắm từ 500 ngàn đồng trở lên; với đơn hàng dưới 500 ngàn đồng, khách hàng có thể chọn mua túi Lohas với giá bán không lợi nhuận, hoặc được siêu thị hỗ trợ gói hàng miễn phí bằng thùng giấy carton nhằm thực hiện hiệu quả, thực chất “Ngày không túi nilon”. Dịp này, người tiêu dùng cũng được trải nghiệm mua sắm không túi nilon với các sản phẩm rau bọc lá chuối, rau bọc giấy, khay làm từ bã mía, thưởng lãm các mô hình trang trí bắt mắt, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, nhằm tạo sức lan tỏa của chương trình, nhân viên siêu thị Tops Market The Garden sẽ mặc đồng phục mang thông điệp “Bảo vệ môi trường”, “Ngày không túi nilon”… Giám đốc Trách nhiệm Xã hội, Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong tháng 9/2022, chuỗi sự kiện "Ngày không túi nilon" cũng đã được tổ chức thành công tại các siêu thị Tops Market khu vực TP Hồ Chí Minh; qua đó góp phần nâng cao nhận thức người tiêu dùng ở khu vực phía Nam về bảo vệ môi trường. Nhận thấy chương trình đầy ý nghĩa này có sức lan tỏa tốt, được người tiêu dùng ủng hộ mạnh mẽ, chúng tôi quyết định đem áp dụng ra khu vực miền Bắc. Và Tops Market The Garden là siêu thị đầu tiên ở miền Bắc áp dụng chương trình này. Chúng tôi hy vọng, các khách hàng ở Hà Nội sẽ ủng hộ mạnh mẽ chương trình, để chúng tôi có cơ hội mở rộng, tổ chức thêm các sự kiện này ở các siêu thị khác trong hệ thống bán lẻ Central Retail khu vực miền Bắc, trong thời gian tới”. Người Hà Nội hào hứng mua sắm tại Tops Market Hiện nay,sự kiện “Ngày không túi nilon” do Central Retail (đơn vị quản lý vận hành chuỗi siêu thị Tops Market) phát động, đã và đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các nhà cung cấp - thông qua việc phối hợp thực hiện bọc rau bằng là chuối, bọc rau bằng giấy; cung cấp các loại khay làm từ bã mía phục vụ nhu cầu mua sắm hàng chế biến sẵn tại các siêu thị Tops Market. Trên cơ sở nhận được sự đồng thuận của người tiêu dùng, từ các nhà cung cấp và đặc biệt là Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (cung cấp, tài trợ túi bảo vệ môi trường cho chương trình “Ngày không túi nilon”), Central Retail sẽ phấn đấu tổ chức được thường xuyên sự kiện “Ngày không túi nilon”. Cụ thể là mỗi tháng 1 lần, tiến tới mỗi tuần 1 lần, và trong tương lai sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng túi nilon ở hệ thống siêu thị của Central Retail tại Việt Nam. Tại “Lễ ra quân toàn quốc Phong trào Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát động, diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, ngày 9/6/2019, tập đoàn Central Retail Việt Nam đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Chứng nhận Thành viên Liên minh Chống rác thải nhựa. Từ đó  đến nay, Central Retail đã không ngừng nỗ lực để thực hiện vai trò của một thành viên tích cực trong Liên minh Chống rác thải nhựa, như: Áp dụng bán túi Lohas, không lợi nhuận, và khuyến khích khách hàng mang túi này khi đi mua sắm; các siêu thị GO!, Big C đã không còn kinh doanh ống hút nhựa; triển khai thí điểm sử dụng túi nilon phân hủy sinh học làm từ bột ngô và khoai tây tại Big C và GO!GO!, Big C áp dụng kinh doanh các sản phẩm rau bọc lá chuối, để giúp khách hàng đồng hành cùng siêu thị trong bảo vệ môi trường. GO!, Big C và Tops Market hỗ trợ đóng thùng giấy carton chứa hàng hóa miễn phí cho khách hàng, nhằm hạn chế sử dụng túi nilon. Hồng Thiết

Hội thảo khoa học cấp Quốc gia kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc sẽ diễn ra vào ngày 14/10

TĐKT – Chiều 6/10, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952 – 2022): “Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Ban Tổ chức cung cấp thông tin về Hội thảo Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định và làm rõ tầm nhìn chiến lược, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khả năng điều hành chiến tranh linh hoạt, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khi quyết định mở chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952; vai trò, đóng góp của lực lượng vũ trang, nhân dân cả nước, của đồng bào và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc, trực tiếp là quân và dân tỉnh Yên Bái; tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật quân sự; vận dụng, phát huy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, Hội thảo nhìn nhận, đánh giá những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của Đảng bộ, quân và dân các tỉnh Tây Bắc nói chung, của tỉnh Yên Bái nói riêng sau 70 năm Chiến thắng Tây Bắc. Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; giáo dục truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nội dung chính của Hội thảo tập trung vào những vấn đề: Một là, tập trung làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn, ý đồ của thực dân Pháp trong Thu - Đông 1952, đặc biệt là âm mưu tập trung lực lượng, đẩy mạnh càn quét, bình định quyết liệt, hòng mở rộng và kìm kẹp chặt vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hai là, khẳng định đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh. Phân tích, làm rõ quá trình chuẩn bị và tổ chức sử dụng lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi; nghệ thuật tác chiến chiến dịch, công tác bảo đảm vũ khí, trang bị, hậu cần và sự tham gia phục vụ chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch. Ba là, tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta; quá trình thực hành phương châm “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”, “vây điểm, diệt viện, phá điểm”, “đánh dài ngày, đánh liên tục, tiến từng bước chắc, sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng”. Làm rõ các cách đánh linh hoạt của quân và dân ta trong chiến dịch như: Phục kích, tập kích, truy kích, công kiên, kỳ tập; nghiên cứu sự kết hợp chặt chẽ giữa vận động chiến và du kích chiến, sự kết hợp giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng để giành thắng lợi. Bên cạnh đó, đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong vận dụng phương châm tác chiến, trong tổ chức, chỉ huy chiến đấu của cán bộ các cấp. Bốn là, thông qua kết quả công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền; công tác phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của các tỉnh Tây Bắc nói chung, của tỉnh Yên Bái nói riêng từ sau Chiến thắng Tây Bắ 1952 đến nay, tiếp tục đúc rút kinh nghiệm và xác định những định hướng chiến lược cho tương lai. Năm là, đánh giá tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử, kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo xây dựng, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 93 bài, trong đó có 6 bài khung, 84 bài báo cáo tham luận và 3 ý kiến nhân chứng lịch sử để biên tập, xuất bản sách phục vụ Hội thảo. Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, khoa học, bám sát nội dung chủ đề Hội thảo. Nội dung các tham luận đã đánh giá, phân tích và làm rõ về chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy trong Chiến dịch tiến công Tây Bắc năm 1952 và tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, khắc phục khó khăn của các lực lượng tham gia chiến dịch; vai trò của quân và dân trên địa bàn chiến dịch cũng như cả nước, góp phần làm rõ tư liệu, sự kiện khai thác có cách nhìn nhận mới, phong phú, tin cậy; phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề có tính khoa học và thuyết phục. Nhiều bài viết đã cung cấp thêm tư liệu, tài liệu mới, với nhãn quan chính trị và tư duy mới; có sự phân tích sâu, góp phần khẳng định thắng lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo Chiến dịch tiến công Tây Bắc năm 1952 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Hội thảo được tổ chức vào ngày 14/10/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái. Bên lề Hội thảo sẽ diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái; viếng nghĩa trang liệt sĩ; thăm và tặng quà gia đình chính sách… Phương Thanh

Ngày 11/10 sẽ diễn ra chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” năm 2022

TĐKT - Ngày 5/10, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu về chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” lần thứ IV, năm 2022 theo chủ đề “Hạnh phúc Vầng trăng khuyết”. Quang cảnh họp báo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người bảo trợ Đỗ Mạnh Hùng cho biết, nhằm góp phần triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, nhân kỷ niệm 92 năm ngày Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” lần thứ IV, năm 2022 theo chủ đề “Hạnh phúc Vầng trăng khuyết”. Chương trình giao lưu “sẽ được khai mạc vào lúc 20h00 ngày 11/10/2022 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội và được ghi hình, phát sóng trên Đài Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản thông báo việc đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Chương trình Giao lưu Hạnh phúc Vợ chồng người khuyết tật, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, là nguồn động viên to lớn cho Ban Tổ chức Chương trình. Tham dự chương trình có 35 cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu (năm 2012: 20 cặp; năm 2017: 30 cặp) và các con của họ đến từ 33 tỉnh, thành trên cả nước do Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam phát hiện, lựa chọn. Trong đó, thành phố Hà Nội và Đà Nẵng có 2 cặp vợ chồng. Có 14 cặp chồng khuyết tật - vợ lành; 3 cặp chồng lành - vợ khuyết tật; 18 cặp hai vợ chồng đều khuyết tật. Chương trình giao lưu được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam chủ trì tổ chức 5 năm một lần (từ năm 2007), nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật nói chung và trong tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình nói riêng. Thông qua đó, khích lệ tinh thần, động viên người khuyết tật phát huy khả năng, xây dựng và gìn giữ gia đình ấm no, hạnh phúc, trở thành tấm gương cho những người đồng cảnh cùng cố gắng vươn lên. 35 cặp vợ chồng là 35 câu chuyện tình yêu, hôn nhân với nhiều cung bậc cảm xúc, thăng trầm, giông bão. Họ đã phải vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại để đến được với nhau, cùng chia sớt ngọt bùi, đắng cay, đơn giản chỉ mong luôn được bên nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Họ là những cặp vợ chồng đến từ mọi miền Tổ quốc, với nhiều dạng tật khác nhau, hoàn cảnh, công việc, thành phần cũng khác nhau. Từ nông dân, công nhân, trí thức, thương binh, công chức nhà nước, nhân viên công tác xã hội, đến thể thao, công nghệ thông tin, chủ cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, người lành... Nhưng họ có nét chung là biết rung động yêu thương chân thật, biết đồng cảm, sẻ chia, nương tựa nhau, dũng cảm vượt qua thử thách để đón nhận hạnh phúc của mình, khi trái tim chạm đến trái tim một cách chân tình mà không phân biệt lành lặn hay khuyết tật. Đó là anh Nguyễn Hữu Hậu và chị Nguyễn Thị Lương (Hải Phòng). Khi đang học lớp 8, cơ thể anh Hậu bắt đầu có những thay đổi, bị kéo gò, chân tay teo dần, co quắp không thể đi lại được, chỉ lê với bò. Vượt qua nỗi đau thể xác, mặc cảm, tự ti, anh quyết tâm đi học nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Anh quen chị Lương trong một lần về thăm người thân ở Hải Dương. Ban đầu gia đình hai bên đều phản đối vì lo hai vợ chồng khuyết tật sẽ không có tương lai và cuộc sống ổn định. Anh chị đã thuyết phục bằng những dẫn chứng cụ thể, hợp lý để gia đình đồng ý để anh chị đến với nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc với 2 con (2010 gái, 2014 trai) và phát triển kinh tế. Năm 2009, với sự giúp đỡ của bố mẹ, gia đình, đặc biệt là sự động viên của chị Lương, anh Hậu mở xưởng gỗ mỹ nghệ Hiệp Hậu. Để phát triển kinh doanh, anh chị vay mượn gần 1 tỷ đồng đầu tư dàn máy CNC, nâng doanh thu của cơ sở lên 60 triệu đồng/tháng. Hiện, xưởng tạo việc làm và dạy nghề cho nhiều lao động khuyết tật và khỏe mạnh tại địa phương. Anh chị là 1 trong 22 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2020. Ngoài ra, anh Hậu còn tích cực tham gia hoạt động xã hội và cộng đồng, được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhiều lần khen thưởng. Mong muốn được tạo điều kiện về chính sách, vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, giúp đỡ người đồng cảnh. Anh Lê Công Hoan và chị Phạm Thị Tư cũng là cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến tham dự chương trình. Anh Hoan quê ở Khánh Hòa, sau cơn sốt năm 1 tuổi, anh bị teo hẳn một bên chân phải. Gia đình nghèo lại đông con nên học lên cấp II anh phải nghỉ giữa chừng. 18 tuổi, anh đi xin việc nhiều nơi nhưng không được, may nhờ người anh ở Vũng Tàu đón vào ở để phụ anh xới đất trồng cây. Sau 3 năm, người anh trả cho một số tiền làm vốn tự lập. Quá trình đi tìm việc, anh gặp chị Tư (quê miền Trung) cũng đang đi tìm việc. Thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, anh chị nảy sinh tình cảm. Bằng tất cả sự chân thành, kiên trì thuyết phục, chờ đợi, cuối cùng gia đình chị cũng đồng ý để anh chị tổ chức 1 đám cưới đơn giản năm 2008 và đón chào con trai kháu khỉnh năm 2009. Từ số vốn tích cóp, anh chị thuê 7.000 m2 đất và được Hội NNCĐDC tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho vay 150 triệu đồng, anh chị đã phát triển nghề trồng hoa, trồng rau, cây cảnh, thu lời hàng trăm triệu đồng. Hiện anh chị đang cưu mang 5 NKT nặng không xin được việc làm với tiền lương 6 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm cho 15 - 20 lao động nghèo ở địa phương với mức lương 9 triệu đồng/tháng, đóng góp vào quỹ Hội, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho NKT. Hay cặp vợ chồng Đoàn Ngọc Bảo và Nguyễn Thị Lệ Thu (Hà Nội) cũng rất xứng đáng được mời tham dự chương trình giao lưu ý nghĩa này. Cả 2 đều khá nổi tiếng trên cộng động mạng, vì vậy trong 1 lần chị Thu lướt facebook bắt gặp hình ảnh của anh Bảo - chàng trai có hoàn cảnh giống mình mà toát lên một sự lạc quan, năng lượng thu hút chị Thu. Sau đó cả 2 kết bạn và trò chuyện và sau 3 lần gặp đã quyết định tiến tới hôn nhân. Khi quyết định bên nhau, cả 2 đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ gia đình bạn bè. Nhưng bằng tình yêu, sự quyết tâm của cả 2 và kết quả cho thấy, chỉ cần cả 2 cùng cố gắng vun đắp, không có đúng hay sai, đúng thời điểm gặp đúng người sẽ tạo nên 1 gia đình hạnh phúc. Hai vợ chồng luôn trở thành chủ đề hot cho cộng đồng bởi từ khi còn độc thân hay đến khi đã kết hôn vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, luôn cố gắng trong cuộc sống, trở thành gia đình kiểu mẫu mà nhiều người mong muốn. Hiện tại vợ chồng anh Bảo, chị Thu đã có bé trai gần 2 tuổi. Trong quá trình bầu bí rồi sinh nở, chăm con, với 2 người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, chăm sóc, nhưng vợ chồng chị Thu đã vượt qua tất cả bằng tinh thần tự lập, tự thân vận động. Hồng Thiết

Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ X diễn ra từ ngày 11 - 12/10

TĐKT – Sáng 4/10, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam gặp mặt báo chí thông tin về Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ X (2022 - 2027). Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) và Đại tá Trần Viết Năng, Trưởng Ban Thanh niên Quân đội, đồng chủ trì buổi gặp mặt. Gặp mặt báo chí thông tin về Đại hội (ảnh: QDND) Với khẩu hiệu hành động “Bản lĩnh, khát vọng, xung kích, sáng tạo” và sự tham dự của 450 đại biểu chính thức, Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ X (2022 - 2027) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 - 12/10/2022. Đại hội có chủ đề “Thanh niên Quân đội trung thành, dũng cảm, khát vọng cống hiến, xung kích, sáng tạo, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đại hội nhằm tiếp tục quán triệt, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, đồng thời là dấu mốc cho bước phát triển mới của công tác đoàn và phong trào thanh niên quân đội. Thành công của Đại hội góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 (Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII); đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; cùng với tuổi trẻ cả nước xung kích, sáng tạo thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội sẽ tổng kết, đánh giá kết quả công tác đoàn và phong trào thanh niên Quân đội 5 năm (2017 - 2022); xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác đoàn và phong trào thanh niên Quân đội 5 năm (2022 - 2027); trao thưởng phong trào thi đua (2017 - 2022) và phát động phong trào thi đua (2022 - 2027). Tại Đại hội, các đại biểu tham dự góp ý dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII; bầu đoàn đại biểu Thanh niên Quân đội dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Ngoài phiên chính thức, dự kiến trong khuôn khổ Đại hội còn diễn ra một số hoạt động như: Lễ báo công, dâng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; chương trình nghệ thuật chào mừng chủ đề “Khát vọng cống hiến”; trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của các cơ quan, đơn vị phản ánh hoạt động của tuổi trẻ Quân đội (2017 - 2022). Nhân dịp này, các cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Thanh niên Quân đội rèn đức, luyện tài, xung kích sáng tạo, quyết thắng” giai đoạn 2017 - 2022 sẽ được trao thưởng; đồng thời tiếp tục phát động phong trào này trong giai đoạn 2022 - 2027. Nguyệt Hà

Phát động cuộc thi Giải quyết tình huống kinh doanh dành cho học sinh trung học Việt Nam năm 2022

TĐKT – Chiều 1/10, Lễ phát động cuộc thi Giải quyết tình huống kinh doanh dành cho học sinh trung học Việt Nam (VHBC) năm 2022 đã diễn ra tại Hà Nội. Được sáng tạo bởi Tổ chức Định hướng và Phát triển tiềm năng trẻ (YEO), Tổ chức cố vấn nghề nghiệp (TTC) và Tổ chức tư vấn sinh viên (SCG), cuộc thi tiên phong đem đến cơ hội trau dồi kiến thức hữu ích và trải nghiệm mới mẻ, thực tế trong môi trường doanh nghiệp cho các bạn học sinh trung học. Anh Trần Ngọc Sơn - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Tổ chức cố vấn nghề nghiệp phát động cuộc thi Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2022, thế hệ Z (sinh năm 1997 - 2012) sẽ đóng góp một phần ba lực lượng lao động tại Việt Nam. Với mong muốn bồi dưỡng kiến thức kinh doanh thực tế cho các bạn học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chuẩn bị sẵn sàng hành trang bước vào thị trường lao động trong tương lai, VHBC 2022 được tổ chức lần đầu tiên trên quy mô toàn quốc; chào đón sự đồng hành, cố vấn của nhiều trường THPT, đại học và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Cuộc thi dự kiến sẽ thu hút 1000 thí sinh đăng ký, truyền tải thông tin tới gần 500.000 phụ huynh, học sinh và các đơn vị khác. Đến với cuộc thi, các thí sinh sẽ được nhận những quyền lợi hấp dẫn như: Tham gia Ngày Hướng nghiệp, chuỗi training độc quyền từ các chuyên gia trong ngành, thăm quan Đại học Top tại Vietnam, Networking day: Gặp gỡ và kết nối với các đội thi, các nhà tài trợ và chuyên gia trong ngành, miễn phí tham dự đêm Chung kết và truy cập không giới hạn tới các tài liệu độc quyền của cuộc thi. Tổng giá trị giải thưởng dành cho Top 3 chung cuộc là 160.000.000 VNĐ, cùng gói tài trợ 100% khi tham gia cuộc thi Tiger Global Case Competition - sân chơi kinh doanh toàn cầu cho các bạn THPT trên toàn thế giới và rất nhiều phần quà hấp dẫn khác từ các nhà tài trợ, ban tổ chức chương trình. Xuyên suốt 2 tháng cuộc thi (24/09/2022 - 27/11/2022), các thí sinh sẽ trải qua 03 vòng: Vòng 1 (24/09 - 23/10): Bài Kiểm tra đánh giá các kỹ năng đọc hiểu kiến thức kinh doanh cơ bản và xử lý số liệu trong môi trường kinh doanh. Ngoài ra, hàng loạt sự kiện đồng hành sẽ được tổ chức nhằm hỗ trợ thí sinh trong quá trình tham gia như: Chuỗi chương trình phát động tại các trường THPT, Hội thảo “Bài tập tình huống trong kinh doanh”, Ngày hội thông tin với sự tham gia của nhiều giáo sư từ các trường đại học, Ngày định hướng nghề nghiệp… Vòng 2 (24/10 - 13/11): Giải quyết thách thức kinh doanh với đề bài thực tế từ đối tác doanh nghiệp. Trong thời gian này, top 40 đội thi xuất sắc nhất sẽ tham gia chuyến tham quan trường đại học được tổ chức bởi nhà tài trợ kim cương; đồng thời có cơ hội gặp gỡ, kết nối với các anh chị cố vấn tài năng và giải bài tập tình huống với sự giúp đỡ của cố vấn. Vòng 3 (25/11 - 27/11): Giải đề đặc biệt và thuyết trình trong Đêm chung kết (27/11). Tại đây, top 10 đội thi xuất sắc sẽ được tham gia phiên đào tạo cùng trại tập huấn đặc biệt, được chỉ dẫn cách tiếp cận vấn đề, phân tích dữ liệu, tổng hợp thông tin... bởi các huấn luyện viên và cố vấn, qua đó tối ưu chất lượng bài làm. Trong Đêm chung kết, các đội thi sẽ thuyết trình và tranh biện, làm cơ sở để Ban Giám khảo quyết định kết quả cuối cùng. Tại Lễ phát động, anh Trần Ngọc Sơn - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Tổ chức cố vấn nghề nghiệp (TTC) cho biết: “Khi tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ đặt bản thân mình vào các vị trí lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp như Giám đốc điều hành, Giám đốc Marketing, nhân sự,... để đưa ra giải pháp cho các vấn đề khó khăn mà công ty gặp phải. Với mô hình đã được kiểm chứng tại các trường kinh doanh hàng đầu trên thế giới như Harvard, Stanford, Columbia, Oxford, Cambridge... VHBC 2022 hứa hẹn sẽ là một cuộc thi hấp dẫn với các bạn học sinh THPT, giúp các bạn khám phá tiềm năng của bản thân trong ngành kinh doanh và có định hướng rõ ràng hơn trong lộ trình phát triển bản thân và sự nghiệp. Bên cạnh đó, việc đạt thứ hạng cao trong cuộc thi cũng sẽ giúp các thí sinh có lợi thế cạnh tranh khi ứng tuyển vào các trường Đại học hàng đầu”. Hiện nay, vòng 1 của cuộc thi đang diễn ra và sẽ chính thức đóng cổng nhận đơn đăng ký vào ngày 18/10/2022. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng truy cập: https://www.vhbc.vn/ Phương Thanh

Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022

TĐKT – Ngày 1/10, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022 với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch”. Dự diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương, các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng 500 đại biểu. Các đại biểu tham gia chia sẻ tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022 Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết: Giai đoạn này đất nước đang trong quá trình phục hồi sau ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng từ đại dịch. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, đồng lòng, chúng ta đang nỗ lực vượt qua, từng bước khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế. Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022 do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức mong muốn đóng vai trò kết nối, kiến tạo để tìm ra những giải pháp sáng tạo, đột phá nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Trước thềm sự kiện, BTC đã phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến; các hoạt động khảo sát ý kiến nhằm tham vấn cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước. Các hoạt động đã thu hút tổng cộng hơn 1.000 lượt thanh niên khởi nghiệp tham gia, nhận được hơn 3.000 lượt đề xuất, góp ý của cộng đồng thanh niên khởi nghiệp. Trước đó, nhiều CEO đã tham gia chia sẻ sôi nổi tại Diễn đàn “Phát triển hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong thách thức của kinh tế số” Nổi bật là 2 diễn đàn chuyên sâu với chủ đề “Cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam” và “Phát triển hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong thách thức của kinh tế số”. Hai diễn đàn chuyên sâu đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia và đại diện các đơn vị hoạch định chính sách về khởi nghiệp. Các tham luận và ý kiến đóng góp xoay quanh nhiều vấn đề quan trọng như thực trạng về cơ chế, chính sách dành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực trẻ thích ứng với khởi nghiệp trong nền kinh tế số… Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát biểu. “Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ và sự tham dự của các vị đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng các bộ ngành, địa phương, các quan khách quốc tế và đặc biệt là hơn 500 đại biểu đại diện cho cộng đồng thanh niên khởi nghiệp, tôi tin tưởng rằng diễn đàn sẽ tiếp tục đón nhận được nhiều sáng kiến, giải pháp chất lượng, để góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Từ đó tạo động lực để thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đồng hành cùng đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch và xa hơn là tham gia xây dựng đất nước phát triển hùng cường vào năm 2045”, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương khẳng định. Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang có những thuận lợi và thách thức. Cụ thể, chúng ta có điểm lợi thế là một nước có nền chính trị - xã hội ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được đánh giá cao và liên tục cải thiện; năng lực cạnh tranh toàn cầu được tăng lên qua mỗi năm; bảo đảm kinh tế vĩ mô được thực hiện tốt; Đảng, Chính phủ tạo điều kiện, môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... Đây là những điểm làm nền tảng cho những hoạt động đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh đến “tinh thần khởi nghiệp” trong thanh niên. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp cũng cần có sự kết nối, tạo nên vòng tròn các mối quan hệ để cùng nhau khởi nghiệp, tạo nên sự thành công. Ông Toni Eliasz, chuyên gia cao cấp từ Ngân hàng Thế giới đã gửi đến diễn đàn những gợi mở cho Việt Nam để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông gợi mở, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa đem lại các giải pháp số hóa dựa trên dữ liệu như công nghệ y tế, phân tích dữ liệu bigdata, dịch vụ web, công nghệ bảo mật… Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những ý kiến, giải pháp mà các đại biểu đã đề xuất nhằm tiếp tục đóng góp cho việc cải thiện môi trường, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đồng hành cùng đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch. Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Quá trình khởi nghiệp sáng tạo, thanh niên cần chú trọng đến những tiêu chí phát triển bền vững như "xanh", "sạch", "an toàn" và ưu tiên phát triển những mô hình có sự lan tỏa, đóng góp cho việc phát triển cộng đồng và duy trì tâm thế về trách nhiệm đối với xã hội". Trước những thách thức đặt ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh để tiếp tục quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đất nước, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, thanh niên là một trong những lực lượng có vai trò, đóng góp quan trọng. Do đó, cần tiếp tục nuôi dưỡng, thôi thúc tinh thần làm giàu chính đáng trong mỗi thanh niên nói riêng cũng như người dân Việt Nam nói chung và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phó Thủ tướng lưu ý quá trình khởi nghiệp luôn tiềm tàng những khó khăn, với độ rủi ro cao. Ông cho rằng ngay từ đầu quá trình khởi nghiệp sáng tạo, thanh niên cần chú trọng đến những tiêu chí phát triển bền vững như "xanh", "sạch", "an toàn" và ưu tiên phát triển những mô hình có sự lan tỏa, đóng góp cho việc phát triển cộng đồng và duy trì tâm thế về trách nhiệm đối với xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022 - 2027 về nâng cao vai trò của thanh niên trong thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phát huy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong khuôn khổ của diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thống nhất xây dựng Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022 - 2027 với mục tiêu thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao vai trò của thanh niên trong thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Mai Thảo  

Đối thoại Bộ trưởng ASEAN Hoa Kỳ về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng của phụ nữ

TĐKT - Ngày 29/9,  đã có cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN - Hoa Kỳ do In-đô-nê-sia chủ trì đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là sáng kiến do Hoa Kỳ đề xuất tổ chức trong năm 2022 nhằm thực hiện Kế hoạch hành động Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Đối thoại nhằm thảo luận về hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt về lồng ghép giới; phòng, chống bạo lực; phụ nữ, an ninh và hòa bình và quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Quanh cảnh đối thoại Đối thoại có sự tham dự của 9 Bộ trưởng, Trưởng đoàn của các nước ASEAN và Hoa Kỳ phụ trách vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, Tổng Thư ký ASEAN, các đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại cùng sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan tại Việt Nam, gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tại Phiên khai mạc của Đối thoại, Bộ trưởng Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ trẻ em In-đô-nê-sia và Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã phát biểu khai mạc và chào mừng các Bộ trưởng, Trưởng đoàn và đoàn các nước thành viên ASEAN và Hoa Kỳ tham dự Đối thoại. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà  Phát biểu khai mạc Đối thoại, bà I GUSTI AYU BINTANG DARMAWATI, Bộ trưởng Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ trẻ em In-đô-nê-sia, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) giai đoạn 2021 - 2023 đánh giá cao những cam kết và sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho ASEAN trong lĩnh vực thúc đẩy và tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái với việc xây dựng Khung Chiến lược Lồng ghép giới trong ASEAN và Kế hoạch Hành động khu vực về phụ nữ, an ninh và hòa bình để trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 ghi nhận và thông qua. Đồng thời, bà cũng tự hào về những tiến bộ của khu vực ASEAN trong việc tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ với việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và tài chính bao trùm để cải thiện năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN, tăng cường tinh thần và tiềm năng kinh doanh của phụ nữ trong ASEAN và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi mọi hình thức bạo lực. Tại Đối thoại, các Bộ trưởng, trưởng đoàn đã chia sẻ về chiến lược và sáng kiến của quốc gia trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ. Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao việc tổ chức Đối thoại ngày hôm nay và hy vọng Đối thoại sẽ góp phần tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các nước thành viên ASEAN và Hoa Kỳ trong việc thu hẹp các khoảng cách về giới trong thời gian tới. Chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định Việt Nam luôn cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực lao động và việc làm. Điều này đã được thể hiện trong những tiến bộ về cải cách luật pháp, chính sách như sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gian đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm, đặc biệt là áp dụng các công nghệ dạy học tiên tiến, các chương trình học tập linh hoạt từ xa nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động nữ.  Nhận thức được giá trị và vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc bảo vệ an ninh và phát triển đất nước, Việt Nam thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về Chương trình nghị sự về Phụ nữ, hòa bình và an ninh và các Nghị quyết liên quan khác. Tính từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 74 nữ quân nhân Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó, 8 sĩ quan hoạt động độc lập; 45 người trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 21 người trong đội Công binh. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hy vọng trong thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các nước thành viên ASEAN thực hiện các cam kết về bình đẳng giới để thực sự tăng cường quyền năng cho phụ nữ trong tương lai việc làm và phục hồi sau đại dịch. Các Bộ trưởng, trưởng đoàn đã ra Tuyên bố chung của Đối thoại trong đó khuyến khích các nước thành viên ASEAN thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em gái, thực hiện Khung Chiến lược Lồng ghép Giới của ASEAN, Kế hoạch làm việc của Ủy ban ASEAN về Phụ nữ (ACW) (2021 - 2025), các khuôn khổ và kế hoạch làm việc liên quan của ASEAN. Trước đó, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ về Bình đẳng giới và Tăng cường quyền năng cho phụ nữ đã được tổ chức trực tuyến vào ngày 29 tháng 7 năm 2022 nhằm thảo luận và báo cáo các nội dung lên Đối thoại. Hồng Thiết

Nâng cao vai trò của báo chí trong phổ biến kiến thức và tư vấn phản biện

TĐKT - Ngày 29/9, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí trong phổ biến kiến thức và tư vấn phản biện của Liên hiệp Hội. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch VUSTA cho biết: VUSTA có nhiệm vụ quan trọng là đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức; chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hội thảo Nâng cao vai trò của báo chí trong công tác phổ biến kiến thức Trong những năm qua, hai nhiệm vụ trên đã được VUSTA thực hiện rất thành công. Hội thảo được tổ chức nhằm phát huy và nâng cao vai trò tư vấn phản biện của các cơ quan báo chí trong VUSTA. ThS Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội của VUSTA cho rằng, vai trò của báo chí rất quan trọng và là một kênh tư vấn phản biện hiệu quả. Bên cạnh đó, báo chí còn là công cụ để lan tỏa thông điệp tư vấn phản biện cũng như góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận của xã hội. Ngoài ra, báo chí cũng đã góp phần tạo sự công khai, minh bạch, dân chủ đối với các vấn đề về tư vấn phản biện. Nhận định, đánh giá về công tác giám sát, phản biện xã hội hiện nay của các cơ quan báo chí, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Phụ trách báo Hà Nội Mới chia sẻ: Thời gian qua, hoạt động giám sát xã hội ở nước ta gặp không ít khó khăn, nhất là việc thực thi chức năng giám sát của báo chí đối với xã hội. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, để phát huy chức năng giám sát xã hội của báo chí, chính quyền các cấp cần sử dụng thành thạo công cụ dư luận, đồng thời chúng ta cũng cần nâng cao trình độ giám sát, trình tự giám sát và kiên trì khuynh hướng giám sát mang tính xây dựng, phát huy tốt vai trò tích cực và chủ động của báo chí trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Hội thảo góp phần nhằm nâng cao tầm nhận thức, nâng cao kỹ năng để thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm của Liên hiệp Hội Việt Nam, từ đó tìm ra giải pháp cho hệ thống truyền thông báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam phát triển và sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, mang tính khách quan, tính định hướng cao, thu hút đông đảo bạn đọc. Hồng Thiết  

Khuyến khích người dân sử dụng kênh số, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số

TĐKT - Chiều 29/9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức họp báo phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chủ trì buổi họp báo. Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban đã nhấn mạnh, chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và người dân cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện, mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Họp báo phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết: Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” là một trong những sáng kiến hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng kênh số, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số nhiều hơn, được hưởng thụ lợi ích trực tiếp do chuyển đổi số mang lại. Quan điểm của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT - cơ quan thường trực của Ủy ban là làm những việc thiết thực, hiệu quả, mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân, nhất là năm nay chủ đề hoạt động chuyển đổi số là chuyển hoạt động của người dân lên môi trường số. Với tinh thần ấy, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay, Bộ TT&TT phát động Chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” với các chương trình ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số nhắm đến hai nhóm đối tượng: Nhóm đã và đang sử dụng dịch vụ số (nhằm tăng thêm thời lượng sử dụng cho họ) và nhóm đối tượng người dùng mới (nhằm khuyến khích người dân tham gia kênh số, sử dụng sản phẩm dịch vụ số). Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đồng hành với người dân trong tiến trình chuyển đổi số bằng cách đồng loạt có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ. Các Tổ Công nghệ số cộng đồng cũng đã, đang và sẽ tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn từng người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Qua quá trình sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, người dân sẽ có kỹ năng số. Có kỹ năng số sẽ thúc đẩy tiêu dùng số, hình thành thị trường số từ đó phát triển kinh tế số, xã hội số. “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” là cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu cho người dân biết đến những sản phẩm, dịch vụ số do các doanh nghiệp cung cấp, từ đó kích thích tiêu dùng số, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, từ nay và trong suốt tháng 10/2022, Bộ TT&TT tiếp tục kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay, hưởng ứng tham gia Chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số". Doanh nghiệp đăng ký tham gia cung cấp thông tin về chương trình ưu đãi sản phẩm, dịch vụ số tại địa chỉ https://form.gov.vn/FlM2Jn Thông tin về chương trình, chính sách ưu đãi của doanh nghiệp sẽ được tổng hợp và đăng tải công khai, rộng rãi trên Cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia: https://dx.gov.vn. Cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia đăng tải danh sách chi tiết các chính sách miễn phí, ưu đãi, giảm giá cho người dân nhân dịp tháng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10. Cổng thông tin về chuyển đổi số quốc gia cũng đăng tải nhiều thông tin hữu ích khác về chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp, chính quyền tham khảo. Phương Thanh

Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng”

TĐKT - Thực hiện Chỉ thị số 39 - CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030; chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII; triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trong 2 ngày 28 và 29/9, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” 2022. Trong khuôn khổ chương trình, sáng 29/9, tại khách sạn Khăn quàng đỏ, Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng”. Toàn cảnh buổi tọa đàm Dự tọa đàm có bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, anh Nguyễn Trung Tâm – Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch UBTW Hội LHTN Việt Nam, đại diện của Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững MSD, CLB Thanh niên khuyết tật Việt Nam và 50 đại biểu tham gia chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt năm 2022. Tọa đàm là nơi để các đại biểu chia sẻ thực trạng, khó khăn trong quá trình hòa nhập cộng đồng của thanh niên khuyết tật. Tại tọa đàm các đại biểu cũng đã lắng nghe các tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý với các chủ đề: Cơ chế chính sách đối với người khuyết tật và thanh niên khuyết tật; giải pháp đổi mới công nghệ để người khuyết tật hòa nhập xã hội; hoạt động của CLB Thanh niên khuyết tật Việt Nam trong hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Các đại biểu cũng đã cùng bàn bạc và đưa ra những kiến nghị chính sách, những giải pháp để thực hiện mong muốn, khát khao được hòa nhập cộng đồng của các thanh niên khuyết tật. Sau hai tiếng trao đổi, chia sẻ, bàn bạc đã có nhiều sáng kiến, đóng góp, kiến nghị chính sách, tạo môi trường thuận lợi để những thanh niên khuyết tật được hòa nhập cộng đồng và phát huy khả năng, sự cống hiến của mình cho xã hội. Đa số đại biểu và các chuyên gia thống nhất, cần có một tổ chức tập hợp, đoàn kết thanh niên khuyết tật để các thanh niên khuyết tật để cùng chia sẻ và phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Thục Anh

Trang